Trận thành Gia Định, 1859
Trận thành Gia Định | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Pháp xâm lược Đại Nam | |||||||
Quân Pháp tấn công thành Gia Định. | |||||||
| |||||||
Tham chiến | |||||||
Nhà Nguyễn | Tây Ban Nha | ||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||
Võ Duy Ninh Vũ Thực Lê Từ Trần Trí Tôn Thất Năng | Charles Rigault de Genouilly | ||||||
Lực lượng | |||||||
2.000 quân chính quy 200 đại bác 1 hải phòng hạm 7 chiến thuyền. |
2.000 quân 8 tàu chiến Số đại bác: không rõ. | ||||||
Thương vong và tổn thất | |||||||
Võ Duy Ninh và Lê Từ đều tự vẫn. Số thương vong không rõ. Ngoài ra, còn chịu nhiều tổn thất khác. | không rõ. |
Trận thành Gia định hay Trận Gia Định là một trận chiến diễn ra vào rạng sáng ngày 17 tháng hai năm 1859, giữa liên quân Pháp và Tây Ban Nha với quân đội vương quốc Đại Nam. Kết quả quân đội Đại Nam thất bại và thành Gia Định cùng các đồn lũy quân sự khác dọc sông Lòng Tàu bị liên quân Pháp và Tây Ban Nha san phẳng.
Nguyên nhân
[sửa | sửa mã nguồn]Với mong muốn đánh chiếm nhanh Đà Nẵng, rồi sẽ "giáng cho Huế một đòn quyết định", để có thể làm chủ nước Đại Nam; nhưng ý đồ của Liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã không thể thực hiện được, vì vấp phải sự kháng cự của quân và dân triều Nguyễn.
Bị cầm chân ở Đà Nẵng, tướng Charles Rigault de Genouilly[1] buộc phải thay đổi kế hoạch, là rút đi hai phần ba số quân (tức 2000 người)[2] và 8 trong số 14 chiến thuyền ở mặt trận này để vào đánh chiếm Gia Định.
Mặc dù được giáo sĩ Pellerin khuyên nên đem quân ra chiếm Bắc Kỳ, vì ở đó có giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo, và những người tôn phù nhà Lê nổi lên góp sức, nhưng sau khi cân nhắc, tướng De Genouilly không tán thành.[3] Theo thư ngày 29 tháng 1 năm 1859 của viên tướng này gửi Bộ trưởng Hải quân Pháp ở Paris, thì "Sài Gòn nằm trên một con sông mà chiến thuyền của chúng ta dễ vào, và hễ quân lên bộ thì đánh thành ngay, không phải lưng cõng, vai mang, băng đồng mệt nhọc. Sài Gòn lại là một vựa thóc. Nhân dân và binh lính ở kinh thành Huế sống một phần nhờ gạo Sài Gòn. Đến tháng Ba thì thuyền chở thóc gạo, sẽ kéo buồm từ Sài Gòn ra Huế. Chúng tôi quyết chặn thóc gạo đó lại..."[4]
Như vậy, việc Pháp chọn mặt trận thứ hai ở Sài Gòn, cũng không nằm ngoài mục đích muốn chiếm đóng và tìm kiếm lợi lộc từ nước Việt. Và nếu không thể "đánh nhanh, thắng nhanh" ở Đà Nẵng được, thì Sài Gòn quả là một địa bàn thuận lợi hơn Hà Nội, bởi ở đây có một hệ thống sông rạch chằng chịt, nhiều sản vật, nhiều của cải và nhiều lúa gạo nhất Đại Nam. Cho nên, De Genouilly mong muốn chiếm lĩnh Sài Gòn để có thể "vừa lập nghiệp, vừa phòng thủ", "vừa hành binh, vừa lưu thông thương mại dễ dàng". Ngoài việc cắt đứt con đường tiếp tế lương thực cho Huế như đã ghi trên, thực dân Pháp sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện ý đồ làm chủ lưu vực sông Mê Kông, và xa hơn nữa là phía Bắc...[5].
Diễn biến
[sửa | sửa mã nguồn]Trên đường tiến quân
[sửa | sửa mã nguồn]Từ nhận định trên, ngày 2 tháng 2 năm 1859, tướng De Genouilly đem số tàu và số quân đã kể trên, tiến vào Nam.
Ngày 10 tháng 2, đại bác Pháp bắn vào Vũng Tàu.
Ngày 11 tháng 2, đoàn tàu chiến Pháp vào sông Cần Giờ. Sau đó, quân Pháp vừa đi vừa tháo gỡ những chướng ngại vật trên sông và triệt phá 12 đồn trại của quân Việt ở hai bên bờ, nên mãi tới chiều 15 tháng 2, quân Pháp mới đến được ụ Hữu Bình[6]. Tức thì, cuộc đấu pháo đã diễn ra dữ dội suốt đêm. Quân Việt dùng thuyền nhỏ chở đầy thuốc súng và rơm khô, định dùng kế hoả công nhưng bị quân Pháp biết, sai người lén đốt trước.
Sáng sớm hôm sau, tức ngày 16 tháng 2, bảy tàu chiến Pháp dàn trận rồi ra sức bắn phá cho đến khi quân Việt phải bỏ chạy và quân Pháp xông lên chiếm được pháo đài. Và ngày hôm sau nữa (17 tháng 2), các tàu chiến Pháp đã có mặt trước thành Gia Định.
Tấn công thành Gia Định
[sửa | sửa mã nguồn]Thất thủ
[sửa | sửa mã nguồn]Nhờ cho hai tàu nhỏ vào rạch Thị Nghè thám thính, cộng thêm sự chỉ dẫn của giáo sĩ Lefèbvre, nên các sĩ quan Pháp đã hiểu khá rõ lực lượng và cách bố phòng của thành Gia Định.
Sáng sớm ngày 17 tháng 2, tướng De Genouilly cho đại bác trên tất cả các tàu chiến bắn yểm hộ rồi cho một cánh quân đổ bộ. Đội quân ấy đi theo con đường mà sau này (1865), Pháp đặt tên là đường Citadelle[7] rồi dùng chất nổ phá thành. Pháo trên thành bắn xuống tàu đối phương nhưng không mấy hiệu quả. Và khi đánh thủng được cửa Đông, quân Pháp dùng thang cao leo vào thành, thì đôi bên liền xông vào đánh giáp lá cà. Đến khoảng 10 giờ trưa, Hộ đốc Võ Duy Ninh, đang giữ trọng trách trấn thủ thành, ra lệnh lui quân, bỏ lại hầu hết súng đạn, thóc gạo và hơn trăm chiến thuyền gỗ trên sông Thị Nghè.
Chạy đến thôn Phước Lý (thuộc tổng Phước Lộc, huyện Tân Bình xưa) Hộ đốc Võ Duy Ninh và Án sát Lê Từ tự vẫn, còn Đề đốc Trần Trí, Bố chánh Vũ Thực, Lãnh binh Tôn Thất Năng, nhờ sự yểm trợ của đạo quân ứng nghĩa do Lê Huy và Trần Thiệu Chính chỉ huy, nên mang quân chạy về được ụ Tây Thới[8].
Theo A. Thomazi, trong thành Gia Định lúc này có hơn 2.000 quân với 200 đại bác bằng sắt, bằng đồng, một hải phòng hạm, bảy chiến thuyền, 25.000 kg thuốc súng, tiền bạc trị giá tương đương 130.000 francs, thực phẩm đủ nuôi 8.000 quân trong một năm[9].
Tuy thắng trận, nhưng thực dân Pháp không đủ quân để giữ thành, không nhận được sự hỗ trợ từ các giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo[10] và luôn bị các đội nghĩa quân ngày đêm bám sát, tìm cách bao vây, nên quân Pháp đã phải quyết định phá hủy thành Gia Định.
Biến thành tro bụi
[sửa | sửa mã nguồn]Vào ngày 8 tháng 3 năm 1859, tướng De Genouilly cho đặt mấy chục ổ thuốc nổ phá tung nhiều đoạn trường thành, đốt dinh thự kho tàng bên trong, đốt cả thóc lúa. Kể lại vụ việc này, sách Địa chí TP. Hồ Chí Minh, tập I, có đoạn:
- Kho thóc thành Gia Định cháy mãi hai năm mà khói còn nghi ngút. Hai mươi bốn tháng nắng mưa không làm tắt được đám cháy nào. Quân Pháp cũng cướp giật, đốt luôn nhiều phố xá thương mãi và thôn xóm dân cư. Và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã ghi:
- Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
- Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây...[11]
Sau khi phá thành
[sửa | sửa mã nguồn]Phá tan thành Gia Định xong, De Genouilly chỉ để lại một số quân đóng giữ ở đồn Nam (đồn Hữu Bình), còn bao nhiêu rút hết xuống các tàu chiến.
Ngày 20 tháng 4 năm 1859, viên tướng trên giao quyền cho Đại tá hải quân Jauréguibery chiếm giữ Gia Định, rồi lui tàu trở lại mặt trận Đà Nẵng, vì lúc này quân Pháp ở đó đang bị nguy khốn vì thương vong và dịch bệnh...
Phản ứng và ghi nhận
[sửa | sửa mã nguồn]Của vua quan nhà Nguyễn
[sửa | sửa mã nguồn]Nghe tin Gia Định thất thủ, triều đình Huế vẫn chủ trương để đại quân phòng ngự Đà Nẵng, chỉ phái thượng thư bộ Hộ Tôn Thất Hiệp mang 15.000 quân vào đóng ở Biên Hòa".[12]
Tổng đốc Long Tường Trương Văn Uyển một mặt gửi sớ về triều đình báo tin thất thủ Gia Định, mặt khác ông cũng triệu tập các trấn thủ khác ở An Giang, Định Tường, Hà Tiên hợp sức chống cự. Tổng đốc Trương Văn Uyển kéo quân tới đồn Lão Sầm, gần chùa Mai Sơn để tấn công nhưng quân Pháp đổ ra bao vây, quân nhà Nguyễn phải lui về cố thủ Vĩnh Long và trong trận này, chủ tướng của quân Nguyễn bị trọng thương.[13]
Theo như nhận định của Nguyễn Phan Quang, "một cuộc giải phóng đất nước đã mở ra" nhưng tướng nhà Nguyễn chỉ huy mặt trận Gia Định là Tôn Thất Hiệp lại chủ trương "án binh bất động" để "làm nản lòng địch". Do vậy, thời cơ đánh bật quân xâm lược ra khỏi bờ cõi bị bỏ qua.[14]
Của nhân dân Việt
[sửa | sửa mã nguồn]Quân Pháp tuy đã hạ được thành Gia Định, nhưng phải đối phó với những đạo quân "ứng nghĩa" hoạt động sôi nổi ở khắp nơi, đêm ngày phục kích, đột kích, bao vây đối phương. Nhân dân cũng đã tự thiêu hủy nhà cửa, di tản hết, không hợp tác với Pháp.[14] Ngoài ra cũng có những người dân địa phương đi lính cho Pháp.[15]
Ghi nhận của Pháp
[sửa | sửa mã nguồn]Sách Địa chí văn hóa TP. Hồ Chí Minh, tập I, trích lại báo cáo của quân Pháp:
- Người Việt Nam tự vệ mạnh mẽ, đường đạn của họ không phải là không chính xác, tàu La Dragonne bị trúng ba phát đạn, tàu Avalanche bị 7 phát...[11]
Trước sự kháng cự của quân và dân Việt, đêm 21 tháng 4 năm 1859, quân Pháp ở đồn Hữu Bình bị thiệt hại khá nặng. Trong một báo cáo gửi về Bộ hải quân Pháp ở Paris, tướng De Genouilly đã than rằng:
- "Bây giờ tôi không biết bằng cách gì và đến chừng nào cái sự việc Nam Kỳ này sẽ được giải quyết.[11]Không thể không thừa nhận rằng cuộc chiến tranh với nước này còn khó hơn cuộc chiến tranh với vương quốc Trung Hoa.[14]"
Nhận xét
[sửa | sửa mã nguồn]- Sử gia Trần Trọng Kim:[16]
- Ở Gia Định, bấy giờ tuy có nhiều binh khí, nhưng quân lính không luyện tập, việc võ bị bỏ trễ nải, cho nên khi quân Pháp ở cửa Cần Giờ tiến lên, quan hộ đốc là Vũ Duy Ninh vội vàng tự đi các tỉnh lấy binh về cứu viện; nhưng chỉ trong hai ngày thì thành vỡ...
- GS. Trần Văn Giàu:[17]
- Khi Pháp đến đánh, trong thành Gia Định chỉ có hơn một nghìn quân thủ thành, trong thành có đủ khí giới, lương thực cho mười ngàn quân đóng giữ trong một năm. Điều đó chứng tỏ rằng, triều đình thờ ơ với sự phòng vệ, mặc dầu năm sáu tháng nay Pháp đánh Đà Nẵng, và từ hơn tuần nay đối phương vào Cần Giờ liên tiếp...
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Nhiều người soạn, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh , tập I, Nhà xuất bản. Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
- Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
- Hoàng Văn Lân & Ngô Thị Chính, Lịch sử Việt nam (1858 - cuối thế kỷ 19) quyển 3, tập 1, phần 1, Nhà xuất bản Giáo dục, 1979.
- Nhiều người sọan, Lịch sử lớp 11 (nâng cao), Nhà xuất bản Giáo dục, 2007, tr. 224.
- Nhiều người soạn, Hỏi Đáp lịch sử (tập 4), Nhà xuất bản Trẻ, tr. 32-34.
- Nhiều người soạn, Hỏi đáp về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh tập I, Nhà xuất bản Trẻ, 2006, tr. 103
- Huỳnh Minh, Gia Định xưa, Nhà xuất bản VH-TT, 2006, tr. 96.
- Phan Trần Chúc, Nguyễn Tri Phương, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2001.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Charles Rigault de Genouilly sinh ngày 12 tháng 4 năm 1807 ở Rochefort, được phong hàm Đại úy hải quân năm 1834, Đại tá năm 1848, Chuẩn Đô đốc năm 1854, Phó Đô đốc năm 1858 (theo Hỏi đáp lịch sử, tập 4, tr. 13).
- ^ Sách Gia Định xưa (tr. 96) ghi là 2.176 quân.
- ^ Xem thêm phần phân tích vì sao tướng De Genouilly không tấn công ra Bắc của Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển V, tập thượng, Sài Gòn, tr. 76-79.
- ^ Trích nguyên văn tiếng Pháp: "...C'est parce que je crois fermement au succès de l'expédition sur Saigon que je vais me porter sur cette ville. Saigon est un fleuve accessible à nos corvettes de guerre et à nos transports. Les troupes, en débarquant, seraient sur le point d'attaque; elles n'auraient donc ni marches à fournir ni vivres à porter. Cette opération est tout à fait dans la mesure de leur force physique. Je ne sais si Saigon sera mal ou bien défendu, tant les rapports des missionnaires au suiet de cette place sont confus et contradictoires. J'ai à bon droit d'ailleurs perdu toute confiance dans leurs dires. Mais, quoi qu'il en soit, Saigon est l'entrepôt des riz qui nourrissent en partie Hue et l'armée annamite et qui doivent remonter vers le Nord; au mois de mars nous arrêterons ces riz. Le coup porté à Saigon prouvera, d'ailleurs, au Gouvernment annamite que, tout en gardant Tourane, nous soomes capables d'une opération extérieure, l'humiliera dans son orgueil vis-à-vis des Rois de Siam et du Cambodge, ses voisins, qui le détestent et qui ne seraient pas fâchés de trouver l'occasion de reprendre ce qui leur a été pris."
- ^ Lược theo Nguyễn Phan Quang (Việt Nam thế kỷ 19, tr. 270-271). Trong Thư gửi Bộ trưởng Hải quân Pháp ngày 29 tháng 1 năm 1859, De Genouilly viết: "theo dư luận, các thương gia Hồng Kông đang thúc giục các nhà chức trách Vương quốc Anh ở đấy tổ chức tấn công vào mục tiêu này (Gia Định). Theo tôi, chúng ta cần phải chận đứng sự xuất hiện của quân Anh trong phạm vi hoạt động của chúng ta". Ngoài ra, khi chiếm được Nam Kỳ, Pháp sẽ ngược sông Cửu Long tiến chiếm luôn vương quốc Căm Bốt (theo Lịch sử Việt Nam, sách ở mục tham khảo, tr. 34).
- ^ Ụ Hữu Bình vốn là một đồn nhỏ nằm bên hữu ngạn sông Sài Gòn đắp từ thời chúa Nguyễn Ánh (1789) và gọi là đồn Thảo Câu. Sau lại gọi là đồn Giao Khẩu. Năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) đổi tên là pháo đài Hữu Bình. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), cho tu bổ, đắp thêm núi đất và lập riêng xưởng pháo (theo Đại Nam nhất thống chí, tập 31: "tỉnh Gia Định", mục: "Cửa quan và tấn sở"). Theo Nguyễn Đình Đầu, đồn còn có tên là đồn Vàm Cỏ, khi quân Pháp chiếm gọi là Fort du Sud (người Việt dịch là Đồn Nam). Đồn này nằm ở cuối kho Thương cảng, góc sông Sài Gòn với cầu Tân Thuận ngày nay. Đối diện với đồn Vàm Cỏ là đồn Giác Ngư (hay Dốc Ngư, tục gọi là đồn Cá Trê) đắp năm 1789, sau đổi là Tả Định, quân Pháp gọi là Fort du Nord (người Việt dịch là Đồn Nam). Đồn này nằm bên Thủ Thiêm trên bờ tả ngạn sông Sài Gòn (Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh , tập 1, tr. 172).
- ^ Đường Citadelle, năm 1920, đổi thành đường Luro. Sau 1954, chính quyền Sài Gòn, Luro đổi thành Cường Để. Năm 1980, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho nhập bến Bạch Đằng và Cường Để làm một và đổi tên là Tôn Đức Thắng...(Theo Hỏi đáp về Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, tập I, tr. 103)
- ^ Theo Trần Văn Giàu, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập I (tr. 249) và Lịch sử Việt nam (1858 đến cuối thế kỷ 19), sách dẫn ở mục tham khảo, tr. 35.
- ^ Dẫn lại theo Việt Nam thế kỷ XIX (tr. 272). Tổn hại về mặt vật chất, theo GS. Trần Văn Giàu: "Quân Việt đã bỏ lại trong thành 200 súng đại bác bằng đồng hay bằng gang, 20.000 vũ khí các loại, 86.000 kg thuốc súng và một số gạo đủ nuôi hàng vạn quân trong cả năm, 9 chiến thuyền đã đóng và đương đóng ở dưới ụ nơi rạch Thị Nghè. Tính tất cả theo thời giá là 20 triệu quan". (Tổng tập, tập I, tr. 70). Và của Trần Trọng Kim: "Liên quân vào thành, lấy được 200 khẩu súng đại bác, 8 vạn rưỡi kilos thuốc súng và độ chừng 18 vạn phật lăng (francs) cả tiền lẫn bạc, còn các binh khí và thóc gạo thì không biết bao nhiêu mà kể. [1] Lưu trữ 2009-05-19 tại Wayback Machine
- ^ Theo báo cáo của De Genouilly ngày 14 tháng 3 năm 1859, lưu tại Kho lưu trữ quốc gia Pháp. KH: BB4-769. Dẫn lại theo Hỏi đáp lịch sử tập 4, tr. 34.
- ^ a b c Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh , tập I, tr. 249-250.
- ^ Hỏi Đáp lịch sử tập 4, tr.33.
- ^ Phan Trần Chúc, Nguyễn Tri Phương, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, tr 39.
- ^ a b c Việt Nam thế kỷ XIX, tr. 274.
- ^ Đặng Đức Thi, Tư liệu, tranh ảnh và bản đồ Lịch sử 8, Nhà xuất bản GD tr 103
- ^ “Xem Việt Nam sử lược”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2009.
- ^ Trần Văn Giàu, Tổng tập (tập I), Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2006, tr. 70.