Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2007/11

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 11 năm 2007
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Thánh địa Cát Tiên

Thánh địa Cát Tiên
Thánh địa Cát Tiên

Thánh địa Cát Tiên là tên gọi quần thể di chỉ khảo cổ được phát hiện từ năm 1985, nằm trong một bồn địa rộng hàng trăm hecta và trải trên chiều dài khoảng 15 km dọc theo hệ thống sông Đạ Đường–Đồng Nai, bao gồm rất nhiều gò đồi và bãi bồi ven sông được bao bọc bởi dãy núi cuối cùng của Trường Sơn Nam. Toàn bộ khu di tích này thuộc địa phận kéo dài từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, trong đó mật độ di chỉ khảo cổ tập trung dày đặc ở khu vực xã Quảng Ngãi thuộc huyện vùng sâu vùng xa Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng, khu vực nam Tây Nguyên.

Các khoa học gia đoán định thánh địa này xuất hiện khoảng thế kỷ 4 đến thế kỷ 8, thuộc về nền văn hóa của một vương quốc mà ý kiến của nhiều nhà khoa học, trong nỗ lực tìm kiếm chủ nhân đích thực của thánh địa, vẫn chưa đạt sự đồng thuận. Các hiện vật, lăng mộ và tháp tại Thánh địa Cát Tiên ra đời trong thời kỳ nào, thuộc phong cách nghệ thuật nào, chủ nhân là ai, nằm trong bối cảnh nào trong tiến trình lịch sử phương Nam, có vai trò gì trong quá trình hình thành quốc gia cổ đại, mối quan hệ của thánh địa với cộng đồng dân cư bản địa đã sinh sống nơi đây từ những thế kỷ trước công nguyên thuộc di chỉ tiền sử Phù Mỹ ra sao, là những câu hỏi gây tranh luận sôi nổi trong giới khảo cổ học, văn hóa học, sử học qua nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, và những thông tin tiếp tục hé lộ từ Cát Tiên vẫn luôn làm sửng sốt dư luận cũng như giới học giả trong và ngoài nước.

Tên người Việt Nam

Họ Nguyễn bằng chữ Hán
Họ Nguyễn bằng chữ Hán

Tên người Việt Nam được các nhà nghiên cứu cho rằng bắt đầu có từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên và càng ngày càng đa dạng hơn, có ý kiến khác cho rằng “sớm nhất Việt Nam có tên họ vào khoảng đầu Công Nguyên”.

Không có một nguyên tắc chung nào trong việc đặt tên, nhưng đối với tâm lý của người Việt Nam, việc đặt tên rất quan trọng vì mỗi cái tên gắn chặt với mỗi con người. Có thể căn cứ vào đặc điểm, giới tính, hoàn cảnh gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội và cả ước vọng của chính bản thân để người đặt tên gửi gắm vào cái tên đó. Tên người Việt Nam ngoài chức năng để phân biệt người này với người khác ngoài ra, tên còn có chức năng thẩm mỹ nên thường được chọn lựa khá kỹ về mặt ngữ âm, ngữ nghĩa. Thông thường, họ tên người Việt được nói và viết theo thứ tự: Họ + Tên đệm + Tên chính.

Cá biệt có hơn cả 1000 người nam thuộc 9 dòng ở 3 thôn Cẩm Khê, Bối Khê, Cẩm Bối, xã Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên đều bắt đầu bằng Họ đệm là Đỗ như Đỗ Tràng, Đỗ Văn, Đỗ Bá, Đỗ Quang, Đỗ Đình, Đỗ Trí, Đỗ Đắc, Đỗ Khoa, Đỗ Trọng. Chữ Đỗ ở đây không phải là họ mà chỉ là chữ đệm, còn họ chính là chữ thứ nhì như Tràng, Văn, Bá, Quang, Đình … trong khi con gái thì lại đặt tên có họ chính đứng đầu như người bình thường như Tràng Thị Xuân, Văn Thị Thu. Ngoài ra người Việt còn nhiều loại tên khác, có loại đã vĩnh viễn đi vào lịch sử, có loại mới xuất hiện khi Việt Nam tiếp xúc với văn hóa tây phương, có loại dành riêng cho một giai cấp hoặc tầng lớp xã hội nhất định.

Chiến tranh Vùng Vịnh

Hình ảnh chiến tranh
Hình ảnh chiến tranh

Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 (cũng gọi là Chiến tranh vịnh Péc-xích hay Chiến dịch Bão táp Sa mạc) là một cuộc xung đột giữa Iraq và liên minh gần 30 quốc gia do Hoa Kỳ lãnh đạo và được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn để giải phóng Kuwait.

Sự kiện dẫn tới chiến tranh là việc Iraq xâm chiếm Kuwait ngày 2 tháng 8 năm 1990, sau khi Iraq cho rằng (nhưng không chứng minh được) Kuwait đã “khoan nghiêng” giếng dầu của họ vào biên giới Iraq. Hậu quả của cuộc xâm chiếm là Iraq ngay lập tức bị Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế. Những hành động quân sự bắt đầu từ tháng 1 năm 1991, dẫn tới một thắng lợi hoàn toàn của các lực lượng đồng minh, buộc quân đội Iraq phải rút khỏi Kuwait với tổn thất nhân mạng ở mức tối thiểu cho lực lượng đồng minh. Những trận đánh chính là những trận đánh trên không và trên bộ bên trong Iraq, Kuwait và những vùng giáp biên giới Ả Rập Saudi. Cuộc chiến không mở rộng ra ngoài vùng biên giới Iraq–Kuwait–Ả Rập Saudi, dù Iraq đã bắn tên lửa vào các thành phố của Israel.

Dòng máu anh hùng

Các diễn viên phim Dòng máu anh hùng tại Thái Lan
Các diễn viên phim Dòng máu anh hùng tại Thái Lan

Dòng máu anh hùng là một bộ phim hành động dã sử Việt Nam được công chiếu vào tháng 4 năm 2007. Bộ phim có đề tài lịch sử, lấy bối cảnh chính là cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào thập niên 1920. Tên chính thức tiếng Anh của phim là The Rebel.

Dòng máu anh hùng do hai hãng phim Chánh Phương và Cinema Pictures hợp tác sản xuất. Thành phần chủ chốt của đoàn làm phim là một số nhà làm phim trẻ Việt kiều tại Mỹ. Phim do Charlie Nguyễn đạo diễn, cùng các diễn viên Johnny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Nguyễn Chánh Tín, Nguyễn Thắng.

Khởi quay từ đầu năm 2006, ngày 12 tháng 4 năm 2007, bộ phim được chiếu ra mắt thế giới tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế lần thứ III diễn ra tại Mỹ. Sau khi trở về từ đại hội, đoàn phim có buổi ra mắt tại Việt Nam vào ngày 20 tháng 4 năm 2007 trước khi công chiếu trên cả nước vào ngày 27 tháng 4 năm 2007.

Hy Lạp

Quốc kỳ Hy Lạp
Quốc kỳ Hy Lạp

Hy Lạp, tên chính thức Cộng hòa Hy Lạp, là một quốc gia thuộc khu vực châu Âu, nằm phía nam bán đảo Balkan. Hy Lạp giáp với các nước Albania, MacedoniaBulgaria về phía bắc, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ về phía đông. Biển Aegaeum bao bọc phía đông và phía nam Hy Lạp, còn biển Ionia nằm ở phía tây. Phần lớn địa hình của đất nước này là núi non hiểm trở. Hy Lạp có rất nhiều những hòn đảo lớn nhỏ thuộc khu vực Địa Trung Hải. Theo số liệu tháng 7 năm 2007, dân số Hy Lạp là 10.706.290 người, mật độ dân số khoảng 82 người/km².

Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn minh quanh khu vực Địa Trung Hải. Đây là nơi ra đời của nền dân chủ, triết học phương Tây và Thế vận hội Olympic. Đến thời trung cổ, Hy Lạp trở thành một bộ phận của Đế chế Byzantine, rồi sau đó lại nằm trong Đế chế Ottoman trong gần bốn thế kỉ. Năm 1821, nhân dân Hy Lạp đã nổi dậy khởi nghĩa, giành lại độc lập cho dân tộc.

Đất nước Hy Lạp ngày nay là một quốc gia phát triển. Hy Lạp là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, NATO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 1981, Hy Lạp trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu.