Chủ đề Đường hoa Nguyễn Huệ thập niên 2020

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Từ năm 1960, Đường Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh có chợ hoa xuân vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, là nơi tập trung mua bán hoa tết cây cảnh. Nhà vườn tập kết hoa ở Bến Bạch Đằng sau đó phân bổ vào từng ô đã quy định sẵn trên đường này. Cho đến giữa thập niên 1990, đây vẫn là chợ hoa xuân chính của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên vào khoảng năm 2000, để lập lại trật tự an toàn giao thông, thành phố quyết định không tổ chức chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ và chuyển chợ hoa sang công viên 23 tháng 9. Năm 2004, thành phố khôi phục chợ hoa nhưng không còn chức năng mua bán mà thay vào đó con đường hoa được bày biện, sắp đặt công phu cho khách du xuân thưởng ngoạn. Cũng từ năm này, cứ đến dịp Tết Nguyên Đán, đường hoa Nguyễn Huệ lại được mở đón khách với từng chủ đề, ý tưởng khác nhau.[1]

Dưới đây là danh sách chủ đề Đường hoa Nguyễn Huệ dành cho khách đi bộ thưởng ngoạn mỗi dịp Tết Nguyên Đán qua từng năm (thập niên 2020).

Dòng thời gian[sửa | sửa mã nguồn]

Tết Canh Tý 2020: TPHCM - Vững tin tiến bước[sửa | sửa mã nguồn]

Đường hoa kéo dài từ ngày 22 tháng 1 năm 2020 (28 tháng Chạp) đến 28 tháng 1 năm 2020 (Mùng 4 Tết), Đường hoa tổng chiều dài 720 m với ba phân đoạn chính thể hiện:[2][3]

Phân đoạn I - Xuân của đất trời, Xuân của tình người. Đầu đường hoa là cảnh gia đình chuột múa hát bản hoà ca mùa xuân

Phân đoạn II - Thành phố phát triển, Bền vững niềm tin là một quần thể kết hợp những yếu tố liên quan đến môi trường sống, nền tảng hòa bình và những vấn đề xoay quanh bảo vệ môi trường

Đường hoa sẽ khép lại bằng đại cảnh cổng kết lấy ý tưởng của bông hoa chuyển động Kinetic (sử dụng nguyên lý chuyển đổi động năng thành điện năng). Bông hoa tượng trưng cho sự phát triển bền vững của TP.HCM, thành phố vững tin tiến bước đi lên.

Tết Tân Sửu 2021: TPHCM - Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù trong Đại dịch Covid-19 nhưng đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu vẫn mở cửa từ ngày 8-2 đến ngày 16-2-2021 (tức từ 27 tháng chạp âm lịch đến mùng 5 tết, kéo dài thêm 1 ngày) và được chia thành 2 chương, gồm Con đường hội tụ bản sắcCon đường hướng tới tương lai, với 13 phân cảnh lớn, nhỏ khác nhau, với nhiều hình ảnh trâu và cuộc sống ruộng đồng.[4] Đường hoa đã nhận được nhiều ý kiến khen ngợi của người dân và du khách về một đường hoa đẹp, ấn tượng, thông thoáng; cũng như lời khen ngợi về công tác phòng chống dịch Covid-19 và kéo dài thêm 1 ngày so với thường lệ, tuy đã thực hiện giãn cách triệt để và người tham quan phải đeo khẩu trang kể cả khi chụp ảnh.[5]

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên, Đường hoa được số hóa bao gồm dựng bản đồ 2D và quét 3D Đường hoa bằng Drone, video 360 toàn cảnh Đường hoa, Livestream 360˚ và Video VR Tour trải nghiệm Đường hoa.[6]

Tết Nhâm Dần 2022: Xuân quê hương, ấm tình nhân ái[sửa | sửa mã nguồn]

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 diễn ra từ 19h ngày 29 tháng 1 đến 17h ngày 5 tháng 2 năm 2022 (tức từ 27 tháng Chạp Âm lịch đến mùng 5 Tết, kéo dài thêm 1 ngày so với thường lệ) với tiêu chí an toàn và tiết kiệm.[7] Thời gian thi công bắt đầu từ ngày 13 tháng 1 (11 Tháng chạp) đến 12h ngày 29 tháng 1 (27 Tháng chạp).

Tết Quý Mão 2023: TPHCM - Xuân an vui, Xuân thịnh vượng[sửa | sửa mã nguồn]

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023 diễn ra từ 19h ngày 19 tháng 1 đến 21h ngày 28 tháng 1 năm 2023 (tức từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 7 Tết).[8]Chủ đề của đường hoa năm nay là "TP.HCM - Xuân an vui, Xuân thịnh vượng", 6 linh vật ở cổng Đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) có chiều cao 0,8 - 4,5m được tạo hình bằng xốp, sơn mỹ thuật bề mặt giả gốm đã hoàn thiện 90% và các thiết kế đều bám theo chủ đề này. Mây, tre là vật liệu chủ đạo trong trang trí đường hoa.[9] Khu Hoa lan năm nay với tên gọi "Nhịp sống Sài Gòn", rộng hơn 300 m2, nằm dưới 8 mái vòm khung sắt rộng 1,8 - 4 m, cao 2,55 - 5,5 m, đan xen nhau để tạo mái, phủ bóng. Lần đầu tiên đường hoa Nguyễn Huệ thiết kế cầu kính. Cầu dài 40 m, làm bằng sắt, gỗ và kính cường lực ba lớp cao 1,8 m, tính từ mặt đất.[10]

Trên diện tích hơn 240 m2 sau lưng cổng chào Đường hoa 2023, khách thưởng ngoạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng lại toàn bộ 20 linh vật đã từng xuất hiện tại vị trí cổng chào Đường hoa, có dịp chụp ảnh chung với hình ảnh đại diện con giáp của mình, và đặc biệt hơn là có thể so sánh hai tạo hình khác nhau của cùng một linh vật. Qua 20 năm, tổng cộng có 8 linh vật đã đến, đã đi và quay trở lại gồm các linh vật: Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu, Dần và Mão. Các linh vật tại đại cảnh “Vùng ký ức” được thể hiện ở mức tương đồng đến 80% so với nguyên bản năm xưa.[11]

Tết Giáp Thìn 2024: Xuân yêu thương, Tết sum vầy[sửa | sửa mã nguồn]

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 diễn ra từ 19h ngày 7 tháng 2 đến 21h ngày 14 tháng 2 năm 2024 (tức từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết)[12].Chủ đề của đường hoa năm nay là "Xuân yêu thương, Tết sum vầy". Ba phân đoạn Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 gồm: Nguồn cội quê hương, băng sông vượt biển và vươn mình hội nhập.[13][14] Tại khu cổng chào, hai linh vật Rồng: Lưỡng Long triều liên (đôi rồng chầu sen) với kích thước vòng đầu hơn 2m, năm đoạn thân uốn lượn dọc hai bên Đường hoa được thiết kế thân thiện với môi trường, với hơn 90% chất liệu được sử dụng trong công đoạn ốp tạo hình là mây tre và mành quạt nan. Hai linh vật rồng dài hơn 100m tại đại cảnh cổng chào (giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi) và một linh vật rồng tại cổng kết (giao lộ Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng) lập kỷ lục kích thước con giáp lớn nhất từng xuất hiện trên đường hoa Nguyễn Huệ.[13] Đặc biệt, năm nay linh vật rồng khổng lồ không chỉ là hình khối tĩnh như các năm trước, phần đầu rồng được thiết kế để cử động linh hoạt, đồng thời còn phát ra âm thanh như tiếng gầm[15].

Điểm mới của đường hoa năm nay là cây hoàng kim với 9 tác phẩm được các nghệ nhân thuộc Công ty Mai Vàng Rồng Việt chế tác. Các cây hoàng kim có chiều cao 1 - 3,6m với những cái tên mang theo lời chúc an lành trong năm mới như Mai Đại Phúc, Mai Rồng Việt, Đào Trường Xuân, Đào Phước Lộc, Bồ Đề Đại Cát... Đặc biệt, nhiều tác phẩm trên đường hoa năm nay sẽ được giữ lại. 3 linh vật rồng cùng 2 cây hoàng kim cao 30cm sẽ được ban tổ chức chuyển quyền sở hữu cho các doanh nghiệp, các cá nhân yêu thích và có nhu cầu sau khi đường hoa năm 2024 kết thúc. Toàn bộ số tiền thu được từ 3 linh vật rồng và 2 cây hoàng kim sẽ được trao tặng cho các quỹ từ thiện[16].

Năm nay, đường hoa Nguyễn Huệ ứng dụng công nghệ AR (Thực tế tăng cường) với chủ đề Rồng thăng hoa, thông qua app Seensio Go trên thiết bị di động. Công nghệ AR sẽ tạo hình ảnh rồng bay và các thuyền hoa xuân sặc sỡ, sinh động, giúp người chụp ảnh, quay video có thể tương tác lưu lại những hình ảnh độc lạ.[16]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Đường hoa Nguyễn Huệ, văn hóa Tết của Sài Gòn”. Báo điện tử VnExpress. 31 tháng 1 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  2. ^ “Đường hoa Nguyễn Huệ 2020 dự kiến xong từ 26 Tết”.
  3. ^ “Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Canh Tý 2020 sẽ thế nào”.
  4. ^ Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu tái hiện trâu và cuộc sống ruộng đồng, Tuổi Trẻ 12/01/2021
  5. ^ Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 mở cửa phục vụ người dân và du khách tham quan thêm 1 ngày, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, 15-02-2021
  6. ^ Số hóa Đường hoa Nguyễn Huệ 2021 mang lại những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo cho người dân, Lao Động Xã hội, 10/02/2021
  7. ^ Những điểm đặc biệt tại Đường hoa Nguyễn Huệ Tết năm 2022, Lao Động, 23/12/2021
  8. ^ “Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023 đạt gần 80% tiến độ thi công”.
  9. ^ “Linh vật mèo cho Đường hoa Nguyễn Huệ 2023 sẽ có nhiều sắc thái, biểu cảm”.
  10. ^ “Thiết kế đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023”.
  11. ^ “Ngắm nhìn phối cảnh đường hoa Nguyễn Huệ Tết năm 2023”.
  12. ^ “Linh vật rồng dài 100 m trên đường hoa Nguyễn Huệ dần hiện hình”.
  13. ^ a b “Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chủ đề "Xuân yêu thương, Tết sum vầy".
  14. ^ “Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 sẽ có cặp đôi linh vật rồng dài hơn 100m ngậm ngọc”.
  15. ^ “Diện mạo đường hoa Nguyễn Huệ trước ngày mở cửa”.
  16. ^ a b “Linh vật đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 sẽ được giữ lại”.