Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2020/01

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 1 năm 2020
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Áp thấp nhiệt đới Ten (2005)

Áp thấp nhiệt đới Ten (2005) là một xoáy thuận nhiệt đới hoạt động với thời gian ngắn và yếu, là hệ thống thứ mười của mùa bão kỷ lục Bắc Đại Tây Dương 2005. Nó hình thành vào ngày 13 tháng 8 từ một con sóng nhiệt đới xuất phát từ bờ biển phía tây của châu Phi vào ngày 8 tháng 8. Do tác động mạnh của gió đứt, nó suy yếu dần và không còn đủ mạnh nên chỉ còn được đánh giá là áp thấp nhiệt đới. Nó bị suy yếu nặng vào ngày 14 tháng 8, nhưng tàn dư của nó đã góp phần vào sự hình thành bão Katrina, sau khi hợp nhất với một con sóng nhiệt đới vào ngày 19 tháng 8. Do đó, nó thường được gọi là "tiền thân của Katrina". Áp thấp nhiệt đới này không ảnh hưởng đến đất liền và không trực tiếp gây ra bất kỳ trường hợp tử vong hoặc thiệt hại đáng kể nào. [ Đọc tiếp ]

Star Wars: Thần lực thức tỉnh

(Từ trái sang phải) Nhà sản xuất Kathleen Kennedy, đạo diễn kiêm nhà biên kịch J. J. Abrams và nhà biên kịch Lawrence Kasdan phát biểu tại sự kiện San Diego Comic-Con International 2015.

Star Wars: Thần lực thức tỉnh là một phim điện ảnh sử thi không gian của Mỹ năm 2015 do J. J. Abrams đạo diễn. Đây là phần tiếp nối của phim điện ảnh Sự trở lại của Jedi công chiếu năm 1983, đồng thời cũng là phần phim đầu tiên trong bộ ba phần phim hậu truyện của loạt phim Star Wars. Phim do hai hãng phim Lucasfilm Ltd.Bad Robot Productions sản xuất, đồng thời được phân phối trên toàn thế giới bởi hãng Walt Disney Studios Motion Pictures. Star Wars: Thần lực thức tỉnh có sự tham gia diễn xuất của Harrison Ford, Mark Hamill, Carrie Fisher, Adam Driver, Daisy Ridley, John Boyega, Oscar Isaac, Lupita Nyong'o, Andy Serkis, Domhnall Gleeson, Anthony Daniels, Peter MayhewMax von Sydow. Đây là phim điện ảnh đầu tiên trong loạt phim Star Wars không có sự giúp đỡ sản xuất của nhà sáng tạo thương hiệu George Lucas. Phim lấy bối cảnh vào thời điểm 30 năm sau các sự kiện ở phần phim Sự trở lại của Jedi; theo chân ba nhân vật mới là Rey, Finn và Poe Dameron trong cuộc tìm kiếm hiệp sĩ Jedi cuối cùng, Luke Skywalker, và cuộc chiến của họ cùng phe Kháng chiến, dưới sự dẫn dắt từ những cựu binh của Liên minh Nổi dậy, chống lại Kylo Ren và Tổ chức Thứ nhất, một tàn dư của Đế chế Thiên hà.

Dự án Thần lực thức tỉnh được công bố ngay sau khi Công ty Walt Disney mua lại Lucasfilm vào tháng 10 năm 2012. Phim do J. J. Abrams, Bryan BurkKathleen Kennedy sản xuất. Abrams và Lawrence Kasdan, đồng biên kịch của Đế chế phản công (1980) và Sự trở lại của Jedi (1983) đã cùng nhau tái hợp để viết lại phần kịch bản ban đầu của Michael Arndt. John Williams, nhà soạn nhạc cho tất cả các phần phim trước đó, cũng trở lại để thực hiện phần nhạc nền cho bộ phim. George Lucas, cha đẻ của thế giới Star Wars, đảm nhiệm vai trò cố vấn sáng tạo cho các nhà sản xuất trong những ngày đầu làm phim. Thần lực thức tỉnh bắt đầu được bấm máy vào tháng 4 năm 2014 ở Abu DhabiIceland, với công đoạn quay phim chính được thực hiện ở Ireland và tại hãng phim Pinewood Studios ở Anh. Phim được đóng máy vào tháng 11 năm 2014. Đây là phim điện ảnh người đóng đầu tiên kể từ khi Sự báo thù của người Sith (2005) được phát hành mười năm trước đó. [ Đọc tiếp ]

Thiên kiến xác nhận

Thiên kiến xác nhận là một khuynh hướng của con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ. Con người biểu hiện thiên kiến hoặc định kiến này khi họ thu thập hoặc ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc theo cảm quan của mình, hoặc khi họ diễn giải nó một cách thiên vị và thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác. Ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận mạnh hơn đối với các vấn đề liên quan tới cảm xúc, hoặc những niềm tin đã ăn sâu vào tâm thức. Người ta cũng có xu hướng diễn dịch bằng chứng không rõ ràng để ủng hộ cho lập trường có sẵn của họ. Sự tìm kiếm bằng chứng, giải thích và ghi nhớ một cách thiên vị cũng được viện dẫn để giải thích phân cực thái độ (khi bất đồng trở nên cực đoan hơn mặc dù các bên khác nhau đều tiếp xúc với cùng một bằng chứng), tín điều cố chấp (khi những tín điều vẫn tồn tại ngay cả khi bằng chứng rằng nó sai lầm đã được đưa ra), hiệu ứng ưu tiên phi lý (khi người ta tin tưởng hơn vào thông tin nhận trước trong một loạt thông tin), tương quan ảo tưởng (khi người ta nhận thức một cách sai lầm về mối tương quan giữa hai sự kiện hoặc tình huống). Một loạt các thí nghiệm trong những năm 1960 đề xuất rằng con người có xu hướng thiên vị những gì xác nhận niềm tin hiện có của họ. Các nghiên cứu sau đó đã giải thích lại những kết quả này như một khuynh hướng kiểm tra ý niệm một chiều, tập trung vào một khả năng và bỏ qua những khả năng khác. Trong một số tình huống, khuynh hướng này có thể làm lệch lạc nhận thức và kết luận của con người. Quyết định sai lầm do những thiên kiến này ​​đã được thấy trong các bối cảnh chính trị và tổ chức. [ Đọc tiếp ]

Dáng hình thanh âm (phim)

Nữ diễn viên Matsuoka Mayu (ảnh) lồng tiếng nhân vật chính Ishida Shōya lúc đang là học sinh sơ trung trong phim.
Nữ diễn viên Matsuoka Mayu (ảnh) lồng tiếng nhân vật chính Ishida Shōya lúc đang là học sinh sơ trung trong phim.

Dáng hình thanh âm là một bộ phim điện ảnh hoạt hình Nhật Bản đề tài chính kịch học đường ra mắt năm 2016, do xưởng phim Kyōto Animation sản xuất, Yamada Naoko đạo diễn và Yoshida Reiko chắp bút phần kịch bản. Người phụ trách khâu thiết kế nhân vật nổi bật trong phim là Nishiya Futoshi trong khi phần âm nhạc được đảm nhiệm bởi nhà soạn nhạc Ushio Kensuke. Nội dung chính của phim xoay quanh hai nhân vật chính là Ishida Shōya và cô bạn khiếm thính bẩm sinh Nishimiya Shōko - mối quan hệ của họ đã vẽ nên mối liên kết giữa con người với con người và cả những thất vọng trong giao tiếp. Tác phẩm dựa trên manga cùng tên do nữ tác giả manga Ōima Yoshitoki viết kịch bản và vẽ minh họa; manga nguyên tác đã được cấp phép bản quyền cho nhà xuất bản Trẻ dưới tựa đề tiếng Việt chính thức là Dáng hình thanh âm. Phim công chiếu lần đầu tại Nhật Bản vào ngày 17 tháng 9 năm 2016 và trên toàn cầu từ tháng 2 năm 2017 đến tháng 8 năm 2018.

Dáng hình thanh âm đã giành được một số đề cử giải thưởng, trong đó gồm đề cử "Phim hoạt hình xuất sắc nhất" tại Giải Viện Hàn lâm Nhật Bản lần thứ 40, chiến thắng tại Giải phê bình điện ảnh Nhật Bản lần thứ 26 hạng mục phim hoạt hình, đề cử tại giải thưởng Liên hoan Nghệ thuật truyền thông Nhật Bản lần thứ 20, và được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản khuyến nghị nên xem. Bộ phim đã có nhiều buổi công chiếu dành cho người khiếm thính tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. [ Đọc tiếp ]

"Imagine" (bài hát của John Lennon)

"Imagine" là ca khúc do nhạc sĩ-ca sĩ người Anh John Lennon sáng tác và thể hiện. Đây là đĩa đơn bán chạy nhất trong sự nghiệp đơn ca của ca sĩ này. Lời bài hát cổ vũ người nghe hãy tưởng tượng ra một thế giới hoà bình, không có biên giới chia cắt các quốc gia, không có sự chia rẽ giữa các tôn giáo và sắc tộc, và thể hiện mong muốn rằng xã hội loài người sẽ sống một cuộc sống không chịu sự chi phối của của cải vật chất. Lennon và Yoko Ono đồng sản xuất đĩa đơn này cũng như album cùng tên với Phil Spector. Quá trình thu âm bắt đầu tại phòng thu tại gia của Lennon tại Công viên Tittenhurst, Anh vào tháng 5 năm 1971. Công đoạn ghi âm đè cuối cùng diễn ra tại phòng thu Record Plant, ở thành phố New York vào tháng 7. Một tháng sau khi phát hành dưới dạng đĩa than LP vào tháng 9, Lennon cho ra mắt "Imagine" dưới dạng một đĩa đơn tại Hoa Kỳ; ca khúc lên tới vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 còn bản thu trên đĩa than LP đứng đầu bảng xếp hạng Anh quốc vào tháng 11, sau này trở thành album có thành công chuyên môn và thương mại cao nhất trong sự nghiệp solo của Lennon. Broadcast Music, Inc. thống kê "Imagine" là một trong số 100 ca khúc được biểu diễn nhiều nhất thế kỷ 20. Ca khúc đứng thứ 30 trong danh sách 365 Ca khúc của Thế kỷ có ảnh hưởng lịch sử lớn nhất của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ. [ Đọc tiếp ]