Phạm Gia Triệu
Phạm Gia Triệu | |
---|---|
Chức vụ | |
Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 | |
Nhiệm kỳ | 1961 – 1980 |
Thông tin cá nhân | |
Danh hiệu | |
Quốc tịch | Việt Nam |
Sinh | 15 tháng 1 năm 1917 Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định |
Mất | 13 tháng 6, 1990 | (73 tuổi)
Dân tộc | Kinh |
Tôn giáo | Không |
Đảng chính trị | Đảng Cộng sản Việt Nam 1950 |
Vợ | Nguyễn Thị Hồng Nhung |
Con cái |
|
Học vấn | Giáo sư, Tiến sĩ |
Phục vụ trong quân đội | |
Thuộc | Quân đội nhân dân Việt Nam |
Cấp bậc | |
Tham chiến | |
Tặng thưởng | Huân chương Độc lập hạng Nhì Huân chương Quân công hạng Nhất Huân chương Chiến công hạng Nhì Huân chương Chiến thắng hạng Nhất |
Phạm Gia Triệu (15 tháng 1 năm 1918 – 13 tháng 6 năm 1990) là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, đồng thời là sĩ quan cấp cao trong Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Thiếu tướng, nguyên Phó Giám đốc Viện Quân y Trung ương Quân đội 108.[1] Ngoài ra, ông còn là Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI.[2]
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Phạm Gia Triệu sinh ngày 15 tháng 1 năm 1918 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.[a][4] Cụ nội của ông là Phạm Ngọc Chất, đỗ Cử nhân trong khoa thi Giáp Tuất năm 1874, làm quan đến Tri phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ông nội ông là Phạm Ngọc Đoan, đỗ Phó bảng khoa thi Tân Sửu năm 1901 (cùng khoa với Phan Châu Trinh), làm quan giáo thụ nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.[5] Cha mẹ ông qua đời khi ông còn nhỏ, ông được họ hàng nuôi dưỡng và người chú ruột là Phạm Tư Tề cho đi học. Sau khi học xong cấp hai ở Nam Định, ông lên Hà Nội, vừa đi làm thêm vừa học hết Tú tài. Về sau, ông theo học Trường Đại học Y Hà Nội.[6]
Sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1943, ông được công nhận là sinh viên nội trú dự bị,[b] rồi chính thức[c] của các bệnh viện Hà Nội chủ yếu là Bệnh viện Yersin và Bệnh viện De Lanessan. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 kết thúc, ông đang học nội trú tại Bệnh viện De Lanessan. Theo quyết định của Chính phủ, ông được công nhận tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Tháng 11 năm 1945, ông nhập ngũ vào quân y, đảm nhiệm Trưởng ban Quân y Đông Triều (cơ sở y tế đầu tiên của Đệ tứ Chiến khu,[d] sau này là Quân y Trung đoàn 98).[8]
Tháng 7 năm 1949, ông trở thành hiệu trưởng Trường Y tá Trưởng ở Bắc Giang kiêm Viện trưởng Viện Thực hành và giảng viên tại Trường Quân y sỹ ở Vô Tranh, Thái Nguyên. Đến tháng 5 năm sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời được cử làm Đội trưởng Đội điều trị, phục vụ cho Trận đánh Đông Khê và Chiến dịch Biên giới. Sau chiến dịch, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và trao tặng Huân chương.[9] Tháng 12 năm 1952, ông được cử làm Phân viện trưởng Phân viện 8 (tiền thân của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) sau khi phân viện này được mở rộng quy mô lên 250 giường bệnh.[10] Đến đầu năm 1954, ông được điều động làm Đội trưởng Đội điều trị 1, hỗ trợ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.[5]
Tháng 7 năm 1955, ông được cử đi học phẫu thuật thần kinh ở Liên Xô. Và đến năm 1961, ông bảo vệ thành công luận văn Tiến sĩ Y khoa với đề tài "U nhú đám rối màng mạch não thất IV". Sau khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Viện phó Ngoại khoa Viện Quân y 108 kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường Sỹ quan Quân y. Năm 1963, ông cho ra mắt cuốn sách "Chấn thương thần kinh" – đây là cuốn sách về phẫu thuật thần kinh đầu tiên ở Việt Nam.[11]
Trong suốt những năm từ 1961, ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Thần kinh, Tâm thần và Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam;[12] có hàng loạt công trình khoa học về u não, về bệnh lý mạch máu não và vết thương sọ não - cột sống.[13] Ông là một trong những bác sĩ về thần kinh hàng đầu Việt Nam thời kỳ này, cũng như là người xây dựng ngành phẫu thuật thần kinh trong quân đội. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, khi vẫn còn là một Thượng tá,[14] ông được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trở thành bác sĩ quân y Việt Nam đầu tiên được tặng thưởng danh hiệu này.[15]
Năm 1975, ông tiếp quản Tổng Y viện Cộng Hòa (nay là Bệnh viện Quân y 175), trực tiếp tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 25 tháng 4 năm 1976, ông trúng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 6, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Lúc này, ông mang quân hàm Đại tá.[16] Năm 1980, ông chuyển công tác sang Hội đồng Y học Quân sự Bộ Quốc phòng, không đảm nhiệm Viện phó Viện Quân y 108 nhưng ông vẫn là chuyên viên và tiếp tục công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện. Cũng trong năm này, ông được phong hàm Giáo sư,[17] là chuyên gia đầu ngành của y học Việt Nam và sau đó là danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân vào năm 1989.[18] Đến năm 1990, sức khỏe ông bắt đầu yếu dần vì bệnh ung thư tuyến tiền liệt,[19] và đến ngày 13 tháng 6 thì qua đời thọ 73 tuổi.[20]
Khen thưởng
[sửa | sửa mã nguồn]- Danh hiệu:
- Huân chương:
- Huân chương Độc lập hạng Nhì.[23]
- Huân chương Quân công hạng Nhất, Ba.[24]
- Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba.[9]
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.[25]
- Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.
Nhận xét
[sửa | sửa mã nguồn]“ | Bác sĩ quân y Phạm Gia Triệu đã đi sâu nghiên cứu và thành công trong việc mổ sọ não, điều trị vết thương nặng ở sọ não, có nhiều cống hiến trong việc xây dựng khoa học phẫu thuật thần kinh và đào tạo bác sĩ chuyên khoa. | ” |
Gia đình
[sửa | sửa mã nguồn]- Vợ: Nguyễn Thị Hồng Nhung
- Con trai:
- Phạm Mạnh Long
- Phạm Mạnh Lượng
- Phạm Gia Lượng
- Phạm Hòa Bình, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.[27]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Ngày sinh 15 tháng 1 năm 1918 là thông tin trên lý lịch của Phạm Gia Triệu. Tuy nhiên, con trai ông cho biết ông sinh năm Thìn, có khả năng là ngày 15 tháng 1 năm 1917, trước Tết Đinh Tỵ, năm âm lịch vẫn là năm Bính Thìn.[3]
- ^ tiếng Pháp: externe
- ^ tiếng Pháp: interne des hôpitaux
- ^ Ngày 8 tháng 6 năm 1945, lực lượng vũ trang và nhân dân lao động từ huyện lỵ Đông Triều cho đến khu mỏ Mạo Khê, Tràng Bạch và cả các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách (tỉnh Hải Dương) đồng loạt đánh chiếm các đồn của binh lính Nhật, giành được chính quyền và tuyên bố thành lập Chiến khu Đông Triều (còn tên gọi Đệ tứ Chiến khu hay Chiến khu Trần Hưng Đạo).[7]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Phạm Quang Đẩu (11 tháng 7 năm 2018). “Nguyễn Đức Thao, nghị lực sống phi thường”. Báo điện tử Quân đội Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2018. Truy cập 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Phong Anh (22 tháng 11 năm 2016). “Độc đáo ngôi làng vươn lên từ việc học”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Phạm Hòa Binh (27 tháng 2 năm 2021). “Thiếu tướng, bác sĩ Phạm Gia Triệu - Anh hùng của nước Việt Nam độc lập”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 5 năm 2021. Truy cập 7 tháng 7 năm 2021.
- ^ Xuân Ba (15 tháng 6 năm 2009). “Ma lực Đặng Quốc Bảo”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ a b Phạm Hòa Bình (27 tháng 2 năm 2021). “Cha tôi, từ chàng sinh viên 'trường Tây' đến người thầy thuốc - Anh hùng”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 7 năm 2021. Truy cập 7 tháng 7 năm 2021.
- ^ Đức Nguyễn (15 tháng 11 năm 2007). “Trường Đại học Y Hà Nội nhận huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước”. Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Nguyễn Xuân (7 tháng 6 năm 2015). “Đến thăm Chiến khu Đông Triều xưa”. Báo Quảng Ninh. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ “Các vị tướng quân y: Thầm lặng giữ lời thề Hy-pô-crat (Tiếp theo và hết)”. Báo điện tử Quân đội nhân dân. 3 tháng 4 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ a b Quân đội nhân dân (2003). Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tập 3. Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. tr. 98. OCLC 35319290. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Trần Tiệu (29 tháng 10 năm 2014). “Công tác bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội”. Báo điện tử Quân đội Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ “Ngôi làng có hàng chục giáo sư, tiến sĩ y khoa”. Báo điện tử VTC News. 27 tháng 2 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ “Lịch sử thành lập”. Trung Ương Hội Thần Kinh Học Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Quốc Phong (27 tháng 2 năm 2014). “Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Ngôi làng có hàng chục giáo sư, tiến sĩ y khoa”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 6 năm 2021. Truy cập 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Phan Văn Đạt; Lê Xuân Huấn (1995). Quân khu 3, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. tr. 339. OCLC 951187531. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Quốc Phong (21 tháng 12 năm 2020). “'Hổ phụ sinh hổ tử': Cha và con đều là Tướng Quân y”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 1 năm 2021. Truy cập 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ “Danh sách đại biểu”. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Phạm Văn Đồng (29 tháng 4 năm 1980). “Quyết định Về việc công nhận Chức vụ Khoa học”. Thư viện pháp luật. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Quốc Phong (5 tháng 9 năm 2014). “Làng có nhiều cha, con cùng là giáo sư”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Phạm Quang Đẩu (8 tháng 12 năm 2018). “Cha và con - Những sự tiếp nối tốt đẹp”. Báo Sức khỏe & Đời sống. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2019. Truy cập 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (2021). Ký ức 108, Tập 3 (PDF). Hà Nội: Nhà xuất bản Dân trí. tr. 25. ISBN 978-604-314-474-1. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2021.
- ^ TNO (24 tháng 1 năm 2012). “Ngôi làng có 60 giáo sư, phó giáo sư”. Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2021.
- ^ Nguyễn Khôi (17 tháng 2 năm 2011). “Ở một đơn vị quân y anh hùng”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập 7 tháng 7 năm 2021.
- ^ Quốc hội Việt Nam (2006). Văn kiện Quốc hội toàn tập: 1987-1992. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. tr. 1494. OCLC 83977331. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2021.
- ^ Trung tâm Bách khoa Quân sự Bộ Quốc phòng (2004). Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. tr. 604. OCLC 681460882.
- ^ Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương (2000). Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Tập 2. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động. tr. 1137. OCLC 224107799. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2021.
- ^ Lê Thanh Nghị (16 tháng 12 năm 2011). “Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị”. Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương. Truy cập 9 tháng 7 năm 2021.
- ^ Hoàng Việt; Thu Thảo (3 tháng 6 năm 2021). “Bắc Hà - Hành Thiện”. Báo điện tử Quân đội Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2021. Truy cập 8 tháng 7 năm 2021.
- Huân chương Độc lập
- Huân chương Quân công
- Huân chương Chiến công
- Huân chương Chiến thắng
- Sinh năm 1919
- Mất năm 1990
- Người làng Hành Thiện, Nam Định
- Bác sĩ quân y
- Bác sĩ giải phẫu
- Tiến sĩ Y khoa Việt Nam
- Giáo sư Việt Nam
- Thầy thuốc Nhân dân
- Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam thụ phong năm 1985
- Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam thụ phong thập niên 1980
- Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam đã mất
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
- Huân chương Độc lập hạng Nhì
- Huân chương Quân công hạng Nhất
- Huân chương Chiến công hạng Nhì
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất