Chiến tranh Việt Nam (miền Nam, 1960–1965)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tình hình Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960-1965 là một giai đoạn của Chiến tranh Việt Nam ở miền Nam Việt Nam. Giai đoạn 1960-1965 trong lịch sử Miền Nam Việt Nam là một thời kỳ đặc biệt quan trọng trong Chiến tranh Việt Nam. Trong giai đoạn này, căng thẳng giữa các lực lượng cộng sản và lực lượng chống cộng sản tăng cao, dẫn đến sự leo thang của cuộc xung đột. Các sự kiện như Cuộc nổi dậy Ba Đình và Cuộc nổi dậy Mậu Thân đã củng cố sự phản đối chống lại chính quyền miền Nam do Ngô Đình Diệm thống trị. Ngoài ra, sự tăng cường của các lực lượng cộng sản, đặc biệt là qua hỗ trợ từ Bắc Việt Nam, đã làm gia tăng căng thẳng và xung đột trong khu vực.

Lực lượng cộng sản chuyển hướng đấu tranh[sửa | sửa mã nguồn]

Việc dùng bạo lực để loại trừ những người Việt Minh một cách vô tội vạ, đã khiến lực lượng Việt Minh còn lại ở miền nam bị suy yếu trầm trọng, nhưng đồng thời gây bất mãn và căm phẫn cho thành phần nhân dân thân Việt Minh. Việt Minh, sau khi rút phần lớn lực lượng quân sự đi tập kết, con số nằm vùng ở lại vào khoảng 10 vạn; nhưng khi thực thi đạo luật 10-59 tổng số người bị hành hình (xử bắn), tra tấn, cầm tù lại lên đến hàng chục vạn, nghĩa là có quá nhiều dân thường bị oan sai, trong khi thực tế các cơ sở Việt Minh vẫn chưa bị triệt hoàn toàn.

Năm 1959, Việt Nam Dân chủ Cộng hòaĐảng Lao động Việt Nam đã ra Nghị quyết 15 công khai cổ vũ đấu tranh vũ trang tại miền Nam. Năm 1960, Đại hội đảng thứ 3 tại Hà Nội đã bầu ông Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất (tương đương Tổng bí thư). Ông là người chủ trương đấu tranh bằng vũ trang với mọi hy sinh để "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội". Ngay lập tức chiến trường miền Nam có sự đột biến. Phía Cộng sản phát động ngay một đợt tiến công quy mô kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang mà trong đó chính trị vẫn đóng vai trò chủ đạo.

Họ phát động nông dân ở nông thôn nổi dậy giành chính quyền, phá ấp chiến lược, lùng bắt và thủ tiêu các nhân viên chính quyền tại địa bàn. Các hoạt động nổi dậy này được phối hợp nhịp nhàng cùng lúc với việc thành lập lực lượng vũ trang. Họ đánh hoặc bao vây các vị trí quân sự để không cho quân chính phủ kéo về can thiệp và, đồng thời, họ phát động dân chúng biểu tình; nếu thấy đối phương yếu thế thì biểu tình phát triển thành nổi dậy cướp chính quyền, nếu chưa thể thì kéo dài đưa ra các yêu sách quấy rối làm tê liệt chính quyền. Nếu chính phủ điều quân tới thì những người biểu tình bao vây lấy quân đội bắt đầu binh vận ngay tại chỗ. Phương cách này được phía Cộng sản đúc kết thành phương châm "Ba mũi giáp công" (quân sự, chính trị, binh vận). Phong trào được có tên là Đồng khởi và bắt đầu được thí điểm tại tỉnh Bến Tre. Sau khi thấy chính phủ Ngô Đình Diệm lúng túng trong việc lập lại trật tự các vùng khác cũng theo nhau đồng khởi. Đến cuối năm 1960 một phần đáng kể của nông thôn miền Nam đã thành vùng do Cộng sản kiểm soát.

Để cho cuộc chiến có chính danh, ngày 20 tháng 12 năm 1960 phía Cộng sản thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam gồm nhiều đại diện các thành phần tôn giáo, tầng lớp xã hội, dân tộc khác nhau ở miền Nam Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo. Ngày 15 tháng 2 năm 1961, họ thành lập Quân Giải phóng Miền Nam. Kể từ lúc này tại miền Nam đã chính thức tồn tại hai chính quyền, hai quân đội đối địch. Phía Cộng sản đã đủ mạnh để đánh được chỗ nào là họ thành lập "chính quyền cách mạng". Ước chừng ban đầu có khoảng 30 ngàn thanh thiếu niên đã gia nhập lực lượng Quân Giải phóng.

Chiến tranh đặc biệt của Hoa Kỳ[sửa | sửa mã nguồn]

Đứng trước tình hình trên Hoa Kỳ thấy cần hành động gấp giúp Việt Nam Cộng hoà đẩy lùi phía Cộng sản. Tướng Maxwell D. Taylor được phái sang Việt Nam đánh giá tình hình. Kế hoạch Staley-Taylor được soạn thảo và đem thi hành để chống lại chiến tranh du kích, bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Người Mỹ luôn suy nghĩ theo cách cân đong vật chất, đối với họ sự thắng thua trong chiến tranh được quyết định bằng súng đạn. Kế hoạch trên tuy có tính đến khía cạnh chính trị nhưng còn quá sơ sài, nó tập trung nhiều nhất đến khía cạnh quân sự: tăng quân số, tăng lương binh sĩ, tăng cường binh lực trang thiết bị...

Thanh niên sinh viên Sài Gòn biểu tình chống Mỹ và Việt Nam Cộng hòa

Kế hoạch Staley-Taylor, hay còn gọi là kế hoạch chiến tranh đặc biệt, có công thức tổng quát là: Quân đội Việt Nam Cộng hoà + Cố vấn Mỹ + Vũ khí Mỹ + Viện trợ kinh tế Mỹ. Viện trợ Mỹ bao gồm các kế hoạch tăng cường sức mạnh cho quân đội Việt Nam Cộng hoà: gấp rút tăng quân số, cung cấp xe thiết giáp và máy bay, nhất là trực thăng, đưa cố vấn quân sự Mỹ xuống đến đơn vị chiến đấu để giúp các sĩ quan Việt Nam Cộng hoà vạch kế hoạch hành quân và chỉ huy chiến đấu. Chiến thuật của quân đội Việt Nam Cộng hoà là trực thăng vậnthiết xa vận: khi phát hiện các đơn vị của địch lập tức dùng trực thăng đổ quân bao vây chặt lấy, sau đó gọi thiết giáp đến đánh giải quyết chiến trường (chiến thuật "tung lưới-phóng lao").

Trong thời gian đầu chiến tranh đặc biệt đã phát huy tác dụng khá tốt, tình hình quân sự được ổn định, quân đội Giải Phóng bị chiến thuật cơ động nhanh "tung lưới-phóng lao" làm thương vong, họ phải chuyển hoạt động ra xa, hành quân và đánh đêm là chính. Để chống chiến thuật "Chính trị kết hợp với quân sự" của phía Cộng sản và cách ly họ ra khỏi dân chúng, chính phủ Việt Nam Cộng hoà quyết tâm tiến hành quyết liệt "Quốc sách Ấp chiến lược". Ở thời điểm đó thì các khu trù mật, Ấp chiến lược ở nông thôn miền Nam làm mọi người liên tưởng đến các trại tập trung có rào thép gai, dãy chông, tháp canh xung quanh, còn người dân bị giam trong các ấp chiến lược. Điều này đã làm méo mó hình ảnh dân chủ và Hoa Kỳ đã phải nhiều lần khuyến cáo Tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng không được tiếp thu.

Tổ chức Sinh viên Tân xã của Việt Nam Quốc dân Đảng biểu tình phản đối Charles de Gaule và Hồ Chí Minh nhân dịp 10 năm sau Hiệp định Genève

Miền Bắc tham chiến[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu năm 1961 các lực lượng Việt Minh đã thành lập xong "Quân Giải phóng miền Nam" với quy mô cấp quân khu. Việc tổ chức quân sự vẫn theo khuôn mẫu của Quân đội Nhân Dân Việt Nam nhưng vẫn có sự tổ chức giống với Việt Minh lúc trước, cho phù hợp với tổ chức ở miền nam. Theo đó, lực lượng quân sự tập trung ở các huyện sẽ được chọn lọc, huấn luyện và trang bị thành các tiểu đoàn cấp tỉnh. Từ các tiểu đoàn này sẽ hình thành đơn vị cấp trung đoàn đóng ở quân khu. Tuy nhiên qua các trận đánh, những đơn vị chính quy có thương vong tăng cao và khó có thể tái huấn luyện bổ sung tổn thất một cách kịp thời. Việc tăng cường lực lượng cũng được điều động từ miền Tây Nam Bộ lên, vốn là những vùng đông nhân lực.

Cuối giai đoạn chiến tranh, việc huấn luyện bộ đội tại miền Nam không còn đủ số lượng để đáp ứng cho nhu cầu tác chiến mở rộng, họ đã dùng binh lính miền Bắc hành quân vào theo đường Trường Sơn. Lúc này, cho đến khi kết thúc chiến tranh, tại chiến trường miền Nam có hai quân đội chính quy của Cộng sản, không tính đến du kích quân. Thứ nhất là Quân đội Nhân dân Việt Nam, gồm các thanh niên miền Bắc lên đường Nam tiến, dưới chỉ huy trực tiếp của Bộ tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân tại Hà Nội (còn gọi là quân Bắc Việt). Thứ hai là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc bộ chỉ huy quân Giải phóng tại rừng Tây Ninh

Đầu tiên, khi đường Trường Sơn còn hẹp, họ chỉ đưa được một số nhân lực hạn chế gồm toàn các bộ đội Việt Minh từng tập kết ra bắc tám năm về trước. Thành phần quân lính miền Bắc trong quân VNDCCH còn ít, chỉ chiếm 10-20% trên tổng quân số của toàn chiến trường, mà có khi họ là người gốc miền nam từng đi tập kết chứ chưa hẳn là người bắc. Sau này, khi đến 1965, khoảng 3 vạn quân đã từ miền bắc thâm nhập vào, và chiếm khoảng 50% vào năm 1968. Vẫn có các tiểu đoàn thâm nhập vào sâu để bổ sung quân số và trang bị cho những đơn vị bị tổn thất. Tuy nhiên trong thời kỳ 1960-1965 tại chiến trường miền Nam các hoạt động tác chiến chủ yếu là Quân Giải phóng còn các đơn vị quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ yếu đang đứng chân vòng ngoài tại tuyến đường Trường Sơn, Tây Nguyên họ đang xây dựng các căn cứ để đánh lớn sau này. Đoàn quân lớn nhất thâm nhập vào được sâu nhất là đơn vị chi viện U Minh của sĩ quan Phạm Văn Trà, vào năm 1964.

Năm 1964 khi Hoa Kỳ phát hiện ra các lực lượng Quân đội Nhân Dân Việt Nam từ miền bắc di chuyển vào Trường Sơn và thâm nhập, thì VNDCCH tuyên bố công khai vai trò chi viện của họ, nhưng không công khai sự lãnh đạo. Mặt trận Dân tộc Giải phóng vẫn nắm vau trò chủ chốt trên danh nghĩa. Mặc dù miền bắc đã chi viện rất lớn vũ khí, chuyên môn, thuốc men và nguồn cán bộ có trình độ vào miền nam.

Sau gần hai năm kinh nghiệm chiến đấu Quân Giải phóng đã biết cách xử lý các nhược điểm của chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Ngày 2 tháng 1 năm 1963 tại tỉnh Tiền Giang đã xảy ra trận Ấp Bắc và quân đội Việt Nam Cộng hoà đã thất bại nặng. Trận đánh này được báo chí thế giới miêu tả kỹ lưỡng và cho thấy QGP không còn là các nhóm quân nhỏ bất lực trước trực thăng vận, thiết xa vận nữa mà họ đã lớn mạnh đủ để đánh bại quân cơ động của đối phương.

Trong các năm 19631964 QGP thắng thế tiến công trên toàn chiến trường và đến tháng 12 năm 1964 họ tiến hành chiến dịch Bình Giã tại tỉnh Bà Rịa. Trong vòng một tháng họ điều động các đơn vị lên đến cấp sư đoàn liên tục làm thiệt hại các chiến đoàn thiết giáp cơ động và các đơn vị dự bị chiến lược của Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Cùng với các trận đánh lớn khác họ ép quân đội Việt Nam Cộng hoà lui về thế thủ gần các thành phố lớn. Ở nông thôn chỗ nào QGP đến là họ cho phá dỡ ấp chiến lược. Cuối năm 1963, khi Tổng thống Diệm bị lật đổ, chỗ nào còn ấp chiến lược thì cũng bị dân chúng tự nổi lên phá hết.

Cuộc đảo chính năm 1963[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 8 tháng 5 năm 1963 xảy ra sự kiện Phật Đản tại Huế. Sự kiện này bắt nguồn từ một chỉ thị của chính phủ Ngô Đình Diệm siết chặt quy định cấm treo cờ tôn giáo tại nơi công cộng. Từ một vụ lộn xộn cảnh sát không cho treo cờ Phật giáo nhân ngày Phật Đản, lãnh đạo Phật giáo đã quyết định đấu tranh chống chính quyền đến cùng cho dù chính phủ Ngô Đình Diệm đã có nhiều cố gắng xoa dịu sự bất mãn của Phật giáo. Cho đến khi Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính phủ, rồi một loạt các cuộc tự thiêu khác của Phật tử, đã làm chấn động tình hình trong nước và quốc tế (Xem Sự kiện Phật Đản, 1963). Tình thế đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng hoà.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự chỉ huy của tướng Dương Văn Minh và sự im lặng không phản đối của Hoa Kỳ, đã làm đảo chính lật đổ và giết chết ba anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (ông Diệm và Nhu bị giết chết ngày 2 tháng 11 năm 1963; riêng ông Cẩn bị xử tử ngày 9 tháng 5 năm 1964). Sự kiện này được biết ở miền Nam với cái tên "Cách mạng 1/11".

Ngay sau đó Việt Nam Cộng hoà rơi vào khủng hoảng lãnh đạo trầm trọng trong một thời gian gần hai năm. Cho đến khi nhóm quân nhân của hai tướng Nguyễn Văn ThiệuNguyễn Cao Kỳ lên chấp chính thành lập Hội đồng lãnh đạo Quốc gia (tháng 6 năm 1965) thì tình hình mới tạm yên.

Lực lượng biệt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng liên tiếp tổ chức các cuộc tấn công, đánh bom tại Sài Gòn và trong các thành phố như vụ Đánh bom cư xá Brink 1964, đánh bom sứ quán Mỹ 1965.

Vào giữa năm 1965, với các thất bại liên tiếp trên chiến trường và tình hình chính trị rối loạn, chính phủ Hoa Kỳ quyết định hủy bỏ kế hoạch Staley-Taylor và đem quân chủ lực trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Tuyên bố Bắc tiến của một số giới chức Việt Nam Cộng hòa[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù chính trị đang hỗn loạn sau vụ đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963, nhưng một số giới chức lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà vẫn có những tuyên bố đòi tiến công lên miền bắc để thống nhất Việt Nam. Ngày 14 tháng 7/1964 người đứng đầu chính phủ Việt Nam Cộng hoà là tướng Nguyễn Khánh đã công khai tuyên bố Bắc tiến. Hai ngày sau, tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng khẳng định Không lực Việt Nam Cộng hòa đã sẵn sàng.[1]

Những tuyên bố này đã làm cả thế giới sửng sốt và gặp phải sự phản đối từ Washington. Tổng thống Mỹ và các cố vấn của ông ta biết rằng họ phải tháo ngay ngòi nổ. Những đề nghị hòa bình được U Thant, nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc gửi tới, yêu cầu Hà Nội, Sài Gòn và Washington cùng thương lượng. Sáng kiến của U Thant nhận được sự đồng tình của Tổng thống Pháp Charles De Gaul. Tướng De Gaul cũng yêu cầu các bên phải tuân thủ Hiệp định Genève năm 1954 để tránh cuộc chiến "mở rộng thành cơn ác mộng trên toàn châu Á".[2]

Trong một diễn biến khác làm Washington bất ngờ, cả Liên Xô lẫn đồng minh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều tuyên bố đòi "hòa bình". Lãnh đạo Liên Xô đề nghị tổ chức 1 Hội nghị Genève mới để giải quyết cuộc chiến tại Việt Nam. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng ủng hộ đề nghị này của Liên Xô. Hoa Kỳ đã bác bỏ tất cả đề nghị này.[3]

Hoa Kỳ ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến[sửa | sửa mã nguồn]

Chính phủ Hoa Kỳ lập tức can thiệp: từ chỗ đưa lính kỹ thuật không quân vào các sân bay ở miền Nam - đến việc đưa lục quân vào trực tiếp tham chiến với phe Cộng sản vào giữa năm 1965. Không có mốc thời gian chính xác về sự chuyển đổi này vì nó tùy tình hình khu vực, mà Hoa Kỳ có thể tham chiến đến đâu. Trận Vạn Tường lần đầu tiên TQLC Hoa Kỳ đụng độ với trung đoàn chính quy của Việt Cộng, chấm dứt chiến lược chiến tranh da vàng và khởi đầu cuộc chiến tranh cục bộ - chiến cuộc đẫm máu nhất của CTVN. Nhưng vẫn có một trận chiến lớn mang toàn bộ nhân lực da vàng (cũng là trận cuối cùng của giai đoạn trước) diễn ra ngay khi lục quân Hoa Kỳ đang can thiệp sâu vào chiến trường.

Phong trào sinh viên những năm 1960[sửa | sửa mã nguồn]

Phong trào sinh viên trong những năm 1960 trên toàn cầu biểu hiện qua hàng loạt biểu tình, ngồi lỳ, và các hình thức phản kháng khác do sinh viên dẫn đầu, phản ánh sự bất mãn rộng lớn đối với các vấn đề xã hội, chính trị và văn hóa thời bấy giờ. Trong bối cảnh của Chiến tranh Lạnh và các cuộc xung đột quân sự như Chiến tranh Việt Nam, sinh viên phản đối sự can thiệp quân sự và sự phổ biến của vũ khí hạt nhân. Họ cũng đấu tranh cho quyền dân sự, bình đẳng giới, và các quyền lợi dân chủ, đòi hỏi các cải cách giáo dục và bảo vệ môi trường.

Các phong trào này thường có tính chất quốc tế, với sinh viên trên khắp thế giới tìm cách tạo dựng một liên kết chặt chẽ thông qua việc trao đổi ý tưởng và hỗ trợ lẫn nhau trong các cuộc biểu tình. Tại Mỹ, phong trào sinh viên nổi bật với sự phản đối chiến tranh Việt Nam và đấu tranh cho quyền dân sự. Ở Châu Âu, các sự kiện như "Tháng Năm Paris" ở Pháp năm 1968, biểu tượng cho sự phản kháng chính trị và xã hội sâu rộng. Tại Mỹ Latinh, sinh viên cũng đứng đầu các phong trào chống lại chế độ độc tài và bất công xã hội.

Phong trào sinh viên những năm 1960 không chỉ là một biểu hiện của sự phản kháng mà còn là biểu tượng của sự thay đổi thế hệ, với giới trẻ đòi hỏi sự thay đổi thực sự trong cách thức xã hội họ đang sống đối mặt với các vấn đề toàn cầu. Họ sử dụng nghệ thuật, âm nhạc, và văn hóa đại chúng như là các phương tiện để bày tỏ quan điểm và tạo dựng cộng đồng. Cuối cùng, dù không phải tất cả các yêu cầu của họ đều được đáp ứng, phong trào sinh viên đã góp phần định hình lại chính sách và xã hội ở nhiều nước, tạo tiền đề cho các phong trào xã hội tiếp theo.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Giô-dép A Am-tơ Lời Phán quyết về VN-Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 1985 tr 81
  2. ^ Giô-dép A Am-tơ Lời Phán quyết về VN-Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 1985 tr 82
  3. ^ Giô-dép A Am-tơ Lời Phán quyết về VN-Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 1985 tr 82-83