Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2020/11

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 11 năm 2020
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Trung Cổ

Thánh Giá Mathilde, chiếc thánh giá nạm ngọc của Mathilde, Nữ Tu viện trưởng Essen (973-1011), bộc lộ nhiều đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình Trung Cổ.
Thánh Giá Mathilde, chiếc thánh giá nạm ngọc của Mathilde, Nữ Tu viện trưởng Essen (973-1011), bộc lộ nhiều đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình Trung Cổ.

Thời kỳ Trung Cổ là giai đoạn trong lịch sử châu Âu bắt đầu từ sự sụp đổ của Đế quốc Tây La Mãthế kỷ 5, kéo dài tới cuối thế kỷ 15, hòa vào thời Phục HưngThời đại Khám phá. Trung Cổ là thời đại thứ hai trong ba thời đại lịch sử theo cách phân kỳ truyền thống của lịch sử phương Tây, cùng với Cổ đại và Hiện đại. Trung Cổ (Trung Đại) được chia thành ba giai đoạn là Sơ kỳ Trung Cổ, Trung kỳ Trung Cổ, và Hậu kỳ Trung Cổ. Suy giảm dân số, sự đảo ngược đô thị hóa, xâm lược, và di dân, bắt đầu từ hậu kỳ cổ đại, tiếp diễn trong thời Sơ kỳ Trung Cổ. Những man tộc xâm lược, gồm các sắc tộc German, lập nên những vương quốc mới trên tàn tích của Đế quốc Tây La Mã. Bắc Phi, Trung Đông, và Iberia rơi vào tay người Hồi giáo, tuy Đế quốc Đông La Mã (tức Byzantine) vẫn duy trì vai trò một cường quốc quan trọng ở Đông Địa Trung Hải. Quá trình truyền bá Kitô giáo vẫn tiếp tục, các đan viện tu trì nở rộ. Người Frank, dưới thời Nhà Carolus, cai trị Đế quốc Carolus trong thế kỷ 9.

Bước sang Trung kỳ Trung Cổ từ những năm 1000, dân số châu Âu tăng mạnh với những cải tiến về kỹ thuật và nông nghiệp trong cấu trúc kinh tế chính trị của chế độ trang viên và chế độ phong kiến. Thập tự chinh được kêu gọi để giành lại Đất Thánh. Đời sống trí thức nở rộ với chủ nghĩa kinh viện kết hợp đức tin và lý trí, cùng sự thành lập các viện đại học. Những thành tựu khác còn bao gồm thần học của Tôma Aquinô, thi ca của DanteChaucer, và kiến trúc Gothic của các nhà thờ chính tòa vươn cao. Hậu kỳ Trung Cổ gắn với những tai ương như Cái Chết Đen, nạn đói kém, các cuộc chiến tranh và xung đột trước khi những chuyển biến văn hóa, kỹ thuật sẽ thay đổi xã hội châu Âu và bắt đầu thời cận đại. [ Đọc tiếp ]

Acrocanthosaurus

Bộ xương Acrocanthosaurus (NCSM 14345) tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên North Carolina
Bộ xương Acrocanthosaurus (NCSM 14345) tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên North Carolina

Acrocanthosaurus ("thằn lằn gai sống cao") là một chi khủng long chân thú từng tồn tại ở khu vực ngày nay là Bắc Mỹ vào tầng Apt và giai đoạn đầu của tầng Alba thuộc kỷ Phấn Trắng. Giống như hầu hết các chi khủng long khác, Acrocanthosaurus chỉ có một loài duy nhất: A. atokensis. Phần lớn các hóa thạch của chi này được tìm thấy ở tiểu bang Oklahoma, Texas, Wyoming; tuy nhiên, đã phát hiện một số răng về phía đông xa tận Maryland, ám chỉ một vùng phân bố rộng khắp châu lục.

Acrocanthosaurusđộng vật ăn thịt hai chân. Như tên "thằn lằn gai sống cao" cho thấy, nó được biết đến với những gai thần kinh cao trên các đốt sống, mà rất có thể được dùng để nâng đỡ một dãy bướu thịt trên lưng, cổ và hông. Acrocanthosaurus là một trong những loài khủng long chân thú lớn nhất, có thể dài tới 11,5 m (38 ft) và nặng đến 6,2 tấn (6,8 tấn Mỹ). Những dấu chân lớn của khủng long chân thú tại Texas rất có thể là của chi này, mặc dù không có mối liên hệ trực tiếp nào với hóa thạch xương ở đó.

Khám phá gần đây đã làm sáng tỏ thêm nhiều chi tiết về giải phẫu học, cho phép nghiên cứu chuyên ngành tập trung vào cấu trúc não bộ và chức năng chi trước. Acrocanthosauruskhủng long chân thú lớn nhất trong hệ sinh thái của nó lúc bấy giờ và rất có thể là một động vật ăn thịt đầu bảng. Nó có thể săn các khủng long chân thằn lằn, khủng long chân chimgiáp long lớn. [ Đọc tiếp ]

DNA

Xoắn ốc ADN
Xoắn ốc ADN

Axit đeoxiribonucleic (viết tắt là ADN theo tiếng Pháp hoặc DNA theo tiếng Anh) là phân tử mang thông tin di truyền mã hóa cho hoạt động sinh trưởng, phát triển, chuyên hóa chức năng và sinh sản của các sinh vật và nhiều loài virus. DNA và RNA là những axit nucleic; cùng với protein, lipid và những cacbohydrat cao phân tử (polysaccharide), chúng là một trong bốn loại đại phân tử chính có vai trò quan trọng thiết yếu đối với mọi dạng sống được biết đến. Phần lớn các phân tử DNA được cấu tạo từ hai mạch polyme sinh học xoắn đều quanh một trục tưởng tượng tạo thành chuỗi xoắn kép axit nucleic, với thành phần bao gồm các đơn phân nucleotide. Các nucleotide liên kết với nhau thành một mạch DNA bằng liên kết cộng hóa trị tạo thành "khung xương sống" đường-phosphat luân phiên vững chắc. DNA ở tế bào nhân thực (động vật, thực vật, nấmnguyên sinh vật) được lưu trữ bên trong nhân tế bào và một số bào quan, như ty thể hoặc lục lạp; và ở sinh vật nhân sơ (vi khuẩnvi khuẩn cổ), DNA nằm trong tế bào chất. DNA lưu trữ thông tin sinh học, các mã di truyền đến các thế hệ tiếp theo và để chỉ dẫn cho quá trình sinh tổng hợp protein trong di truyền học. DNA cũng trở thành một công cụ phân tử giúp các nhà nghiên cứu khám phá các lý thuyết và định luật vật lý sinh học, và trong khoa học vật liệu như công nghệ nano DNA. [ Đọc tiếp ]

Logarit

Logarit của một số là lũy thừa mà một giá trị cố định, gọi là cơ số, phải được nâng lên để tạo ra số đó. Ví dụ, logarit cơ số 10 của 1000 là 3 vì 1000 là 10 lũy thừa 3: 1000 = 10 × 10 × 10 = 103. Tổng quát hơn, nếu x = by thì y được gọi là logarit cơ số b của x và được ký hiệu là logbx.

Logarit do John Napier giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1614 như là một cách để đơn giản hóa việc tính toán. Về sau, nó đã nhanh chóng được nhiều nhà khoa học sử dụng để hỗ trợ trong tính toán, đặc biệt là các phép tính yêu cầu độ chính xác cao, thông qua thước loga và bảng logarit. Các công cụ này dựa trên tính chất rằng logarit của một tích bằng tổng các logarit của các thừa số.

Khái niệm logarit như ngày nay đến từ Leonhard Euler, người đã liên hệ nó với hàm mũ vào thế kỷ 18.Logarit cơ số 10 (b = 10) được gọi là logarit thập phân và có nhiều ứng dụng trong khoa họckỹ thuật. Logarit tự nhiên có cơ số là hằng số e (b ≈ 2,718) và được ứng dụng phổ biến nhất trong toán học và vật lý, đặc biệt là vi tích phân. Logarit nhị phân sử dụng cơ số 2 (b = 2) và được sử dụng nhiều nhất trong khoa học máy tính. [ Đọc tiếp ]

Mật mã Caesar

Mật mã Caesar là một trong những kỹ thuật mã hóa đơn giản và phổ biến nhất. Đây là một dạng mật mã thay thế, trong đó mỗi ký tự trên văn bản thô sẽ được thay bằng một ký tự khác, có vị trí cách nó một khoảng xác định trong bảng chữ cái. Ví dụ với độ dịch chuyển là 3, D sẽ trở thành A, E sẽ trở thành B, v.v. Tên của kỹ thuật mã hóa này được đặt theo tên của Julius Caesar, người đã sử dụng nó trong các thư từ bí mật của mình.

Bước mã hóa được thực hiện trong mật mã Caesar thường được kết hợp như một phần của các dạng mã hóa phức tạp hơn, chẳng hạn như mật mã Vigenère, và hiện nay vẫn được áp dụng cho mã hóa ROT13. Cũng giống như tất cả các dạng mật mã thay thế một bảng chữ cái khác, mật mã Caesar rất dễ bị phá giải và về cơ bản không đáp ứng đủ khả năng bảo mật thông tin liên lạc trong thực tế hiện đại. [ Đọc tiếp ]

Chim đớp ruồi đỏ son

Chim đớp ruồi đỏ son (danh pháp khoa học: Pyrocephalus obscurus) là một loài chim thuộc bộ Sẻ trong họ Đớp ruồi bạo chúa được tìm thấy trên khắp Nam Mỹ và miền Nam Bắc Mỹ. Màu đỏ son là một đặc điểm giúp chúng trở nên nổi bật so với những loài cùng họ. Chim trống có đỉnh đầu, ngực cùng phần bụng đỏ tươi với cánh và đuôi màu nâu; trong khi chim mái có màu nâu sẫm. Khi hót, chim đớp ruồi đỏ son phát ra âm thanh pit pit pit pi-trờ-ờ-ờ-iiii-trờ-ờ-ờ. Âm thanh này thường có giai điệu khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập lãnh thổ riêng. Loài chim này ăn côn trùng và săn mồi ngay trong khi đang bay. Quá trình thay lông thường bắt đầu vào mùa hạ, diễn ra trong vài tháng. Tuy là loài đơn phối ngẫu, nhưng thỉnh thoảng chúng còn tham gia giao phối ngoại đôi, thậm chí ký sinh nuôi dưỡng. Thời kỳ sinh sản kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6. Trong thời gian này, con trống sẽ đảm nhiệm việc nuôi và chăm con mái.

Loài này được mô tả lần đầu tiên vào cuối những năm 1830 trong các chuyến thám hiểm của Charles Darwin. Năm 2016, các nhà khoa học thay đổi nguyên tắc phân loại chi Pyrocephalus, tách một số phân loài của chim đớp ruồi đỏ son thành những loài riêng biệt, trong đó có cả chim đớp ruồi San Cristóbal vốn không còn tồn tại. Do số lượng cá thể vẫn còn dao động từ vài triệu đến vài chục triệu nên Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế coi chim đớp ruồi đỏ son là một loài ít được quan tâm, bất chấp con số này đang dần suy giảm do tác động của việc mất môi trường sống. [ Đọc tiếp ]