Bước tới nội dung

Thành viên:Leeaan/nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lý Bạch
Lý Bạch hành ngâm đồ, họa phẩm của Lương Khải (1140–1210) thời nhà Tống, hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật Bản.
Sinh701
Toái Diệp, Đại Đường (nay thuộc vùng Chuy, Kyrgyzstan)
Mất762 (61 tuổi)
Đang Đồ, Đại Đường (nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc)
Nghề nghiệpNhà thơ
Giai đoạn sáng tácThịnh Đường
Thể loạiThơ Đường
Tác phẩm nổi bậtVọng Lư sơn bộc bố
Hiệp khách hành
Tĩnh dạ tứ
Tương tiến tửu
Thanh Bình Điệu
Leeaan/nháp
"Lý Bạch" viết theo lối khải thư
Tên tiếng Trung
Tiếng Trung李白
Tên tiếng Triều Tiên
Hangul
Hanja
Tên tiếng Nhật
Kanji李白
Hiraganaりはく

Lý Bạch (chữ Hán: 李白; 701–762) là một nhà thơ Trung Quốc theo chủ nghĩa lãng mạn sống vào thời nhà Đường. Ông cùng người bạn vong niên Đỗ Phủ, gọi chung là "Lý Đỗ" (李杜), thường được xem là hai nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Quốc nói riêng và toàn bộ khu vực Đông Á đồng văn nói chung. Thơ của Lý Bạch thường miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, ca ngợi tình bạn, sự tự do và thú vui uống rượu. Một số tác phẩm nổi bật của Lý Bạch gồm có Vọng Lư sơn bộc bố (725), Tĩnh dạ tứ (726), Tương tiến tửu (735), Hành lộ nan (742) và Thanh bình điệu (743).

Sinh ra tại Tây Vực, Lý Bạch chuyển đến Tứ Xuyên khi còn nhỏ và sớm bộc lộ tài năng văn học. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu Nho giáo, Đạo giáo và trước tác của Bách gia chư tử, từ đó hình thành phong cách thơ độc đáo, kết hợp giữa lãng mạn và tư tưởng tự do siêu thoát. Ông chu du khắp nơi, kết bạn với nhiều văn nhân và sống một cuộc đời tự do, không bị ràng buộc bởi những quy tắc xã hội đương thời. Năm 742, ông được Hạ Tri Chương tiến cử với Đường Minh Hoàng và trở thành Hàn lâm học sĩ, nhưng sau đó thất sủng do mâu thuẫn với Dương Quý Phi và phải rời khỏi thành Trường An.

Trong suốt cuộc đời của mình, Lý Bạch nổi tiếng với phong cách sống phóng khoáng và yêu rượu. Ông thường ngao du khắp nơi, viết hàng ngàn bài thơ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và những cảm xúc tự do. Mối quan hệ giữa ông và Đỗ Phủ – một nhà thơ cùng thời nhưng có tư tưởng đối lập – là một điểm nhấn trong lịch sử văn học, khi cả hai trở thành bạn thân và để lại những tác phẩm gắn bó với nhau. Giữa lúc Loạn An Sử bùng phát, Lý Bạch gia nhập quân đội của Vĩnh vương Lý Lân, và bị triều đình khép tội phản nghịch. Sau khi may mắn thoát án tử, Lý Bạch tiếp tục ngao du cho đến khi qua đời vào năm 762. Cuộc đời của ông để lại nhiều truyền thuyết, nổi tiếng nhất là câu chuyện ông chết vì say rượu và cố bắt bóng trăng dưới nước.

Thơ của Lý Bạch có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Trung Quốc mà còn tại các nước đồng văn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Tại Nhật Bản, ông được coi là một biểu tượng văn hóa, với nhiều bài thơ đã được dịch và phổ biến rộng rãi, góp phần vào sự phát triển của nền văn học nước này. Tại Việt Nam, Lý Bạch là một trong những nhà thơ Trung Quốc được yêu thích nhất. Thơ ông đã được nhiều học giả dịch và truyền bá từ rất sớm, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ như Nguyễn DuCao Bá Quát. Ở phương Tây, Lý Bạch được giới thiệu qua các bản dịch của nhà thơ Ezra Pound, góp phần mở ra sự đón nhận thơ ca Trung Quốc trong văn học hiện đại phương Tây.

Lý Bạch đã để lại khoảng 1.000 bài thơ, nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ trong các tuyển tập thơ nổi tiếng như Hà nhạc anh linh tậpĐường thi tam bách thủ. Thơ của ông được đánh giá cao vì sự tự do trong cảm xúc, khả năng sử dụng hình ảnh mạnh mẽ và sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Với tầm ảnh hưởng rộng lớn trong suốt nhiều thế kỷ, ông được coi là một biểu tượng văn học không chỉ của Trung Quốc nói riêng mà còn của toàn bộ nền văn hóa Đông Á nói chung.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Tân Đường thư, mẹ của Lý Bạch lúc mang thai nằm mộng thấy sao Trường Canh (tức sao Kim) từ trên trời rơi vào mình. Vì sao này còn có tên là Thái Bạch nên đặt tên con là "Bạch" (白) còn tên chữ là "Thái Bạch" (太白).[1] Trong các ngôn ngữ phương Tây, tên húy và tên chữ của Lý Bạch có thể được viết thành "Li Bai", "Li Po", "Li Bo" và "Li Taibo", "Li Taibai", "Li Tai-po" dựa trên các cách phiên âm của tiếng Quan thoại, hoặc "Ri Haku" hay "Ri Taihaku" theo cách đọc tiếng Nhật. Nghiên cứu ngôn ngữ học cho biết chữ "Bạch" (白) vào thời nhà Đường được đọc là Bhæk, thay vì Bái hoặc như tiếng Quan thoại hiện đại.

Lý Bạch sử dụng tên hiệu là "Thanh Liên cư sĩ" (青莲居士), ám chỉ đến ngôi làng Thanh Liên nơi ông lớn lên. Ông được hậu bối tôn làm "Thi Tiên" (詩仙) hay "Thi Hiệp" (詩俠). Giới thi nhân bấy giờ thì rất kính nể tài uống rượu làm thơ bẩm sinh của Lý Bạch, nên gọi ông là "Tửu Tiên" (酒仙). Một bằng hữu của Lý Bạch là Hạ Tri Chương gọi ông là "Thiên Thượng Trích Tiên" (天上謫仙),[2] có thể hiểu là "vị tiên gây họa bị đày xuống trần gian", nên danh xưng "Trích Tiên" hay "Trích Tiên nhân" (謫仙人) cũng được lưu truyền rộng rãi.[3]

Thiếu thời

[sửa | sửa mã nguồn]

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Lý Bạch có nguyên quán ở Thiên Thủy, Cam Túc, tự nhận là hậu duệ của Phi tướng quân Lý Quảng thời Tây HánLý Cảo nước Tây Lương thời Ngũ Hồ Thập lục quốc.[4] Qua đó, ông được xem là thành viên của Lũng Tây Lý thị và là một người họ hàng xa của hoàng tộc họ Lý nhà Đường. Tuy nhiên, cần cân nhắc rằng người thời Đường thường có xu hướng nhận vơ họ hàng nhằm nâng cao địa vị xã hội.[5] Không rõ Lý Bạch sinh vào năm nào. Tuy nhiên, trong Vi Tống trung thừa tự tiến biểu của chính Lý Bạch viết vào năm Chí Đức thứ 2 (757) dưới thời Đường Túc Tông có câu "thần kính cẩn nhận thấy rằng cựu quan Hàn Lâm Cung phụng Lý Bạch, nay đã năm mươi bảy tuổi". Dựa vào dữ kiện này, có thể đoán rằng ông sinh trong khoảng năm Đại Túc, hoặc Trường An thứ nhất thời Võ Tắc Thiên, tức năm 701.[6] Nơi sinh của Lý Bạch cũng là một đề tài gây tranh luận trong giới nghiên cứu, có tài liệu cho rằng ông được sinh ra tại Cam Túc, số khác lại cho là Điêu Kỳ (tức Ghazna, Afghanistan),[7] tuy nhiên số đông học giả ngày nay đều đồng tình rằng ông được sinh tại thành Toái Diệp, nay là Chuy, Kyrgyzstan.[8][9][10]

Vào cuối thời Tùy, ông cố nội của Lý Bạch vì một lý do không rõ bị đày tới Tây Vực, ban đầu định cư tại khu vực nằm giữa hồ Koko NorLop Nor, tức Thanh Hải và miền Đông Tân Cương ngày nay.[9] Lịch sử của gia đình Lý Bạch trong giai đoạn này là một ẩn số. Vào những năm 670, giữa nhà Đường và Thổ Phồn xảy ra chiến tranh nhằm tranh giành quyền kiểm soát khu vực lòng chảo Tarim. Theo nhà Đông phương học Arthur Waley thì có lẽ trong khoảng thời gian này, gia đình họ Lý di cư về phía Tây hành nghề buôn bán và trở nên giàu có nhờ thương mại dọc theo Con đường tơ lụa.[11][12] Những ký ức mờ nhạt về những ngày tháng sinh sống nơi biên ải tồn đọng trong tâm trí Lý Bạch có thể được khắc họa qua những câu thơ sau đây:

明月出天山 (Minh nguyệt xuất Thiên Sơn)
蒼茫雲海間 (Thương mang vân hải gian)
長風幾萬里 (Trường phong kỷ vạn lý)
吹度玉門關 (Xuy độ Ngọc Môn quan)

Vầng trăng ra núi Thiên San,
Mênh mang nước bể mây ngàn sáng soi.
Gió đâu muôn dặm chạy dài,
Thổi đưa trăng sáng ra ngoài Ngọc Môn.

—trích "Quan san nguyệt" (Tản Đà dịch).

Trong các tác phẩm của mình, Lý Bạch rất hiếm khi nhắc đến các thành viên trong gia đình. Cha của ông, Lý Khách (李客), là một thương nhân thành đạt, buôn bán các mặt hàng mỹ nghệ, sở hữu một số chi nhánh tại các đô thị sầm uất ven bờ Trường Giang. Tuy là một thương nhân, Lý Khách lại được biết đến là một người có học thức, thông thạo các bộ kinh điển của Nho gia. Với nền tảng kiến thức vốn có, ông rất chú trọng đến việc học của con trai. Về phần mẹ của mình, Lý Bạch đặc biệt chưa từng nhắc đến bà trong bất kỳ tác phẩm nào. Một số ý kiến cho rằng bà không phải là người Hán mà là người dân tộc thiểu số, cụ thể là người Đột Quyết.

Thời niên thiếu và giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]
Câu đầu trong Nam Hoa kinh,[a] tác phẩm gây ảnh hưởng lớn đến Lý Bạch.

Khi Lý Bạch lên 5 tuổi, gia đình ông quay trở về Trung Thổ và chuyển đến làng Thanh Liên, huyện Xương Long, Miên Châu ở Tứ Xuyên để định cư. Nhận thấy tố chất của con trai, Lý Khách đã định hướng cho Lý Bạch theo con đường làm quan. Vì xuất thân từ một gia đình buôn bán, Lý Bạch không thể tham gia khoa cử. Nguyên nhân là vì lúc bấy giờ, thương nhân bị xem là tầng lớp đáng khinh của xã hội, và do vậy con cái của họ không được phép tham gia các kỳ khoa cử. Con đường duy nhất giúp Lý Bạch trở thành quan là thông qua sự tiến cử của những nhân vật quyền lực, do đó ông được cha tạo điều kiện học tập tốt nhất có thể.

Năm 10 tuổi, dưới sự chỉ bảo của cha và thông qua việc đi học tại trường tư thục, Lý Bạch đã học qua hầu hết các sách vở có sẵn. Do địa phương Tứ Xuyên có vị trí tương đối hẻo lánh, nền giáo dục ở đây vẫn còn lạc hậu, học sinh chủ yếu chỉ có thể tiếp cận các thư tịch của Bách Gia Chư Tử thời Chiến Quốc. Bản thân Lý Bạch không cảm thấy hứng thú với các kinh điển Nho giáo. Những phép tắc và lễ nghi "cứng nhắc" trong Tứ thưNgũ kinh trái ngược với tính cách "nổi loạn" của ông. Thay vào đó, Lý Bạch bày tỏ sự hứng thú đối với các tác phẩm Đạo giáo, đặc biệt với Nam Hoa kinh. Thông qua "trí tưởng tượng vô biên" của Trang Tử, Lý Bạch cảm thấy như được "đắm chìm trong những mộng tưởng hoang dã của riêng mình". Cũng trong thời gian này, ông cũng bắt đầu tiếp cận với phú, một thể loại văn chương mà nhờ cấu trúc và độ dài không giới hạn của nó, tác giả có nhiều không gian hơn cho việc kịch hóa, mô tả và trình bày. Trong suốt thời trẻ, Lý Bạch xem Tư Mã Tương Như – một thi nhân nổi tiếng với thể loại phú – như một hình mẫu lý tưởng để noi theo.

Lý Khách khuyến khích Lý Bạch làm thơ. Làm thơ tuy không phải là kỹ năng mà một vị quan cần có, song có một số trường hợp xuất thân khiêm tốn nhưng nhờ biệt tài làm thơ mà được trọng dụng, điển hình có Trần Tử Ngang thời Võ Tắc Thiên. Tương tự như các học sinh thời kỳ đó, Lý Bạch học thuộc lòng nhiều thư tịch cổ, trong đó có tổng tập thi văn Chiêu Minh văn tuyển và mô phỏng mỗi tác phẩm trong sách ba lần. Tuy nhiên, ông thường nhanh chóng mất kiên nhẫn và bỏ cuộc sớm khi gặp khó khăn. Tương truyền, trong một lần trốn học đi chơi Lý Bạch thấy một bà lão đang mài một thỏi sắt bên suối. Khi được hỏi, bà lão đáp rằng chỉ cần bà tiếp tục mài, một ngày nào đó thỏi sắt sẽ trở thành cây kim. Ấn tượng trước ý chí kiên trì của bà lão, Lý Bạch quyết tâm chăm chỉ và kiên nhẫn hơn. Điển tích này chính là nguồn gốc của tục ngữ "có công mài sắt, có ngày nên kim".[b]

Bên cạnh việc học tại gia, Lý Bạch những năm thời niên thiếu từng có một khoảng thời gian sống trong một ngôi chùa Phật giáo. Tại đây, bên cạnh việc đọc sách, ông còn được một nhà sư truyền dạy kiếm thuật. Việc Lý Bạch – một người sùng Đạo giáo – từng sống trong chùa đã dấy lên một số nghi vấn trong giới nghiên cứu, trong đó có ý kiến cho rằng ông từng giết người nên trốn đến đây để lánh nạn. Trong một số tác phẩm của mình, Lý Bạch mô tả việc giết người – thông qua phương pháp ngoa dụ – như một cách để chứng minh sự dũng cảm và kiếm pháp hơn người. Tuy nhiên, việc cố tình giết người là một trọng tội có thể dẫn đến án tử hình và khả năng nhà chùa chứa chấp một kẻ giết người là rất thấp. Vì vậy, sau thời gian nương nhờ cửa Phật, Lý Bạch có thể quay trở về cuộc sống bình thường mà không bị ai nghi ngờ.

Những trải nghiệm đầu tiên

[sửa | sửa mã nguồn]

Tìm vận may trên đất Thục

[sửa | sửa mã nguồn]
Ngôi đền trên núi
Một con thuyền giữa sông
Lý Bạch tham quan danh lam thắng cảnh đất Thục, họa phẩm trên bình phong của Shiokawa Bunri (1808–1877)

Tài năng của Lý Bạch sớm được Lý Khách và khách khứa tới thăm nhà ghi nhận, nhưng họ cho rằng thơ của chàng trai trẻ vẫn mang nặng tính mô phỏng cổ nhân. Tin rằng Bạch thiếu trải nghiệm thực tế để có thể tạo ra những tác phẩm độc đáo, Lý Khách đã cho phép con trai mình lên đường du ngoạn đất Thục để tìm hiểu về cảnh quan, con người và phong tục trong vùng.[13] Năm 718, với một khoản tiền trợ cấp hào phóng từ cha, Lý Bạch lần đầu rời khỏi nhà đi xa. Theo lời tự thuật của Lý Bạch trong Thượng An Châu Bùi trưởng sử thư, ông trong thời gian này từng ẩn cư ở Mân Sơn với đạo sĩ Đông Nham Tử.[14]

Sau khi học đạo ở Mân Sơn một thời gian, Lý Bạch đến Đại Khuông Sơn, Tư Châu tìm kiếm ẩn sĩ Triệu Nhuy, một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới quan của Lý Bạch.[15] Là một tung hoành gia, Triệu Nhuy tin rằng trong việc quản lý quốc gia, trước tiên phải hiểu chính xác tình hình đất nước, dù là thời thịnh trị hay thời loạn, sau đó mới thi hành các biện pháp tương ứng, như "vương đạo", "bá đạo", hoặc "cường đạo".[c][16] Tuy những lý thuyết này có thể được xem là "lỗi thời" trong bối cảnh triều đại nhà Đường đã đạt đến đỉnh cao quyền lực, sở hữu một trật tự chính trị vững chắc, Lý Bạch vẫn tiếp thu những ý tưởng đó một cách vô điều kiện và bắt đầu nuôi dưỡng hoài bão trở thành một chính khách trong triều. Đối với ông, một con người có hai con đường có thể lựa chọn, hoặc trở thành một chính khách có sự nghiệp lẫy lừng và trở về quê vui thú điền viên lúc tuổi già, hoặc đơn giản là sống ẩn dật hòa mình vào thiên nhiên.[17]

Lý Bạch vãn cảnh núi Nga Mi, tranh của Suzuki Hyakunen (1828–1891)

Mùa thu năm 719, sau hơn một năm ở ẩn, Lý Bạch lên đường đến Thành Đô mưu đồ công danh theo lời khuyên của Triệu Nhuy.[18] Ông không vội vàng đến đích mà thường ghé thăm những địa điểm nổi tiếng trên đường đi. Khi đến núi Nga Mi và bị hấp dẫn bởi phong cảnh nơi đây, ông quyết định ở lại chùa Bạch Thủy để đọc sách và thường xuyên đàm đạo cùng một nhà sư tên Tuấn. Thời gian ở cùng với nhà sư để lại trong ông nhiều kỷ niệm đẹp. Hơn ba mươi năm sau, khi nghe tin sư Tuấn viên tịch, Lý Bạch đã sáng tác nên bài Thính Thục tăng Tuấn đàn cầm để tưởng nhớ.[19]

Mùa xuân năm 720, sau khi đến Thành Đô, Lý Bạch tìm cách tiếp cận thứ sử Ích Châu mới nhậm chức, Tô Đĩnh. Sau khi cân nhắc, ông đã chọn bài Đại liệp phú của mình để dâng lên Tô Đĩnh và nhận được sự khen ngợi. Người này cho rằng nếu Lý Bạch cố gắng, chắc chắn tài năng "có thể sánh ngang với Tư Mã Tương Như",[20] và hứa hẹn sẽ ban cho chàng trai trẻ một chức quan nhỏ trong thời gian tới. Tuy nhiên, sau nhiều tháng chờ đợi mà vẫn không nhận được hồi âm từ phía Tô Đĩnh, Lý Bạch chán nản, quyết định rời Thành Đô về quê. Trên thực tế, Tô Đĩnh không tin tưởng Lý Bạch do trong thời gian ở Thành Đô, Bạch trở nên nổi tiếng nhờ việc bốc thuốc chữa bệnh bất chấp việc không được đào tạo bài bản. Từ đó, Lý Bạch xây dựng được mối quan hệ rộng rãi với đủ thể loại người, bao gồm cả những kẻ du thủ du thực, và thường tiêu tiền rất phóng khoáng. Cho rằng đối phương vừa xuất thân thấp hèn, vừa làm lang băm, lại tỏ ra thiếu tôn trọng mình, Tô Đĩnh đã quyết định không mạo hiểm tiến cử Lý Bạch lên triều đình.[21]

Trên đường trở về nhà, Lý Bạch đổi ý đến Du Châu, muốn thử vận may với thái thú Lý Ung – một thư pháp gia nổi tiếng. Cha Lý Ung cũng chính là người từng viết bài bình về bộ Văn tuyển mà Lý Bạch từng học lúc còn nhỏ.[22] Rút kinh nghiệm từ thất bại khi gặp Tô Đĩnh, Lý Bạch quyết định trình lên thơ thay vì phú. Trên đường đến Du Châu, ông lấy cảm hứng từ các giai điệu dân gian để sáng tác nên những bài thơ mang hơi hướng phá cách, không bị giới hạn bởi các quy tắc. Trong số các bài thơ Lý Bạch dâng lên Lý Ung có bài ngũ ngôn tứ tuyệt Ba nữ từ (巴女詞). Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, bài thơ trên không nhận được phản ứng tốt từ Lý Ung. Là một người nghiêm túc và có phần bảo thủ, Lý Ung không đánh giá cao những bài thơ mang âm hưởng dân gian, và đặc biệt là từ góc nhìn của một người phụ nữ sầu vì tình.[23] Khi được triệu đến diện kiến, Lý Bạch trình bày dài dòng về thế giới quan và tham vọng chính trị của mình, nhưng Lý Ung – người lúc bấy giờ đã có ác cảm với vị khách mà ông cho là "trơ trẽn" này – đã không hồi đáp lại. Sau hai lần thất bại trong việc tìm kiếm một người bảo trợ, Lý Bạch quyết định quay về nhà.[24]

Trở về quê

[sửa | sửa mã nguồn]
Tranh vẽ chùa Vân Nham ở Giang Du, nơi Lý Bạch sinh sống trong phần lớn tuổi thơ.

Mùa thu năm 720, Lý Bạch từ Du Châu trở về quê nhà Giang Du trong tình trạng "kiệt sức và chán nản". Một số người bày tỏ sự cảm thông với ông, cho nằng ông quá tài năng đối với vùng quê hẻo lánh này. Việc ông quay trở về nhà có lẽ đã khiến cha mẹ thất vọng, bởi lẽ theo phong tục địa phương lúc bấy giờ, đàn ông tuổi độ tuổi ông thường được kỳ vọng phải có sự nghiệp và lập gia đình. Tuy nhiên, bất ngờ thay, tin tức Lý Bạch được thứ sử Tô Dĩnh và các quan lại Ích Châu khen ngợi là "thiên tài anh lệ, đặt bút xuống là thơ lên vần"[d] nhanh chóng lan đến vùng quê Giang Du. Khi nghe được những lời tán dương của cấp trên dành cho Lý Bạch, một viên huyện lệnh trong vùng đã mời ông đảm nhiệm một chức quan nhỏ. Người này thực chất hy vọng nếu Bạch nổi tiếng trong tương lai, ông ta sẽ mang tiếng thơm là giúp đỡ người tài. Dưới sự thúc giục của cha, ông bất đắc dĩ chấp nhận công việc khiêm tốn ở huyện nha. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, bất mãn trước tính cách tự cao tự đại và thái độ vô cảm của viên huyện lệnh trước những tai ương mà người dân gặp phải, Lý Bạch quyết định từ chức.

Sau khi từ quan, Lý Bạch lui về chùa Đại Minh trên núi Đại Khuông. Cuộc sống giản dị của các tăng lữ nơi đây giúp ông có điều kiện tập trung đọc sách và nghiên cứu thi ca. Trong thời gian ở chùa, ông được một lão hòa thượng tặng tập thơ của Trần Tử Ngang, thứ mà ông hằng ao ước. Bị ấn tượng sâu sắc bởi những vần thơ "giản lược, mạnh mẽ và dứt khoát", Lý Bạch bắt đầu mô phỏng phong cách làm thơ của vị tiền bối này. Chính các tác phẩm của nhà thơ này đã định hình phong cách thi ca của Lý Bạch về sau. Bản thân Trần Tử Ngang nhận xét rằng thi ca Trung Quốc từ thời Tam Quốc trở về sau đã trở nên "cầu kỳ, mỏng manh, yếu ớt", và ông cho rằng các thi nhân đương thời cần tìm về những giai đoạn trước Kiến An để lấy cảm hứng. Cả Trần Tử Ngang lẫn Lý Bạch đều đề cao tinh thần văn học hơn là việc tuân thủ những quy tắc rườm rà. Bên cạnh thi ca, Lý Bạch còn tập trung nghiên cứu lịch sử, chính trị, quân sự và các vấn đề quốc sự. Thất bại từ vị trí thấp nhất trong hệ thống quan chế khiến ông càng khao khát tìm cách trở thành một người có tầm ảnh hưởng. Thay vì sống ẩn dật như Triệu Nhuy, Lý Bạch chọn con đường "vân du" – đi đến các trung tâm văn hóa, chính trị trong nước để kết giao với những nhân vật có tiếng tăm. Trước ông, nhiều người đã thử phương pháp này và thành công, nhưng cũng không ít người thất bại hoàn toàn. Dự định của Lý Bạch là sẽ chu du tới vùng hạ lưu Trường Giang, nhưng trước hết, ông phải chuyên tâm học tập để chuẩn bị chu đáo cho cuộc hành trình đầy thách thức phía trước.

Hành trình thi ca

[sửa | sửa mã nguồn]

Rời đất Thục

[sửa | sửa mã nguồn]
Lý Bạch và thư đồng, tranh của Hashimoto Kansetsu (1883–1945)

Mùa thu năm 724, Lý Bạch cùng thư đồng Đan Sa rời Giang Du, bắt đầu "chống kiếm rời bang quốc, biệt thân bước viễn du". Ông rời đất Thục đến Trung Nguyên với quyết tâm dấn thân vào hoạn lộ, nhưng thay vì đến thẳng Lạc Dương hoặc Trường An, ông lựa chọn xuôi dòng Trường Giang về phía đông tới đất Ngô, Sở với ý định xây dựng tên tuổi mình tại đây, cho rằng lúc bấy giờ vẫn chưa phải thời điểm thích hợp để đến chốn kinh kỳ.[25] Trên đường đi, Lý Bạch ghé qua Thành Đô nhưng không ở lại đây lâu bởi trải nghiệm "xin việc" không mấy tốt đẹp nhiều năm về trước. Sau đó, hai chủ tớ đến núi Nga Mi du ngoạn. Là một đạo nhân, Lý Bạch cho rằng núi non là nơi ở của tiên nhân,[e] do đó ông thường không ngại đường xa để đến các danh sơn tìm kiếm thần tiên. Tuy không đạt được điều mình mong muốn, song chuyến đi tới núi Nga Mi cũng giúp ông tìm được nguồn cảm hứng sáng tác.[25] Khi đi thuyền xuôi dòng sông Thanh Y trong đêm, cảnh vật thanh lệ tĩnh mịch hai bên bờ sông khiến Lý Bạch nhớ nhà. Không thể kiềm lòng, ông đã ngâm tụng bài thơ Nga Mi sơn nguyệt. Bài thơ này cũng đánh dấu sự nổi lên của Lý Bạch như một nhà thơ thực thụ, vì giờ đây ông có thể sáng tác những tác phẩm độc đáo của mình và thoát khỏi cái mác bắt chước tiền nhân.[26]

Lý Bạch ở lại Vạn Châu ước chừng nửa năm, trước khi vượt Tam Hiệp để tiến vào đất Sở cũ. Ông xuôi dòng Trường Giang để đến Giang Lăng, thủ phủ của Kinh Châu. Tại đây ông có dịp tiếp xúc với các giai điệu dân gian đất Sở và thường ghé đến các nhà hàng, quán rượu hoặc quán trà để được nghe những ca nữ hát. Lý Bạch "cảm động tới mức rơi lệ" trước những câu ca than thở về những mối tình trắc trở, hay sự ngắn ngủi của thanh xuân. Ông cũng bắt đầu sáng tác những bài thơ mang âm hưởng Sở của riêng mình nhưng không mấy thành công.[27]

Lý Bạch tự ví mình là "chim bằng" còn Tư Mã Thừa Trinh là "chim hiếm", nói lên chí hướng của mình như đại bằng giương cánh. Tranh vẽ cánh chim bằng từ cuốn Kyōka Hyaku Monogatari của Ryūkansai, xuất bản năm 1853 tại Nhật Bản.

Cũng tại Giang Lăng, Lý Bạch gặp một người đồng hương và được kể về một đạo sĩ nổi tiếng Tư Mã Thừa Trinh (655–735) – người từng được ba vị vua nhà Đường mời vào cung giảng đạo[28] – lúc bấy giờ đang tới Hành Sơn du ngoạn. Hai người liền lên đường tìm cách yết kiến vị đạo sĩ này. Khi gặp Lý Bạch, Tư Mã Thừa Trinh ấn tượng mạnh mẽ trước "tiên phong đạo cốt" và những câu trả lời tự tin thể hiện quan điểm "vô vi" của chàng trai trẻ này. Cuộc gặp gỡ với Tư Mã đạo trưởng càng khiến Lý Bạch tin rằng ông có "tiên căn", tức là có mang cốt cách thần tiên. Điều này có ảnh hưởng lớn tới cách suy nghĩ cũng như những tác phẩm sau này của ông.[29] Bản thân Lý Bạch cũng cân nhắc tới việc trở thành một đạo sĩ trong tương lại nếu con đường làm quan gặp trắc trở.[30] Nhận được lời khen từ một nhân vật lớn như vậy, Lý Bạch dựa vào điển tích từ Nam Hoa kinh viết nên bài Đại bằng phú, ví bản thân như con chim bằng để thể hiện hoài bão của mình:

Giang Hạ và Lư Sơn (725)

[sửa | sửa mã nguồn]
Hoàng Hạc lâu là địa điểm check-in ưa thích của các thi nhân thời Đường. Bản thân Lý Bạch có hơn 50 tác phẩm đề cập đến thắng cảnh này.

Đầu năm 725, Lý Bạch lên thuyền xuôi dòng Trường Giang và đến Giang Hạ (nay là Vũ Hán) vào cuối mùa hè cùng năm. Tại đây, ông có dịp ghé thăm Hoàng Hạc lâu, vốn là một địa điểm mà các thi nhân thời bấy giờ thường tới thưởng ngoạn phong cảnh và làm thơ. Tương truyền, Lý Bạch lúc bấy giờ định đặt bút làm thơ, nhưng đã thấy Thôi Hiệu đề thơ lên vách nên đã từ bỏ ý định làm thơ vịnh lầu. Có thuyết cho rằng, ông đã đặt bút viết thơ lên giấy song đã xé nó ngay sau đó. Trên thực tế, Lý Bạch cảm thấy ghen tị với Thôi Hiệu, một người ít hơn ông 3 tuổi, song đã thi đậu tiến sĩ ít năm trước ở tuổi 19 và hiện đã làm quan trong triều. Lúc bấy giờ, cận thể thi[f] – một thể loại thơ tương đối mới vốn thịnh hành ở chốn kinh thành – không phải là một thế mạnh của Lý Bạch. Do đó, ông tạm thời chấp nhận sự vượt trội của Thôi Hiệu, nhưng sẽ quay trở lại Hoàng Hạc lâu nhiều lần trong tương lai.

Lý Bạch ngắm thác núi Lư, tranh của Yokoyama Taikan (1868–1958)

Mùa thu năm 725, Lý Bạch và thư đồng Đan Sa rời Giang Hạ để tới Cửu Giang, tham quan Lư Sơn. Tại đây, hai người đã tới chùa Đông Lâm, nơi sinh sống của Huệ Viễn (334–416), một vị cao tăng thời Đông Tấn và đồng thời một nhân vật mà Bạch ngưỡng mộ. Sau khi tham quan chùa, ông đã leo lên đỉnh núi Lư Sơn cùng với các nhà sư. Ấn tượng trước phong cảnh của núi non nơi đây, Lý Bạch đã sáng tác một số bài thơ, trong đó có một bài thất ngôn tứ tuyệt khắc họa sự hùng vĩ của thác nước chảy từ núi Hương Lô:

日照香爐生紫煙 (Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên)
遙看瀑布掛前川 (Dao khan bộc bố quải tiền xuyên)
飛流直下三千尺 (Phi lưu trực há tam thiên xích)
疑是銀河落九天 (Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên)

Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sông này:
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.

Xa ngắm thác núi Lư, Nam Trân dịch.

Sau khi rời Lư Sơn, Lý Bạch đến thăm nơi ở của nhà thơ Đào Tiềm thời Đông Tấn ở gần đó. Thơ của Đào Tiềm rơi vào lãng quên trong hàng trăm năm và chỉ bắt đầu được đón nhận những năm đầu thế kỷ thứ 8 khi Lý Bạch mới sinh ra. Trường phái thơ điền viên của Đào Tiềm được giới thi sĩ lúc bấy giờ, bao gồm Lý Bạch, mến mộ. Tuy là vậy, hai con người này sở hữu hai thế giới quan hoàn toàn khác biệt nhau. Đào Tiềm từ chối hợp tác với tầng lớp thống trị mà lựa chọn một cuộc sống giản dị ở nông thôn. Những sáng tác của ông đồng thời thể hiện sự gần gũi với thiên nhiên, mang đậm tính chất thôn quê dân dã. Ngược lại, thơ của Lý Bạch mang những đặc tính "buông thả, nhiệt huyết" và dường như "đến từ một thế giới khác". Cho rằng trạng thái trở về với thiên nhiên của Đào Tiềm đồng nghĩa với một cuộc sống vất vả, nhún nhường, Lý Bạch đã không bao giờ lựa chọn đi theo con đường này.

Những ngày tháng khó khăn ở Kim Lăng và Dương Châu (726)

[sửa | sửa mã nguồn]

Lý Bạch đến Kim Lăng (nay là Nam Kinh) vào mùa xuân năm 726, nơi gia đình ông có một tiệm bán hàng. Những khu chợ tấp nập và những đoàn thuyền đầy ắp hàng hóa mà Lý Bạch lần đầu tiên nhìn thấy gây ấn tượng mạnh với ông. Ông bắt đầu sống một cuộc sống vô lo vô nghĩ, kết giao bằng hữu, bố thí cho người nghèo. Theo lời tự bạch, Lý Bạch đã tiêu hết 30 vạn quan tiền chỉ trong vỏn vẹn 1 năm. Cũng trong thời gian này, Lý Bạch cầu kiến nhiều nhân vật quyền quý trong bộ máy chính trị với mong muốn được tuyển dụng, nhưng bị số đông từ chối gặp mặt. Một nguyên nhân khác là vì lúc này, Đường Huyền Tông chuẩn bị tới Thái Sơn ở Sơn Đông vãn cảnh, các châu huyện đều bận rộn cử người tới dự và không ai muốn tiếp ông. Cô đơn, ông bầu bạn với rượu và kỹ nữ, nhưng chỉ được ít lâu thì hết tiền. Có lẽ do gia đình ông gặp vấn đề về tài chính và không thể chu cấp cho ông. Trên đất Kim Lăng, Lý Bạch không thể tìm thấy một người bạn thực sự, những người bạn mới quen đều lần lượt ra đi khi ông rơi vào cảnh túng thiếu. Trong bối cảnh đó, Lý Bạch viết: "Thỉnh quân thí vấn đông lưu thuỷ, Biệt ý dữ chi thuỳ đoản trường?"[g] Trong truyền thống thi ca Trung Quốc, "đông lưu thuỷ" – nước chảy về đông – là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi buồn, song Lý Bạch sử dụng nó để đề cập tới tình bạn và tình cảm, thể hiện niềm khao khát tìm kiếm một tri kỷ.

Cuối mùa hè năm 726, Lý Bạch rời Kim Lăng đến Dương Châu. Trước khi kịp cầu kiến quan chức địa phương, ông ngã bệnh. Lý Bạch rơi vào tình cảnh tuyệt vọng khi ông không còn tiền trả tiền trọ. Trong một bức thư gửi một người bạn, ông nói rằng mình không thể về quê khi chưa thực hiện được hoài bão, mặc dù ông cũng không hoàn toàn tin tưởng vào chính bản thân mình. Trong một đêm mất ngủ, Lý Bạch tức cảnh viết nên những câu thơ sau:

床前明月光,
疑是地上霜。
舉頭望明月,
低頭思故鄉。

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh, Nam Trân dịch.

Phong cách làm thơ

[sửa | sửa mã nguồn]

Tinh thần tự do và phóng khoáng

[sửa | sửa mã nguồn]

Một trong những nét nổi bật nhất trong phong cách thơ của Lý Bạch là tinh thần tự do và phóng khoáng. Không giống như nhiều nhà thơ khác của thời Đường, Lý Bạch không bị ràng buộc bởi những chuẩn mực hay quy tắc thơ ca khắt khe. Thơ của ông luôn phản ánh sự tự do trong cả tư tưởng lẫn cách sống. Lý Bạch thường ca ngợi cuộc sống vô lo, vô nghĩ, đặc biệt là trong những lúc say rượu. Ông xem rượu như một phương tiện để giải phóng tinh thần khỏi những ràng buộc của cuộc đời. Điều này thể hiện rõ trong bài thơ nổi tiếng "Nguyệt hạ độc chước" (月下独酌 – Uống rượu dưới trăng), khi ông uống rượu cùng với trăng và bóng của mình, tạo ra một không gian phiêu bồng, lãng mạn, vượt lên trên hiện thực.

Tinh thần tự do này còn được thể hiện qua những chuyến du ngoạn không mục đích, lang thang khắp nơi để tìm kiếm sự giải thoát trong thiên nhiên. Trong bài “Độc tọa Kính Đình sơn” (独坐敬亭山), Lý Bạch ngồi một mình trên núi Kính Đình, hòa mình vào cảnh núi non và bầu trời, thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, cũng như khao khát thoát khỏi cuộc sống bon chen và danh lợi.

Lãng mạn và thoát tục

[sửa | sửa mã nguồn]

Lý Bạch không chỉ nổi bật với tinh thần phóng khoáng mà còn với chất lãng mạn và thoát tục trong thơ ca. Những bài thơ của ông thường mang tính chất phiêu bồng, thoát khỏi thế giới thực tại và bay vào không gian của mộng tưởng và huyền thoại. Hình ảnh trong thơ Lý Bạch thường là những dãy núi hùng vĩ, những dòng sông bao la, và bầu trời xanh thẳm, tạo ra một thế giới vừa thực, vừa ảo.

Tư tưởng thoát tục của Lý Bạch chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Đạo giáo. Đạo giáo khuyến khích con người sống hòa hợp với tự nhiên, buông bỏ mọi phiền muộn, danh lợi để đạt đến sự tự do tinh thần. Điều này phản ánh rõ trong thơ của ông khi ông thường tìm đến thiên nhiên như một phương tiện để thoát khỏi thế giới phàm tục. Ông không chỉ ngắm nhìn thiên nhiên mà còn hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận được sự rộng lớn, vô tận của vũ trụ. Thiên nhiên trong thơ Lý Bạch không chỉ là cảnh vật, mà còn là biểu tượng cho trạng thái tự do, nơi mà con người có thể đạt đến sự thanh thản và giải thoát.

Bài thơ “Tĩnh dạ tứ” là một ví dụ rõ ràng về sự lãng mạn và siêu thoát của Lý Bạch. Trong bài thơ này, ông miêu tả cảnh đêm yên tĩnh, trăng sáng chiếu rọi và gợi lên nỗi nhớ quê hương. Hình ảnh thiên nhiên và cảm xúc cá nhân đan xen một cách tài tình, tạo ra một không gian thơ vừa lãng mạn, vừa đầy cảm xúc.

Hình tượng uống rượu

[sửa | sửa mã nguồn]

Một trong những hình ảnh đặc trưng nhất trong thơ của Lý Bạch là hình tượng uống rượu. Đối với Lý Bạch, uống rượu không chỉ là thú vui mà còn là phương tiện để ông vượt thoát khỏi những ràng buộc của hiện thực. Uống rượu giúp ông đạt đến trạng thái tự do tinh thần, nơi mà ông có thể trải nghiệm thế giới một cách vô hạn và không bị giới hạn bởi những lo toan của cuộc đời. Trong bài "Tương tiến tửu", Lý Bạch ca ngợi rượu và sự say sưa, đồng thời thể hiện quan điểm sống lạc quan, không màng đến danh vọng hay tiền tài.

Uống rượu trong thơ Lý Bạch không phải để trốn tránh thực tại mà là để đạt đến sự siêu thoát, một trạng thái tâm linh mà trong đó ông cảm nhận được sự hòa hợp với vũ trụ. Ông không chỉ uống rượu với bạn bè, mà còn uống với thiên nhiên, với trăng và gió, thể hiện một tư tưởng sống vô cùng tự do, không bị ràng buộc bởi những quy tắc xã hội. Trong nhiều bài thơ, ông mô tả trạng thái say như một cách để phá bỏ mọi giới hạn và đạt được sự thăng hoa trong tâm hồn.

Sự hòa quyện giữa hiện thực và tưởng tượng

[sửa | sửa mã nguồn]

Một nét độc đáo khác trong phong cách thơ của Lý Bạch là khả năng hòa quyện giữa hiện thực và tưởng tượng. Ông không chỉ miêu tả những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày mà còn mở rộng không gian thơ của mình bằng những yếu tố siêu thực, thần thoại. Những hình ảnh như cưỡi mây, bay trên trời cao hay trò chuyện với thần tiên thường xuyên xuất hiện trong thơ của ông, tạo ra một thế giới vừa thực, vừa huyền ảo.

Điều này thể hiện rõ trong bài thơ "Nguyệt hạ độc chước", khi ông tưởng tượng mình uống rượu cùng trăng và bóng của mình. Sự hòa quyện giữa hiện thực (uống rượu) và tưởng tượng (trăng và bóng) tạo ra một không gian thơ kỳ diệu, nơi mà ranh giới giữa thực và ảo bị xóa nhòa. Đây là một trong những yếu tố khiến thơ của Lý Bạch trở nên độc đáo và khác biệt so với các nhà thơ khác cùng thời.

Ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]

Phương Đông

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại các nước thuộc vùng văn hóa Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Việt Nam, Lý Bạch có vai trò cực kỳ quan trọng trong văn học và văn hóa, được coi là một biểu tượng của thi ca truyền thống.

Tại Trung Quốc, thơ Lý Bạch được coi là chuẩn mực trong việc giáo dục văn học cổ điển. Sĩ tử Trung Quốc thời xưa thường học thuộc lòng thơ của ông. Những tác phẩm như "Tĩnh dạ tứ" hay "Độc tọa Kính Đình sơn" đã trở thành bài thơ quốc dân, được giảng dạy trong các trường học và vẫn giữ vị trí quan trọng trong giáo dục hiện đại. Thơ của Lý Bạch không chỉ phổ biến trong giới trí thức mà còn lan tỏa đến đại chúng. Nhiều tác phẩm của ông đã được nhạc hóa, được nhắc đến trong các vở kịch, điện ảnh, và các tác phẩm văn học khác. Ông còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ đời sau.

Thơ Đường nói chung và thơ Lý Bạch nói riêng có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn học Nhật Bản. Thơ của Lý Bạch đã được phổ biến tại Nhật từ thời kỳ Nara (710–794), khi văn hóa Trung Hoa được du nhập mạnh mẽ vào Nhật Bản qua các chuyến đi sứ và qua Kinh Phật. Các tuyển tập thơ Đường, trong đó có thơ của Lý Bạch, được giới quý tộc và học giả Nhật Bản đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt là tập thơ "Thanh Lãng Tập" được coi là một bộ sách kinh điển chứa đựng nhiều bài thơ của Lý Bạch. Thơ Lý Bạch đã ảnh hưởng đến các nhà thơ Nhật Bản, như Matsuo Basho, người sáng lập trường phái Haiku. Sự phóng khoáng, tự do trong thơ Lý Bạch có những điểm tương đồng với tinh thần của thơ Haiku, dẫn đến sự tương đồng trong cách cảm nhận thiên nhiên và cuộc sống.

Tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là thơ Đường. Thơ Lý Bạch trở thành một phần của văn hóa văn chương truyền thống Hàn Quốc và được dạy trong các trường học của triều đình. Học giả Nho giáo ở Hàn Quốc thường xem thơ của Lý Bạch là chuẩn mực trong thi ca và học thuật. Nhiều nhà thơ và quan lại triều đình học tập phong cách thơ của Lý Bạch, nhất là trong việc diễn tả cảnh thiên nhiên và các tư tưởng siêu thoát. Các tuyển tập thơ Đường chứa thơ Lý Bạch như Đường thi tam bách thủ là sách gối đầu giường cho giới tri thức. Nhiều học giả Hàn Quốc không chỉ học thuộc mà còn sáng tác theo phong cách thơ Lý Bạch.

Ở Việt Nam, thơ Lý Bạch cũng được truyền bá từ rất sớm, đặc biệt là trong thời kỳ phong kiến, khi Hán học và văn hóa Trung Quốc chi phối đời sống văn hóa, giáo dục. Các nhà nho Việt Nam thường học thuộc thơ Lý Bạch và các tác phẩm thơ Đường khác như một phần của chương trình giáo dục. Các nhà thơ Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ thơ Lý Bạch. Nguyễn Du, tác giả của Truyện Kiều, từng nghiên cứu và ngưỡng mộ thơ Lý Bạch. Tinh thần tự do, phóng khoáng trong thơ Lý Bạch cũng xuất hiện trong văn học Việt Nam thời trung đại. Một số bài thơ của Lý Bạch đã được dịch sang chữ Nôm và lưu truyền rộng rãi. Trong nhiều kỳ thi khoa cử, thí sinh thường phải học và viết theo phong cách thơ Đường, và thơ Lý Bạch là một trong những chuẩn mực thi ca.

Tựu chung, tại các nước Đồng văn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, thơ của Lý Bạch không chỉ được dịch mà còn được học tập, ngưỡng mộ và phát triển thành văn hóa. Thơ của ông, cùng với các nhà thơ Đường khác, đã trở thành một phần không thể thiếu của văn học cổ điển tại các nước này, đóng góp vào sự phát triển văn hóa và thi ca địa phương. Khác với phương Tây, nơi thơ của Lý Bạch được khám phá thông qua dịch thuật, ở các nước Đồng văn, nguyên bản Hán tự của thơ Lý Bạch thường được giữ nguyên và truyền bá rộng rãi nhờ sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa.

Phương Tây

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại phương Tây, Lý Bạch có ảnh hưởng mạnh mẽ trong thế kỷ 19 và 20, khi văn hóa Trung Quốc bắt đầu được khám phá và dịch thuật. Các nhà thơ hiện đại phương Tây đã chịu ảnh hưởng từ phong cách và tinh thần thơ của ông, giúp lan tỏa văn học Trung Quốc ra ngoài thế giới. Các nhà thơ phương Tây không chỉ dịch thơ của Lý Bạch, mà còn "tái sáng tạo" (Nachdichtung)[h] nó để phù hợp với ngữ cảnh văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, sự tiếp nhận thơ của ông tại phương Tây khác biệt so với phương Đông, chủ yếu qua lăng kính sáng tạo của các dịch giả và nhà thơ phương Tây.

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một loạt các dịch giả người Pháp và Anh đã bắt đầu chuyển ngữ thơ Lý Bạch từ Hán ngữ sang các ngôn ngữ phương Tây. Léon d'Hervey de Saint-DenysJudith Gautier là những người tiên phong trong việc dịch thơ Đường, mở đường cho việc tiếp nhận văn học Trung Quốc tại châu Âu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Ezra Pound vào đầu thế kỷ 20 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc giới thiệu thơ Lý Bạch đến với độc giả phương Tây. Pound, mặc dù không biết tiếng Trung, đã dựa vào bản dịch và ghi chép của Ernest Fenollosa để tái sáng tạo thơ của Lý Bạch trong tác phẩm Cathay. Đây không chỉ là một tập thơ dịch, mà còn là sự kết hợp giữa dịch thuật và sáng tạo. Thông qua phong cách thơ tự do và tập trung vào hình ảnh mạnh mẽ, Pound đã đưa thơ của Lý Bạch vào dòng chảy của phong trào Imagism, mở ra một hướng đi mới trong thơ ca hiện đại phương Tây.

So sánh thơ của Pound và bản gốc của Lý Bạch (trích đoạn)
The River Merchant's Wife: A Letter Trường Can hành kỳ 1 (長干行其一)

At fourteen I married My Lord you.
I never laughed, being bashful.
Lowering my head, I looked at the wall.
Called to, a thousand times, I never looked back.
At fifteen I stopped scowling,
I desired my dust to be mingled with yours
Forever and forever, and forever.
Why should I climb the look out?

十四為君婦,
羞顏未嘗開;
低頭向暗壁,
千喚不一回。
十五始展眉,
願同塵與灰,
常存抱柱信,
豈上望夫台?

Thập tứ vi quân phụ,
Tu nhan vị thường khai;
Đê đầu hướng ám bích,
Thiên hoán bất nhất hồi.
Thập ngũ thủy triển mi,
Nguyện đồng trần dữ hôi,
Thường tồn bão trụ tín,
Khởi thượng vọng phu đài?

Mười bốn tuổi, em kết hôn cùng chàng.
Em chưa từng cười, vì e lệ,
Cúi đầu xuống, em nhìn vào tường.
[Chàng] gọi hàng nghìn lần, nhưng em chẳng quay lại.
Mười lăm tuổi, em thôi cau có,
Chỉ mong tro bụi của em sẽ hòa vào với tro bụi của chàng,
Mãi mãi, mãi mãi, và mãi mãi.
Em đâu cần trèo lên [tháp] nữa?

– tạm dịch

Mười bốn làm vợ chàng,
Thơ ngây em hổ thẹn
Bên vách cúi gầm đầu,
Mặc cho chàng gọi đến.
Mười lăm mới bạo dạn,
Quấn nhau không muốn rời.
Ôm cột nguyền giữ ước,[i]
Vọng Phu[j] chẳng lên đài.

– bản dịch của Trần Trọng San

Ngược lại với Ezra Pound, Shigeyoshi Obata, một nhà dịch giả người Nhật, đã dịch thơ Lý Bạch với sự tôn trọng chính xác hơn đối với nguyên bản. Tập thơ The Works of Li Po (1922) của Obata tập trung vào việc giữ nguyên cảm xúc và ý nghĩa của bản gốc Trung Hoa, mặc dù ông cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc chuyển tải hết sắc thái tinh tế của tiếng Hán sang tiếng Anh. Obata không tìm cách tái sáng tạo thơ của Lý Bạch mà chỉ muốn truyền đạt lại ý nghĩa chân thực nhất của các bài thơ. Ông tập trung vào việc giữ nguyên tinh thần của các bài thơ về thiên nhiên, rượu và sự tự do của Lý Bạch, nhưng không tạo ra những chuyển biến ngôn ngữ táo bạo như Ezra Pound. Tuy nhiên, dù bản dịch của Obata được đánh giá cao về tính trung thành, nó không có được sự lan tỏa và tầm ảnh hưởng rộng rãi như bản dịch của Pound.

Thơ Lý Bạch, qua những bản dịch của Pound và Obata, đã có sức ảnh hưởng lớn đến các nhà thơ phương Tây, đặc biệt là trong phong trào Hiện đại. Thơ của Lý Bạch với hình ảnh thiên nhiên đầy cảm xúc và những suy tư siêu thoát về cuộc sống đã tạo cảm hứng cho các nhà thơ hiện đại khác như T. S. Eliot, Kenneth Rexroth, và Gary Snyder. Những chủ đề như sự cô độc, khát vọng tự do, và sự hòa hợp với thiên nhiên trong thơ Lý Bạch đã trở thành nền tảng cho nhiều tác phẩm thơ hiện đại.

Tựu chung, mặc dù thơ của Lý Bạch đã đạt được sự phổ biến tại phương Tây, nhưng quá trình dịch thuật không hề dễ dàng. Sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa giữa phương Đông và phương Tây đã đặt ra nhiều thách thức cho các dịch giả. Thơ Lý Bạch, với cách sử dụng hình ảnh tượng trưng và lối chơi chữ phức tạp, thường khó chuyển tải đầy đủ trong các bản dịch. Tuy vậy, thông qua các bản dịch, thơ của Lý Bạch đã không chỉ được truyền bá rộng rãi mà còn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho các phong trào thơ ca phương Tây, đặc biệt là trong chủ nghĩa tưởng tượng và chủ nghĩa hiện đại.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Nguyên văn: 北冥有魚,其名為鯤
  2. ^ Nguyên văn: Ma xử thành châm (磨杵成針)
  3. ^ Vương đạo (王道) là đường lối dùng nhân nghĩa để cai trị thiên hạ; Bá đạo (霸道) là đường lối dùng vũ lực, hình pháp, quyền thế để cai trị thiên hạ; Cường đạo (強道) là đường lối dùng sự cường bạo để cai trị thiên hạ.
  4. ^ Nguyên văn: Thiên tài anh lệ, hạ bút bất hưu (天才英麗,下筆不休).
  5. ^ Trong chữ Hán, chữ tiên (仙) được cấu thành từ bộ nhân (人; nhân đứng 亻) ở bên trái và chữ sơn (山) ở bên phải, có thể diễn giải thành "người trên núi".
  6. ^ Cận thể thi là một thể loại thơ xuất hiện vào thời Đường, thường có tám câu, mỗi câu bảy chữ (luật thi), có phép gieo vần (vận luật) và tiết tấu (thanh luật) cố định và cặp thứ 2 và 3 phải là cặp đối.
  7. ^ Nguyên văn: 請君試問東流水, 別意與之誰短長. Dịch nghĩa: Nhờ ai hỏi dòng nước chảy về đông, tình ý ly biệt cái nào dài hơn?
  8. ^ Nachdichtung là một thuật ngữ văn học tiếng Đức dùng để chỉ một phương pháp dịch thuật đặc biệt trong thơ ca, trong đó dịch giả không chỉ dịch từ ngữ từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ đích. Phương pháp này vừa giữ lại tinh thần của tác phẩm gốc nhưng cũng mở ra không gian cho sự sáng tạo và thay đổi để phù hợp với ngữ cảnh ngôn ngữ và văn hóa đích.
  9. ^ Cụm từ Bão trụ tín (抱柱信) xuất phát từ một điển tích trong văn học Trung Quốc, gắn liền với Vĩ Sinh. Tương truyền Vĩ Sinh hẹn gặp người yêu tại một chiếc cầu trên sông. Anh ta chờ đợi ở đó, nhưng người yêu không đến. Mặc dù bị lũ cuốn trôi, anh vẫn không rời khỏi cột cầu, quyết giữ trọn lời hứa. Từ đó, cụm từ "Vĩ Sinh ôm cột" trở thành biểu tượng cho sự trung thành, kiên định với lời hứa trong tình yêu, thể hiện lòng chung thủy và giữ trọn lời hẹn ước.
  10. ^ Vọng phu đài (望夫台) là một khái niệm văn hóa và văn học xuất hiện trong nhiều truyền thuyết ở các nước Á Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam. Vọng phu nghĩa là "người vợ chờ chồng," và đài là "tháp" hoặc "gò cao". Trong văn học, Vọng phu đài thường được dùng như một biểu tượng của lòng chung thủy và sự chờ đợi của người phụ nữ, cũng như thể hiện nỗi buồn, sự đau khổ khi phải xa cách người mình yêu thương.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Ngô Kinh Hùng 1972, tr. 59.
  2. ^ Nguyễn Hiến Lê 1966, tr. 265.
  3. ^ Geissmann 2021, tr. 155.
  4. ^ Obata 1922, tr. 8.
  5. ^ Chu Huân Sơ & Đồng Cường 2000, tr. 23.
  6. ^ Chu Huân Sơ & Đồng Cường 2000, tr. 20.
  7. ^ Eide 1973, tr. 388.
  8. ^ Ngô Kinh Hùng 1972, tr. 57–58.
  9. ^ a b Waley 2022, tr. 104.
  10. ^ Han 2019.
  11. ^ Tôn Du 1982, tr. 20–21.
  12. ^ Eide 1973, tr. 389.
  13. ^ Cáp Kim 2019, tr. 22.
  14. ^ Chu Huân Sơ & Đồng Cường 2000, tr. 60.
  15. ^ Chu Huân Sơ & Đồng Cường 2000, tr. 56.
  16. ^ Chu Huân Sơ & Đồng Cường 2000, tr. 58–59.
  17. ^ Cáp Kim 2019, tr. 24–25.
  18. ^ Cáp Kim 2019, tr. 27.
  19. ^ Cáp Kim 2019, tr. 29.
  20. ^ Waley 2022, tr. 4–5.
  21. ^ Cáp Kim 2019, tr. 35.
  22. ^ Cáp Kim 2019, tr. 36.
  23. ^ Cáp Kim 2019, tr. 37.
  24. ^ Cáp Kim 2019, tr. 38.
  25. ^ a b Cáp Kim 2019, tr. 47.
  26. ^ Cáp Kim 2019, tr. 48.
  27. ^ Cáp Kim 2019, tr. 51–52.
  28. ^ Đông Hồ (1970), tr. 277.
  29. ^ Chu Huân Sơ & Đồng Cường 2000, tr. 72.
  30. ^ Cáp Kim 2019, tr. 54.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Ấn phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]
Phương Tây
  • Landa, Sara (2020). Aurnhammer, Achim; Chen, Zhuangying (biên tập). “Von Li Bai bis Mao Zedong. Chinesische Dichterhelden in der deutschen Lyrik des 20. Jahrhunderts”. Deutsch-chinesische Helden und Anti-Helden (bằng tiếng Đức): 199–212. doi:10.5771/9783956506093-199.
  • Jin, Ha (2019). The Banished Immortal: A Life of Li Bai (Li Po) (bằng tiếng Anh). New York: Pantheon Books. ISBN 978-1-5247-4741-1.
  • Chang, Kang-i Sun; Owen, Stephen (2010). The Cambridge history of Chinese literature (bằng tiếng Anh). Cambridge; New York: Cambridge University Press. doi:10.1017/CHOL9780521855587. ISBN 978-0-521-85559-4.
  • Geissmann, Thomas (2021). “Die Rolle der Gibbons beim chinesischen Dichter Li Bai”. Trong Gredig, Mathias; Winter, Marc; Valär, Rico; Brotbeck, Roman (biên tập). Der doppelte Po und die Musik. Rätoromanisch-chinesische Studien, besonders zu Li Po, Harry Partch und Chasper Po (bằng tiếng Đức). Würzburg: Königshausen & Neumann. tr. 147–172. doi:10.26045/po-007.
  • Varsano, Paula M. (2003). Tracking the Banished Immortal: The Poetry of Li Bo and Its Critical Reception (bằng tiếng Anh). Honolulu: University of Hawaii Press. ISBN 978-0-8248-6527-6.
Tiếng Việt
  • Đông Hồ (1970). Văn-học miền-nam: văn-học Hà-Tiên. Chiêu anh các Hà-Tiên thập cảnh khúc vịnh . Sài Gòn: Xuất bản Quình Lâm. OCLC 10648725.
  • Nguyễn Hiến Lê (1966). Đại cương văn học sử Trung Quốc. Sài Gòn: Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê.
  • Trần Trung Hỷ (1 tháng 4 năm 2021). “Con người và thờ Lý Bạch qua những lời phẩm bình của cổ nhân”. Chuyên san khoa học Xã hội và Nhân văn. Đại học Huế. 130 (6A): 39–54. doi:10.26459/hueunijssh.v130i6A.6141. ISSN 2588-1213.
Tiếng Trung
  • Chu Huân Sơ; Đồng Cường (2000). 李白評傳 [Lý Bạch bình truyện] (bằng tiếng Trung) . Nam Kinh: Nhà xuất bản Đại học Nam Kinh. ISBN 7-305-04351-6.

Trực tuyến

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]