Lịch sử quân sự của Việt Nam Cộng hòa
Quân lực Việt Nam Cộng hòa |
---|
Quân chủng |
Lục quân * Hải quân * Không quân |
Dấu hiệu/Cấp bậc |
Quân hàm * Phù hiệu * Hiệu kỳ |
Lịch sử |
Tiến trình |
Lịch sử quân sự của Việt Nam Cộng hòa là lịch sử của các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng hòa, bắt đầu từ khi chế độ chính trị này thành lập vào năm 1955. Trải qua hai thời kỳ, thời kỳ đầu là Quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng các lực lượng vũ trang khác, thời kỳ sau là Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Các đạo quân này đã trải qua 20 năm lịch sử tồn tại và giải thể khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.
Xây dựng
[sửa | sửa mã nguồn]Nền tảng
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn gốc ban đầu của quân đội này là từ Quân đội Quốc gia Việt Nam do Pháp thành lập vào tháng 7 năm 1949.[1]
Năm 1955, Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam,[2] và Quân đội Quốc gia Việt Nam[a] được đổi tên thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa vào ngày 26 tháng 10.[1] Cùng năm, quân đội này không còn phụ thuộc hệ thống chỉ huy của Pháp.[3][b] Như thế, Quân đội Việt Nam Cộng hòa, quân chính quy của Việt Nam Cộng hòa là đạo quân đổi tên từ một đạo quân đã có lịch sử từ trước đó.[5][6]
Thời kỳ 1955–1963: Quân đội Việt Nam Cộng hòa
[sửa | sửa mã nguồn]Quân đoàn I thành lập ngày 1 tháng 6 năm 1957,[7] với các đơn vị trực thuộc là hai Sư đoàn 1 và 2 dã chiến. Quân đoàn II thành lập ngày 1 tháng 10 năm 1957,[8] với các đơn vị trực thuộc là hai Sư đoàn 3 và 4 dã chiến. Cùng năm, thành lập Binh chủng Lực lượng đặc biệt,[9] huấn luyện sĩ quan và hạ sĩ quan tại trường Biệt động đội ở Đồng Đế,[10] và đơn vị đầu tiên mang tên Liên đội Quan sát Số 1.[11]
Đầu năm 1959, những sư đoàn khinh chiến và dã chiến được tổ chức lại thành các sư đoàn bộ binh. Giải thể ba sư đoàn 12, 13 và 16 khinh chiến và tái phối trí về các sư đoàn còn lại[12][cần nguồn tốt hơn] để thành lập 7 đơn vị bộ binh với quân số hơn 10.500 người mỗi sư đoàn,[13] là các sư đoàn: 1, 2, 5, 7, 21, 22, 23. Ngày 1 tháng 3 năm 1959, Quân đoàn III được thành lập.[14] Cùng năm, Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến tách ra khỏi Hải quân và trở thành một phần Lực lượng Tổng trừ bị.[15] Liên đoàn Nhảy dù có tiền thân là các Tiểu đoàn nhảy dù thuộc địa của Pháp,[cần dẫn nguồn] được phát triển thành Lữ đoàn Nhảy dù.[16]
Ngày 11 tháng 11 năm 1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi đã chỉ huy một số đơn vị thuộc Lữ đoàn Nhảy dù, Biệt động quân, Thiết giáp... làm đảo chính quân sự. Tuy nhiên, cuộc đảo chính bị dập tắt nhanh chóng.[17]
Ngày 13 tháng 4 năm 1961, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh số SL.98/QP chia lại lãnh thổ thành ba vùng chiến thuật và Biệt khu Thủ đô. Vùng 1 chiến thuật gồm các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, do Quân đoàn I trấn đóng. Vùng 2 chiến thuật gồm Cao nguyên Trung phần và các tỉnh duyên hải nam Trung phần từ Bình Định vào tới Bình Thuận, do Quân đoàn II trấn đóng. Vùng 3 chiến thuật gồm các tỉnh từ Bình Tuy vào đến Cà Mau do Quân đoàn III trấn đóng. Biệt khu Thủ đô gồm Đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định.[18]
Năm 1962, Liên đoàn 31 Lực lượng Đặc biệt cũng được thành lập.[19][cần nguồn tốt hơn] Các đơn vị không quân tác chiến và yểm trợ tác chiến được tăng lên cấp Không đoàn tại mỗi Quân đoàn, gồm các Không đoàn 41 (Đà Nẵng), 62 (Pleiku), 23 (Biên Hòa), 33 (Tân Sơn Nhất), 74 (Cần Thơ).[20] Ngày 1 tháng 1 năm 1962, Sư đoàn 9 bộ binh thành lập.[21] Ngày 1 tháng 7 năm 1962, Sư đoàn 25 bộ binh thành lập,[22] nâng số đơn vị bộ binh lên thành 9 sư đoàn.
Sau cuộc đảo chính với sự giúp đỡ của Chính phủ Mỹ ngày 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ chính tổng thống Ngô Đình Diệm, các tướng lĩnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa nắm quyền chính trị.[23]
Thời kỳ 1964-1975: Quân lực Việt Nam Cộng hòa
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Sắc lệnh 161-SL/CT vào ngày 22 tháng 5 năm 1964, tất cả lực lượng vũ trang của Việt Nam Cộng hòa thống nhất với nhau để tạo thành Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Bao gồm Chủ lực quân, Địa phương quân, và Nghĩa quân. Trong đó, Chủ lực quân chính là Quân đội Việt Nam Cộng hòa.[24]
Ngày 27 tháng 11 năm 1964, Hội đồng Quân lực phân định lại các Vùng chiến thuật, tách Biệt khu Thủ đô và Đặc khu Rừng Sác thành khu chiến thuật độc lập khỏi Vùng 3 chiến thuật.[25]
Trong năm 1964, thành lập thêm Sư đoàn 10 bộ binh, đặt trực thuộc Quân đoàn III, năm 1967 đổi tên thành Sư đoàn 18 bộ binh.[26] Nâng tổng số đơn vị đoàn bộ binh lên thành 10 sư đoàn. Tháng 12 cùng năm, Lữ đoàn Nhảy dù phát triển thành Sư đoàn Nhảy dù.[27]
Tháng 7 năm 1970, các Vùng chiến thuật được đổi tên trở lại thành các Quân khu.[28] Tính đến thời điểm này, Quân lực Việt Nam Cộng hòa có quân số lên đến 1 triệu quân, được trang bị 1 triệu súng M-16, 12.000 súng máy M-60,[29] 40.000 súng phóng lựu (grenade launcher) M-79,[29] và 2.000 lựu pháo (howitzer) và súng cối hạng nặng (heavy mortar). Đồng thời phát triển lực lượng Không quân. Cùng năm, giải tán Lực lượng đặc biệt để sáp nhập một số qua Biệt động quân, số còn lại trở thành Liên đoàn 81 Biệt cách dù.[30]
Năm 1971, thành lập Sư đoàn 5 Không quân[31] làm đơn vị Tổng trừ bị cho Bộ Tổng tham mưu. Ngày 1 tháng 10 cùng năm Sư đoàn 3 bộ binh được thành lập, trở thành Sư đoàn bộ binh thứ 11.[32] Cuối năm, cải tổ lại Lực lượng Biệt động quân thành các Tiểu đoàn Biệt động quân Biên phòng[33] và thành lập tại mỗi Quân khu một Bộ chỉ huy Biệt động quân.
Năm 1972, thành lập thêm Sư đoàn 6 Không quân tại Pleiku, hoạt động trên vùng trời và trách nhiệm với chiến trường Cao nguyên Trung phần.
Năm 1973, một lần nữa Biệt động quân lại được cải tổ. Nâng tổng số Lực lượng này thành 15 Liên đoàn, một số là đơn vị Tổng trừ bị cho Bộ Tổng tham mưu, số còn lại Tổng trừ bị cho các Quân khu. Cuối năm 1974 và đầu năm 1975, thành lập thêm 2 đơn vị nữa là Liên đoàn 8 và 9, nâng tổng số Binh chủng Biệt động quân lên thành 17 Liên đoàn.
Sau 1975: Giam giữ và cải tạo
[sửa | sửa mã nguồn]Sau năm 1975, viên chức và sĩ quan, binh lính Việt Nam Cộng hòa được tổ chức học tập cải tạo chính trị.[34] Một số bị giam giữ với thời hạn dài.
Chiến đấu
[sửa | sửa mã nguồn]Từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 6 năm 1966, Quân lực Việt Nam Cộng hòa tự tuyên bố đã làm tổn thất 53.928 quân Giải phóng, trong đó bắt 6.640 lính. Phá vỡ 5.138 cơ sở của quân Giải phóng. Chiêu hồi 17.931 binh lính của quân Giải phóng. Thời gian này đã tiến hành 5.496 cuộc hành quân cấp tiểu đoàn trở lên.[35] Tháng 7 đến tháng 9 năm 1966, Quân lực Việt Nam Cộng hòa tự tuyên bố tổn thất họ gây ra cho quân Giải phóng là 8.967 lính, bắt 584 tù binh.[36]
Theo Quân lực Việt Nam Cộng hòa tự tuyên bố, tổn thất cho quân Giải phóng gây ra bởi tất cả lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Mỹ và đồng minh trong năm 1965 là 36.784 lính thiệt mạng, trong khi họ có 12.734 lính tử trận.[37] Trong đó, Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 11.100 quân chết, số bị thương hoặc mất tích khoảng 30.000.[38] Cũng theo Quân lực Việt Nam Cộng hòa tuyên bố, tổn thất của quân Giải phóng gây ra bởi tất cả lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Mỹ và đồng minh trong năm 1966 là 55.871 lính thiệt mạng, trong khi họ có 14.778 lính tử trận. Năm 1967, thiệt mạng binh sĩ là 85.124 và 20.611 tương ứng.[37]
Trong năm 1968, Quân lực Việt Nam Cộng hòa tự tuyên bố quân Giải phóng (gồm cả bộ đội miền Nam và bộ đội miền Bắc) thiệt hại 230.034 quân. Bao gồm 191.387 thiệt mạng trong chiến đấu, 21.050 bị bắt, 17.597 được chiêu hồi. Tuy vậy, cho đến tháng 12 năm 1968, họ xác định có hơn 300.000 quân Giải phóng vẫn còn đang hiện diện khắp miền Nam. Về phía Quân lực Việt Nam Cộng hòa, họ tuyên bố tổn thất là 17.486 thiệt mạng, 57.718 bị thương, 2.269 mất tích (chưa tính quân Mỹ và đồng minh); chưa tính thiệt hại nhân mạng dân thường. Quân lực Việt Nam Cộng hòa tuyên bố tỷ lệ tổn thất của họ, Mỹ và đồng minh so với quân Giải phóng là 1:5,9.[37]
Các trận chiến quan trọng
[sửa | sửa mã nguồn]- Trận Ấp Bắc (1963)
- Đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm (1963)
- Trận Bình Giã (1964-1965)
- Trận Ba Gia (1965)
- Trận Đồng Xoài (1965)
- Trận Pleime (1965)
- Tết Mậu Thân (1968)
- Chiến dịch Campuchia (1970)
- Chiến dịch Lam Sơn 719 (1971)
- Trận Quảng Trị (1972)
- Trận An Lộc (1972)
- Trận Tống Lê Chân (1973)
- Trận hải chiến Hoàng Sa (1974)
- Trận Thượng Đức (1974)
- Trận Phước Long (1974)
- Trận Xuân Lộc (1975)
- Trận Sài Gòn (1975)
Tranh chấp lãnh thổ với các nước
[sửa | sửa mã nguồn]Việt Nam Cộng hòa cũng từng tham gia tranh chấp một số hòn đảo với Vương quốc Campuchia, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc. Trong các tranh chấp này, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã để mất quần đảo Hoàng Sa, một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và một số đảo nhỏ gần đảo Phú Quốc.
- Năm 1956, Đài Loan điều tàu đến đảo Ba Bình (là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa) khi đó thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Nhân dịp lễ Song Thập 10/10 của Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan), Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho quân rút khỏi đảo Ba Bình, Đài Loan giành quyền kiểm soát đảo mà không cần phải nổ súng.[39][40]
- Những năm 1956–1966, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã để mất 6 hòn đảo nằm giữa đảo Phú Quốc và đất liền Campuchia vào tay quân đội Vương quốc Campuchia.[c]
- Năm 1970, Philippines đã tổ chức chiếm giữ đảo Song Tử Đông, đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta và 4 đảo khác từ tay Việt Nam Cộng hòa.[d]
- Năm 1974, trong Hải chiến Hoàng Sa, Quân lực Việt Nam Cộng hòa thất bại và mất toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa vào tay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau đó, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quyết định tăng cường trấn thủ Trường Sa và thực hiện lấy lại một số đảo.[42]
Tan rã
[sửa | sửa mã nguồn]- Tháng 3 năm 1975, sau khi Phước Long và Buôn Ma Thuột thất thủ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh tái bố trí, rút bỏ Quân khu 1 và 2, dồn toàn quân về Quân khu 3 và 4 chống giữ. Cuộc rút quân tái phối trí hoàn toàn thất bại. Hạ tuần tháng 4, ông Thiệu từ chức, các tướng tá tháo chạy, và trong vòng 55 ngày, toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng hòa tan rã, chủ yếu vì suy sụp tinh thần và thiếu lãnh đạo.
- Trận giao tranh cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ngoài vòng đai Sài Gòn xảy ra tại Xuân Lộc, do Sư đoàn 18 bộ binh, dưới sự chỉ huy của tướng Lê Minh Đảo, và Lữ đoàn 1 Nhảy dù, dưới sự chỉ huy của Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh.
- Trận giao tranh cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong Đô thành Sài Gòn xảy ra tại bản doanh Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, do Liên đoàn 81 Biệt kích dù, dưới sự chỉ huy của chỉ huy trưởng Biệt đội 3 Chiến thuật, Thiếu tá Phạm Châu Tài.
- Lực lượng quân đội tan rã và đầu hàng sau cùng của Việt Nam Cộng hòa là Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, dưới sự chỉ huy của chỉ huy trưởng Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, Đại tá Phan Văn Huấn.
Sau sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số nhóm Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn còn chiến đấu tại một vài nơi tại miền Tây Nam Bộ thêm 1-2 ngày, vì theo phương án Gavin của Mỹ, nếu Sài Gòn thất thủ thì khu vực cuối cùng phải án giữ là vùng Tây Nam Bộ, lấy Cần Thơ làm trung tâm.[43] Binh lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa đầu hàng tại tỉnh cuối cùng là Châu Đốc (nay là An Giang) vào ngày 2 tháng 5 năm 1975.[44] Tuy nhiên một nhóm vẫn chưa đầu hàng hoàn toàn mà vẫn cố thủ tại chùa Tây An. Đến ngày 6 tháng 5 năm 1975, quân Giải phóng miền Nam điều lực lượng tiến vào chùa Tây An, những binh lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa cuối cùng chính thức ra hàng ở đây.[45]
Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Thành lập ngày 11 tháng 5 năm 1950.[3]
- ^ "...với sự giúp đỡ của Mỹ, đến ngày 1 tháng 7 năm 1955, tất cả lực lượng quân đội Sài Gòn sẽ tự nắm quyền điều hành và chỉ huy quân đội của mình..."[4]
- ^ Đó là các đảo: Hòn Năng Trong và Hòn Năng Ngoài (tiếng Pháp lần lượt là "Ile du Milieu" và "Ile à l’Eau", còn được gọi là đảo Phú Dự) bị Campuchia đánh chiếm năm 1956; đảo Hòn Tai (Ile du Pic) bị chiếm năm 1958; Hòn Kiến Vàng (Ile des Fourmis) và Hòn Keo Ngựa (Ile du Cheval) bị chiếm năm 1960; đảo Hòn Trọc (đảo Wai hay Poulo Wai, thực tế là gồm 2 đảo nằm liền kề nhau) bị chiếm mất năm 1966. Tổng diện tích các đảo bị mất khoảng 30 km², lớn nhất là đảo Phú Dự rộng khoảng 25 km².[cần dẫn nguồn]
- ^ Theo như Đại tá về hưu hải quân Philippines là Domingo Tucay Jr kể lại thì các đảo, bãi khi đó hoàn toàn hoang vắng, Philippines chiếm đóng dễ dàng. Chỉ khi tới đảo Song Tử Tây, họ mới thấy quân đội của Việt Nam Cộng hòa đóng ở đây.[41] Quân Phillipines báo về sở chỉ huy, được chỉ thị cứ để mặc quân Việt Nam Cộng hòa.[cần dẫn nguồn] Lính Việt Nam Cộng hòa ở đảo Song Tử Tây cũng để yên để cho quân Philippines.[cần dẫn nguồn] Sau chiến dịch, Philippines chiếm được 6 đảo nổi và bãi đá mà không cần phải nổ súng, trong đó Thị Tứ là đảo lớn thứ nhì, Bến Lạc (Đảo Dừa) là đảo lớn thứ ba, Song Tử Đông là đảo lớn thứ năm ở quần đảo Trường Sa. Philippines giữ các đảo và bãi này từ đó đến nay.[cần dẫn nguồn] Sau vụ chiếm đóng, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng không hề lên tiếng gì về vụ chiếm đóng đó.[cần dẫn nguồn] Theo như lời Tucay kể lại, nhiều tháng sau khi Philippines chiếm đóng 7 đảo ở quần đảo Trường Sa, các nước khác mới biết vụ việc này.[41]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b Harry G. Summers 1995, tr. 168.
- ^ Nguyễn Phúc Luân 2005, tr. 60.
- ^ a b Phạm Văn Sơn 1968, tr. 191.
- ^ Đỗ Đức Anh 2003, tr. 177.
- ^ Lê Huy Hòa 2003, tr. 488.
- ^ Nguyễn Văn Bình, Lê Như Tiến, Lê Ngọc Tú 2005, tr. 365.
- ^ Stanley I. Kutler 1996, tr. 378.
- ^ Đỗ Đức Anh 2003, tr. 131.
- ^ Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam 2002, tr. 785.
- ^ Cục Tâm Lý Chiến 1965, tr. 25.
- ^ Phạm Văn Quyền 2006, tr. 197.
- ^ Ban tổng kết chiến tranh B2. Phòng tổng kết địch 1984, tr. 69.
- ^ Đỗ Đức Anh 2003, tr. 177.
- ^ Đỗ Đức Anh 2003, tr. 132.
- ^ Cục Tâm Lý Chiến 1965, tr. 25.
- ^ Cục Tâm Lý Chiến 1965, tr. 4.
- ^ Trần Văn Trà 2005, tr. 371.
- ^ Đoàn Văn Thanh 2003, tr. 153.
- ^ Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam 2002, tr. 785 (2).
- ^ Kỷ niệm NGÀY KHÔNG LỰC VNCH, Saigonweekly Online
- ^ Đỗ Đức Anh 2003, tr. 151.
- ^ Đỗ Đức Anh 2003, tr. 158.
- ^ Chiến sĩ Cộng hòa (ngày 20 tháng 10 năm 1965), số 138, Số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng 1-11-63, tr. 3-4, xem trích xuất tại đây
- ^ Bộ Quốc phòng (VNCH) 1969, tr. 166.
- ^ Đoàn Thêm 1986, tr. 419.
- ^ Hồ Sơn Đài 1997, tr. 239.
- ^ Đỗ Đức Anh 2003, tr. 160.
- ^ Trần Hải Phụng, Lưu Phương Thanh 1994, tr. 565.
- ^ a b Nguyễn Văn Hoa, Phạm Hồng Việt 1997, tr. 320.
- ^ Lâm Hoài Thạch (ngày 10 tháng 12 năm 2022). “Lực Lượng Đặc Biệt Quân Lực VNCH họp mặt cuối năm 2022”. Nguoi Viet News. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2024.
- ^ Phan Thứ Lang (2007), Nguyễn Cao Kỳ, trở về đất mẹ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, tr. 122
- ^ Nguyên Huy (ngày 4 tháng 10 năm 2011). “Cựu quân nhân Sư Ðoàn 3 Bộ Binh họp mặt”. báo Người Việt. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2023.
- ^ Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam 2002, tr. 785 (3).
- ^ Vũ Ngọc Bình 1996, tr. 40.
- ^ Chiến sĩ Cộng hòa, số 150, Đặc biệt kỷ niệm cách mạng 1 tháng 11 năm 1963, Quân đội ta đã tiến một bước thật dài, tr. 9, xem trích xuất tại đây
- ^ Chiến sĩ Cộng hòa, số 150, Đặc biệt kỷ niệm cách mạng 1 tháng 11 năm 1963, Có gì mới lạ trong chiến dịch mùa mưa năm nay?, tr. 34, xem trích xuất tại đây
- ^ a b c Chiến sĩ Cộng hòa, số 194 Xuân Kỷ Dậu, Tổng kết thành quả chiến sự năm 1968, tr. 4-6, xem trích xuất tại đây
- ^ Chiến sĩ Cộng hòa, số 150, Đặc biệt kỷ niệm cách mạng 1 tháng 11 năm 1963, Quân đội Việt Nam Cộng hòa lực lượng chính yếu trong cuộc chiến đấu chống cộng hiện nay ở Việt Nam, tr. 24, xem trích xuất tại đây
- ^ Nguyễn Nhã (ngày 31 tháng 1 năm 2008). “Đài Loan thừa gió bẻ măng, chiếm đảo Ba Bình”. báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2023.
- ^ Daniel J. Dzurek 1996, tr. 16, 46.
- ^ a b Rodney Jaleco (ngày 11 tháng 7 năm 2011). “Secret mission in 1970 put PH troops in Spratlys” (bằng tiếng Anh). news.abs-cbn.com. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2023.
- ^ Information & Resource Center (Singapore) (1988). Indochina Report, Số phát hành 14-29 (bằng tiếng Anh). Executive Publications. tr. 10.
- ^ Võ Trần Nhã 2003, tr. 410.
- ^ Nguyễn Thuận Thảo, Nguyễn Phương An (ngày 30 tháng 4 năm 2015). “An Giang trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975”. báo An Giang. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2023.
- ^ Thái Bình (ngày 29 tháng 4 năm 2015). “Chuyện 'tử thủ' sau thời khắc lịch sử 30/4/1975 tại miền Tây Nam Bộ”. báo Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2023.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Sách tiếng Việt
[sửa | sửa mã nguồn]- Ban tổng kết chiến tranh B2. Phòng tổng kết địch (1984). Quá trình cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và quy luật hoạt động của Mỹ - Ngụy trên chiến trường B2 (Dự thảo). Ban tổng kết chiến tranh B2. Phòng tổng kết địch.
- Bộ Quốc phòng (VNCH) (1969). Bộ Quân-luật và các văn-kiện thi-hành. Bộ Quốc phòng (VNCH). OCLC 1084211176.
- Đoàn Thêm (1986). Hai mươi năm qua: việc từng ngày (1945-1964). Nhà xuất bản Xuân Thu. OCLC 15797022.
- Đoàn Văn Thanh (2003). Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Giờ, 1930-1975. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đỗ Đức Anh (2003). Hệ thống tổ chức quân sự của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh Việt Nam, 1965-1975: sách tham khảo. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. OCLC 61934655.
- Hồ Sơn Đài (1997). Hào khí Đồng Nai: Lịch Sử Chiến Khu Đ. Nhà xuất bản Đồng Nai. OCLC 42940324.
- Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (2002). Từ điển bách khoa Việt Nam: E-M. Nhà xuất bản Từ điển bách khoa. OCLC 951286520.
- Lê Huy Hòa (2003). Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. OCLC 53063288.
- Nguyễn Phúc Luân (2005). Ngoại giao Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử. Nhà xuất bản Công an nhân dân. OCLC 61895217.
- Nguyễn Văn Bình, Lê Như Tiến, Lê Ngọc Tú (2005). Việt Nam từ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc tới đổi mới và phát triển: hồ sơ 60 năm, 1945-2005. Nhà xuất bản Lao động. OCLC 67615311.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- Nguyễn Văn Hoa, Phạm Hồng Việt (1997). Hiểu thêm lịch sử qua các hồi kí, kí sự, tùy bút. Nhà xuất bản Giáo dục. OCLC 38085836.
- Phạm Văn Quyền (2006). 60 năm Công an nhân dân Việt Nam, 1945-2005. Nhà xuất bản Công an nhân dân. OCLC 213455275.
- Phạm Văn Sơn (1968). Quân lực Việt-Nam: Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn hình thành, 1946-1955. Trung-tâm Ấn-loát Ấn-phẩm Văn Sơn.
- Trần Hải Phụng, Lưu Phương Thanh (1994). Lịch sử Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định kháng chiến, 1945-1975. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trần Văn Trà (2005). Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm: tác phẩm chọn lọc. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. OCLC 64281256.
- Võ Trần Nhã (2003). Lịch sử Đồng Tháp Mười. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. OCLC 64718267.
- Vũ Ngọc Bình (1996). Thuyền nhân Việt Nam, đi định cư hay hồi hương?. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. OCLC 38862438.
Sách tiếng Anh
[sửa | sửa mã nguồn]- Daniel J. Dzurek (1996). Maritime briefing: The Spratly Islands Dispute: Who's on First?. IBRU. ISBN 9781897643235.
- Harry G. Summers (1995). Historical Atlas of the Vietnam War. Houghton Mifflin Company. ISBN 9780395722237.
- Stanley I. Kutler (1996). Encyclopedia of the Vietnam War. Charles Scribner's Sons. ISBN 9780132769327.
Nguồn chủ yếu
[sửa | sửa mã nguồn]- Cục Tâm Lý Chiến (1965). Chiến sĩ Cộng Hòa. Cục Tâm Lý Chiến. OCLC 500698589.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- “AN07 POPULAR, REGIONAL AND NATIONAL POLICE FIELD FORCES IN VIETNAM”. clik.dva.gov.au. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2023.