Wisława Szymborska

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Wisława Szymborska
Wisława Szymborska năm 2011
Wisława Szymborska năm 2011
Sinh2 tháng 7 năm 1923
Kórnik, Ba Lan
Mất1 tháng 2 năm 2012(2012-02-01) (88 tuổi)
Kraków, Ba Lan
Nghề nghiệpNhà thơ
Quốc tịchngười Ba Lan

Wislawa Szymborska, Maria Wisława Anna Szymborska (2 tháng 7 năm 19231 tháng 2 năm 2012) là nhà thơ người Ba Lan đoạt Giải Nobel Văn học năm 1996.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Wisława Szymborska sinh tại Bnin (nay là Kórnik, gần Poznan); năm 1929 gia đình chuyển đến Krakow. Bà học xong tiểu học năm 1935 và trung học năm 1941, khi Ba Lan còn bị Đức chiếm đóng. Trong một thời gian ngắn Szymborska làm công nhân đường sắt. Giai đoạn 1945–1947, bà học văn học Ba Lan và xã hội học tại Đại học Jagielloński. Năm 1945 bà khởi đầu sự nghiệp sáng tác với bài thơ Szukam słowa (Tôi tìm lời); năm 1952 in tập thơ đầu tiên Dlatego żyjemy (Vì lẽ này chúng ta đang sống) và được kết nạp vào Hội Nhà văn Ba Lan.

Phong cách thơ của Szymborska thời kì này mang tính hiện thực truyền thống, viết về chiến tranh, quân đội, tổ quốc. Năm 1957, Szymborska xuất bản tập thơ thứ ba Wolanie do yeti (Lời kêu gọi đối với người tuyết) được dư luận quan tâm (trong nguyên tác sử dụng từ "yeti" có nghĩa là "người tuyết", ám chỉ thủ lĩnh của "xứ tuyết" láng giềng). Thời kì này bà thường viết lối thơ tự do, đặc trưng cho các nhà thơ Tây Âu đương đại, nhưng thơ Szymborska không trừu tượng mà cụ thể và dễ hiểu.

Wisława Szymborska và các thành viên Hội Văn bút Ba Lan

Trong những năm 1953–1981, bà là biên tập viên thơ và là người viết xã luận trên tuần báo Życie Literackie (Đời sống văn học), các tiểu luận của bà về sau được tập hợp xuất bản dưới dạng sách tái bản nhiều lần. Trong khoảng 1952–1996, bà đã xuất bản 16 tập thơ. Ngoài ra, bà còn dịch thơ tiếng Pháp, tiếng Nga ra tiếng Ba Lan.

Szymborska được tặng nhiều giải thưởng văn học. Năm 1954 bà được tặng giải thưởng của thành phố Krakow; năm 1963 bà đoạt giải Văn học của Bộ trưởng Văn hóa Nghệ thuật Ba Lan; năm 1991 giải Goethe của Đức và năm 1995 giải thưởng Herder của Áo. Bà được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Adam Mickiewicz tại Poznan (1995) và giải thưởng Hội Văn bút Ba Lan (1996). Năm 1996, Szymborska được trao giải Nobel cho "những tác phẩm thơ tái hiện chân thực một thế giới trong đó cái thiệncái ác đan xen, giành giật nhau chỗ đứng cả lẫn trong tư duy và hành động của con người, thể hiện tấm lòng một công dân, một nghệ sĩ có nhân cách lớn và đầy trách nhiệm trước những thực trạng các giá trị tinh thần bị đảo lộn, trước nguy cơ suy đồi đạo đức trong cuộc sống hiện đại". Thơ của Wislawa Szymborska được dịch ra gần 40 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

  • Dlatego zyjemy (Vĩ lẽ này chúng ta đang sống, 1952), thơ
  • Pytania zadawane sobie (Những câu hỏi cho mình, 1954), thơ
  • Wolanie do yeti (Lời kêu gọi đối với người tuyết, 1957), thơ
  • Sols (Muối, 1962), thơ
  • Sili (1965), thơ
  • Poezje wybrane (Tuyển thơ, 1967), thơ
  • Sto pociech (Một trăm trò hề, 1967), thơ
  • Poezje (Thơ, 1970), thơ
  • Wszelki wypadek (Trường hợp bất kì, 1972), thơ
  • Tarsjusz i inne wiersze (Tarsius và những bài thơ khác, 1976), thơ
  • Wielka liczba (Số lớn, 1976), thơ
  • Ludzie na moscie (Những người trên cầu, 1985), thơ
  • Wieczúr autorski (Buổi chiều của tác giả, 1992), thơ
  • Koniec i poczatek (Kết thúc và mở đầu, 1993), thơ

Hai bài thơ[sửa | sửa mã nguồn]

Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên
 
Cả hai người vẫn tin rằng
tình cảm của họ bất ngờ, đột ngột
lòng tin này rất đẹp
nhưng sự hoài nghi còn tuyệt vời hơn.
 
Họ cho rằng, nếu trước đó chưa từng quen
thì đã không có gì xảy ra với họ.
Thế sẽ nói gì những bậc thang, những hành lang, đường phố
những nơi mà họ gặp nhau không chỉ một lần?
 
Tôi muốn hỏi họ xem
liệu họ còn có nhớ
có thể, trong những vòng xoay cánh cửa
họ từng đối mặt ra sao?
Những lời "xin lỗi" khi va vào người nhau
giọng "anh nhầm rồi" trong ống nghe điện thoại
nhưng tôi biết câu trả lời như vậy.
Không, họ chẳng nhớ gì.
 
Mà họ sẽ ngạc nhiên nhiều hơn kia
khi biết rằng đã từ lâu lắm
với họ đang đùa giỡn
một trường hợp ngẫu nhiên.
 
Trường hợp này còn chưa sẵn sàng
trở thành số phận
xích họ lại gần, làm cho xa vắng
chạy qua đường, né sang bên
và tiếng cười khúc khích kìm nén.
 
Đã từng có những dấu hiệu
không quan trọng là đã chẳng hiểu ra
có thể từ ba năm trước kia
hay là, thứ ba tuần trước
khi từ vai này sang vai khác
một chiếc lá vương?
Một thứ gì người này làm rơi người khác nhặt lên
ai biết được, có thể là trái bóng
trong bụi cây từ thuở thiếu niên.
 
Đã có những chiếc chuông con và những tay cầm
mà ở đó rất lâu trước lần gặp gỡ
những dấu tay đã từng chồng lên.
Hai chiếc va li trong kho để kề bên.
Có thể, trong đêm có một giấc mơ giống hệt
khi thức giấc thì đã vội vàng quên.
 
Bởi vì mỗi sự mở đầu
chỉ là một hồi kế tiếp
và cuốn sách
của cuộc đời luôn mở giữa chừng trang.
 
Ai đó yêu thơ
 
Ai đó –
có nghĩa: không mỗi người.
Không phải nhiều, mà là thiểu số.
Ngoại trừ những em trò nhỏ
và các nhà thi sĩ
trong nghìn người, may ra chỉ có hai.
 
Yêu –
như người đời yêu khoai tây với nấm
những lời khen, những sắc thái của hoàng hôn
với chiếc khăn nhỏ của mình
đứng trên chỗ của mình
trước khi đi ngủ dẫn ra đường con chó lớn.
 
Thơ –
thơ ca là gì thế?
Bao nhiêu câu trả lời
tôi từng nghe được về điều này.
Cũng may: chúng đều lời nhẹ
bởi nếu không, sao tôi viết những dòng này.
 
Bốn giờ sáng
 
Thời khắc từ đêm sang ngày
Thời khắc trở mình trằn trọc
Thời khắc của tuổi ba mươi.
 
Thời khắc, khi đất đai chối bỏ con người
Thời khắc bật lên trong giờ gà gáy
Thời khắc, khi ngôi sao tắt ngấm giữa trời
Thời khắc, thế sau ta có những gì còn lại?
 
Thời khắc lặng im
Thời khắc trống vắng
Tận cùng đáy của ngày đêm.
 
Lúc bốn giờ sáng chẳng có ai bình yên
Nếu bầy kiến lúc bốn giờ thanh thản
Ta mừng cho kiến. Và năm giờ sẽ đến
Nếu như ta sống tiếp cuộc đời mình.
Nhà ga
 
Sự không có mặt của em đến thành phố N
Đã theo đúng thời gian biểu.
 
Em đã báo trước với anh
Bằng bức điện mà rồi em không gửi.
 
Và anh đã không kịp tới
Theo thời gian hẹn hò.
 
Con tàu đi vào đường thứ ba
Có rất nhiều người ra đón.
 
Trong đám đông, em hướng về phía cổng
Không có người đưa đón của mình.
 
Một vài người phụ nữ vội vàng
Nhìn theo em
Bước đi vội vã.
 
Có ai đấy chạy đến bên một người phụ nữ
Người này em không quen
Nhưng người phụ nữ nhận ra người đàn ông
Chỉ trong khoảnh khắc.
 
Họ hôn nhau thắm thiết
Không bằng nụ hôn của chúng mình
Và chiếc va li bị lấy cắp
Không phải là chiếc va li của em.
 
Nhà ga thành phố N
Đã trả thi rất giỏi
Về sự tồn tại khách quan.
 
Cái chung vẫn còn nguyên vẹn
Cái riêng đã hoàn thành
Theo như số trời định sẵn.
 
Và ngay cả lần hò hẹn
Cũng đã định trước rồi.
 
Nhưng, than ôi
Sau khi chúng mình có mặt.
 
Và thiên đường đã mất
Giống như chân lý cuộc đời.
 
Ở đâu, chứ không phải ở đây
Ở đâu, chứ không phải ở đây
Vang lên những lời thánh thót.
 
Trường hợp bất kỳ
 
Đã xảy ra điều có thể
Đã xảy ra điều phải xảy ra.
Sớm hơn. Muộn màng hơn thế.
Gần hơn. Xa hơn.
Đã xảy ra – nhưng không phải với anh.
 
Còn nguyên vẹn, bởi anh người đầu tiên.
Còn nguyên vẹn, bởi anh người sau cuối.
Bởi do mọi người. Bởi anh tự mình
Bởi vì bên phải. Bởi vì bên trái
Bởi vì bóng rơi. Bởi vì mưa xối
Và bởi vì nắng đẹp, trời xanh.
 
Thật may mắn, ở đó là rừng
Thật may mắn, không một thân cây gỗ
Thật may mắn, khe núi, đường ray, sự cách trở
Milimét, phút giây và chỗ quay vòng
Thật may mắn, cọng rơm bơi trên nước.
 
Nhưng kết cục, thật khó mà nói được
Tuy thế, dù sao, giá mà tay, chân
Kẽ tóc chân tơ, theo mỗi bước chân
Tránh khỏi trùng phùng cơ hội.
 
Bởi thế, anh tồn tại?
Mang ơn mỗi phút giây
Lưới có một mắt. Còn anh ở trong mắt ấy
Em không lặng im và chẳng ngạc nhiên lắm vậy
Xin anh hãy nghe em
Để vì em
Con tim anh rộn ràng hãy đập.
 
Ba lời kỳ lạ
 
Tôi nhắc lại rằng thời gian không ở
Thì lời đầu tiên đã kịp đi qua.
Tôi thì thầm trời yên, lặng gió
Thì trở nên không lặng yên cho.
Tôi cẩn thận nói lời không cái gì
Thì có một cái gì bao la hiện rõ...
Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]