Bước tới nội dung

Đệ Nhất Quốc tế

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
International
Workingmen's Association
Biểu tượng của Đệ Nhất Quốc tế (Spanish IWA).
Tên viết tắtIWA
Kế nhiệmSecond International
(not legal successor)
Thành lập28 tháng 9 năm 1864; 160 năm trước (1864-09-28)
Sáng lậpGeorge Odger, Henri Tolain, Edward Spencer Beesly
Giải tán1876; 148 năm trước (1876)
LoạiIntergovernmental organization
Vị thế pháp lýDefunct
Mục đích
Trụ sở chínhSt James's Hall, Phố Regent, West End
Vị trí
Vùng phục vụ
Toàn Thế giới
Thành viên
5–8 triệu người
Nhân vật chủ chốt
Karl Marx, Friedrich Engels, Mikhail Bakunin, Louis Auguste Blanqui, Giuseppe Garibaldi
Cơ quan chính
Congress of the First International

Đệ Nhất Quốc tế hay Quốc tế thứ nhất, tên đầy đủ là Hội Liên hiệp Lao động Quốc tế, tiếng Anh The International Workingmen's Association (IWA, 1864–1876), là tổ chức tranh đấu đầu tiên của các nhóm xã hội quốc tế, được thành lập ở Luân Đôn vào ngày 28 tháng 9 năm 1864, mục đích là để đoàn kết các nhóm xã hội khuynh tả, cộng sản, các nhóm vô chính phủ và các tổ chức công đoàn. Trong thời gian tồn tại, Đệ Nhất Quốc tế tiến hành năm đại hội, thông qua các nghị quyết quan trọng: tán thành bãi công, thành lập công đoàn, đấu tranh đòi ngày làm 8 giờ, đòi cải thiện đời sống công nhân. Do sự ảnh hưởng của Đệ Nhất Quốc tế, công nhân các nước tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh chính trị. Vào điểm cao, theo như tường trình của cảnh sát liên hiệp có tới khoảng 5 triệu hội viên [1] Theo những tài liệu chính thức của IWA thì họ có khoảng 8 triệu hội viên.[2]
Năm 1876, tại Philadelphia, Hoa Kỳ, Đệ Nhất Quốc tế tuyên bố giải tán vì sự đối nghịch giữa khuynh hướng mác-xítChủ nghĩa cộng sản vô chính phủ mà lãnh tụ là Bakunin.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau cuộc nổi dậy tháng một của công nhân ở Ba Lan vào năm 1863, công nhân Pháp và Anh bắt đầu thảo luận về việc phát triển một mối quan hệ làm việc gần gũi hơn. Henri Tolain, Perrachon, và Limousin đã đến thăm London vào tháng 7 năm 1863, tham dự một cuộc họp được tổ chức tại Hội trường St. James để vinh danh cuộc khởi nghĩa Ba Lan. Ở đây đã có cuộc thảo luận về sự cần thiết của việc thành lập một tổ chức quốc tế, một trong những vấn đề là, làm sao ngăn chặn việc nhập khẩu lao động nước ngoài để phá vỡ một cuộc đình công. Vào tháng 9 năm 1864, một số đại biểu Pháp lại đến thăm London với mục đích cụ thể, thiết lập một ủy ban đặc biệt để trao đổi thông tin liên quan tới người lao động trên khắp thế giới.

Hội nghị thành lập (London, 25–29 tháng 9 năm 1864)

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham dự viên có khoảng gần 200 người từ 13 nước Âu Châu và Hoa Kỳ đã thành lập Hội Liên hiệp Lao động Quốc tế tại Hội trường St. Martin. Trụ sở hội được đặt ở London, điều hành bởi một ủy ban gồm 21 người, để soạn thảo một chương trình và hiến pháp. Các thành viên của ủy ban Anh là nhà lãnh đạo công đoàn như Odger, George Howell, Osborne. Các thành viên của Pháp là Denoual, Victor Lê Lubez, và Bosquet. Ý đã được đại diện bởi Fontana. Các thành viên khác là: Louis Wolff, Johann Eccarius, và ở cuối danh sách, Karl Marx. Marx đã không nói gì trong cuộc hội nghị. Ban chấp hành đã chọn ra một tiểu ban để làm một chương trình tổ chức. Tiểu ban này đã giao cho Marx viết, và chính ông là người đã soạn thảo các tài liệu cơ bản của tổ chức.[3]

Căng thẳng nội bộ

[sửa | sửa mã nguồn]

Lúc thành lập, Hội Liên hiệp Lao động Quốc tế là một liên minh của những người từ các phái xã hội chủ nghĩa khác nhau. Chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã phát triển thành một phong trào lớn, với các liên đoàn địa phương ở nhiều nước đang phát triển mạnh mẽ các hoạt động của công nhân. Karl Marx là một trong những người lãnh đạo từ lúc ban đầu, luôn đắc cử mỗi khi đại hội của Hiệp hội được bầu lại.

Lúc đầu các thành viên IWA chỉ là nam giới, mặc dù trong tháng 4 năm 1865 nó đã đồng ý rằng phụ nữ có thể trở thành thành viên. Tại cuộc họp đại hội đồng IWA vào ngày 16 tháng 4 năm 1867, sau khi Harriet Law, người theo chủ nghĩa thế tục, nói chuyện về quyền của phụ nữ, hội đồng đã đồng ý mời bà tham dự các cuộc họp của họ sắp tới. Vào ngày 25 tháng 6 năm 1867 Law được kết nạp vào đại hội đồng, và trong năm năm tiếp theo là đại diện duy nhất của phái nữ.

Do sự đa dạng của các triết lý hiện diện trong Quốc tế thứ nhất, hiệp hội đã có mâu thuẫn từ đầu. Những sự phản đối đầu tiên ảnh hưởng của Marx đến từ phái Mutualists như Proudhon, người phản đối tư tưởng "độc tài cộng sản". Tuy nhiên, không lâu sau khi Mikhail Bakunin và những người theo chủ nghĩa vô chính phủ tham gia vào năm 1868, Quốc tế thứ nhất trở nên phân cực thành hai phe, Marx và Bakunin. Có lẽ sự khác biệt rõ ràng nhất giữa 2 nhóm là chiến lược đề xuất của họ để tiến tới xã hội chủ nghĩa. Những người vô chính phủ tập hợp xung quanh Bakunin, không chấp nhận sự lãnh đạo của trung ương, ưa chuộng cuộc "đấu tranh kinh tế trực tiếp chống lại chủ nghĩa tư bản nhưng không tham dự vào các vận động chính trị quốc hội." Quan điểm của chủ nghĩa Mác, tại thời điểm đó, tập trung vào việc thành lập các đảng phái Công nhân, dưới sự lãnh đạo của trung ương, tham dự vào các hoạt động của quốc hội.

Hội nghị Geneva (3–8 tháng 9 năm 1866)

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong Đại hội Geneva, nhóm Paris của Proudhonians chi phối các cuộc thảo luận. Sáu Blanquists từ Paris đến tố cáo các đại diện của Pháp là sứ giả của Bonaparte, nhưng họ bị ném ra ngoài. Một quyết định quan trọng tại đại hội là việc thông qua đòi hỏi ngày làm việc 8 tiếng.

Hội nghị Lausanne 1867

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Lausanne hội nghị quốc tế được tổ chức ngày 2-8 tháng 9 năm 1867. Marx đã không thể tham dự, vì ông đang bận rộn hoàn tất cuốn Das Kapital. Đại hội có sự tham dự của 64 đại biểu đến từ Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Ý và Thụy Sĩ. Các báo cáo ghi lại ảnh hưởng ngày càng tăng của hiệp hội đối với giới công nhân tại các nước. Các đại biểu Proudhonist, chủ yếu từ Pháp, đã gây nhiều ảnh hưởng đến định hướng hoạt động của chương trình quốc tế và các nguyên tắc của nó. Bất chấp những nỗ lực của các đại biểu đại hội đồng, họ đã thành công trong việc sửa đổi các nghị quyết của Đại hội Geneva, theo một số nghị quyết của họ, đặc biệt là về hợp tác và tín dụng. Hội nghị đã đưa ra nghị quyết đòi hỏi tập thể hóa sở hữu nhà băng cùng với phương tiện giao thông.

Tuy nhiên, đại hội khẳng định các nghị quyết hội nghị Geneva về cuộc đấu tranh kinh tế và đình công và thông qua nghị quyết về tự do chính trị trong đó nhấn mạnh rằng giải phóng xã hội của người lao động là không thể tách rời khỏi sự giải thoát chính trị. Các Proudhonists cũng thất bại trong việc nắm quyền lãnh đạo lãnh đạo hiệp hội, vì hội nghị đã bầu lại những người trong đại hội đồng cũ và giữ London là trụ sở.

Hội nghị Brussels 1868

[sửa | sửa mã nguồn]

Hội nghị Brussels 1868 thông qua kiến nghị đòi hỏi tập thể hóa đất đai, hầm mỏ, rừng và phương tiện truyền thông, và chống chiến tranh.

Hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1867, công nhân đúc đồng Paris bãi công. Quốc tế thứ nhất quyên góp giúp đỡ dẫn đến thắng lợi.

Năm 1868, Anh nổ ra cuộc bãi công lớn, địa chủ Anh đưa công nhân Pháp sang làm việc nhằm làm thất bại cuộc bãi công. Do sự thuyết phục của Quốc tế thứ nhất, công nhân Pháp đã từ chối. Cuối cùng, công nhân Anh giành thắng lợi.

Năm 1868-1869, công nhân mỏ ở Bỉ liên tục bãi công, chính phủ Bỉ ra lệnh đàn áp. Quốc tế thứ nhất đã kêu gọi các nước quyên góp, ủng hộ công nhân Bỉ.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Payne, Robert. "Marx: A Biography". Simon and Schuster. New York, 1968. p372
  2. ^ "Journal Officiel", ngày 29 tháng 5 năm 1871 (official journal of IWA)
  3. ^ Saul K. Padover (ed. and trans.), "Introduction: Marx's Role in the First International," in Karl Marx, The Karl Marx Library, Volume 3: On the First International. Saul K. Padover, ed. and trans. New York: McGraw-Hill Book Company, 1971; pg. xiv.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]