Thành viên:Lệ Xuân/Nháp/5

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lê Duẩn
Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhiệm kỳ
10 tháng 9 năm 1960 – 10 tháng 7 năm 1986
25 năm, 303 ngày
Tiền nhiệmHồ Chí Minh (với vai trò Chủ tịch Đảng)
Kế nhiệmTrường Chinh
Bí thư Quân ủy Trung ương
Nhiệm kỳ
1977–1984
Tiền nhiệmVõ Nguyên Giáp
Kế nhiệmVăn Tiến Dũng
Đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV, V, VI, VII
Nhiệm kỳ
8 tháng 5 năm 1960 – 10 tháng 7 năm 1986
26 năm, 63 ngày
Ủy viên Bộ Chính trị
Nhiệm kỳ
1957 – 10 tháng 7 năm 1986
Bí thư Trung ương Cục Miền Nam
Nhiệm kỳ
1951–1954
Tiền nhiệmđầu tiên (thành lập)
Kế nhiệmNguyễn Văn Linh
Thông tin cá nhân
Sinh
Lê Văn Nhuận

(1907-04-07)7 tháng 4 năm 1907
Tỉnh Quảng Trị, Trung Kỳ, Đông Dương thuộc Pháp
Mất10 tháng 7 năm 1986(1986-07-10) (79 tuổi)
Hà Nội, Việt Nam
Quốc tịchViệt Nam
Đảng chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
Phối ngẫu
Lê Thị Sương
(cưới 1929⁠–⁠2008)
Nguyễn Thụy Nga
(cưới 1950⁠–⁠2018)
Con cái
Cha mẹ
  • Lê Văn Hiệp (cha)
  • Võ Thị Đạo (mẹ)

Những năm đầu đời[sửa | sửa mã nguồn]

Lê Duẩn, tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7 tháng 4 năm 1907[1] (cũng có nguồn cho là 1908),[2][3] tại làng Bích La Đông, tổng Bích La, xã Triệu Đông (nay thuộc xã Triệu Thành), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình có 5 người con.[2][4] Thân sinh Lê Văn Nhuận là cụ Lê Văn Hiệp còn thân mẫu là bà Võ Thị Đạo, xuất thân từ một gia đình làm ruộng. Cụ Lê Văn Hiệp là con út trong một gia đình có 9 người con, là một người thông thạo chữ Nho và từng thi đỗ khoá sinh.[a] Vì thấy làng Hậu Kiên là nơi có vị trí làm ăn thuận lợi, cụ Hiệp đã cùng cả gia đình chuyển tới nơi đây sinh sống, hành nghề thợ mộc. Tuy không mấy khá giả, nhưng cụ Hiệp vẫn cố gắng cho con ăn học đàng hoàng. Khi còn bé, Nhuận được cha cho theo học chữ Hánchữ Quốc Ngữ tại một người thầy đồ cùng làng. Vào năm 1914, khi lên 7 tuổi, Nhuận chuyển tới học tiểu học ở trường xã Triệu Đông.

Từ khi còn là thanh niên, Lê Duẩn đã hoạt động năng nổ trong lĩnh vực chính trị cách mạng rồi làm thư ký cho công ty Đường sắt Việt Nam ở Hà Nội vào thập niên 1920.[2] Chính nhờ công việc này, Lê Duẩn quen biết và kết nối với một số nhà hoạt động cộng sản.[5] Cũng trong chính thời gian này, Lê Duẩn tự học và trau dồi để trở thành một người theo chủ nghĩa Marx – Lenin.[6]

Quan hệ ngoại giao[sửa | sửa mã nguồn]

Quan hệ với Trung Quốc[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Chiến tranh Việt Nam, phía Trung Quốc tuyên bố rằng Liên Xô sẽ phản bội Bắc Việt. Chu Ân Lai nói với Lê Duẩn rằng Liên Xô không thật tâm với chính quyền Hà Nội, vì bản thân họ muốn cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ. Theo họ Chu, chính sách này của Liên Xô ra đời sau khi Aleksey Kosygin rời Việt Nam năm 1965. Lê Duẩn không đồng tình với quan điểm này và tại Đại hội lần thứ XXIII Đảng Cộng sản Liên Xô (bị Trung Quốc tẩy chay), ông đã gọi nước này là "tổ quốc thứ hai". Vì tuyên bố này, Trung Quốc ngay lập tức bắt đầu cắt bỏ viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo Bí thứ thứ nhất của Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc, phía Hà Nội xem hành động của Trung Quốc là một cuộc tấn công nhắm vào họ. Tình hình căng thẳng được thể hiện rõ rệt khi mà tại lễ kỷ niệm 44 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc trước đó, Hà Nội đã gửi công hàm do đích thân Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Lê Duẩn ký tên chúc mừng Bắc Kinh. Tuy nhiên tại lễ kỷ niệm 45 năm diễn ra năm đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tuy có gửi công hàm, nhưng không có nhân vật cao cấp nào ký tên chúc mừng.[7]

Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau quan hệ Mỹ – Trung được cải thiện. Đối với Bắc Việt, những người vẫn đang còn chiến đấu với Mỹ, thì sự xích lại gần nhau giữa kẻ thù và một quốc gia đồng minh khiến họ cảm thấy bị phản bội. Tại cuộc họp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN ngày 16 tháng 7 năm 1971, người Bắc Việt tán thành với ý kiến rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc với Hoa Kỳ giống như một “quả ngư lôi” nhắm vào Hà Nội. Phạm Văn Đồng và Lê Duẩn cho Chu Ân Lai biết rằng chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đến Trung Quốc là "đi ngược lại lợi ích của Việt Nam". Sau đó, vào tháng 11, Phạm Văn Đồng đã bay sang Bắc Kinh để thuyết phục Mao hủy bỏ cuộc gặp với Nixon nhưng không thành công. Bắc Việt bắt đầu nghi ngờ Trung Quốc, quan sát chuyến thăm Bắc Kinh của Nixon với lòng lo ngại và cảnh giác. Họ giấu kín thông tin về kế hoạch tấn công quân sự tiếp theo của mình không cho Trung Quốc biết. Tuy nhiên mối quan hệ Mỹ – Trung về lâu dài không làm tổn hại đến quan hệ Việt – Trung, vì Liên Xô cuối cùng cũng đã hòa giải với Mỹ.[8]

Các tài liệu của Trung Quốc lẫn Bắc Việt đều nói rằng quan hệ song phương trở nên tồi tệ trong giai đoạn 1973–75. Một tài liệu của Việt Nam cáo buộc Trung Quốc cản trở sự thống nhất đất nước, trong khi các tài liệu của Trung Quốc cho rằng nguồn gốc của xung đột là yêu sách của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường SaHoàng Sa. Tuy nhiên, vấn đề then chốt đối với Trung Quốc là khiến Hà Nội giảm thiểu sự hợp tác với Moskva. Sự hợp tác ngày càng tăng của Liên Xô và Bắc Việt khiến Trung Quốc không còn toàn tâm ủng hộ một đất nước Việt Nam thống nhất được cai trị bởi chính quyền Hà Nội.[9]

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6 năm 1973, Chu Ân Lai khuyên Lê Duẩn rằng Bắc Việt nên tuân thủ Hiệp định Hòa bình Paris. Sau khi hiệp định được ký kết, Lê Thanh Nghị phát biểu rằng đường lối của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam gắn liền trực tiếp với quan hệ của nước này với Liên Xô. Người Trung Quốc do vậy đã cố gắng ngăn cản hai miền Việt Nam thống nhất. Để thực hiện mục tiêu đó, Bắc Kinh bắt đầu thực hiện các thỏa thuận kinh tế với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN). Người đứng đầu CHMNVN là Nguyễn Hữu Thọ được phía Trung Quốc đối xử tốt. Chính sách này làm tổn hại thêm quan hệ vốn đã xấu giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Tuy vẫn nhận được viện trợ từ Trung Quốc, nhưng điều này không góp phần cải thiện quan hệ hai nước.[10]

Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Lê Thanh Nghị dẫn đầu phái đoàn sang Bắc Kinh yêu cầu viện trợ vào tháng 8 năm 1975 nhưng không thu được kết quả. Ngay sau đó vào tháng 9, Lê Thanh Nghị một lần nữa cùng Lê Duẩn cầm đầu một phái đoàn sang Trung Quốc cầu viện. Trong chuyến thăm, Hà Nội muốn đảm bảo với Trung Quốc rằng họ quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc lẫn Liên Xô. Trong bài diễn văn đón Lê Duẩn, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh đến nguy cơ của chủ nghĩa bá quyền và kêu gọi Duẩn hãy đi cùng với Trung Quốc chống lại Liên Xô. Trả lời lại Đặng, Duẩn – tuy không nhắc đến hai chữ Liên Xô – tuyên bố nếu không có sự giúp đỡ của toàn khối xã hội chủ nghĩa anh em (ám chỉ khối Đông Âu) thì chiến thắng tại Việt Nam là một chuyện bất khả thi. Điều này có nghĩa rằng ông Duẩn từ chối không chịu theo Trung Quốc chống lại Liên Xô.[11] Như là kết quả của chuyến đi, hai hiệp định được ký kết, tuy nhiên không có hiệp định viện trợ không hoàn lại nào được thông qua.[12] Không tìm được tiếng nói chung, Lê Duẩn quay về nước sớm hơn dự kiến.[13] Theo Anne Gilks, sự sụp đổ của Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975 chính là dấu chấm hết của liên minh hai nước Việt – Trung.[14] Khi mà quan hệ với Trung Quốc ngày càng một xấu đi, chính quyền Hà Nội đã thanh trừng một số đảng viên cấp cao thân Trung Quốc khỏi đảng.[15]

Lê Duẩn một lần nữa sang thăm Trung Quốc từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 11 năm 1977 muốn có thêm viện trợ kinh tế. Chủ tịch ĐCSTQ Hoa Quốc Phong tuyên bố rằng quan hệ Trung – Việt xấu đi vì hai nước giữ những đường lối chính sách khác nhau. Ông Hoa khẳng định không thể giúp Việt Nam, viện cớ Trung Quốc còn có những khó khăn kinh tế riêng và vì hai nước có những đường lối riêng. Đáp lại ông Hoa, Lê Duẩn nói rằng khác biệt duy nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc là cách họ nhìn nhận Liên Xô và Hoa Kỳ.[16] Chỉ một ngày sau chuyến thăm của ông Duẩn, Tân Hoa xã đăng bài lên án COMECON, khối tương trợ kinh tế Xô Viết mà Việt Nam mới nộp đơn xin gia nhập. Trung Quốc sau đó đã quyết định tạm dừng tất cả các dự án phát triển kinh tế từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1978 và rút toàn bộ chuyên gia mà họ gửi tới Việt Nam về nước.[17][18] Trong thời kỳ này, tổng viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam lên tới 300 triệu $.[19]

Mối quan hệ với Khmer Đỏ[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương sau khi giải thể đã tách thành ba đảng riêng biệt của ba nước Đông Dương, bao gồm Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer được thành lập dưới sự ủng hộ của Việt Nam. Trong số ba đảng, phong trào Kampuchea là yếu nhất. Khi Bắc Việt bắt đầu viện trợ quân sự chính thức cho Khmer Đỏ vào năm 1970, giới lãnh đạo Khmer vẫn hoài nghi về chủ ý thực sự của Hà Nội. Theo lệnh của Võ Chí Công, hai trung đoàn được gửi đến Kampuchea hỗ trợ tác chiến. Võ Chí Công hứa với Ieng Sary rằng quân đội Việt Nam sẽ rút về nước khi quân cộng sản dành thắng lợi. Sự tham gia của quân đội Việt Nam khiến nhiều quan chức Việt Nam tin rằng các quan chức Khmer Đỏ đã bắt đầu "lo sợ điều gì đó".[20] Trao đổi với Phạm Hùng, Lê Duẩn cho rằng tuy giới lãnh đạo hai bên có một số khác biệt về quan điểm, nhưng "chủ nghĩa và thái độ quốc tế đích thực" của các bên sẽ củng cố mối quan hệ này. Sau khi đọc báo cáo của Võ Chí Công, Lê Duẩn có lẽ đã kết luận rằng "chủ nghĩa quốc tế đích thực" ở Kampuchea đang gặp khó khăn. Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo Việt Nam hy vọng tình thế sẽ thay đổi, nhưng trong thâm tâm họ hiểu được rằng tình hình tại Kampuchea không đơn giản như ở Lào.[20]

Sau khi Pol Pot cùng phái cánh chiếm được quyền kiểm soát tuyệt đối Đảng cộng sản Kampuchea (CPK) vào năm 1973, mối quan hệ giữa Khmer Đỏ và ĐCSVN trở nên xấu đi rõ rệt. Các đội quân Bắc Việt tuy hoạt động tại Kampuchea trong vai trò đồng minh của Khmer Đỏ trong cuộc chiến với chính quyền Lon Nol sau đó nhưng thường xuyên bị chính đồng minh của mình tấn công.[21] Tới năm 1976, trong khi mà quan hệ Kampuchea – Việt Nam dường như đang có dấu hiệu bình thường hóa thì giữa giới lãnh đạo đôi bên đã hình thành nên mối nghi kỵ lẫn nhau.[22] Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Trường ChinhPhạm Văn Đồng lần lượt gửi điện chúc mừng Pol Pot, Khieu SamphanNuon Chea lên làm Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội Kampuchea Dân chủ.[23] Đáp lại, giới lãnh đạo CPK đã gửi thư chúc mừng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam nhân lễ kỷ niệm 7 năm thành lập. Tiếp đó vào ngày 21 tháng 9 năm 1976, một đoàn đại biểu của Hội Phụ nữ Việt Nam đã đến thăm Kampuchea, đổi lại CPK đã gửi công văn chính thức chúc mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần IV Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào tháng 12 cùng năm.[24]

Giới lãnh đạo Hà Nội khi đó hy vọng rằng những yếu tố thân Việt Nam sẽ phát triển bên trong CPK.[25] Vì vậy nên Lê Duẩn cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam khác đã hoàn toàn tin tưởng khi đài phát thanh Kampuchea thông báo Pol Pot từ chức.[21] Trong một cuộc gặp mặt ngày 16 tháng 11 năm 1976, Lê Duẩn khẳng định với đại sứ Liên Xô rằng Pol Pot và Ieng Sary "đã bị loại khỏi quyền lực". Đối với Hà Nội, đây là một sự thay đổi mà họ hoan nghênh, vì cả hai người này đều thuộc "tập đoàn thân Trung Quốc, thực hiện chính sách thô bạo và nghiêm khắc." Lê Duẩn gọi nhóm Đông Bắc do Pol Pot đứng đầu "là những kẻ xấu", nhưng tin tưởng tuyệt đối "người bạn tốt" Nuon Chea.[21] Hà Nội không lên kế hoạch cho một cuộc đối đầu toàn diện vì bản thân Lê Duẩn vẫn tin rằng quan hệ bang giao có thể cải thiện. Theo Dmitry Mosyakov, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, thì giới lãnh đạo Hà Nội đã đánh giá sai hoàn toàn tình hình ở Kampuchea lúc bấy giờ.[26] Và khi Lê Duẩn nói Pol Pot và Ieng Sary bị loại, "trên thực tế, họ đang hoàn toàn kiểm soát quyền lực và có đầy uy quyền ở Phnom Penh."[27] Lê Duẩn cho rằng Kampuchea rồi cuối cùng cũng sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa như Lào, coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và Liên Xô.[28]

Căng thẳng leo thang[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù Liên Xô ủng hộ Việt Nam, giới lãnh đạo nhà nước Kampuchea Dân chủ xem Việt Nam là một quốc gia chìm đắm trong các vấn đề kinh tế xã hội, ngại chiến tranh.[29] Chính những suy nghĩ này khuyến khích Kampuchea có hành vi gây hấn với Việt Nam kể từ sau năm 1975.[30] Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1977, nhà nước Kampuchea Dân chủ bắt đầu đồng loạt nổ súng tấn công trên toàn biên giới Tây Nam Việt Nam, đáng chú ý nhất là trong vụ thảm sát Ba Chúc tại tỉnh An Giang diễn ra vào tháng 4 năm 1978. Giới lãnh đạo Việt Nam bị sốc trước cuộc tấn công vô cớ này và đã tiến hành phản công.[28] Dẫu cho tình hình giữa hai nước vẫn còn căng thẳng, phía Việt Nam vẫn luôn tìm cách cải thiện quan hệ. Khi Pol Pot chính thức tuyên bố trước quốc tế về sự tồn tại của Đảng cộng sản Kampuchea vào ngày 27 tháng 9 năm 1977, Việt Nam đã gửi điện chúc mừng. Trong cuộc nói chuyện với đại sứ Liên Xô vào ngày 6 tháng 10, Lê Duẩn không đưa ra lời giải thích nào về hành động của Kampuchea.[31] Ông mô tả giới lãnh đạo Khmer Đỏ mang trong mình "chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Bắc Kinh."[32] Lê Duẩn xem Pol Pot là một người theo chủ nghĩa Trotsky trong khi cho rằng Ieng Sary là "một người theo chủ nghĩa dân tộc quyết liệt và thân Trung Quốc."[32] Tuy nhiên, ông đã sai lầm khi tin rằng Nuon Chea và Son Sen chia sẻ quan điểm ủng hộ Việt Nam.[32]

Vào ngày 31 tháng 12 năm 1977, Phnom Penh cắt đứt quan hệ với Hà Nội, yêu cầu "lực lượng xâm lược" từ Việt Nam phải rút lui khỏi lãnh thổ Kampuchea, đồng thời nhấn mạnh rằng điều này là cần thiết để "khôi phục bầu không khí hữu nghị giữa hai nước."[33] Trong khi người Kampuchea cáo buộc Việt Nam xâm lược, vấn đề thực sự là kế hoạch, hay ý đồ thành lập Liên bang Đông Dương Việt Nam thống trị của Hà Nội. Quân đội Việt Nam rút về nước vào tháng 1, mang theo hàng nghìn tù nhân và dân thường tị nạn.[33] Mặc dù mục đích của cuộc tấn công của Việt Nam là làm giảm bớt lập trường hiếu chiến của giới lãnh đạo Kampuchia, nhưng nó lại phản tác dụng - giới lãnh đạo Kampuchea coi đây là một chiến thắng lớn trước Việt Nam, so sánh nó với chiến thắng của họ trước người Mỹ. Kampuchea đã không đáp lại các hành động ngoại giao của Việt Nam mà tiếp tục bắt đầu một cuộc tấn công khác.[34] Việt Nam phản ứng bằng cách kích động một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Pol Pot[35] và tiến hành xâm lược tổng lực bằng đường bộ.[36]

Ngày 15 tháng 6 năm 1978, Bộ Chính trị BCHTƯ gửi yêu cầu Liên Xô cho phép một phái đoàn do Lê Duẩn làm Trưởng đoàn sang Moskva gặp Tổng bí thư Leonid Brezhnev nói riêng và giới lãnh đạo Liên Xô nói chung. Trong cuộc gặp với đại sứ Liên Xô vào tháng 9, Lê Duẩn nói rằng Việt Nam dự định "sẽ giải quyết triệt để vấn đề [Kampuchea] vào đầu năm 1979."[37] Lê Duẩn không tin rằng Bắc Kinh sẽ trả đũa vì cho rằng họ sẽ phải gửi quân bằng đường biển. Tuy Trung Quốc có thực sự tấn công, nhưng họ chọn Việt Nam làm mục tiêu. Ông cho rằng Việt Nam có rất ít thời gian và việc trì hoãn chỉ có lợi cho Trung Quốc. Ông tuyên bố thêm rằng Việt Nam đã thành lập 9 tiểu đoàn lính đào ngũ Khmer và họ đang tìm kiếm Sao Pheum. Trên thực tế, Sao Pheum đã chết được ba tháng. Đến thời điểm này, Lê Duẩn vẫn tin rằng Nuon Chea là một người bạn của Việt Nam, dù ông ta trước đó có bài phát biểu với luận điệu chống Việt Nam.[38] Trên thực tế, Nuon Chea và Son Sen vẫn là những người trung thành ủng hộ Pol Pot cho đến những năm 1990.[39]

Chiến tranh bùng nổ[sửa | sửa mã nguồn]

Nhận thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình, Việt Nam tổ chức tấn công toàn diện vào Kampuchea vào ngày 25 tháng 12 năm 1978. Quân đội Việt Nam gồm 13 sư đoàn, với tổng cộng 150.000 binh sĩ, được yểm trợ bởi trọng pháo và không quân, tiến vào Kampuchea từ nhiều ngả.[40] Kampuchea cố gắng phòng thủ bằng lối chiến tranh quy ước, chủ động đối đầu trực diện với quân Việt Nam. Tuy nhiên chiến lược này đã khiến Kampuchea thua mất một nửa quân số chỉ trong vòng hai tuần.[40] Thất bại liên tiếp khiến phần lớn giới lãnh đạo Kampuchea phải di tản khỏi Phnôm Pênh tới vùng rừng núi nằm ở phía tây đất nước giáp ranh Thái Lan.[41] Ngày 7 tháng 1 năm 1979, QĐNDVN và Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến vào thủ đô Phnôm Pênh. Ngay ngày hôm sau, một nhà nước thân Việt Nam, được gọi là Cộng hòa Nhân dân Kampuchea (PRK), được thành lập. Heng Samrin được bầu làm nguyên thủ quốc gia,[40] Pen Sovan được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Kampuchea.[41]

Tuy Khmer Đỏ bị đánh tan, nhưng tàn quân rút lui về ẩn náu tại vùng rừng núi. Dựa vào sự trợ giúp về lương thực, vũ khí của Thái Lan, Trung Quốc và cả Hoa Kỳ, Khmer Đỏ tiến hành chiến tranh du kích, gây ra nhiều thiệt hại đối với quân đội Cộng hòa Nhân dân Kampuchea và Việt Nam. Sau khi Việt Nam rút bớt quân về nước vào năm 1982, Khmer Đỏ ngay sau đó hoạt động mạnh trở lại và chiếm một số khu vực. Nhận thấy quân đội chính quyền mới không đủ mạnh để có thể tự chống cự, Việt Nam buộc phải tiếp tục đóng quân tại Kampuchea để bảo vệ chính quyền Hun Sen và tiến hành truy quét Khmer Đỏ. Vào mùa khô 1984–1985, Việt Nam huy động 60.000 quân cho chiến dịch tấn công quyết định nhằm triệt hạ các căn cứ của Khmer Đỏ nằm gần Thái Lan.[42] Đánh mất toàn bộ các căn cứ trên đất Kampuchea, Khmer Đỏ suy yếu đi nhiều và không còn đủ sức đe dọa chính quyền mới của Kampuchea.

Chiến tranh với Trung Quốc[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, trong lúc quân đội chủ lực của Việt Nam đang tham chiến trên đất Kampuchea, Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước để "dạy cho Việt Nam một bài học" vì đã tấn công Kampuchea.[43] Một ngày trước đó, Trung ương Đảng Trung Quốc họp các tư lệnh quân đội để thông báo về cuộc chiến "phản kích tự vệ" nhằm vào cựu đồng minh Việt Nam. Chủ trì hội nghị, Hoa Quốc Phong, tuyên bố lý do Bắc Kinh cần trừng phạt "Việt Nam kiêu ngạo", làm "tiểu bá" theo chân Liên Xô ở Đông Nam Á.[43] Sau khoảng 1 tháng giao tranh và đánh chiếm các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng cùng một số thị trấn khác vùng biên giới, Trung Quốc rút quân về nước vào ngày 16 tháng 3 năm 1979. Cả hai phía đều phải hứng chịu tổn thất nặng nề. Số thương phong của Trung Quốc lên tới 40.000 người trong khi Việt Nam chịu khoảng 20.000 thương vong.[44] Trung Quốc tuy không tiêu diệt được một sư đoàn quân chính quy nào của Việt Nam, nhưng đã đạt mục tiêu tàn phá tối đa cơ sở hạ tầng các tỉnh biên giới Việt Nam. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình không lường trước được việc Việt Nam sẽ không rút khỏi Campuchia.[45] Cuộc đàm phán hòa bình song phương đổ vỡ vào tháng 12 năm 1979. Cả Trung Quốc (400.000) lẫn Việt Nam (từ 600.000 tới 800.000) đều huy động lực lượng quy mô lớn bố trí dọc biên giới.[43] Xung đột vũ trang tại biên giới giữa hai nước vẫn còn tiếp diễn thêm hơn mười năm nữa.[46][44] Phải tới năm 1990, cùng với việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Liên Xô sụp đổ, giao tranh chấm dứt và quan hệ giữa hai nước dần trở lại bình thường.[47][41]

Những năm cuối đời và cái chết[sửa | sửa mã nguồn]

Vào thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã biến chính quyền nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thành một chế độ chuyên chế thực sự. Năm ủy viên Bộ Chính trị quyền lực nhất khi ấy đều đã ngoài 70 tuổi: Lê Duẩn 74 tuổi, Trường Chinh 75 tuổi, Phạm Văn Đồng 76 tuổi, Phạm Hùng 70 tuổi và Lê Đức Thọ 72 tuổi. Sức khỏe Lê Duẩn được cho là đã giảm sút trầm trọng trong giai đoạn này. Ông nhiều lần đến Liên Xô để chữa bệnh vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Có thông tin cho rằng Lê Duẩn không dẫn đầu đoàn đại biểu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vì sức khỏe yếu. Lê Duẩn lúc này trông vừa yếu vừa già và gặp khó khăn khi phát biểu trước Đại hội.[48]

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5, phe cánh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã giành được quyền lực đáng kể bằng cách bố trí tâm phúc vào các vị trí nhân sự trong Ban Chấp hành Trung ương khoá V, Ban Bí thư khoá VBộ Chính trị khoá V. Một số người ôn hòa hay tâm phúc cũ của Hồ Chí Minh cũng như những cá nhân thân Trung Quốc (được cho là theo Tư tưởng Mao Trạch Đông) và những người theo Trường Chinh đã bị loại khỏi Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng. Vụ lật đổ nổi bật nhất là Võ Nguyên Giáp, báo hiệu sự loại trừ một đối thủ chính trị, chứ không phải vì những bất đồng trong ý thức hệ. Nguyễn Duy TrinhLê Thanh Nghị bị loại khỏi Bộ Chính trị vì lập trường ôn hòa, trong khi Trần Quốc Hoàn, Lê Văn LươngNguyễn Văn Linh bị loại vì có mối liên kết với Trường Chinh và thay thế bằng các quân nhân gồm Đỗ Mười, Lê Đức AnhĐồng Sĩ Nguyên. Việc bổ nhiệm Nguyễn Đức TâmNguyễn Cơ Thạch góp phần củng cố thế lực Lê Đức Thọ. Qua những thay đổi nhân sự trên, phe Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chiếm đa số rõ ràng tại Ban Bí Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá V.[49]

Bản báo cáo của Lê Duẩn trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V là một bản tự kiểm điểm sâu sắc về đường lố lãnh đạo của ông và sự quản lý của đảng. Ông chỉ trích tham nhũng chính trị và kinh tế và cả chính chế độ lão thành: Ban Chấp hành Trung ương khóa V chỉ có một thành viên dưới 60 tuổi.[50] Trong thời kỳ này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bị rối loạn bởi cuộc đấu đá phe phái nội bộ giữa những người có quan điểm thực dụng và những người bảo thủ.[51] Tuy nhiên, cuộc tranh chấp phe phái nội bộ này sẽ dẫn đến việc Lê Duẩn và những người ủng hộ ông bắt đầu nỗ lực mở cửa và cải cách kinh tế.[52]

Lê Duẩn bị đau tim sau Đại hội đại biểu và phải sang Liên Xô cứu chữa, nhưng vẫn giữ chức Tổng Bí thư cho đến khi qua đời tại Hà Nội ở tuổi 79 vào ngày 10 tháng 7 năm 1986. Trường Chinh tạm thời kế vị Lê Duẩn làm Tổng Bí thư, trước khi được thay thế bởi Nguyễn Văn Linh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI diễn ra vào tháng 12 cùng năm.[53]

Quan điểm chính trị[sửa | sửa mã nguồn]

Lê Duẩn là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Trong thời chiến, ông đề cao quan điểm "ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội". Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội về chính trị, kinh tế, văn hóa và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Về mặt tư tưởng, Lê Duẩn thường được coi là một người thực dụng. Ông thúc đẩy mạnh mẽ sự vận dụng thiết thực, phát triển sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Marx – Lenin, tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đặc biệt là trong nông nghiệp. Quan điểm của Lê Duẩn về chủ nghĩa xã hội là sự thống nhất, tập trung và quản lý cao. Từ quan điểm "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc", Lê Duẩn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chăm lo đời sống của nhân dân, không phân biệt "bên này, bên kia" vì ai cũng là công dân nước Việt Nam.[54]

…Trong thời đại ngày nay, chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có khả năng đi đầu trong cuộc giải phóng xã hội khỏi ách áp bức dân tộc và áp bức giai cấp; chỉ có giai cấp công nhân mới tiêu biểu được cho chế độ làm chủ tập thể XHCN. Bởi vì, đó là giai cấp gắn liền với nền công nghiệp lớn hiện đại, mà chỉ với lực lượng sản xuất tiên tiến và hùng mạnh này thì mới cải tạo được triệt để xã hội cũ và mới thiết lập được nền tảng vật chất vững chắc cho chế độ mới…

Lê Duẩn thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về một xã hội do nhân dân làm chủ. Những quan điểm về nhân dân làm chủ đã được ông trình bày lần đầu tiên trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội III của Đảng, diễn ra vào ngày 5 tháng 9 năm 1960. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội IV của Đảng, về đường lối chung, Lê Duẩn đề cập tới hai việc, đó là "phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động" và "nắm vững chuyên chính vô sản là nắm vững đường lối của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, xây dựng Nhà nước vững mạnh". Đối với ông, việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể đồng nghĩa với việc xây dựng xã hội Việt Nam trở thành một xã hội mà trong đó, "người làm chủ là cộng đồng xã hội có tổ chức, là xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh các quan hệ xã hội thể hiện ngày càng đầy đủ sự làm chủ của nhân dân về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội".

Tư tưởng của Lê Duẩn về quyền làm chủ tập thể mang tính thứ bậc: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ." Theo ông, Đảng Cộng sản Việt Nam tuy nắm quyền lãnh đạo, nhưng không làm thay nhân dân và không làm mất quyền làm chủ tập thể của nhân dân, nhưng nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, không theo sự lãnh đạo của Đảng, thì không thể có chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa.

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ "Khóa sinh": Học trò chữ Nho đã đậu kỳ thi sát hạch ở địa phương trong chế độ thi cử cũ.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Le, Quynh (14 tháng 7 năm 2006). “Vietnam ambivalent on Lê Duẩn's legacy”. BBC World News. BBC. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2021.
  2. ^ a b c Shane-Armstrong 2003, tr. 216.
  3. ^ Lien-Hang 2012, tr. 54.
  4. ^ Lien-Hang Nguyen (14 tháng 2 năm 2017). “Who Called the Shots in Hanoi?”. The New York Times. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2021.
  5. ^ Sawinski 2001, tr. 211.
  6. ^ Tucker 2011, tr. 637.
  7. ^ Khoo 2011, tr. 34–35.
  8. ^ Khoo 2011, tr. 69–70.
  9. ^ Khoo 2011, tr. 97.
  10. ^ Khoo 2011, tr. 98.
  11. ^ Ang 2016, tr. 87.
  12. ^ Khoo 2011, tr. 117.
  13. ^ Khoo 2011, tr. 118.
  14. ^ Khoo 2011, tr. 100.
  15. ^ Khoo 2011, tr. 119.
  16. ^ Khoo 2011, tr. 123.
  17. ^ Ang 2016, tr. 88.
  18. ^ Europa Publications 2002, tr. 1419–1420.
  19. ^ Võ 1990, tr. 98.
  20. ^ a b Quinn-Judge 2006, tr. 166.
  21. ^ a b c Morris 1999, tr. 96.
  22. ^ Morris 1999, tr. 97.
  23. ^ Morris 1999, tr. 93.
  24. ^ Morris 1999, tr. 94.
  25. ^ Morris 1999, tr. 95.
  26. ^ Mosyakov 2017, tr. 66.
  27. ^ Mosyakov 2017, tr. 67.
  28. ^ a b Morris 1999, tr. 98.
  29. ^ Path 2020, tr. 19–21.
  30. ^ Path 2020, tr. 61.
  31. ^ Morris 1999, tr. 99.
  32. ^ a b c Morris 1999, tr. 100.
  33. ^ a b Morris 1999, tr. 102.
  34. ^ Morris 1999, tr. 103.
  35. ^ Morris 1999, tr. 105.
  36. ^ Morris 1999, tr. 106–107.
  37. ^ Morris 1999, tr. 108.
  38. ^ Morris 1999, tr. 109.
  39. ^ Morris 1999, tr. 110.
  40. ^ a b c Viện Smithsonian 2017, tr. 341.
  41. ^ a b c Morris 1999, tr. 111.
  42. ^ Swann 2009, tr. 108.
  43. ^ a b c Ang 2016, tr. 89.
  44. ^ a b “Chinese invasion of Vietnam”. Global Security.org. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2012.
  45. ^ Ang 2016, tr. 90.
  46. ^ “Vietnam – China”. U.S. Library of Congress. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2012.
  47. ^ Ang 2016, tr. 91.
  48. ^ Van & Cooper 1983, tr. 64.
  49. ^ Trung 1982, tr. 237–238.
  50. ^ Trung 1982, tr. 239–240.
  51. ^ Trung 1982, tr. 240–241.
  52. ^ Stern 1987, tr. 350.
  53. ^ Corfield 2008, tr. 111–112.
  54. ^ Trần Đại Quang (6 tháng 4 năm 2017). “Tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam”. Báo Nhân Dân. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếng Việt[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếng Anh[sửa | sửa mã nguồn]