Cổng thông tin:Phật giáo/Kinh/Lưu trữ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Pháp hoa kinh

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất, được lưu truyền rộng rãi ở các nước Á Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tương truyền, kinh Pháp Hoa được Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết giảng trên đỉnh núi Linh Thứu trước khi ngài nhập bát-niết-bàn, tức vào chặng đường cuối của sự nghiệp hoằng hóa chúng sinh: Hoa nghiêm, A-hàm, Phương Quảng, Bát-nhã và Pháp Hoa - Niết-bàn.

Kinh này trình bày nhiều quan điểm chủ yếu của Phật giáo Bắc Tông và có ảnh hưởng lớn đến nhiều tông phái khác nhau của Đại thừa như Thiên Thai tông, Thiền tông, Phật giáo Nichiren. Kinh được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau: tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Pháp. Thông thường các dịch bản dựa trên bộ kinh dịch từ tiếng Phạn của Kumārajīva đã biến đổi chút nhiều, bản tiếng Việt lưu hành phổ biến nhất có lẽ là bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh.

Kinh A-di-đà là một bộ kinh Đại thừa quan trọng được lưu hành rộng rãi ở Phật giáo các nước Đông Á chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc. Kinh này miêu tả Tịnh độ Cực lạc của Phật A-di-đà cũng như pháp môn Niệm Phật để được vãng sinh về quốc độ của Phật Vô Lượng Thọ. Do đó, đây là một trong ba bộ kinh căn bản của Tịnh độ tông. Tuy nhiên, Kinh A-di-đà có lẽ là kinh phổ biến nhất và thường được đọc tụng hàng ngày bởi các Phật tử. Không những vậy, kinh còn thường được các thiền viện trùng tụng.

Đại thừa Đại-bát Niết-bàn Kinh là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất thuộc hệ Như Lai Tạng. Tương truyền, kinh này được Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết giảng ngay trước khi ngài nhập Vô dư Niết-bàn. Hiện nay, người ta chưa xác định được chính xác thời gian ra đời của kinh Niết-bàn nhưng có thể có trước tác vào khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên. Nguyên bản tiếng Phạn đã bị thất truyền ngoại trừ một vài trích đoạn nhỏ, thế nhưng dịch bản Hán - Tạng vẫn còn được lưu truyền tới ngày nay. Kinh có hai bản dịch tiếng Trung là dịch bản của ngài Dharmakṣema và bản còn lại của pháp sư Pháp Hiển. Hai bản này có chút sai khác về nội dung, cụ thể là bản của ngài Dharmakṣema khẳng định rằng mọi chúng sinh đều có Phật tính trong khi bản của ngài Pháp Hiển nói rằng tồn tại một vài loài hữu tình không có khả năng giác ngộ thành bậc Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Tuy nhiên, truyền bản của ngài Dharmakṣema vẫn được lưu truyền phổ biến hơn ở các nước Đông Á và có ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống giáo pháp ở các nước này.

Nhập Lăng-già kinh là một bộ kinh Đại thừa, đặc biệt nhấn mạnh đến tính giác ngộ nội tại, qua đó mọi hiện tượng nhị nguyên đều biến mất, hành giả đạt tâm vô phân biệt. Đó là tâm thức đã chứng được Như Lai tạng vốn hằng có trong mọi loài. Kinh này chỉ rõ là văn tự không đóng vai trò quan trọng gì trong việc trao truyền giáo pháp. Kinh bao gồm 9 chương văn xuôi trộn lẫn với các câu kệ và một chương chỉ toàn văn vần. Kinh này lần đầu được dịch ra Hán văn trong thế kỉ thứ 5. Kinh Nhập Lăng-già được Phật thuyết tại Tích Lan theo lời mời của một nhà vua xứ này, trong đó Phật trả lời những câu hỏi của Bồ-tát Đại Huệ. Giáo pháp trong kinh này là nền tảng của Duy thức tông.

Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh

Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa là một bộ kinh bao gồm khoảng 40 bài kinh Đại thừa được gọi chung dưới tên này với nội dung, mục đích hướng dẫn hành giả đạt được trí Bát-nhã, thành tựu Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Bộ kinh này là một phần quan trọng của bộ kinh Phương đẳng, được ghi có lẽ từ thế kỉ thứ nhất TCN nguyên đến khoảng thế kỉ thứ 5. Ngày nay, phần lớn kinh này chỉ còn trong dạng chữ Hán hoặc chữ Tây Tạng, không mấy còn trong dạng Phạn ngữ.

Trong bộ kinh này thì hai bài Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinhBát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh là nổi tiếng nhất, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, kể cả Anh, Pháp và Đức. Luận sư quan trọng nhất của kinh Bát-nhã là Long Thụ. Bộ kinh này có tính giáo khoa rất cao, tương tự như các bộ kinh văn hệ Pali. Phần lớn các bài kinh là những lời khai thị cho Tu-bồ-đề, được Phật thuyết giảng trên đỉnh Linh Thứu.

Đại Nhật kinh

Kinh Đại Nhật là một bộ kinh quan trọng của Mật tông. Kinh được Đại Sư Śubhākarasiṃha dịch sang Hán văn vào đời Đường, năm 724, với sự hỗ trợ của Sư Nhất Hạnh và Bảo Nguyệt. Kinh mang số 848 và được xếp vào sách thứ 18 của Đại Chính tân tu đại tạng kinh. Đại Nhật kinh bao gồm 7 quyển với 6 quyển đầu là chính văn và quyển thứ bảy nói về nghi thức hành lễ. Kinh này kết hợp với Kim cương đỉnh kinhTô tất địa kinh tạo thành pháp tu cốt lõi của Mật Tông.

Hoa nghiêm kinh

Kinh Hoa Nghiêm là một bộ kinh Đại thừa, lập giáo lý căn bản của Hoa Nghiêm tông. Kinh nhấn mạnh đến tính "vô ngại" của mọi hiện tượng và chủ trương rằng tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật. Quan điểm này của Đại thừa hay được Thiền tông nhấn mạnh và vì thế, kinh này cũng thường được tông này nhắc đến.

Kinh Hoa nghiêm thuộc về những bộ kinh hệ Phương đẳng, là một bộ kinh gồm 81 quyển mà phần dài nhất là phẩm Hoa nghiêm. Một phần quan trọng độc lập khác là Thập địa. Ngày nay người ta chỉ còn tìm thấy kinh Hoa Nghiêm trong dạng chữ Hán và chữ Tây Tạng, phần chữ Hán được dịch trong thế kỉ thứ 5.

Lăng-nghiêm kinh

Kinh Lăng-nghiêm là một bộ kinh đã được tất cả các trường phái Phật giáo Trung Hoa tụng niệm và nghiên cứu từ đời nhà Đường và thường được luận giải ở các thế kỷ tiếp theo sau. Kinh Lăng Nghiêm rất được những người "hợp nhất tam giáo" đời nhà Tống và đời nhà Minh ưa chuộng.

Kinh Lăng Nghiêm dần dần được các tổ Thiền tông đặc biệt quan tâm, trong đó có các ngài Trường Thủy Tử Duệ, Hám Sơn Đức Thanh và Tuyên Hóa đã góp nhiều công sức phổ biến và giảng giải.

Viên giác kinh

Kinh Viên giác là một bộ kinh quan trọng trong hệ thống tư tưởng Phật giáo Đại Thừa và được Pháp sư Buddhatrāta dịch sang Hán văn vào năm 693, dịch giả là người nước Kế-Tân và Hán Văn chưa thông thạo lắm nên trong bản dịch còn có chỗ dịch tối nghĩa, khó hiểu.

Kinh này bao gồm 12 chương, mỗi chương lấy tên của một trong 12 vị Đại Bồ-tát đã tham vấn với Phật Thích-ca Mâu-ni. Phần nội dung và kết thúc của mỗi chương bao gồm 12 lần hỏi đáp, trong đó đặc biệt nhất là chương Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền được Đức Phật khai thị về sự viên mãn của giác ngộ. Xoay quanh các chương này là các cuộc tham vấn liên quan đến các vấn đề như nguồn gốc và bản chất của Vô minh, Đốn ngộ và Tiệm Tu, bản thể Phật tính nguyên thủy, phương pháp Thiền Định, những vấn đề này về sau cũng được làm rõ trong Đại Thừa Khởi Tín Luận.

Kim quang minh kinh

Kinh Kim Quang Minh là một kinh điển Phật giáo của phái Bắc Tông. Kim Quang Minh Kinh là bộ kinh phổ biến và được mệnh danh là bản kinh Hộ Quốc ở các nước Phật giáo theo truyền thống Đại Thừa như Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam và đặc biệt là Nhật Bản.

Thắng Man kinh

Kinh Thắng Man là một bộ kinh Đại thừa, được hai vị Cao tăng Ấn Độ dịch sang Hán văn. Bản thứ nhất của Guṇabhadra được dịch đời Lưu Tống dưới tên trên. Bản thứ hai được Bodhruci dịch dưới tên Thắng Man phu nhân hội, bởi vì kinh này cũng là một phần của bộ kinh Đại bảo tích, hội 48. Một bản dịch cũ của kinh này có tên Phu nhân kinh.

Kinh này tương đối ngắn, bao gồm 15 phẩm. Phẩm thứ nhất nói về đức tính chân thật của Như Lai và sự việc công chúa Thắng Man được Phật thụ ký. Phẩm 2–4 nói về việc phát triển Bồ-đề tâm. Nội dung của phẩm thứ 5–15 có thể gọi chung là "nhập Như Lai tạng" nói về việc xác định rõ ràng Nhất thừa, về Như Lai tạng, Pháp thân, bản tính thanh tịnh. Vì bản chất nội dung, kinh thường được bàn luận và so sánh với các kinh luận như Bảo tính luận, Nhập Lăng-già, Đại thừa khởi tín luận. Kinh này đã được Wayman dịch sang tiếng Anh năm 1974.

Thập địa kinh

Kinh Thập địa là một phần độc lập của kinh Hoa nghiêm do Bồ-tát Kim Cương Tạng trình bày với Phật về các giai đoạn tu chứng. Một bài luận quan trọng của Thế Thân về Thập địa được Bodhruci dịch ra chữ Hán, đã trở thành kinh sách cơ bản của Địa luận tông, một tông phái cổ của Phật giáo Trung Quốc.

Duy-ma-cật sở thuyết kinh

Kinh Duy-ma-cật sở thuyết là một tác phẩm quan trọng của Phật giáo Đại thừa, có ảnh hưởng rất lớn đến nền Phật giáo tại Trung Quốc, Việt NamNhật Bản. Kinh xuất hiện khoảng thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên, mang tên của Vimalakīrti, một cư sĩ giàu có, sống cuộc đời thế tục nhưng vẫn đi trên con đường Bồ-tát. Nhờ kinh này mà người ta có thể xem cư sĩ và tăng sĩ có một mục đích như nhau trên đường tiến đến giác ngộ.

Điều may mắn hiếm có là Phạn bản của kinh này - được cho là thất truyền từ bao nhiêu thế kỉ - đã được Giáo sư Takahashi Hisao phát hiện ngày 30 tháng 6 năm 1999, trong khi ông cùng nhóm nghiên cứu đang sưu tầm thư tịch trong thư viện của cung điện Potala, kinh đô Lhasa, Tây Tạng. Sau hơn bốn năm nghiên cứu và ký âm la-tinh, bản này được nhóm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Sanskrit, Viện Đại học Taisho, Tōkyō phát hành tháng 3 năm 2004. Chất lượng văn bản khá tốt mặc dù còn nhiều lỗi ghi chép, cần được chỉnh lại trước khi dịch. Tuy nhiên, việc cho ra một bản khảo cứu vẫn còn là một điều đáp ứng được, đòi hỏi một công trình nghiên cứu, đối chiếu phục hồi văn bản hẳn hoi.

Giải thâm mật kinh

Kinh Giải thâm mật là một bộ kinh Đại thừa. Cùng với kinh Nhập Lăng-già, Giải thâm mật là bộ kinh căn bản của Duy thức tông, nói về A-lại-da thức, Tam tự tính của thế giới hiện hữu theo Duy thức học.

Kinh này bao gồm tám phẩm. Phẩm thứ nhất là phẩm mở đầu, nói về thời điểm, nguyên do Phật thuyết kinh này. Phẩm thứ hai nói về sắc thái của chân lý tuyệt đối, về lý Bất nhị và tính siêu việt của Tâm. Phẩm 3-5 nói về Tâm ý, Thức tướng, về Tự tính và Vô tự tính tướng, nói bao gồm là "Tâm chính là cảnh sở quán". Phẩm 6-7 nói rằng Tâm chính là hạnh năng quán và phẩm 8 nói về Phật sự, quả sở đắc.