USS Swordfish (SS-193)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tàu ngầm USS Swordfish (SS-193) vào năm 1939
Lịch sử
Hoa Kỳ
Tên gọi USS Swordfish (SS-193)
Đặt tên theo cá kiếm[1]
Xưởng đóng tàu Xưởng hải quân Mare Island, Vallejo, California [2]
Đặt lườn 27 tháng 10, 1937 [2]
Hạ thủy 1 tháng 4, 1939 [2]
Người đỡ đầu cô Louise Shaw Hepburn
Nhập biên chế 22 tháng 7, 1939 [2]
Xóa đăng bạ 19 tháng 5, 1945 [2]
Danh hiệu và phong tặng
Số phận Có thể bị tàu Nhật Bàn đánh chìm tại quần đảo Ryūkyū, tháng 1, 1945
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Sargo
Kiểu tàu tàu ngầm tổ hợp dẫn động trực tiếp và diesel-điện [4]
Trọng tải choán nước
  • 1.450 tấn Anh (1.470 t) (mặt nước) [5]
  • 2.350 tấn Anh (2.390 t) (lặn) [5]
Chiều dài 310 ft 6 in (94,64 m) [5]
Sườn ngang 26 ft 10 in (8,18 m) [5]
Mớn nước 16 ft 8 in (5,08 m) [5]
Động cơ đẩy
Tốc độ
Tầm xa 11.000 hải lý (20.000 km) trên mặt nước ở tốc độ 10 hải lý trên giờ (19 km/h)[5]
Tầm hoạt động 48 giờ lặn ở tốc độ 2 hải lý trên giờ (3,7 km/h)[5]
Độ sâu thử nghiệm
  • 250 ft (80 m)
  • độ sâu bị ép vỡ khoảng 450 ft (140 m)[5]
Thủy thủ đoàn tối đa 5 sĩ quan, 54 thủy thủ[5]
Vũ khí

USS Swordfish (SS-193) là một tàu ngầm lớp Sargo được Hải quân Hoa Kỳ chế tạo ngay trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nó là chiếc đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ được đặt cái tên này, theo tên loài cá kiếm.[1] Nó đã phục vụ trong suốt Thế Chiến II, thực hiện tổng cộng mười ba chuyến tuần tra, đánh chìm 12 tàu Nhật Bản, bao gồm một tàu khu trục với tổng tải trọng 47.928 tấn.[8] Con tàu mất tích trong chuyến tuần tra cuối cùng vào tháng 1, 1945 tại khu vực quần đảo Ryūkyū, có thể do trúng mìn sâu thả từ tàu phòng vệ duyên hải đối phương. Swordfish được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Tuyên dương Hải quân cùng tám Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Thế Chiến II.

Thiết kế và chế tạo[sửa | sửa mã nguồn]

Đặc tính của lớp Sargo hầu như tương tự với Lớp Salmon dẫn trước, duy trì một tốc độ 21 hải lý trên giờ (39 km/h) để hoạt động phối hợp với các thiết giáp hạm trong đội hình hạm đội.[5] Ngoài ra, tầm hoạt động 11.000 hải lý (20.000 km) cho phép chúng tuần tra đến tận vùng biển nhà Nhật Bản.[5] Hệ thống động lực "tổng hợp" bao gồm bốn động cơ diesel, gồm hai chiếc vận hành trực tiếp trục chân vịt và hai chiếc để chạy máy phát điện dùng cho nạp ắc quy hay tăng tốc trên mặt nước.[9]

Lớp Sargo có chiều dài 310 foot 6 inch (94,64 m), với trọng lượng choán nước khi nổi là 1.450 tấn Anh (1.470 t) và khi lặn là 2.350 tấn Anh (2.390 t).[5] Chúng là lớp tàu ngầm đầu tiên được lắp đặt một kiểu ắc-quy a-xít chì mới "Kiểu Sargo" chịu đựng được hư hại trong chiến đấu nhờ lớp vỏ kép giúp ngăn ngừa việc rò rỉ acid sulfuric,[10] có dung lượng nhỉnh hơn với 126 cell và điện áp danh định tăng lên 270 volt.[11] Vũ khí trang bị chính gồm tám ống phóng ngư lôi 21 in (530 mm), gồm bốn ống trước mũi và bốn ống phía đuôi, một hải pháo 3 inch/50 caliber trên boong tàu và bốn súng máy M1919 Browning .30-caliber (7,62 mm).[5]

Swordfish được đặt lườn tại Xưởng hải quân Mare IslandVallejo, California vào ngày 27 tháng 10, 1937. Nó được hạ thủy vào ngày 3 tháng 4, 1939, được đỡ đầu bởi cô Louise Shaw Hepburn, và được cho nhập biên chế cùng Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 22 tháng 7, 1939 dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Đại úy Hải quân Chester Card Smith.[1][3][12]

Lịch sử hoạt động[sửa | sửa mã nguồn]

1939–1941[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi hoàn tất việc chạy thử máy và sửa chữa sau đó tại Xưởng hải quân Mare Island, Swordfish hoạt động từ căn cứ San Diego, California cho đến đầu năm 1941, khi nó lên đường đi sang Trân Châu Cảng. Đến ngày 3 tháng 11, nó cùng ba tàu ngầm khác lên đường hướng sang khu vực quần đảo Philippine, đi đến Manila vào ngày 22 tháng 11. Con tàu vẫn đang ở lại đây khi Hải quân Đế Quốc Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 khiến chiến tranh bùng nổ tại Mặt trận Thái Bình Dương.[1]

Chuyến tuần tra thứ nhất[sửa | sửa mã nguồn]

Lên đường vào ngày hôm sau cho chuyến tuần tra đầu tiên trong chiến tranh, Swordfish hoạt động ngoài khơi bờ biển đảo Hải Nam, Trung Quốc. Nó đã gây hư hại cho nhiều tàu bè đối phương trong các ngày 9, 1114 tháng 12,[12] rồi đến ngày 16 tháng 12, tại vị trí về phía Nam Tam Á, nó phóng ba quả ngư lôi tấn công lúc 13 giờ 30 phút, đánh trúng tàu vận tải Lục quân Atsutasan Maru (8.662 tấn) ngay phòng động cơ, khiến mục tiêu chết đứng giữa biển tại tọa độ 18°06′B 109°44′Đ / 18,1°B 109,733°Đ / 18.100; 109.733;[13] ba thủy thủ và 25 pháo thủ đã thiệt mạng. Bị bỏ lại, Atsutasan Maru tiếp tục trôi nổi và đắm hai ngày sau đó.[14] Đến ngày 27 tháng 12, chiếc tàu ngầm quay trở lại Manila để đón lên tàu Bộ chỉ huy và Ban tham mưu Lực lượng Tàu ngầm Hạm đội Á Châu, để đưa họ đi sang Soerabaja, Java, đến nơi vào ngày 7 tháng 1, 1942.[1]

1942[sửa | sửa mã nguồn]

Chuyến tuần tra thứ hai[sửa | sửa mã nguồn]

Khởi hành từ Soerabaja vào ngày 16 tháng 1, 1942 cho chuyến tuần tra thứ hai, Swordfish hoạt động tại vùng biển Celebes và chung quanh Philippines. Vào ngày 24 tháng 1, trong vịnh Kema về phía Nam Bitung thuộc tỉnh Bắc Sulawesi, nó phóng ngư đánh chìm tàu chở hàng Myoken Maru (4.124 tấn) tại tọa độ 01°22′B 125°05′Đ / 1,367°B 125,083°Đ / 1.367; 125.083; sáu thủy thủ đã thiệt mạng cùng con tàu.[13][15] Đến ngày 20 tháng 2, nó đi ngầm tại lối ra vào Mariveles, Bataan, Luzon, rồi nổi lên lúc trời tối để đón lên tàu Tổng thống Philippines Manuel L. Quezon và gia đình, Phó tổng thống Sergio Osmeña, Chánh án tối cao José Abad Santos cùng ba sĩ quan quân đội Philippines.[16] Nó khởi hành lúc 23 giờ 30 phút, băng qua một bãi thủy lôi rồi đi ngầm suốt ngày 21 tháng 2, đi đến bờ biển San Jose, Panay lúc 22 giờ 00 ngày 22 tháng 2, và dừng lại khoảng một dặm ngoài khơi bờ biển lúc 02 giờ 30 phút ngày 23 tháng 2. Các vị khách rời tàu lúc khoảng 03 giờ 00, còn chiếc tàu ngầm quay trở lại vịnh Manila để tiếp tục đón Cao ủy Philippines, rồi đi đến Fremantle, Australia vào ngày 9 tháng 3.[1]

Chuyến tuần tra thứ ba[sửa | sửa mã nguồn]

Khởi hành từ Fremantle vào ngày 1 tháng 4 cho chuyến tuần tra thứ ba, Swordfish có nhiệm vụ chuyển 40 tấn tiếp liệu đến Corregidor đang bị đối phương bao vây. Tuy nhiên hòn đảo đã thất thủ trước khi nó đến nơi, và chiếc tàu ngầm chuyển sang tuần tra tại khu vực đảo Ambon. Những mục tiêu nó phát hiện đều ở bên ngoài tầm bắn, nên nó kết thúc chuyến tuần tra và quay trở về Fremantle vào ngày 1 tháng 5,[1] nơi nó được bảo trì cặp bên mạn tàu tiếp liệu tàu ngầm Otus (AS-20).[12]

Chuyến tuần tra thứ tư[sửa | sửa mã nguồn]

Trong chuyến tuần tra thứ tư từ ngày 15 tháng 5 đến ngày 4 tháng 7, Swordfish có mặt tại eo biển Makassar vào ngày 23 tháng 5, khi nó có thể đã gây hư hại cho chiếc Asakaze Maru.[12] Sau đó trong biển Đông vào ngày 29 tháng 5, nó phối hợp với tàu ngầm Seal (SS-183)[12] phóng ngư lôi đánh trúng và gây hư hại nặng cho tàu tiếp liệu tàu ngầm Rio de Janeiro Maru (9.627 tấn).[17] rồi ngay sau đó phóng tiếp hai quả ngư lôi, đánh chìm tàu vận tải Lục quân Tatsufuku Maru (1.900 tấn) ở vị trí eo biển Balabac về phía Bắc Borneo, tại tọa độ 07°33′B 116°18′Đ / 7,55°B 116,3°Đ / 7.550; 116.300, khiến 12 thủy thủ cùng 36 binh lính tử trận.[13][17][12] Trong vịnh Thái Lan vào ngày 12 tháng 6, nó phóng hai loạt với bốn quả ngư lôi đánh chìm tàu chở hàng Burma Maru (4.585 tấn) ở vị trí về phía Tây Bắc đảo Wai, tại tọa độ 10°08′B 102°34′Đ / 10,133°B 102,567°Đ / 10.133; 102.567.[13][12][18] Nó kết thúc chuyến tuần tra khi quay trở về căn cứ Fremantle.[1]

Chuyến tuần tra thứ năm và thứ sáu[sửa | sửa mã nguồn]

Các chuyến tuần tra thứ năm trong biển Sulu và chuyến thứ sáu tại khu vực quần đảo Solomon không đem lại kết quả, mà Swordfish lại liên can đến các sự việc bắn nhầm. Vào ngày 12 tháng 11, nó có thể đã bắn nhầm và gây hư hại cho tàu schooner HMAS Fauro Chief trong cảng tại đảo Misima. Đến ngày 26 tháng 11, đang khi đi trên mặt biển ngoài khơi mũi Ward Hunt, New Guinea, một máy bay ném bom North American B-25 Mitchell Không lực nhầm nó là một tàu ngầm Nhật Bản nên tấn công. Chiếc tàu ngầm phải lặn khẩn cấp né tránh, và xuống đến độ sâu 120 foot (37 m) khi bốn quả bom phát nổ về phía đuôi tàu, nhưng không gây hư hại hay tổn thất nào.[19][1]

1943[sửa | sửa mã nguồn]

Chuyến tuần tra thứ bảy[sửa | sửa mã nguồn]

Trong chuyến tuần tra thứ bảy, vào ngày 19 tháng 1, 1943, Swordfish đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu chở hàng Myoho Maru (4.122 tấn) ở vị trí về phía Đông Bắc Buin, Bougainville, tại tọa độ 05°38′N 156°20′Đ / 5,633°N 156,333°Đ / -5.633; 156.333; 61 hành khách cùng ba thủy thủ đã thiệt mạng.[13][12][20] Đến ngày 7 tháng 2, con tàu lại bị bắn nhầm một lần nữa lúc 09 giờ 25 phút, khi bị một máy bay ném bom B-17 Flying Fortress Không lực tấn công trên mặt nước ở vị trí khoảng 240 nmi (440 km) về phía Đông Bắc Kavieng, New Ireland, tại tọa độ 00°12′B 152°00′Đ / 0,2°B 152°Đ / 0.200; 152.000.[21] Hỏa lực súng máy đã bắn trúng tháp chỉ huy trong khi chiếc tàu ngầm phải lặn khẩn cấp, tiếp nối bởi một vụ nổ, và nó chìm xuống đến độ sâu 170 ft (52 m) trước khi lấy lại độ sâu bình ổn ở 90 ft (27 m).[21] Con tàu hư hại đáng kể đến mức nó phải chấm dứt chuyến tuần tra và quay trở về căn cứ để sửa chữa, đi đến Trân Châu Cảng vào ngày 23 tháng 2.[21][1]

Chuyến tuần tra thứ tám[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi được sửa chữa và đại tu tại Trân Châu Cảng, Swordfish lên đường vào ngày 29 tháng 7 cho chuyến tuần tra thứ tám. Trên tuyến hàng hải giữa RabaulPalau, nó bắt gặp một đoàn ba tàu buôn và hai tàu hộ tống vào ngày 22 tháng 8, và đến 11 giờ 38 phút đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu chở hàng Nishiyama Maru (tên khác là Seizan Maru) (3.016 tấn) tại tọa độ 02°55′B 136°43′Đ / 2,917°B 136,717°Đ / 2.917; 136.717, ba hành khách cùng bốn thủy thủ đã thiệt mạng cùng con tàu.[13][12][22] Nó lại đánh chặn một đoàn tàu vận tải khác vào ngày 5 tháng 9, phóng ngư lôi lúc 13 giờ 12 phút và đánh trúng tàu chở hàng Tenkai Maru (3.203 tấn), khiến mục tiêu đắm hơn một giờ sau đó ở phía Bắc New Guinea, tại tọa độ 01°10′B 142°10′Đ / 1,167°B 142,167°Đ / 1.167; 142.167; ba hành khách cùng ba thủy thủ đã thiệt mạng.[13][12][23] Tàu săn ngầm CH-33 hộ tống đã phản công với 10 quả mìn sâu được thả xuống,[24] nhưng Swordfish thoát được và về đến căn cứ Brisbane, Australia vào ngày 20 tháng 9.[1]

Chuyến tuần tra thứ chín[sửa | sửa mã nguồn]

Chuyến tuần tra thứ chín của Swordfish chỉ kéo dài ba tuần lễ. Ngay khi đi đến khu vực tuần tra được chỉ định, con tàu gặp trục trặc kỹ thuật nên phải quay trở về căn cứ.[1]

1944[sửa | sửa mã nguồn]

Chuyến tuần tra thứ mười[sửa | sửa mã nguồn]

Phần thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Swordfish được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Tuyên dương Hải quân cùng tám Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Thế Chiến II.[1][3] Nó được ghi công đã đánh chìm 12 tàu Nhật Bản, bao gồm một tàu khu trục với tổng tải trọng 47.928 tấn.[8]

Bản mẫu:Ribbon devices/altBản mẫu:Ribbon devices/alt
Bản mẫu:Ribbon devices/alt
Silver star
Bronze star
Bronze star
Bronze star
Bản mẫu:Ribbon devices/alt
Bản mẫu:Ribbon devices/alt
Dãi băng Hoạt động Tác chiến Đơn vị Tuyên dương Hải quân
Huân chương Chiến dịch Hoa Kỳ Huân chương Chiến dịch Châu Á-Thái Bình Dương
với 8 Ngôi sao Chiến trận
Huân chương Chiến thắng Thế Chiến II

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e f g h i j k l m n Naval Historical Center. Swordfish I (SS-193). Dictionary of American Naval Fighting Ships. Navy Department, Naval History and Heritage Command.
  2. ^ a b c d e Friedman 1995, tr. 285–304
  3. ^ a b c Yarnall, Paul R. “Swordfish (SS-193)”. NavSource.org. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2024.
  4. ^ a b c d e f Bauer & Roberts 1991, tr. 269-270
  5. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q r Friedman 1995, tr. 305-311
  6. ^ Friedman 1995, tr. 202–204
  7. ^ Friedman 1995, tr. 310
  8. ^ a b The Joint Army-Navy Assessment Committee. “Japanese Naval and Merchant Shipping Losses During World War II by All Causes”. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2022.
  9. ^ Friedman 1995, tr. 203
  10. ^ “Sargo class, U.S. Submarine”. The Pacific War Online Encyclopedia. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2024.
  11. ^ Friedman 1995, tr. 265
  12. ^ a b c d e f g h i j Helgason, Guðmundur. “Swordfish (SS-193)”. uboat.net. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2024.
  13. ^ a b c d e f g The Joint Army-Navy Assessment Committee (tháng 2 năm 1947). “Japanese Naval and Merchant Shipping Losses During World War II by All Causes”. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024.
  14. ^ Hackett, Bob; Casse, Gilbert (2011). “IJA AA Transport ATSUTASAN MARU: Tabular Record of Movement”. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024.
  15. ^ Casse, Gilbert; van der Wal, Berend; Cundall, Peter (2023). “IJN MYOKEN MARU: Tabular Record of Movement”. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024.
  16. ^ Whitman (1990), tr. 416.
  17. ^ a b Hackett, Bob; Kingsepp, Sander; Cundall, Peter (2015). “IJN Submarine Tender RIO DE JANEIRO MARU: Tabular Record of Movement”. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024.
  18. ^ Jordan (1999), tr. 540.
  19. ^ Hinman & Campbell 2019, tr. 288.
  20. ^ Hackett, Bob (2014). “SHINSEI MARU No. 1: Tabular Record of Movement”. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024.
  21. ^ a b c Hinman & Campbell (2019), tr. 288–289
  22. ^ Hackett, Bob (2015). “IJA Transport/Hospital Ship KAZUURA MARU: Tabular Record of Movement”. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024.
  23. ^ Hackett, Bob (2017). “TENKAI MARU: Tabular Record of Movement”. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024.
  24. ^ Hackett, Bob; Kingsepp, Sander; Cundall, Peter (2015). “IJN Subchaser CH-33: Tabular Record of Movement”. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024.

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]