Bình Gia là một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 70 km, cách thủ đô Hà Nội 170 km; nằm trong toạ độ từ 21°80′ đến 22°26′ vĩ bắc và từ 106°10′ đến 106°54′ kinh đông; phía Tây giáp huyện Bắc Sơn; phía Tây Bắc giáp huyện Na Rì (Bắc Kạn); phía Bắc giáp huyện Tràng Định; phía Đông giáp huyện Văn Lãng; phía Đông Nam giáp huyện Văn Quan.
Sinh sống trên địa bàn Bình Gia bao gồm các dân tộc: Người Việt (Kinh), người Nùng, người Tày, người Dao, người Hoa... Mỗi dân tộc có những sắc thái văn hóa khác nhau.
Huyện có hệ thống chợ: Chợ thị trấn Bình Gia, chợ Pác Khuông thuộc xã Thiện Thuật, chợ Văn Mịch thuộc xã Hồng Phong.
1. Chợ chính là chợ thị trấn Binh Gia, họp chính 5 ngày một lần vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 hàng tháng theo âm lịch.
2. Chợ Pác Khuông (xã Thiện Thuật) họp vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 (âm lịch).
3. Chợ Văn Mịch (xã Hồng Phong)họp vào các ngày 3,8,13,18,23,28(âm lịch).
Chợ Bình Gia là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán chủ yếu của nhân dân trong huyện.
Bình Gia có hệ thống hang động phong phú: gồm có các hang lớn là Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng... Đã phát hiện ra di chỉ của người Việt cổ và có hang bây giờ còn chứa khung giàn tên lửa... Ẩm thực Bình Gia mang những nét đặc trưng của ẩm thực Lạng Sơn với các món như: Lợn quay, vịt quay, khâu nhục, bánh giầy, bánh chưng dài... Đặc biệt trong các món quay không thể thiếu là Mắc Mật (là lá một loại cây mọc nhiều ở Lạng Sơn, có quả ăn rất ngon, vị ngọt).
Do là một huyện thuộc vùng núi nên hệ thống sông ngòi của Bình Gia chủ yếu là các suối nhỏ, có một sông lớn là sông Văn Mịch (theo tên địa phương), có đập Phai Danh (cung cấp nước tưới tiêu thực hiện thủy lợi của nhân dân khu vực lân cận).