Bước tới nội dung

Northrop F-89 Scorpion

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
F-89 Scorpion
F-89J
KiểuMáy bay tiêm kích đánh chặn
Hãng sản xuấtNorthrop Corporation
Chuyến bay đầu tiên16 tháng 8 năm 1948
Được giới thiệutháng 9 năm 1950
Tình trạngNghỉ hưu
Khách hàng chínhKhông quân Hoa Kỳ
Số lượng sản xuất1.050
Chi phí máy bay801.602 Đô la Mỹ (F-89D)[1]
988.884 Đô la Mỹ (F-89H)

Chiếc Northrop F-89 Scorpion là một kiểu máy bay tiêm kích đánh chặn phản lực Hoa Kỳ hoạt động trong mọi thời tiết. Nó có vinh dự là kiểu máy bay đầu tiên được trang bị vũ khí nguyên tử (tên lửa không đối không Genie).

Thiết kế và phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]

Chiếc Scorpion xuất phát từ một yêu cầu kỹ thuật của Không lực Lục quân Hoa Kỳ năm 1945 về một kiểu máy bay tiêm kích bay đêm phản lực để thay thế chiếc P-61 Black Widow. Lockheed đã đề nghị một phiên bản cải tiến của chiếc T-33 trở thành một kiểu sẽ được đặt tên là F-94A. Còn Northrop đề nghị một kiểu đặt tên N-24, một máy bay thân hẹp có cánh gắn giữa trang bị hai động cơ Allison J35 turbo phản lựcđốt sau. Nó sẽ có radar và đội bay gồm hai người, vũ khí được trang bị là sáu khẩu pháo 20 mm trên một tháp súng độc đáo xoay được trước mũi. Hợp đồng chế tạo hai chiếc nguyên mẫu được ký vào tháng 12 năm 1946.

Chiếc nguyên mẫu XP-89 bay chuyến bay đầu tiên vào ngày 16 tháng 8 năm 1948 bởi phi công thử nghiệm Fred C. Bretcher. Một đặc tính độc đáo được thêm vào chiếc nguyên mẫu trong giai đoạn phát triển là cánh hãm (deceleron), một kiểu cánh tà (aileron) gồm hai phần có thể tách mở ra để hoạt động như một phanh gió; đặc tính này đã trở thành một phát minh bản quyền của Northrop, được sử dụng cho đến tận hôm nay trên chiếc B-2 Spirit.

Việc sản xuất được thông qua vào tháng 1 năm 1949, và chiếc F-89A được sản xuất hàng loạt sau đó được đưa vào sử dụng trong Không quân Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 1950. Nó được trang bị radar AN/APG-33 và sáu khẩu pháo Hispano T-31 20 mm với 200 quả đạn mỗi khẩu. Tháp pháo xoay được trước mũi bị gỡ bỏ, và các thùng nhiên liệu 1.100 L (300 US gallon) được gắn cố định vĩnh viễn trên đầu mút cánh. Các đế dưới cánh mang được 16 rocket 5 in. hoặc cho đến 1.455 kg (3.200 lb) bom.

Chỉ có tám chiếc F-89A được hoàn tất trước khi kiểu này được nâng cấp lên tiêu chuẩn F-89B với các thiết bị điện tử mới. Những chiếc này có khá nhiều những vấn đề về động cơ và các hệ thống khác, nên nhanh chóng được chuyển sang phiên bản F-89C. Cho dù đã tiếp tục thay đổi động cơ nhiều lần, vẫn còn có những vấn đề và thêm vào đó là sự khám phá ra những vấn đề về kết cấu của cánh, buộc phải sửa đổi 194 chiếc thuộc các phiên bản -A, -B, và -C.

Phiên bản được sản xuất chủ yếu là F-89D, bay lần đầu tiên ngày 23 tháng 10 năm 1951 và đưa vào hoạt động năm 1954. Nó bị tháo bỏ các khẩu pháo để lắp hệ thống kiểm soát hỏa lực mới Hughes E-6 với radar AN/APG-40 và một máy tính AN/APA-84. Vũ khí trang bị là hai cụm rocket chứa 52 rocket FFAR "Mighty Mouse" 70 mm (2,75 in), tổng cộng được 104 rocket. Có 682 chiếc được chế tạo.

Các phiên bản được tiếp tục phát triển với ký hiệu F-89EF-89F nhưng không được đưa vào sản xuất, cũng như là phiên bản được đề nghị F-89G dự định sử dụng hệ thống kiểm soát hỏa lực Hughes MA-1 và tên lửa không-đối-không GAR-1/GAR-2 Falcon giống như chiếc F-102 Delta Dagger.

Phiên bản tiếp theo F-89H, đưa vào hoạt động năm 1956, có một hệ thống kiểm soát hỏa lực E-9 giống như được trang bị trên những chiếc F-102 đời đầu và những cụm to trên đầu cánh mỗi cái mang ba tên lửa Falcon (thường là ba tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động GAR-1 và ba tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại GAR-2) và 21 rocket FFAR, tổng cộng có sáu tên lửa và 42 rocket. Những vấn đề về hệ thống kiểm soát hỏa lực đã trì hoãn việc đưa phiên bản -H vào hoạt động, vào lúc mà tính năng hoạt động của nó đã kém hơn đáng kể so với những máy bay tiêm kích đánh chặn siêu thanh mới hơn, cho nên chúng bị loại ra khỏi hoạt động của Không quân Mỹ vào năm 1959.

Phiên bản cuối cùng là kiểu F-89J. Nó dựa trên chiếc F-89D, nhưng thay thế cụm tên lửa đầu chót cánh bằng thùng nhiên liệu 600 gallon và thêm một đế dưới mỗi cánh mang một tên lửa nguyên tử MB-1 Genie (đôi khi được bổ sung thêm bốn tên lửa đối không Falcon thông thường). Chiếc F-89J trở thành máy bay đầu tiên và duy nhất từng bắn một tên lửa nguyên tử MB-1 Genie thử nghiệm tên John Shot trong Chiến dịch Plumbbob vào ngày 19 tháng 7 năm 1957. Những chiếc F-89J không được chế tạo mới, nhưng có 350 chiếc phiên bản -D được cải tiến thành tiêu chuẩn này. Chúng phục vụ trong Bộ chỉ huy Phòng thủ Không gian (ADC) cho đến năm 1959 và với Không lực Vệ binh Hoa Kỳ cho đến năm 1969.

Có tổng cộng 1.050 chiếc Scorpion thuộc mọi phiên bản được chế tạo.

Các phiên bản

[sửa | sửa mã nguồn]
Chiếc F-89J số hiệu 52-2129 được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không ở Hampton, Virginia.
XF-89
Chiếc nguyên mẫu thứ nhất.
XF-89A
Chiếc nguyên mẫu thứ hai.
F-89A
Phiên bản sản xuất đầu tiên, có 8 chiếc được chế tạo.
F-89B
Phiên bản sản xuất thứ hai, được năng cấp thiết bị điện tử.
F-89C
Phiên bản sản xuất thứ ba với động cơ mới.
F-89D
Phiên bản sản xuất chính, pháo được tháo bỏ, trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực mới Hughes E-6 với radar AN/APG-40 và một máy tính AN/APA-84. Có 682 chiếc được chế tạo.
YF-89E
Một chiếc nguyên mẫu duy nhất thử nghiệm động cơ Allison YJ71.
F-89F
Phiên bản được đề nghị với động cơ mới, không được chế tạo.
F-89G
Phiên bản được đề nghị với hệ thống kiểm soát hỏa lực mới MA-1 và tên lửa không-đối-không GAR-1/GAR-2 Falcon, không được chế tạo.
F-89H
Phiên bản với hệ thống kiểm soát hỏa lực E-9, sáu tên lửa GAR-1/GAR-2 Falcon và rocket 42 RRAF.
F-89J
Phiên bản sản xuất cuối cùng phát triển từ kiểu F-89D, thay cụm tên lửa đầu chót cánh bằng các thùng nhiên liệu phụ và thêm đế gắn dưới cánh mang một tên lửa hạt nhân MB-1 Genie, có 350 chiếc được chế tạo lại từ phiên bản F-89D.
DF-89A
Những chiếc F-89A được biến đổi thành máy bay điều khiển từ xa mục tiêu giả.
DF-89B
Những chiếc F-89B được biến đổi thành máy bay điều khiển từ xa mục tiêu giả.

Các nước sử dụng

[sửa | sửa mã nguồn]
 Hoa Kỳ

Đặc điểm kỹ thuật (F-89D)

[sửa | sửa mã nguồn]
F-89 Scorpion

Đặc tính chung

[sửa | sửa mã nguồn]

Đặc tính bay

[sửa | sửa mã nguồn]
  • 104 × rocket "Mighty Mouse" 70 mm (2,75 in)
  • 16 × rocket 127 mm (5 in) hoặc
  • 1.500 kg (3.200 lb) bom

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Knaack, Marcelle Size (1978). Encyclopedia of US Air Force aircraft and missile systems. Office of Air Force History.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Nội dung liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Máy bay tương tự

[sửa | sửa mã nguồn]

Trình tự thiết kế

[sửa | sửa mã nguồn]

F-86 - XF-87 - XF-88 - F-89 - XF-90 - XF-91 - XF-92

Danh sách liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]