Chi Cạp nia

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Rắn cạp nia)
Chi Cạp nia
Rắn cạp nong (Bungarus fasciatus)
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Phân ngành (subphylum)Vertebrata
Lớp (class)Reptilia
Bộ (ordo)Squamata
Phân bộ (subordo)Serpentes
Họ (familia)Elapidae
Chi (genus)Bungarus
Daudin, 1803
Các loài
15. Xem bài.
Danh pháp đồng nghĩa

Chi Cạp nia (Bungarus) là một chi rắn thuộc họ Rắn hổ (Elapidae) có nọc độc, tìm thấy chủ yếu ở Ấn ĐộĐông Nam Á. Chi này có 15 loài và 8 phân loài. Các tên gọi phổ biến trong tiếng Việtrắn cạp nong, cạp nia, mai gầm, hổ khoang v.v.

Phân bố[sửa | sửa mã nguồn]

Các loài cạp nong, cạp nia được tìm thấy chủ yếu tại tiểu lục địa Ấn Độ (bao gồm cả Sri Lanka và miền đông Pakistan) và Đông Nam Á (bao gồm cả Indonesia Việt NamBorneo)[1].

Miêu tả[sửa | sửa mã nguồn]

Cạp nia bắc

Các loài rắn này thường có chiều dài khoảng 1-1,5 m, mặc dù có cá thể dài tới 2 m đã được quan sát thấy. Cạp nong (B. fasciatus) có thể dài tới 2,5 m. Phần lớn các loài rắn này có lớp vảy trơn và bóng được sắp xếp thành các khoang đậm màu, bao gồm các khoang đen và khoang màu sáng xen kẽ. Điều này giúp chúng ngụy trang khá tốt tại môi trường sinh sống của chúng tại các đồng cỏ và các cánh rừng có nhiều bụi rậm. Các vảy dọc theo sống lưng có hình lục giác. Đầu thon mảnh và các mắt có con ngươi tròn. Chúng có tiết diện ngang hình tam giác và phẳng ở phần lưng-hông. Đuôi hẹp dần thành điểm nhọn.

Sinh sản[sửa | sửa mã nguồn]

Chúng là loại động vật đẻ trứng và rắn cái đẻ khoảng 6 -12 trứng trong ổ bằng lá cây và sống ở đó cho đến khi trứng nở.

Thức ăn và hành vi[sửa | sửa mã nguồn]

Các loài rắn trong chi này là các loại động vật ăn thịt rắn, con mồi chủ yếu của chúng là các loài rắn khác (bao gồm cả những loài có nọc độc) và chúng ăn thịt cả đồng loại. Chúng cũng ăn thịt cả các loài thằn lằn nhỏ[2].

Tất cả các loài thuộc chi này đều kiếm ăn về đêm. Ban ngày chúng khá hiền lành, nhưng trở nên hung dữ hơn về đêm. Tuy nhiên, nói chung chúng khá nhút nhát và thông thường hay ẩn giấu đầu của chúng trong phần thân được cuộn tròn lại để tự vệ. Trong tư thế như vậy, đôi khi chúng sẽ quất đuôi như một dạng của sự tiêu khiển và cảnh báo[3].

Nọc độc[sửa | sửa mã nguồn]

Các loài trong chi Bungarus có nọc độc với độc tính đối với hệ thần kinh, có hiệu lực cao hơn nhiều lần so với nọc rắn hổ mang[1]. Cú cắn của chúng rất nguy hiểm và gây ra trụy hệ hô hấp đối với nạn nhân. Trước khi có thuốc chữa rắn cắn có tác dụng được điều chế ra, thì tỷ lệ tử vong của nạn nhân lên tới 75%[4]. Vì các vết cắn của chúng ít khi sưng hay đau nhiều, nạn nhân có thể nhận được cấp cứu quá trễ sau khi triệu chứng tê liệt thần kinh đã bột phát [2]; một điều may mắn là chúng rất ít khi hung hãn. Năm 2001, tiến sĩ Joe Slowinski đã bị một con cạp nia non cắn trong khi tiến hành nghiên cứu thực địa về chúng tại Myanma, do không kịp nhận sự hỗ trợ y tế nên đã tử vong.

Các loài[sửa | sửa mã nguồn]

Loài Tác giả Số lượng
phân loài*
Tên gọi Khu vực
B. andamanensis Biswas & Sanyal, 1978 0 Cạp nia nam Andaman Ấn Độ (quần đảo Andaman)
B. bungaroides (Cantor, 1839) 0 Cạp nia miền đồi đông bắc Myanma, Ấn Độ (Assam, Cachar, Sikkim), Nepal, Việt Nam
B. caeruleusT (Schneider, 1801) 0 Cạp nia Ấn Độ Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ (Maharashtra, Karnataka), Sri Lanka, Bangladesh, Nepal
B. candidus (Linnaeus, 1758) 0 Cạp nia nam, mai gầm bạc, rắn hổ khoang, rắn vòng bạc Campuchia, Indonesia (Java, Sumatra, Bali, Sulawesi), Malaysia (Malaya), Singapore, Thái Lan, Việt Nam
B. ceylonicus Günther, 1864 2 Cạp nia Ceylon Sri Lanka
B. fasciatus (Schneider, 1801) 0 Cạp nong, mai gầm vàng, rắn đen vàng, rắn vòng vàng, rắn hai đầu Bangladesh, Brunei, Myanma, Campuchia, miền nam Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông, Hải Nam, Ma Cao), đông bắc Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Indonesia (Sumatra, Java, Borneo), Lào, Malaysia (Malaya và miền đông Malaysia), Singapore, Thái Lan, Việt Nam
B. flaviceps Reinhardt, 1843 2 Cạp nong đầu đỏ, cạp nia đầu vàng Nam Thái Lan, nam Myanma, Campuchia, Việt Nam, bán đảo Mã Lai, Pulau Tioman, Indonesia (Bangka, Sumatra, Java, Billiton, Borneo)
B. lividus Cantor, 1839 0 Cạp nia đen nhỏ Ấn Độ, Bangladesh, Nepal
B. magnimaculatus Wall và Evans, 1901 0 Cạp nia Myama Myanma
B. multicinctus Blyth, 1861 2 Cạp nia bắc, mai gầm bạc, kim tiền bạch hoa xà, rắn hổ khoang, rắn vòng bạc Đài Loan, miền nam Trung Quốc (gồm Hồng Kông, Hải Nam), Myanma, Lào, miền bắc Việt Nam, Thái Lan
B. niger Wall, 1908 0 Cạp nia đen Ấn Độ (Assam, Sikkim), Nepal, Bangladesh, Bhutan
B. persicus Abtin, Nilson, Mobaraki, Hooseini & Dehgannejhad, 2014 0 Iran (Baluchistan)
B. sindanus Boulenger, 1897 2 Cạp nia Sind đông nam Pakistan, tây bắc Ấn Độ
Bungarus slowinskii [5] U. Kuch, D. Kizirian, N. Q. Truong, R. Lawson, M. A. DonnellyD. Mebs 0 Cạp nia (nong) sông Hồng Miền bắc Việt Nam
B. walli Wall, 1907 0 Cạp nia Wall trung nam Ấn Độ (Uttar Pradesh), Nepal, Bangladesh.

*) Bao gồm cả nguyên chủng
T) Loài điển hình.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ SurvivalIQ: Krait
  2. ^ “Trang về chi cạp nia của Richard Mastenbroek: Cạp nia (chi Bungarus)”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2006.
  3. ^ “Sự sống tại Indonesia: Rắn cạp nong”. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 5 năm 2006. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2006.
  4. ^ Các biện pháp sơ cứu khi bị rắn hổ khoang cắn (các loài chi Bungarus) Lưu trữ 2006-08-30 tại Wayback Machine.
  5. ^ A New Species of Krait (Squamata: Elapidae) from the Red River System of Northern Vietnam Ulrich Kuch, David Kizirian, Nguyen Quang Truong, Robin Lawson, Maureen A. Donnelly, and Dietrich Mebs, Copeia 2005(4):818-833. 2005 / tháng 12 năm 2005 / pg(s) 818-833 doi:10.1643/0045-8511(2005)005[0818:ANSOKS]2.0.CO;2

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]