Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2019/12

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 12 năm 2019
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Nữ hoàng băng giá (phim 2013)

Peter Del Vecho, nhà sản xuất; Jennifer Lee, biên kịch và đạo diễn; và Chris Buck, đạo diễn, tại buổi ra mắt phim ở Rạp El Capitan tại Hollywood, California.

Nữ hoàng băng giá là phim điện ảnh nhạc kịch kỳ ảo sử dụng công nghệ hoạt hình máy tính của Mỹ do Walt Disney Animation Studios sản xuất và Walt Disney Pictures phát hành vào năm 2013. Đây là bộ phim hoạt hình chiếu rạp thứ 53 trong series Walt Disney Animated Classics. Lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Bà chúa Tuyết của nhà văn Hans Christian Andersen, bộ phim kể câu chuyện về một nàng công chúa dũng cảm lên đường dấn thân vào một cuộc hành trình gian khó với một anh chàng miền núi cường tráng, dễ rung động nhưng ban đầu hơi thô lỗ, cùng chú tuần lộc trung thành của mình và một chàng người tuyết vui nhộn tình cờ gặp để đi tìm người chị gái đang phải sống một mình trên núi, một nữ hoàng sở hữu sức mạnh tạo ra băng giá đã vô tình khiến cả vương quốc chìm trong mùa đông vĩnh cửu.

Bộ phim phải trải qua một số lần xử lý cốt truyện trong nhiều năm, trước khi được đồng ý sản xuất vào năm 2011, với kịch bản của Jennifer Lee và hai đạo diễn là Chris Buck và Lee. Phim có sự tham gia lồng tiếng của các diễn viên Kristen Bell, Idina Menzel, Jonathan Groff, Josh GadSantino Fontana. Christophe Beck, người trước đây đã từng làm việc cho phim ngắn giành giải Oscar của Disney Paperman, được mời biên soạn nhạc nền cho bộ phim, còn bộ đôi hai vợ chồng người viết ca khúc Robert Lopez và Kristen Anderson-Lopez sáng tác các bài hát cho Nữ hoàng băng giá. [ Đọc tiếp ]

Thần thoại Hy Lạp

Tượng bán thân Zeus ở Otricoli, tỉnh Terni, Hy Lạp.

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo của họ. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là một phần của một tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos. Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của nó cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại.

Thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng trong tập hợp đồ sộ những truyện kể, và trong các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng Hy Lạp, chẳng hạn các tranh vẽ trên bình gốm và các đồ tế lễ. Thần thoại Hy Lạp cố gắng giải thích nguồn gốc của thế giới, và kể tỉ mỉ về cuộc đời và các cuộc phiêu lưu của một tập hợp đa dạng những vị thần, nữ thần, anh hùng và những sinh vật thần thoại. Những truyện kể này đầu tiên được truyền miệng bằng thơ ca; ngày nay các thần thoại Hy Lạp chủ yếu được biết thông qua văn học Hy Lạp. [ Đọc tiếp ]

Watchmen

Tác giả của loạt truyện, Alan Moore

Watchmen là một loạt truyện tranh gồm 12 tập do Alan Moore sáng tác nội dung, Dave Gibbons minh họa và John Higgins tô màu. Loạt truyện này được nhà xuất bản DC Comics phát hành lần đầu trong hai năm 19861987 rồi sau đó đã được tái bản nhiều lần dưới dạng truyện một tập. Watchmen có nội dung bắt nguồn từ một tác phẩm do Alan Moore đề nghị xuất bản với hãng DC Comics trong đó xuất hiện các nhân vật siêu anh hùng mà hãng này vừa mua lại bản quyền từ nhà xuất bản Charlton Comics. Do tác phẩm đề nghị của Moore có thể sẽ khiến nhiều nhân vật siêu anh hùng khó có thể được sử dụng trong các truyện tranh sau này, biên tập viên của DC là Dick Giordano đã thuyết phục nhà văn tạo ra những nhân vật siêu anh hùng hoàn toàn mới cho tác phẩm đề nghị của ông.

Moore sử dụng cốt truyện của Watchmen để phản ánh những mối lo âu đương thời của xã hội cũng như đưa ra phản đề về các nhân vật siêu anh hùng trong truyện tranh Mỹ. Watchmen lấy bối cảnh là xã hội Hoa Kỳ giai đoạn từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai tới những năm 1980 trong đó nhờ sự trợ giúp của các siêu anh hùng, nước Mỹ đã giành chiến thắng trong chiến tranh Việt NamRichard Nixon nhờ đó đã giữ vị trí Tổng thống Hoa Kỳ cho tới năm 1985. Nước Mỹ lúc này đang cận kề một cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô còn các hoạt động của các siêu anh hùng không phục vụ cho chính phủ thì đã bị đưa ra ngoài vòng pháp luật. [ Đọc tiếp ]

Phaolô Nguyễn Văn Bình

Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910–1995) là một giám mục Công giáo Việt Nam. Ông nguyên là Tổng giám mục Tiên khởi của Tổng giáo phận Sài Gòn từ năm 1960 đến khi qua đời năm 1995. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Hãy đi rao giảng".

Nguyễn Văn Bình sinh tại Sài Gòn, sau 10 năm theo con đường tu trì thì được gửi đi Roma du học. Sau quá trình dài 15 năm tu học, vào tháng 3 năm 1937 ông được thụ phong linh mục tại Roma. Trong thời kỳ linh mục, ông từng đảm trách vai trò giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, tuyên úy các sư huynh Sài Gòn, chánh xứ họ Cầu Đất và thực hiện tờ báo Tông Đồ.

Tháng 9 năm 1955, Phaolô Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa Địa phận Cần Thơ. Lễ tấn phong giám mục được tổ chức tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cuối tháng 11 cùng năm. Cùng với việc thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam vào tháng 11 năm 1960, Nguyễn Văn Bình được chọn làm Tổng giám mục tiên khởi Tổng giáo phận Sài Gòn (từ năm 1976 đổi thành Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh).

Từ năm 1964 đến khi thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980, Nguyễn Văn Bình đảm trách chức Chủ tịch Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Nguyễn Văn Bình đảm trách vai trò Phó Chủ tịch trong ba nhiệm kỳ liên tiếp, kéo dài từ năm 1980 đến năm 1989. Nhà nước Việt Nam truy tặng ông Huân chương Đại đoàn kết dân tộc "vì những cố gắng trong việc đưa Công giáo vào khối đại đoàn kết toàn dân". Tên ông cũng được đặt cho một con đường trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. [ Đọc tiếp ]