Bước tới nội dung

Nguyễn Văn Chuân

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Văn Chuân
Chức vụ

Thượng nghị sĩ
Quốc hội Việt Nam Cộng hòa
Nhiệm kỳ1967 – 1973
Vị tríThủ đô Sài Gòn

Tư lệnh Quân đoàn I
Nhiệm kỳ3/1966 – 4/1966
Cấp bậc-Thiếu tướng
Tiền nhiệm-Trung tướng Nguyễn Chánh Thi
Kế nhiệm-Trung tướng Tôn Thất Đính
Vị tríVùng 1 chiến thuật

Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh
Nhiệm kỳ11/1964 – 3/1966
Cấp bậc-Chuẩn tướng
-Thiếu tướng (11/1965)
Tiền nhiệm-Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi
Kế nhiệm-Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận
Vị tríVùng 1 chiến thuật

Trưởng phòng 4 Bộ Tổng tham mưu
Nhiệm kỳ1/1963 – 11/1964
Cấp bậc-Đại tá
-Chuẩn tướng (8/1964)
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh
Nhiệm kỳ2/1962 – 12/1962
Cấp bậc-Đại tá
Tiền nhiệmĐầu tiên
Kế nhiệm-Đại tá Lữ Lan
Vị tríVùng 3 chiến thuật

Chỉ huy trưởng
Liên trường Võ khoa Thủ Đức
Nhiệm kỳ5/1961 – 7/1961
Cấp bậc-Đại tá
Tiền nhiệm-Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm
Kế nhiệm-Thiếu tướng Hồ Văn Tố
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh
Nhiệm kỳ8/1959 – 5/1961
Cấp bậc-Đại tá
Tiền nhiệm-Trung tá Đặng Văn Sơn
Kế nhiệm-Thiếu tướng Trần Ngọc Tám
Vị tríVùng 3 chiến thuật

Tư lệnh Sư đoàn 1 Dã chiến
(tiền thân của Sư đoàn 1 Bộ binh)
Nhiệm kỳ8/1958 – 2/1959
Cấp bậc-Đại tá (8/1958)
Tiền nhiệm-Thiếu tướng Tôn Thất Đính
Kế nhiệm-Đại tá Tôn Thất Xứng
Vị tríVùng 1 chiến thuật

Tư lệnh Sư đoàn 14 Khinh chiến
(tiền thân của Sư đoàn 22 Bộ binh)
Nhiệm kỳ10/1955 – 2/1957
Cấp bậc-Trung tá
Tiền nhiệmĐầu tiên
Kế nhiệm-Trung tá Lê Huy Luyện
Vị tríĐệ tứ Quân khu

Chỉ huy trưởng
Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt
(sĩ quan người Việt đầu tiên)
Nhiệm kỳ9/1954 – 3/1955
Cấp bậc-Trung tá (9/1954)
Tiền nhiệm-Trung tá Cheviotte
Kế nhiệm-Trung tá Nguyễn Văn Thiệu
Vị tríĐệ tứ Quân khu

Chỉ huy phó
Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt
Nhiệm kỳ10/1953 – 9/1954
Cấp bậcThiếu tá (10/1053)
Chỉ huy trưởng-Trung tá Cheviotte
(sĩ quan Pháp)
Vị tríĐệ tứ Quân khu
(Vùng Cao nguyên và Duyên hải Trung phần)
Thông tin cá nhân
Quốc tịchViệt Nam
Sinh1 tháng 3 năm 1923
xã Sư Lỗ, Phú Lộc, Thừa Thiên, Trung Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất2002 (79 tuổi)
Louisiana, Hoa Kỳ
Nguyên nhân mấtTuổi già
Nơi ởLouisiana, Hoa Kỳ
Nghề nghiệpQuân nhân
Dân tộcKinh
Học vấnTú tài bán phần
Alma mater-Trường Quốc học Khải Định, Huế
-Trường Võ bị Quốc gia tại Huế
-Trường Võ bị Liên quân Saint Cyr, Pháp
-Học viện Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ
-Trường Huấn luyện Chiến thuật Okinawa, Nhật Bản
Quê quánTrung Kỳ
Phục vụ trong quân đội
Thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Phục vụ Việt Nam Cộng hòa
Năm tại ngũ1948 - 1966
Cấp bậc Thiếu tướng
Đơn vị Võ bị Đà Lạt
Sư đoàn 1 Bộ binh
Sư đoàn 5 Bộ binh
Sư đoàn 22 Bộ binh
Sư đoàn 25 Bộ binh
Võ khoa Thủ Đức
Bộ Tổng tham mưu
Quân đoàn I và QK 1
Chỉ huy Quân đội Liên Hiệp Pháp
Quân đội Quốc gia
Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Tham chiến-Chiến tranh Đông Dương
-Chiến tranh Việt Nam

Nguyễn Văn Chuân (19232002) nguyên là một cựu tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Thiếu tướng. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên tại trường Võ bị do Quân đội Pháp và Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra ở Trung phần, nhằm mục đích đào tạo sĩ quan người Việt để phục vụ trong Quân đội Liên hiệp Pháp. Trong thời gian tại ngũ, ông đã đảm nhận từ chức vụ chỉ huy cấp Trung đội, tuần tự cho đến chỉ huy cấp Sư đoàn Bộ binh. Sau đó đã giữ chức vụ Tư lệnh một Quân đoàn, nhưng vì liên can đến vụ Biến động ở miền Trung xảy ra năm 1966, ông phải ra Hội đồng Kỷ luật và buộc phải giải ngũ cùng năm khi mới 43 tuổi.

Tiếu sử & Binh nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh ngày 1 tháng 3 năm 1923 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Truồi, xã Sư Lỗ, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, Trung phần Việt Nam. Năm 1942, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại trường Quốc học Khải Định ở Huế với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Sau đó ông được Nhà nước Bảo hộ tuyển dụng làm công chức, tùng sự tại Huế cho đến khi gia nhập quân đội

Quân đội Liên hiệp Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 9 năm 1948, thi hành lệnh động viên của Chính phủ Quốc gia Việt nam, ông nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp Pháp, mang số quân: 43/200.610. Theo học khóa 1 tại trường Võ bị Huế, khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1948. Ngày 1 tháng 6 năm 1949 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường, ông được cử đi du học tại trường Võ bị Liên quân Saint Cyr, Pháp. Mãn khóa về nước ông được thăng cấp Trung úy và phục vụ tại một Tiểu đoàn Bộ binh với chức vụ Đại đội trưởng.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Giữa năm 1951, sau khi chuyển sang phục vụ Quân đội Quốc gia ông được thăng cấp Đại úy giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng. Đầu năm 1952, ông được cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Địa phương Trần Hưng Đạo, đồn trú tại Quảng Trị. Tháng 10 năm 1953, ông được thăng cấp Thiếu tá và được chỉ định làm Chỉ huy phó trường Võ bị Liên quân Đà Lạt.

Tháng 9 năm 1954, sau Hiệp định Genève (ngày 20 tháng 7), ông được thăng cấp Trung tá và được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Ngày 1 tháng 10, ông tổ chức lễ mãn khóa 10 phụ Cương Quyết Sĩ quan Trừ bị.[1]

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 1 tháng 3 năm 1955, ông tố chức lễ mãn khóa cho khóa 11 Phạm Công Quân Sĩ quan hiện dịch. Cuối tháng, ông được lệnh bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng lại cho Trung tá Nguyễn Văn Thiệu.[2] Đầu tháng 10 cùng năm, sau khi chuyển sang phục vụ cơ cấu mới là Quân đội Việt Nam Cộng hòa,[3] ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 14 Khinh chiến.[4]

Ngày 19 tháng 2 năm 1957, ông nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 14 lại cho Trung tá Lê Huy Luyện[5]. Đầu tháng 3, ông được cử đi du học khóa Chỉ huy và Tham mưu cao cấp tại Leavenworth thuộc Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ. Đầu năm 1958, sau khi từ Hoa Kỳ về nước không lâu, ông được cử đi du học khóa Kế hoạch Liên kết & Phối hợp tại Okinawa, Nhật Bản. Đầu tháng 8 cùng năm, ông được thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 1 Dã chiến[6] thay thế Thiếu tướng Tôn Thất Đính được cử đi làm Tư lệnh Quân đoàn II và Vùng 2 chiến thuật.

Tháng 2 năm 1959, ông nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 1 Bộ binh lại cho Đại tá Tôn Thất Xứng. Tháng 8 cùng năm, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh thay thế Trung tá Đặng Văn Sơn[7]. Hai năm sau, ngày 20 tháng 5 năm 1961, ông bàn giao Sư đoàn 5 Bộ binh lại cho Thiếu tướng Trần Ngọc Tám. Ngay sau đó, chuyển trở về lĩnh vực đào tạo của ngành Quân huấn, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Liên trường Võ khoa Thủ Đức thay thế Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm.[8] Sau 2 tháng, hạ tuần tháng 7 cùng năm, bàn giao Liên trường Võ khoa lại cho Thiếu tướng Hồ Văn Tố.[9]

Hạ tuần tháng 2 năm 1962, ông được chuyển trở lại đơn vị Bộ binh giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh tân lập tại Quảng Ngãi. Tháng 12 cùng năm, bàn giao Sư đoàn 25 lại cho Đại tá Lữ Lan.[10] Đầu năm 1963, ông được chỉ định làm Trưởng phòng 4 tại Bộ Tổng tham mưu.

Ngày 16 tháng 4 năm 1964, sau cuộc Chỉnh lý nội bộ của tướng Nguyễn Khánh, ông cùng với 2 Đại tá Đặng Văn Quang, Trương Văn Chương[11] và Trung tá Dương Hiếu Nghĩa[12], ngồi ghế phụ thẩm trong phiên tòa xét xử ông Ngô Đình Cẩn.[13] Tháng 8 cùng năm, ông được thăng cấp Chuẩn tướng. Tháng 11 cuối năm, ông tái nhiệm Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh thay thế Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi được cử đi làm Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng 1 chiến thuật.

Năm 1965, ông góp sáng kiến thành lập Lực lượng Hành động cấp thời[14] do Thiếu úy Phạm Văn Đính[15] làm Đại đội trưởng đầu tiên. Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 cuối năm, ông được thăng cấp Thiếu tướng tại nhiệm.

Tháng 3 năm 1966, ông được lệnh bàn giao Sư đoàn 1 lại cho Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận.[16] Ngay sau đó ông được cử làm Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng 1 chiến thuật thay thế Trung tướng Nguyễn Chánh Thi bị giải nhiệm vì có liên can đến vụ ""Biến động miền Trung"". Sau một tháng, ông xin từ nhiệm chức Tư lệnh Quân đoàn I, bàn giao lại cho Trung tướng Tôn Thất Đính.[17] Ngày 14 tháng 7 cùng năm, ông bị Hội đồng Kỷ luật ra quyết định phạt và cho giải ngũ vì có liên can đến vụ Biến động miền Trung, ông bị buộc phải giải ngũ.

Năm 1967, ông ứng cử vào Quốc hội Lưỡng viện Việt Nam Cộng hòa, đắc cử Thượng nghị sĩ trong Thượng viện nhiệm kỳ 1967-1973.

Ngày 30 tháng 4, ông cùng gia đình di tản ra khỏi Việt Nam. Sau đó được sang định cư tại Baton Rouge, Tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ.

Năm 2002, ông từ trần tại nơi định cư. Hưởng thọ 79 tuổi.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tức là khóa 4 phụ Cương Quyết 2 của trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, được gửi lên thụ huấn tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt
  2. ^ Trung tá Thiệu đang là Tiểu khu trưởng Tiếu khu Ninh Thuận (trước đó là Khu chiến Phan Rang)
  3. ^ Đổi tên từ Quân đội Quốc gia
  4. ^ Sư đoàn 14 Khinh chiến là tiền thân của Sư đoàn 22 Bộ binh sau này
  5. ^ Trung tá Lê Huy Luyện sinh năm 1928 tại Thừa Thiên, tốt nghiệp khóa 1 Võ bị Huế. Sau cùng là Đại tá Trưởng phòng Tiếp vận tại Bộ Quốc phòng.
  6. ^ Ngày 1 tháng 12 năm 1958, Sư đoàn Dã chiến số 1 đổi tên lần cuối cùng thành Sư đoàn 1 Bộ binh
  7. ^ Trung tá Đặng Văn Sơn sinh năm 1916 tại Huế, tốt nghiệp Trường Hạ sĩ quan Pháp. Sau cùng là Đại tá Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ (1961-1962), giải ngũ năm 1964.
  8. ^ Tướng Lê Văn Nghiêm được cử đi làm Tư lệnh Quân đoàn III và Vùng 3 chiến thuật.
  9. ^ Tướng Hồ Văn Tố đang là Tham mưu phó Tiếp vận Bộ Tổng tham mưu.
  10. ^ Đại tá Lữ Lan đang là Trưởng phòng 3 tại Bộ Tổng Tham mưu.
  11. ^ Đại tá Trương Văn Chương giải ngũ năm 1965.
  12. ^ Trung tá Dương Hiếu Nghĩa sinh năm 1925 tại Sa Đéc, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá Uỷ viên trong Uỷ ban Liên hợp 4 bên.
  13. ^ Bào đệ của Tổng thống Diệm và Cố vấn Nhu, nguyên cố vấn chỉ đạo miền Trung
  14. ^ Lưc lượng Hành động, sau cảỉ danh thành Đại đội Hắc báo
  15. ^ Thiếu uý Phạm Văn Đính sinh năm 1937 tại Thừa Thiên, tốt nghiệp khóa 9 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Năm 1971 là Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 thuộc Sư đoàn 3 Bộ binh, Mùa hè năm 1972 cùng Trung đoàn đầu hàng quân Bắc Việt tại căn cứ Carroll, phòng tuyến Quảng Trị.
  16. ^ Tướng Nhuận đang là Chỉ huy trưởng Binh chủng Biệt động quân
  17. ^ Tướng Đính đang là Tổng thanh tra Quân lực kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Quân huấn

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.