Trường Đại học Y Dược Hải Phòng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trường Đại học Y Dược Hải Phòng
Địa chỉ
72A, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng, Việt Nam.
Thông tin
LoạiĐại học y khoa hệ công lập
Khẩu hiệuTòa nhà Hiệu bộ Đại học Y Dược Hải Phòng
Thành lập1979
Hiệu trưởngPGS.TS Nguyễn Văn Khải Tiến sĩ
Giảng viên460 người
Websitehttp://www.hpmu.edu.vn
Thống kê
Sinh viên đại họcKhoảng 7000 người

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng (tiếng Anh: Haiphong University Of Medicine and Pharmacy) là một trường đại học chuyên ngành y khoa tại Việt Nam. Có sứ mạng Đào tạo nguồn nhân lực y tế uy tín, chất lượng; là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chú trọng phát triển y dược biển đảo Việt Nam. Được xếp vào nhóm các trường đại học trọng điểm đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế.

Chất lượng đào tạo[sửa | sửa mã nguồn]

Đội ngũ giảng viên[sửa | sửa mã nguồn]

Tính đến tháng 6 năm 2019, trường có 600 cán bộ, giảng viên cơ hữu trong đó có 2 Giáo sư, 25 phó giáo sư, 50 tiến sĩ, 190 thạc sĩ và các trợ giảng có trình độ đại học, và 308 giảng viên kiêm nhiệm có trình độ sau đại học, tại các Bệnh viện thực hành.[1]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng có lịch sử gần 40 năm xây dựng phát triển và trưởng thành, bao gồm các mốc chính sau:

Trước năm 1979: Các bệnh viện ở Hải Phòng là cơ sở thực hành của sinh viên Trường đại học Y Hà Nội.

Năm 1979: Chính thức thành lập Cơ sở II của Trường Đại học Y Hà Nội tại Hải Phòng (từ tháng 9/1979 đến 8/1985).

Ngày 17/8/1985, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định (số 843/BYT-QĐ) thành lập Phân hiệu Đại học Y Hải Phòng trực thuộc Trường Đại học Y Hà Nội.

Ngày 25/01/1999, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 06/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Y Hải Phòng trực thuộc Bộ Y tế, trên cơ sở Phân hiệu Đại học Y Hải Phòng.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định đổi tên Trường đại học Y Hải Phòng thành Trường Đại học Y Dược Hải Phòng với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ về lĩnh vực sức khỏe, đóng góp trực tiếp cho nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đào tạo Đại học[sửa | sửa mã nguồn]

Bệnh viện đại học Y Hải Phòng

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng hiện có khoảng 7000 sinh viên đại học, thuộc các ngành sau:

- Bác sĩ Đa khoa hệ chính quy với thời gian học 6 năm, mỗi năm đào tạo 500 sinh viên. Bác sỹ đa khoa hệ liên thông (4 năm) từ y sỹ đa khoa, mỗi năm khoảng 100 sinh viên. Trường là 1 trong 5 Đại học Y Dược của cả nước đang tham gia thực hiện Chương trình đổi mới đào tạo Bác sỹ Y khoa dựa theo năng lực, do Bộ Y tế chủ trì, Ngân hàng thế giới tài trợ và Đại học Y Havard (Hoa Kỳ) hỗ trợ kỹ thuật, từ 2016.

- Bác sĩ Y học dự phòng (thời gian đào tạo 6 năm, mỗi năm 60-70 sinh viên);

- Cử nhân Điều dưỡng chính quy (4 năm, 100 sinh viên/năm) và hệ vừa làm vừa học (4 năm, mỗi năm 100-200 sinh viên);

- Bác sĩ Răng Hàm Mặt (thời gian đào tạo 6 năm, mỗi năm đào tạo 60-70 sinh viên);

- Cử nhân Kỹ thuật y học (thời gian đào tạo 4 năm, mỗi năm 60-70 sinh viên);

- Dược sĩ hệ chính qui (5 năm, mỗi năm 100 sinh viên) và hệ liên thông (4 năm, mỗi năm khoảng 20 sinh viên từ dược sỹ trung học)

- Bác sĩ Y học cổ truyền (6 năm, mỗi năm 60 sinh viên).

Cùng với quá trình đổi mới của ngành Giáo dục, Trường đang tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm của quá trình đào tạo, và thực hiện đào tạo theo tín chỉ, cải tiến chương trình đào tạo hướng tới năng lực đầu ra của người học. Thông qua các phương pháp giảng dạy đa dạng, bao gồm cả thuyết trình theo truyền thống, sử dụng trình chiếu powerpoint, cập nhật nguồn tài nguyên trên mạng internet, thực tập tại các phòng thí nghiệm, giảng dạy bên giường bệnh, giảng dạy dựa trên vấn đề, y học dựa trên chứng cứ, thực hành và nghiên cứu tại các bệnh viện và trung tâm y tế... sinh viên đã thu được các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp của mình.

Đào tạo Sau đại học[sửa | sửa mã nguồn]

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng hiện đang đào tạo các bậc học sau đại học: Tiến sỹ (các chuyên ngành Y tế công cộng, Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa); Thạc sĩ (Nội, Ngoại, Nhi, Y tế công cộng, Y học biển, Xét nghiệm Y học); Bác sĩ chuyên khoa II (Nội khoa, Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Nhi khoa, và Quản lý y tế); Bác sĩ chuyên khoa I (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Y tế công cộng, Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Lao và Bệnh phổi, Răng hàm mặt, Mắt, Tai Mũi Họng, Hóa sinh, và Y học gia đình); Bác sĩ nội trú (Nội, Ngoại, Sản, Nhi); Chuyên khoa định hướng các chuyên ngành.

Các luận án tốt nghiệp đều hướng tới mục tiêu cơ bản là chứng tỏ năng lực của học viên, khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập và đóng góp mới cho khoa học. Nhà trường cũng đã phối hợp tổ chức hàng loạt các cuộc tập huấn và đào tạo lại cho cán bộ y tế tại các tuyến khác nhau về các vấn đề y tế cấp bách như HIV/AIDS, lao kháng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, các kỹ thuật y học mới…

Để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, chú trọng năng lực thực hành và cập nhật kiến thức, công nghệ mới, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã và đang hợp tác với một số trường Đại học trên thế giới để đào tạo cho cán bộ, giảng viên và học viên sau đại học, nhất là các khóa tham quan, học hỏi kỹ thuật. Thực tập ngắn hạn và có trọng điểm tại các Trung tâm y học tiên tiến là cơ sở cho nhà trường nhanh chóng nâng cao chất lượng dạy và học sau đại học, một kết quả trực tiếp của hoạt động hợp tác quốc tế.

Đội ngũ cán bộ và cơ cấu tổ chức[sửa | sửa mã nguồn]

Trường đại học Y Dược Hải Phòng hiện có hơn 800 cán bộ, giảng viên trong đó 600 cán bộ cơ hữu thuộc trường và 200 thuộc Bệnh viện, gồm 07 Giáo sư; 28 Phó giáo sư; 77 Tiến sĩ; 180 Thạc sĩ; 65 bác sỹ chuyên khoa 2 và tương đương, và 285 giảng viên kiêm chức tại các cơ sở thực hành chính. Với gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã đào tạo được hơn 10000 bác sỹ, điều dưỡng, cử nhân đại học và sau đại học, dược sỹ, được đánh giá cao tại các cơ sở y tế trên địa bàn cả nước. Hiện nay trường có hệ thống Phòng, Ban chức năng, các Trung tâm, Bệnh viện thực hành khá hoàn chỉnh: Có 11 Phòng, Ban chức năng; và 20 Bộ môn trực thuộc khoa; 33 bộ môn trực thuộc trường; 08 đơn vị phục vụ đào tạo và nghiên cứu; 01 Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng với 28 khoa, phòng chức năng đáp ứng giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ người bệnh. Theo cơ cấu tổ chức mới được phê chuẩn, Trường hiện có 9 khoa, bao gồm:

- Khoa khoa học cơ bản, tập hợp các môn học đại cương (toán, lý, hóa, sinh học, ngoại ngữ, lý luận chính trị...)

- Khoa Y, một ngành đào tạo chủ chốt của Trường, có chức năng đào tạo đại học ngành y đa khoa, nghiên cứu khoa học, phục vụ và và đào tạo các chuyên ngành sau đại học, nghiên cứu, đào tạo và phát triển chuyên ngành Y học biển của Việt Nam.

- Khoa Y tế công cộng, đào tạo hệ bác sỹ y học dự phòng và các chuyên ngành sau đại học, nghiên cứu về các lĩnh vực chính sách y tế, quản lý y tế và sức khỏe cộng đồng.

- Khoa Răng Hàm Mặt, đào tạo bác sỹ Răng Hàm Mặt đại học và sau đại học

- Khoa Điều dưỡng, đào tạo cử nhân điều dưỡng hệ chính qui và hệ vừa làm vừa học

- Khoa kỹ thuật y học, đào tạo cử nhân xét nghiệm chính qui và hệ vừa làm vừa học

- Khoa Y học cổ truyền, đào tạo bác sỹ y học cổ truyền

- Khoa Dược học, đào tạo dược sỹ đại học hệ chính qui, liên thông và sau đại học, nghiên cứu khoa học y dược, dược liệu biển, xây dựng năng lực chuyên ngành dược lâm sàng và phát triển dịch vụ dược lâm sàng tại các cơ sở thực hành của Trường.

- Khoa Y học biển, nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành y học biển cho sinh viên y đa khoa, phát triển chuyên ngành đào tạo sau đại học về y học biển

Nghiên cứu khoa học[sửa | sửa mã nguồn]

Cho tới thời điểm 2019, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã thực hiện 8 đề tài cấp Nhà nước và theo Nghị định thư Hợp tác quốc tế (5 đề tài đã nghiệm thu), 16 đề tài cấp Bộ, 14 đề tài cấp Thành phố, 977 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài đã sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu khác nhau, từ các nghiên cứu cơ bản trong labo, nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu cộng đồng cả định tính và định lượng. Một số nghiên cứu phối hợp với các trường Đại học lớn trên thế giới cũng đã và đang được triển khai với hiệu quả ứng dụng cao và đang được triển khai.

Các nghiên cứu cơ bản đi vào nghiên cứu y sinh học, vi sinh, ký sinh trùng, hóa sinh… đều trực tiếp phục vụ cho giảng dạy y học và phục vụ bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã được tiến hành trên các lĩnh vực nội, ngoại, sản, nhi, lây, da liễu, tâm thần, thần kinh,… nghiên cứu về các bệnh mang tính địa phương như do nghèo đói, HIV/AIDS, lao và các vấn đề y tế nổi cộm… Các nghiên cứu lâm sàng thường được phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện như: Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng,… và luôn tuân thủ nghiêm các quy định về đạo đức trong nghiên cứu y học.

Trường đại học Y Dược Hải Phòng hiên đang tập trung phát triển một số hướng nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực sinh học phân tử, di truyền, nghiên cứu phát triển thuốc từ nguồn tự nhiên, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và các nghiên cứu ứng dụng trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc phục hồi cho người bệnh.

Hợp tác quốc tế[sửa | sửa mã nguồn]

Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã và đang có quan hệ hợp tác về đào tạo, trao đổi cán bộ, sinh viên, nghiên cứu khoa học với các Trường Đại học của các nước: Pháp (Đại học Pari 5, 6,7,12, Đại học Tây Y Brest); Hà Lan (Đại học Y Maastricht); Mỹ (Đại học Iowa, Đại học Samford, Đại học Boston); Hungary (Đại học Semmelweis); Hàn Quốc (Đại học Quốc gia Chungnam, Đại học Y Inje, Quỹ Y học Seegene); Australia (Đại học Queensland và Đại học Sydney); Trung Quốc (Đại học Y Quảng Tây, Đại học Y Kunming); Nhật Bản (Đại học Kanazawa và Đại học Okayama); Đài Loan (Đại học Y Đài Bắc, Bệnh viện đa khoa cựu chiến binh Đài Bắc), Thái Lan (Đại học Chulalongkorn, Đại học Mahasarakham), Thụy Điển (Đại học Kristiaanstade)… Trường cũng tham gia tích cực các hoạt động của các Tổ chức quốc tế, như Tổ chức Pháp ngữ (AUF), Hội dược Lâm sàng Châu Á (ACCP), Hiệp hội các Trường đại học Dược Châu Á (AASP), Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam,

Nhiều giảng viên của Trường đang theo học Tiến sỹ, Thạc sỹ và tham quan học tập ngắn hạn, trao đổi kinh nghiệm tại các nước trên thế giới. Hàng năm, Trường cũng đón tiếp nhiều giáo sư, sinh viên y, dược, điều dưỡng từ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Thụy Điển, Thái Lan đến thực tập.

Hàng năm, có các học bổng cho sinh viên đại học: sinh viên Y đa khoa của trường thực tập hè tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản), sinh viên Răng Hàm Mặt thực tập tại Đại học Okayama (Nhật Bản), sinh viên hệ Điều dưỡng thực tập tại Đại học Kristiaanstade (Thụy Điển), sinh viên Dược thực tập tại Hàn Quốc (Đại học quốc gia Chungnam), Thái Lan (Đại học Chulalongkorn, Đại học Mahasarakham), Trung Quốc (Đại học Dược Trung Quốc, CPU),...

Trường đại học Y Dược Hải Phòng đã đăng cai và tổ chức thành công một số Hội nghị khoa học quốc tế lớn, như Hội nghị Dược lâm sàng Châu Á năm 2013 (ACCP2013, 13-15 tháng 9 năm 2013 với hơn 1000 đại biểu từ 24 nước tham dự), Diễn đàn Hiệu trưởng các Trường đại học Dược Châu Á (the 4th AASP, từ 24-26 tháng 6 năm 2016), Hội nghị về Năng lực sức khỏe Châu Á (tháng 11 năm 2016), các Hội nghị quốc tế về Răng Hàm Mặt, Bệnh phổi, Y học gia đình...

Cơ sở vật chất[sửa | sửa mã nguồn]

Trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc kỹ thuật cao nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ khám chữa bệnh như: Máy siêu âm màu, máy ghi điện não đồ, máy Lazer CO2, máy tán sỏi kỹ thuật cao, Labo sinh học phân tử,.. Trường có khu mới xây dựng với tòa nhà 15 tầng khang trang hiện đại gồm có: Giảng đường, văn phòng, phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó Trường còn có Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng hiện đại có nhiệm vụ là đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân với 28 khoa phòng, 177 cán bộ nhân viên. Tổng số giường bệnh nội trú là 150 giường, phấn đấu 2020 đạt 400 giường.

Trường đại học Y Dược Hải Phòng còn có hệ thống các khu giảng đường đặt tại các Bệnh viện thực hành ở khu vực Hải Phòng: Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi, Bệnh viện Kiến An,… đây là nơi phục vụ giảng dạy cho sinh viên khi đi thực hành lâm sàng. Một số cơ sở kinh doanh, sản xuất dược có đủ điều kiện (bao gồm Công ty Nipro Pharma của Nhật Bản tại khu công nghiệp VSIP Hải Phòng) cũng được chọn làm cơ sở thực hành cho sinh viên Dược.

Trường đại học Y Dược Hải Phòng đã và đang mở rộng địa bàn thực hành cho sinh viên, như tăng cường cho sinh viên thực tập tại Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí. Các bệnh viện đa khoa ở 2 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh cũng đã được chính thức công nhận là bệnh viện thực hành. Trường hiện đang tiếp tục mở rộng cơ sở thực hành cho học viên sau đại học tại một số bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, trước hết phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học.

Trên cơ sở hợp tác quốc tế rộng rãi, Trường đang tạo thêm các cơ hội cho giảng viên, học viên sau đại học được đi thực tập ngắn hạn, tiếp cận với thực hành y học tiên tiến và thực hiện các hợp tác nghiên cứu với một số Trường đại học, Viện nghiên cứu lớn trên thế giới.

Khen thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Trong gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, Bộ, Thành phố, Trong đó có 3 Huân chương lao động (Huân chương lao động hạng nhất năm 2009, Huân chương lao động hạng Nhì năm 2004, Huân chương lao động hạng Ba năm 2000), Huân chương lao động hạng Ba cho các cá nhân (11 cá nhân) và tập thể (Bộ môn Nhi, Phòng Đào tạo Đại học, Bộ môn Nội),. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 14 cá nhân và 6 tập thể; Cờ thi đua xuất sắc của: Bộ Y tế, Công đoàn ngành Y tế, Bộ Công an, UBND Thành phố Hải Phòng; Bằng khen của Bộ Y tế: 37 Bằng khen cho tập thể, 85 Bằng khen cho cá nhân; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho 08 các nhân; Ngoài ra còn có nhiều Bằng khen của Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, Bộ Công an, UBND Thành phố Hải Phòng, Liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hải Phòng; Nhiều Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bằng khen của Thành đoàn Hải Phòng và Hội Sinh viên thành phố Hải Phòng cho các tập thể và cá nhân đoàn viên, sinh viên nhà trường.

Mục tiêu phát triển[sửa | sửa mã nguồn]

Xây dựng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ có uy tín về lĩnh vực sức khỏe của Quốc gia, hội nhập Quốc tế, đi tiên phong trong phát triển chuyên ngành Y học biển, có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực y tế cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, dịch vụ y tế đa dạng và chuyên sâu, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Sinh viên Đại học Y Hải Phòng ngày tốt nghiệp

Ban Giám hiệu[sửa | sửa mã nguồn]

Hiệu trưởng:

  • PGS.TS Nguyễn Văn Khải

Các phó Hiệu trưởng

  • PGS.TS. Phạm Văn Linh
  • PGS.TS. Đinh Thị Thanh Mai
  • PGS.TS. Phạm Văn Mạnh


Hiệu Trưởng qua các thời kỳ[sửa | sửa mã nguồn]

  • TTƯT - PGS.TS. Nguyễn Đức Lung (1979-2000)
  • NGND - GS.TS. Nguyễn Hữu Chinh (2000-2006)
  • NGND - Viện sĩ - GS.TS. Phạm Văn Thức (2006-6/2018)
  • PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng (Phó hiệu trưởng phụ trách trường 6/2018-12/2018)
  • PGS.TS. Nguyễn Văn Khải (12/2018 - nay)

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Công khai chất lượng”.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]