Bước tới nội dung

Tiếng Anh

Đây là một bài viết cơ bản. Nhấn vào đây để biết thêm thông tin.
Trang hạn chế sửa đổi (bán khóa)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Anh ngữ)

Tiếng Anh
English
Phát âm/ˈɪŋɡlɪʃ/[1]
Tổng số người nói360 – 400 triệu
Số người nói L2: 750 triệu;
với tư cách ngoại ngữ: 600–700 triệu[2]
Dân tộcNgười Anh (xem thêm vùng văn hóa Anh ngữ)
Phân loạiẤn-Âu
Ngôn ngữ tiền thân
Hệ chữ viết
Tiếng Anh mã hóa thủ công
(nhiều hệ thống)
Địa vị chính thức
Ngôn ngữ chính thức tại
Ngôn ngữ thiểu số được công nhận tại
Toàn cầu, đặc biệt tại
Mã ngôn ngữ
ISO 639-1en
ISO 639-2eng
ISO 639-3eng
Glottologstan1293[3]
Linguasphere52-ABA
  Những vùng tiếng Anh là ngôn ngữ bản xứ chiếm đa số
  Những vùng tiếng Anh được công nhận chính thức hoặc được nói bởi đa số người, song không phải ngôn ngữ bản xứ chính
Bài viết này có chứa ký tự ngữ âm IPA. Nếu không thích hợp hỗ trợ dựng hình, bạn có thể sẽ nhìn thấy dấu chấm hỏi, hộp, hoặc ký hiệu khác thay vì kí tự Unicode. Để biết hướng dẫn giới thiệu về các ký hiệu IPA, xem Trợ giúp:IPA.

Tiếng Anh hay Anh ngữ (English /ˈɪŋɡlɪʃ/ ) là một ngôn ngữ Giécmanh Tây thuộc ngữ hệ Ấn-Âu. Dạng thức cổ nhất của ngôn ngữ này được nói bởi những cư dân trên mảnh đất Anh thời sơ kỳ trung cổ.[4][5][6] Tên bản ngữ của thứ tiếng này bắt nguồn từ tộc danh của một trong những bộ lạc Giécmanh di cư sang đảo Anh trước kia, gọi là tộc Angle. Xét về phả hệ ngôn ngữ học, tiếng Anh có mối quan hệ gần gũi với tiếng Frisiatiếng Saxon Hạ; tuy vậy qua hàng ngàn năm lịch sử, vốn từ tiếng Anh đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ các phương ngữ cổ của tiếng Pháp (khoảng 29% từ vựng tiếng Anh hiện đại) và tiếng Latinh (cũng khoảng 29%), thêm nữa là các ảnh hưởng sâu sắc của tiếng Bắc Âu cổ (một ngôn ngữ Giécmanh Bắc) lên ngữ pháp và từ vựng cốt lõi của nó.[7][8][9]

Các dạng tiếng Anh thuở sớm, gọi chung là tiếng Anh cổ, phát sinh từ các phương ngữ cổ xưa thuộc nhóm ngôn ngữ Giécmanh Biển Bắc. Những phương ngữ ấy vốn là tiếng mẹ đẻ của người Anglo-Saxon di cư sang Đảo Anh vào thế kỷ thứ 5, rồi tiếp tục biến đổi suốt thế kỷ thứ 8 và thứ 9 do tiếp xúc dai dẳng với tiếng Bắc Âu cổ của di dân Viking. Giai đoạn tiếng Anh trung đại bắt đầu vào cuối thế kỷ 11, ngay sau cuộc xâm lược Anh của người Norman, với những ảnh hưởng đáng kể đến từ các phương ngữ Pháp cổ (đặc biệt là tiếng Norman cổ) và tiếng Latinh suốt khoảng 300 năm ròng.[10][11] Đến cuối thế kỷ 15, tiếng Anh bước vào giai đoạn cận đại sau khi trải qua quá trình biến đổi nguyên âm quy mô lớn và xu thế vay mượn từ ngữ tiếng Hy-La thời Phục hưng, đồng thời với sự ra đời của máy in ép tại Luân Đôn. Thông qua đó mà văn học Anh ngữ bấy giờ đã đạt đến đỉnh cao, nổi bật với các chứng tích như bản dịch tiếng Anh của Kinh Thánh đời vua James I và các vở kịch kinh điển của đại văn hào William Shakespeare.[12][13]

Ngữ pháp tiếng Anh hiện đại là kết quả của quá trình biến đổi dần dần từ kiểu dependant-marking điển hình của hệ Ấn-Âu, đặc trưng với sự biến đổi hình thái phong phú và trật tự từ tương đối tự do, sang kiểu phân tích, đặc trưng với hình thái ít biến đổi cùng trật tự chủ-động-tân thiếu linh động.[14] Tiếng Anh hiện đại dựa phần lớn vào trợ động từ và trật tự từ để biểu đạt các thì (tense), thức (mood) và thể (aspect) phức tạp, cũng như các cấu trúc bị động, nghi vấn và một số dạng phủ định.

Tiếng Anh hiện đại lan rộng khắp thế giới kể từ thế kỷ 17 nhờ tầm ảnh hưởng toàn cầu của Đế quốc AnhHoa Kỳ. Thông qua các loại hình in ấn và phương tiện truyền thông đại chúng của những quốc gia này, vị thế tiếng Anh đã được nâng lên hàng đầu trong diễn ngôn quốc tế, giúp nó trở thành lingua franca tại nhiều khu vực trên thế giới và trong nhiều bối cảnh chuyên môn như khoa học, hàng hải và luật pháp.[4] Tiếng Anh là ngôn ngữ có số lượng người nói đông đảo nhất trên thế giới,[15] và có số lượng người nói bản ngữ nhiều thứ ba trên thế giới, chỉ sau tiếng Trung Quốc chuẩntiếng Tây Ban Nha.[16] Tiếng Anh là ngoại ngữ được nhiều người học nhất và là ngôn ngữ chính thức hoặc đồng chính thức của 59 quốc gia trên thế giới. Hiện nay số người biết nói tiếng Anh như một ngoại ngữ đã áp đảo hơn số người nói tiếng Anh bản ngữ. Tính đến năm 2005, lượng người nói tiếng Anh đã cán mốc xấp xỉ 2 tỷ.[17] Tiếng Anh là bản ngữ đa số tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand (xem vùng văn hóa tiếng Anh) và Cộng hòa Ireland. Nó được sử dụng phổ biến ở một số vùng thuộc vùng Caribe, Châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á, và Châu Đại Dương.[18] Tiếng Anh là ngôn ngữ đồng chính thức của Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, cùng nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Ngoài ra nó cũng là ngôn ngữ Giécmanh được sử dụng rộng rãi nhất, với lượng người nói chiếm ít nhất 70% tổng số người nói các ngôn ngữ thuộc nhánh Ấn-Âu này.

Phân loại

Nhóm Anglic
  Tiếng Anh
Nhóm Anh‑Frisia
Nhóm Anglic và Nhóm Giécmanh Biển Bắc
Nhóm Anh-Frisia và Nhóm Giécmanh Tây
Nhóm Giécmanh Biển Bắc và ...... Tiếng Đức (Cao địa): ...... Tiếng Yiddish
Phả hệ nhóm ngôn ngữ German Tây

Tiếng Anh là một ngôn ngữ Ấn–Âu, cụ thể hơn là ngôn ngữ thuộc nhánh Tây của ngữ tộc Giécmanh.[19] Dạng cổ của tiếng Anh –Tiếng Anh cổ – bắt nguồn từ dãy phương ngữ được nói bởi các dân tộc Giécmanh sinh sống dọc bờ Biển Bắc xứ Frisia (nay thuộc Hà Lan). Các phương ngữ Giécmanh ấy đã phát sinh nhóm ngôn ngữ Anglic trên Đảo Anh, cũng như tiếng Frisiatiếng Đức Hạ/Saxon Hạ trên lục địa châu Âu. Tiếng Frisia do vậy có quan hệ rất gần với tiếng Anh, và cũng chính vì vậy nên giới ngôn ngữ học mới gộp chúng vào nhóm Anh-Frisia. Ngoài ra, tiếng Đức Hạ/Saxon Hạ cũng có quan hệ gần gũi với tiếng Anh, song phân loại gộp ba thứ tiếng trên thành một nhóm duy nhất (gọi là nhóm Giécmanh Biển Bắc) hiện còn bị nhiều người phản bác.[8] Tiếng Anh cổ đã dần diễn tiến thành tiếng Anh trung đại, rồi tiếp tục phát triển thành tiếng Anh đương đại.[20] Đồng thời, các phương ngữ tiếng Anh cổ và tiếng Anh trung đại cũng đã biến đổi thành các ngôn ngữ mới; chẳng hạn tiếng Scotland,[21] cũng như các ngôn ngữ đã thất truyền như tiếng Fingaltiếng Yola ở Ireland.[22]

Tiếng Anh – giống như tiếng Icelandtiếng Faroe, vốn đều là các ngôn ngữ được sử dụng trên các đảo cô lập và do vậy chúng được cách ly khỏi các ảnh hưởng ngôn ngữ trên đất liền – đã phân kỳ đáng kể khỏi các nhánh chị em. Không tồn tại sự thông hiểu lẫn nhau giữa tiếng Anh với bất kỳ thứ tiếng Giécmanh lục địa nào, sở dĩ bởi sự khác biệt từ vựng, cú phápâm vị. Dù vậy khi xem xét kỹ hơn, tiếng Hà Lantiếng Frisia vẫn lưu giữ nhiều nét tương đồng với tiếng Anh, đặc biệt là nếu ta đem so sánh với các giai đoạn cổ hơn của tiếng Anh.[23]

Tuy nhiên, không giống tiếng Icelandtiếng Faroe vốn bị cô lập ở mức độ cao hơn, tiếng Anh vẫn chịu ảnh hưởng từ một số ngôn ngữ đại lục được du nhập vào đảo Anh kèm theo các cuộc xâm lược và di dân trong quá khứ (đặc biệt là tiếng Pháp Normantiếng Bắc Âu cổ). Những sự biến ấy đã hằn in vào vốn từ và ngữ pháp tiếng Anh những dấu ấn rất sâu sắc, cũng là ngọn nguồn của các nét tương đồng giữa tiếng Anh hiện đại với một số ngôn ngữ ngoại ngành – song chúng hoàn toàn không có tính thông hiểu lẫn nhau. Dựa vào đó, một số học giả đã đề xuất giả thuyết tiếng Anh trung đại lai căng (Middle English creole hypothesis), theo đó thì họ cho rằng tiếng Anh thực chất là một ngôn ngữ pha trộn (mixed language) hoặc một ngôn ngữ lai căng (creole language) chứ không thuần Giécmanh. Tuy đúng là các định đề của giả thuyết này được thừa nhận rộng rãi, song phần lớn giới chuyên gia ngày nay không hề coi tiếng Anh là ngôn ngữ pha trộn.[24][25]

Tiếng Anh được phân loại là một ngôn ngữ Giécmanh vì nó có nhiều điểm đổi mới giống các ngôn ngữ như tiếng Hà Lan, tiếng Đứctiếng Thụy Điển.[26] Điều này chứng tỏ các ngôn ngữ ấy chắc hẳn đã phát sinh từ cùng một ngôn ngữ tổ tiên mà giới ngôn ngữ học gọi là tiếng Giécmanh nguyên thủy. Một số điểm chung đó bao gồm: sự phân biệt giữa lớp động từ mạnh và yếu, sự vận dụng động từ khuyết, cũng như tuân theo các luật biến đổi phụ âm từ tiếng Ấn-Âu nguyên thủyluật Grimmluật Verner. Tiếng Anh được nhóm với tiếng Frisia bởi lẽ chúng chia sẻ nhiều điểm độc đáo, không tồn tại ở nhánh nào khác, chẳng hạn sự ngạc cứng hóa các âm ngạc mềm của tiếng Giécmanh nguyên thủy.[27]

Lịch sử

Từ tiền ngữ Giécmanh đến tiếng Anh cổ

Phần tựa của sử thi Beowulf tiếng Anh cổ, thủ bút chữ nửa ông-xi-an:
Hƿæt ƿē Gārde/na ingēar dagum þēod cyninga / þrym ge frunon...
Dịch tiếng Anh: "Listen! We of the Spear-Danes from days of yore have heard of the glory of the folk-kings..."
Dịch tiếng Việt: "Nghe đây! Bọn ta, thuộc tộc Spear-Dane từ những ngày cổ xưa, đã nghe nói thanh danh của các vị vua-nhân dân

Dạng cổ nhất của tiếng Anh được gọi là tiếng Anh cổ hay tiếng Anglo-Saxon (k. năm 550–1066). Tiếng Anh cổ phát triển từ một tập hợp các phương ngữ Giécmanh biển Bắc, vốn được nói dọc vùng duyên hải Frisia, Niedersachsen, Jylland, và Nam Thụy Điển bởi nhiều bộ lạc Giécmanh khác nhau như Angle, Saxon, và Jute.[28][29] Bắt đầu từ thế kỷ thứ 4, người Anglo-Saxon di cư sang đảo Anh đồng thời với sự suy vong của chính quyền La Mã tại đây. Đến thế kỷ thứ 7, ngôn ngữ của người Anglo-Saxon đã chiếm ưu thế hoàn toàn trên đảo, thay thế các ngôn ngữ của Anh thuộc La Mã (43–409): tiếng Britton chung, một ngôn ngữ Celt; và tiếng Latinh, ngôn ngữ do người La Mã du nhập vào.[30][31][32] Hai cái tên EnglandEnglish (ban đầu là ÆnglalandÆnglisc) đều bắt nguồn từ tộc danh "Angle".[33]

Tiếng Anh cổ được phân thành bốn phương ngữ chính: hai phương ngữ Angle (tiếng Merciatiếng Northumbria) và hai phương ngữ Saxon (tiếng Kenttiếng Tây Saxon).[34] Nhờ cải cách giáo dục của Vua Alfred vào thế kỷ thứ 9 cùng các ảnh hưởng của vương quốc Wessex, phương ngữ Tây Saxon đã trở thành dạng ngôn ngữ viết tiêu chuẩn.[35] Sử thi Beowulf được viết bằng phương ngữ Tây Saxon; còn bài thơ tiếng Anh lâu đời nhất, Cædmon's Hymn, được viết bằng phương ngữ Northumbria.[36] Tiếng Anh hiện đại phát triển chủ yếu từ phương ngữ Mercia, còn tiếng Scotland phát triển từ phương ngữ Northumbria. Một vài bản khắc ngắn vào thời tiếng Anh cổ sơ kỳ được viết bằng chữ rune.[37] Đến thế kỷ thứ 6, người đảo Anh tiếp nhận bảng chữ cái Latinh và viết bằng phông chữ nửa ông-xi-an. Bảng chữ thời kì đầu này lưu giữ lại các kí tự rune là wynnƿ⟩ và thornþ⟩, và có thêm các ký tự Latinh cải biến là ethð⟩ và ashæ⟩.[37][38]

Tiếng Anh cổ về cơ bản là một ngôn ngữ khác hẳn tiếng Anh hiện đại. Người nói tiếng Anh thế kỷ 21, nếu không được học, sẽ không tài nào hiểu được tiếng Anh cổ. Ngữ pháp của nó có nét giống tiếng Đức hiện đại: Danh từ, tính từ, đại từ, và động từ có nhiều dạng thù biến hình hơn, và thứ tự câu cũng tự do hơn đáng kể tiếng Anh hiện đại. Tiếng Anh hiện địa có các dạng biến cách của đại từ (ví dụ he, him, his) và một số biến dạng ở động từ (ví dụ speak, speaks, speaking, spoke, spoken); song tiếng Anh cổ có sự biến cách ở danh từ, và động từ thì có nhiều đuôi biểu thị ngôi và số hơn.[39][40][41] Ngay cả vào thế kỷ thứ 9 và 10, khi đảo Anh nằm dưới sự chi phối của Danelagh và hứng chịu các cuộc xâm lược triền miên của người Viking, vẫn có bằng chứng cho thấy tiếng Bắc Âu cổ và tiếng Anh cổ thông hiểu nhau ở mức độ tương đối cao.[42] Trên lý thuyết, tới tận những năm 900, thường dân ở Anh quốc vẫn có thể đối thoại với thường dân ở Scandinavia. Hiện nay, các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành nhằm tìm hiểu về hàng trăm bộ lạc từng sinh sống trên đảo Anh và Scandinavia, cũng như các tiếp xúc tương giao giữa họ.[42]

Đoạn dịch tiếng Anh sau đây của Phúc Âm Mátthêu 8:20 vào năm 1000 cho thấy các đuôi biến cách (danh cách số phức, đối cách số phức, thuộc cách số đơn) và một đuôi vị ngữ (thì hiện tại số phức):

  • Foxas habbað holu and heofonan fuglas nest

Fox-as

cáo-NOM.PL

habb-að

có-PRS.PL

hol-u

hố-ACC.PL

and

heofon-an

trời-GEN.SG

fugl-as

chim-NOM.PL

nest-∅

tổ-ACC.PL

Fox-as habb-að hol-u and heofon-an fugl-as nest-∅

cáo-NOM.PL có-PRS.PL hố-ACC.PL và trời-GEN.SG chim-NOM.PL tổ-ACC.PL

"Cáo có hố và chim trời có tổ"[43]

Tiếng Anh trung đại

Englischmen þeyz hy hadde fram þe bygynnyng þre manner speche, Souþeron, Northeron, and Myddel speche in þe myddel of þe lond, ... Noþeles by comyxstion and mellyng, furst wiþ Danes, and afterward wiþ Normans, in menye þe contray longage ys asperyed, and som vseþ strange wlaffyng, chyteryng, harryng, and garryng grisbytting.

Dịch nghĩa: Mặc dầu, từ thuở đầu, người Anh có ba tiếng nói, nam, bắc và trung địa ở giữa đất nước, ... Tuy nhiên, thông qua sự trộn lẫn và sự giao hợp, đầu tiên với người Dane và rồi với người Norman, trong số đó mà ngôn ngữ đất nước đã trỗi dậy, còn một số thì sử dụng tiếng lắp bắp kì lạ, tiếng lạch cạch, tiếng cằn nhằn, và tiếng nghiến răng chói tai.

John Trevisa, khoảng năm 1385[44]

Trong thời kỳ thế kỷ VIII-XII, tiếng Anh cổ qua sự tiếp xúc ngôn ngữ đã chuyển thành tiếng Anh trung đại. Thời tiếng Anh trung đại thường được xem là bắt đầu từ cuộc xâm lược nước Anh của William Kẻ chinh phục năm 1066.

Ban đầu, những làn sóng thực dân hóa của người Norse ở miền bắc quần đảo Anh vào thế kỷ VIII-IX đưa tiếng Anh cổ đến sự tiếp xúc với tiếng Bắc Âu cổ, một ngôn ngữ German phía Bắc. Ảnh hưởng của tiếng Bắc Âu cổ mạnh nhất là ở những phương ngữ đông bắc quanh York (khu vực mà Danelaw được áp dụng), nơi từng là trung tâm của sự thuộc địa hóa; ngày nay những ảnh hưởng này vẫn hiển hiện trong tiếng Scotlandtiếng Anh bắc Anh.

Với cuộc xâm lược của người Norman năm 1066, thứ tiếng Anh cổ được "Bắc Âu hóa" giờ lại tiếp xúc với tiếng Norman cổ, một ngôn ngữ Rôman rất gần với tiếng Pháp. Tiếng Norman tại Anh cuối cùng phát triển thành tiếng Anglo-Norman. Vì tiếng Norman được nói chủ yếu bởi quý tộc và tầng lớp cao của xã hội, trong khi thường dân tiếp tục nói tiếng Anglo-Saxon, ảnh hưởng tiếng Norman mang đến một lượng lớn từ ngữ liên quan đến chính trị, luật pháp và sự thống trị.[9] Tiếng Anh trung đại lượt bỏ bớt hệ thống biến tố. Sự khác biệt giữa danh cách và đối cách mất đi (trừ ở đại từ), công cụ cách bị loại bỏ, và chức năng của sở hữu cách bị giới hạn. Hệ thống biến tố "quy tắc hóa" nhiều dạng biến tố bất quy tắc,[45] và dần dần đơn giản hóa hệ thống hợp, khiến cấu trúc câu kém mềm dẻo đi.[46] Trong Kinh Thánh Wycliffe thập niên 1380, đoạn Phúc Âm Mátthêu 8:20 được viết

Foxis han dennes, and briddis of heuene han nestis[47]

Ở đây, hậu tố thì hiện tại số nhiều -n ở động từ han (nguyên mẫu "haven", gốc từ ha-) hiện diện, nhưng không có cách ngữ pháp nào được thể hiện.

Đến thế kỷ XII, tiếng Anh trung đại phát triển hoàn toàn, dung hợp vào mình cả ảnh hưởng của tiếng Bắc Âu cổ và tiếng Norman; và tiếp tục được nói cho tới khoảng năm 1500 thì trở thành tiếng Anh hiện đại. Nền văn học tiếng Anh trung đại có những tác phẩm như Truyện cổ Caunterbury của Geoffrey Chaucer, và Le Morte d'Arthur của Malory.

Tiếng Anh cận đại

Hình minh họa cuộc Great Vowel Shift, cho thấy cách phát âm nguyên âm dài dần thay đổi như thế nào, với các nguyên âm đóng dài i: và u: biến thành nguyên âm đôi

Thời kỳ tiếp theo là tiếng Anh cận đại (Early Modern English, 1500–1700). Thời kỳ tiếng Anh cận đại nổi bật với cuộc Great Vowel Shift (1350–1700), tiếp tục đơn giản hóa biến tố, và sự chuẩn hóa ngôn ngữ.

Great Vowel Shift ảnh hưởng lên những nguyên âm dài được nhấn. Đây là một sự "biến đổi dây chuyền", tức là một âm được biến đổi làm tác động lên các âm khác nữa. Những nguyên âm vừanguyên âm mở được nâng lên, và nguyên âm đóng biến thành nguyên âm đôi. Ví dụ, từ bite ban đầu được phát âm giống từ beet ngày nay, nguyên âm thứ hai trong từ about được phát âm giống trong từ boot ngày này. Great Vowel Shift gây nên nhiều sự bất tương đồng trong cách viết, vì tiếng Anh hiện đại duy trì phần nhiều cách viết của tiếng Anh trung đại, và cũng giải thích tại sao, các ký tự nguyên âm trong tiếng Anh lại được phát âm rất khác khi so với những ngôn ngữ khác.[48][49]

Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ uy tính dưới thời Henry V. Khoảng năm 1430, Tòa án Chancery tại Westminster bắt đầu sử dụng tiếng Anh để viết các tài liệu chính thức, và một dạng chuẩn mới, gọi là Chancery Standard, được hình thành dựa trên phương ngữ thành Luân Đôn và East Midlands. Năm 1476, William Caxton giới thiệu máy in ép tới nước Anh và bắt đầu xuất bản những quyển sách đầu tiên, làm lan rộng sự ảnh hưởng của dạng chuẩn mới.[50] Những tác phẩm của William Shakespearebản dịch Kinh Thánh được ủy quyền bởi Vua James I đại diện cho nền văn học thời kỳ này. Sau cuộc Vowel Shift, tiếng Anh cận đại vẫn có nét khác biệt với tiếng Anh ngày nay: ví dụ, các cụm phụ âm /kn ɡn sw/ trong knight, gnat, và sword vẫn được phát âm đầy đủ. Những đặc điểm mà độc giả của Shakespeare ngày nay có thể thấy kỳ quặc hay lỗi thời thường đại diện cho những nét đặc trưng của tiếng Anh cận đại.[51]

Trong Kinh Thánh Vua James 1611, viết bằng tiếng Anh cận đại, Mátthêu 8:20:

The Foxes haue holes and the birds of the ayre haue nests[43]

Sự lan rộng của tiếng Anh hiện đại

Tới cuối thế kỷ 18, Đế quốc Anh đã truyền bá tiếng Anh tới mọi ngóc ngách của các thuộc địa, cũng như các vùng chịu ảnh hưởng địa chính trị của họ. Thương mại, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, nghệ thuật và giáo dục đều đã góp phần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ toàn cầu đích thực đầu tiên, đóng vai trò cốt yếu trong giao thiệp quốc tế.[52][4] Do quá trình bành trướng và thuộc địa hóa các vùng đất của Anh quốc, nhiều quy chuẩn tiếng Anh mới đã phát sinh trong diễn ngôn và văn viết. Ngày nay, tiếng Anh được tiếp nhận và sử dụng ở một phần Bắc Mỹ, một phần châu Phi, Úc, và nhiều nơi khác. Thời hậu thuộc địa, một số quốc gia đa sắc tộc sau khi giành được độc lập vẫn giữ tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, để tránh các phiền toái chính trị xoay quanh việc quá ưu tiên một ngôn ngữ bản địa nhất định nào đó.[53][54][55] Vào thế kỷ 20, tầm ảnh hưởng kinh tế và văn hóa ngày càng lớn của Hoa Kỳ, cũng như vị thế siêu cường của nó sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai khép lại, đã đẩy nhanh tốc độ lan truyền của tiếng Anh trên khắp toán cầu.[56][57] Đến thế kỷ 21, tiếng Anh được nói và viết nhiều hơn bất kỳ một thứ tiếng nào trong lịch sử.[58]

Trong quá trình phát triển của tiếng Anh hiện đại, nhiều quy chuẩn sử dụng ngôn ngữ tường minh đã được đề xuất và phát hành, lan truyền thông qua các phương tiện như giáo dục phổ cập và các ấn bản tài trợ bởi nhà nước. Năm 1755, Samuel Johnson xuất bản cuốn A Dictionary of the English Language, trong đó giới thiệu các quy tắc đánh vần và phương thức sử dụng chuẩn chỉ tiếng Anh. Năm 1828, Noah Webster cho ra mắt từ điển American Dictionary of the English language nhằm hướng đến một sự quy chuẩn đối với khẩu ngữ và văn ngữ của tiếng Anh Mỹ, độc lập khỏi tiếng Anh Anh. Ở Anh quốc, các đặc điểm phương ngữ phi chuẩn hoặc hạ lưu đã liên tục bị dè bỉu và xem thường, điều mà đã dẫn đến sự lan rộng của các biến thể uy tín trong tầng lớp trung lưu.[59]

Ở tiếng Anh hiện đại, sự tiêu biến cách ngữ pháp đã gần như hoàn thiện (giờ đây đặc điểm này chỉ xuất hiện ở các đại từ, v.d. các cặp như hehim, sheher, whowhom), và SVO là thứ tự từ ổn định.[59] Một số biến đổi, chẳng hạn đặc điểm do-hỗ trợ, đã phổ biến ở mọi phương ngữ. (Tiếng Anh ngày xưa không dùng động từ "do" trong vai trò trợ động từ chung như tiếng Anh hiện đại; đặc điểm này vốn chỉ xuất hiện ở câu hỏi, song cũng không hoàn toàn bắt buộc.[60] Ngày nay, "do-hỗ trợ" cùng động từ have đang ngày càng trở thành chuẩn.) Các dạng tiếp diễn đuôi -ing có vẻ đang lan sang các cấu trúc khác, và các dạng như had been being built đang ngày càng phổ biến. Sự chính quy hóa các dạng bất quy tắc cũng đang tiếp diễn chậm chạp (v.d. dreamed thay vì dreamt), và các lối thay thế mang tính phân tích đối với các dạng biến hình đang càng trở nên thông thường (v.d. more polite thay vì politer). Tiếng Anh Anh cũng đang trong quá trình biến đổi do bị ảnh hưởng của tiếng Anh Mỹ, thúc đẩy bởi sự hiện diện tràn lan của tiếng Anh Mỹ trên các phương tiện truyền thông và sự uy tín gắn liền với vị thế siêu cường của Hoa Kỳ.[61][62][63]

Phân bố địa lý

Phần trăm số người bản ngữ tiếng Anh.

Tính đến năm 2016, 400 triệu người có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh, và 1,1 tỉ người dùng nó làm ngôn ngữ thứ hai hoặc ngoại ngữ.[64] Tiếng Anh là ngôn ngữ đứng thứ ba về số người bản ngữ, sau tiếng Quan Thoạitiếng Tây Ban Nha.[16] Tuy nhiên, khi kết hợp số người bản ngữ và phi bản ngữ, nó có thể, tùy theo ước tính, là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới.[58][65][66][67] Tiếng Anh được nói bởi các cộng đồng ở mọi nơi và ở hầu khắp các hòn đảo trên các đại dương.[68]

Ba vòng tròn quốc gia nói tiếng Anh

Braj Kachru phân biệt các quốc gia nơi tiếng Anh được nói bằng mô hình ba vòng tròn.[69] Trong mô hình này, "vòng trong" là quốc gia với các cộng đồng bản ngữ tiếng Anh lớn, "vòng ngoài" là các quốc gia nơi tiếng Anh chỉ là bản ngữ của số ít nhưng được sử dụng rộng rãi trong giáo dục, truyền thông và các mục đích khác, và "vòng mở rộng" là các quốc gia nơi nhiều người học tiếng Anh. Ba vòng tròn này thay đổi theo thời gian.[70]

Braj Kachru's Three Circles of English
Ba vòng tròn tiếng Anh của Braj Kachru.

Những quốc gia với các cộng đồng bản ngữ lớn gồm Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Cộng hòa Ireland, và New Zealand, những nơi đa phần dân số nói tiếng Anh, và Cộng hòa Nam Phi, nơi một thiểu số đáng kể nói tiếng Anh. Các quốc gia đông người bản ngữ tiếng Anh nhất là Hoa Kỳ (ít nhất 231 triệu),[71] Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (60 triệu),[72][73][74] Canada (19 triệu),[75] Úc (ít nhất 17 triệu),[76] Cộng hòa Nam Phi (4,8 triệu),[77] Cộng hòa Ireland (4,2 triệu), và New Zealand (3,7 triệu).[78] Ở những quốc gia này, con của những người bản ngữ học tiếng Anh từ cha mẹ, còn người bản địa nói ngôn ngữ khác hay người nhập cư thường học tiếng Anh để giao tiếp với mọi người xung quanh.[79]

Âm vị học

Ngữ âm và âm vị của tiếng Anh khác nhau giữa từng phương ngữ, nhưng chúng hầu như không ảnh hưởng mấy đến quá trình giao tiếp. Sự biến thiên âm vị ảnh hưởng đến vốn âm vị (tức âm tố phân biệt về ý nghĩa), và sự biến thiên ngữ âm bao hàm sự khác biệt trong cách phát âm của các âm vị.[80] Bài viết này chỉ nói tổng quan về hai dạng phát âm chuẩn được dùng ở Vương quốc AnhHoa Kỳ, lần lượt là: Received Pronunciation (RP) và General American (GA).

Bảng bên dưới sử dụng mẫu tự chuẩn của Bảng mẫu tự ngữ âm quốc tế (IPA).[81][82][83]

Phụ âm

Đa số phương ngữ tiếng Anh sở hữu cùng một bộ 24 phụ âm. Bảng bên dưới thể hiện các phụ âm trong phương ngữ California của tiếng Anh Mỹ[84] và của chuẩn RP.[85]

Phụ âm
Môi Răng Lợi Sau lợi Ngạc cứng Ngạc mềm Thanh hầu
Mũi m n ŋ
Tắc p b t d k ɡ
Tắc-xát
Xát f v θ ð s z ʃ ʒ h
Tiếp cận l ɹ* j w

* Thường được phiên âm là /r/

Ở bảng trên, đối với các âm ồn (âm tắc, tắc-xát, và xát) đi theo cặp (như /p b/, /tʃ dʒ/, và /s z/), thì âm đứng trước trong cặp là âm căng (hay âm mạnh) còn âm sau là âm lơi (hay âm yếu). Để phát các âm ồn căng như /p tʃ s/, ta cần căng cơ và hà hơi mạnh hơn so với khi phát các âm ồn lơi như /b dʒ z/. Theo đó âm ồn căng luôn vô thanh, còn âm ồn lơi hữu thanh một phần khi đứng đầu hoặc cuối ngữ lưu và hữu thanh hoàn toàn khi bị kẹp giữa hai nguyên âm. Các âm tắc căng, như /p/ chẳng hạn, có thêm một số đặc điểm cấu âm khác biệt ở đa số các phương ngữ: nó trở thành âm bật hơi [pʰ] khi một mình đứng ở đầu một âm tiết được nhấn, trở thành âm không bật hơi ở hầu hết các trường hợp khác, và thường trở thành âm buông không nghe thấy [p̚ ] hoặc âm tiền-thanh hầu hóa [ˀp] khi đứng ở cuối âm tiết. Đối với các từ đơn âm tiết, nguyên âm đứng trước âm tắc căng được rút ngắn đi: vậy nên nguyên âm trong từ nip ngắn hơn (về mặt ngữ âm, không phải âm vị) khi so với nguyên âm trong từ nib.[86]

  • âm tắc lơi: bin [b̥ɪˑn], about [əˈbaʊt], nib [nɪˑb̥]
  • âm tắc căng: pin [ˈpʰɪn], spin [spɪn], happy [ˈhæpi], nip [ˈnɪp̚ ] hay [ˈnɪˀp]

Trong RP, âm tiếp cận bên /l/ có hai tha âm chính, đó là: âm [l] thường hoặc sáng, như trong từ light 'nhẹ, ánh sáng'; và âm [ɫ] ngạc mềm hóa hoặc tối, như trong từ full 'no, đầy'.[87] Âm ɫ tối thường xuất hiên trong chuẩn GA.[88]

  • l sáng: light theo RP [laɪt]
  • l tối: full theo RP và GA [fʊɫ], light theo GA [ɫaɪt]

Tất cả âm vang (/l, r/) và âm mũi (/m, n, ŋ/) đều bị phi thanh hóa khi đứng sau một âm ồn vô thanh, và sở hữu âm tiết tính khi đứng sau một phụ âm ở cuối từ.[89]

  • âm vang vô thanh: clay [kl̥eɪ̯]; snow RP [sn̥əʊ̯], GA [sn̥oʊ̯]
  • âm vang âm tiết tính: paddle [ˈpad.l̩], button [ˈbʌt.n̩]

Nguyên âm

Nguyên âm biến thiên tùy theo từng vùng miền và là một trong các đặc điểm dễ nhận thấy nhất của giọng người nói. Bảng dưới biểu diễn các âm vị nguyên âm trong Received Pronunciation (RP) và General American (GA), kèm theo các từ ví dụ. Âm vị được thể hiện bằng ký hiệu IPA và các từ trong cột RP được lấy làm chuẩn trong các từ điển Anh ngữ.[90]

Nguyên âm đơn
RP GA Từ
i need
ɪ bid
e ɛ bed
æ back
ɑː ɑ bra
ɒ box
ɔ, ɑ cloth
ɔː paw
u food
ʊ good
ʌ but
ɜː ɜɹ bird
ə comma
Nguyên âm đôi khép
RP GA Từ
bay
əʊ road
cry
cow
ɔɪ boy
Nguyên âm đôi hướng trung
RP GA Từ
ɪə ɪɹ peer
ɛɹ pair
ʊə ʊɹ poor

RP phân biệt độ ngắn dài nguyên âm. Theo đó, nguyên âm dài sẽ có thêm ký hiệu ⟨ː⟩ ở sau; ví dụ, nguyên âm trong từ need [niːd] khác với trong từ bid [bɪd]. Trái lại, GA không phân biệt độ ngắn dài nguyên âm.

Nguyên âm theo RP và GA đều rút ngắn về mặt ngữ âm trước các phụ âm căng trong cùng một âm tiết, như đối với /t tʃ f/, song giữ nguyên độ dài nếu đứng trước các phụ âm lơi như /d dʒ v/ hoặc trong các âm tiết mở: vì vậy, các nguyên âm trong từ rich [rɪtʃ], neat [nit], và safe [seɪ̯f] ngắn hơn rõ ràng khi so với các nguyên âm trong từ ridge [rɪˑdʒ], need [niˑd], và save [seˑɪ̯v], và nguyên âm trong từ light [laɪ̯t] ngắn hơn trong từ lie [laˑɪ̯]. Vì các phụ âm lơi thường vô thanh ở cuối một âm tiết, độ dài nguyên âm là một dấu hiệu quan trọng cho thấy phụ âm theo sau là lơi hay căng.[91]

Ngữ pháp

Khác với nhiều ngôn ngữ Ấn-Âu khác, tiếng Anh đã gần như loại bỏ hệ thống biến tố dựa trên cách để thay bằng cấu trúc phân tích. Đại từ nhân xưng duy trì hệ thống cách hoàn chỉnh hơn những lớp từ khác. Tiếng Anh có bảy lớp từ chính: động từ, danh từ, tính từ, trạng từ, hạn định từ (tức mạo từ), giới từ, và liên từ. Có thể tách đại từ khỏi danh từ, và thêm vào thán từ.[92] Tiếng Anh có một tập hợp trợ động từ phong phú, như have (nghĩa đen 'có') và do ('làm'). Câu nghi vấn có do-support, và wh-movement (từ hỏi wh- đứng đầu).

Một vài đặc điểm tiêu biểu của ngữ tộc German vẫn còn ở tiếng Anh, như những thân từ được biến tố "mạnh" thông qua ablaut (tức đổi nguyên âm của thân từ, tiêu biểu trong speak/spokefoot/feet) và thân từ "yếu" biến tố nhờ hậu tố (như love/loved, hand/hands). Vết tích của hệ thống cách và giống hiện diện trong đại từ (he/him, who/whom) và sự biến tố động từ to be.

Trong ví dụ sau, cả bảy lớp từ có mặt:[93]

The chairman of the committee and the loquacious politician clashed violently when the meeting started
HĐT. DT. GT. HĐT. DT. LT. HĐT. TiT. DT. ĐT. TrT. LT. HĐT. DT. ĐT.
(Chủ tịch ủy ban và vị chính khách lắm lời va vào nhau dữ dội khi cuộc họp bắt đầu)

Danh từ

Danh từ dùng biến tố để chỉ số và sự sở hữu. Danh từ mới có thể được tạo ra bằng cách ghép từ (gọi là compound noun). Danh từ được chia ra thành danh từ riêng và danh từ chung. Danh từ cũng được chia thành danh từ cụ thể (như "table" - cái bàn) và danh từ trừu tượng (như "sadness" - nỗi buồn), và về mặt ngữ pháp gồm danh từ đếm được và không đếm được.[94]

Đa số danh từ đếm được có thể biến tố để thể hiện số nhiều nhờ hậu tố -s/es, nhưng một số có dạng số nhiều bất quy tắc. Danh từ không đếm được chỉ có thể "số nhiều hóa" nhờ một danh từ có chức năng như phân loại từ (ví dụ one loaf of bread, two loaves of bread).[95]

Ví dụ:

Cách lập số nhiều thông thường:

Số ít: cat, dog
Số nhiều: cats, dogs

Cách lập số nhiều bất quy tắc:

Số ít: man, woman, foot, fish, ox, knife, mouse
Số nhiều: men, women, feet, fish, oxen, knives, mice

Sự sở hữu được thể hiện bằng (')s (thường gọi là hậu tố sở hữu), hay giới từ of. Về lịch sử (')s được dùng cho danh từ chỉ vật sống, còn of dùng cho danh từ chỉ vật không sống. Ngày nay sự khác biệt này ít rõ ràng hơn. Về mặt chính tả, hậu tố -s được tách khỏi gốc danh từ bởi dấu apostrophe.

Cấu trúc sở hữu:

Với -s: The woman's husband's child
Với of: The child of the husband of the woman
(Con của chồng của người phụ nữ)

Động từ

Động từ tiếng Anh được chia theo thìthể, và hợp (agreement) với đại từ ngôi số ba số ít. Chỉ động từ to be vẫn phải hợp với đại từ ngôi thứ nhất và thứ hai số nhiều.[96] Trợ động từ như havebe đi kèm với động từ ở dạng hoàn thành và tiếp diễn. Trợ động từ khác với động từ thường ở chỗ từ not (chỉ sự phủ định) có thể đi ngay sau chúng (ví dụ, have notdo not), và chúng có thể đứng đầu trong câu nghi vấn.[97][98]

Tham khảo

  1. ^ Oxford Learner's Dictionary 2015, Entry: English – Pronunciation.
  2. ^ Crystal 2006, tr. 424–426.
  3. ^ Nordhoff, Sebastian; Hammarström, Harald; Forkel, Robert; Haspelmath, Martin biên tập (2013). “English”. Glottolog. Leipzig: Max Planck Institute for Evolutionary Anthropology.
  4. ^ a b c The Routes of English.
  5. ^ Crystal 2003a, tr. 6.
  6. ^ Wardhaugh 2010, tr. 55.
  7. ^ Finkenstaedt, Thomas; Dieter Wolff (1973). Ordered profusion; studies in dictionaries and the English lexicon. C. Winter. ISBN 978-3-533-02253-4.
  8. ^ a b Bammesberger 1992, tr. 30.
  9. ^ a b Svartvik & Leech 2006, tr. 39.
  10. ^ Ian Short, A Companion to the Anglo-Norman World, "Language and Literature", Boydell & Brewer Ltd, 2007. (tr. 193)
  11. ^ Crystal 2003b, tr. 30.
  12. ^ “How English evolved into a global language”. BBC. 20 tháng 12 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2015.
  13. ^ Crystal, David; Potter, Simeon (biên tập). "English language: Historical background". Encyclopædia Britannica. Tháng 12 năm 2021.
  14. ^ König 1994, tr. 539.
  15. ^ Bản mẫu:E22
  16. ^ a b Ethnologue 2010.
  17. ^ Crystal, David (2008). “Two thousand million?”. English Today (bằng tiếng Anh). 24 (1): 3–6. doi:10.1017/S0266078408000023. S2CID 145597019.
  18. ^ Crystal 2003b, tr. 108–109.
  19. ^ Bammesberger 1992, tr. 29–30.
  20. ^ Robinson 1992.
  21. ^ Romaine 1982, tr. 56–65.
  22. ^ Barry 1982, tr. 86–87.
  23. ^ Harbert 2007.
  24. ^ Thomason & Kaufman 1988, tr. 264–265.
  25. ^ Watts 2011, Chapter 4.
  26. ^ Durrell 2006.
  27. ^ König & van der Auwera 1994.
  28. ^ Baugh, Albert (1951). A History of the English Language. London: Routledge & Kegan Paul. pp. 60–83, 110–130
  29. ^ Shore, Thomas William (1906), Origin of the Anglo-Saxon Race – A Study of the Settlement of England and the Tribal Origin of the Old English People (ấn bản thứ 1), London, tr. 3, 393
  30. ^ Collingwood & Myres 1936.
  31. ^ Graddol, Leith & Swann et al. 2007.
  32. ^ Blench & Spriggs 1999.
  33. ^ Bosworth & Toller 1921.
  34. ^ Campbell 1959, tr. 4.
  35. ^ Toon 1992, Chapter: Old English Dialects.
  36. ^ Donoghue 2008.
  37. ^ a b Gneuss 2013, tr. 23.
  38. ^ Denison & Hogg 2006, tr. 30–31.
  39. ^ Hogg 1992, Chapter 3. Phonology and Morphology.
  40. ^ Smith 2009.
  41. ^ Trask & Trask 2010.
  42. ^ a b Gay, Eric Martin (2014). Old English and Old Norse: An Inquiry into Intelligibility and Categorization Methodology (MA thesis). University of South Carolina.
  43. ^ a b Lass 2006, tr. 46–47.
  44. ^ Hogg 2006, tr. 360–361.
  45. ^ Lass 1992.
  46. ^ Fischer & van der Wurff 2006, tr. 111–13.
  47. ^ Wycliffe, John. “Bible” (PDF). Wesley NNU.
  48. ^ Lass 2000.
  49. ^ Görlach 1991, tr. 66–70.
  50. ^ Nevalainen & Tieken-Boon van Ostade 2006, tr. 274–79.
  51. ^ Cercignani 1981.
  52. ^ How English evolved into a global language 2010.
  53. ^ Romaine 2006, tr. 586.
  54. ^ Mufwene 2006, tr. 614.
  55. ^ Northrup 2013, tr. 81–86.
  56. ^ Graddol 2006.
  57. ^ Crystal 2003a.
  58. ^ a b McCrum, MacNeil & Cran 2003, tr. 9–10.
  59. ^ a b Romaine 1999, tr. 1–56.
  60. ^ Romaine 1999, tr. 2: "Other changes such as the spread and regularisation of do support began in the thirteenth century and were more or less complete in the nineteenth. Although do coexisted with the simple verb forms in negative statements from the early ninth century, obligatoriness was not complete until the nineteenth. The increasing use of do periphrasis coincides with the fixing of SVO word order. Not surprisingly, do is first widely used in interrogatives, where the word order is disrupted, and then later spread to negatives."
  61. ^ Leech và đồng nghiệp 2009, tr. 18–19.
  62. ^ Mair & Leech 2006.
  63. ^ Mair 2006.
  64. ^ “Which countries are best at English as a second language?”. World Economic Forum. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2016.
  65. ^ Crystal 2003a, tr. 69.
  66. ^ “English”. Ethnologue. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2016.
  67. ^ “Chinese, Mandarin”. Ethnologue. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2016.
  68. ^ Crystal 2003b, tr. 106.
  69. ^ Svartvik & Leech 2006, tr. 2.
  70. ^ Kachru 2006, tr. 196.
  71. ^ Ryan 2013, Table 1.
  72. ^ Office for National Statistics 2013, Key Points.
  73. ^ National Records of Scotland 2013.
  74. ^ Northern Ireland Statistics and Research Agency 2012, Table KS207NI: Main Language.
  75. ^ Statistics Canada 2014.
  76. ^ Australian Bureau of Statistics 2013.
  77. ^ Statistics South Africa 2012, Table 2.5 Population by first language spoken and province (number).
  78. ^ Statistics New Zealand 2014.
  79. ^ Bao 2006, tr. 377.
  80. ^ Wolfram 2006, tr. 334–335.
  81. ^ Carr & Honeybone 2007.
  82. ^ Bermúdez-Otero & McMahon 2006.
  83. ^ MacMahon 2006.
  84. ^ International Phonetic Association 1999, tr. 41–42.
  85. ^ König 1994, tr. 534.
  86. ^ Collins & Mees 2003, tr. 47–53.
  87. ^ Trudgill & Hannah 2008, tr. 13.
  88. ^ Trudgill & Hannah 2008, tr. 41.
  89. ^ Brinton & Brinton 2010, tr. 56–59.
  90. ^ Wells, John C. (8 tháng 2 năm 2001). “IPA transcription systems for English”. University College London. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2018.
  91. ^ Collins & Mees 2003, tr. 46–50.
  92. ^ Huddleston & Pullum 2002, tr. 22.
  93. ^ Aarts & Haegeman 2006, tr. 118.
  94. ^ Payne & Huddleston 2002.
  95. ^ Huddleston & Pullum 2002, tr. 56–57.
  96. ^ König 1994, tr. 540.
  97. ^ Huddleston & Pullum 2002, tr. 51.
  98. ^ König 1994, tr. 541.

Thư mục

Liên kết ngoài