Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2018/04

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 4 năm 2018
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Vụ Nổ Lớn

Theo thuyết Vụ Nổ Lớn, vũ trụ bắt nguồn từ một trạng thái vô cùng đặc và vô cùng nóng (điểm dưới cùng). Một lý giải thường gặp đó là không gian tự nó đang giãn nở, khiến các thiên hà đang lùi ra xa lẫn nhau, giống như các điểm trên quả bóng thổi phồng. Hình này minh họa vũ trụ phẳng đang giãn nở.
Theo thuyết Vụ Nổ Lớn, vũ trụ bắt nguồn từ một trạng thái vô cùng đặc và vô cùng nóng (điểm dưới cùng). Một lý giải thường gặp đó là không gian tự nó đang giãn nở, khiến các thiên hà đang lùi ra xa lẫn nhau, giống như các điểm trên quả bóng thổi phồng. Hình này minh họa vũ trụ phẳng đang giãn nở.

Lý thuyết Vụ Nổ Lớn (Big Bang) là mô hình vũ trụ học nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành Vũ trụ. Theo lý thuyết này, Vụ Nổ Lớn xảy ra xấp xỉ cách nay 13,798 ± 0,037 tỷ năm trước, và được các nhà vũ trụ học coi là tuổi của vũ trụ. Sau giai đoạn này, vũ trụ ở vào trạng thái cực nóng và đặc và bắt đầu giãn nở nhanh chóng. Sau giai đoạn lạm phát, vũ trụ đủ "lạnh" để năng lượng bức xạ (photon) chuyển đổi thành nhiều hạt hạ nguyên tử, bao gồm proton, neutron, và electron. Tuy những hạt nhân nguyên tử đơn giản có thể hình thành nhanh chóng sau Big Bang, phải mất hàng nghìn năm sau các nguyên tử trung hòa điện mới xuất hiện. Nguyên tố đầu tiên sinh ra là hiđrô, cùng với lượng nhỏ heliliti. Những đám mây khổng lồ chứa các nguyên tố nguyên thủy sau đó hội tụ lại bởi hấp dẫn để hình thành lên các ngôi sao và các thiên hà rồi siêu đám thiên hà, và nguyên tố nặng hơn hoặc được tổng hợp trong lòng ngôi sao hoặc sinh ra từ các vụ nổ siêu tân tinh. Thuyết Vụ Nổ Lớn là một lý thuyết khoa học đã được kiểm chứng và được cộng đồng khoa học chấp nhận rộng rãi. Nó đưa ra cách giải thích hoàn thiện về nhiều loại hiện tượng quan sát thấy trong vũ trụ, bao gồm sự có mặt của những nguyên tố nhẹ, bức xạ nền vi sóng vũ trụ, cấu trúc vĩ mô của vũ trụ, và định luật Hubble đối với siêu tân tinh loại Ia. [ Đọc tiếp ]

Georg Cantor

Georg Cantor (1845 - 1918) là một nhà toán học người Đức, được biết đến nhiều nhất với tư cách cha đẻ của lý thuyết tập hợp, một lý thuyết đã trở thành một lý thuyết nền tảng trong toán học. Cantor đã cho thấy tầm quan trọng của quan hệ song ánh giữa các phần tử của hai tập hợp, định nghĩa các tập vô hạn và các tập sắp tốt, và chứng minh rằng các số thực là "đông đúc" hơn các số tự nhiên. Trên thực tế, phương pháp chứng minh định lý này của Cantor ngụ ý sự tồn tại "vô hạn các tập vô hạn". Ông định nghĩa bản số và số thứ tự và phép tính về chúng. Sự nghiệp toán học vĩ đại của ông nhận được sự quan tâm lớn về mặt triết học, nhờ đó khiến ông càng được biết đến nhiều hơn. Lý thuyết của Cantor về số siêu hạn ban đầu bị xem là phản trực giác -thậm chí gây sốc- tới mức nó vấp phải sự chống đối của những nhà toán học lừng lẫy đương thời như Leopold KroneckerHenri Poincaré, trong khi Ludwig Wittgenstein đưa ra những phản đối về triết học. Sự chỉ trích khắc nghiệt cũng đi cùng với sự tôn vinh đối với Cantor. Năm 1904, Hội Hoàng gia Luân Đôn trao tặng cho Cantor Huy chương Sylvester, danh dự cao nhất của Hội dành cho toán học. Có người cho rằng Cantor tin rằng lý thuyết về số siêu hạn của ông là được Chúa mặc khải. David Hilbert đã lên tiếng bảo vệ với lời tuyên bố nổi tiếng: "Không ai đuổi được chúng ta khỏi Thiên giới mà Cantor đã sáng tạo nên". [ Đọc tiếp ]

Napoléon Bonaparte

Napoléon Bonaparte (1769 – 1821) là một nhà quân sự và nhà chính trị tiêu biểu của Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quan ở châu Âu. Với đế hiệu Napoléon I, ông là Hoàng đế của người Pháp từ năm 1804 đến năm 1815. Cuộc cải cách pháp luật của ông, Bộ luật Napoléon, đã có những ảnh hưởng lớn lên nhiều bộ luật dân sự trên toàn thế giới, nhưng ông được nhớ đến nhất bởi vai trò của mình trong các cuộc chiến tranh mà Pháp phải đương đầu với hàng loạt liên minh, được gọi là các cuộc chiến tranh Napoléon. Ông đã thiết lập quyền bá chủ trên phần lớn lục địa châu Âu và tìm cách truyền bá những lý tưởng của cách mạng Pháp, đồng thời củng cố nền đế chế làm phục hồi những nét của chế độ cũ Pháp (Ancien Régime). Nhờ thắng lợi trong những cuộc chiến này, thường là chống lại đối phương có ưu thế về quân số, ông được coi là một trong những nhà chỉ huy quân sự tài ba nhất mọi thời đại, và các chiến dịch của Napoléon được nghiên cứu tại các học viện quân sự trên khắp thế giới. Napoléon chịu trách nhiệm cho việc lật đổ nhiều Chế độ cũ— những nền quân chủ điển hình ở châu Âu và lan truyền các giá trị chính thống của Cách mạng Pháp tới các quốc gia khác. [ Đọc tiếp ]

Thế vận hội Mùa hè 1896

Thế vận hội Mùa hè 1896, tên chính thức là Thế vận hội Mùa hè lần thứ I, là sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức tại thành phố Athena, thủ đô của Hy Lạp, từ ngày 6 đến 15 tháng 4 năm 1896. Đây chính là kỳ Thế vận hội đầu tiên được tổ chức trong thời kỳ hiện đại. Hy Lạp cổ đại vốn là cái nôi của phong trào Olympic, do đó Athena được coi như sự lựa chọn thích hợp nhất để tổ chức cho kỳ Thế vận hội hiện đại đầu tiên. Thành phố này được nhất trí chọn làm nơi đăng cai kỳ Olympic đầu tiên trong cuộc hội nghị do Pierre de Coubertin, một nhà sư phạm và sử gia người Pháp, tổ chức tại Paris vào ngày 23 tháng 6 năm 1894. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng được thành lập nhân hội nghị này. Mặc dù gặp phải nhiều trở ngại và thoái trào nhưng Thế vận hội Mùa hè 1896 vẫn được ghi nhận là một kỳ Olympic thành công, nhờ những cuộc tranh tài thể thao có quy mô lớn nhất từ trước cho tới thời điểm đó. Sân vận động Panathinaiko, sân vận động lớn đầu tiên trên thế giới thời hiện đại, đã chật cứng bởi lượng khán giả đông nhất vào lúc đó. Nước chủ nhà Hy Lạp đạt được thành tích nổi bật nhờ chiến thắng trong môn marathon của Spiridon Louis. Vận động viên thành công nhất trong kỳ Thế vận hội là đô vật và vận động viên thể dục dụng cụ người Đức Carl Schuhmann, người đã giành được tới 4 huy chương vàng. Trong kỳ thế vận hội đầu tiên này không có nữ vận động viên nào tham dự. [ Đọc tiếp ]

Chăm Pa

Tháp Po Klaung Garai

Chăm Pa là một quốc gia cổ từng tồn tại độc lập liên tục qua các thời kỳ từ năm 192 đến năm 1832. Cương vực của Chăm Pa lúc mở rộng nhất trải dài từ dãy núi Hoành Sơn, Quảng Bình ở phía Bắc cho đến Bình Thuận ở phía Nam và từ biển Đông cho đến tận miền núi phía Tây của nước Lào ngày nay. Qua một số danh xưng Lâm Ấp, Panduranga, Chăm Pa trên phần đất nay thuộc miền Trung Việt Nam. Văn hóa Chăm Pa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn ĐộJava đã từng phát triển rực rỡ với những đỉnh cao nghệ thuật là phong cách Đồng Dương và phong cách Mỹ Sơn A1 mà nhiều di tích đền tháp và các công trình điêu khắc đá, đặc biệt là các hiện vật có hình linga vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay cho thấy ảnh hưởng của Ấn giáoPhật giáo là hai tôn giáo chính của chủ nhân vương quốc Chăm Pa xưa. Chăm Pa hưng thịnh nhất vào thế kỷ thứ 9 và 10 và sau đó dần dần suy yếu dưới sức ép của các vương triều Đại Việt từ phía Bắc và các cuộc chiến tranh với Đế quốc Khmer. Năm 1471, Chăm Pa chịu thất bại nặng nề trước Đại Việt và bị mất phần lớn lãnh thổ phía bắc vào Đại Việt. Phần lãnh thổ còn lại của Chăm Pa bị chia nhỏ thành các tiểu quốc, và tiếp tục sau đó dần dần bị các chúa Nguyễn thôn tính và đến năm 1832 toàn bộ vương quốc chính thức bị sáp nhập vào Việt Nam dưới triều vua Minh Mạng. [ Đọc tiếp ]

Chiến tranh Pháp-Phổ

Chiến tranh Pháp-Phổ là cuộc chiến tranh trong hai năm 1870 và 1871 giữa PhápPhổ, được hỗ trợ bởi Liên bang Bắc Đức và các bang miền Nam Đức. Cuộc chiến kết thúc với chiến thắng của nước Phổ, trở thành cuộc chiến tranh đế quốc đầu tiên do Đế quốc Đức - Phổ phát động. Với vai trò hết sức trọng đại trong lịch sử châu Âu, đây là cuộc chiến tranh có tầm vóc đồ sộ, trọng đại nhất giữa những cuộc chiến tranh của NapoléonChiến tranh thế giới thứ nhất. Chiến thắng của quân Phổ và Đức là một bước ngoặt to lớn trong lịch sử châu Âu, đã đem lại sự thống nhất và khởi lập của nền Đế quốc Đức dưới sự cai trị của Wilhelm I - Vua nước Phổ. Với thắng lợi hiển hách này, tài ngoại giao của vị Thủ tướng nước Phổ là Otto von Bismarck đã được biểu lộ và tên tuổi của vị Tổng tham mưu trưởng Quân đội nước Đức là Đại tướng - Bá tước Helmut von Moltke đạt tới đỉnh cao vinh quang, với đầu óc sáng tạo mang tầm ảnh hưởng to lớn đến nền quân sự toàn cõi châu Âu. Thất bại thảm hại của Pháp cũng đánh dấu sự sụp đổ của Napoléon III và dấu chấm hết cho nền Đệ Nhị Đế chế Pháp, sau đó được thay thế bởi Đệ Tam Cộng hòa. [ Đọc tiếp ]