Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2007/12

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 12 năm 2007
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Hy Lạp

Quốc kỳ Hy Lạp
Quốc kỳ Hy Lạp

Hy Lạp, tên chính thức Cộng hòa Hy Lạp, là một quốc gia thuộc khu vực châu Âu, nằm phía nam bán đảo Balkan. Hy Lạp giáp với các nước Albania, MacedoniaBulgaria về phía bắc, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ về phía đông. Biển Aegaeum bao bọc phía đông và phía nam Hy Lạp, còn biển Ionia nằm ở phía tây. Phần lớn địa hình của đất nước này là núi non hiểm trở. Hy Lạp có rất nhiều những hòn đảo lớn nhỏ thuộc khu vực Địa Trung Hải. Theo số liệu tháng 7 năm 2007, dân số Hy Lạp là 10.706.290 người, mật độ dân số khoảng 82 người/km².

Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn minh quanh khu vực Địa Trung Hải. Đây là nơi ra đời của nền dân chủ, triết học phương Tây và Thế vận hội Olympic. Đến thời trung cổ, Hy Lạp trở thành một bộ phận của Đế chế Byzantine, rồi sau đó lại nằm trong Đế chế Ottoman trong gần bốn thế kỉ. Năm 1821, nhân dân Hy Lạp đã nổi dậy khởi nghĩa, giành lại độc lập cho dân tộc.

Đất nước Hy Lạp ngày nay là một quốc gia phát triển. Hy Lạp là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, NATO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 1981, Hy Lạp trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu.

Vincent van Gogh

Vincent van Gogh
Vincent van Gogh

Vincent Willem van Gogh, thường được biết đến với tên Vincent van Gogh là một danh hoạ Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng. Nhiều bức tranh của ông nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và cũng đắt nhất trên thế giới. Van Gogh là nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và có ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là tới trường phái dã thú (Fauvism) và trường phái biểu hiện tại Đức.

Thời thanh niên, Van Gogh làm việc trong một công ty buôn bán tranh, sau đó là giáo viên và nhà truyền giáo tại một vùng mỏ nghèo. Ông thực sự trở thành họa sĩ từ năm 1880 khi đã 27 tuổi. Thoạt đầu, Van Gogh chỉ sử dụng các gam màu tối, chỉ đến khi được tiếp xúc với trường phái ấn tượngTân ấn tượng (Neo-Impressionism) ở Paris, ông mới bắt đầu thay đổi phong cách vẽ của mình. Trong thời gian ở Arles miền Nam nước Pháp, Van Gogh kết hợp các màu sắc tươi sáng của hai chủ nghĩa này với phong cách vẽ của mình để tạo nên các bức tranh có phong cách rất riêng. Chỉ trong 10 năm cuối đời, họa sĩ đã sáng tác hơn 2000 tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1100 bức vẽ hoặc phác thảo. Phần lớn các tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh được sáng tác vào hai năm cuối đời, thời gian ông lâm vào khủng hoảng tinh thần tới mức tự cắt bên tai trái vì tình bạn tan vỡ với họa sĩ Paul Gauguin. Sau đó Van Gogh liên tục phải chịu đựng các các cơn suy nhược thần kinh và cuối cùng ông đã tự kết liễu đời mình.

Người quan trọng nhất trong cuộc đời Van Gogh là em trai ông, Theo, người đã luôn lo lắng và hỗ trợ tài chính cho Van Gogh. Tình anh em giữa Vincent và Theo đã được ghi lại qua rất nhiều lá thư họ trao đổi kể từ tháng 8 năm 1872.

Hoa Kỳ

Quốc kỳ Hoa Kỳ
Quốc kỳ Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là một cộng hòa lập hiến liên bang gồm có 50 tiểu bang và một quận liên bang. Quốc gia này nằm gần như hoàn toàn trong tây bán cầu: 48 tiểu bang lục địa và Thủ đô Washington, D.C. nằm giữa Bắc Mỹ, giáp Thái Bình Dương ở phía tây, Đại Tây Dương ở phía đông, Canada ở phía bắc và Mexico ở phía nam. Tiểu bang Alaska nằm trong vùng tây bắc của lục địa Bắc Mỹ, giáp với Canada ở phía đông. Tiểu bang Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cũng có 14 lãnh thổ hay còn được gọi là vùng quốc hải rải rác trong Biển CaribbeThái Bình Dương.

Với 3,79 triệu dặm vuông (9,83 triệu km²) và trên 300 triệu dân, Hoa Kỳ là quốc gia lớn hạng thứ ba hoặc thứ tư về tổng diện tích. Đồng thời, Hoa Kỳ đứng thứ 3 về dân số. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đa dạng chủng tộc nhất trên thế giới, do kết quả của những cuộc di dân đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nền kinh tế quốc dân của Hoa Kỳ lớn nhất trên thế giới, với tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2006 là trên 13 ngàn tỉ đô la.

Quốc gia được thành lập ban đầu với mười ba thuộc địa của Vương quốc Anh nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Sau khi tự tuyên bố trở thành các "tiểu quốc", cả 13 cựu thuộc địa này đã đưa ra tuyên ngôn độc lập vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. Các tiểu bang nỗi loạn đã đánh bại Đế quốc Anh trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ, đây là cuộc chiến tranh thuộc địa giành độc lập đầu tiên được thành công trong lịch sử.

Hội nghị Liên bang quyết định sử dụng bản Hiến pháp Hoa Kỳ hiện tại vào ngày 17 tháng 9 năm 1787. Việc thông qua bản hiến pháp một năm sau đó đã biến các cựu thuộc địa thành một phần của một nước cộng hòa duy nhất. Đạo luật Nhân quyền Hoa Kỳ gồm có mười tu chính án hiến pháp được thông qua năm 1791. Trong thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã mua hoặc đã chiếm được thêm lãnh thổ từ Pháp, Đế quốc Tây Ban Nha, Mexico, và Đế quốc Nga, sát nhập Cộng hòa TexasCộng hòa Hawaii. Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ và ngăn ngừa một sự chia xé quốc gia. Chiến tranh Tây Ban Nha-MỹĐệ nhất Thế chiến đã xác định vị thế siêu cường quân sự của Hoa Kỳ. Năm 1945, Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên có vũ khí hạt nhân sau Đệ nhị Thế chiến và là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Là siêu cường duy nhất còn lại sau thời Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ được nhiều quốc gia nhìn nhận như là một thế lực quân sự, văn hoá, và kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

Hồng Kông

Quốc kỳ Hồng Kông
Quốc kỳ Hồng Kông

Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Hán-Việt: Hương Cảng) là một Đặc khu hành chính thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), nằm trên bờ biển Đông Nam của Trung Quốc.

Chính quyền Hồng Kông đã chính thức áp dụng cách viết tên gọi hiện nay vào ngày 3 tháng 9 năm 1926 (Công báo Hồng Kông, bản số 479, ngày 3 tháng 9 năm 1926). Trong khi phần lớn tên các thành phố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được Latinh hóa bằng cách sử dụng bính âm thì tên tiếng Anh chính thức của Hồng Kông vẫn là Hong Kong chứ không phải Xiānggǎng (Hương Cảng) (xem Phát âm Hồng Kông). Hồng Kông là một trong hai đặc khu hành chính của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (đặc khu hành chính còn lại là Ma Cao). Lãnh thổ này, gồm hơn 260 hòn đảo, nằm về phía Đông của Đồng bằng châu thổ Châu Giang, giáp với tỉnh Quảng Đông về phía Bắc và nhìn ra Biển Nam Trung Hoa ở phía Đông, Tây và Nam.

Hồng Kông từng là một lãnh thổ phụ thuộc của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland từ năm 1842 đến khi chuyển giao chủ quyền cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997. Tuyên bố chung Trung-AnhLuật Cơ bản của Hồng Kông quy định rằng Hồng Kông được hưởng một quy chế tự trị cao cho đến ít nhất là năm 2047 - 50 năm sau khi chuyển giao chủ quyền. Dưới chính sách một quốc gia, hai chế độ, Chính quyền Nhân dân Trung ương chịu trách nhiệm về mặt quốc phòngngoại giao của lãnh thổ này còn Hồng Kông thì duy trì hệ thống pháp luật, lực lượng cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư của Anh, và các đại biểu trong các tổ chức và sự kiện quốc tế.

Convair B-36

Covair B-36 Peacemaker
Covair B-36 Peacemaker

Convair B-36 là một kiểu máy bay ném bom chiến lược được chế tạo bởi Convair cho Không quân Hoa Kỳ, chiếc máy bay ném bom hoạt động đầu tiên thực sự có tầm bay liên lục địa. Được gọi không chính thức là “Peacemaker” (người tạo hòa bình), B-36 là phương tiện mang vũ khí nhiệt hạch (bom H) đầu tiên trên thế giới. Nó là máy bay gắn động cơ piston lớn nhất từng được sản xuất hàng loạt, và cũng là máy bay chiến đấu lớn nhất từng được sản xuất (vẫn có những máy bay vận tải quân sự lớn hơn). Với tầm bay xa đến hơn 6.000 dặm và tải trọng lên đến trên 72.000 lb, nó là chuẩn cho những máy bay ném bom tầm xa sau này vẫn còn đang được sử dụng của Mỹ như B-52 StratofortressB-1 Lancer.

Chiến tranh Xô viết tại Afghanistan

Cuộc Chiến tranh Xô viết tại Afghanistan là cuộc xung đột kéo dài mười năm giữa các lực lượng quân sự Xô viết ủng hộ chính phủ của Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) Mác xít chống lại lực lượng Mujahideen Afghanistan chiến đấu để lật đổ chính quyền cộng sản. Liên bang Xô viết ủng hộ chính phủ trong khi phe đối lập nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía gồm Hoa Kỳ, Pakistan và các quốc gia Hồi giáo khác trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh. Cuộc xung đột, xảy ra đồng thời với Cách mạng Iran năm 1979Chiến tranh Iran-Iraq, cũng ảnh hưởng tới sự trỗi dậy của của lực lượng Mujahideen tại Trung Á.

Quân đoàn 40 Xô viết bắt đầu triển khai tại Afghanistan ngày 25 tháng 12 năm 1979. Việc rút quân bắt đầu ngày 15 tháng 5 năm 1988, và chấm dứt ngày 15 tháng 2 năm 1989 vì chi phí cao và sự không hiệu quả của cuộc xung đột này. Với Liên Xô, cuộc chiến tranh của họ tại Afghanistan thường được ví von với cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam.