Triệu (nước)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Triệu
403 TCN–222 TCN
Năm 260 TCN
Năm 260 TCN
Vị thếHầu quốc, sau là Vương quốc
Thủ đôTấn Dương (晋阳; nay là Thái Nguyên, Sơn Tây)
Trung Mưu (中牟; nay là Hạc Bích, Hà Nam)
Hàm Đan (邯郸; nay là Hàm Đan, Hà Bắc)
Tôn giáo chính
Tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên[1]
Chính trị
Chính phủQuân chủ
Vương 
Lịch sử 
• Chia tách Tấn
403 TCN
• Bị Tần diệt
222 TCN
Kinh tế
Đơn vị tiền tệTiền Trung Quốc
Tiền thân
Kế tục
Tấn (nước)
Nhà Tần

Triệu (Phồn thể: 趙國, Giản thể: 赵国) là một quốc gia chư hầu có chủ quyền trong thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Triệu là nước có vai trò đáng kể trong giai đoạn này, cùng với 6 quốc gia hùng mạnh khác lập ra cục diện Chiến quốc thất hùng. Lãnh thổ Triệu quốc tương ứng với khu vực ngày nay thuộc Nội Mông Cổ, phía nam Hà Bắc.

Vào đầu thời kỳ Chiến Quốc, nước Triệu không phải là một quốc gia mạnh, nhưng đã gia tăng sức mạnh đáng kể trong thời kỳ trị vì của Triệu Vũ Linh vương. Vào cuối thời kỳ Chiến Quốc, Triệu là nước chủ chốt trong việc chống lại cường quốc ở phía Tây khi đó là Tần. Nhưng sau trận Trường Bình, nước Triệu trở nên suy yếu, sau này chỉ có thể nhờ vào liên minh hợp tung để chống lại sự tiến quân của Tần, nhưng cũng chỉ duy trì được thêm mấy chục năm rồi bị Tần tiêu diệt.

Khởi nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Theo truyền thuyết, thủy tổ các đời quân chủ nước Triệu là Bá Ích, từng làm quan ở nước Ngu, được phong ấp Doanh ăn lộc, từ đó hậu duệ Bá Ích lấy họ Doanh.

Đến cuối đời nhà Thương, hậu duệ Bá Ích là Phi Liêm cùng với con trai trưởng là Ác Lai (zh) phò tá Thương Trụ chống lại Chu Vũ vương nên đều bị giết. Con cháu Phi Liêm ly tán, phân thành 2 dòng chính. Nhánh hậu duệ của Ác Lai lưu lạc đến Khuyển Khâu (犬丘), đến đời Phi Tử thì được nhà Chu phong cho ấp Tần làm phụ dung, hình thành thủy tổ nước Tần.

Người con thứ của Phi Liêm là Quý Thắng di chuyển đến Hoàng Hà định cư, con Quý Thắng là Mạnh Tăng (zh) hiệu Trạch Cao Lang sống vào thời Chu Thành vương. Mạnh Tăng sinh Hành Phụ (zh), Hành Phụ sinh Tạo Phụ (zh). Tạo Phụ do lập không ít công trạng nên được Chu Mục vương phong làm đại phu, lấy Triệu Thành làm thực ấp, từ đó mang họ Triệu, hình thành thủy tổ nước Triệu. Như vậy, quân chủ nước Tần và nước Triệu vốn đều thuộc cùng 1 dòng họ.

Hậu duệ 6 đời Tạo Phụ là Yêm Phụ (zh) có danh hiệu là Công Trọng sống vào thời Chu Tuyên vương, Yêm Phụ sinh Thúc Đái (zh).

Nổi lên[sửa | sửa mã nguồn]

Giản đồ các nước thời Chiến Quốc[2]

Thời kỳ Tấn Văn hầu, Thúc Đái di cư tới nước Tấn. Cháu 5 đời của Thúc Đái là Triệu Túc lập công lớn được Tấn Hiến Công thưởng cho đất Cảnh, Triệu Túc sinh Cộng Mạnh (zh), Cộng Mạnh sinh Triệu Thôi.

Năm 656 TCN, Triệu Thôi từng theo công tử Trùng Nhĩ lưu vong ra khỏi Tấn. Sau này Trùng Nhĩ trở thành Tấn Văn công của Tấn thì Triệu Thôi trở thành trọng thần. Con cháu Triệu Thuẫn các đời đều nắm trọng quyền, dần phát triển thế lực của gia tộc họ Triệu thành một trong Lục khanh. Thời Tấn Cảnh công, họ Triệu suýt bị diệt tộc nhưng may mắn đã được phục hồi địa vị.

Tới thời Tấn Xuất công thì quyền lực thực tế nằm trong tay các trọng thần như Trí Bá, Triệu Tương tử, Hàn Khang tửNgụy Hoàn tử. Sử gọi là Tứ khanh. Năm 456 TCN, Tứ khanh đuổi Tấn Xuất công đi để lập Cơ Kiêu, tức Tấn Ai công.

Năm 454 TCN, Trí Bá hợp cùng hai nhà Hàn, Ngụy tấn công Tấn Dương (nay ở phía nam quận Tấn Nguyên, địa cấp thị Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Triệu Tương tử giữ vững thành trì. Sau đó liên hợp với chính hai nhà Hàn, Ngụy diệt Trí Bá.

Năm 453 TCN, ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy chia nhau vùng đất của họ Trí.

Năm 437 TCN, Tấn Ai công chết. Con là Liễu (Tấn U công) kế nghiệp. Nước Tấn khi đó thực chất đã bị phân chia giữa 3 thế gia là Hàn, Triệu và Ngụy. U công không có quyền lực gì đối với 3 nhà này.

Năm 403 TCN, vua Chu Uy Liệt vương phải chính thức công nhận sự tồn tại của nước Triệu cùng với Hàn, Ngụy bên cạnh nước Tấn như là các nước chư hầu của nhà Chu, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ Chiến Quốc.

Năm 376 TCN, Triệu cùng Ngụy và Hàn lấy nốt phần đất còn lại của Tấn, đày Tấn Tĩnh công ra Đồn Lưu, chính thức diệt Tấn và chia hết đất đai. Do ba nước hình thành từ nước Tấn nên sử vẫn gọi chung Triệu, Hàn, Ngụy là Tam Tấn.

Lãnh thổ[sửa | sửa mã nguồn]

Lãnh thổ của nước Triệu bao gồm các khu vực ngày nay thuộc Nội Mông Cổ, nam Hà Bắc, trung Sơn Tây và đông bắc Thiểm Tây.

Nước Triệu có biên giới với các bộ lạc Hung Nô (như Lâm Hồ, Lâu Phiền, Đông Hồ) ở phía bắc, các nước như Tần ở phía tây, Ngụy ở phía nam, Yên ở đông bắc, Tề ở phía đông. Cận kề còn có tiểu quốc Trung Sơn.

Kinh đô của nước Triệu đặt tại Hàm Đan (邯郸), ngày nay thuộc vùng ven đô của thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc.

Phát triển[sửa | sửa mã nguồn]

Ban đầu Triệu là nước yếu nhất trong Chiến quốc thất hùng. Nước này không có các ưu thế về địa lý như Tần, sức mạnh quân sự như Ngụy, lãnh thổ rộng lớn như Sở, sự giàu có và thịnh vượng như Tề. Bị những kẻ thù hùng mạnh bao quanh từ mọi hướng, nước Triệu phải chiến đấu cực kỳ gian khổ vì sự sinh tồn của mình. Nước này vẫn là yếu nhất cho tới khi các cuộc cải cách của Triệu Vũ Linh vương (326 TCN-298 TCN) thành công.

Trong thời kỳ trị vì của Vũ Linh vương, vương quốc này đã có cải cách quân sự. Sử gọi là "hồ phục kị xa". Binh sĩ Triệu được lệnh ăn mặc giống như các láng giềng Hung Nô và thay thế các cỗ chiến xa bằng các cung thủ kị binh. Điều này là cải cách tuyệt vời, phối hợp giữa công nghệ tiên tiến của các quốc gia Trung Hoa và chiến thuật của các bộ lạc du mục, kị binh của nước Triệu trở thành một lực lượng đáng kể phải tính tới.

Triệu thể hiện sức mạnh quân sự của mình bằng cách chiếm nước nhỏ Trung Sơn năm 295 TCN sau một cuộc chiến tranh kéo dài, và sáp nhập thêm lãnh thổ từ các nước lân cận như Ngụy, Yên và Tần. Kị binh của Triệu đôi khi cũng xâm nhập vào Tề trong các chiến dịch chống lại Sở.

Một số tướng lĩnh quân sự có danh tiếng của Triệu cũng nổi lên trong thời kỳ này, như Liêm Pha, Triệu XaLý Mục. Liêm Pha là tướng trấn giữ phòng chống nước Tần. Triệu Xa (趙奢) chủ yếu ở phía đông; một vài lần đã xâm lăng vào Yên. Lý Mục ở phía bắc phòng chống các bộ lạc du mục.

Suy vong[sửa | sửa mã nguồn]

Vào cuối thời kỳ Chiến Quốc, Triệu là nước chủ chốt trong việc chống lại nước Tần đang nổi lên ở phía Tây.

Triệu liên minh với Ngụy bắt đầu năm 287 TCN để hợp sức chống Tần, nhưng kết thúc bằng thất bại tại Hoa Dương năm 273 TCN. Cuộc tranh đấu lên tới đỉnh điểm trong trận chiến đẫm máu nhất của thời kỳ này là trận Trường Bình năm 260 TCN. Quân đội Triệu gồm 45 vạn người do Triệu Quát chỉ huy đã bị quân đội Tần do Bạch Khởi chỉ huy tiêu diệt gần như hoàn toàn. Mặc dù quân đội Ngụy đã cứu được Hàm Đan thoát khỏi cuộc vây hãm có thể xảy ra sau đó của đội quân Tần đang đà chiến thắng, nhưng Triệu không bao giờ có thể phục hồi lại được sức mạnh như trước đó.

Năm 229 TCN, cuộc xâm lăng của quân Tần do tướng Vương Tiễn đã bị quân đội Triệu do Lý MụcTư Mã Thượng (司馬尚) chỉ huy kìm chân tại chỗ tới tận năm 228 TCN. Theo ghi chép của một số nguồn thì sau đó Tần sử dụng kế phản gián nên Triệu U Mục vương đã nghi ngờ và ra lệnh xử tử Lý Mục, bãi nhiệm Tư Mã Thượng. Năm 228 TCN, quân Tần tiến vào Hàm Đan, bắt sống U Mục vương và chiếm nước Triệu. Công tử Gia, anh cùng cha khác mẹ của U Mục vương, đã chạy tới Đại Thành tự xưng vương và chỉ huy các lực lượng còn lại của Triệu chống Tần. Chính quyền này kéo dài tới năm 222 TCN thì quân Tần bắt được Đại vương Gia và xóa sổ nước Triệu.

Hơn 10 năm sau, các chư hầu nổi dậy chống nhà Tần, một người dòng dõi nước Triệu là Triệu Yết được lập làm Triệu vương để khôi phục nước Triệu, nhưng cuối cùng bị Hán vương Lưu Bang thôn tính vào năm 204 TCN.

Các vị quân chủ[sửa | sửa mã nguồn]


Từ thời Xuân Thu, dòng họ Triệu phục vụ cho nước Tấn đã được ban tước tử. Từ khi được Chu Uy Liệt Vương phong chư hầu thì thăng lên tước hầu, đến đời thứ 6 thì xưng vương.

Thủ lĩnh họ Triệu[sửa | sửa mã nguồn]

Quân chủ nước Triệu[sửa | sửa mã nguồn]

Tước hiệu Họ tên Số năm trị vì Thời gian
Triệu Liệt hầu Triệu Tịch 9 408 TCN-400 TCN
Triệu Vũ hầu 13 399 TCN-387 TCN
Triệu Kính hầu Triệu Chương 12 386 TCN-375 TCN
Triệu Thành hầu Triệu Chủng 25 374 TCN-350 TCN
Triệu Túc hầu Triệu Ngữ 24 349 TCN-326 TCN
Triệu Vũ Linh vương Triệu Ung 27 325 TCN-299 TCN
Triệu Huệ Văn vương Triệu Hà 33 298 TCN-266 TCN
Triệu Hiếu Thành vương Triệu Đan 21 265 TCN-245 TCN
Triệu Điệu Tương vương Triệu Yển 9 244 TCN-236 TCN
Triệu U Mục vương Triệu Thiên 8 235 TCN-228 TCN
Đại vương Gia Triệu Gia 6 227 TCN-222 TCN

Phả hệ[sửa | sửa mã nguồn]


Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Huang Kejian 2010 p.185. From Destiny to Dao: A Survey of Pre-Qin Philosophy in China. https://books.google.com/books?id=bATIDgAAQBAJ&pg=PA185
  2. ^ ”MDBG”, Sökord: 战国策