Cổng thông tin:Chiến tranh thế giới thứ hai
Trang Chính | →Bản đồ← |
Cổng thông tin Chiến tranh thế giới thứ haiChiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc bắt đầu từ năm 1937 hoặc 1939 và chấm dứt vào năm 1945 giữa các lực lượng Đồng Minh và Trục (phát-xít). Hầu hết mọi lục địa trên thế giới đều bị ảnh hưởng của cuộc chiến này, ngoại trừ châu Nam Cực. Nó là cuộc chiến rộng lớn và tai hại nhất trong lịch sử nhân loại. Các chiến sự đã xảy ra tại Đại Tây Dương, châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Bình Dương và phần lớn của Đông Á và Đông Nam Á. Cuộc chiến kết thúc tại châu Âu khi Đức đầu hàng vào ngày 8 tháng 5, 1945 nhưng vẫn còn tiếp diễn tại châu Á cho đến khi Nhật đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Sau cuộc chiến, châu Âu bị chia ra làm hai phái: một phía chịu ảnh hưởng phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu, còn phía kia chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Các nước chịu sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ được phục hồi kinh tế sau khi nhận được viện trợ từ Kế hoạch Marshall trong khi các nước kia trở thành các nước cộng sản phụ thuộc Liên Xô. Tây Âu liên kết đồng minh trong Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương, trong khi các nước Đông Âu liên kết đồng minh theo Hiệp ước Warszawa. Các liên minh này đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Lạnh sau này. Tại châu Á, sự chiếm đóng Nhật Bản của quân đội Hoa Kỳ đã Tây hóa nước này, trong khi Trung Quốc bị chia ra thành hai nước: nước cộng sản Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Trung Hoa Dân quốc tại Đài Loan. [ Đọc tiếp ] Bài viết chọn lọc
Trận Smolensk năm 1941 là một trận đánh lớn trong Chiến tranh Xô-Đức. Đây là một tổ hợp các trận đánh phòng thủ kết hợp với các hoạt động phản kích của quân đội Liên Xô chống lại Cụm tập đoàn quân Trung tâm và một phần Cụm tập đoàn quân Bắc của quân đội Đức Quốc xã đang tấn công theo hướng trực chỉ Moskva theo Kế hoạch chiến dịch Barbarossa. Trong vòng hai tháng (từ 10 tháng 7 - 10 tháng 9 năm 1941), cuộc chiến ác liệt tiếp tục diễn ra trên một vùng lãnh thổ rộng lớn với mặt trận trải dài kéo từ 600 đến 650 km trên tuyến Idritsa và Velikie Luky ở phía bắc tới Loev và Novgorod-Seversky ở phía nam; có chiều sâu lên đến 200-250 km từ Polotsk, Vitebsk và Zhlobin ở phía tây đến Andreapolya, Yartsevo, Yelnya và Trubchevsk ở phía đông. Chiến dịch được phát động bởi các đòn tấn công của Tập đoàn quân xe tăng 2 do tướng Heinz Guderian chỉ huy và Tập đoàn quân xe tăng 3 do tướng Hermann Hoth chỉ huy thuộc Cụm Tập đoàn quân Trung Tâm của quân đội Đức Quốc Xã. Cuộc tấn công bao gồm hai đòn công kích vu hồi liên tiếp trên khu vực từ Vitebsk-Orsha đến Smolensk nhằm bao vây tiêu diệt một phần binh lực của bốn phương diện quân Liên Xô. Phòng thủ tại tuyến này bao gồm Phương diện quân phía Tây do nguyên soái Semyon Timoshenko chỉ huy, Phương diện quân Dự bị do đại tướng Georgi Zhukov chỉ huy, Phương diện quân Trung tâm do thượng tướng Fyodor Isodorovich Kuznetsov chỉ huy và Phương diện quân Bryansk do trung tướng Andrei Yeremenko chỉ huy. Mặc dù một phần Tập đoàn quân 16, Tập đoàn quân 19 và Tập đoàn quân 20 (Liên Xô) bị bao vây và tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh ở phía Nam Smolensk nhưng một phần lớn lực lượng của các tập đoàn quân 16 và 19 đã rút lui an toàn. Việc "để sổng" một lực lượng lớn quân đội Liên Xô như vậy đã khiến Hitler quyết định từ bỏ chiến thuật bao vây tiêu diệt các lực lượng Hồng quân, thay vào đó quân Đức tập trung vào mục tiêu tấn công các khu vực giàu tiềm năng kinh tế của Liên Xô như các vùng nông nghiệp trù phú ở đồng bằng ven các con sông Dniepr, Volga, Don; các khu công nghiệp Voronezh, Kharkov, Zaporozhe, Poltava, Krasnograd, Nikolaev, Krivoi Rog...; nhằm phá hoại nền kinh tế của Liên Xô, hy vọng bằng cách đó làm cho họ suy kiệt và đi đến chỗ sụp đổ.
Khí tài quân sự
USS Nevada (BB-36), chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Hoa Kỳ được đặt theo tên của tiểu bang thứ 36 của Hoa Kỳ, là chiếc dẫn đầu trong số hai chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp Nevada; chiếc tàu chị em với nó chính là chiếc Oklahoma. Được hạ thủy vào năm 1914, Nevada là một cú nhảy vọt trong kỹ thuật tàu chiến hạng nặng, với bốn trong trong số các đặc tính của nó hiện diện trên tất cả các thiết giáp hạm Mỹ sau này: tháp pháo với ba khẩu súng chính, súng phòng không, thay thế than bằng dầu làm nhiên liệu, và nguyên tắc “tất cả hoặc không có gì” khi thiết kế vỏ giáp. Các đặc tính này làm cho Nevada trở thành chiếc thiết giáp hạm “Siêu Dreadnought” đầu tiên của Hải quân Mỹ.
Nevada đã phục vụ trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới: trong những tháng cuối cùng của Thế chiến thứ nhất, Nevada đặt căn cứ tại vịnh Bantry, Ireland để bảo vệ các đoàn tàu vận tải đi và đến nước Anh. Trong Thế chiến thứ hai, nó là một trong những thiết giáp hạm bị kẹt lại bên trong vịnh khi Hải quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Nó là chiếc thiết giáp hạm duy nhất di chuyển được trong cuộc tấn công, khiến cho nó trở thành “điểm sáng duy nhất trong ngày ảm đạm và suy sụp đó” của nước Mỹ. Dù vậy, nó vẫn bị đánh trúng một quả ngư lôi và ít nhất sáu trái bom trong khi di chuyển ra khỏi nơi neo đậu hàng thiết giáp hạm, buộc nó phải tự mắc cạn gần bờ. Sau khi được trục vớt và hiện đại hóa tại xưởng hải quân Puget Sound, Nevada phục vụ trong việc hộ tống các đoàn tàu vận tải tại vùng biển Đại Tây Dương, và yểm trợ hỏa lực cho nhiều cuộc tấn công đổ bộ tại Normandie và tại miền Nam nước Pháp; trong trận Iwo Jima và trận Okinawa tại mặt trận Thái Bình Dương. Sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai, Hải quân Mỹ đánh giá chiếc Nevada đã quá cũ để có thể giữ lại, nên họ đã dùng nó như một mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm nguyên tử được thực hiện tại đảo san hô Bikini vào tháng 7 năm 1946 (Chiến dịch Crossroad). Sau khi chịu đựng hai trái bom nguyên tử, nó vẫn có thể nổi được nhưng bị hư hại và bị nhiễm phóng xạ nặng nề. Nó được cho ngừng hoạt động vào ngày 29 tháng 8 năm 1946 và bị đánh chìm trong một cuộc thực tập tác xạ pháo hải quân vào ngày 31 tháng 7 năm 1948. [ Đọc tiếp ] Bài viết tiêu biểu
Chiến dịch Weserübung là mật danh của cuộc tấn công do Đức Quốc xã tiến hành tại Đan Mạch và Na Uy trong Chiến tranh thế giới thứ hai, mở màn Chiến dịch Na Uy. Mật danh này dịch từ tiếng Đức có nghĩa là Chiến dịch diễn tập Weser, với Weser là tên một con sông ở Đức. Chiến dịch này bao gồm 2 bộ phận: Weserübung-Nam (tiếng Đức: Weserübung-Süd) (đánh chiếm Đan Mạch) và Weserübung-Bắc (tiếng Đức: Weserübung-Nord) (đánh chiếm Na Uy). Sự khác biệt đáng kể về địa lý và khí hậu giữa 2 quốc gia đã khiến các diễn biến quân sự thực tế ở 2 nơi diễn ra hết sức khác nhau.
Sáng sớm ngày 9 tháng 4 năm 1940 – ("ngày Weser") – quân đội Đức đã đồng loạt tấn công Đan Mạch và Na Uy, với lý do nhằm ngăn ngừa một hoạt động đối nghịch đang được lên kế hoạch và bàn luận công khai của Pháp-Anh nhằm xâm chiếm cả 2 quốc gia này. Sau cuộc xâm lăng, đại sứ Đức thông báo với chính phủ Đan Mạch và Na Uy rằng quân đội Đức Quốc Xã đến để bảo vệ họ trước âm mưu xâm lược của Anh và Pháp. Trên thực tế, mục đích quân sự của chiến dịch này của Đức là đánh chiếm đóng các cảng của Na Uy, một mặt để ngăn ngừa người Anh tiến hành một cuộc phong tỏa lực lượng hải quân Đức, mặt khác nhằm đảm bảo nguồn quặng sắt cần thiết cho ngành công nghiệp vũ khí của Đức nằm tại Kiruna (Thụy Điển) qua cảng Narvik. Đan Mạch được những người lên kế hoạch dưới quyền Tướng Nikolaus von Falkenhorst xem là một tuyến đường tiếp tế không thể thiếu cho chiến dịch này. Đan Mạch và Na Uy đều là những nước trung lập. Đức đã gửi một tối hậu thư cho 2 quốc gia này, đảm bảo rằng sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của họ sẽ được bảo thừa nhận nếu họ đầu hàng ngay lập tức. Na Uy từ chối và quyết định chiến đấu, còn Đan Mạch đã chấp nhận sau vài giờ giao tranh. Đến đầu tháng 5 sự kháng cự của quân Đồng minh tại Na Uy bị bẻ gãy, thế nhưng Na Uy chỉ chịu đầu hàng vào ngày 10 tháng 6 năm 1940, khi mà của Đức đã gần như hoàn toàn chiến thắng trong chiến dịch tại Tây Âu.
Hình ảnh chọn lọcTên lửa V-2 (tiếng Đức: Vergeltungswaffe 2, tức "Vũ khí trả thù 2") có tên gọi chính thức là A-4 (tiếng Đức: Aggerat 4, tức "Cỗ máy liên hợp 4"), là tên lửa đạn đạo đầu tiên trong lịch sử, thủy tổ của các loại tên lửa vũ trụ. Hơn 3.000 tên lửa V-2 đã được Wehrmacht sử dụng tấn công các mục tiêu Đồng Minh trong Thế chiến thứ hai. Nhân vật lịch sử
Georgi Konstantinovich Zhukov (tiếng Nga: Георгий Константинович Жуков, đọc là Ghê-oóc-ghi Can-xtan-chi-nô-vích Giu-cốp; 1 tháng 12 năm 1896 – 18 tháng 6 năm 1974) là danh tướng trong quân đội Liên Xô. Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh thế giới trong Chiến tranh thế giới thứ hai, G.K. Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng nhiều và quy mô lớn, được nhiều người công nhận về tài năng chỉ đạo chiến dịch và chiến lược. Những chiến tích của ông đã trở thành những đóng góp rất lớn vào kho tàng di sản kiến thức quân sự nhân loại. Nó không những có ảnh hưởng lớn về lý luận quân sự của Liên Xô mà cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lý luận quân sự thế giới.
Theo A. M. Vasilevsky, G. K. Zhukov là một trong những nhà cầm quân lỗi lạc của nền quân sự Xô Viết. Trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên Xô, ông đã giữ các chức vụ Tư lệnh Phương diện quân Dự bị, Tư lệnh Phương diện quân Tây, Tư lệnh Phương diện quân Beloussia 1, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Thứ trưởng Bộ dân ủy Quốc phòng kiêm Phó Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Hầu hết các nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng thế giới cùng thời với ông như Thống chế Anh Sir Bernard Law Montgomery, Thống tướng Hoa Kỳ Dwight David Eisenhower, Đại tướng Pháp Charles de Gaulle, Thống chế Pháp Jean de Lattre de Tassigny đều công nhận tên tuổi của ông đã gắn liền với hầu hết các chiến thắng lớn trong cuộc chiến như Trận Moskva (1941), Trận Stalingrad, Trận Kursk, Chiến dịch Bagrachion, Chiến dịch Visla-Oder và Chiến dịch Berlin. Trong giai đoạn sau chiến tranh, ông giữ các chức vụ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại nước Đức, tư lệnh các quân khu Odessa và Ural. Sau khi I. V. Stalin qua đời, ông được gọi về Moskva và được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Liên Xô. Trong thời gian từ năm 1955 đến năm 1957, ông giữ chức vụ Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô. Năm 1957, trong thời gian đang đi thăm Nam Tư, ông bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1958, ông bị miễn nhiệm tất cả các chức vụ trong quân đội. Bạn có biết...
Thể loạiKhông có thể loại con Diễn biến chiến sự
Danh mụcTham giaChủ đề Chiến tranh thế giới thứ hai đang được xây dựng nên rất cần sự giúp đỡ, đóng góp của các bạn về nội dung lẫn giao diện. Các bạn có thể:
Chủ đề liên quanCổng thông tin Wikipedia
|