Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hình bìa một quyển Rubaiyat

Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam (tiếng Ba Tư: رباعیات عمر خیام) (tiếng Anh: Rubaiyat of Omar Khayyam) là tên gọi mà Edward FitzGerald đặt cho bản dịch thơ Omar Khayyam sang tiếng Anh. Từ Rubaiyat có xuất xứ từ tiếng Ả Rập, từ tương đương của tiếng Việt là thơ tứ tuyệt.

Bản của Edward Fitzgerald[sửa | sửa mã nguồn]

Edward FitzGerald in bản Rubaiyat of Omar Khayyam năm 1859. Sau đó ông chỉnh sửa nhiều lần. Đầu tiên gồm 75 bài, sau lên 110 và cuối cùng là 101 bài.

  • Lần thứ nhất – năm 1859
  • Lần thứ hai – năm 1868
  • Lần thứ ba – năm 1872
  • Lần thứ tư – năm 1879
  • Lần thứ 5 – năm 1889

Nội dung và các bản dịch trên thế giới[sửa | sửa mã nguồn]

Hình minh họa cho bài XI
Hình minh họa cho bài LI

Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam về ý nghĩa cuộc đời người, về sự bất lực của con người trước số phận và thời gian, về những sung sướng và đau khổ của kiếp người, về tuổi trẻtình yêu, tuổi già và cái chết, về những lời khuyên răn mà trong đó mỗi người có thể tìm thấy cho mình một điều gì thầm kín chưa từng được nói ra – tất cả đã trở thành tài sản tinh thần của toàn nhân loại.

Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam được dịch ra hầu hết tất cả các ngôn ngữ châu Âu. Còn châu Á, theo tư liệu chưa đầy đủ, ngoài các ngôn ngữ trong thế giới Hồi giáo, đã có bản tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên, tiếng Hán, tiếng Việt, tiếng Hindi, tiếng Urdu… Ngay cả tiếng Thái cũng có tới bốn bản dịch Rubaiyat.

Tiếng Việt có bản dịch của nhà thơ phong trào Thơ Mới Phan Khắc Khoan từ năm 1942. Sau đó có nhiều người dịch Rubaiyat như: Huy Cận, Thái Bá Tân, Nguyễn Viết Thắng, Hồ Thượng Tuy và một số người ở hải ngoại cũng từng dịch Rubaiyat ra tiếng Việt. Bản của Nguyễn Viết Thắng gồm 487 bài cùng với các bài giới thiệu in năm 2003 tại Hà Nội, đây là bản có số lượng nhiều nhất, đầy đủ mọi khía cạnh nhất từ trước đến nay.

Riêng bản dịch từ tiếng Anh Rubaiyat of Omar Khayyam của Edward FitzGerald cũng đã có một số người dịch, kể cả đã in thành sách nhưng chất lượng các bản dịch thì có thể nói là chưa đồng đều. Bản của Hồ Thượng Tuy sẽ được giới thiệu dưới đây. Hồ Thượng Tuy giải thích rằng ông chọn dịch bản Rubaiyat đầu tiên, in năm 1859, vì ông thích cái vẻ tươi mới, trinh bạch và tự nhiên của cái "buổi ban đầu lưu luyến". Khi đó Fitzgerald còn chưa nổi tiếng và ông đã dịch nó với tất cả đam mê của mình. Hiện nay, sau gần 200 năm, đây vẫn là phiên bản được in thường xuyên nhất trên thế giới. Họa sĩ Edmund Joseph Sullivan vẽ 75 bức tranh minh họa cho 75 bài thơ của phiên bản này.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  • Mose – Trưởng lão Do Thái, là tác giả của 5 cuốn đầu tiên trong Kinh Thánh.
  • Irám – tức Iram of the Pillars, đây là một công trình xây dựng hoặc một thành phố được nói đến trong Kinh Koran (chương 89; mục 6 – 14).
  • Jamshýd – nhân vật huyền thoại, một trong những vị vua đầu tiên của Iran, theo truyền thuyết, là người chủ của chiếc chén thần có thể hiện ra tất cả mọi chuyện xảy ra trên đời.
  • David – vị vua trong Kinh Thánh. Hồi giáo coi ông là một trong số các nhà tiên tri.
  • Péhlevi – là ngôn ngữ Ba Tư trung cổ, thường được coi là ngôn ngữ của thánh thần.
  • Kaikobád – một trong những vị vua huyền thoại của Iran, một nhân vật trong "Shahnameh" (Sách Vua) của Ferdowsi.
  • Kaikhosrú – một trong những vị vua cổ Iran, cai trị khoảng 558 – 529 tr. CN.
  • Rustum – hiệp sĩ huyền thoại, nhân vật của nhiều giai thoại dân gian cũng như nhân vật trong "Shahnameh" (Sách Vua) của Ferdowsi.
  • Hátim Tai – nhà thơ chiến binh Ả Rập (khoảng cuối thế kỷ VI – đầu thế kỷ VII, trước khi Islam ra đời).
  • Máhmúd – tức Mahmud của Ghazni (998 – 1030). Ông được xem là vị vua vĩ đại nhất của nhà Ghazni. Mahmud cũng được coi là vị vua đạo Hồi đầu tiên mang danh hiệu sultan.
  • Bahrám – tức Bahram V (421 – 438), vị vua dòng họ Sassanid thứ 14 của Ba Tư. Dân gian coi ông là người đi săn huyền thoại. Nhà thơ Nezami ca ngợi ông trong trường ca "Bảy người đẹp" của mình.
  • Muezzín – giáo sĩ Hồi giáo, người từ tháp canh gọi tín đồ cầu nguyện.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]