Simone de Beauvoir

Đây là một bài viết cơ bản. Nhấn vào đây để biết thêm thông tin.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Simone de Beauvoir
Sartre và de Beauvoir tại đài tưởng niệm Balzac
Thời kỳTriết học thế kỷ 20
VùngTriết học phương Tây
Trường pháiThuyết hiện sinh
Thuyết bình đẳng giới
Đối tượng chính
Chính trị, Bình đẳng giới, Đạo đức
Tư tưởng nổi bật
đạo đức của sự mơ hồ (ethics of ambiguity),
đạo đức nữ quyền (feminist ethics),
nữ quyền hiện sinh (existential feminism)

Simone de Beauvoir (phát âm: [simɔndə boˈvwaʀ]; 9 tháng 1 năm 1908 - 14 tháng 4 năm 1986) là một nhà văn, nhà triết học và một nhà đấu tranh cho nữ quyền người Pháp. Bà viết các tiểu thuyết, chuyên đề về triết học, chính trị và các vấn đề xã hội, các bài luận, tiểu sự, tự truyện. Hiện nay bà được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm tiểu thuyết trừu tượng, bao gồm She Came to StayThe Mandarins, tác phẩm viết năm 1949 Giới tính hạng hai (La deuxieme sexe) một tác phẩm phân tích về sự áp bức phụ nữ và đề tài bình đẳng giới. Bà được trao Giải Jerusalem năm 1975. Năm 1978, bà được trao Giải quốc gia Áo cho Văn học châu Âu

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Simone sinh ngày 9 tháng 1 năm 1908 ở Paris trong một gia đình Công giáo. Cha mẹ của Simone là ông Georges Bertrand de Beauvoir, một thư ký pháp lý và bà Françoise Brasseur, con gái của một chủ ngân hàng giàu có. Tuy nhiên sau Thế chiến I, gia đình ông Georges bị phá sản, do vậy Simone và người em gái là Hélène không còn có của hồi môn nên không thể lấy chồng cùng đẳng cấp. Lúc nhỏ, Simone de Beauvoir (từ đây xin gọi tắt là Beauvoir) đã có ý thức tự do và tự lập, không chiu ở chung với gia đình. Năm 14 tuổi, Beauvoir khủng hoảng về tín ngưỡng nên từ đó trở thành một người vô thần cho đến khi qua đời.

Beauvoir vào học triết học ở trường Đại học Sorbonne, Paris. Sau tốt nghiệp, Beauvoir được nhận làm giáo viên ở một trường phổ thông. Năm 1929, trong khi chuẩn bị cho kỳ thi cao học ở trường École Normale Supérieure, Beauvoir gặp Jean Paul Sartre. Beauvoir đã thi đỗ thứ hai sau Sartre. Từ đó, hai người trở thành một đôi tình nhân, nhưng trước mặt người cha của mình, Beauvoir thẳng thừng từ chối lời cầu hôn của Sartre. Mặc dù hai người có một mối quan hệ gắn bó lâu bền, và chính Sartre cũng thừa nhận hai người “chỉ là một”, không chỉ ở sự thống nhất về quan điểm, hoạt động chính trị - xã hội, mà sau khi chết được nằm sát cạnh nhau trong một nấm mồ ở nghĩa trang Montparnasse, Paris, nhưng hai người chưa bao giờ cưới nhau và sống chung với nhau trong một mái nhà, không có con cái với nhau. Tuy nhiên, hai người thỏa thuận cho phép nhau, ngoài “cuộc tình cơ bản” (essential love) giữa hai người, còn có thể tự do quan hệ và có “những mối tình ngẫu nhiên” (contingent loves) với bất kỳ người nào mà mình thích. Có lẽ quan niệm về tự do tuyệt đối của cá nhân không dung hợp được với quan hệ hôn nhân là điều mấu chốt của những nhà triết học hiện sinh từ những ông tổ của nó như Kierkegaard, Nietzche đến những nhà hiện sinh tiêu biểu như Camus, Sartre, Beauvoir...

Beauvoir tham gia cùng với J.P. Sartre và một số người khác sáng lập tờ báo “Thời mới” (Les Temps modernes) để truyền bá chủ nghĩa hiện sinh ra ngoài phong trào văn học. Tuy nhiên Beauvoir cũng viết nhiều tác phẩm văn học riêng và tạo được nguồn kinh phí riêng cho mình để cống hiến cho sự nghiệp văn chương. Bà du lịch nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Cuba và làm quen với nhiều nhân vật cộng sản như Fidel Castro, Che Guevara, Mao Trạch Đông, Richard Wright. Bà có quan hệ tình yêu và trao đổi 300 thư từ với Nelson Algren, nhà văn xã hội chủ nghĩa người Mỹ.

Năm 1949, Beauvoir bắt đầu nổi tiếng với sự công bố tác phẩm triết học Giới tính hạng hai (Le Deuxième Sexe). Chuyên luận lần đầu tiên được công bố trong Les Temps Modernes, sau đó được xuất bản thành sách và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Năm 1954, với tác phẩm Les Mandarins, Beauvoir nhận được giải thưởng văn học “Le prix Goncourt”.

Simone de Beauvoir không chỉ tham gia phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, đấu tranh đòi bình đẳng giới, mà bà còn cùng với Jean Paul Sartre tham gia Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam do Bertrand Russell sáng lập. Tòa án được tổ chức vào tháng 11 năm 1966 và họp được hai phiên tòa vào năm 1967 ở Stockholm (Thụy Điển) và Roskilde (Đan Mạch).

Tư duy và triết lý[sửa | sửa mã nguồn]

Lý thuyết[sửa | sửa mã nguồn]

Là một người ủng hộ nhiệt thành chủ nghĩa hiện sinh, bà đặt ra những câu hỏi nhằm tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong sự phi lý của một thế giới mà chúng ta đã không tự lựa chọn được sinh ra ở trong. Cùng với các tác phẩm của Sartres, tác phẩm của bà đề cập đến đặc tính cụ thể của các vấn đề này, ưu tiên một sự phản ánh trực tiếp và không gián đoạn về kinh nghiệm sống (une réflexion directe et ininterrompue sur le vecu).

Trong Sức mạnh của tuổi tác (La Force de l'âge) bà kể lại cách thức mà chiến tranh đã tước bỏ "chủ quyền ảo ảnh (l'illusoire souveraineté) của tuổi hai mươi" của mình. Tháng 9 năm 1939, bà viết trong nhật kí: "Với tôi, hạnh phúc trên hết là một cách thức đặc quyền (une manière privilégiée) để nắm bắt (saisir) về thế giới; khi thế giới thay đổi đến mức không thể nắm bắt được theo cách này nữa, hạnh phúc lúc đó chẳng còn giá trị gì". Triết lý của bà tiến triển và bà không còn quan niệm về cuộc đời mình như một cá nhân tự chủ và khép kín: "Giờ đây, tôi biết rằng, từ tận xương tủy, tôi đã được liên kết với những người cùng thời với tôi (mes contemporains); tôi đã khám phá ra mặt trái của sự phụ thuộc này: trách nhiệm của tôi [...]; tùy thuộc vào việc một xã hội hướng tới sự tự do hay tự chấp nhận một sự nô lệ trơ ra (un inerte esclavage), cá nhân tự nhận thức mình như một con người ở giữa mọi người, hay như một con kiến trong một tổ kiến: nhưng tất cả chúng ta đều có quyền đặt dấu hỏi về lựa chọn tập thể, để từ chối nó hay để phê chuẩn nó".

Trong Giới tính hạng hai, bà khẳng định: "Chúng ta không sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ": Đây là một kiến tạo xã hội (social construction), thứ áp đặt những vai trò khác nhau, mang tính giới cho người của cả hai giới. Câu trích dẫn này thường được coi là tiền đề cho các nghiên cứu về giới trong khoa học xã hội. Trong tác phẩm này, bà phân tích vị trí của phụ nữ trong xã hội, lưu ý rằng họ thường được xem là, được định nghĩa là "Kẻ Khác" (Others) từ góc nhìn của nam giới trong xã hội gia trưởng. Sylvie Chaperon, một chuyên gia về nữ quyền, cho biết ngoài cụm từ mang tính biểu tượng này, Simone de Beauvoir xem xét nhiều lĩnh vực trong đó hình thành sự khác biệt xã hội giữa nam giới và nữ giới, từ đó đưa ra các hướng nghiên cứu cho những thập kỷ tiếp theo, mà một số, theo bà, vẫn còn chưa được đào sâu.

Trích dẫn[sửa | sửa mã nguồn]

"Chúng ta không sinh ra là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ."

"Ở trong cả hai giới diễn ra những vở kịch giống nhau về xác thịt và tinh thần, về sự hữu hạn và tính siêu việt, cả hai đều bị thời gian ăn mòn, bị cái chết dõi theo, và cùng có nhu cầu thiết yếu với người kia; họ có thể đạt được vinh quang như nhau từ sự tự do của họ; nếu họ biết cách nếm thử nó, họ sẽ không còn bị cám dỗ tranh cãi về những đặc ân giả tạo nữa; và tình bác ái sau đó có thể được sinh ra." (Dans les deux sexes se jouent les mêmes drames de la chair et de l’esprit, de la finitude et de la transcendance, les deux sont rongés par le temps, guettés par la mort, ils ont un même essentiel besoin de l’autre; ils peuvent tirer de leur liberté la même gloire; s’ils savaient la goûter, ils ne seraient plus tentés de se discuter de fallacieux privilèges; et la fraternité pourrait alors naître entre eux.)

"Người phụ nữ tự do chỉ đang được sinh ra." (La femme libre est seulement en train de naître)

"Muốn bản thân tự do, cũng chính là muốn những người khác tự do." (Se vouloir libre, c'est aussi vouloir les autres libres)

“Tôi là một trí thức. Tôi thấy khó chịu khi từ này được dùng như một sự xúc phạm: mọi người dường như tin rằng sự trống rỗng của não mang đến cho họ tinh hoàn." (Je suis un intellectuel. Ça m'agace qu'on fasse de ce mot une insulte: les gens ont l'air de croire que le vide de leur cerveau leur meuble les couilles.)

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]