Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Bắc Giang (thành phố)”

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
Không có tóm lược sửa đổi
Thẻ: Sửa đổi di động Sửa đổi từ trang di động
Không có tóm lược sửa đổi
Thẻ: Sửa đổi di động Sửa đổi từ trang di động
Dòng 13: Dòng 13:
| thành lập = 11/07/1888: Thị xã Phủ Lạng Thương
| thành lập = 11/07/1888: Thị xã Phủ Lạng Thương
07/06/2005: Nâng cấp lên thành phố<ref name="HL1" />
07/06/2005: Nâng cấp lên thành phố<ref name="HL1" />
| biển số xe = 98-B1-B2-B3
}}
}}



Phiên bản lúc 14:24, ngày 11 tháng 6 năm 2019

Thành phố Bắc Giang là một đô thị loại II - trung tâm hành chính của tỉnh Bắc Giang, nằm cách trung tâm Hà Nội 50 km về phía Đông Bắc. Thành phố phấn đấu trước năm 2025, sẽ trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Giang.

Địa giới hành chính:

Lịch sử và đơn vị hành chính

Thành phố Bắc Giang là địa danh lịch sử, xưa thuộc Bộ Vũ Ninh... Trấn Kinh Bắc - là trấn thứ tư, trong bốn kinh trấn và đứng đầu phên dậu phía Bắc của quốc gia Đại Việt, có vị trí quân sự trọng yếu gắn liền với chiến thắng Xương Giang vẻ vang, muôn thuở còn truyền do nghĩa quân Lam Sơn - Nguyễn Trãi chỉ huy, tiêu diệt hoàn toàn 10 vạn quân viện binh do Liễu Thăng chỉ huy đã kết thúc 20 năm đô hộ của triều đại phong kiến nhà Minh; bên cạnh đó còn là một trong những trung tâm kinh tế - văn hoá được hình thành và phát triển từ thời kỳ đầu Công Nguyên; từng là phủ lỵ Lạng Giang (thành Châu Xuyên, xã Dĩnh Uyên - Tân Tiến), Bảo Lộc (thành Thọ Xương), huyện lỵ Phượng Nhỡn (xã Dĩnh Uyên-nay là 6 thôn của xãTân Tiến và thôn Lường của Dĩnh Kế).

Dưới thời Pháp thuộc, ngày 11 tháng 7 năm 1888 đơn vị hành chính "Phủ Lạng Thương" ra đời. Ngày 10 tháng 10 năm, tỉnh Bắc Giang được thành lập, Phủ Lạng Thương trở thành tỉnh lỵ tỉnh Bắc Giang. Từ một căn cứ quân sự, Phủ Lạng Thương đã trở thành một đô thị với nhiều phố lớn, nhà ga, bến cảng, khách sạn, bưu điện, câu lạc bộ, trường học, công viên, sân vận động... Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phủ Lạng Thương là một trong những địa phương sớm khởi nghĩa và giành chính quyền (ngày 17-8-1945). Từ năm 1959 thị xã Phủ Lạng Thương đổi tên là thị xã Bắc Giang; đồng thời, chuyển xã Thọ Xương thuộc huyện Lạng Giang về thị xã Bắc Giang quản lý.

Từ năm 1962, tỉnh Hà Bắc được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, thị xã Bắc Giang là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh này.[4]

Ngày 22 tháng 4 năm 1964, thành lập xã Đa Mai trên cơ sở tách một phần đất xã Song Mai thuộc huyện Việt Yên.[5]

Sau năm 1975, thị xã Bắc Giang có 5 phường: Lê Lợi, Minh Khai, Ngô Quyền, Nhà máy phân đạm, Trần Phú và 2 xã: Đa Mai, Thọ Xương.

Ngày 3 tháng 5 năm 1985, chuyển xã Song Mai thuộc huyện Việt Yên và xã Dĩnh Kế thuộc huyện Lạng Giang về thị xã Bắc Giang.[6]

Ngày 29 tháng 8 năm 1994, phường Nhà máy phân đạm đổi tên thành phường Trần Nguyên Hãn; phường Minh Khai đổi tên thành phường Mỹ Độ.

Từ năm 1997, sau khi chia tách tỉnh Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, thị xã Bắc Giang trở lại là tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Giang[7].

Ngày 11 tháng 5 năm 1999, chia xã Thọ Xương thành phường Thọ Xương và xã Xương Giang, thành lập phường Hoàng Văn Thụ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Lê Lợi và xã Dĩnh Kế[8]. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, thị xã Bắc Giang đã có những bước phát triển nhanh về mọi mặt xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật của tỉnh và là một trong những trung tâm chuyên ngành cấp vùng. Tháng 12 năm 2003, thị xã Bắc Giang đã được công nhận là đô thị loại III.

Thị xã Bắc Giang trở thành thành phố Bắc Giang theo Nghị định Chính phủ số 75/2005/NĐ-CP ngày 7 tháng 6 năm 2005[9].

Khi thành lập, thành phố Bắc Giang có 32,21 km² diện tích tự nhiên, 126.810 nhân khẩu, và có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 7 phường: Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Mỹ Độ, Ngô Quyền, Thọ Xương, Trần Nguyên Hãn, Trần Phú và 4 xã: Đa Mai, Dĩnh Kế, Song Mai, Xương Giang.

Ngày 27 tháng 9 năm 2010, Chính phủ ban hành nghị quyết số 36/NQ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Lạng GiangYên Dũng để mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang. Theo đó, các xã được chuyển vào thành phố Bắc Giang bao gồm: xã Dĩnh Trì (huyện Lạng Giang), 4 xã Song Khê, Tân Mỹ, Tân Tiến, Đồng Sơn (huyện Yên Dũng).[10]

Ngày 31 tháng 12 năm 2013, Nghị quyết 140/NQ-CP của Chính phủ thành lập 3 phường Xương Giang, Dĩnh Kế, Đa Mai trên cơ sở các xã có tên tương ứng [1]

Ngày 3 tháng 12 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 2168/QĐ-TTg công nhận thành phố Bắc Giang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bắc Giang[11]

Thành phố Bắc Giang có 66,73 km2 diện tích tự nhiên và 162.430 nhân khẩu thường trú (dân số quy đổi khoảng 210.000 nhân khẩu), có 16 đơn vị hành chính trực thuộc là 10 phường: Đa Mai, Dĩnh Kế, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Mỹ Độ, Ngô Quyền, Thọ Xương, Trần Nguyên Hãn, Trần Phú, Xương Giang và 6 : Dĩnh Trì, Đồng Sơn, Song Khê, Song Mai, Tân Mỹ, Tân Tiến.

Dự kiến năm 2020, các xã: Nội Hoàng, Tiền Phong, Tân Liễu, Hương Gián, thị trấn Tân Dân của huyện Yên Dũng; các xã Thái Đào, Tân Dĩnh, Xuân Hương của huyện Lạng Giang và xã Tăng Tiến của huyện Việt Yên sẽ được sáp nhập vào thành phố Bắc Giang; quy hoạch 6 xã: Tân Mỹ, Tân Tiến, Dĩnh Trì, Song Khê, Song Mai, Đồng Sơn và thị trấn Tân Dân thành 7 phường có tên tương ứng để trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Giang trước năm 2025.

Trong chiến đấu và xây dựng đất nước, Thành phố Bắc Giang đã có hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Trong đó Thành phố được tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ", Huân chương lao động hạng Nhì trong thời kỳ đổi mới; 05 phường, xã được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ"; phong tặng và truy tặng 26 danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Thành phố đã 4 lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, làm việc với tỉnh và Thành phố (năm 1955, 1959, 1961 và 1963).

Khí hậu

Đặc trưng khí hậu chịu ảnh hưởng của gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 - 10, mùa khô từ tháng 11- 3. Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 23,20C - 23,80C. Độ ẩm trung bình từ 83 - 84%. Tổng lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.400 - 1.730mm. Nhìn chung, các điều kiện tự nhiên của thành phố Bắc Giang thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

Dữ liệu khí hậu của Bắc Giang
Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Năm
Cao kỉ lục °C (°F) 30.8 31.3 33.6 36.3 38.7 39.1 37.6 37.1 37.0 34.8 33.5 30.0 39,1
Trung bình cao °C (°F) 19.7 20.0 22.6 26.8 31.1 32.5 32.6 32.0 31.2 28.9 25.6 22.1 27,1
Trung bình ngày, °C (°F) 16.2 17.1 19.9 23.7 27.1 28.7 29.0 28.4 27.4 24.7 21.1 17.7 23,4
Trung bình thấp, °C (°F) 13.6 15.0 17.9 21.5 24.3 25.8 26.2 25.8 24.5 21.5 17.8 14.5 20,7
Thấp kỉ lục, °C (°F) 3.4 4.6 5.9 12.2 16.1 19.2 21.8 21.6 17.2 10.3 6.7 2.8 2,8
Giáng thủy mm (inch) 24
(0.94)
27
(1.06)
49
(1.93)
111
(4.37)
193
(7.6)
256
(10.08)
253
(9.96)
286
(11.26)
176
(6.93)
121
(4.76)
38
(1.5)
18
(0.71)
1.552
(61,1)
Độ ẩm 78.3 81.6 85.3 86.1 83.1 82.3 82.4 84.5 82.3 80.2 77.4 76.5 81,7
Số ngày giáng thủy TB 8.3 10.6 14.9 14.0 13.8 15.4 14.9 16.6 11.9 10.1 6.5 4.3 141,3
Số giờ nắng trung bình hàng tháng 77 47 49 90 193 179 203 189 202 182 153 133 1.695
Nguồn: Vietnam Institute for Building Science and Technology[12]

Cơ sở hạ tầng

Với vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách thủ đô Hà Nội 50 km về phía Đông Bắc, ở vị trí trung lộ trên tuyến giao thông huyết mạch (đường bộ, đường sắt liên vận quốc tế) nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng; ở vào vị trí đầu mối giao thông cấp liên vùng quan trọng: nằm cận kề vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có hệ thống đường bộ gồm các Quốc lộ 1A cũ và mới, 31, 37, tỉnh lộ 398; các tuyến đường sắt: Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Kép - Hạ Long, Hà Nội - Kép - Thái Nguyên chạy qua; có tuyến đường sông nối thành phố với các trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch lớn như Phả Lại, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Yên Tử, Hải Phòng; tiếp cận thuận lợi với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng nội địa Gia Lâm, cảng nước sâu Cái Lân, cảng Hải Phòng và các cửa khẩu quốc tế trên biên giới Lạng Sơn.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Bắc Giang đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị Dream Town Bắc Giang, khu đô thị Bách Việt Lake Garden...

Du lịch

Tiềm năng du lịch trên địa bàn thành phố gồm: 02 điểm du lịch tự nhiên và 42 di tích (14 di tích cấp quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh) đều đã và đang được khai thác như: Hạ tầng 2 bờ đê Sông Thương; điểm du lịch Quảng Phúc; các di tích Chùa Kế, nghè Cả (xã Dĩnh Kế); khu lăng tướng công Lều Văn Minh, chùa Vẽ, đình Vẽ, chùa Thành, đình Thành... và 34 lễ hội truyền thống (01 lễ hội cấp tỉnh) như: lễ hội kỷ niệm chiến thắng Xương Giang; hội chùa Vẽ (phường Thọ Xương), chùa Hồng Phúc(phường Trần Nguyên Hãn), chùa Dền (phường Lê Lợi)...Một số lễ hội và làng nghề truyền thống (bún Đa Mai, bánh đa Kế) được duy trì thường xuyên, có ý nghĩa dân gian và kinh tế đang từng bước hấp dẫn du khách...Thành phố hiện có khách sạn Mường Thanh Bắc Giang là khách sạn 4*

Điều kiện kinh tế

Thành phố Bắc Giang trước kia và nay được biết đến với vai trò là một trong những trung tâm lớn của vùng về công nghiệp đạm - hoá chất, công nghiệp may mặc, đồng thời là trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc cho miền Bắc, cũng như là nơi tập kết các sản phẩm nội địa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thành phố có 02 làng nghề truyền thống, một số cụm công nghiệp vừa và nhỏ gắn với hệ thống các khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh liền kề thành phố như: Quang Châu, Đình Trám, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng... đó những thuận lợi cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội và đô thị. Biểu trưng công nghiệp của thành phố Bắc Giang là công trình Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, là nhà máy phân đạm đầu tiên của Việt Nam

Năm 2013, TP Bắc Giang vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững đạt 17,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Thương mại- dịch vụ chiếm 45,2%, Công nghiệp, TTCN - Xây dựng 51,3%, Nông nghiệp - thủy sản 3,5%. Tổng thu ngân sách năm 2013 đạt 695 tỷ đồng, bằng 117% dự toán, bằng 106% so với năm trước. thu nhập bình quân đầu người đạt 59,80 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,55%; số hộ thu nhập 4 triệu đồng/tháng đạt 82%

Một số cụm công nghiệp đã được hình thành gắn với hệ thống các khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh liền kề, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp của TP cũng như của tỉnh phát triển nhanh và vững chắc. Trên địa bàn TP đã hình thành nhiều ngành nghề công nghiệp, TTCN đa dạng như chế biến nông lâm sản, cơ khí, hoá chất, dệt may, điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng... Hiện trên địa bàn có 2.110 cơ sở sản xuất công nghiệp và TTCN đang hoạt động trong đó có 1.982 cơ sở sản xuất cá thể, tổ sản xuất; 11 cơ sở kinh tế tập qthể; kinh tế hỗn hợp 105 cơ sở và 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. TP hiện có 5 làng được công nhận là làng nghề, với các ngành nghề như sản xuất bún, sản xuất mỳ gạo, làm bánh đa, nghề mộc...

TP Bắc Giang còn là địa danh nhiều người biết đến như là một trong những trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và ngược lại. Năm 2013 tổng giá trị xuất, nhập khẩu ước đạt 310 triệu USD, tăng 10% so với năm trước (xuất khẩu đạt 186 triệu USD, nhập khẩu đạt 124 triệu USD). Mạng lưới thương mại-dịch vụ cũng đã được phát triển, đặc biệt tại các tuyến phố chính trong thành phố. Trong thời gian gần đây nhiều dãy phố đã được chuyên môn hoá ngành hàng kinh doanh. Trên địa bàn Thành phố hiện nay có 09 siêu thị quy mô lớn là: Siêu thị Big C Bắc Giang, Đại siêu thị Điện máy Trần Anh, siêu thị Điện máy Mediamart, siêu thị Co.opmart Bắc Giang, siêu thị Bắc Giang, siêu thị Imexco, siêu thị Điện máy Văn Chiến, siêu thị Tmax, siêu thị Happro và nhiều siêu thị quy mô nhỏ khác. Thành phố hiện nay đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như: khu đô thị Kosy (phường Xương Giang), khu đô thị phía nam thành phố Bắc Giang, khu đô thị Tây Nam thành phố Bắc Giang...

Định hướng phát triển đến năm 2030

Theo quy hoạch, thành phố Bắc Giang sẽ là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Bắc Giang; có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng; đô thị cửa ngõ, trung tâm đầu mối phía Đông Bắc của vùng thủ đô Hà Nội với các ngành kinh tế chủ đạo: Dịch vụ trung chuyển, dịch vụ thương mại tổng hợp, đào tạo, dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - nghỉ dưỡng.[13]

Phạm vi nghiên cứu trực tiếp được xác định bao gồm: Toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Giang; khu vực phụ cận gồm các xã: Tiền Phong, Tân Liễu, Nội Hoàng, Hương Gián của huyện Yên Dũng; xã Tân Dĩnh và một phần xã Xuân Hương của huyện Lạng Giang; xã Tăng Tiến của huyện Việt Yên. Phía Bắc giáp huyện Tân Yên; phía Nam giáp huyện Yên Dũng; phía Đông giáp huyện Lạng Giang; phía Tây giáp huyện Việt Yên.

Cũng theo quy hoạch, có 04 hướng phát triển không gian thành phố: Hướng 1: Phát triển theo hướng Tây về các xã Tân Mỹ, Tăng Tiến. Hình thành trục Đô thị theo hướng Đông Tây, kết nối các chức năng Trung tâm hành chính và Đô thị hiện hữu - Đô thị dịch vụ thương mại tổng hợp.

Hướng 2, phát triển theo hướng Đông Bắc về các xã Tân Dĩnh, Dĩnh Trì; phát triển khu trung chuyển dọc theo hành lang Quốc lộ 1 kết nối Quốc lộ 31 với vành đai 5 vùng Hà Nội; hình thành trung tâm đào tạo gắn với cụm trường đào tạo nghề Dĩnh Trì.

Hướng 3, phát triển theo hướng Nam - Đông Nam về các xã Tân Tiến, Đồng Sơn; phát triển khu đô thị gắn với dịch vụ trung chuyển hàng hoá, các khu sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch gắn với núi Nham Biền.

Hướng 4, phát triển theo hướng Đông Bắc về các xã Đa Mai, Song Mai, Nghĩa Trung. Phát triển khu du lịch sinh thái, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, các khu du lịch gắn với đồi Quảng Phúc và núi Nghĩa Trung.

Dự báo đến năm 2025, dân số toàn thành phố là 253.000 người, trong đó nội thị là 172.000 người; đến năm 2035, dân số toàn thành phố là 362.000 người, trong đó nội thị là 258.000 người.

Hình ảnh

Chú thích

  1. ^ a b Nghị quyết 140/NQ-CP năm 2013 điều chỉnh địa giới hành chính phường Hoàng Văn Thụ, Ngô Quyền, Thọ Xương, xã Xương Giang, Dĩnh Kế và thành lập 3 phường Xương Giang, Dĩnh Kế, Đa Mai thuộc thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang
  2. ^ Thành phố Bắc Giang - Một thập kỷ - Đổi mới và phát triển
  3. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên HL1
  4. ^ Nghị quyết về việc hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An, hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang do Quốc hội ban hành
  5. ^ Quyết định 127-NV năm 1964 về việc thành lập xã Đa Mai thuộc thị xã Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc
  6. ^ Quyết định 130-HĐBT năm 1985 về việc điều chỉnh địa giới của một số huyện và thị xã thuộc tỉnh Hà Bắc
  7. ^ Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh do Quốc hội ban hành
  8. ^ Nghị định 33/1999/NĐ-CP về việc thành lập các phường và xã thuộc thị xã Bắc Giang và huyện Yên Thế, tính Bắc Giang
  9. ^ Nghị định 75/2005/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Bắc Giang thuộc tỉnh Bắc Giang
  10. ^ Nghị quyết 36/NQ-CP năm 2010 điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lạng Giang, huyện Yên Dũng để mở rộng địa giới hành chính thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang
  11. ^ http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=5&mode=detail&document_id=177764
  12. ^ “Vietnam Building Code Natural Physical & Climatic Data for Construction” (PDF). Vietnam Institute for Building Science and Technology. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2018.
  13. ^ Quyết định số 652/QĐ-UBND của UBND Tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tham khảo

Bản mẫu:TPVN