Cổng thông tin:Phật giáo/Pháp/Lưu trữ
Bố thí
Bố thí hành động hiến tặng vật chất, năng lực hoặc trí huệ cho người khác. Trong Phật giáo, được xem là hạnh quan trọng nhất trong Phật pháp. Bố thí là một trong sáu hạnh Ba-la-mật-đa, một trong Thập tùy niệm và là một đức hạnh quan trọng để nuôi dưỡng Công đức.
Trong Phật giáo Nguyên thủy, bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, vị kỉ và được thực hành để tránh khổ đau của đời sau. Theo Đại thừa, bố thí là biểu hiện của lòng từ bi và là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ. Hành động bố thí thức ăn cho các vị khất sĩ hiện nay vẫn còn phổ biến tại các nước theo Phật giáo Nam truyền. Phật tử tại các nước này cúng tặng tiền bạc và phẩm vật cho chùa chiền và tăng sĩ, ngược lại các vị tì-kheo "bố thí" Phật pháp, hướng dẫn tu học. Hành động này cũng được xem là để nuôi dưỡng phúc đức.
Tụng kinh
Tụng kinh là xướng đọc lên những lời giáo huấn của Phật thông qua các kinh điển do Phật tuyên thuyết. Tụng kinh là một trong những phương pháp tu tập, được thực hành rộng rãi ở mọi tông phái khác nhau của Phật giáo trong các thời lễ nhằm cầu an, cầu siêu cho người đã khuất hoặc sám hối những ác nghiệp mà Phật tử đã gây ra trong quá khứ hay đôi khi đơn giản là học thuộc lòng, quán xét kinh văn một cách thấu đáo. Tụng kinh được thực hiện bởi tứ chúng đệ tử bao gồm các những người đã xuất gia hoặc những người tu tại gia. Thông thường, người ta thường hay tụng kinh trước tôn tượng, hình ảnh của Phật, bồ-tát.
Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, người ta thường tụng đọc kinh điển bằng tiếng Pali hoặc bằng tiếng bản xứ. Theo truyền thống Đại thừa, việc tụng kinh thường đi kèm với việc sử dụng pháp khí như mõ, chuông, khánh nhằm tạo nên nhịp điệu cho thời kinh; thông thường, mỗi ngày thường có hai thời khóa tụng kinh là công phu sáng và công phu tối.
Tả kinh
Tả kinh là việc biên chép các văn bản Phật giáo đặc biệt là các kinh điển Đại thừa. Việc chép tay kinh Phật rất thịnh hành ở các nước Đông Á theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam ở thời kỳ trung đại. Tương truyền, tả kinh là một việc làm nuôi dưỡng công đức cho bản thân người chép nên nhiều Phật tử đã khởi sinh lòng tin và phát nguyện chép kinh nhằm cầu công đức.
Các hành giả Bắc tông chú trọng vào việc ghi chép kinh điển thành sách dù quan niệm thời bấy giờ là khẩu truyền có uy lực và thiêng liêng hơn. Họ ghi chép bằng tiếng Phạn trên các giấy lá bối hoặc các lá vàng mỏng. Khi Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào đời Tây Hán thì ngoài dịch kinh, biên chép kinh Phật cũng là một việc hết sức phổ biến. Ở thời kỳ này, kỹ thuật in ấn chưa phát triển nên việc biên chép kinh Phật được thực hiện chủ yếu bằng việc chép tay. Tả kinh góp phần lưu truyền, phổ biến rộng rãi lời dạy của chư Phật tới khắp chúng sinh. Đây là một hình thức của hạnh bố thí, góp phần tạo ra thiên nghiệp, nuôi dưỡng công đức cho người ấy. Do đó, nhiều Phật tử phát nguyện tả kinh nhằm tích lũy công đức cho bản thân.
Ăn chay
Ăn chay là việc thực hành kiêng ăn thịt và cũng có thể bao gồm kiêng các sản phẩm phụ của quá trình giết mổ động vật. Trong giới luật của Phật giáo, giới đầu là giới tránh sát sinh, hơn thế nữa phật tử còn thực hành tránh gây khổ đau cho chúng sinh, cho nên trên căn bản Phật giáo khuyến khích việc ăn chay nhưng cũng không cấm đoán ăn mặn.
Phật giáo Nam Tông thường không ăn chay. Tuy nhiên, những người xuất gia nếu nghe tiếng con vật bị giết, thấy con vật bị giết hoặc nghi con vật đó bị giết để thết đãi mình thì không được ăn, nếu ăn thì sẽ phạm vào giới luật. Mỗi tông phái của Phật giáo Đại thừa lại lựa chọn những kinh điển khác nhau để làm theo, cho nên một số tông phái, bao gồm cả phần lớn các tông phái của Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo Nhật Bản đều ăn thịt, trong khi nhiều tông phái khác của Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc thực hành ăn chay.
Ngồi thiền
Ngồi thiền là phương pháp tu tập trực tiếp để đưa đến Giác ngộ. Mới đầu ngồi thiền đòi hỏi thiền giả tập trung tâm trí lên một đối tượng, hay quán sát về một khái niệm trừu tượng. Sau đó ngồi thiền đòi hỏi thiền giả phải thoát ra sự vướng mắc của tư tưởng, ảnh tượng, khái niệm vì mục đích của ngồi thiền là tiến đến một tình trạng vô niệm, tỉnh giác, không dung chứa một nội dung nào. Sau một giai đoạn kiên trì trong vô niệm, hành giả sẽ bỗng nhiên trực ngộ thể tính của mình, đó là tính Không, cái "thể" của vạn vật.
Như Tổ Thiền Trung Quốc Bồ-đề-đạt-ma đã ngồi chín năm quay mặt vào vách tại chùa Thiếu Lâm, ngồi thiền là phép tu chủ yếu của Thiền và được mọi Thiền sư hành trì. Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền cho rằng ngồi thiền là "đường dẫn đến cửa giải thoát".
Niệm Phật
Niệm Phật là pháp môn tu tập trọng tâm của Tịnh độ tông, nhưng bản thân pháp môn cũng không bị giới hạn trong riêng tông phái này. Trong bối cảnh tu tập của Tịnh độ tông, niệm Phật thường được thể hiện dưới dạng lặp lại danh hiệu của Phật A-di-đà trong một nghi lễ, mặc dù trong một số bối cảnh, nó có thể đề cập tới một thực hành thiền định. Niệm Phật là bản dịch của buddhānusmṛti trong tiếng Phạn, có nghĩa là "hồi ức về Đức Phật".
Niệm Phật giống như một phương pháp thực hành thiền-hình dung hơn là việc trì tụng những lời nói mang đặc tính giải thoát như những gì mà Tịnh độ tông đã thực hành. Trong hầu hết các truyền thống Tịnh độ còn tồn tại, việc niệm danh hiệu Phật A-di-đà một cách chánh niệm được xem là một phương pháp giúp một người được tái sinh vào cõi Tịnh độ Cực lạc của Phật A-di-đà. Những người tu tập cho rằng, hành động này sẽ giúp loại bỏ những ác nghiệp có thể cản trở bước tiến tới Phật quả của một người. Cực lạc là nơi mà người ta có thể giác ngộ mà không phải bị phân tâm bởi những đau khổ trong cuộc sống của mình.
Bát chính đạo
Bát chính đạo là tám con đường dẫn đến sự giải thoát khỏi vòng luân hồi, bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Ở thời kì đầu của Phật giáo, những pháp thực hành này đã bắt đầu bằng việc hiểu rằng cơ thể - tâm trí làm việc theo cách bất thiện, tiếp theo là việc bước vào con đường Phật giáo bằng cách giữ gìn bản thân, kiểm soát bản thân, phát triển lòng từ và lòng trắc ẩn; và kết thúc bằng thiền định, là cái củng cố cho những pháp thực hành trên trong việc phát triển của cơ thể - tâm trí. Ở thời kì về sau của Phật giáo, trí tuệ đã trở thành một công cụ chính trong việc giải thoát, dẫn đến một khái niệm khác và cấu trúc khác của con đường, trong đó "mục đích" của con đường Phật giáo được định rõ hơn bằng việc chấm dứt vô minh và sự tái sinh.
Tính Không
Không là một khái niệm triết học Ấn Độ. Trong Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo, Phật giáo và các dòng triết học khác, khái niệm này có nhiều ý nghĩa tùy thuộc vào bối cảnh học thuyết của nó. Nó có thể là một đặc điểm bản thể của thực tế, một trạng thái thiền định hoặc một phân tích hiện tượng học về lịch duyệt.
Trong Phật giáo Nguyên thủy, suññatā thường đề cập đến bản chất vô ngã của ngũ uẩn và lục nhập, cũng thường được dùng để chỉ trạng thái hoặc trải nghiệm thiền định.
Trong Phật giáo Đại thừa, Không đề cập đến giáo lý rằng "tất cả mọi thứ đều trống rỗng về sự tồn tại nội tại và bản chất", nhưng cũng có thể đề cập đến giáo lý Phật tính và nhận thức nguyên sơ hoặc trống rỗng, như trong Đại cứu cánh, Tha tính không, hoặc Thiền.