Đạ Huoai

(Đổi hướng từ Đạ Huoai, Lâm Đồng)
Đạ Huoai
Huyện
Huyện Đạ Huoai
Một đoạn quốc lộ 20 qua thị trấn Ma Đa Guôi
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngTây Nguyên
TỉnhLâm Đồng
Huyện lỵthị trấn Ma Đa Guôi
Trụ sở UBNDKm 152, Số 01 Trần Hưng Đạo, tổ dân phố 6, thị trấn Ma Đa Guôi
Phân chia hành chính2 thị trấn, 7 xã
Thành lập14/3/1979
Địa lý
Tọa độ: 11°27′11″B 107°38′08″Đ / 11,453056°B 107,635556°Đ / 11.453056; 107.635556
MapBản đồ huyện Đạ Huoai
Đạ Huoai trên bản đồ Việt Nam
Đạ Huoai
Đạ Huoai
Vị trí huyện Đạ Huoai trên bản đồ Việt Nam
Diện tích494,4 km²
Dân số (2022)
Tổng cộng44.087 người[1]
Thành thị13.207 người (39%)
Nông thôn20.791 người (61%)
Mật độ69 người/km²
Dân tộcKinh, K'Ho, Tày
Khác
Mã hành chính681[2]
Biển số xe49-L1 2xx.xx 49-AL xxx.xx
Websitedahuoai.lamdong.gov.vn

Đạ Huoai là một huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam.

Huyện Đạ Huoai có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam và được mệnh danh là "thủ phủ sầu riêng Việt Nam".

Địa lý[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Đạ Huoai nằm ở phía tây nam của tỉnh Lâm Đồng, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Đà Lạt khoảng 155 km về phía Đông Bắc, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 145 km về phía Tây Nam, có vị trí địa lý:

Theo thống kê năm 2019, huyện có diện tích 494,4 km², dân số là 33.998 người, mật độ dân số đạt 69 người/km².[1]

Đây cũng là địa phương có dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt đang được xây dựng đi qua.

Có số người lao động thiểu số tại chỗ khoảng 20%. Người dân tộc sống chủ yếu dựa trên việc khai thác lâm sản phụ.

Địa hình[sửa | sửa mã nguồn]

Địa hình thấp dần từ phía tây bắc xuống giáp sông Đồng Nai bị chia cắt bởi các đồi núi từ cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc kéo xuống, đồng thời cũng tạo ra bậc thềm bằng phẳng. Địa hình bằng phẳng chủ yếu do bồi tụ phù sa của sông. Đây là địa hình mang tính chất chuyển tiếp giữa dạng địa hình vùng cao nguyên và địa hình vùng đồng bằng.

Địa hình: Bị chia cắt bởi nhiều khe, sông suối rất phức tạp. Độ cao tuyệt đối 180 – 800 m so với mực nước biển, độ dốc bình quân 15°.

Đất đai: phần nhiều là đất feralít vàng đến vàng nhạt phát triển trên đá mẹ Granít, ít đất bồi tụ ven sông suối, độ phì của đất thuộc dạng khá nên thích hợp cho việc trồng rừng.

Núi cao nhất ở Đạ Huoai là núi Lu Bu (núi Lú Mu) (1.079m) với đặc điểm là tảng đá lớn trên đỉnh núi có thể nhìn thấy từ quốc lộ 20.

Khí hậu[sửa | sửa mã nguồn]

Đạ Huoai có độ cao trung bình 300m so với mặt biển, khí hậu rất khác với Đà Lạt, Bảo Lộc, nhưng rất gần với khí hậu các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Đạ Huoai nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhưng khí hậu cao thấp có nét đặc trưng riêng của một trong ba huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng, nhiệt độ trung bình cao, biên độ dao động ngày và đêm không lớn đặc biệt thời hạn nắng nhiều với 7,5 giờ / ngày, ẩm độ không thích hợp với các tập đoàn cây trồng vùng ôn đới nhưng rất thích hợp với những cây trồng vùng nhiệt đới., mưa khá điều hòa.

Nhiệt độ trung bình hàng năm 22 - 24 °C, nhiệt độ cao nhất 34 - 35 °C. Đạ Huoai chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa tây nam, lượng mưa hàng năm cao. Cường độ mưa lớn và nhiều ngày.

Mùa khô từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10.

Thủy văn[sửa | sửa mã nguồn]

Trên địa bàn huyện có hai sông lớn chảy qua là sông Đạ Huoaisông Đạ Mri vào mùa khô có thể thuận tiện cho việc giao thông qua lại nhưng vào mùa mưa do lưu lượng nước chảy qua nhiều nên giao thông qua lại gặp nhiều khó khăn.

Sông Đạ Huoai phát nguyên từ suối Đạ Mri, chảy xuống qua Suối Tiên. Khi vào địa phận Đạ Huoai, lòng sông rộng dần ra trung bình 15 m, rồi đổ vào sông Đồng Nai. Phụ lưu chính là sông Đạ Mrê có chiều dài 50 km, rộng từ 10 m đến 12 m.

Lâm nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Tất các xã, thị trấn của huyện Đạ Huoai đều có rừng.

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn huyện:

  • Lâm trường Đạ Huoai quản lý:14.571 ha (trong đó quản lý đất nông nghiệp: 567 ha, đất khác 61 ha, Quy hoạch cho rừng phòng hộ: 3.611 ha, rừng sản xuất: 11.588 ha mà đất không có rừng 734 ha, đất có rừng 13.8887 ha).
  • Ban quản lý rừng Nam Huoai: quản lý:19.504 ha. Quy hoạch cho rừng phòng hộ: 14.567 ha, rừng sản xuất: 4.907 ha.

Hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Đạ Huoai có 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Ma Đa Guôi (huyện lỵ), Đạ M'ri và 7 xã: Đạ Ploa, Đạ Oai, Đạ Tồn, Đoàn Kết, Hà Lâm, Ma Đa Guôi, Phước Lộc.

Về mặt địa lý, các đơn vị hành chính của huyện Đạ Huoai được chia thành 2 khu vực:

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Trong kháng chiến chống Mĩ, địa bàn Đạ Huoai được gọi là K4 do Ban cán sự Đảng K4 thuộc Tỉnh ủy Lâm Đồng phụ trách.

Lực lượng cách mạng đã thường xuyên kiểm soát và làm chủ đoạn đường từ đèo Chuối đến phía nam Bảo Lộc, tạo nên cửa khẩu quan trọng tiếp tế lương thực thực phẩm và cung cấp tin tức từ bên ngoài cho Khu VI và vùng căn cứ tỉnh Lâm Đồng cũ.

Đạ Huoai có một xã căn cứ cách mạng gọi là xã BGia, nay là một phần của xã Đạ Plơa và xã Đoàn Kết. Nơi đây, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, dân quân du kích đã tham gia vào cuộc nổi dậy phá ấp chiến lược Bắc Ruộng và nhân dân vùng kháng chiến đã tham gia tải lương, tiếp đạn.

Ngày 27 tháng 3 năm 1975, lực lượng sư đoàn 7 đánh chiếm chi khu Đạ Huoai (tên cũ gọi là chi khu BSar), chiếm đồn Madagouil và giải phóng xã Madagouil.

Ngày 22 tháng 8 năm 1998, xã BGia được Nhà nước tuyên dương "Anh hùng lực lượng vũ trang".

Lịch sử hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Đạ Huoai trước kia là một vùng đất thuộc quận B'Lao. Năm 1959, quận B'Lao được đổi tên thành quận Bảo Lộc. Madaguoil là một xã thuộc quận Bảo Lộc, sau này trở thành xã Ma Đa Guôi và thị trấn Ma Đa Guôi, huyện lỵ của Đạ Huoai.

Ngày 12 tháng 7 năm 1965, xã BSar thuộc quận Tánh Linh (tỉnh Bình Tuy) được sáp nhập vào quận Bảo Lộc.

Trước năm 1975, vùng đất Đạ Huoai hiện nay chỉ có 2 xã: BSar và Ma Đa Guôi.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vùng đất Đạ Huoai thuộc huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng gồm 4 xã: Lộc Thọ, Lộc Phước, Lộc Phú và Lộc Trung.

Ngày 14 tháng 3 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 116-CP chia huyện Bảo Lộc thành 2 huyện: Bảo Lộc và Đạ Huoai.[3]

Khi mới thành lập, huyện Đạ Huoai bao gồm 7 xã: Đạ Kho, Đạ Lây, Đạ Mri, Đa Plơa, Đạ Oai, Đa Tẻh, Ma Đa Guôi; thị trấn Ma Đa Guôi và 2 thị trấn nông trường: Đạ Tẻh, Đạ Mré.

Ngày 29 tháng 12 năm 1981, Quốc hội khoá VII, kì họp thứ II, ra Nghị quyết sáp nhập xã Đồng Nai thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé vào huyện Đạ Huoai.[4]

Ngày 6 tháng 3 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 38-HĐBT về việc phân vạch địa giới một số xã thuộc tỉnh Lâm Đồng[5]. Theo đó:

  • Chia xã Đạ Kho thành 2 xã: Đạ Kho và Triệu Hải
  • Chia xã Đạ Tẻh thành 2 đơn vị hành chính: xã An Nhơn và xã Hà Đông
  • Chia xã Đồng Nai thành 4 xã: Đồng Nai, Quảng Ngãi, Phù Mỹ và Phước Cát.

Ngày 6 tháng 6 năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 67-HĐBT về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn thuộc huyện Đạ Huoai[6]. Theo đó:

  • Chia xã Đạ Plơa thành 2 xã: Đạ Plơa và Đoàn Kết
  • Chia xã Đạ M'ri thành 3 đơn vị hành chính: xã Đạ M'ri, xã Hà Lâm và thị trấn Đạ M'ri
  • Chia xã Đạ Oai thành 2 xã: Đạ Oai và xã Đạ Tồn
  • Chia xã Triệu Hải thành 2 xã: Triệu Hải và Quảng Trị
  • Chia xã Hà Đông thành 3 xã: Hà Đông, Mỹ Đức và Quốc Oai
  • Chia xã Đạ Lây thành 2 xã: Đạ Lây và Hương Lâm
  • Chia xã Quảng Ngãi thành 2 xã: Quảng Ngãi và Tư Nghĩa
  • Chia xã Phù Mỹ thành 2 xã: Phù Mỹ và Mỹ Lâm
  • Chia xã Đồng Nai thành 5 đơn vị hành chính: xã Đức Phổ, xã Nam Ninh, xã Gia Viễn, xã Tiên Hoàng và thị trấn Đồng Nai
  • Chia xã Phước Cát thành 2 xã: Phước Cát 1 và Phước Cát 2.

Huyện Đạ Huoai bao gồm 4 thị trấn: Đồng Nai, Đạ M'ri, Đạ Tẻh, Ma Đa Guôi và 26 xã: An Nhơn, Đạ Kho, Đạ Lây, Đạ M'ri, Đạ Plơa, Đạ Oai, Đạ Tồn, Đoàn Kết, Đức Phổ, Gia Viễn, Hà Đông, Hà Lâm, Hương Lâm, Ma Đa Guôi, Mỹ Đức, Mỹ Lâm, Nam Ninh, Phù Mỹ, Phước Cát 1, Phước Cát 2, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quốc Oai, Tiên Hoàng, Triệu Hải, Tư Nghĩa.

Cùng ngày, chia huyện Đạ Huoai thành 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ TẻhCát Tiên[7]. Huyện Đạ Huoai còn lại 2 thị trấn: Đạ M'ri, Ma Đa Guôi và 7 xã: Đạ M'ri, Đạ Plơa, Đạ Oai, Đạ Tồn, Đoàn Kết, Hà Lâm, Ma Đa Guôi.

Ngày 31 tháng 12 năm 2002, thành lập xã Phước Lộc trên cơ sở 7.766 ha diện tích tự nhiên và 3.008 nhân khẩu của xã Hà Lâm.[8]

Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập xã Đạ M'ri vào thị trấn Đạ M'ri.[9]

Huyện Đạ Huoai có 2 thị trấn và 7 xã như hiện nay.

Kinh tế - xã hội[sửa | sửa mã nguồn]

Theo tính toán của ngành thống kê tỉnh Lâm Đồng, GDP bình quân đầu người của huyện Đạ Huoai trong năm 1995 đạt 221 USD, trong khi đó GDP bình quân đầu người của tỉnh Lâm Đồng là 307 USD.

Đạ Huoai là một vùng đất có tiềm năng về rừng với nhiều loại gỗ quý, đặc biệt rất nhiều tre nứa cung cấp cho công nghiệp giấy và ngành tiểu thủ công nghiệp: song, tre, mây, tăm nhang,...

Đất đai của Đạ Huoai phù hợp với cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực.

Do có nhiều sông suối, với nhiều thảm thực vật tự nhiên, lại nằm ở đoạn giữa trên con đường nối liền giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Đà Lạt, ngay ở ngã ba nối liền quốc lộ 20 với vùng Đạ Tẻh, Cát Tiên bằng đường 721, nên huyện Đạ Huoai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ du lịch bên cạnh nền kinh tế chủ lực của mình là nông - lâm - công nghiệp.

Đạ Huoai có 9.694ha đất nông nghiệp, trong đó đất cây công nghiệp lâu năm chiếm 5.549ha; đất có rừng 35.551,22ha, trong đó rừng tự nhiên là 34.397,44ha, rừng trồng 1.153,78ha, diện tích sông suối 365ha.

Tổng sản lượng lương thực qui thóc năm 1999 là 2.271 tấn, trong đó có 1.653 tấn là sản lượng của 528 ha lúa.

Mía là cây công nghiệp ngắn ngày phát triển khá trên diện tích 741ha với sản lượng 48.761 tấn mía cây.

Điều là cây công nghiệp dài ngày phát triển mạnh, từ 898ha (năm 1991) đã tăng lên 4.490ha (năm 1999) với sản lượng 1.304 tấn hạt. Loại cây này rất phù hợp với diện tích rộng lớn của các khu đất trống, đồi núi trọc vùng Đạ Huoai và cung cấp hạt điều cho Xí nghiệp Chế biến hạt điều.

Cây ăn quả vùng Đạ Huoai phát triển thuận lợi. Năm 1991 diện tích 350ha, đến năm 1999 diện tích tăng lên gần gấp 4 lần (1.310ha), với tổng sản lượng là 5.197 tấn. Cây ăn quả ở đây có nhiều loại như: chôm chôm, sầu riêng, mít tố nữ,… Mùa quả ở Đạ Huoai thường chậm hơn so với mùa quả ở các miệt vườn miền Nam vài tháng cho nên bán chạy, ít bị đụng chợ, nên vào dịp cuối mùa quả, người tiêu dùng và du khách thường tìm mua trái cây vùng Đạ Huoai.

Ngành nông lâm nghiệp của Đạ Huoai năm 1995 chỉ đạt tổng giá trị sản xuất 9,5 tỷ, còn thấp so với tiềm năng một vùng nguyên liệu khá phong phú như tre nứa, điều, mía, đá xây dựng, vàng, nước khoáng thiên nhiên,…

Xã hội[sửa | sửa mã nguồn]

Hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế của huyện Đạ Huoai cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Huyện có 15 trường học (11 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở, 1 trường trung học cơ sở và phổ thông trung học) với 7.982 học sinh. Toàn huyện có 1 phòng khám đa khoa và 9 trạm y tế nằm rải rác ở thị trấn Mađagui và các xã với 96 y tá và bác sĩ.

Du lịch[sửa | sửa mã nguồn]

Thắng cảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Suối Tiên là một thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng của Đạ Huoai. Nằm cạnh quốc lộ 20, sông Đạ Huoai lượn quanh những dãy núi cao và những cánh rừng trùng điệp, lòng sông có những tảng đá lớn nhưng được bào mòn nhẵn, nhấp nhô, tạo nên những dòng thác nhỏ. Gọi là Suối Tiên nhưng thực ra đó là một đoạn của con sông Đạ Huoai. Du khách có thể thả bè trôi trên dòng suối hay bơi lội vào những ngày nắng ráo đẹp trời. Khu du lịch Suối Tiên đang thu hút nhiều du khách dừng chân trong những chuyến tham quan Lâm Đồng - Đà Lạt.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số Việt Nam đến ngày 01 tháng 4 năm 2019”. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020.
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ “Quyết định 116-CP về việc chia một số huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng”.
  4. ^ “Nghị quyết của Quốc hội về việc sáp nhập xã Đồng Nai thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé vào huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng”.
  5. ^ “Quyết định 38-HĐBT năm 1984 về việc phân vạch địa giới một số xã thuộc tỉnh Lâm Đồng”.
  6. ^ “Quyết định 67-HĐBT năm 1986 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Đạ Huoai, Đơn Dương, Di Linh và thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng”.
  7. ^ “Quyết định 68-HĐBT năm 1986 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Đạ Huoai thuộc tỉnh Lâm Đồng”.
  8. ^ “Nghị định 112/2002/NĐ-CP về việc thành lập xã thuộc các huyện Lâm Hà, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng”.
  9. ^ “Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH14 năm 2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng”.