Thành viên:GDAE/Văn Cao

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Văn Cao
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Nguyễn Văn Cao
Ngày sinh
15 tháng 11 năm 1923
Nơi sinh
Hải Phòng, Liên bang Đông Dương
Mất
Ngày mất
10 tháng 7, 1995(1995-07-10) (71 tuổi)
Nơi mất
Hà Nội, Việt Nam
Quốc tịch Việt Nam
Dân tộcKinh
Nghề nghiệpNhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ, nhà hoạt động cách mạng
Gia đình
Vợ
Nghiêm Thúy Băng
Con cái
năm con (3 con trai, con cả là Văn Thao)
Khen thưởngHuân chương Hồ Chí Minh Huân chương Hồ Chí Minh
Huân chương Kháng chiến Huân chương Kháng chiến hạng Nhất
Huân chương Độc lập Huân chương Độc lập hạng Nhất
Huân chương Độc lập Huân chương Độc lập hạng Ba
Sự nghiệp âm nhạc
Dòng nhạc
Tác phẩmTiến quân ca
Buồn tàn thu
Trường ca Sông Lô
Làng tôi
Tiến về Hà Nội
Sự nghiệp văn học
Thể loạiThơ hiện đại Việt Nam
Tác phẩmNhững người trên cửa biển (trường ca thơ), (tập thơ), Một đêm đàn lạnh trên sông Huế (bài thơ), Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc (bài thơ)
Sự nghiệp hội họa
Đào tạoTrường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
Thể loạiMỹ thuật hiện đại Việt Nam
Giải thưởng
Giải thưởng Hồ Chí Minh 1996
Văn học nghệ thuật


Cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu đời[sửa | sửa mã nguồn]

Văn Cao sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại Hải Phòng với tên khai sinh là Nguyễn Văn Cao. Văn Cao sinh ra và lớn lên trong thời kì hoàn cách lịch sử chính trị xã hội Việt Nam có nhiều biến động khi nhân dân Việt Nam đang chìm trong sức ép của chế độ Pháp thuộc. Gia đình ông vốn có một thời kì khá giả với cha là cai của một nhà máy nước, nhưng sớm bị mất việc và rơi vào cảnh túng thiếu.[1] Văn Cao được học tiểu học và trung học tại trường Saint Joseph (nay là trường Trung học phổ thông Ngô Quyền), một trường dòng lớn tại Hải Phòng và có được những kiến thức vỡ lòng về âm nhạc tại đây. Dù có được niềm say mê âm nhạc từ những bài học lý thuyết âm nhạc và từ những bài thánh ca nhưng vì gia đình khó khăn, ông phải bỏ học và đi kiếm việc làm phụ gia đình. Cha mẹ đã tìm cho ông một công việc điện thoại viên ở Sở Bưu Điện gần nhà. Làm công chức thuộc địa và cuộc sống mưu sinh ngay từ tuổi thiếu niên đã ảnh hưởng đến tâm trạng buồn chán và ám ảnh trong suy nghĩ của ông.[1]

Những sáng tác đầu tay[sửa | sửa mã nguồn]

Văn Cao bắt đầu có sáng tác đầu tay vào năm 1940 với bài "Buồn tàn thu", được lấy cảm hứng từ ấn tượng của khung cảnh thiên nhiên dòng sông Hương với những cánh buồm trên con thuyền trên sông nước. Bài hát này được Văn Cao học theo phong cách Lê Thương. "Buồn tàn thu" được Phạm Duy, khi đó là một ca sĩ tự do đi lang thang để hát kiếm sống, đem đi hát trên các khắp miền Bắc.[2] Điều này khiến cho tên tuổi của Văn Cao dần được mọi người biết đến. Đây cũng là ca khúc tiêu biểu cho tâm trạng lãng mạn, mang tính u buồn của Văn Cao thời bấy giờ. Ông cũng còn một số sáng tác khác như "Con thuyền không bến", "Giọt mưa thu",... mang phong cách Đặng Thế Phong.[2] Sau khi bị mất việc ở Sở Bưu điện Hải Phòng, ông bỏ vào Sài Gòn với người chị gái và có bài hát "Trên sông Hương" viết vào mùa đông năm 1940. Bài hát được phát thanh trên Đài phát thanh Sài Gòn nhưng sau đó nhanh chóng rơi vào quên lãng.[3]

Những năm sau ở tuổi đôi mươi, Văn Cao viết nhiều tác phẩm như "Cung đàn xưa", "Thiên Thai", "Bến xuân", "Suối mơ", "Thu cô liêu"... Trong đó "Thiên Thai" do Văn Cao sáng tác khi ông đang là thành viên của nhóm Đồng vọng cùng Canh Thân, Hoàng Quý, Phạm Ngũ trong phong trào chung của thanh niên tiến bộ Việt Nam đi tìm về cội nguồn dân tộc qua những chuyến đi thăm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Chuyến du chơi trên thuyền qua các vùng sông Thủy Nguyên, Hải Phòng cùng sự tích Thiên Thai đã gợi cho Văn Cao cảm hứng viết nên bài hát "Thiên Thai", là dấu ấn đặc biệt quan trọng trong các ca khúc tân nhạc của Việt Nam.[2] Cũng trong thời gian này, ông còn viết thêm những ca khúc mang tính chất hùng tráng gợi nhớ về quá khứ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của người Việt Nam như "Gò Đống Đa", "Thăng Long hành khúc ca".[2] Văn Cao rời khỏi Hải Phòng năm 1943 lên Hà Nội học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), đồng thời làm thơ và viết truyện in trên tờ tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy và tham gia triển lãm tranh Duy Nhất.[2] Tại trường mỹ thuật, ông tham gia nhiều sinh hoạt âm nhạc và thông thạo chơi đàn ukelele và có niềm dam mê ca trù.[3]

Hoạt động cách mạng[sửa | sửa mã nguồn]

Trong thời gian Việt Nam chuẩn bị cho cuộc cách mạng, nhờ những năm tháng tham gia hoạt động nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực thơ ca hội họa và nhà cách mạng Vũ Quý, Văn Cao bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ông viết và phụ trách in tài liệu cho cơ quan Phan Chu Trinh đồng thời in sách báo và thực hiện công việc rải truyền đơn trong bí mật.[4] Ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc cùng Nguyễn Đình Thi và các văn nghệ sĩ khác do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động và thành lập năm 1943 sau sự ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam.[5] Văn Cao đồng thời phụ trách Đội danh dự trừ gian. Cũng trong thời gian đó, ông viết bài "Chiến sĩ Việt Nam", "Tiến quân ca" vào cuối 1944 đến 1945 cho lực lượng vũ trang của Việt Minh.[5] "Tiến quân ca" được soạn nhạc trong một đêm với phần lời do Đỗ Hữu Ích viết, được lan truyền ra hầuy hết các khu giải phóng trước khi được đăng lên báo Độc Lập.[6] Tác phẩm về sau đã được Quốc hội khóa I bầu chọn là Quốc ca của Nhà nước Việt Nam cho tới ngày nay.[4][7] Sau sự kiện Cách mạng tháng Tám, Văn Cao vừa làm phóng viên vừa công tác trong báo Lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông còn tham gia chuyên chở tiền bạc và vũ khí vào chiến trường miền Nam Việt Nam cùng Hà Đăng Ấn. Trong khi làm ủy viên chấp hành Hội Văn hóa Cứu quốc, nhiều bài hát khác viết về quân đội và con người Việt Nam đã được Văn Cao sáng tác trong thời gian đó.[4]

Trong không khí chuẩn bị TỔng khởi nghĩa của toàn dân Việt Nam giữa năm 1945, Văn Cao còn viết bài hát "Chiến sĩ Việt Minh", về sau được đổi thành "Chiến sĩ Việt Nam".[7] Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, ông ra Liên khu III để phụ trách một bộ phận điều tra của Công an Liên khu ở Lào Cai và viết báo cho tờ Độc lập. Đây cũng là thời điểm mà nhiều bài hát gắn liền với tên tuổi khác của ông ra đời như "Trường ca Sông Lô", "Làng tôi", "Ngày mùa" và "Tiến về Hà Nội".[4] Trở lại chiến khu Việt Bắc năm 1950, Văn Cao phụ trách Đoàn Nhạc Việt Nam, giữ chức Trưởng ban Âm nhạc Vụ Văn học Nghệ thuật của Bộ Giáo dục Việt Nam. Cuối năm 1951 ông về Hội Văn Nghệ Việt Nam trước khi sang làm công tác âm nhạc ở Xưởng Điện ảnh. Các ca khúc thời kỳ này chủ yếu có nội dung là ca ngợi Hồ Chí Minh, cổ vũ cho phòng trào thi đua trong lao động.[8]

Sau chiến tranh Đông Dương[sửa | sửa mã nguồn]

Sau năm 1954, Văn Cao là hội viên của cả 3 hội nghệ thuật Việt Nam là Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật và cả Hội Nhà văn. Ông là ủy viên chấp hành khóa I Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật.[8] Văn Cao cũng đã cho xuất bản một số tác phẩm âm nhạc, thơ ca, hội họa như trường ca "Những người trên cửa biển" (1956), tập bài hát "Làng tôi" (1974).[8] Sáng tác Tân nhạc của Văn Cao nằm trong khoảng thời gian 20 năm từ 1938 đến 1958. Sau phong trào "Nhân văn giai phẩm", ông đã ít sáng tác nhạc hơn.[9] Cuối năm 1959, khi chueyern đển Ban Nghiên cứu âm nhạc Bộ văn hóa, ông đã biên soạn xong công trình nghiên cứu "Điệu thức năm cung trong dân ca Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ" chỉ trong thời gian ngắn. Ở công trình này Văn Cao đã đưa ra luận điểm điệu thức Đô Rê Fa Sol La (ứng với điệu Chủy trong âm nhạc Trung Quốc) là điệu thức gốc trong dân ca đồng bằng và trung du Bắc Bộ.[9] Ông cũng có một bài viết với tiêu đề "Con sáo sang sông theo phong cách Quan họ Bắc Ninh" nhằm khảng định "Con sáo sang sông" là từ Quan họ chứ không phải mượn "Lý con sáo" như nhiều nhà nghiên cứu vội kết luận.[9]

Cuối đời[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1983, ông trở lại là ủy viên chấp hành khóa III Hội Nhạc sĩ VIệt Nam.[8] Trong giai đoạn gần cuối cuộc đời, Văn Cao viết một số tác phẩm cho đàn piano và Tổ khúc giao hưởng "Anh bộ đội Cụ Hồ". 2 tác phẩm cuối cùng của ông viết là "Tình ca trung du", được ông viết mùa thu năm 1984 và "Mùa xuân đầu tiên".[8] Nhiều tác phẩm khác của ông đã xuất bản như tập bài hát "Thiên Thai" (1988), "Lá" (1988), "Ca khúc Văn Cao" (1993), "Tuyển tập thơ Văn Cao" (1994) cùng nhiều băng nhạc audio và video của nhiều hãng thu trong nước khác. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng trưng bày nhiều tác phẩm hội họa của ông.[8] Văn Cao qua đời khi vừa bước sang tuổi 71 không lâu tại nhà riêng trên phố Yết Kiêu, Hà Nội vào mùa thu năm 1995.[10]

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

Văn Cao được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba (1988), Huân chương Độc Lập hạng Nhất (1994), được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.[8]

Nhận định về âm nhạc[sửa | sửa mã nguồn]

Di sản âm nhạc của Văn Cao để lại cho người dân Việt Nam chỉ khiêm tốn về mặt số lượng nhưng lại có "giá trị lớn" vì ông là một trong những người mở đường cho một nền âm nhạc chuyên nghiệp mới tại Việt Nam.[11] Những thành tựu trong sáng tác âm nhạc của ông chủ yếu tập trung trong ca khúc vì ông không chú tâm viết khí nhạc, và những tư liệu khí nhạc của ông cũng không còn lưu giữ đến ngày nay. Vì vậy nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc chỉ đi sâu vào những đặc điểm trong ca khúc của ông.[12]

Về cơ bản, Văn Cao sử dụng những thang âm cũng như điệu thức phổ biến trong âm nhạc phương Tây – những điệu thức trưởng, thứ tự nhiên và thứ hòa thanh, trong đó ông sử dụng nhiều hơn cả là điệu thức thứ tự nhiên gần với màu sắc âm nhạc dân gian.[12] Ông luôn bám chắc trục gam của điệu thức, dừng các tiết nhạc và câu nhạc ở những bậc trong gam nên các bài hát của ông thường có cấu trúc câu đoạn rõ ràng và thể hiện rõ màu sắc của gam.[13] Văn Cao có ý thức trong việc đưa âm hưởng dân gan Việt Nam và phương Đông xen lẫn các điệu thức của phương Tây, tạo nên nhiều ca khúc có màu sắc dân gian dân tộc, nhưng ông không bao giờ trích dẫn một làn điệu cụ thể. Một số người thuộc thế hệ nhạc sĩ Việt Nam sau này đã học tập ông đi theo con đường đó.[14]

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Văn Toàn, nếu đồ thị hóa phần giai điệu trong ca từ của ca khúc Văn Cao, đó có thể là những hình lượn sóng, lúc lên cao lúc xuống thấp nhưng không "gãy khúc". Nhiều câu nhạc của ông rất dài nhưng thường sử dụng thủ pháp mô tiến để tăng tính liền mạch. Âm hình tiết tấu của những giai điệu đó có sự biến dổi nhưng không phức tạp. Văn Cao cũng là người dùng nhiều thủ pháp nhắc lại.[15] Cấu trúc câu và đoạn nhạc trong những bài hát mà ông viết đôi lúc cân phương nhưng cũng có lúc không cân đối nhưng được phát triển liền mạch mà "người nghe không cảm thấy sự không cân đối ấy".[16] Những ca khúc của Văn Cao thường có hình thức cấu trúc theo dạng hai đoạn đơn, ba đoạn đơn hoặc thể loại ballade. Ở hình thức hai đoạn đơn có tái hiện và cả không tái hiện theo phương Tây, ông không có sự thay đổi gì mà giữ nguyên. Về cấu trúc hình thức, Văn Cao được xem như là một trong những nhạc sĩ Việt Nam góp phần sáng tạo ra thể loại âm nhạc trường ca với nhiều tác phẩm như "Trường ca Sông Lô", "Trương Chi", "Thiên Thai",... Tuy nhiên trên thực tế trường ca mà Văn Cao viết có cấu trúc hình thức không bắt chước theo một số những quy tắc của âm nhạc phương Tây nên được xem là do thể loại cấu trúc hình thức do ông tự sáng tạo.[17]

Căn cứ vào các âm trong giai điệu và vào sự phân câu, phân đoạn nhạc, Văn Cao là người sử dụng thủ pháp hòa thanh mang tính "giản dị, có cân nhắc". Ông không sử dụng nhiều ly điệu hoặc chuyển điệu trong một đoạn nhạc. Ông thường kết câu ở bậc V hoặc bậc I. Rất hiếm khi ông ngắt câu ở những bậc không ổn định như bậc VI, IV ở điệu thức.[18] Dù vậy, từ những ca khúc ở giai đoạn 1945 trở đi, sự biến động hòa thanh trong nội tại từng câu nhạc và đoạn nhạc dần dần tăng thêm và có sự phong phú hơn. Ca từ trong bài hát ông viết thường có sự gắn liền chặt chẽ với giai điệu, không gò bó về vần điệu và chủ yếu mang nội dung yêu nước, cách mạng. Lời ca của ông cũng chuyển biến dần theo lịch sử của nước nhà.[18]

Danh sách ca khúc[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Vũ Tự Lân 2009, tr. 73, 74.
  2. ^ a b c d e Vũ Tự Lân 2009, tr. 75, 76.
  3. ^ a b Tú Ngọc 2000, tr. 87.
  4. ^ a b c d Lê Văn Toàn 2009, tr. 76.
  5. ^ a b Tú Ngọc 2000, tr. 144.
  6. ^ Tú Ngọc 2000, tr. 145.
  7. ^ a b Tú Ngọc 2000, tr. 146.
  8. ^ a b c d e f g Lê Văn Toàn 2009, tr. 77.
  9. ^ a b c Nguyễn Thụy Khuê 2017, tr. 143.
  10. ^ Nguyễn Thụy Kha 2017, tr. 144.
  11. ^ Lê Văn Toàn 2009, tr. 104.
  12. ^ a b Lê Văn Toàn 2009, tr. 78.
  13. ^ Lê Văn Toàn 2009, tr. 81.
  14. ^ Lê Văn Toàn 2009, tr. 82.
  15. ^ Lê Văn Toàn 2009, tr. 82-84.
  16. ^ Lê Văn Toàn 2009, tr. 85.
  17. ^ Lê Văn Toàn 2009, tr. 86-89.
  18. ^ a b Lê Văn Toàn 2009, tr. 89-92.

Nguồn sách[sửa | sửa mã nguồn]

  • Tú Ngọc (2000). Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu. Viện Âm nhạc Việt Nam. OCLC 682149444.
  • Nhiều tác giả (2000). 99 bài hát được nhiều người yêu thích. Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh Niên, báo Hànộimới. OCLC 271705047.
  • Vũ Tự Lân (2009). Âm nhạc Việt Nam Tác giả - tác phẩm. 5. Hà Nội: Viện Âm nhạc Việt Nam. OCLC 1223293284.
  • Phạm Duy (2017). Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ. ISBN 9786047730131.
  • Nguyễn Thụy Kha (2017). Thế kỷ âm nhạc Việt Nam: một thời đạn bom. Nhà xuất bản Văn học. ISBN 9786049540943.
  • Lê Thiên Minh Khoa (2019). 9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam : nghiên cứu-nhận định. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội nhà văn. OCLC 1151009388.