ABU Robocon
Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á – Thái Bình Dương ABU, hay ABU Robocon, là cuộc thi chế tạo robot dành cho sinh viên các trường đại học, học viện và cao đẳng khối kĩ thuật của các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương do Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU) tổ chức mỗi năm một lần.
Cuộc thi là phiên bản mở rộng của NHK Robocon, một cuộc thi bắt đầu vào năm 1991 và chỉ dành cho các đội đến từ Nhật Bản. Từ năm 2002, nó trở thành cuộc thi thường niên mang tên ABU Robocon để cổ vũ cho phong trào sáng tạo robot của thanh niên trong khu vực. Mỗi nước được phép cử một đội là sinh viên của một trường đại học, học viện hay cao đẳng tham dự (riêng nước đăng cai tổ chức được cử hai đội). Trong đa số trường hợp, đội tham dự ABU Robocon được tuyển chọn từ cuộc thi trong nước do đài truyền hình thành viên tổ chức với cùng chủ đề.
Thể thức thi đấu
[sửa | sửa mã nguồn]Mỗi năm cuộc thi có một chủ đề khác nhau, nhưng nói chung các đội thi phải sử dụng hai hoặc nhiều robot để hoàn thành nhiệm vụ. Một trong số các robot sẽ được điều khiển bằng tay trong khi các robot khác là tự động. Các robot tối ưu thường nặng hơn 10 kg và trải dài trên diện tích một mét vuông. Để chế tạo robot, các thí sinh (là những sinh viên chưa tốt nghiệp đại học) phải có kiến thức phong phú về lập trình, thiết kế cơ khí và thiết kế mạch điện tử.
Mỗi trận thi đấu diễn ra giữa hai đội, thường được gọi là đội đỏ và đội xanh. Sân chơi có dạng đối xứng và robot của cả hai đội xuất phát trong cùng một điều kiện (ngoại trừ Robocon 2015 sử dụng trò chơi đánh theo lượt dựa trên môn cầu lông, còn Robocon 2025 sử dụng tính chất tấn công-phòng thủ trong bóng rổ).
Một trận đấu điển hình (ngoại trừ Robocon 2015 và 2025) kéo dài trong 3 phút, nhưng có thể dừng lại sớm hơn sau khi có một đội đạt được chiến thắng tuyệt đối và trận đấu sẽ dừng lại ngay lập tức. Nếu không có đội nào đạt được chiến thắng tuyệt đối, đội có số điểm cao hơn sau 3 phút sẽ là đội chiến thắng.
Các phiên bản đầu tiên của Robocon có xu hướng nhấn mạnh tính cạnh tranh của trò chơi, trong đó những người chơi đạt được chiến thắng bằng cách sử dụng các chiến lược để triển khai robot của họ cũng như ngăn cản đối thủ đạt được mục tiêu. Chiến lược này trở nên đáng chú ý trong các chiến thắng của Việt Nam tại ABU Robocon 2004 và 2006, hay chiến thắng của Trung Quốc tại ABU Robocon 2008. Để giảm thiểu các vấn đề phát sinh, các lần tổ chức sau này đã làm giảm tính chiến đấu và tập trung nhiều hơn vào công nghệ, thiết kế để khiến robot thực hiện các thao tác phức tạp, đòi hỏi các đội phải sáng tạo hơn trong việc thiết kế robot.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giải thi đấu trực tiếp không được tổ chức và được thay thế bằng hình thức biểu diễn trực tuyến. Điều tương tự cũng xảy ra tại các cuộc thi vào năm 2021 và 2022 (tổ chức thi đấu trực tuyến). Kể từ năm 2023, cuộc thi trở lại với thể thức thi đấu trực tiếp truyền thống.
Tổ chức
[sửa | sửa mã nguồn]Vòng chung kết
[sửa | sửa mã nguồn]Các bước tổ chức một cuộc thi ABU Robocon bao gồm:
- Nước chủ nhà công bố chủ đề của cuộc thi tới các nước tham dự thông qua ABU. Thông thường, chủ đề sẽ được công bố vào cuối kỳ ABU Robocon liền trước.
- Các trường đại học, học viện lập kế hoạch thiết kế, chế tạo robot của mình để thi theo chủ đề đó.
- Các đài truyền hình của các nước tổ chức cuộc thi trong nước để lựa chọn một đội đại diện duy nhất (hoặc hai đội, nếu là nước chủ nhà) và ghi hình quá trình chế tạo robot của đội đại diện cho nước mình gửi đến ban tổ chức cuộc thi năm đó.
- Băng ghi hình cuộc thi và các băng ghi hình quá trình chế tạo robot của các đội tham dự sẽ được ban tổ chức gửi đến các đài truyền hình để phát sóng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vòng loại khu vực Việt Nam (Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam)
[sửa | sửa mã nguồn]- Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam (Robocon Việt Nam) do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức với đơn vị thường trực là Ban Khoa giáo.
- Năm 2002 không có vòng loại miền, cả 17 đội được lọt vào vòng chung kết. Từ năm 2003-2019 và 2023, vòng loại miền được tổ chức tại ba miền Bắc, Trung, Nam. 32 đội (riêng năm 2010 là 34 đội) đứng đầu từ ba miền (một số năm chỉ có hai miền Bắc và Nam khi khu vực miền Trung được phân vào hai miền còn lại) tham dự vòng chung kết Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2024, tất cả các đội đăng ký tham dự sẽ tham gia chạy thử để chọn 32 đội có thành tích trình diễn tốt nhất tham dự vòng chung kết (không tổ chức vòng loại miền).
- Từ năm 2003, các đội lọt vào vòng chung kết được chia thành 8 bảng đấu, mỗi bảng 4 đội (năm 2010 có 2 bảng 5 đội do có tổng cộng 34 đội lọt vào vòng chung kết). Hai đội đứng đầu mỗi bảng giành quyền đi tiếp. Các đội sau đó sẽ thi đấu loại trực tiếp cho tới khi tìm ra nhà vô địch.
- Đội quán quân (và đội á quân, khi ABU Robocon được tổ chức ở Việt Nam) sau khi kết thúc cuộc thi có khoảng 2-3 tháng để nâng cấp robot và cải thiện chiến thuật để chuẩn bị cho vòng chung kết ABU Robocon.
Các lần tổ chức
[sửa | sửa mã nguồn]Trong các năm 2020 và 2021, giải thi đấu trực tiếp bị hủy do ảnh hưởng của Đại dịch COVID-19 và được chuyển sang hình thức biểu diễn trực tuyến. Năm 2022, cuộc thi được tổ chức dưới hình thức thi đấu trực tuyến.
Các quốc gia vô địch
[sửa | sửa mã nguồn]Quốc gia | Số lần | Năm |
---|---|---|
Việt Nam | 7 | 2002, 2004, 2006, 2014, 2015, 2017, 2018 |
Trung Quốc | 5 | 2007, 2008, 2009, 2010, 2012 |
Nhật Bản | 4 | 2005, 2013, 2020[a], 2023 |
Hồng Kông | 3 | 2019, 2022[b], 2024 |
Thái Lan | 2 | 2003, 2011 |
Malaysia | 1 | 2016 |
Indonesia | 1 | 2021[a] |
Thành tích theo quốc gia
[sửa | sửa mã nguồn]Quóc gia | Vô địch | Á quân | Hạng ba |
---|---|---|---|
Việt Nam | 7 (2002, 2004, 2006, 2014, 2015, 2017, 2018) | 4 (2010, 2012, 2013, 2024) | 7 (2003, 2009, 2011, 2013, 2019, 2023, 2024) |
Trung Quốc | 5 (2007, 2008, 2009, 2010, 2012) | 4 (2002, 2004, 2005, 2016, 2018) | 4 (2005, 2006, 2019, 2023) |
Nhật Bản | 4 (2005, 2013, 2020[a], 2023) | 1 (2014) | 10 (2002, 2002, 2003, 2008, 2009, 2012, 2016, 2017, 2018, 2020[a], 2024) |
Hồng Kông | 3 (2019, 2022[b], 2024) | 4 (2015, 2009, 2020[a], 2023) | 1 (2005) |
Thái Lan | 2 (2003, 2011) | 3 (2003, 2006, 2011) | 5 (2010, 2012, 2014, 2015, 2017) |
Malaysia | 1 (2016) | 1 (2017) | 3 (2006, 2007, 2021[a]) |
Indonesia | 1 (2021[a]) | 1 (2007) | 6 (2008, 2011, 2013, 2014, 2015, 2016) |
Mông Cổ | 2 (2019, 2021[a]) | 1 (2004) | |
Ai Cập | 1 (2008) | 1 (2010) | |
Hàn Quốc | 2 (2004, 2007) | ||
Campuchia | 1 (2018) |
Thành tích của Việt Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Nhà tài trợ
[sửa | sửa mã nguồn]Tại Việt Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Tiếng Anh
- Trang chính thức của ABU
- Robocon Ấn Độ Lưu trữ 2014-07-02 tại Wayback Machine
- Tiếng Nhật
- Tiếng Việt