Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân | |
---|---|
Chợ Đồng Xuân | |
Thông tin chung | |
Tên khác | Chợ Lớn |
Dạng | Chợ |
Địa điểm | Hà Nội |
Tọa độ | 21°02′17″B 105°51′00″Đ / 21,038164°B 105,850031°Đ |
Chủ sở hữu | Công ty Cổ phần Đồng Xuân |
Xây dựng | |
Khởi công | 1889 |
Trùng tu | 1994 |
Chợ Đồng Xuân là một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, Việt Nam; là chợ lớn nhất trong khu phố cổ Hà Nội. Chợ có lịch sử tồn tại hàng trăm năm từ thời phong kiến nhà Nguyễn.
Vị trí
[sửa | sửa mã nguồn]Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là phố Nguyễn Thiện Thuật.
Cổng chợ nhìn sang phía tây, phía trước là một khoảng trống nhỏ. Phía Bắc có Quán Huyền Thiên - sau đổi thành Chùa Huyền Thiên. Ngay sát sau chợ là chợ Bắc Qua. Vì vậy nhiều người gọi cả hai là chợ Đồng Xuân - Bắc Qua.
Ở góc tây bắc của chợ có đài Cảm Tử để kỉ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến diễn ra vào năm 1946.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]- Trong thời gian xây dựng lại thành Thăng Long vào mùa hạ năm Giáp Tí (1804), Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dưới triều đại Nguyễn đã cho đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính đông, hay còn gọi là chợ Đồng Xuân ngày nay.
- Chợ Đồng Xuân tuy nằm trong khu phố cổ nhưng có tuổi đời trẻ hơn rất nhiều so với các phố xung quanh. Trước kia đây là khu đất trống thuộc phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương nằm trước quán Huyền Thiên (sau đổi thành chùa Huyền Thiên). Người dân họp chợ trên hai khu đất ở cạnh chùa Cầu Đông ở phố Hàng Đường và cạnh đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm vì hai khu đất đó gần bến sông, tiện cho thuyền đi lại.
- Năm 1888, khi những dấu tích cuối của sông Tô Lịch và hồ Thái Cực bị lấp hoàn toàn, người Pháp quy hoạch lại đã giải tỏa hai chợ trên và dồn tất cả các hàng quán vào khu đất trống của phường Đồng Xuân, tạo thành chợ Đồng Xuân. Trong năm đầu tiên chợ họp ngoài trời, hoặc có che mái lá giống như hai chợ cũ.
- Năm 1889, LEYRET Paul-François, kiến trúc sư và doanh nhân mới bắt đầu xây dựng chợ Đồng Xuân, tạo thành năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52m, cao 19m. Mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.
- Tháng 2 năm 1947, tại đây đã diễn ra các trận chiến ác liệt giữa Vệ quốc đoàn chống lại lính Lê dương của Pháp, rất nhiều Vệ quốc quân đã hi sinh tại đây trước khi rút khỏi Hà Nội.
- Từ sau ngày quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Hà Nội, chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất thành phố này.
- Vào khoảng năm 1990, chợ được xây dựng lại, phá bỏ hai dãy hai bên, ba dãy giữa xây lên ba tầng. Hai tấm cửa hai bên cũng bị dỡ, nhưng vẫn còn giữ hai cột ngoài cùng.[1]
- Tối ngày 14 tháng 7 năm 1994, chợ Đồng Xuân đã bị hỏa hoạn, lửa thiêu rụi gần như toàn bộ các gian hàng trong chợ. Phải đến ngày 19 tháng 7 thì ngọn lửa mới được dập tắt hoàn toàn.[2] Đây là vụ cháy chợ lớn nhất tại Hà Nội cho đến nay.[1][khi nào?]
Hàng hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối chủ yếu dành cho bán buôn. Tuy nhiên dạo quanh trong chợ, người mua vẫn tìm được cho mình những quầy hàng bán lẻ. Bên trong, chợ được chia làm 3 tầng chủ yếu với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Tầng trệt: Ngay từ cửa vào là những hàng bán quần áo, kính râm, giày dép, vali cho đến đồ điện tử như điện thoại, cáp sạc, pin sạc, đèn pin siêu sáng, loa, đài radio...nhưng chủ yếu là những mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Tầng 2: Là khu vực bán buôn bán lẻ quần áo cho người lớn và các loại vải vóc, gấm, lụa,.... Tầng 3: Chủ yếu người ta bán đồ dành cho trẻ sơ sinh.... Phía sau chợ có các hàng bán chim thú cảnh. Hàng thực phẩm và ăn uống chủ yếu bán ở chợ Bắc Qua. Phía Bắc của chợ, là các hàng ăn, phục vụ khách cả ăn đêm. Xung quanh chợ lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp. Hàng hóa từ đây vận chuyển đi khắp các tỉnh phía Bắc.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b “Hơn 100 năm tồn tại của chợ Đồng Xuân”. VnExpress. 13 tháng 4 năm 2018.
- ^ “Khắc tinh của những đám cháy”. Báo Công An Nhân Dân. 31 tháng 8 năm 2009.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Phố Đồng Xuân
- Chợ Đồng Xuân Lưu trữ 2009-04-23 tại Wayback Machine
- CHAPLAIN Philippe : https://www.patrimoine.asso.fr/hanoi-le-marche-dong-xuan-cho-dong-xuan-a-hanoi/
- CHAPLAIN Philippe : https://www.patrimoine.asso.fr/hanoi-leyret-paul-francois-architecte-entrepreneur-leyret-paul-francois-kien-truc-su-va-doanh-nhan/