Tuyến số 2A (Đường sắt đô thị Hà Nội)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tuyến số 2A: Cát Linh – Hà Đông
T2A
Tuyến 2A đoạn qua hồ Hoàng Cầu
Thông tin chung
KiểuTàu điện ngầm
Đường sắt trên cao
Đường sắt đô thị
Hệ thống Đường sắt đô thị Hà Nội
Tình trạngĐang hoạt động
Ga đầuGa Cát Linh
(Đống Đa, Hà Nội)
Ga cuốiGa Yên Nghĩa
(Hà Đông, Hà Nội)
Nhà ga12
Số lượt khách28,500 lượt khách/giờ/hướng (ước tính)
Số tuyến 2A 
Địa chỉ webTuyến đường sắt 2A
Hoạt động
Hoạt động6 tháng 11 năm 2021
(2 năm, 5 tháng và 3 tuần)
Sở hữuĐường sắt Việt Nam
Điều hànhCông ty Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro Company)
Trạm bảo trìPhú Lương
Thế hệ tàu13 đoàn tàu 4 toa (52 toa)
dài 79 m, cao 3.8 m, rộng 2.8 m
Thông tin kỹ thuật
Chiều dài tuyến13,05 km (8,11 mi)
Khổ đường sắt1.435 mm (4 ft 8 12 in) Khổ tiêu chuẩn
Điện khí hóaRay thứ ba
Tốc độVận tốc tối đa: 80 km/h (50 mph)
Vận tốc khai thác: 35 km/h (22 mph)
Bản đồ hành trình

Left arrow Nhổn – Ga Hà Nội Right arrow T3
T2A-C01 Cát Linh
Đường Vành đai 1
T2A-C02 La Thành
Hồ Đống Đa
T2A-C03 Thái Hà
Đường Vành đai 2
T2A-C04 Láng
Sông Tô Lịch
Left arrow Hoàng Quốc Việt – Trần Hưng Đạo Up arrow T2
T2A-C05 Thượng Đình
T2A-C06 Vành đai 3
Left arrow Mai Dịch – Dương Xá Right arrow T8
Đường Vành đai 3
T2A-C07 Phùng Khoang
T2A-C08 Văn Quán
Sông Nhuệ
T2A-C09 Hà Đông
T2A-C10 La Khê  BRT01 
T2A-C11 Văn Khê  BRT01 
Đường sắt Bắc Hồng – Văn Điển
Depot Phú Lương
T2A-C12 Yên Nghĩa  BRT01 
Down arrow Xuân Mai

Tuyến số 2A: Cát Linh – Hà Đông là một tuyến đường sắt đô thị thuộc hệ thống mạng lưới Đường sắt đô thị Hà Nội, được đầu tư xây dựng bởi Bộ Giao thông Vận tải và vốn vay ODA của Trung Quốc ký năm 2008.[1] Được khởi công xây dựng từ tháng 10 năm 2011, toàn tuyến có tổng chiều dài là 13,05 km với 12 ga trên cao, với hướng tuyến từ ga Cát Linh ở quận Đống Đa và kết thúc ở ga Yên Nghĩa ở quận Hà Đông.[2] Ngoài thiết kế ban đầu, Bộ Giao thông Vận tải còn có dự định kéo dài tuyến thêm 20 km từ ga Yên Nghĩa tới Xuân Mai trong tương lai.[3]

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 8.770 tỷ đồng.[4] Sau nhiều lần điều chỉnh và đội vốn do chậm trễ tiến độ, dự án có tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (22.521 tỷ VND), trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (hơn 15.579 tỷ VND).[5][6] Do trong quá trình thi công và thử nghiệm còn gặp nhiều rào cản, dự án đã có 8 lần thay đổi tiến độ hoàn thành và khai thác thương mại. Dự kiến bắt đầu khai thác từ 2015, tuy nhiên vì những vấn đề về chậm giải phóng mặt bằng của chính quyền Hà Nội, tính hợp tác với nhà thầu là Tập đoàn Xây dựng đường sắt số 6 Trung Quốc, và tính bất cập trong công tác nghiệm thu (xây dựng theo công nghệ Trung Quốc nhưng Hà Nội lại muốn nghiệm thu theo công nghệ Châu Âu) nên đến tháng 11/2021 tuyến đường sắt này mới chính thức bắt đầu khai thác thương mại.

Ngày 29 tháng 10 năm 2021, 9 thành viên Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã chấp thuận đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện, đưa công trình đường sắt đô thị tuyến 2A vào khai thác giai đoạn đầu.[7] Vào lúc 7 giờ ngày 6 tháng 11 năm 2021, tuyến 2A chính thức bắt đầu khai thác thương mại sáng cùng ngày và sẽ được miễn phí 15 ngày đầu tàu chạy.[8][9]

Nhà ga[sửa | sửa mã nguồn]

Số Tên ga Tuyến trung chuyển Khoảng cách Tổng khoảng cách Khu vực
Tiếng Việt Tiếng Anh Quận Phường
T2AC01 Cát Linh Cat Linh T3 Tuyến số 3 0.0 0.0 Đống Đa Cát Linh
T2AC02 La Thành La Thanh Buýt nhanh 23, 25, 28, 30, 49, 50, 99 0.9 0.9 Ô Chợ Dừa
T2AC03 Thái Hà Thai Ha 0.9 1.8 Trung Liệt
T2AC04 Láng Lang Buýt nhanh9B, 16, 24, 27 1.0 2.8 Thịnh Quang
T2AC05 Thượng Đình Thuong Dinh T2 Tuyến số 2 1.2 4.0 Thanh Xuân Thượng Đình
T2AC06 Vành đai 3 Vanh dai 3 Buýt nhanh1, 2, 5, 19, 21, 22B/C, 27, 29, 39, 60, 105, 161 (CNG5) 1.0 5.0 Thanh Xuân Trung
T2AC07 Phùng Khoang Phung Khoang 1.4 6.4 Hà Đông Mộ Lao
T2AC08 Văn Quán Van Quan 1.1 7.5 Văn Quán
T2AC09 Hà Đông Ha Dong 1.3 8.8 Quang Trung
T2AC10 La Khê La Khe Buýt nhanh BRT 1.1 9.9 Phú La
T2AC11 Văn Khê Van Khe Tuyến Bắc Hồng – Văn Điển
Buýt nhanh BRT
1.4 11.3 La Khê
T2AC12 Yên Nghĩa Yen Nghia Buýt nhanh BRT 1.0 12.3 Yên Nghĩa

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Phát triển[sửa | sửa mã nguồn]

Ý tưởng thực hiện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông xuất hiện từ năm 2003, khi Hà Đông vẫn còn là trung tâm của tỉnh Hà Tây và là thành phố gần Hà Nội nhất, và hướng đi Hà Đông lại khó mở rộng do vướng các công trình hai bên đường Nguyễn Trãi. Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được kỳ vọng là cầu nối liên kết vùng, để giải quyết áp lực giao thông và áp lực dân số của hai thành phố.[6] Tháng 10 năm 2004, Văn phòng Chính phủ phê duyệt thoả thuận hợp tác xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội – Hà Đông giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn Xây dựng đường sắt số 6 Trung Quốc.[10]

Tháng 7 năm 2008, Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, trong đó có tuyến đường sắt đô thị Hà Nội – Hà Đông.[11] Tháng 12 cùng năm, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận kế hoạch đấu thầu dự án Cát Linh – Hà Đông mà Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị.[12]

Thi công[sửa | sửa mã nguồn]

Quá trình thi công

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 10 năm 2011, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD (8.770 tỷ VND), trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ RMB (169 triệu USD), vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng.[13] Tuy nhiên, những hạng mục đầu tiên của dự án tại hồ Đống Đa và đường Hoàng Cầu đã được tổ chức thi công trước từ tháng 4 năm 2010 nhằm đồng bộ với hạng mục kè hồ, cải tạo thoát nước của thành phố.[14] Dự án dự kiến được hoàn tất vào tháng 6 năm 2014 và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6 năm 2015.[14] Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai được khởi công, sau khi Tuyến số 3 vừa được khởi công trước đó vào tháng 9 năm 2010.[14] Năm 2014, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội trình điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư của tuyến đường tăng lên 868,04 triệu USD (18.001,6 tỷ VND) do thay đổi, điều chỉnh, bổ sung phát sinh so với thiết kế cơ sở, biến động giá nguyên, vật liệu, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và giải phóng mặt bằng kéo dài nên phía tổng thầu Trung Quốc đề nghị điều chỉnh kinh phí.[15]

Tháng 11 năm 2014, một tai nạn thi công trên đường Nguyễn Trãi đã khiên dự án phải đẩy lùi thời gian vận hành thương mại xuống cuối tháng 12 năm 2015.[16][17] Tháng 12 cùng năm, một dàn giáo tại công trường ga Văn Quán bị sập khiến một taxi bị mắc kẹt, Bộ Giao thông Vận tải đình chỉ thi công dự án trong 1 tháng và yêu cầu rà soát các hạng mục về phương án tổ chức thi công.[18][19] Tháng 7 năm 2015, tiến độ các gói thầu đều chậm và chưa đáp ứng được tiến độ, dự án tiếp tục đẩy lùi thời gian vận hành thưong mại xuống tháng 6 năm 2016.[20] Tới tháng 10 cùng năm, thanh tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố hàng loạt vi phạm trong hợp đồng lao động và an toàn lao động của Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các kiến nghị của Thanh tra và báo cá sau thời gian tối đa 45 ngày.[21] Tháng 9 năm 2016, với lý do biến động giá và chờ Bộ Tài chính thẩm định nên thời gian vận hành đoàn tàu bị lùi sang tháng 10 năm 2017.[22] Tuy nhiên tới tháng 9 năm 2017, do thiếu vốn và China Eximbank vẫn chưa được giải ngân vốn đầy đủ nên tiến độ thi công dự án vẫn đang bị chậm. Nhiều hạng mục như khu depot, nhà điều hành, nhà xưởng đều chưa xong các hạng mục cơ bản, một số nhà ga chưa xong phần xây dựng.[23] Tháng 4 năm 2018, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án được vận hành thử nghiệm vào tháng 9 năm 2018 và khai thác thương mại vào cuối năm 2018.[24][25]

Dự án được đóng điện lưới quốc gia từ đầu tháng 7 năm 2018 nhằm phục vụ mục đích chạy thử nghiệm.[26] Tới ngày 20 tháng 9 năm 2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn toàn tuyến từ ga Yên Nghĩa đến ga Cát Linh và ngược lại, với thời gian chạy thử dự kiến kéo dài từ 3 đến 6 tháng.[27] Ngày khai thác thương mại bị đẩy lùi sang trước tháng 2 năm 2019 (Tết Kỷ Hợi) do còn một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các hạng mục cũng như toàn bộ dự án. Các vướng mắc này do quy định khác nhau giữa hai nước.[25] Tuy vậy, đến cuối tháng 1 năm 2019, dự án vẫn chưa được nghiệm thu xong và vẫn chưa có chứng nhận an toàn hệ thống. Thàng 2 năm 2019, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4 năm 2019.[28] Tuy nhiên đến cuối tháng 4 năm 2019, tuyến đường sắt vẫn chưa thể đi vào hoạt động do còn thiếu sót các hồ sơ kèm theo các hạng mục của dự án.[29]

Nghiệm thu[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu năm 2020, Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) thông báo dự án đang được nghiệm thu các hạng mục xây dựng, thiết bị.[30] Bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tháng 6/2020, dự án tiếp tục gặp khó khăn khi tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán toàn bộ số tiền 50 triệu USD trước khi bàn giao cho phía Việt Nam. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, việc thanh toán phải tuân theo quy định hợp đồng EPC. Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các điều khoản hợp đồng và thống nhất các công việc thực hiện để sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc.[31]

Từ ngày 12 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, Tổng thầu EPC thực hiện việc chạy thử toàn tuyến trong 20 ngày liên tục. Toàn tuyến đã vận hành hơn 5.700 chuyến tàu an toàn với tổng số trên 70.000 km dưới sự giám sát của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn độc lập ACT của Pháp, các cơ quan chức năng và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước để kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu vận hành phục vụ công tác đánh giá an toàn, nghiệm thu kỹ thuật.[32] Ngày 31 tháng 3 năm 2021, bắt đầu kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài sản để bàn giao cho thành phố Hà Nội tiếp quản điều hành, thời gian dự kiến từ 3-4 tuần.[33] Tuy nhiên, thời gian khai thác thương mại chính thức vẫn chưa được công bố.[6]

Ngày 29 tháng 10 năm 2021, tại cuộc họp của Hội đồng kiểm tra Nhà nước, tất cả 9 thành viên của hội đồng đều chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện của Bộ Giao thông Vận tải để đưa Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) vào khai thác giai đoạn đầu.[7] Ngày 6 tháng 11 năm 2021, Tuyến số 2A chính thức trở thành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào khai thác thương mại.

Thiết kế[sửa | sửa mã nguồn]

Hướng tuyến[sửa | sửa mã nguồn]

Tuyến số 2A chạy dọc đường Trần Phú.
Khu vực Ga Phùng Khoang vào giờ cao điểm.

Ga Cát Linh - điểm đầu của tuyến được đặt tại nút giao giữa phố Cát Linh và đường Giảng Võ. Tuyến đường sắt đi dọc theo các phố Hào Nam, Hoàng Cầu, Yên Lãng tới đường Láng, sau đó chạy ngang qua sông Tô Lịch, chạy dọc theo trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung và kết thúc tại ga Yên Nghĩa - đối diện Bến xe Yên Nghĩa. Depot[a] của Tuyến số 2A được đặt tại phường Phú Lương, quận Hà Đông với diện tích khoảng 19.6 ha, bao gồm các hạng mục chính như: Trung tâm điều hành vận tải OCC, xưởng bảo trì đoàn tàu, bãi tập kết tàu, bãi thử tàu, tòa nhà hành chính, trung tâm đào tạo, nhà kho...[34]

Tuyến số 2A được thiết kế đảm bảo sự kết nối hài hòa với các tuyến đường sắt đô thị khác trong tương lai, và các trạm xe buýt dọc tuyến, nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng lựa chọn lộ trình và hình thức di chuyển thích hợp.[35]

Tàu điện[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn tàu 4 toa do BSR (Beijing Subway Rolling Stock) sản xuất trên tuyến 2A

Vào ngày 29 tháng 10 năm 2015, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã cho trưng bày mẫu tàu điện cho Tuyến số 2A tại Triển lãm Giảng Võ để thăm dò ý kiến người dân.[36] Tuyến số 2A có 13 đoàn tàu công nghệ cao, mỗi đoàn tàu có 4 toa xe.[37] Tàu chạy bằng điện được cấp ở đường ray thứ ba để đảm bảo tính an toàn, tính ổn định và mỹ quan đô thị. Tàu có cabin điều khiển hai chiều và có thể đổi chiều ở cả hai phía. Đoàn tàu có chiều dài 79 m, mỗi toa có chiều dài trung bình 20 m, chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu 3.8 m, độ rộng lớn nhất toa tàu 2.8 m, với bốn cửa ra vào mỗi bên thân toa. Sức chứa tối đa là 1,000 hành khách, có nghĩa là 6 hành khách/m². Vận tốc tối đa đạt 80 km/h, vận tốc khai thác trung bình là 35 km/h.[38]

Phía ngoài tàu được sơn màu xanh lá cây, đầu tàu được trang trí bằng biểu tượng Khuê Văn Các và dòng chữ trắng ghi rõ tên tuyến Cát Linh – Hà Đông. Tàu có hệ thống điều khiển tự động để tự động dừng tàu lại trong trường hợp tốc độ quá cao, từ đó duy trì sự an toàn cho hành khách. Hệ thống thông tin tín hiệu sử dụng công nghệ hiện đại nhất trên thế giới, có khả năng đáp ứng linh hoạt các yêu cầu về tổ chức vận hành tàu, đảm bảo an toàn và độ chính xác cao. Công nghệ đóng đường rộng "Điều khiển tàu dựa trên hệ thống truyền thông" (Communication-based Train Control; CBTC) giúp rút ngắn thời gian giãn cách giữa các tàu. Công nghệ này đang được áp dụng cho các hệ thống metro hiện đại nhất của châu Âu và thế giới.[39]

Đường ray có khổ tiêu chuẩn 1,435 mm, sử dụng công nghệ hàn liền để đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung, được lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu.[40]

Giá vé[sửa | sửa mã nguồn]

Hành khách trên tàu

Vé tàu cho Tuyến số 2A có 3 loại:

  • Vé tàu một lượt theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt với toàn tuyến (ga Cát Linh) ⇔ ga Yên Nghĩa) và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất (2 ga cạnh nhau).
  • Vé tàu trong ngày: 30.000 đồng/người, không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến trong ngày.
  • Vé tháng: có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến trong ngày.

Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.[41]

Sự cố[sửa | sửa mã nguồn]

Quá trình thi công[sửa | sửa mã nguồn]

  • Vào 9 giờ 30 phút ngày 6 tháng 11 năm 2014, tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đoạn đối diện với Viện Y học cổ truyền Việt Nam, hai thanh sắt "dài hàng chục mét" rơi xuống phương tiện đang lưu thông trên đường, làm 1 người chết và 2 người bị thương.[42]
  • Khoảng 4 giờ ngày 28 tháng 12 năm 2014, tại đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội, đoạn bến xe Hà Đông cũ, hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ của trụ H7 đổ sụp xuống đường, làm một xe taxi chở 3 người mắc kẹt. Lực lượng cứu hộ, đơn vị thi công mất 11 giờ để đưa xe ra khỏi đống đổ nát. Xe taxi bị biến dạng nghiêm trọng, khung xe bị bóp méo, phần đầu bị vỡ nát. Không có thiệt hại về người.[43]
  • Vào cuối năm 2014 cho đến đầu năm 2015, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội tiến hành chặt hơn 400 cây xà cừ và hàng chục cây khác trên tuyến đường Nguyễn Trãi với lý do đảm bảo an toàn cho đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông và xây dựng nút giao thông 4 tầng Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển. Trong cuộc họp báo chiều ngày 27 tháng 3 năm 2015, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dự án trên được đánh giá tác động môi trường từ năm 2008 và không đề cập tới nội dung chặt cây xanh đường Nguyễn Trãi, và dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung để chặt hạ số cây trên.[44] Đây là một phần của Vụ thay thế cây ở Hà Nội 2015.
  • Khoảng 18 giờ 10 phút ngày 16 tháng 10 năm 2016, tại công trường thi công khu vực nhà ga Văn Quán, 1 công nhân rơi xuống đường và tử vong trong bệnh viện 1 ngày sau đó.[45]
  • Khoảng 6 giờ 30 phút sáng ngày 6 tháng 1 năm 2017, tại nhà ga khu vực đường Láng, 1 công nhân rơi xuống đường và bị thương nặng.[45]

Vận hành[sửa | sửa mã nguồn]

  • Vào lúc 9 giờ 43 phút ngày 11 tháng 2 năm 2023, một sự cố cảnh báo tín hiệu ghi đã xảy ra tại khu vực ga Cát Linh, khiến tuyến tàu điện phải tạm dừng đón khách ở 4 nhà ga. Đến 10 giờ 45 phút cùng ngay, toàn tuyến đã được khôi phục trở lại trạng thái ban đầu.[46]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ phát âm tiếng Anh: /'depəʊ/, phiên âm như "đề-pâu", nghĩa là "ga điều hành". Ở Việt Nam thường đọc là "đề-pô" xuất phát từ phiên âm của từ "dépôt" của tiếng Pháp (phát âm tiếng Pháp: ​[de.po])

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Nhà thầu TQ 'kém nhưng không bỏ được'.
  2. ^ “Tuyến đường sắt 2A”.
  3. ^ a b “Bộ GTVT tính kéo dài đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm 20km”. vietnamnet. 22 tháng 10 năm 2019.
  4. ^ Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại ‘ngốn’ thêm hơn 7,8 triệu USD, VTC News, 12/09/2021
  5. ^ Ngọc Hà (ngày 5 tháng 7 năm 2019). “Đại dự án nhức nhối nhất Thủ đô, đội vốn 10 ngàn tỷ, 8 lần vỡ tiến độ”. Vietnamnet. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2019.
  6. ^ a b c “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Đứa con 16 năm chưa thể chào đời”. Zing News. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  7. ^ a b “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được chấp thuận nghiệm thu, khai thác”. Báo Chính phủ. 30 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2021.
  8. ^ NLD.COM.VN (5 tháng 11 năm 2021). “Khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông”. https://nld.com.vn. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  9. ^ Tàu điện Cát Linh - Hà Đông vận hành
  10. ^ “Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và bài học về sử dụng vốn ODA”. Viettimes. 9 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2021.
  11. ^ “Quyết định số 90/2008/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2019.
  12. ^ “Quyết định 3899/QĐ-BGTVT phê duyệt kế hoạch đấu thầu Dự án Đường sắt đô thị hà Nội: Tuyến Cát Linh - Hà Đông”. Thư viện pháp luật. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2019.
  13. ^ “Khởi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”. Dân trí. ngày 10 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  14. ^ a b c “Khởi công xây dựng depot và tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông”. Hà Nội mới. ngày 10 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  15. ^ Trí Dũng (ngày 20 tháng 11 năm 2014). “Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông 'đội' vốn thêm 315 triệu USD”. Thời báo Tài chính. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2019.
  16. ^ “Vụ tai nạn thi công đường sắt trên cao: Người tử nạn là chiến sĩ công an”. Người lao động. ngày 6 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  17. ^ “Bất an với nhà thầu Trung Quốc”. Người lao động. ngày 29 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  18. ^ “Giàn giáo đường sắt Cát Linh - Hà Đông sập xuống đường”. VnExpress. ngày 28 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  19. ^ “Thi công trở lại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông”. Xây dựng. ngày 28 tháng 1 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  20. ^ “Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Có tiếp tục "vỡ" tiến độ?”. Hà Nội mới. ngày 10 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  21. ^ “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Phát hiện nhiều sai phạm của Tổng thầu Trung Quốc”. Dân trí. ngày 2 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  22. ^ “Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lùi thời gian vận hành muộn 1 năm”. Đại kỷ nguyên. ngày 30 tháng 9 năm 2016. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  23. ^ “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Đến hẹn lại "lui". Kinh tế & Đô thị. ngày 17 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  24. ^ “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành sớm hơn dự kiến”. VOV. ngày 29 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  25. ^ a b “Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Hết 2018, chờ tiếp đến bao giờ?”. VOV. ngày 1 tháng 1 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  26. ^ “Đóng điện vận hành thử nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông”. Đầu tư Online. ngày 30 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  27. ^ “Chạy thử toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Vẫn phải chờ lời giải bài toán kết nối giao thông”. Lao động. ngày 21 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  28. ^ “Dự kiến khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ tháng 4”. Zing News. ngày 15 tháng 2 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  29. ^ “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể chạy thương mại, Bộ GTVT xin thông cảm”. Vietnamnet. 29 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2021.
  30. ^ “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sắp hoàn thành đánh giá an toàn”.
  31. ^ “Tổng thầu muốn giải ngân 50 triệu USD, chưa rõ khi nào xong đường sắt Cát Linh - Hà Đông”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2020.
  32. ^ “Kết thúc chạy thử Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Hơn 70.000km vận hành an toàn”. Báo Lao Động. 1 tháng 9 năm 2021.
  33. ^ “Bắt đầu kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài sản để bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông”. Tuổi Trẻ. 31 tháng 3 năm 2021.
  34. ^ “Những hình ảnh 'cận cảnh' bên trong nhà ga La Khê chuẩn bị đưa vào hoạt động”. Vietnamnet. 20 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2021.
  35. ^ “Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thế nào?”. Báo giao thông. 5 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2021.
  36. ^ “Mẫu tàu điện Cát Linh - Hà Đông sẽ được trưng bày từ 29/10”. VnExpress. ngày 28 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019. |first= thiếu |last= (trợ giúp)
  37. ^ “13 trains of metro line 2A Cat Linh–Ha Dong”.
  38. ^ Đoàn Loan. “Dân góp ý chỉnh sửa nội thất tàu điện Cát Linh - Hà Đông”. VnExpress. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2016.
  39. ^ [Nhiều kỳ vọng cải thiện bộ mặt giao thông công cộng Thủ đô “https://anninhthudo.vn/nhieu-ky-vong-cai-thien-bo-mat-giao-thong-cong-cong-thu-do-post387599.antd”] Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). An Ninh Thủ Đô. 24 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2021. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  40. ^ “Muốn đi tàu Cát Linh - Hà Đông, người dân Thủ đô phải chờ đến bao giờ?”. VOV. 7 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2021.
  41. ^ “Giá vé và cách đi khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động sau 6-11”. https://www.qdnd.vn. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  42. ^ NLD.COM.VN (6 tháng 11 năm 2014). “Vụ tai nạn thi công đường sắt trên cao: Người tử nạn là chiến sĩ công an”. https://nld.com.vn. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2022. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  43. ^ “Sập giàn giáo thi công đường sắt Hà Đông - Cát Linh”. Tuổi Trẻ Online. 28 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2022.
  44. ^ “Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không đề xuất chặt cây”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2022.
  45. ^ a b “Những 'bê bối' nối tiếp của dự án đường sắt trên cao”. Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. 23 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2022.
  46. ^ Ngọc Hải (11 tháng 2 năm 2023). “Tàu điện Cát Linh - Hà Đông lần đầu gặp sự cố”. Báo Kinh tế & Đô thị. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2023.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]