Ấu Lan

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ấu Lan
幼蘭
Tuyên Thống Đế sinh mẫu
Thông tin chung
SinhQuang Tự năm thứ 10 (1884)
Mất1921 (37 tuổi)
Tử Cấm Thành, Bắc Kinh
Phối ngẫuTái Phong
Hậu duệ
Tên đầy đủ
Qua Nhĩ Giai Ấu Lan (瓜尔佳幼蘭)
Tước hiệu[Thuần Thân vương phi;
醇親王妃]
Thân phụVinh Lộc
Thân mẫuÁi Tân Giác La thị

Ấu Lan (chữ Hán: 幼蘭; 1884 - 1921), Qua Nhĩ Giai thị, cũng gọi Thuần Thân vương phi (醇親王妃), là Phúc tấn của Nhiếp chính Thuần Thân vương Tái Phong, được biết đến là mẹ ruột của Thanh Tuyên Thống Đế Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc.

Bà là một trong hai sinh mẫu của Hoàng đế triều Thanh nhưng lại không được truy tôn Hoàng hậu, thậm chí tôn phong Hoàng thái hậu, bên cạnh Uyển Trinh. Đây là bởi vì con trai bà Phổ Nghi được đưa vào làm Hoàng đế, đã là danh nghĩa con trai của Đồng Trị ĐếQuang Tự Đế mà không còn liên hệ huyết thống với gia đình cũ nữa. Lúc này, Phổ Nghi chỉ có thể xem Hoàng hậu của Quang Tự Đế là Long Dụ Hoàng thái hậu là người mẹ chính thức.

Do đó, Ấu Lan cùng Uyển Trinh không được xem là Đế mẫu chính thức, vẫn chỉ là một Thân vương Phúc tấn, dù ai cũng biết cả hai bà đều là mẹ ruột của Hoàng đế.

Cuộc đời[sửa | sửa mã nguồn]

Thuần vương phi Ấu Lan xuất thân từ Qua Nhĩ Giai thị (瓜尔佳氏), Mãn Châu Chính bạch kỳ, là con gái của Đại học sĩ, Quân cơ đại thần Vinh Lộc - người trung thành (có họ hàng) với Từ Hi Thái hậu. Mẹ bà là Ái Tân Giác La thị, con gái Võ Anh điện Đại học sĩ Linh Quế (靈桂), là cháu 8 đời của Cung Thân vương Thường Ninh - con trai thứ 5 của Thanh Thế Tổ Thuận Trị Đế. Khi còn nhỏ, bà được Từ Hi Thái hậu nhận làm con gái nuôi.

Năm Quang Tự thứ 28 (1902), ngày 3 tháng 1, Từ Hi Thái hậu cùng Quang Tự Đế chạy đến Bảo Định. Tại đây Thái hậu ra chỉ ban hôn em trai của Quang Tự Đế là Tải Phong với Ấu Lan. Trước đó, Tải Phong được định hôn với con gái một nhà quý tộc đã hi sinh vào sự kiện liên quân tám nước đánh Bắc Kinh. Cuộc hôn nhân do mẹ đẻ Tải Phong là Lưu Giai thị chủ trì. Nhưng Từ Hi Thái hậu dùng quyền lực của mình hủy bỏ hôn nhân, bắt ép Tải Phong phải cưới Ấu Lan. Mẹ đẻ Tải Phong là Lưu Giai thị tức giận đến tinh thần không bình thường, song Tải Phong vẫn cắn răng chấp nhận. Mùa thu, tháng 9 cùng năm, hôn lễ cử hành, Ấu Lan trở thành Đích Phúc tấn.

Ấu Lan kết hôn với Tải Phong, nhưng hôn nhân thực sự không hạnh phúc vì Tải Phong rất ghét cha của bà. Bà sinh hạ hai con trai và ba con gái, trong đó con đầu là Phổ Nghi được Từ Hi Thái hậu chọn làm Hoàng đế khi mới 3 tuổi, do vậy Ấu Lan bị tách ra khỏi con bà. Bà tiếp xúc với con của mình rất ít, và giáo dục của con trai bà được thực hiện bởi các thái giám. Vai trò của người mẹ đã được thay thế bởi vú nuôi Vương Tiêu thị. Bà sống trong cung ở Bắc Kinh, Bắc Phủ (北府), cùng với chồng của bà. Khoảng sau năm 1911, chồng của bà lấy thêm người vợ lẽ, và có thêm vài người con.

Năm 1921, do sự kiện sa thải Phạm Nhất Mai, Phổ Nghi đối với Đoan Khang Thái phi xảy ra xung đột. Ấu Lan cùng mẹ chồng bị Thái phi triệu vào cung răn dạy. Do tính cách cường liệt, không chịu nổi đả kích, bà đã tự sát bằng cách nuốt thuốc phiện, năm ấy Ấu Lan 37 tuổi[1].

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

  • Thân phụ: Vinh Lộc, Qua Nhĩ Giai thị, làm đến Văn Hoa điện Đại học sĩ.
  • Thân mẫu: Ái Tân Giác La thị, con gái Võ Anh điện Đại học sĩ Linh Quế.
  1. Phổ Nghi (1906 - 1967), biểu tự Diệu Chi (耀之), hiệu Hạo Nhiên (浩然), sau cảnh tên Phổ Hạo Nhiên (溥浩然). Tuyên Thống Đế.
  2. Phổ Kiệt (1907 - 1994), biểu tự Tuấn Chi (俊之), cải tên Phổ Tuấn Chi (溥俊之).
  3. Uẩn Anh (韞媖; 1909 - 1925), lấy Nhuận Lương (潤良) - anh trai cùng mẹ của Hoàng hậu Uyển Dung.
  4. Uẩn Hòa (韞和; 1911 - 2001), đổi tên thành Kim Hân Như (金欣如), lấy Trịnh Quảng Nguyên (鄭廣元).
  5. Uẩn Dĩnh (韞穎; 1913 - 1992), tự Nhị Tú (蕊秀), đổi tên thành Kim Nhị Tú (金蕊秀), lấy Nhuận Kỳ (潤麒) - em trai khác mẹ của Hoàng hậu Uyển Dung.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “溥仪生母死亡真相:不堪凌辱吞鸦片自杀”. 枫网. 31 tháng 12 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2015.
  2. ^ a b 荣禄.瓜尔佳氏家传
  3. ^ a b c d e 《北京圖書館家譜叢刊·民族卷》第13冊:愛新覺羅宗譜(三) (bằng tiếng Trung). 北京圖書館出版社. 1998年. tr. 566–572. ISBN 9787501317844.