Nguyên Ngọc
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Nguyên Ngọc | |
---|---|
Sinh | Nguyễn Văn Báu 5 tháng 9, 1932 xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, Liên bang Đông Dương |
Bút danh | Nguyên Ngọc Nguyễn Trung Thành |
Nghề nghiệp | Nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt, Tiếng Pháp, Tiếng Anh |
Quốc tịch | Việt Nam |
Dân tộc | Kinh |
Giáo dục | Trường Trung học Lê Khiết |
Giai đoạn sáng tác | 1954- |
Tác phẩm nổi bật | Đất nước đứng lên (1956) Rừng xà nu (1969) |
Giải thưởng nổi bật | Giải thưởng Nhà nước (2001) Giải thưởng văn xuôi 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội (Bút ký Các bạn tôi ở trên ấy) |
Phối ngẫu | Tôn Thị Tĩnh (Hồ Thanh Tâm) |
Nguyễn Văn Báu, bút danh Nguyên Ngọc (sinh năm 1932), là một nhà văn, nhà báo, biên tập, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục nổi tiếng của Việt Nam. Ông còn được xem là một nhà văn quân đội, gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên, từng được phong hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.[1] Về sau, ông trở thành một nhà hoạt động xã hội với quan điểm không chính thống (người bất đồng chính kiến) và đã tuyên bố rút khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.[2]
Thân thế
[sửa | sửa mã nguồn]Nguyễn Văn Báu, sinh ngày 5 tháng 9 năm 1932 quê ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình có 5 anh chị em. Ông là con của một viên chức bưu điện. Thuở nhỏ ông sống tại Hội An. Năm 1950, khi đang học trung học chuyên khoa (nay là trung học phổ thông) tại Trường Phổ thông Lê Khiết (Quảng Ngãi)[3], ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ yếu hoạt động ở Tây Nguyên – chiến trường chính của Liên khu V bấy giờ. Sau một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông chuyển sang làm phóng viên báo Quân đội nhân dân Liên khu V và lấy bút danh Nguyên Ngọc.
Văn nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc và viết tiểu thuyết Đất nước đứng lên, kể về cuộc kháng chiến chống Pháp của người Ba Na, tiêu biểu là anh hùng Núp và dân làng Kông-Hoa, dựa trên câu chuyện có thật của anh hùng Núp. Tác phẩm khi xuất bản được nhiều người yêu thích và hâm mộ. Sau này cuốn truyện được dựng thành phim.
Theo công kích của nhà báo Hoàng Hải Vân (Huỳnh Kim Sánh) đang trên facebook ngày 7 tháng 9 năm 2022, trong thời gian ở miền bắc, ông tham gia tích cực vào việc công kích phản bác nhóm Nhân Văn Giai phẩm.[4] Nhà khoa học Dương Tú và nhà thơ Thái Hạo sau đó cho rằng nhà báo Hoàng Hải Vân sử dụng thủ pháp thao túng tâm lý trong bài viết của mình nhằm bôi nhọ nhà văn Nguyên Ngọc.
Năm 1962 ông trở lại miền Nam, lấy bí danh Nguyễn Trung Thành, hoạt động ở khu V, là Chủ tịch chi hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ, phụ trách Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng của quân khu V. Thời gian này ông sáng tác truyện Rừng xà nu.
Sau chiến tranh, ông có thời gian làm Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ. Trong thời kỳ Đổi mới và phong trào Cởi Mở, ông đã có những đổi mới quan trọng về nội dung tư tưởng của tờ báo và được coi là người có công phát hiện, nâng đỡ nhiều nhà văn tên tuổi sau này như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Thị Hoài... Ông cũng dành nhiều tình cảm trân trọng đối với các nhà văn khác như Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải.
Tuy nhiên, khoảng đầu thập niên 1990, báo Văn nghệ và một số lãnh đạo đảng Cộng sản chính thức phê phán ông là "chệch hướng"[cần dẫn nguồn]. Sau đó, Nguyên Ngọc đã từ chức Tổng biên tập và nghỉ hưu. Người kế nhiệm ông là nhà báo Hữu Thỉnh.
Hoạt động xã hội
[sửa | sửa mã nguồn]Sau thời kỳ làm báo, ông tham gia tích cực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và chấn hưng giáo dục Việt Nam. Ông đã dịch một số tác phẩm lý luận văn học như Độ không của lối viết (Rolland Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera), tác phẩm của Jean-Paul Sartre, Jacques Dournes...
Được xem là một chuyên gia về Tây Nguyên, trong buổi hội thảo vào tháng 4 năm 2009 về vấn đề khai thác bauxite ở Việt Nam, ông cho biết ý kiến chưa đồng tình với chính sách của chính phủ.[5]
Ông cũng từng tham gia phong trào quần chúng biểu tình phản đối việc gây hấn, xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2011 trong bối cảnh có sự ngăn cấm. Ngày 22 tháng 8 năm 2011, Đài Truyền hình Hà Nội có làm một chương trình về sự việc này, trong đó có đoạn phát thanh viên nói "một số phần tử phản động tham gia biểu tình", đồng thời khung hình đang quay cảnh Nguyên Ngọc và hai trí thức khác là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải. Sự việc này làm ông bất bình và đã gửi thư phản đối lên Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Gần đây, ông đã xin rút tên khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011, một giải thưởng cao quý của Việt Nam, một động thái được nhiều người cho rằng nhằm phản đối quy trình bầu chọn bất hợp lý của hội đồng giải thưởng.
Bút ký Các bạn tôi ở trên ấy viết về Tây Nguyên của ông được giải thường văn xuôi năm 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 12 tháng 5 năm 2015, trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội, nhà văn Nguyên Ngọc cùng 19 nhà văn, nhà thơ khác tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2015.[6]
Bị đề nghị rút toàn bộ tác phẩm ra khỏi sách giáo khoa
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 13 tháng 3 năm 2018, Ban Tuyên giáo Trung ương ra công văn yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Tổ chức ‘Văn Đoàn Độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa.[7]
Tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 26 tháng 10 năm 2018, ông tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam[8] nhân sự kiện Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật.[9] Trong tuyên bố, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết đã định ra khỏi Đảng từ lâu, nhưng không có ý định gây ồn ào. Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Hảo, ông muốn tỏ rõ thái độ đối với thông báo của Đảng.[2]
Những tác phẩm chính
[sửa | sửa mã nguồn]- Đất nước đứng lên (tiểu thuyết, 1955)
- Mạch nước ngầm (truyện vừa, 1959)
- Rẻo cao (tập truyện ngắn, 1962)
- Rừng xà nu (truyện ngắn, 1965)
- Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (tập truyện và ký, 1969)
- Đất Quảng (tiểu thuyết 2 tập, 1971 - 1974)
- Tháng Ninh Nông (tập truyện và ký, 1999)
- Tản mạn nhớ và quên (tập ký, 2004)
- Nghĩ dọc đường (2005)
- Lắng nghe cuộc sống (2006)
- Bằng đôi chân trần (2008)
- Các bạn tôi ở trên ấy (tập bút ký, 2013)
- Đường chúng ta đi
- Có một đường mòn trên biển Đông
- Cát cháy
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Đôi điều về Đất nước đứng lên Lưu trữ 2008-01-29 tại Wayback Machine
- Nguyên Ngọc[liên kết hỏng]
- Nhà văn Nguyên Ngọc bàn về bản sắc dân tộc
- Nhà văn Nguyên Ngọc...xin rút tên khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011
- Nguyên Ngọc – Một nhà văn hóa, một tài năng, một nhân cách lớn
- ^ “Ngoài, và… vài tra vấn với nhà văn Nguyên Ngọc”. Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 8 năm 2019.
- ^ a b “Việt Nam: Nhà văn Nguyên Ngọc từ bỏ đảng Cộng sản”.
- ^ “Giới thiệu Nhà trường”. Trường THPT Chuyên Lê Khiết. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2020.
- ^ “Con đường đi của Phùng Quán, con đường sai lầm điển hình của một người viết văn trẻ” đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 4, tháng 4 năm 1958
- ^ BBC phỏng vấn Nguyên Ngọc về bauxite.
- ^ “20 cây bút 'từ bỏ Hội nhà văn VN' - BBC Vietnamese”. BBC Vietnamese. Truy cập 14 tháng 5 năm 2015.
- ^ “Ban Tuyên giáo 'công kích' Văn đoàn Độc lập”.
- ^ “NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC RA KHỎI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM: TUYÊN BỐ RA KHỎI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM”.
- ^ “Ông Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì 'tự diễn biến'”.
- Sinh năm 1932
- Nhân vật còn sống
- Nguyên Ngọc
- Nhà văn Việt Nam thời kỳ 1945–1975
- Nhà văn Việt Nam thời kỳ từ 1976
- Dịch giả Việt Nam
- Tổng biên tập Việt Nam
- Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam
- Người Quảng Nam
- Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam
- Nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam
- Người họ Nguyễn tại Việt Nam
- Cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam