Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè | |
---|---|
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn chảy qua trước chùa Pháp Hoa, Quận 3 | |
Tên địa phương | Rạch Thị Nghè Rạch Nhiêu Lộc |
Vị trí | |
Quốc gia | Việt Nam |
Tỉnh | Thành phố Hồ Chí Minh |
Đặc điểm địa lý | |
Cửa sông | Sông Sài Gòn |
Độ dài | 9 km[1] |
Diện tích lưu vực | 33 km²[2] |
Đặc trưng lưu vực | |
Chi lưu | Rạch Xuyên Tâm |
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một tuyến kênh rạch chảy qua trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Kênh dài gần 9 km, bắt đầu từ cửa cống hộp tại điểm giao giữa hai con đường Lê Bình và Út Tịch thuộc quận Tân Bình, chảy qua các các quận: Tân Bình, Quận 3, Phú Nhuận, Quận 1, Bình Thạnh và đổ ra sông Sài Gòn tại vị trí xưởng đóng tàu Ba Son cũ.[3]
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một trong những tuyến đường thủy lâu đời nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong Gia Định thành thông chí, tác giả Trịnh Hoài Đức có ghi chép về rạch này với tên gọi sông Bình Trị như sau[4]:
Tục gọi là sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị về phía bắc trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu ngang, ngược dòng lên tây 4 dặm rưỡi đến cầu Cao Miên: chảy về tây bắc độ 2 dặm đến chợ Chiểu, chảy về nam độ 4 dặm đến Phú Nhuận, 6 dặm rưỡi đến cầu Huệ là cùng nguyên, nơi đây có những ao vũng tản mạn.
Trịnh Hoài Đức cũng cho biết: "Bà Nghè là con gái đầu của Khâm sai Chánh thống Vân Trường hầu, tên bà là Nguyễn Thị Khánh, có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai chiếm đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện đi lại, nên dân gọi tên là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè."[4]
Theo nhà văn Sơn Nam, rạch Thị Nghè xưa ăn thông lên đến Bàu Cát, khúc ngọn này có tên là rạch Nhiêu Lộc (ông Nhiêu học tên Lộc). Đây là nơi Nguyễn Ánh thường trú binh trước khi đánh Gia Định. Ông cũng cho biết, rạch Nhiêu Lộc trước có nhiều nhánh nhưng đã bị lấp.[5]
Rạch Thị Nghè (Bà Nghè) còn được mô tả trong Bài phú cổ Gia Định như sau[6]:
Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải
Ngó lên giồng Ông Tố , cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai.
Đến thời Pháp thuộc, rạch Thị Nghè được gọi là Arroyo de l'Avalanche.[7] Avalanche vốn là tên con tàu của quân Pháp đi theo rạch Thị Nghè tiến vào thám thính thành Gia Định vào ngày 16 tháng 2 năm 1859.[8]
Từ giữa thập niên 60, do không được quản lý chặt chẽ nên rạch Thị Nghè, cùng với rạch Bến Nghé – Tàu Hủ, bắt đầu bị nhà dân lấn chiếm và xả rác thải nên dần bị ô nhiễm nặng.[9]
Dự án cải tạo
[sửa | sửa mã nguồn]Trong giai đoạn 1993–1998, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu cho chỉnh trang tuyến kênh bằng việc giải tỏa hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh và làm hai tuyến đường song song chạy dọc kênh.[10] Đến năm 2002, thành phố bắt đầu triển khai dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè.[11] Dự án gồm các hạng mục: nạo vét bùn dưới dòng kênh, lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải, lắp đặt khoảng 70 km cống thoát nước trên nhiều tuyến đường.[12] Tổng vốn đầu tư là 316,79 triệu USD, trong đó có 293,94 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, phần còn lại là vốn đối ứng của Thành phố Hồ Chí Minh.[13] Sau 10 năm thi công, công trình được khánh thành vào ngày 18 tháng 8 năm 2012.[12][14]
Giao thông
[sửa | sửa mã nguồn]Đường bộ
[sửa | sửa mã nguồn]Hiện nay, hai con đường chạy dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được đặt theo tên hai quần đảo trên Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền: đường Trường Sa bên tả ngạn dài 8,3 km và đường Hoàng Sa bên hữu ngạn dài 7,4 km.[15] Hai con đường này được bắt đầu được nâng cấp mở rộng vào ngày 2 tháng 2 năm 2012[16] và khánh thành sau đó 6 tháng, đồng thời với công trình cải tạo tuyến kênh.[12] Sau đó, trong giai đoạn 2013–2015, thành phố cũng cho xây mới 3 cầu bắc qua tuyến kênh là cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu và cầu Bông,[17] cũng như xây dựng hai hầm chui dưới dạ cầu Điện Biên Phủ[18] để kết nối thông suốt hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa.
Đường thủy
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 1 tháng 9 năm 2015, thành phố phối hợp với Công ty Thuyền Sài Gòn khai trương tuyến du lịch bằng thuyền đưa du khách tham quan trên kênh. Tuyến này gồm có hai bến trên đường Hoàng Sa tại gần cầu Thị Nghè (Quận 1) và gần cầu Lê Văn Sỹ (Quận 3).[19]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Lê Toàn, Lê Quân (21 tháng 8 năm 2022). “Ngắm dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xanh mát sau 10 năm cải tạo”. Báo Đầu tư điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ Tự Trung (27 tháng 11 năm 2003). “TP.HCM: khởi công xây dựng tuyến cống bao kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ Hữu Công, Đình Văn (29 tháng 4 năm 2021). “Những dòng kênh 'chết' được hồi sinh”. Báo điện tử VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ a b Trịnh Hoài Đức (1972). Gia Định thành thông chí (Tập thượng – Quyển I và II). Nha Văn hóa – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa. tr. 40.
- ^ Sơn Nam (1997). Bến Nghé xưa. Nhà xuất bản Trẻ. tr. 170. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ Minh Phong (6 tháng 2 năm 2012). “Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài 1: Ký ức một dòng kênh”. Báo điện tử Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ Trần Hữu Quang (2012). Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 14. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ TruongUy (1 tháng 9 năm 2011). “Đường Thiên Lý giữa Sài Gòn - Kỳ 2: Thị Nghè kháng chiến”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ Chung Hai (5 tháng 4 năm 2016). “Quy hoạch Sài Gòn trước 1975 như thế nào?”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2020.
- ^ “Khánh thành dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Báo điện tử Kinh tế & Đô thị. 19 tháng 8 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ Q.Hiền (1 tháng 3 năm 2002). “Khởi động dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Báo Người Lao Động điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ a b c Ngọc Ẩn, Mậu Trường (18 tháng 8 năm 2012). “Khánh thành công trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ Quốc Hùng, Lương Thiện (30 tháng 7 năm 2012). “Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dần hồi sinh”. Báo Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ Hữu Công (19 tháng 8 năm 2012). “Khánh thành công trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Báo điện tử VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ “Những công trình làm thay đổi diện mạo TP.HCM”. Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. 25 tháng 4 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ N.ẨN (2 tháng 2 năm 2012). “Mở rộng toàn tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2020.
- ^ N.ẨN (12 tháng 3 năm 2013). “887 tỉ đồng xây 4 cầu mới ở TP.HCM”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ G.Minh (22 tháng 6 năm 2015). “Xuất hiện nhiều vết nứt dưới hầm chui cầu Điện Biên Phủ”. Báo Người Lao Động điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.
- ^ Phạm Hữu, Vũ Phượng (1 tháng 9 năm 2015). “Người Sài Gòn có thể ngồi thuyền Phụng du ngoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2022.