Cổng thông tin:Công nghệ/Bài viết/Lưu trữ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Công nghệ

Công nghệ là sự phát minh, sự thay đổi, việc sử dụng, và kiến thức về các công cụ, máy móc, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, hệ thống, và phương pháp tổ chức, nhằm giải quyết một vấn đề, cải tiến một giải pháp đã tồn tại, đạt một mục đích, hay thực hiện một chức năng cụ thể. Công nghệ cũng có thể chỉ là một tập hợp những công cụ như vậy, bao gồm máy móc, những sự sắp xếp, hay những quy trình. Công nghệ ảnh hưởng đáng kể lên khả năng kiểm soát và thích nghi của con người cũng như của những động vật khác vào môi trường tự nhiên của mình. Thuật ngữ có thể được dùng theo nghĩa chung hay cho những lĩnh vực cụ thể, ví dụ như "công nghệ xây dựng", "công nghệ thông tin".

Trong tiếng Việt, các từ "khoa học", "kỹ thuật", và "công nghệ" đôi khi được dùng với nghĩa tương tự nhau hay được ghép lại với nhau. Tuy vậy, công nghệ khác với khoa họckỹ thuật. Khoa học là toàn bộ hoạt động có hệ thống nhằm xây dựngtổ chức kiến thức dưới hình thức những lời giải thích và tiên đoán có thể kiểm tra được về vũ trụ. Còn kỹ thuật là việc ứng dụng các kiến thức khoa học, kinh tế, xã hội, và thực tiễn để thiết kế, xây dựng, và duy trì các cấu trúc, máy móc, thiết bị, hệ thống, vật liệu, và quá trình.

Khoa học

Khoa học là toàn bộ hoạt động có hệ thống nhằm xây dựng và tổ chức kiến thức dưới hình thức những lời giải thích và tiên đoán có thể kiểm tra được về vũ trụ. Thông qua các phương pháp kiểm soát, nhà khoa học sử dụng cách quan sát các dấu hiệu biểu hiện mang tính vật chất và bất thường của tự nhiên nhằm thu thập thông tin, rồi sắp xếp các thông tin đó thành dữ liệu để phân tích nhằm giải thích cách thức hoạt động, tồn tại của sự vật hiện tượng. Một trong những cách thức đó là phương pháp thử nghiệm nhằm mô phỏng hiện tượng tự nhiên dưới điều kiện kiểm soát được và các ý tưởng thử nghiệm. Tri thức trong khoa học là toàn bộ lượng thông tin mà các nghiên cứu đã tích lũy được. Định nghĩa về khoa học được chấp nhận phổ biến rằng khoa học là tri thức tích cực đã được hệ thống hóa.

Kỹ thuật

Kỹ thuật là việc ứng dụng kiến thức khoa học, kinh tế, xã hội, và thực tiễn để thiết kế, xây dựng, và duy trì các cấu trúc, máy móc, thiết bị, hệ thống, vật liệu, và quá trình. Kỹ thuật có thể bao gồm việc sử dụng sự hiểu biết sâu sắc để tìm ra, tạo mô hình, và thay đổi quy mô một giải pháp hợp lý cho một vấn đề hay một mục tiêu. Ngành kỹ thuật vô cùng rộng, nó bao gồm một loạt các lĩnh vực kỹ thuật đặc thù hơn, mỗi lĩnh vực nhấn mạnh đến những lĩnh vực công nghệ và những kiểu ứng dụng riêng. Những người hành nghề kỹ thuật được gọi là kỹ sư.

Tổ chức ECPD của các kỹ sư Hoa Kỳ định nghĩa "kỹ thuật" là "Việc ứng dụng một cách sáng tạo những nguyên lý khoa học vào việc thiết kế hay phát triển các cấu trúc, máy móc, công cụ, hay quy trình chế tạo, hay những công trình sử dụng chúng một cách riêng lẻ hay kết hợp với nhau; hay vào việc xây dựng hay vận hành những đối tượng vừa kể với sự ý thức đầy đủ về thiết kế của chúng; hay để dự báo hoạt động của chúng dưới những điều kiện vận hành nhất định; tất cả những việc vừa kể với sự chú ý đến chức năng đã định, đặc điểm kinh tế của sự vận hành, hay sự an toàn đối với sinh mạng và của cải"

Công nghệ nano

Công nghệ nano là ngành công nghệ liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị và hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng, kích thước trên quy mô nanomet. Ranh giới giữa công nghệ nano và khoa học nano đôi khi không rõ ràng, tuy nhiên chúng đều có chung đối tượng là vật liệu nano.

Đối với vật liệu vĩ mô gồm rất nhiều nguyên tử, các hiệu ứng lượng tử được trung bình hóa với rất nhiều nguyên tử và có thể bỏ qua các thăng giáng ngẫu nhiên. Nhưng các cấu trúc nano có ít nguyên tử hơn thì các tính chất lượng tử thể hiện rõ ràng hơn. Ví dụ một chấm lượng tử có thể được coi như một đại nguyên tử, nó có các mức năng lượng giống như một nguyên tử.

Hội chứng sợ công nghệ hiện đại

Hội chứng sợ công nghệ hiện đại là nỗi sợ hãi hoặc không thích công nghệ tiên tiến hoặc các thiết bị phức tạp, đặc biệt là máy tính.

Mặc dù có nhiều cách giải thích về hội chứng sợ công nghệ hiện đại, hội chứng này trở nên phức tạp hơn khi công nghệ tiếp tục phát triển. Thuật ngữ này thường được sử dụng trong việc thể hiện ý nghĩa của một nỗi sợ hãi không hợp lý, nhưng những người khác tranh cãi lo sợ này là hợp lý. Nó đồng thời cũng liên quan đến hội chứng sợ máy tính và công nghệ. Tiến sĩ Larry Rosen, một nhà tâm lý học, người giảng dạy về máy tính, và giáo sư tại Đại học bang California, cho rằng có ba thể loại nhỏ điển hình của hội chứng sợ công nghệ hiện đại- "người dùng khó chịu", "nhận thức của người sợ dùng máy tính" và "lo âu của người sợ dùng máy tính". Lần đầu tiên nhận được thông báo rộng rãi trong cuộc cách mạng công nghiệp, những người mắc phải hội chứng sợ công nghệ hiện đại đã được quan sát để ảnh hưởng đến xã hội và các cộng đồng khác nhau trên toàn thế giới. Điều này đã gây ra một số nhóm thực hiện quan điểm chống lại một số phát triển công nghệ hiện đại nhằm duy trì hệ ý thức của họ.

EAN-13

EAN-13 hay EAN.UCC-13 hoặc DUN-13 là một loại mã vạch trước đây thuộc quyền quản lý của Hệ thống đánh số sản phẩm châu Âu, ngày nay thuộc quyền quản lý của EAN-UCC sử dụng 13 chữ số.

Trước đây ở Mỹ người ta sử dụng một hệ thống đánh số sản phẩm cùng nguyên lý như EAN nhưng chỉ có 12 hoặc 8 số, gọi là Mã sản phẩm chung. Nhưng kể từ tháng 1 năm 2005, người Mỹ đã chuyển sang sử dụng EAN.

Hệ thống đánh số sản phẩm Nhật Bản là một phiên bản của EAN-13, điểm khác duy nhất là nó bắt đầu với cụm số 49.

Gọi là EAN-13 vì trong chuỗi mã hóa của nó có đúng 13 số, trong đó số cuối cùng là số kiểm tra. Cũng giống như UPC, nó là loại mã vạch liên tục sử dụng bốn loại kích thước các vạch.

EAN-8

EAN-8 hay EAN.UCC-8 là phiên bản EAN tương đương của UPC-E trong ý nghĩa cung cấp một mã vạch có chiều rộng "ngắn" để sử dụng trên các loại bao bì hàng hóa nhỏ như bao thuốc lá chẳng hạn. Tuy nhiên giữa chúng có một số điểm khác biệt đáng kể. Về hình thức, với cùng một mật độ in thì mã vạch do EAN-8 tạo ra dài hơn một chút so với mã vạch do UPC-E tạo ra. Về nguyên lý, từ chuỗi số 8 số của UPC-E, người ta có thể chuyển ngược về chuỗi số 12 số của UPC-A, nhưng từ chuỗi 8 số của EAN-8, không có cách thức nào chuyển về chuỗi 13 số của EAN-13 hay 12 số của UPC-A. Về mặt mã hóa, EAN-8 mã hóa rõ ràng cả tám số còn UPC-E chỉ mã hóa rõ ràng 6 số. Do vậy, có thể kết luận EAN-13 và UPC-A có sự chuyển đổi tương thích, nhưng UPC-E và EAN-8 thì tuyệt đối không có sự tương thích như vậy.

Điện toán lượng tử

Điện toán lượng tử là một trong các phương pháp xử lý thông tin tiến bộ trong tương lai. Theo đó người ta sẽ sử dụng những nguyên lý của cơ học lượng tử để thực hiện các phép tính phức tạp trong một khoảng thời gian ngắn do nhiều siêu máy tính nhanh nhất trên thế giới thực hiện.

Thế hệ máy tính tiếp theo có thể sẽ dựa trên cơ chế lượng tử, không còn cơ chế điện tử như hiện nay nữa.

Điện toán lượng tử dựa trên bit lượng tử, gọi là qubit. Theo ông Kike Mosca - phó giám đốc viện Điện toán lượng tử ở đại học Waterloo, thì bit trong điện toán hiện nay chỉ biểu hiện ở hai trạng thái là 1 hoặc 0. Nhưng với qubit, nhờ có đặc tính cơ lượng tử mà một qubit có thể có đồng thời hai trạng thái, 1 và 0, do đó một qubit có thể đại diện cho 2 bit. Điều này có nghĩa là qubit có thể tăng gấp đôi cấu hình tính toán điện tử.

Đá phiến dầu

Đá phiến dầu là một loại đá trầm tích hạt mịn giàu chất hữu cơ và chứa một lượng lớn kerogen có thể chiết tách các loại hydrocacbon lỏng. Các nhà địa chất không xếp nó vào nhóm đá phiến sét, và hàm lượng kerogen cũng khác so với dầu thô. Kerogen đòi hỏi cần phải xử lý nhiều hơn để có thể sử dụng được so với dầu thô, các quá trình xử lý tốn nhiều chi phí so với sử dụng dầu thô cả về mặt tài chính và tác động môi trường. Sự tích tụ đá phiến dầu diễn ra trên khắp thế giới, đa số là ở Hoa Kỳ. Ước tính lượng tích tụ này trên toàn cầu đạt khoảng 2,8 đến 3,3 ngàn tỷ thùng có thể thu hồi.

Quá trình nhiệt phân hóa học có thể biến đổi kerogen trong đá phiến dầu thành dầu thô tổng hợp. Nung đá phiến dầu ở một nhiệt độ đủ cao sẽ tạo ra hơi, quá trình này có thể chưng cất để tạo ra dầu đá phiến giống dầu mỏ và khí đá phiến dầu có thể đốt được. Các ngành công nghiệp cũng có thể đốt trực tiếp đá phiến dầu như là một nguồn nhiên liệu cấp thấp để phát điện và sưởi ấm, và cũng có thể dùng nó như là nguyên liệu thô trong hóa học và sản xuất vật liệu xây dựng.

Công nghệ nano DNA

Công nghệ nano DNA liên quan tới thiết kế và chế tạo các cấu trúc axit nucleic cho mục đích công nghệ. Trong lĩnh vực này, axit nucleic được sử dụng như những vật liệu kỹ thuật phi sinh học cho công nghệ nano thay vì truyền tải thông tin di truyền trong tế bào sống. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đã chế tạo thành công những cấu trúc tĩnh tại như cấu trúc tinh thể 2 chiều và 3 chiều, ống nano, khối đa diện, và các hình dạng tùy ý, cũng như những thiết bị hoạt động được như các cỗ máy phân tửmáy tính DNA. Lĩnh vực này đã bắt đầu được ứng dụng như một công cụ để giải đáp những vấn đề của khoa học cơ bản như trong sinh học cấu trúclý sinh học, bao gồm các ứng dụng trong các ngành tinh thể học tia Xphổ học cho việc xác định cấu trúc protein. Các ứng dụng khác trong ngành điện tử kích thước phân tửy học nano cũng đang được nghiên cứu.

Métro Paris

Métro Paris là hệ thống tàu điện ngầm phục vụ thành phố và vùng đô thị Paris. Tính cho đến năm 2007, hệ thống này có 16 tuyến, phần lớn chạy ngầm dưới đất, với tổng chiều dài 213 km. Métro Paris là một trong những biểu tượng của thủ đô nước Pháp, đặc trưng bởi mạng lưới các tuyến dày đặc, mật độ sử dụng cao và các bến tàu điện ngầm được trang trí theo phong cách Art nouveau.

Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố Paris được khánh thành nhân dịp Triển lãm thế giới 1900. Trong suốt những thập niên đầu thế kỷ 20, hệ thống Métro Paris phát triển mạnh mẽ, cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Sau một giai đoạn hoạt động trầm lắng trong "những thập niên của ô tô", nhiều tuyến tàu điện ngầm đã tiếp tục được kéo dài ra vùng ngoại ô thành phố. Trong nội ô, các tuyến và trạm đã trở nên dày đặc đã khiến một thời gian dài Métro Paris không có thêm tuyến mới. Cho tới tận tháng 10 năm 1998, tuyến số 14, mới nhất của Métro Paris, được khánh thành. Khác với các tuyến trước đó, tuyến 14 được tự động hóa hoàn toàn.

5G

5G là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, hoạt động ở các băng tần 28, 38, và 60 GHz. Theo các nhà phát minh, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. Lúc đó, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng tùy theo thời gian và hoàn cảnh. Tính năng chat video sẽ có hình ảnh mượt mà và trôi chảy hơn, làm cho chúng ta cảm thấy như đang ở trong cùng một mạng nội bộ. Các cơ quan chức năng trong thành phố có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đậu xe, do đó có thể gửi những thông tin này đến những chiếc xe thông minh của mọi người dân theo thời gian thực.

Mạng 5G được xem là chìa khóa để chúng ta đi vào thế giới Mạng lưới vạn vật kết nối Internet, trong đó các bộ cảm biến là những yếu tố quan trọng để trích xuất dữ liệu từ các đối tượng và từ môi trường. Hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo. Tuy nhiên, để cung cấp 5G, các nhà mạng sẽ cần phải tăng cường hạ tầng cơ sở mạng lưới. Họ có thể bắt đầu bằng cách khai thác dải phổ hiện còn trống. Sóng tín hiệu với tần số đo MHz sẽ được nâng cao lên thành GHz hay thậm chí nhanh hơn. Tần số giao tiếp của điện thoại hiện nay ở dưới mức 3 GHz nhưng mạng 5G sẽ yêu cầu những băng tần cao hơn.

Điện toán đám mây

Điện toán đám mây là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet. Thuật ngữ "đám mây" ở đây là lối nói ẩn dụ chỉ mạng Internet và như sự liên tưởng về độ phức tạp của các cơ sở hạ tầng chứa trong nó. Ở mô hình điện toán này, mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các "dịch vụ", cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó "trong đám mây" mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ đó, cũng như không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó. Theo tổ chức IEEE "Nó là hình mẫu trong đó thông tin được lưu trữ thường trực tại các máy chủ trên Internet và chỉ được được lưu trữ tạm thời ở các máy khách, bao gồm máy tính cá nhân, trung tâm giải trí, máy tính trong doanh nghiệp, các phương tiện máy tính cầm tay,...". Điện toán đám mây là khái niệm tổng thể bao gồm cả các khái niệm như phần mềm dịch vụ, Web 2.0 và các vấn đề khác xuất hiện gần đây, các xu hướng công nghệ nổi bật, trong đó đề tài chủ yếu của nó là vấn đề dựa vào Internet để đáp ứng những nhu cầu điện toán của người dùng. Ví dụ, dịch vụ Google AppEngine cung cấp những ứng dụng kinh doanh trực tuyến thông thường, có thể truy nhập từ một trình duyệt web, còn các phần mềmdữ liệu đều được lưu trữ trên các máy chủ.

Truyền hình

Truyền hình là hệ thống điện tử viễn thông có khả năng thu nhận tín hiệu sóng và tín hiệu vô tuyến hoặc hữu tuyến để chuyển thành hình ảnh và âm thanh và là một loại máy phát hình truyền tải nội dung chủ yếu bằng hình ảnh sống động và âm thanh kèm theo. Máy truyền hình là máy nhận những tín hiệu đó và phát ra hình ảnh.

Được đưa ra thị trường đầu tiên trong hình thức rất thô sơ trên cơ sở thử nghiệm vào cuối năm 1920, sau đó được phổ biến với việc cải thiện rất nhiều về hình thức ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các máy thu truyền hình đã trở thành phổ biến trong gia đình, các doanh nghiệp và các tổ chức, chủ yếu là một phương tiện để giải trí, quảng cáo và xem tin tức. Trong những năm 1950, truyền hình đã trở thành phương tiện chính để định hướng dư luận. Vào giữa những năm 1960, việc phát truyền hình màu và kinh doanh máy thu hình màu tăng ở Mỹ và bắt đầu ở hầu hết các nước phát triển khác. Sự sẵn có của các phương tiện lưu trữ như VHS, laserdisc, Video CD, DVD, và Blu-ray độ nét cao cho phép người xem sử dụng các máy truyền hình để xem và ghi nhận các tài liệu như phim ảnh và các tài liệu quảng bá. Kể từ những năm 2010, truyền hình Internet đã gia tăng các chương trình truyền hình có sẵn thông qua Internet thông qua các dịch vụ như iPlayer, Hulu, và Netflix.

Điện thoại di động

Điện thoại di động là loại điện thoại có thể thực hiện và nhận cuộc gọi thoại thông qua kết nối dựa trên tần số vô tuyến vào mạng viễn thông trong khi người dùng đang di chuyển trong khu vực dịch vụ. Kết nối vô tuyến thiết lập kết nối với các hệ thống chuyển mạch của nhà khai thác mạng di động, cung cấp quyền truy cập vào mạng điện thoại chuyển mạch công cộng. Ngoài dịch vụ thoại, điện thoại di động từ những năm 2000 còn hỗ trợ nhiều dịch vụ khác, chẳng hạn như SMS, MMS, email, truy cập Internet, liên lạc không dây tầm ngắn, ứng dụng doanh nghiệp, video game, và chụp ảnh kỹ thuật số.

Sự phát triển của công nghệ oxit bán dẫn, vi mạch mật độ cao, lý thuyết thông tinmạng di động đã dẫn đến sự phát triển của truyền thông di động giá cả phải chăng. Điện thoại di động cầm tay đầu tiên được trình diễn bởi John F. MitchellMartin Cooper của Motorola năm 1973, sử dụng một thiết bị cầm tay nặng 2 kg. Năm 1979, Nippon Telegraph and Telephone đã ra mắt mạng di động đầu tiên trên thế giới tại Nhật Bản. Năm 1983, DynaTAC 8000x là điện thoại di động cầm tay thương mại đầu tiên có sẵn. Từ năm 1983 đến 2014, số thuê bao điện thoại di động trên toàn thế giới đã tăng lên hơn 7 tỷ - đủ để cung cấp một chiếc cho mỗi người trên Trái Đất. Trong quý I năm 2016, các nhà phát triển điện thoại thông minh hàng đầu trên toàn thế giới là Samsung, Apple, và Huawei, doanh số điện thoại thông minh chiếm 78% tổng doanh số điện thoại di động. Đối với điện thoại cơ bản, tính đến năm 2016, lớn nhất là Samsung, Nokia, và Alcatel.

Lý thuyết thông tin

Lý thuyết thông tin là một nhánh của toán học ứng dụngkĩ thuật điện nghiên cứu về đo đạc lượng thông tin. Lý thuyết thông tin được xây dựng bởi Claude E. Shannon để xác định giới hạn cơ bản trong các hoạt động xử lý tín hiệu chẳng hạn như nén dữ liệu hay lưu trữtruyền dẫn dữ liệu. Ngay từ những ngày đầu, nó đã mở rộng phạm vi ứng dụng ra nhiều lĩnh vực khác, bao gồm suy luận thống kê, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mật mã học, các mạng lưới bên cạnh mạng lưới viễn thông - chẳng hạn như trong thần kinh, sự tiến hóa và chức năng của các mã phân tử, lựa chọn mô hình trong sinh thái học, vật lý nhiệt, máy tính lượng tử, phát hiện sao chép và các hình thức phân tích dữ liệu khác.

Một độ đo cơ bản của thông tin là entropy, thường được diễn đạt dưới dạng số lượng bit cần thiết trung bình để lưu trữ hoặc dẫn truyền. Entropy lượng hóa sự không chắc chắn trong việc dự đoán giá trị của một biến ngẫu nhiên. Các ứng dụng cơ bản của lý thuyết thông tin bao gồm nén không mất dữ liệu, nén mất dữ liệu, mã hóa kênh. Lý thuyết thông tin nằm ở phần giao nhau giữa toán học, thống kê, khoa học máy tính, vật lý, thần kinh, và kĩ thuật điện. Các ngành hẹp quan trọng của lý thuyết thông tin bao gồm mã hóa nguồn, mã hóa kênh, lý thuyết thông tin thuật toán, bảo mật theo lý thuyết thông tin.

Mạng thiết bị di động

Mạng thiết bị di động là một mạng vô tuyến bao gồm một số lượng các tế bào vô tuyến, gọi tắt là tế bào, được phục vụ bởi một máy phát cố định, được gọi là các trạm gốc. Các tế bào này được dùng để phủ các vùng khác nhau với mục đích cung cấp vùng phủ sóng trên một diện rộng hơn gấp rất nhiều lần so với một tế bào. Mạng các tế bào vốn dĩ không đối xứng với một tập hợp các trạm thu phát vô tuyến chính cố định, mỗi trạm phục vụ một tế bào và một tập các trạm thu phát phân tán cung cấp dịch vụ cho người sử dụng.

Yêu cầu căn bản đối với một mạng thuộc khái niệm mạng tế bào là một phương cách để mỗi trạm phân tán phân biệt được các tín hiệu từ máy phát của chính nó với tín hiệu từ các máy phát khác. Có hai giải pháp thông dụng cho vấn đề này, FDMACDMA. FDMA hoạt động được bằng cách sử dụng một tần số khác với tất cả các cell láng giềng. Bằng việc điều chỉnh theo tần số của một cell được chọn, các trạm khuếch đại có thể tránh được tín hiệu từ các cell láng giềng. Nguyên lý của CDMA phức tạp hơn nhưng cho kết quả tương tự; các trạm thu phát phân tán có thể chọn một cell và "nghe" nó. Không thể sử dụng các phương pháp dồn kênh khác như PDMATDMA để tách tín hiệu của một cell với tín hiệu của cell cạnh nó, do hiệu ứng của hai phương pháp này thay đổi theo vị trí nên việc tách tín hiệu hầu như là không khả thi. Tuy nhiên, trong một số hệ thống, TDMA được kết hợp với FDMA hoặc CDMA để đem lại nhiều kênh trong vùng phủ của một tế bào đơn lẻ.

Shinkansen

Shinkansen là một hệ thống đường sắt cao tốcNhật Bản do 4 tập đoàn đường sắt điều hành. Kể từ khi đoạn đường sắt cao tốc đầu tiên mang tên Tōkaidō Shinkansen khánh thành năm 1964 có thể chạy với tốc độ 210 km/h, mạng lưới đường sắt này được phát triển dần, nối liền các thành phố lớn của Nhật Bản trên các đảo HonshūKyūshū. Tốc độ tối đa sau này tăng lên đến 300 km/h mặc dù hoạt động trong một môi trường hay gánh chịu động đấtbão lớn.

Hiện nay những chuyến tàu thương mại E5 có thể đạt tốc độ 320 km/h như đoạn đường giữa thị trấn UtsunomiyaMorioka trên tuyến Tohoku Shinkansen. Tốc độ thử nghiệm đạt 443 km/h cho loại tàu thường vào năm 1996. Còn đối với tàu đệm từ thì là 581 km/h, phá kỷ lục thế giới vào năm 2003. Hiện tại công ty JR Central đang chuẩn bị khởi công tuyến Chūō Shinkansen nối thủ đô Tokyothủ phủ Nagoya với công nghệ đệm từ; con đường này dự định hoàn thành vào năm 2027 nhằm rút ngắn thời gian đi lại giữa hai thành phố xuống còn 40 phút.