Bước tới nội dung

Yên Sở (phường)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Yên Sở
Phường
Phường Yên Sở
Công viên Yên Sở
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
Thành phốHà Nội
QuậnHoàng Mai
Trụ sở UBNDPhố Yên Sở (đường liên thôn Yên Duyên - Sở Thượng cũ)
Thành lập2004
Địa lý
Diện tích7,25 km²[1]
Dân số (2022)
Tổng cộng25.835 người[2]
Mật độ3.563 người/km²
Dân tộcHầu hết là Kinh
Khác
Mã hành chính00340[3]

Yên Sở là một phường thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Phường Yên Sở có diện tích tự nhiên là 7,25 km² và 25.835 nhân khẩu.[1][2] Là phường có diện tích tự nhiên lớn nhất quận Hoàng Mai, lớn thứ hai của Thành phố Hà Nội (sau phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) lớn hơn cả diện tích của cả quận Hoàn Kiếm.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Yên Sở là tên ghép của hai làng Yên Duyên và Sở Thượng.

Trước đây là một xã thuộc huyện Thanh Trì.

Đến năm 2004 cùng với 8 xã khác của huyện Thanh Trì và 5 phường thuộc quận Hai Bà Trưng được Chính phủ tách về thành lập quận Hoàng Mai.

Theo Thiên Nam dư hạ tập thì năm Hồng Đức thứ 14 (1483) vua Lê Thánh Tông cho lập các Sở đồn điền, Sở tầm tang, Sở điển mục. Đây là các điểm đồn trú với quân lính làm nòng cốt có nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp và khai hóa đất đai các bãi bồi ven sông trong thời bình, tham gia chiến đấu khi có chiến tranh. Sở Yên Duyên là một trong 43 Sở đồn điền được thành lập khi đó thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, xứ Sơn Nam.

Năm 1495, một nhóm người đã di cư từ Sở Thượng xuống địa phận Ninh Sở, huyện Thường Tín hiện nay lập làng khai hoang. Đến năm 1742 thì tách riêng ra thành lập làng Sở Hạ (để phân biệt với Sở Thượng).

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa giới hành chính phường Yên Sở:

Đây là phường có vị trí quan trọng là cửa ngõ phía Nam thành phố, nơi các mối giao thông huyết mạch đi qua. Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ,đường vành đai 3 dẫn lên cầu Thanh Trì đều đi qua địa bàn phường.

Do vị trí nằm ở phía Nam của thành phố, ở địa hình vùng trũng, một loạt các sông quan trọng như sông Hồng, sông Kim Ngưu, sông Sét đều chảy qua địa bàn phường nên mặc nhiên Yên Sở là nơi tối quan trọng cho việc thoát nước, chống ngập úng của thành phố Hà Nội. Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở nằm ở phường này.

Một vài nét về Yên Sở

[sửa | sửa mã nguồn]

Đình làng Yên Duyên cùng với nhiều nơi khác ở Hoàng Mai thờ danh tướng Trần Khát Chân, người có công chống giặc Chiêm Thành cuối đời Trần. Vào dịp rằm tháng Tám hàng năm làng Yên Duyên có lễ hội bơi chải truyền thống.

Đình làng Sở Thượng thờ Linh Lang đại vương là hoàng tử của vua Lý Thánh Tông có công đánh giặc Tống.

Yên Sở là vùng chiêm trũng, việc canh tác mỗi năm chỉ 1-2 vụ rất bấp bênh, tuy nhiên với lợi thế có nhiều diện tích mặt nước nên đây là vùng nổi tiếng về nuôi trồng, sản xuất cá của thành phố Hà Nội và miền Bắc.

Tháng 5 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 96 con cá rô phi cho Yên Sở, là tiền đề để phát triển ngành cá ở đây. Ngày nay khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng,diện tích mặt nước thu hẹp thì Yên Sở trở thành đầu mối tập trung và cung cấp cá nước ngọt cho cả thành phố cũng như khu vực phía Bắc. Nơi đây có chợ cá đầu mối Sở Thượng hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Công viên Yên Sở là công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích 150 ha nằm ở phía Tây của phường.

Đường phố trên địa bàn phường: Yên Sở, Yên Duyên, Sở Thượng, Hưng Phúc, đường Pháp Vân, Tam Trinh và đường Vành đai 3 trên cao.

Làng Yên Duyên[4]

[sửa | sửa mã nguồn]

Yên Duyên có tên Nôm là làng Mui. Tên chữ “Yên Duyên” vốn là “An Duyên”, bắt nguồn từ câu chuyện, Vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128), trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền. Vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Vua cho rằng, đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình nhưng không gặp, bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương”.

Yên Duyên là một làng rộng lớn, nằm ven sông Hồng, phía Nam Kinh thành Thăng Long, địa dư bao gồm cả làng Sở Thượng (hay Sở Lờ) ngày nay. Vào giữa thế kỷ XV, sau cuộc Nam chinh, Vua Lê Thánh Tông đưa một bộ phận tù binh Chiêm Thành ra đây khai khẩn vùng đất hoang của làng, lập thành một sở đồn điền của nhà nước. Về sau, sở này chuyển thành một làng độc lập, gọi là Sở Thượng. Năm 1928, làng có 1621 nhân khẩu.

Đầu thế kỷ XIX, Yên Duyên là một xã thuộc tổng Thanh Trì, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (từ năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội, từ năm 1902 thuộc tỉnh Cầu Đơ, sau đổi thành tỉnh Hà Đông). Năm 1961, làng nhập với làng Sở Thượng thành xã Yên Sở, huyện Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội. Từ tháng 11-2003, xã Yên Sở trở thành một phường thuộc quận Hoàng Mai mới được thành lập.

Yên Duyên nằm ven sông Hồng, nên đất đai phần lớn là bãi bồi. Dân làng Yên Duyên chuyên canh nông nghiệp, song điều kiện thiên nhiên rất bất lợi. Trong đồng nửa năm bị úng, ngoài bãi nửa năm bị lụt, nên mùa màng thường thất bát. Để có thêm thu nhập, dân làng có thêm nghề đánh cá, vớt củi trên sông Hồng.

Hội làng Yên Duyên mở từ 13 đến 16 tháng Tám, có bơi thuyền trên khúc sông Hồng dài khoảng một cây số, diễn lại cảnh Vua Lý Nhân Tông gặp công chúa thủy thần. Có 8 đội bơi của 8 giáp, mỗi đội 18 người. Ngày thứ nhất bơi thử, ngày thứ hai bơi dạo, đến ngày thứ ba mới bơi thi. Cứ 4 đội bơi một lượt (một lèo), mỗi lèo bơi ba vòng để xác định đội nhất, nhì, ba, tư.

Sau hòa bình lập lại, Yên Duyên trở thành hợp tác xã điển hình của Thủ đô Hà Nội, nhất là về nuôi cá, từng được Bác Hồ tặng cá vớt từ ao cá trong Phủ Chủ tịch để gây giống.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012.
  2. ^ a b “Thông báo 24/TB-UBND Hà Nội 2022 đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 cập nhật 09h00 ngày 07/01/2022”. LuatVietnam. 7 tháng 1 năm 2022.
  3. ^ Tổng cục Thống kê
  4. ^ hanoimoi.vn (16 tháng 1 năm 2007). “Làng Yên Duyên”. hanoimoi.vn. Truy cập ngày 27 tháng 10 năm 2023.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nghị định của Chính phủ Việt Nam số 132/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2003