Hồng vệ binh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Hồng vệ binh hay là Vệ binh đỏ (giản thể: 红卫兵; phồn thể: 紅衛兵; bính âm: Hóng Wèibīng, chiến sĩ bảo vệ đỏ) [1] là danh xưng dùng để chỉ các thanh thiếu niên Trung Quốc được giáo dục tôn sùng chủ nghĩa Marx-Lenintư tưởng Mao Trạch Đông. Trong Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc thập niên 1960, lực lượng này được coi là xung kích trong việc đấu tranh, phá bỏ những tập tục hủ lậu trong xã hội, nhưng dần dần lực lượng này đã trở nên quá khích, họ sử dụng bạo lực tra tấn, phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân bị họ cho là thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nạn nhân của các Hồng vệ binh bao gồm cả các lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh đã gây hỗn loạn cho xã hội Trung Quốc, đình đốn sản xuất, hàng trăm ngàn đảng viên bị thanh trừng, nhiều bậc lão thành cách mạng, danh nhân văn hóa bị tra tấn, sỉ nhục hoặc phải chết tức tưởi. Trong chiến dịch Bốn dọn dẹp và tiêu diệt Bốn cái cũ, nhiều danh thắng và giá trị văn hóa truyền thống của Trung Hoa bị lực lượng này phá hủy. Đến khi cách mạng văn hóa kết thúc vào đầu thập niên 1970, lực lượng này bị giải tán.

Thành lập và phát triển[sửa | sửa mã nguồn]

Hình ảnh các Hồng vệ binh tập hợp trước quảng trường Thiên An Môn năm 1967.

Ngày 29 tháng 5 năm 1966, tại Trường Trung học thuộc Đại học Thanh Hoa, đơn vị Hồng vệ binh đầu tiên được thành lập với mục đích là trừng phạt những lực lượng, cá nhân đi ngược lại nền văn hóa mới do Cách mạng văn hóa đề ra.

Ngày 1 tháng 8, Mao đích thân viết cho họ một bức thư ngỏ, bày tỏ "hậu thuẫn nồng nhiệt và tích cực". Sau đó ra lệnh phát sóng các tuyên ngôn của các Hồng vệ binh trên đài phát thanh quốc gia và công bố trên các tờ báo nhật báo. Được Mao Trạch Đông ủng hộ, các đơn vị Hồng vệ binh nhanh chóng phát triển khắp Trung Quốc.

Ngày 18 tháng 8 năm 1966, hàng triệu Hồng vệ binh từ khắp các nơi Trung Quốc tập trung về Bắc Kinh để nghe Mao Trạch Đông diễn thuyết. Xuất hiện tại quảng trường Thiên An Môn, vai Mao đeo băng đỏ để chứng tỏ ủng hộ phong trào và mục tiêu của nó. Trước hàng triệu Hồng vệ binh, Mao ca ngợi hành động của Hồng vệ binh là "phát triển Xã hội chủ nghĩadân chủ". Cũng trong cuộc mít tinh ngày 18 tháng 8, Lâm Bưu nói: "Chúng ta cần phải đánh đổ phái cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, phải đánh đổ tất cả phái bảo hoàng tư sản, phải đánh đổ tất cả bọn đầu trâu mặt ngựa!". Hành động của Hồng vệ binh được Mao Trạch Đông ca ngợi, ngày 22 tháng 8 năm 1966, Mao ban hành một thông cáo chung, trong đó quy định cấm mọi sự can thiệp từ phía cảnh sát vào hoạt động của Hồng vệ binh. Người nào làm trái với Thông cáo đó sẽ bị coi là phản cách mạng.

Ngày 5 tháng 9 năm 1966, một thông cáo khác được ban hành khuyến khích tất cả Hồng vệ binh đến Bắc Kinh trong một quãng thời gian xác định. Tất cả chi phí, bao gồm ăn ở và đi lại sẽ được chính quyền chi trả.

Sau các cuộc diễu hành phô trương trong tháng Tám, những người lãnh đạo Cách mạng Văn hóa chỉ đạo cho Hồng vệ binh lập chiến dịch để tấn công tiêu diệt "Bốn cái cũ" của xã hội Trung Quốc (phong tục, văn hóa, tập quán và tư tưởng hủ lậu). Trong chiến dịch này, các nhóm Hồng vệ binh trở nên quá khích, nhiều công trình tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ, tu viện Hồi giáo và các nghĩa trang bị đóng cửa, cướp phá hoặc bị đập bỏ. Một số di tich lịch sử bị lực lượng này đe dọa đập phá, khiến chính quyền phải cử quân đội tới bảo vệ (ví dụ như Tử Cấm Thành còn tồn tại là nhờ có sự bảo vệ của quân đội do Chu Ân Lai phái đến)

Theo một báo cáo chính thức trong tháng 10 năm 1966, Hồng vệ binh đã bắt giữ 22.000 "phản cách mạng" [2] nhiều người đã bị giết, bị tra tấn đến chết hoặc tự tử do không chịu được nhục nhã. Trong tháng 8 và tháng 9, chỉ riêng ở Bắc Kinh đã có 1772 người bị sát hại. Tại Thượng Hải, trong tháng 12 có 704 vụ tự tử...

Ngày 22 tháng 7 năm 1967, Giang Thanh chỉ đạo Hồng vệ binh có thể thay thế Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa nếu cần thiết. Sau khi được sự khích lệ của Giang Thanh, Hồng vệ binh bắt đầu cướp phá các doanh trại và các tòa nhà quân đội. Hành động này kéo dài tới tận mùa thu năm 1968, mà không bị các tướng lĩnh quân đội ngăn chặn.

Kết thúc[sửa | sửa mã nguồn]

Sau một thời gian hoạt động, nhiều nhân vật cấp cao trong bộ máy Đảng Cộng sản Trung Quốc như: Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, Đặng Tiểu Bình... đã bị Hồng Vệ binh bắt giữ, phải chịu tù đày; sự hỗn loạn do Hồng vệ binh gây ra trở nên nguy hiểm. Tháng 12 năm 1968, Mao cho triển khai Phong trào Tiến về nông thôn đưa hàng trăm ngàn thanh niên (nòng cốt của Hồng vệ binh) về các vùng nông thôn để sống, lao động và học hỏi kinh nghiệm của những người nông dân. Thực chất là tống họ về nơi mà họ ít có thể gây loạn nhất, Hồng vệ binh tan rã từ đây. Sau này, những người Trung Quốc ở tuổi 15 đến 25 trong thời Cách mạng Văn hóa thường được gọi là "Thế hệ bỏ đi" vì học hành dang dở.[3]

Những nhân vật bị Hồng vệ binh hãm hại[sửa | sửa mã nguồn]

  • Lưu Thiếu Kỳ: Trong Cách mạng Văn hóa, rạng sáng ngày 10/4/1967, Hồng vệ binh xông thẳng tới nơi ở của vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ tại Bắc Kinh, bắt ông đem tới Khai Phong[4] giam vào ngục, trong tình trạng bệnh tiểu đường, hen suyễn, viêm phổi, nằm liệt giường. Sau khi đến Khai Phong được gần một tháng, ông tắt thở vào sáng 13/11/1969. Giấy khai tử ghi họ tên là Lưu Vệ Hoàng[5]; nghề nghiệp là vô nghề nghiệp. Vương Quang Mỹ, phu nhân Lưu Thiếu Kỳ bị Hồng vệ binh bắt cùng thời điểm với chồng đưa thẳng tới trường Đại học Thanh Hoa nhốt. Khi đấu tố, Hồng vệ binh bắt bà đi tất lụa và giày cao gót, mặc xường xám, cổ đeo một chuỗi quả bóng bàn kệch cỡm, đứng trên ghế cao, phía sau có hai Hồng vệ binh đứng kèm, đấu tố suốt ba tiếng đồng hồ liền, trong tiếng hô đả đảo long trời lở đất cho đến khi bà ngất xỉu…
  • Nguyên soái Bành Đức Hoài[6]: Mùa hè năm 1967, Hồng Vệ Binh do Vương Đại Tân [7] cầm đầu kéo đến nơi Bành cư ngụ, đấm đá túi bụi và tra vấn ông phái thú nhận những vấn đề sau:
1. Quan hệ với Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Hạ Long.
2. Ở chiến trường Triều Tiên, đã phản đối phương châm chiến lược của Mao Chủ tịch.
3. Mao Ngạn Anh rốt cuộc đã chết như thế nào?...

Sau đó Hồng vệ binh đem Bành Đức Hoài về Bắc Kinh nhốt lại cho đến khi ông qua đời (1974)

  • Đặng Tiểu Bình: Trong Cách mạng Văn hóa, Đặng Tiểu Bình trở thành một trong những mục tiêu công kích kịch liệt của Hồng vệ binh. Trong các bài báo chữ to, Hồng vệ binh gọi ông là "tên thứ hai đi theo đường lối tư bản của Trung Quốc" (sau Lưu Thiếu Kỳ). Mùa hè năm 1967, hàng ngàn Hồng vệ binh khi đấu tố Đặng Tiểu Bình tại nhà ở của ông đã bắt ông "đi máy bay" (quỳ xuống đất, hai cánh tay giương cao về phía sau, đây là cách xử tội mà Hồng vệ binh rất thích). Con trai Đặng Tiểu Bình là Đặng Phổ Phương bị Hồng vệ binh đánh què cả hai chân.[8]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Danh xưng đầy đủ là "Hồng vệ binh của chủ tịch Mao".
  2. ^ Karnow, p. 209
  3. ^ Làn sóng sám hối về Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc
  4. ^ Thủ phủ cũ của tỉnh Hà Nam.
  5. ^ Nghĩa là phái bảo hoàng họ Lưu (đến chết còn bị sỉ nhục)
  6. ^ Trong Cách mạng Văn hóa, Bành Đức Hoài bị Mao Trạch Đông buộc tội là hữu khuynh cầm đầu "Tập đoàn phản Đảng", đầy đi Tứ Xuyên.
  7. ^ Một trong năm lãnh tụ lớn của Hồng vệ binh Bắc Kinh
  8. ^ Con trai Đặng Tiểu Bình: Người anh hùng thầm lặng

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Van der Sprenkel, S; The Red Guards in perspective. New Society, ngày 22 tháng 9 năm 1966
  • Howard, R; "Red Guards are always right". New Society, ngày 2 tháng 2 năm 1967

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]