Bước tới nội dung

Dương Quang, Gia Lâm

Dương Quang
Xã Dương Quang
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
Thành phốHà Nội
HuyệnGia Lâm
Địa lý
Tọa độ: 21°00′29″B 105°59′18″Đ / 21,00806°B 105,98833°Đ / 21.00806; 105.98833
Dương Quang trên bản đồ Hà Nội
Dương Quang
Dương Quang
Vị trí xã Dương Quang trên bản đồ Hà Nội
Dương Quang trên bản đồ Việt Nam
Dương Quang
Dương Quang
Vị trí xã Dương Quang trên bản đồ Việt Nam
Diện tích5,68 km²
Dân số (2022)
Tổng cộng15.059 người
Mật độ2.651 người/km²
Khác
Mã hành chính00568[1]

Dương Quang là một thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Xã Dương Quang nằm ở phía đông huyện Gia Lâm, có vị trí địa lý:

Xã Dương Quang có diện tích 5,68 km², dân số năm 2022 là 15.059 người,[2] mật độ dân số đạt 2.651 người/km².

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Xã Dương Quang được chia thành 8 thôn: Bài Tâm, Bình Trù, Đề Trụ, Lam Cầu, Quang Trung, Quán Khê, Tự Môn, Yên Mỹ, trong đó thôn Yên Mỹ là lớn nhất với khoảng 30% diện tích và 35% dân số của xã. Các trung tâm hành chính của xã như Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Trạm y tế, Trường học đều được đặt ở trung tâm xã (nằm giữa các thôn Quang Trung, Lam Cầu, Bình Trù).

Các thôn Yên Mỹ, Bình Trù và Đề Trụ nằm ở phía Bắc và biệt lập với các thôn khác trong xã. Các thôn còn lại nằm quây quần và sát cạnh nhau tạo nên mật độ dân cư lớn trong khu vực. Quá trình hình thành các thôn gắn liền với quá trình sáp nhập và chia tách hành chính trong lịch sử của địa phương. Do đặc thù biến động dân cư cũng như chính trị trong khu vực ít xảy ra nên đa phần các thôn đều là các làng cổ với hệ thống lễ nghi và hương ước vẫn còn được bảo lưu khá nguyên vẹn.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Những ghi chép đầu tiên trong chính sử về vùng đất này là khoảng thời nhà Lý, gắn liền với quá trình khởi công và xây dựng chùa báo ân Siêu Loại thuộc thôn Quang Trung. Địa phận xã Dương Quang hiện nay thời Lý thuộc hương Siêu Loại, phủ Thiên Đức Đến thời Trần phủ Thiên Đức đổi thành lộ Bắc Giang.

Đến thời Hậu Lê, địa danh Dương Quang lần đầu được ghi chép trong chính sử, đây là một tổng thuộc phủ Thuận An (năm 1862 đổi là phủ Thuận Thành), trấn Kinh Bắc và bao gồm 4 xã: Yên Mỹ, Bình Trù, Dương Quang, Dương Xá.

Tương truyền vào khoảng cuối thời Hậu Lê, ở làng Duyên Khánh (phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc) có nhiều người làm tiền giả. Sự việc đến tai vua và cả làng bị kết án chu di tam tộc. Sau đó, ngôi làng và cả đền chùa bị san phẳng để trừng phạt cũng như răn đe. Theo nguồn dã sử đó thì làng Duyên Khánh ngày nay là xứ đồng Bù Bến và đồng Gạch thuộc thôn Yên Mỹ.

Tháng 4 năm 1946, các xã Dương Quang, Yên Mỹ và Bình Trù hợp nhất thành xã Chiến Thắng, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.[3]

Ngày 20 tháng 4 năm 1961, Quốc hội ban hành Nghị quyết[4] về việc sáp nhập xã Chiến Thắng vào thành phố Hà Nội quản lý.

Ngày 31 tháng 5 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành 78-CP[5]. Theo đó, xã Chiến Thắng thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội quản lý.

Tháng 11 năm 1965, đổi tên xã Chiến Thắng thành xã Dương Quang.[6]

Nhờ có vị trí nằm ở cửa ngõ Thủ đô với vị trí giáp ranh 2 tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh nên xã có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, đặc biệt mỗi làng trong xã lại đều có một ngành nghề truyền thống riêng biệt như:

  • Mây tre đan (chổi, giá, điếu, cọc móng...) thôn Quang Trung
  • Nghề hàng xáo thôn Bình Trù
  • Thợ nề, mộc, hàng xáo Yên Mỹ

Nghề mây tre đan: đan rổ, rá, sảo gánh ở thôn Quán Khê nay đã mai một. Nghề chẻ chổi tre, đòn gánh, điếu cày ở Quang Trung nay vẫn còn một số hộ giữ nghề. Nghề mộc ở Yên Mỹ nay chỉ còn khoảng 10 hộ trong thôn còn giữ nghề.

Là một trong những địa phuơng còn mang đậm nét kiến trúc làng xã Việt Nam và ảnh hưởng của phật giáo Kinh Bắc cũng như phật giáo Trúc Lâm, xã hiện đang có 7 đình làng (thôn Bài Tâm mới thành lập gần đây nên vẫn thờ tự chung đình làng và thành hoàng với thôn Quang Trung) và 5 chùa Phật giáo. Ngoài ra còn có nhà thờ công giáo La Mã thuộc giáo họ Đề Trụ thuộc giáo xứ Tử Đình, giáo phận Bắc Ninh.

Chùa Báo Ân: thường được gọi là chùa Báo ân Siêu Loại để phân biệt với các chùa Báo Ân khác, ngoài ra chùa còn có tên gọi khác là chùa Thiên Đức. Theo sử sách, chùa được xây dựng vào năm Thuận Thiên thứ 7 nhằm năm Bính Thìn 1016, tọa lạc gần dòng sông Thiên Đức thuộc hương Siêu Loại, phủ Thuận An, lộ Bắc Giang Hạ. Tuy nhiên dựa trên các hiện vật và dấu tích nghiên cứu khai quật khảo cổ học thì mới chỉ phát hiện dấu tích cổ nhất là khoảng thời Trần. Ngôi chùa gắn liền với quá trình phát triển của Thiền phái Trúc Lâm và con đường tu đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đây cũng là ngôi chùa lớn nhất ở vùng ven kinh thành Thăng Long thời bấy giờ và sư tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông đã lấy nơi đây làm cứ địa để Hoằng pháp. Sau khi về ẩn tu tại Yên Tử, Trần Nhân Tông đã chọn Pháp Loa làm người kế tục con đường phát triển Phật giáo và Nhị tổ Pháp Loa đã được Sư tổ giao cho trụ trì chùa Báo Ân. Ngài đã biến nơi đây thành trung tâm Hoằng pháp Phật giáo lớn nhất cả nước thời đó nên xưa chùa còn được gọi là chùa Trăm Gian. Chùa đã nhiều lần được trùng tu trong các triều đại nhà Trần, Hậu Lê, Nguyễn nhưng từ sau thời kỳ cải cách ruộng đất, chùa bị mai một dần cũng như bị thu hẹp nhiều về phạm vi nên chỉ còn giữ lại được chủ yếu hệ thống bia đá. Chùa đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 3 tháng 9 năm 2003 và được trùng tu lại vào năm 2019.[7] Lễ hội chùa Báo Ân thường diễn ra vào ngày 14 tháng 4 âm lịch hàng năm.[8]

Cụm di tích đình - chùa Yên Mỹ: tọa lạc tại thôn An Mỹ (làng Đầu), hương Siêu Loại, phủ Thuận An nay là thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chùa Yên Mỹ (Phúc Nhân Tự) được xây dựng vào thế kỷ XVIII - XIX thờ Phật và Pháp Điện (trong Tứ pháp) do vậy chùa Yên Mỹ nằm trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp. Đình Yên Mỹ được xây dựng từ thời Trần thờ vị thành hoàng làng là Quảng Độ Đại Vương, có công giúp dân dẹp loạn 12 xứ quân. Lễ hội đình Yên Mỹ được tổ chức hàng năm vào ngày 12 đến 13 tháng 3 âm lịch với nhiều nghi thức tế lễ, phần hội với nhiều trò chơi thu hút đông đảo người dân địa phương và vùng lân cận. Cụm di tích Đình chùa Yên Mỹ đã được thành phố xếp hạng di tích vào ngày 19 tháng 3 năm 2007.[9]

Đình Lam Cầu được xây dựng tại thôn Lam Cầu vào cuối thời Hậu Lê thờ vị thần Long Đỗ hiệu là Quảng Lợi Bạch Mã đại vương. Đình sau đó đã được thành phố xếp hạng di tích vào năm 2007.[10]

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]

Xã Dương Quang cách trung tâm thành phố Hà Nội 19km về phía Đông, nằm trên trục đường Phú Thị - Dương Quang - Lạc Đạo (Hưng Yên) nối quốc lộ 17 với tỉnh lộ 385.

Vào năm 2021, xã đã có thêm hệ thống xe buýt tuyến 69 Bác Cổ - Dương Quang; với điểm đầu cuối là chợ Đình (thôn Yên Mỹ).[11][12]

Danh nhân

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nguyễn Đức Quỳ (1914 - 1989) có quê quán ở An Mỹ (làng Đầu), tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành nay là xóm Đông, thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông còn có tên khác là Đào Thành Kim, Đào Bình Luống.
  • Ngô Quốc Hạnh (1925 - 1993), nhà cách mạng, phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
  • Đào Cử (1449 - ?). người làng Thuần Khang, huyện Siêu Loại nay là thôn Yên Mỹ xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Tên ông được đặt cho một con đường ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh.
  • Nguyên phi Ỷ Lan (1044 - 1117): Cũng có thể bà có xuất thân ở Duơng Quang do các sách như Đại Việt sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư đều không ghi chép rõ ràng, chỉ biết bà là người hương Thổ Lỗi, sau là Siêu Loại, còn Ỷ Lan là tên do Lý Thánh Tông ban cho sau khi vào cung. Theo truyện thơ nói về Ỷ Lan có tên là "Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn" của nhà thơ Trương Thị Trong thời Chúa Trịnh, thì bà có tên là Lê Khiết Nương (黎潔娘). Tuy nhiên, trong truyện thơ trên không nói rõ bà sinh năm nào, chỉ cho biết cha bà họ Lê, mẹ bà họ Vũ (hai họ hầu như không có nhiều ở các địa phuơng xung quanh như Duơng Xá, Như Quỳnh, Phú Thị) mà chỉ có chủ yếu ở thôn Quang Trung (họ Vũ) và thôn Lam Cầu (họ Lê). Tuy nhiên cũng phải xét tới các trường hợp di cư và sai lệch của sử liệu. Do dân gian gọi bà là Bà Tấm nên ở địa phuơng (đặc biệt là Duơng Quang và Duơng Xá) thường dùng từ đớn để thay cho (gạo) tấm và từ bổi để thay cho cám (gạo) nhằm kị húy bà và người em gái.
  1. ^ Tổng cục Thống kê
  2. ^ UBND huyện Gia Lâm (2023). Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Gia Lâm, Hà Nội. tr. 99-100. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2023.
  3. ^ “Xã Dương Quang”. Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lâm. 20 tháng 3 năm 2015.
  4. ^ “Nghị quyết về việc mở rộng thành phố Hà Nội”. Thư viện Pháp luật.
  5. ^ “Quyết định số 78-CP năm 1961 chia các khu vực nội thành và ngoại thành của Thành phố Hà Nội”. Thư viện Pháp luật.
  6. ^ “Xã Dương Quang”. Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lâm. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2017.
  7. ^ Tuệ Hiếu (13 tháng 6 năm 2019). “Hà Nội: Động thổ phục dựng di tích chùa Báo Ân”. Giác Ngộ Online.
  8. ^ Huệ Thanh (26 tháng 5 năm 2013). “Hà Nôi-Lễ Phật đản chùa Báo Ân”. Daophatngaynay.
  9. ^ “CHÙA YÊN MỸ”. ditichlichsu-vanhoahanoi.com.
  10. ^ “Đình Lam Cầu”. Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lâm. 16 tháng 4 năm 2015.
  11. ^ Tuấn Lương (27 tháng 3 năm 2021). “Bố trí thêm điểm dừng xe buýt tuyến 69 (Bác Cổ - Dương Quang)”. Hà Nội Mới.
  12. ^ Phước Sang (28 tháng 2 năm 2021). “Cả thôn không có nổi một điểm dừng xe buýt”. Báo Giao thông.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]