Armata

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Armata
Armata MBT Xe tăng chủ lực T-14 Armata IFV with Epoch 30mm turret covered up Xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15
LoạiTổ hợp chiến xa cơ sở hạng nặng
Nơi chế tạo Liên bang Nga
Lược sử hoạt động
Sử dụng bởiLực lượng Vũ trang Liên bang Nga
Lược sử chế tạo
Người thiết kếPhòng thiết kế Ural về xây dựng máy móc vận tải (Uralvagonzavod)
Nhà sản xuấtKhông rõ
Giá thànhXe tăng T-14: 3.700.000 $[1]
Giai đoạn sản xuất2015-
Thông số
Khối lượng30-65 tấn (tùy phiên bản)[2]
Xe tăng T-14: 48 tấn[3]
Chiều dàiKhông rõ
Chiều rộngKhông rõ
Chiều caoKhông rõ
Kíp chiến đấu3

Vũ khí
chính
Tùy từng phiên bản là pháo nòng trơn 125 mm 2A82-1M[4]/ 152 mm 2A83[3] hoặc pháo tự động 2A42 30 mm
Vũ khí
phụ
súng máy PKT 7,62 mm hoặc Kord 12,7 mm
Động cơđộng cơ diesel A-85-3A[4]
1.500 mã lực (1200-2000)
Hệ thống treoHệ thống treo chủ động[4]
Tốc độ80km/h[5]

Tổ hợp chiến xa cơ sở Armata (tiếng Nga: Армата) là một hệ thống xe bệ thiết giáp bánh xích hạng nặng thế hệ thứ tư của Nga. Hệ thống xe bệ này là cơ sở để lắp ráp thành các loại xe tăng chủ lực (MBT), xe chiến đấu bộ binh (BMP) hạng nặng, xe chiến đấu hỗ trợ tăng (BMPT), pháo tự hành hạng nặng và các dòng thiết giáp hạng nặng khác.[6][7] Những mô hình đầu tiên của chúng được giới thiệu lần đầu trong Triển lãm Russia Arms EXPO năm 2013.[8] Người Nga đã cho chúng xuất hiện trước công chúng trong lễ Ngày chiến thắng của Nga năm 2015 và sẽ được đưa vào trang bị trong Lục quân Nga năm 2019.[9]

Nguồn gốc tên hiệu[sửa | sửa mã nguồn]

"Armata" là số nhiều của một từ Hy Lạp "arma" (άρμα), có nghĩa là vũ khí, trong tiếng Nga cổ dành cho những khẩu súng hỏa mai vào thế kỷ 14. Cái tên vẫn còn hay bị nhầm lẫn bởi các nhà báo trở thành "Armada" trong một vài trường hợp.[10][11][12][13]

Khái lược[sửa | sửa mã nguồn]

Với khối xe tăng thì khoang đạn dược trong Armata sẽ được tách biệt hoàn toàn với tổ lái để đảm bảo an toàn. Vỏ giáp, pháo chính, hệ thống nạp đạn tự động và động cơ dự kiến sẽ được cải tiến và nâng cấp so với các mẫu xe tăng trước. Cũng theo trung tướng Yuri Kovalenko thì loại tăng này sử dụng nhiều tính năng của mẫu thử nghiệm T-95. Các mẫu xe tăng cũ hơn như T-72, T-80 và T-90 sẽ vẫn tiếp tục được nâng cấp để kéo dài tuổi thọ sử dụng.

Xe được phát triển bởi Uralvagolzavod tại Nizhny Tagil. Những chiếc đầu tiên sẽ được giao vào năm 2015, sản xuất hàng loạt sẽ được bắt đầu vào năm 2016. Tổng cộng sẽ có 2300 chiếc xe tăng T-14 được giao cho quân đội Nga đến 2020, hiện đại hóa hơn 70% lực lượng xe tăng Nga hiện dịch.

Phát triển[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống Chiến đấu Armata đã được thiết kế và phát triển từ năm 2009 bởi công ty quốc phòng Uralvagonzavod trụ sở tại Nizhny Tagil.

Các nguyên mẫu của những phương tiện chiến đấu hạng nặng dựa trên hệ thống chiến đấu Armata được trình bày ở triển lãm quốc phòng Russian Arms Expo (Triển lãm Vũ khí Nga) tại Nizhny Tagil vào tháng 9 năm 2013.

Tháng 11, 2014 một cuộc thử nghiệm trên một chiếc pháo tự hành 152 mm 2S35 được tiến hành.[14]

Hai mươi bốn phương tiện đầu tiên được chia thành hai loại và được dự tính sẽ được đưa ra trước công chúng vào lễ duyệt binh Ngày Chiến Thắng tại thủ đô Moscow năm 2015 với một lô 32 chiếc được giao cho Lục quân Nga vào cùng năm.[15]

Kiểm tra tổng quát được lên lịch sẽ bắt đầu vào năm 2016 và tiếp tục cho đến cuối năm đó. Truyền thông Nga trước đây đã từng thông báo chuyển giao hàng loạt sẽ bắt đầu vào năm 2015 hay 2016.

Dựa trên các báo cáo ban đầu, xe tăng mới với tên gọi T-14 sẽ ít cấp tiến và tham vọng hơn dự án đã hủy 'Object 195' hay T-95, xe tăng mới sẽ nhẹ hơn, do đó sẽ nhanh hơn và sẽ có giá thành rẻ hơn so với đàn anh đầy tham vọng của nó. Thêm vào đó, xe bọc thép bánh xích Kurganets-25 có khá nhiều điểm tương đồng với loại xe tăng Armata mới. Loại Kurganets-25 sẽ tiến hóa thành nhiều mẫu khác, dần dần thay thế xe BMP, BMDMT-LB và các hệ thống bọc giáp bánh xích khác. Kurganets-25 sẽ có giáp mô-đun có thể được nâng cấp cho từng trường hợp, được trang bị một pháo tự động 2A42 30mm và bốn ống phóng tên lửa chống tăng dẫn đường Kornet-EM.

Có tổng cộng 2.300 chiếc xe tăng chủ lực T-14 dự tính sẽ được cung cấp vào năm 2020, hiện đại hóa 70 phần trăm lực lượng xe tăng của Nga.

Xe tăng T-14 Armata[sửa | sửa mã nguồn]

Trung tướng Nga Yuri Kovalenko tuyên bố rằng hệ thống chiến đấu "Armata" sẽ sử dụng một số tính năng từ xe tăng T-95 mà chỉ có một vài nguyên mẫu được xây dựng. Ở phiên bản tăng chủ lực, khoang đạn sẽ được cách ra khỏi tổ lái để tăng độ an toàn. Trong khi đó động cơ sẽ được nâng cấp mạnh hơn và giáp, pháo chính cùng hệ thống nạp đạn tự động sẽ được củng cố.

Chiếc xe tăng sẽ có một tháp pháo điều khiển từ xa và sẽ được điều hành bởi một thành viên của tổ lái tại một khoang riêng trong xe. Một số người tin răng điều này có thể dẫn đến một chiếc xe tăng tự động hoàn toàn trong tương lai.

Các phương tiện dựa trên hệ thống Armata sẽ được trang bị radar và các công nghệ khác tìm được trên chiếc tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi T-50 bao gồm radar băng tần Ka (26.5–40 GHz) dựa trên radar AESA. Thiết bị sẽ sẵn sàng vào năm 2015.

Vỏ giáp của Armata sẽ làm từ một loại hợp kim mới với số hiệu 44S-sv-Sh, phát triển bởi Viện nghiên cứu Kim loại. Loại hợp kim mới này bền chắc hơn thép nhưng lại nhẹ hơn và không mất đi tính năng của mình trong nhiệt độ cực thấp, một tiêu chí bắt buộc của vũ khí Nga để hoạt động tốt tại vùng Bắc Cực lạnh giá.

T-14 có vỏ giáp trước tương đương 1.100-1.200 mm thép khi chống đạn xuyên giáp động năng, ~1.100-1.400 mm thép khi chống đạn nổ lõm chống tăng[16])). Khi kết hợp với giáp phản ứng nổ, khả năng bảo vệ còn được nâng cao thêm 30-60%, đủ sức chịu được hỏa lực của mọi loại pháo xe tăng cỡ nòng 120 hoặc 125 mm. Nóc xe cũng được làm đạt độ dày tới 260 – 300 mm thép để kháng lại những vũ khí chống tăng kiểu mới chuyên tấn công vào nóc xe như tên lửa FGM-148 Javelin.

Xe trang bị hệ thống phòng thủ chủ động "Afganit" để đánh chặn đạn chống tăng từ xa trước khi chúng lao vào xe tăng. Hệ thống có thể đánh chặn mục tiêu có tốc độ tới 1.700 m/s (tức là tốc độ siêu thanh Mach 5), vượt trội so với hệ thống ARENA trên T-90 (chỉ đánh chặn được mục tiêu có tốc độ khoảng 700 m/s). Ở thời điểm 2015, trên thế giới chưa nước nào có hệ thống đạt tính năng tương đương[3][5]

Về độ cơ động, T-14 trang bị động cơ diesel 1.500 mã lực. Khi chấp nhận hao phí nhiên liệu để dùng tối đa công suất, động cơ còn có thể đạt tới 1.800 mã lực, tỷ lệ công suất/khối lượng đạt tới 37,5 mã lực/tấn. Do vậy, T-14 đạt khả năng cơ động tốt nhất thế giới với vận tốc tối đa đạt 90 km/h, vượt xa so với loại xe tăng cơ động nhất của phương Tây là Leopard 2 (có các chỉ số tương ứng là 26 mã lực/tấn và 72 km/h).

Về hỏa lực, Armata trang bị loại pháo 125 mm L/56 2A82-1M, đây là loại pháo cải tiến từ loại pháo 125 mm L/48 2A46 trang bị trên T-72, T-80T-90. So với pháo 2A46M-5 của T-90, loại 2A82 có cùng đường kính nòng nhưng chiều dài nòng lớn hơn 1 mét, giúp bắn đạn xuyên giáp APFSDS có sức xuyên mạnh hơn, chính xác hơn khoảng 15-17%. So với pháo 120 mm L/55 (loại pháo tăng mạnh nhất cùng thời của phương Tây), 2A82-1M có sức xuyên phá mạnh hơn 17%. Khi sử dụng đạn xuyên giáp APFSDS kiểu mới 3BM-60 "Свинец-2", pháo 2A82-1M đạt sức xuyên 850–900 mm (ở cự ly 2.000 mét), đủ sức bắn xuyên giáp trước xe tăng và M1A2 Abrams của Mỹ hoặc Leopard-2A6 của Đức ngay từ phát đạn đầu tiên với xác suất khoảng 60%.

Ngoài ra, khi cần thiết phải đối phó với những mẫu xe tăng mới của phương Tây sẽ ra đời trong tương lai, Armata còn có thể trang bị loại pháo 2A83 cỡ nòng 152 mm. Đây là loại pháo tăng mạnh nhất thế giới ở thời điểm 2015. Đạn xuyên giáp APFSDS cỡ 152mm của T-14 có sơ tốc đạn là 1.980 m/s, sức xuyên giáp đạt tới 1.024 mm thép (ở cự ly 2.000 mét), đủ sức xuyên thủng giáp trước của mọi loại xe tăng cùng thời. Sức xuyên giáp của pháo 152 mm còn có thể mạnh hơn nữa khi các loại đạn mới được chế tạo. Ngoài ra, đạn nổ lõm cỡ 152mm có sức xuyên trên 1.200 mm thép[3][5] Tốc độ bắn 10-12 viên đạn mỗi phút, máy nạp đạn tự động chứa được 32 viên đạn pháo cùng khoảng 20 viên đạn pháo khác được đặt trong khoang riêng trong thân xe, cách biệt với tổ lái.[17]

Armata sẽ có một ụ súng điều khiển từ xa và một hệ thống điều khiển tự động, tổ lái được bảo vệ trong một khoang bọc giáp. Ngoài đạn xe tăng, một loại tên lửa dẫn đường bằng laser mới có thể bắn từ pháo chính với đầu đạn chống tăng cùng tầm bắn 5,100 m (16,000 ft) cũng sắp được phát triển. Các loại vũ khí phụ sẽ bao gồm một pháo 30 mm và một súng máy 12,7 mm.

Các phiên bản[sửa | sửa mã nguồn]

Hệ thống xe bệ thiết giáp Armata có thể lắp đặt động cơ ở khoang trước hoặc khoang sau xe, cũng như module vũ khí và khối chức năng, dẫn đến có thể hình thành hơn 30 biến thể khác nhau như:[4][18]

  • T-14 (Obyekt 148): xe tăng chủ lực với pháo nòng trơn 125mm 2A82 / 152mm 2A83
  • T-15 (Obyekt 149): xe chiến đấu bộ binh hạng nặng
  • BMO-2: hệ thống súng phun lửa
  • BM-2 (TOS-2): pháo phản lực tầm ngắn, giống như loại TOS-1 Buratino
  • 2S35 Koalitsiya-SV: pháo tự hành 152 mm 2A88 (16 viên đạn mỗi đến phút, khoảng từ 40–70 km) 48 tấn.[19][20][21]
  • BREM-T T-16 (Obyekt 152): xe sửa chữa
  • USM-AUMA-3: xe quét mìn
  • MIM-A: xe công binh
  • MT-A: xe bắc cầu

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Названа цена танка «Армата» — Популярная механика”. Popmech.ru. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  2. ^ “«Армата» против «Леопарда»: новый русский танк превзойдет все мировые аналоги”. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  3. ^ a b c d http://vpk.name/library/f/armata.html
  4. ^ a b c d Взгляд: Следующий — Т-14
  5. ^ a b c http://www.rg.ru/2015/05/05/armata-site.html
  6. ^ Национальная оборона / Вооружения / Танки: сотворение мифов
  7. ^ “Russia's new Armata tank on Army 2015 shopping list”.
  8. ^ Алексей Рамм (ngày 9 tháng 10 năm 2013). “Огнем и гусеницами”. Военно-промышленный курьер. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2015.
  9. ^ Тимур Алимов (ngày 30 tháng 4 năm 2015). "Курганец" и "Бумеранг" пойдут в серию в 2019 году”. Русское оружие. Российская газета.
  10. ^ “Каким может быть новый танк "Армата". Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2012.
  11. ^ “Наука и техника: Россия примет на вооружение новый танк "Армада".
  12. ^ “Russian Armata Tank to Enter Testing in November”.
  13. ^ "Модель танка на платформе "Армата" ?”.
  14. ^ “Russia's new Koalitsiya self-propelled gun being trialled”.
  15. ^ “Russia's new Armata MBT to make its debut in 2015”.
  16. ^ “Видимые преимущества перспективного танка Т-14 «Армата»”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2016.
  17. ^ http://www.rg.ru/2015/02/02/tank.html
  18. ^ Военные раскрыли секреты «Арматы» для телеканала «Звезда»
  19. ^ “2S35 Koalitsiya”. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  20. ^ “2S35 Koalitsiya”. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.
  21. ^ “Скорострельность САУ "Коалиция" увеличили в полтора раза”. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2015.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]