Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Noam Chomsky”

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
Không thể xác thực câu nói này. Nếu thêm vào thì cần ghi chú nguyên văn tiếng Anh trong chú thích.
Dòng 188: Dòng 188:


Theo Chomsky, thực tế chính trị luôn bị bóp méo hoặc bị đàn áp một cách có hệ thống bởi chế độ [[tập đoàn trị]]; chúng lợi dụng các phương tiện truyền thông, quảng cáo, [[think tank]] để quảng bá tuyên truyền bản thân chúng. Những công trình của ông tìm cách phát lộ những hành động như vậy và vén màn sự thật mà chúng che khuất.{{sfnm|1a1=Sperlich|1y=2006|1p=8|2a1=McGilvray|2y=2014|2p=158}} Chomsky tin rằng mạng lưới giả dối đó có thể bị phá vỡ bởi "[[lẽ thường]]", [[tư duy phản biện]] và hiểu biết về vai trò của [[tư lợi]]-[[tự lừa dối]],{{sfnm|1a1=Sperlich|1y=2006|1p=74|2a1=McGilvray|2y=2014|2pp=12–13}} và rằng giới trí thức từ bỏ đạo đức bổn phận nói sự thật về chính trị thế giới do lo sợ mất uy tín và nguồn tài trợ.{{sfn|McGilvray|2014|p=159}} Chomsky cho rằng với tư cách là một trí thức, bổn phẩn của ông là sử dụng [[đặc lợi xã hội]], nguồn lực và thành quả đào tạo của mình để hỗ trợ các phong trào dân chủ được lòng dân.{{sfn|McGilvray|2014|p=161}}
Theo Chomsky, thực tế chính trị luôn bị bóp méo hoặc bị đàn áp một cách có hệ thống bởi chế độ [[tập đoàn trị]]; chúng lợi dụng các phương tiện truyền thông, quảng cáo, [[think tank]] để quảng bá tuyên truyền bản thân chúng. Những công trình của ông tìm cách phát lộ những hành động như vậy và vén màn sự thật mà chúng che khuất.{{sfnm|1a1=Sperlich|1y=2006|1p=8|2a1=McGilvray|2y=2014|2p=158}} Chomsky tin rằng mạng lưới giả dối đó có thể bị phá vỡ bởi "[[lẽ thường]]", [[tư duy phản biện]] và hiểu biết về vai trò của [[tư lợi]]-[[tự lừa dối]],{{sfnm|1a1=Sperlich|1y=2006|1p=74|2a1=McGilvray|2y=2014|2pp=12–13}} và rằng giới trí thức từ bỏ đạo đức bổn phận nói sự thật về chính trị thế giới do lo sợ mất uy tín và nguồn tài trợ.{{sfn|McGilvray|2014|p=159}} Chomsky cho rằng với tư cách là một trí thức, bổn phẩn của ông là sử dụng [[đặc lợi xã hội]], nguồn lực và thành quả đào tạo của mình để hỗ trợ các phong trào dân chủ được lòng dân.{{sfn|McGilvray|2014|p=161}}

Tuy đã nhiều lần tham gia vào các [[hành động bất tuân trực tiếp]] — biểu tình, chống đối cảnh sát, lập hội nhóm phản kháng — Chomsky chủ yếu chú tâm vào sứ mệnh lan truyền giáo dục, thường xuyên thuyết giảng trước công chúng.{{sfn|Sperlich|2006|p=71}} Ngoài ra, Chomsky còn là thành viên lâu năm của [[Hội Công nhân Công nghiệp Thế giới]],<ref>{{Cite book |last1=Edgley |first1=Alison |title=Noam Chomsky |date=2016 |language=en |isbn=978-1-137-32021-6 |publisher=Springer |page=42 |url=https://books.google.com/books?id=s3oYDAAAQBAJ&pg=PA42 |access-date=February 12, 2023 |archive-date=February 12, 2023 |archive-url=https://web.archive.org/web/20230212183620/https://books.google.com/books?id=s3oYDAAAQBAJ&pg=PA42 |url-status=live }}</ref> nối gót người cha đi trước của ông.<ref>{{Cite encyclopedia |editor-last1=Goldman |editor-first1=Jan |title=Chomsky, Noam |date=2014 |url=https://books.google.com/books?id=bjeaBAAAQBAJ&pg=PA87 |language=en |isbn=978-1-61069-511-4 |publisher=ABC-CLIO |encyclopedia=The War on Terror Encyclopedia: From the Rise of Al-Qaeda to 9/11 and Beyond |page=87 |access-date=February 12, 2023 |archive-date=February 12, 2023 |archive-url=https://web.archive.org/web/20230212183619/https://books.google.com/books?id=bjeaBAAAQBAJ&pg=PA87 |url-status=live }}</ref>


===Chính sách đối ngoại của Mỹ===
===Chính sách đối ngoại của Mỹ===

Phiên bản lúc 15:07, ngày 13 tháng 7 năm 2023

Noam Chomsky
Ảnh chân dung của Noam Chomsky
Chân dung Chomsky năm 2017
SinhAvram Noam Chomsky
7 tháng 12, 1928 (95 tuổi)
Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Phối ngẫu
Con cái3, bao gồm Aviva Chomsky
Cha mẹWilliam Chomsky
Elsie Simonofsky
Giải thưởng
Trang webhttps://chomsky.info
Trình độ học vấn
Học vấnĐại học Pennsylvania (BA, MA, PhD)
Luận ánTransformational Analysis (1955)
Người hướng dẫn luận án tiến sĩZellig Harris[1]
Ảnh hưởng bởi
Sự nghiệp học thuật
NgànhNgôn ngữ học, triết học phân tích, khoa học nhận thức, phê bình chính trị
Nơi công tác
Nghiên cứu sinh
Ý tưởng tiêu biểu
Ảnh hưởng tới
Chữ ký

Avram Noam Chomsky[a] (sinh ngày 7 tháng 12 năm 1928) là một nhà ngôn ngữ học, triết học, khoa học nhận thức, sử học,[b][c] phê bình xã hội kiêm nhà hoạt động chính trị người Mỹ. Chomsky đôi khi được tôn vinh là "cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại".[d] Hơn nữa ông còn là nhân vật nổi bật trong ngành triết học phân tích và là một trong những người đặt nền móng cho ngành khoa học nhận thức. Chomsky là Giáo sư từng nhận huân chương (Laureate Professor) của khoa Ngôn ngữ học Đại học Arizona và là Giáo sư Học viện Danh dự (Institute Professor Emeritus) tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Đồng thời ông là tác giả của hơn 150 cuốn sách đa dạng về đề tài như ngôn ngữ học, chiến tranh, chính trị và truyền thông đại chúng. Về ý thức hệ, Chomsky là người ủng hộ chủ nghĩa công đoàn vô trị (anarcho-syndicalism) và chủ nghĩa xã hội tự do cá nhân (libertarian socialism).

Sinh thành trong một cộng đồng Do Thái nhập cư ở Philadelphia, Chomsky sớm phát triển niềm hứng thú với chủ nghĩa vô chính phủ sau nhiều lần ghé thăm các hiệu sách ở Thành phố New York. Ông từng có thời gian học tập tại trường Đại học Pennsylvania. Trong khoảng thời gian nghiên cứu sau đại học tại Hội Nghiên cứu sinh Harvard (Society of Fellows), Chomsky hoàn thiện luận văn lý thuyết ngữ pháp chuyển đổi (transformational grammar) và nhận bằng tiến sĩ vào năm 1955. Cùng năm đó ông bắt đầu giảng dạy tại MIT, và vào năm 1957, ông nổi lên như một hiện tượng trong giới ngôn ngữ học nhờ công trình Các cấu trúc cú pháp, đóng vai trò bước ngoặt trong nghiên cứu ngôn ngữ. Từ năm 1958 đến năm 1959, Chomsky là thành viên của Quỹ Khoa học Quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton. Ông là người sáng tác/đồng sáng tác thuyết ngữ pháp phổ quát (universal grammar), ngữ pháp tạo sinh (generative grammar), hệ thống phân cấp Chomsky (Chomsky hierarchy) và chương trình tối giản (minimalist program). Chomsky đóng vai trò quan trọng trong sự suy tàn của chủ nghĩa hành vi ngôn ngữ, đặc biệt phê phán các công trình của B. F. Skinner.

Chomsky thẳng thắn phản đối sự can thiệp của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, coi đó là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Năm 1967, ông viết bài luận phản chiến "The Responsibility of Intellectuals" (Bổn phận của những người trí thức) gây náo động toàn Hoa Kỳ. Do sự liên hệ của ông với phong trào cánh tả Mới, Chomsky nhiều lần bị bắt giam và bị liệt vào danh sách kẻ thù của tổng thống Richard Nixon. Năm 1988, Chomsky cộng tác với Edward S. Herman xuất bản cuốn sách nổi tiếng với nhan đề Manufacturing Consent (Sản xuất sự đồng thuận), trong đó trình bày lý thuyết về mô hình tuyên truyền nhằm phê phán giới truyền thông; đồng thời ông cũng nghiên cứu để vạch trần sự kiện Indonesia chiếm đóng Đông Timor. Ông là người ủng hộ nhiệt tình quyền tự do ngôn luận, cho dù phát ngôn có là chối bỏ Holocaust đi chăng nữa, tư duy mà bị chỉ trích gay gắt trong sự vụ Faurisson những năm 1980. Ngay cả vào những năm tháng hưu trí, ông vẫn rất sôi nổi tham gia các hoạt động chính trị, phản đối cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của Mỹ và ủng hộ phong trào Occupy. Kể từ năm 2017, Chomsky bắt đầu giảng dạy tại Đại học Arizona.

Chomsky là một trong những học giả còn sống được trích dẫn nhiều nhất,[21] với tầm ảnh hưởng có thể thấy ở rất nhiều lĩnh vực. Ông được công nhận rộng rãi là người khơi mào cuộc cách mạng nhận thức (cognitive revolution) trong khoa học nhân văn, góp phần phát triển hướng nhìn nhận mới về nghiên cứu ngôn ngữ và tâm trí. Ngoài những đóng góp học thuật quý giá ấy, ông còn là chuyên gia phê bình hàng đầu về các lĩnh vực như chính sách đối ngoại của Mỹ, chủ nghĩa tân tự do, chủ nghĩa tư bản nhà nước, xung đột Israel-Palestine và truyền thông đại chúng. Chomsky và những tư tưởng của ông đã có ảnh hưởng rất lớn tới các phong trào chống tư bảnchống đế quốc ở Mỹ.

Tiểu sử

Tuổi trẻ: 1928–1945

Avram Noam Chomsky sinh ngày 7 tháng 12 năm 1928 tại East Oak Lane, thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.[22] Cha ông, Ze'ev "William" Chomsky, và mẹ ông, Elsie Simonofsky, là một gia đình Do Thái nhập cư.[23] Ông William trốn khỏi Đế quốc Nga vào năm 1913 vì không muốn tòng quân cho chế độ Sa hoàng. Ở nước ngoài, ông tìm được việc làm trong một công xưởng bóc lột sức lao động tại Baltimore, đồng thời giảng dạy tại nhiều trường tiểu học Do Thái trước khi bước chân vào đại học.[24] Sau khi chuyển đến Philadelphia, William trở thành hiệu trưởng của trường tôn giáo Congregation Mikveh Israel và gia nhập Cao đẳng Gratz. Ông chú trọng vào việc dạy cho thế hệ sau cách "hòa nhập tốt, tự do và độc lập trong suy nghĩ, hướng đến sự cải thiện và nâng cao thế giới, và mong muốn tham gia vào những việc khiến cuộc sống có ý nghĩa và đáng giá hơn cho tất cả mọi người"; sứ mệnh mà sau này đã góp phần định hình, cũng như được kế thừa bởi con trai ông.[25] Bà Elsie, cũng từng giảng dạy tại trường Mikveh Israel, chia sẻ với những đứa con trai của mình mối quan tâm về các vấn đề xã hội và chính trị tả khuynh.[23]

Noam là con đầu lòng của vợ chồng Chomsky. Em trai duy nhất của Noam, David Eli Chomsky (1934–2021), kém người anh năm tuổi, theo nghề bác sĩ tim mạch ở Philadelphia khi lớn lên.[26][27][28] David là người dễ dãi song Noam lại rất cạnh tranh; mặc dù vậy, hai anh em nhà này vẫn rất thân thiết với nhau.[29] Từ nhỏ, Noam và em trai được học tiếng Do Thái và thường xuyên tham gia thảo luận các lý thuyết chính trị của chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Gia đình ông vốn bị ảnh hưởng rất lớn bởi các tác phẩm phục quốc Do Thái cánh Tả của Ahad Ha'am.[28] Noam từng phải đối mặt với sự bài Do Thái khi còn nhỏ, hầu hết tới từ phía cộng đồng người Ireland và người Đức ở Philadelphia.[30]

Noam theo học tại trường tư thục Oak Lane Country Day[31]trường trung học Trung tâm Philadelphia. Thời đi học, ông có thành tích học tập rất xuất sắc và tham gia nhiều câu lạc bộ, hội nhóm khác nhau, nhưng không ưa thích phương pháp giảng dạy của trường.[32] Ông cũng theo học tại trường trung học Do Thái ở Cao đẳng Gratz, nơi cha ông giảng dạy.[33]

Noam miêu tả cha mẹ ông là "những người thông thường theo Đảng Dân chủ Roosevelt" với tư tưởng trung gian thiên tả, còn ông thì có cơ hội tiếp xúc với chủ nghĩa xã hộichính trị cực tả từ những người thân tham gia Liên minh Công nhân May mặc Quốc tế.[34] Ông bị ảnh hưởng bởi người chú của mình và những người cánh tả Do Thái, thường xuyên lui tới quầy báo Thành phố New York của người chú để tranh luận về các vấn đề thời sự.[35] Bản thân Noam cũng thường ghé thăm các hiệu sách trong thành phố để đọc ngấu nghiến các tác phẩm chính trị cánh tả và vô trị khi đi thăm chú.[36] Lúc mới 10 tuổi, ông viết bài báo đầu tiên trong cuộc đời về sự lây lan của chủ nghĩa phát xít sau khi Barcelona thất thủ (tháng 2 năm 1939) trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.[37] Từ năm 12 hoặc 13 tuổi trở đi, ông tự coi mình là người theo chủ nghĩa vô chính phủ và "Cánh tả chống Bolshevik."[38][33] Sau này, ông cho rằng việc mình theo chủ nghĩa vô chính phủ chỉ là "một tình cờ may mắn";[39] điều khiến ông chỉ trích chủ nghĩa Stalin và các hình thức của chủ nghĩa Marx-Lenin.[40]

Thời đại học: 1945–1955

Noam Chomsky kết hôn với bà Carol Schatz vào năm 1949

Năm 1945, chàng trai Noam 16 tuổi bắt đầu học đại cương tại trường Đại học Pennsylvania, nơi ông khám phá triết học, logic học, ngôn ngữ học, đồng thời phát triển niềm yêu thích tiếng Ả Rập.[41] Ông dạy tiếng Do Thái để tạo thu nhập, trang trải học phí.[42] Do chán nản với trải nghiệm ở đại học, ông có lúc từng cân nhắc tới chuyện bỏ học và chuyển tới sống ở một kibbutz thuộc lãnh thổ Ủy trị Palestine.[43] Tinh thần ham học hỏi trong ông lại thức tỉnh sau một cuộc trò chuyện với nhà ngôn ngữ học gốc Nga Zellig Harris, người mà ông đã có dịp gặp gỡ tại một hội thảo chính trị vào năm 1947. Harris giới thiệu Noam với lĩnh vực ngôn ngữ học lý thuyết, và thuyết phục ông theo học chuyên ngành đó.[44] Luận án cử nhân danh dự của Noam, "Hình thái học của tiếng Do Thái hiện đại", vận dụng các phương pháp ngôn ngữ của Harris.[45] Ông duyệt lại luận án này để lấy bằng Thạc sĩ từ Đại học Pennsylvania vào năm 1951, sau được xuất bản thành sách.[46] Thời đại học, ông cũng bắt đầu yêu thích triết học nhờ sự hướng dẫn của Nelson Goodman.[47]

Từ năm 1951 đến năm 1955, Noam trở thành thành viên của Hội Nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard, nơi ông chú tâm nghiên cứu và hoàn thành luận văn tiến sĩ.[48] Noam được Goodman khuyến khích nộp đơn vào Havard và bản thân ông cũng được thúc đẩy bởi sự ngưỡng mộ nhà triết học Willard Van Orman Quine làm việc tại Havard; Quine và nhà triết học J. L. Austin của Đại học Oxford là hai nhân vật có ảnh hưởng rất lớn tới Noam.[49] Năm 1952, Noam xuất bản bài báo học thuật đầu tiên của mình, Systems of Syntactic Analysis, được đăng trên tạp chí học thuật Journal of Symbolic Logic.[50] Năm 1954, ông công kích thuyết hành vi đang thịnh hành lúc bấy giờ tại Đại học ChicagoĐại học Yale.[51] Năm 1955, Noam nộp luận văn trình bày thuyết ngữ pháp chuyển đổi lên ĐH Pennsylvania và được trao bằng Tiến sĩ; luận văn đó được phân phối dưới dạng vi phim cho các chuyên gia xem xét, trước khi được xuất bản trong cuốn The Logical Structure of Linguistic Theory vào năm 1975.[52] Giáo sư George Armitage Miller của Harvard, rất ấn tượng với luận văn của Noam, đã ngỏ lời cộng tác với ông viết một số bài báo liên quan đến ngành ngôn ngữ học tính toán.[53] Bằng Tiến sĩ đã giúp Noam được miễn lệnh nhập ngũ từ năm 1955.[54]

Năm 1947, Chomsky nảy sinh mối tình với bà Carol Doris Schatz, hai người đã quen biết từ lúc còn nhỏ. Họ kết hôn năm 1949.[55] Sau khi Chomsky trở thành Nghiên cứu sinh tại Harvard, đôi vợ chồng chuyển đến khu Allston thuộc Boston sinh sống, rồi tới năm 1965 thì chuyển về vùng ngoại ô Lexington.[56] Năm 1953, họ được nhận trợ cấp của ĐH Harvard để sang công tác ở Châu Âu, từ Vương quốc Anh qua Pháp, từ Thụy Sĩ sang Ý,[57] rồi cuối cùng lưu trú tại kibbutz HaZore'a của tổ chức Hashomer Hatzair ở Isreal. Mặc dù Noam rất hứng khởi khi được sang Isreal, ông lại thấy hãi hùng trước sự thịnh hành của chủ nghĩa dân tộc Do Thái, chủ nghĩa bài Ả Rập và chủ nghĩa Stalin của cộng đồng cánh tả nơi đây.[58] Vào dịp đến thăm thành phố New York, Chomsky lên văn phòng của tạp chí vô trị tiếng Yiddish Fraye Arbeter Shtime và say mê những tư tưởng của Rudolf Rocker, cũng chính từ ông mà Noam biết về mối liên hệ giữa chủ nghĩa vô chính phủchủ nghĩa tự do cổ điển.[59] Ngoài ra, những tác giả chính trị mà Noam từng đọc bao gồm: những người theo chủ nghĩa vô chính phủ Mikhail BakuninDiego Abad de Santillán, những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ George Orwell, Bertrand RussellDwight Macdonald, và những người theo chủ nghĩa Marx Karl Liebknecht, Karl KorschRosa Luxemburg.[60] Ông trở nên bị cuốn hút bởi ý niệm về một xã hội theo chủ nghĩa vô chính phủ-công đoàn, ví dụ như các công xã vô trị-công đoàn được thiết lập thời Nội chiến Tây Ban Nha được nhắc tới trong tác phẩm Catalonia - Tình Yêu Của Tôi (1938) của Orwell.[61] Ông có đọc các tạp chí cánh tả như Politics, và Living Marxism định kỳ của hội đồng cộng sản (council communist), mặc dù ông bác bỏ lập trường của chủ biên Paul Mattick.[62][63] Ông cũng quan tâm đến các tư tưởng Marlenite của Liên đoàn chủ nghĩa Lenin tại Hoa Kỳ, một nhóm chống chủ nghĩa Mác-Lênin và chống chủ nghĩa Stalin, quan điểm của nhóm này về chiến tranh Thế giới thứ hai là một "cuộc chiến tranh kỳ quặc" (phony war), được châm ngòi bởi tư bản phương Tây và Liên Xô.[64] Tuy vậy, ông "chưa bao giờ thực sự tin vào luận điểm này, nhưng ... vẫn thấy nó đủ hấp dẫn để cố gắng tìm hiểu xem họ đang nói về cái gì."[65]

Buổi đầu sự nghiệp: 1976–1980

Chomsky kết bạn với hai nhà ngôn ngữ học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Morris HalleRoman Jakobson; Jakobson trước đây đã đảm bảo giúp ông một vị trí trợ lý giáo sư tại đó vào năm 1955. Ở MIT, Chomsky dành một nửa thời gian cho dự án dịch thuật máy và một nửa còn lại để giảng dạy các khóa ngôn ngữ họctriết học trên giảng đường.[66] Ông nhận xét MIT là "một nơi khá tự do và phóng khoáng, hoàn toàn cởi mở cho việc thử nghiệm và không có các yêu cầu cứng nhắc. Nó hoàn hảo cho một người có sở thích và công việc riêng biệt như tôi."[67] Năm 1957, ông được phong học hàm phó giáo sư của MIT, và từ năm 1957 đến năm 1958, ông được Đại học Columbia bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng.[68] Ông cùng bà Carol sinh bé gái đầu lòng cùng năm đó, đặt tên là Aviva Chomsky.[69] Ông cũng xuất bản cuốn sách đầu tay về ngôn ngữ học, Syntactic Structures, một công trình phản đối triệt để tư tưởng Harris–Bloomfield thống trị trong nghiên cứu ngôn ngữ.[70] Các phản hồi đối với ý tưởng của Chomsky dao động rất lớn, từ thờ ơ đến thù địch, nhưng nhìn chung thì ý tưởng của ông đã gây chia rẽ và "biến động đáng kể" ngành ngôn ngữ.[71] Nhà ngôn ngữ học John Lyons khẳng định cuốn Syntactic Structures "đã cách mạng việc nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ".[72] Từ năm 1958 đến năm 1959, Chomsky là thành viên của Quỹ Khoa học Quốc gia tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton, New Jersey.[73]

Great Dome tại Học viện Công nghệ Massachusetts, nơi Noam công tác từ năm 1955

Năm 1959, Chomsky viết bài phê bình tác phẩm Verbal Behavior (1957) của B. F. Skinner đăng trên tạp chí học thuật Language, trong đó ông lập luận chống lại quan điểm của Skinner về ngôn ngữ là hành vi có thể học được.[74][75] Ông cho rằng Skinner đã bỏ qua vai trò sáng tạo của con người trong ngôn ngữ và bài phê bình trên đã nâng tầm Chomsky trở thành một người trí thức.[76] Chomsky và Halle đồng sáng lập chương trình ngôn ngữ học sau đại học của MIT. Năm 1961, ông được trao nhiệm kỳ, trở thành Giáo sư thực thụ tại Khoa Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học hiện đại.[77] Chomsky tiếp tục được bổ nhiệm làm diễn giả toàn thể tại Đại hội Ngôn ngữ học Quốc tế lần thứ IX tổ chức vào năm 1962 tại Cambridge, Massachusetts, điều mà khiến ông trở thành người phát ngôn de facto của nền ngôn ngữ học Hoa Kỳ.[78] Giữa năm 1963 và 1965, ông góp ý ​​cho dự án "thiết lập ngôn ngữ tự nhiên như một ngôn ngữ hoạt động để chỉ huy và kiểm soát" do quân đội tài trợ; Barbara Partee, cộng tác viên của dự án này và từng là học trò của Chomsky, nói rằng dự án này được tạo ra với mục đích "trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, các tướng lĩnh sẽ phải ở dưới lòng đất và phải tham mưu thông qua các loại máy tính, và rằng dạy máy tính hiểu tiếng Anh có lẽ sẽ dễ dàng hơn là dạy các tướng lĩnh biết cách lập trình."[79]

Chomsky tiếp tục công bố các ý tưởng ngôn ngữ suốt nhiều thập kỷ, bao gồm Aspects of the Theory of Syntax (1965), Topics in the Theory of Generative Grammar (1966), và Cartesian Linguistics: A Chapter in the History of Rationalist Thought (1966).[80] Ông và Halle cùng nhau biên tập loạt sách Studies in Language của nhà xuất bản Harper and Row.[81] Trong khi ông bắt đầu đạt được sự công nhận cho những đóng góp học thuật, Chomsky giảng dạy tại Đại học California, Berkeley, vào năm 1966.[82] Các bài giảng Beckman của ông tại Berkeley đã được tập hợp và xuất bản thành cuốn sách Language and Mind vào năm 1968.[83] Bất chấp thanh danh đang ngày càng lớn của ông, quan hệ giữa Chomsky và một số đồng nghiệp lẫn sinh viên luận án cũ của ông — bao gồm Paul Postal, John “Haj” Ross, George LakoffJames D. McCawley — lại ngày càng xấu đi và đã khơi mào cho cuộc tranh luận học thuật gay gắt với biệt danh là "Cuộc chiến ngôn ngữ học", mặc dù vấn đề cốt yếu của cuộc tranh luận thiên về triết học nhiều hơn ngôn ngữ học.[84] Chomsky vào thời điểm đó có nhận xét về MIT "là một trường đại học có trụ sở tại Lầu Năm Góc. Và tôi đang ở một phòng thí nghiệm do quân đội tài trợ." Chomsky kể lại rằng lúc bấy giờ ông "đã ngẫm nghĩ một chút" về việc xin từ chức tại MIT do cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra.[85][86][87][88]

Hoạt động phản chiến và bất đồng chính kiến: 1967–1975

Chẳng cần có sự am hiểu xa vời, chuyên môn để nhận thấy rằng Hoa Kỳ đang xâm lược miền Nam Việt Nam. Và, thực sự mà nói, để tháo gỡ cái hệ thống ảo tưởng và lừa dối đảm nhận chức năng cản trở sự thấu hiểu thực tại hiện thời không phải là một công việc cần sự am tường hoặc kỹ năng đặc biệt nào. Nó chỉ cần sự hoài nghi thông thường và sự sẵn lòng để áp dụng kỹ năng phân tích mà hầu hết mọi người đều sở hữu và có thể thực hiện.

Chomsky về Chiến tranh Việt Nam[89]

Chomsky tham gia các cuộc biểu tình phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam vào năm 1962, bàn luận về vấn đề này tại các cuộc tụ họp ở nhà thờ và tư gia.[90] Bài phê bình của ông về sự can dự của Hoa Kỳ năm 1967, có tiêu đề "Bổn phận của những người trí thức", cùng nhiều bài đăng khác trên tạp chí The New York Review of Books, đã cho thấy rõ ràng rằng ông là một nhà bất đồng chính kiến ​​công khai.[91] Bài tiểu luận trên và các bài báo chính trị khác của Chomsky đã được sưu tập và xuất bản vào năm 1969 như một phần của cuốn sách chính trị đầu tay của ông có nhan đề American Power and the New Mandarins.[92] Ông tiếp nối trước tác đó với nhiều cuốn sách nữa, bao gồm At War with Asia (1970), The Backroom Boys (1973), For Reasons of State (1973), và Peace in the Middle East? (1974), được xuất bản bởi Pantheon Books.[93][94] Những ấn phẩm này đã cho thấy rõ mối liên kết của Chomsky với phong trào Cánh tả Mới tại Mỹ,[95] mặc dù ông ít để tâm đến các học giả Cánh tả khác như Herbert MarcuseErich Fromm.[96] Chomsky dầu vậy vẫn bị báo chí truyền thông Hoa Kỳ bấy giờ phớt lờ.[97]

Ông sôi nổi tham gia các hoạt động chính trị phe cánh Tả. Chomsky kháng trả phân nửa tiền thuế, công khai ủng hộ những sinh viên không chấp hành lệnh nhập ngũ, và bị bắt giam khi đang rao giảng tư tưởng phản chiến bên ngoài Lầu Năm Góc.[98] Trong thời gian này, Chomsky đồng sáng lập tổ chức phản chiến RESIST cùng với Mitchell Goodman, Denise Levertov, William Sloane Coffin, và Dwight Macdonald.[99] Mặc dù hoài nghi về mục đích của các cuộc biểu tình sinh viên năm 1968,[100] Chomsky vẫn nhiệt thành ủng hộ các nhóm hoạt động sinh viên, và cùng với đồng nghiệp Louis Kampf, điều hành các khóa học chính trị chui tại MIT, tránh khỏi khoa khoa học chính trị bị chi phối bởi phe Bảo thủ.[101] Chomsky thông cảm với vận động của hội sinh viên nhằm ngăn chặn dự án nghiên cứu vũ khí và chống bạo loạn tại MIT, nhưng ông vẫn cảm thấy rằng nghiên cứu đó nên được MIT giám sát và giới hạn ở các hệ thống răn đe và phòng thủ.[102] Năm 1970, ông có dịp đến thăm Đông Nam Á. Tại Việt Nam, ông được mời đứng giảng một buổi tại Đại học Bách Khoa Hà Nội về các nghiên cứu ngôn ngữ học, rồi ông sang Lào để tham quan các trại tị nạn chiến tranh. Năm 1973, ông giúp tổ chức một ủy ban kỷ niệm 50 năm thành lập Liên đoàn Phản chiến (War Resisters League).[103]

Hình ảnh
Chomsky tham gia vào cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, Tuần hành tới Lầu Năm Góc, ngày 21 tháng 10 năm 1967
Chomsky khoác tay biểu tình với những nhân vật công chúng
Đoàn người biểu tình tuần hành qua Đài tưởng niệm Lincoln hướng tới Lầu Năm Góc

Vì các hoạt động phản chiến của mình, Chomsky đã bị bắt nhiều lần và bị liệt vào danh sách kẻ thù của Tổng thống Richard Nixon.[104] Chomsky nhận thức được hậu quả tiềm ẩn của sự bất tuân dân sự, và vợ ông bắt đầu tự học lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ học để hỗ trợ gia đình trong trường hợp Chomsky bị bỏ tù hoặc thất nghiệp.[105] Tiếng tăm khoa học của Chomsky đã cách ly ông khỏi các hành động hành chính dựa trên niềm tin của mình.[106]

Công lao của ông trong lĩnh vực ngôn ngữ học tiếp tục được quốc tế công nhận khi ông nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự.[107] Ông đã tổ chức nhiều buổi đứng giảng công cộng tại Đại học Cambridge, Đại học Columbia (Các bài giảng Woodbridge), và Đại học Stanford.[108] Cuộc tranh luận năm 1971 của Chomsky với nhà triết học lục địa Pháp Michel Foucault đã khiến ông trở thành một hình tượng tiêu biểu liên quan tới triết học phân tích.[109] Ông tiếp tục xuất bản nhiều cuốn sách về ngôn ngữ học, đáng chú ý là cuốn Studies on Semantics in Generative Grammar (1972),[106] ấn bản mở rộng của cuốn Language and Mind (1972),[110] và cuốn Reflections on Language (1975).[110] Năm 1974, Chomsky trở thành thành viên của hội sinh viên Học viện Anh (Fellow of the British Academy).[108]

Edward S. Herman và sự vụ Faurisson: 1976–1980

Chân dung Chomsky năm 1977

Vào những năm 1970 và 1980, văn tập của Chomsky về ngôn ngữ mở rộng đáng kể và góp phần làm rõ thêm những tác phẩm đi trước, phản hồi các chỉ trích và cập nhật những lý thuyết ngôn ngữ mới.[111] Các buổi đàm thoại chính trị của ông gặp phải rất nhiều bàn cãi, nhất là những phê phán của ông đối với chính phủ và quân đội Israel.[112] Vào đầu những năm 1970, Chomsky cộng tác với Edward S. Herman, một người đồng chí hướng phản đối cuộc chiến tại Việt Nam.[113] Họ bắt tay viết cuốn Counter-Revolutionary Violence: Bloodbaths in Fact & Propaganda phê phán sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á và sự che đậy của giới truyền thông đại chúng. Nhà xuất bản Warner Modular cho phép in cuốn sách vào năm 1973, nhưng công ty mẹ của họ không chấp nhận nội dung cuốn sách và ra lệnh tiêu hủy hết số sách đã in ấn.[114]

Chomsky được sự hỗ trợ của South End Press do Michael Albert sáng lập, một công ty chuyên xuất bản sách báo hoạt động xã hội.[115] Năm 1979, South End xuất bản tác phẩm đã được sửa đổi Counter-Revolutionary Violence của Chomsky và Herman, chia làm hai tập sách mang tên The Political Economy of Human Rights,[116] trong đó hai ông so sánh phản ứng của giới truyền thông Hoa Kỳ đối với nạn diệt chủng ở Campuchia và đối với sự kiện Indonesia chiếm đóng Đông Timor. Họ lập luận rằng bởi lẽ Indonesia là đồng minh của Hoa Kỳ, truyền thông Hoa Kỳ đã phớt lờ tình hình ở Đông Timor, nhưng lại tập trung vào các sự kiện ở Campuchia, tức kẻ thù của Hoa Kỳ.[117] Các phản ứng tích cực sau đó bao gồm hai nhân chứng của cuộc chiếm đóng được phép phát biểu trước Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc về phi thực dân hóa, khuyến khích thành công truyền thông Mỹ đưa tin về cuộc chiếm đóng, và khuyến khích các buổi gặp mặt người tị nạn được tổ chức tại Lisbon.[118] Học giả Mác-xít Steven Lukes cáo buộc Chomsky đã phản bội lý tưởng vô trị của mình và hành động biện hộ cho nhà lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot.[119] Herman bình rằng cuộc bàn cãi đã khiến Chomsky "phải trả một cái giá cá nhân rất lớn",[120] Chomsky tuyên bố rằng "những trí thức ngoan đạo của phương Đông hoặc phương Tây" đối phó với sự bất đồng chính kiến ​​bằng cách "áp đảo nó bằng rất nhiều lời dối trá".[121] Ông coi những lời chỉ trích cá nhân ít quan trọng hơn cái bằng chứng của sự ngoan đạo, "giới trí thức chính thống đã lấp liếm hoặc biện minh cho tội ác của chính nhà nước họ".[121]

Chomsky từ lâu đã công khai chỉ trích chủ nghĩa Quốc xãchủ nghĩa toàn trị nói chung, nhưng cam kết của ông với quyền tự do ngôn luận đã khiến ông bảo vệ phát biểu tỏ ý ủng hộ sự phủ nhận Holocaust của sử gia người Pháp Robert Faurisson. Chomsky không hề hay biết rằng lời ủng hộ của ông cho quyền tự do ngôn luận của Faurisson đã được xuất bản làm lời tựa cho cuốn sách Mémoire en défense contre ceux qui m'accusent de falsifier l'histoire năm 1980.[122] Chomsky bị lên án vì dám bênh vực Faurisson.[123] Báo chí chính thống Pháp cáo buộc Chomsky là kẻ phủ nhận Holocaust và từ chối công bố các phản bác của Chomsky đối với các cáo buộc đó.[124] Nhà xã hội học Werner Cohn phê phán quan điểm của Chomsky, sau đó xuất bản một phân tích về sự vụ này với nhan đề Partners in Hate: Noam Chomsky and the Holocaust Deniers.[125] Vụ Faurisson có một ảnh hưởng lâu dài, gây tổn hại đến sự nghiệp của Chomsky,[126] đặc biệt là ở Pháp.[127]

Phê phán bộ máy tuyên truyền và quan hệ quốc tế: 1980–2001

Video
Manufacturing Consent: Noam Chomsky and the Media, phim tài liệu năm 1992 bàn luận về cuốn sách cùng tên của Chomsky

Năm 1985, trong Chiến tranh Contra Nicaragua (cuộc chiến giữa lực lượng dân quân hậu thuẫn bởi Hoa Kỳ chống chính phủ Sandinista), Chomsky tới Managua để gặp gỡ các công đoàn và những người tị nạn bởi cuộc xung đột, giảng dạy về chính trị và ngôn ngữ học.[128] Nhiều bài giảng trong số đó đã được xuất bản vào năm 1987 với nhan đề On Power and Ideology: The Managua Lectures.[129] Năm 1983, ông xuất bản cuốn The Fateful Triangle, lập luận rằng Hoa Kỳ đã liên tục sử dụng xung đột Israel-Palestine để trục lợi về phần mình.[130] Năm 1988, Chomsky đến thăm các vùng lãnh thổ Palestine thuộc quyền kiểm soát của Israel.[131]

Cuốn Manufacturing Consent: The Political Economy of the Mass Media (1988) của Chomsky và Herman đã phác thảo mô hình tuyên truyền nhằm mục đích hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của bộ máy truyền thông đại chúng. Họ lập luận rằng ngay cả ở những quốc gia không có sự kiểm duyệt chính thức, tin tức vẫn phải đi qua năm bộ lọc (filters) có chức năng sàng lọc nội dung và tác động đến cách thức trình bày tin tức.[132] Cảm hứng để viết cuốn sách của hai ông bắt nguồn từ nhà văn Alex Carey, sau đó được chuyển thể thành phim tài liệu vào năm 1992.[133] Năm 1989, Chomsky cho ra mắt cuốn Necessary Illusions: Thought Control in Democratic Societies, khẳng định rằng một nền dân chủ thật sự đòi hỏi các công dân của chế độ đó phải có khả năng tự vệ trí tuệ chống lại các phương tiện truyền thông và văn hóa trí thức ưu tú kiểm soát họ.[134] Đến những năm 1980, nhiều học trò của Chomsky trở thành những nhà ngôn ngữ học lỗi lạc, những người có công mở rộng và hiệu đính các lý thuyết ngôn ngữ của ông.[135]

Vào những năm 1990, Chomsky hoạt động chính trị tích cực hơn.[136] Ông vẫn giữ lập trường rằng Indonesia nên trao trả độc lập cho Đông Timor, vào năm 1995, ông đến thăm Úc để đàm thoại về vấn đề này nhân danh Hiệp hội Cứu trợ Đông Timor và Hội đồng Quốc gia Kháng chiến Đông Timor.[136] Các bài giảng của ông về vấn đề này đã được xuất bản dưới nhan đề Powers and Prospects vào năm 1996.[136] Người viết tiểu sử của Chomsky, Wolfgang Sperlich cho rằng, ông là người có nhiều đóng góp nhất cho sự độc lập của Đông Timor, và ngoài ông ra thì chỉ có nhà báo điều tra John Pilger.[137] Sau khi Đông Timor giành được độc lập vào năm 1999, Lực lượng Quốc tế do Úc lãnh đạo tại Đông Timor trở thành lực lượng gìn giữ hòa bình; Chomsky chỉ trích Úc vì lợi dụng sự kiện này để bảo vệ nguồn dự trữ dầu và khí đốt của Đông Timor theo Hiệp ước Timor Gap.[138]

Chỉ trích chiến tranh Iraq và nghỉ hưu MIT: 2001–2017

Chomsky diễn thuyết ủng hộ phong trào Occupy vào năm 2011

Sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Chomsky được giới báo chí tìm tới phỏng vấn; Seven Stories Press hiệu đính và xuất bản những cuộc phỏng vấn này vào tháng 10 cùng năm.[139] Chomsky cho rằng chính sách đáp trả của Mỹ, gọi là chiến tranh chống khủng bố (War on Terror), không phải là bước tiến triển mới mà chẳng qua là sự tiếp nối chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ thời Reagan cùng với những lời khoa trương đi kèm.[140] Năm 2001 ông được vinh dự đọc văn tưởng niệm D.T. Lakdawala tại New Delhi,[141] và đến thăm Cuba vào năm 2003 theo lời mời của Hiệp hội các nhà khoa học xã hội Mỹ Latinh.[142] Cuốn Hegemony or Survival xuất bản vào năm 2003 của Chomsky trình bày khái niệm "đại chiến lược đế quốc" của Hoa Kỳ, và phê phán Chiến tranh Iraq cùng nhiều khía cạnh của chiến tranh chống khủng bố.[143] Chomsky đi công tác quốc tế với tần suất đều đặn hơn trong thời gian này.[142]

Chomsky thảo luận về sinh thái, đạo đức và chủ nghĩa vô chính phủ

Chomsky nghỉ hưu MIT vào năm 2002,[144] nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu và tổ chức hội thảo trong khuôn viên trường với tư cách giáo sư danh dự.[145] Cùng năm đó, Chomsky đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự phiên tòa xét xử một nhà xuất bản bị buộc tội phản quốc vì cho in ấn một trong số các cuốn sách của ông. Bởi Chomsky đòi tòa án xét xử ông như một đồng bị cáo, cộng thêm áp lực từ giới truyền thông quốc tế, Tòa án An ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bác cáo buộc đó vào phiên xét xử đầu tiên.[146] Cũng trong chuyến đi đó, Chomsky đã ghé thăm đồng bào dân tộc Kurd ở đất nước này và lên tiếng ủng hộ nhân quyền của người Kurd.[146] Ông tham dự các hội nghị của diễn đàn Xã hội Thế giới năm 2002 và 2003 ở Brazil, và ở Ấn Độ.[147]

Chomsky ủng hộ phong trào Occupy (hay Phong trào Chiếm), thường xuyên tổ chức các buổi đàm thoại tại các khu trại và xuất bản hai tác phẩm ghi lại ảnh hưởng của nó: cuốn tiểu luận Occupy (2012), và cuốn Occupy: Reflections on Class War, Rebellion and Solidarity (2013). Ông cho rằng sự lớn mạnh của phong trào Occupy là do Đảng Dân chủ đã từ bỏ lợi ích của giai cấp công nhân da trắng.[148] Vào tháng 3 năm 2014, Chomsky tham gia và trở thành hội viên cấp cao của hội đồng cố vấn Tổ chức Hòa bình Thời đại Hạt nhân,[149][150] một tổ chức ủng hộ việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Một bộ phim tài liệu mang tên Requiem for the American Dream ấn hành vào năm 2015 đã tóm tắt quan điểm của ông về chủ nghĩa tư bản và bất bình đẳng kinh tế thông qua "bài hội thảo 75 phút".[151]

Đại học Arizona: 2017–nay

Năm 2017, Chomsky thuyết giảng một khóa học chính trị tại Đại học Arizona, Tucson;[152] sau được thuê làm giáo sư bán thời gian của khoa ngôn ngữ học tại đó, chịu trách nhiệm giảng dạy và tổ chức các buổi hội thảo công cộng.[153] Lương dạy học của ông tới từ các khoản tiền quyên góp thiện nguyện.[154]

Năm 2018, Chomsky ký Tuyên ngôn về Ngôn ngữ Chung nhằm ủng hộ việc công nhận tiếng Croatia, tiếng Serbia, tiếng Bosniakstiếng Montenegro là cùng một thứ tiếng.[155][156]

Vào tháng 3 năm 2022, Chomsky phát biểu rằng sự kiện Nga xâm lược Ukraina 2022 là một "tội ác chiến tranh nghiêm trọng", đứng ngang hàng với cuộc xâm lược Iraq do Hoa Kỳ lãnh đạo vào năm 2003 và cuộc xâm lược Ba Lan do Đức và Liên Xô phát động năm 1939.[157]

Lý thuyết ngôn ngữ

Điều mà khởi đầu chỉ là nghiên cứu ngôn ngữ học thuần tùy ... đã dẫn đến, thông qua sự vương vấn với nghiệp chính trị và sự hòa nhập với truyền thống triết học lâu đời, điều mà có thể coi là nỗ lực nhằm đúc kết một lý thuyết tổng thể về con người. Ngọn nguồn của điều đó hiện thân trong lý thuyết ngôn ngữ học ... Sự phát hiện các cấu trúc tri nhận của chung loài người và chỉ của riêng loài người, khiến ta phải ngẫm nghĩ về các thuộc tính không thể tách rời của con người.

Edward Marcotte nói về tầm quan trọng của lý thuyết ngôn ngữ học Chomsky[158]

Cơ sở lý thuyết ngôn ngữ của Chomsky được dựa trên ngành ngôn ngữ học sinh học (biolinguistics), một trường phái ngôn ngữ học cho rằng các nguyên tắc làm nền tảng cho cấu trúc ngôn ngữ đã được định sẵn về mặt sinh học trong tâm trí con người, và do đó ngôn ngữ là một đặc điểm di truyền.[159] Ông lập luận rằng tất cả loài người đều sở hữu chung một cấu trúc ngôn ngữ cơ bản, bất kể sự khác biệt về văn hóa xã hội.[160] Chomsky bác bỏ thuyết hành vi cực đoan của B. F. Skinner, người mà cho rằng hành vi (bao gồm lời nói và tư duy) là thứ con người học được từ sự tương tác giao tiếp trước đó và ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Thay vào đó, Chomsky cho rằng ngôn ngữ là sự phát triển tiến hóa độc đáo của riêng loài người, khác biệt hoàn toàn so với các phương thức giao tiếp ở các loài động vật khác.[161][162] Quan điểm của Chomsky về sự bẩm sinh, nội tại của ngôn ngữ thuộc vào trường phái triết học "duy lý" và đối lập với quan điểm phản-bẩm sinh, ngoại tại của ngôn ngữ thuộc trường phái triết học "duy nghiệm",[163] tức là lý thuyết cho rằng mọi kiến thức, kể cả ngôn ngữ, được tiếp thu thông qua các kích thích bên ngoài.[158]

Ngữ pháp phổ quát

Kể từ những năm 1960, Chomsky vẫn duy trì niềm tin rằng ngữ pháp ít nhất một phần là bẩm sinh, cho rằng trẻ em chỉ cần học một số đặc điểm ngôn ngữ mẹ đẻ cụ thể để có khả năng nói thành thạo. Dựa trên những quan sát về khả năng thụ đắc ngôn ngữ ở con người, ông đã đề xuất khái niệm "sự nghèo nàn của tác nhân kích thích" (poverty of the stimulus), hay sự bất cân xứng cực kỳ lớn giữa các kích thích ngôn ngữ thời thơ ấu và năng lực ngôn ngữ phong phú đạt được khi trưởng thành. Tức là như sau, mặc dù trẻ em ban đầu chỉ tiếp xúc với một tập hợp rất nhỏ và hữu hạn các biến thể cú pháp của ngôn ngữ đầu tiên của chúng, song bằng một cách kì diệu nào đó, chúng sau này lĩnh hội được tính hệ thống và tính tổ chức cao để có thể thông hiểu và sản xuất vô số câu từ trong ngôn ngữ đó, bao gồm cả những câu từ chưa từng được học.[164] Để giải thích điều này, Chomsky cho rằng dữ liệu ngôn ngữ thoạt đầu đã được bổ chính bởi một năng lực ngôn ngữ bẩm sinh. Ngoài ra, dù rằng trẻ em và mèo con đều có khả năng suy luận quy nạp, song nếu ta cho chúng tiếp xúc với cùng một dữ liệu ngôn ngữ, đứa trẻ loài người sẽ luôn đắc thụ khả năng hiểu và sản xuất ngôn ngữ, còn bé mèo sẽ chẳng thể tiếp thụ được hai khả năng đó. Chomsky gọi khả năng chênh biệt đó là cơ quan thụ đắc ngôn ngữ (language acquisition device), và đề xuất rằng các nhà ngôn ngữ học cần xác định cơ quan đó là gì và những ràng buộc mà nó áp đặt lên phạm vi ngôn ngữ có thể sử dụng của con người. Những đặc điểm phổ quát tạo ra từ sự ràng buộc đó có thể được gọi chung là "ngữ pháp phổ quát".[165][166][167] Tuy vậy, nhiều học giả đã phản bác thuyết phổ quát của Chomsky dựa trên các luận điểm sau: tính bất khả thi về mặt tiến hóa của cơ sở di truyền đối với ngôn ngữ,[168] sự thiếu sót đặc điểm phổ quát giữa các ngôn ngữ,[169] và mối liên hệ chưa được chứng minh giữa các cấu trúc bẩm sinh/phổ quát và các cấu trúc của những ngôn ngữ cụ thể.[170] Nhà tâm lý học Michael Tomasello thách thức thuyết cú pháp bẩm sinh của Chomsky, phê phán rằng nó chỉ dựa trên lý thuyết suông chứ chưa dựa trên thực chứng quan sát hành vi.[171] Lý thuyết này trở nên rất phổ biến từ những năm 1960 đến những năm 1990, nhưng rốt cuộc đã bị cộng đồng nghiên cứu chính thống về sự thụ đắc ngôn ngữ ở trẻ em bác bỏ vì bất tương đồng với các bằng chứng thực nghiệm.[172][173] Các nhà ngôn ngữ học như Robert Freidin, Geoffrey Sampson, Geoffrey K. PullumBarbara Scholz đều cho rằng các bằng chứng đưa ra bởi Chomsky là sai lầm.[174]

Ngữ pháp chuyển đổi – tạo sinh

Ngữ pháp chuyển đổi-tạo sinh là một lý thuyết rộng nhằm mô hình hóa, mã hóa và biện luận đánh giá khả năng ngôn ngữ của người bản ngữ.[175] Các mô hình "ngữ pháp hình thức" này mô tả các cấu trúc trừu tượng của một ngôn ngữ cụ thể và liên hệ chúng đến các cấu trúc trong các ngôn ngữ khác.[176] Chomsky đã phát triển mô hình ngữ pháp chuyển đổi vào giữa những năm 1950, từ đó đã trở thành lý thuyết cú pháp thống trị trong ngôn ngữ học hơn hai thập kỷ.[175] "Chuyển đổi" đề cập đến các mối quan hệ cú pháp trong ngôn ngữ, ví dụ: ta có thể suy luận rằng chủ ngữ của hai câu là cùng một người.[177] Lý thuyết của Chomsky cho rằng ngôn ngữ bao gồm cấu trúc sâu và cấu trúc mặt (deep structures and surface structures): Cấu trúc mặt hướng ngoại liên hệ các quy tắc ngữ âm đến âm thanh, còn cấu trúc sâu hướng nội liên hệ từ ngữ đến ý nghĩa khái niệm. Ngữ pháp chuyển đổi-tạo sinh sử dụng các ký hiệu toán học để biểu diễn các quy tắc chi phối mối liên hệ giữa ý nghĩa và âm thanh (tương ứng với cấu trúc sâu và mặt). Theo lý thuyết này, các nguyên tắc ngôn ngữ có thể tạo sinh các cấu trúc câu tiềm năng trong ngôn ngữ một cách toán học.[158]

A set of 4 ovals inside one another, each resting at the bottom of the one larger than itself. There is a term in each oval; from smallest to largest: regular, context-free, context-sensitive, recursively enumerable.
Các tập hợp bao hàm trong hệ phân cấp Chomsky

Chomsky thường được coi là người phát minh thuyết ngữ pháp chuyển đổi - tạo sinh, nhưng trên thực tế, đóng góp ban đầu của ông cho lĩnh vực này còn khá khiêm tốn. Trong bài luận văn năm 1955 và giáo trình Các cấu trúc cú pháp (1957), ông đã trình bày các bước tiến mới trong kỹ thuật phân tích ngôn ngữ được tiên phong bởi Zellig Harris, cố vấn PhD của Chomsky, và bởi Charles F. Hockett.[e] Phương pháp của họ lại vốn bắt nguồn từ công trình của nhà ngôn ngữ học cấu trúc Đan Mạch Louis Hjelmslev, người mà đã có công giới thiệu ngữ pháp giải thuật đến với ngành ngôn ngữ học đại cương.[f] Dựa trên chuẩn ký hiệu ngữ pháp phụ thuộc quy tắc (rule-based notation) đề cập bên trên,[178] Chomsky đã gộp các kiểu ngữ pháp cấu trúc-ngữ đoạn khả dĩ logic thành loạt bốn tập con lồng nhau (nested subset) và các kiểu dần phức tạp thành một mô hình duy nhất có tên là hệ phân cấp Chomsky. Đây được coi là khái niệm cực kỳ quan trọng trong thuyết ngôn ngữ hình thức[179]khoa học máy tính lý thuyết, cụ thể hơn là trong các phân ngạch của nó như lý thuyết ngôn ngữ lập trình,[180] xây dựng trình biên dịch, và lý thuyết Automat.[181]

Ngữ pháp chuyển đổi là mẫu hình nghiên cứu thống trị vào giữa những năm 1970. Tuy vậy, thuyết chi phối và ràng buộc hậu thân[175] đã thay thế nó và trở nên cực kỳ ảnh hưởng vào đầu những năm 1990,[175] thời điểm mà giới ngôn ngữ học đang ưa chuộng cách tiếp cận "tối giản" đối với ngữ pháp. Hướng nghiên cứu này dựa trên khung sườn lý thuyết quy tắc và tham số, theo đó giải thích rằng trẻ con có thể học bất cứ ngôn ngữ nào chỉ bằng cách lấp dần các tham số mở (một tập hợp các quy tắc ngữ pháp phổ quát) mà có khả năng thích ứng khi tiếp xúc với các dữ liệu ngôn ngữ.[182] Chương trình tối giản, đề xướng bởi Chomsky,[183] đặt câu hỏi rằng, quy tắc và tham số tối giản nào có thể khớp thật vừa vặn, tự nhiên, và đơn giản vào mô hình trên.[182] Trong nỗ lực nhằm đơn giản hóa ngôn ngữ thành một "hệ thống liên hệ giữa nghĩa tố và âm tố, chỉ sử dụng các khả năng ngôn ngữ khả dĩ tối thiểu", Chomsky bác bỏ các khái niệm "cấu trúc sâu" và "cấu trúc mặt", thay vào đó nhấn mạnh độ dẻo dai của các mạch thần kinh bên trong bộ não, từ đó mà con người có thể tạo ra hàng tỷ khái niệm hoặc "các dạng logic".[162] Khi được phơi bày với dữ liệu ngôn ngữ, một bộ não của diễn-thính giả sẽ nhanh chóng liên kết âm thanh với ngữ nghĩa, và những quy luật ngữ pháp mà chúng ta quan sát, về bản chất, chỉ là hệ quả hoặc là hiệu ứng phụ của quá trình ngôn ngữ hoạt động mà thôi. Vậy nên, trong khi hầu hết các nghiên cứu trước đó của Chomsky chỉ tập trung vào các quy luật ngôn ngữ, giờ đây, ông chuyển hướng nghiên cứu sang các cơ chế mà bộ não vận dụng để tạo ra các quy luật và điều tiết lời nói.[162][184]

Quan điểm chính trị

Lĩnh vực lớn thứ hai mà Chomsky có công đóng góp—và chắc hẳn [là lĩnh vực] được biết đến rộng rãi hơn đối với khán giả của ông và sự dễ hiểu của những thứ ông viết và nói—là công trình của ông về phân tích chính trị xã hội; chính trị, xã hội, và lịch sử kinh tế; và phê phán của ông đối với tình hình chính trị đương thời. Theo quan điểm của Chomsky, mặc dù những kẻ nắm quyền lực có thể—và đôi khi thực hiện—cố gắng che giấu ý định thực sự của họ và bao che các hành động của họ để làm vừa lòng công chúng, bất kì ai bằng lòng tỏ sự phê bình và suy xét thực tế vẫn có thể nhận thức được những âm mưu toan tính đó.

James McGilvray, 2014[185]

Chomsky là một nhà bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng.[g] Quan điểm chính trị của ông hầu như bất biến kể từ thời trẻ,[186] khi ông còn bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoạt động chính trị thấm nhuần vào truyền thống giai cấp công nhân Do Thái.[187] Ông coi mình là một người theo chủ nghĩa công đoàn-vô trị hoặc chủ nghĩa xã hội tự do.[188] Ông xem những lập trường này không phải là những lý thuyết chính trị chính xác, mà là những lý tưởng đáp ứng tốt nhất nhu cầu và nguyện vọng của con người: quyền tự do, quyền cộng đồng và quyền tự do hiệp hội.[189] Không giống như một số nhà xã hội chủ nghĩa khác, chẳng hạn như những người Mác-xít, Chomsky cho rằng chính trị không phải là một phạm trù khoa học,[190] nhưng ông vẫn tin vào một xã hội lý tưởng dựa trên dữ liệu thực nghiệm và lý thuyết được chứng minh bằng thực nghiệm.[191]

Theo Chomsky, thực tế chính trị luôn bị bóp méo hoặc bị đàn áp một cách có hệ thống bởi chế độ tập đoàn trị; chúng lợi dụng các phương tiện truyền thông, quảng cáo, think tank để quảng bá tuyên truyền bản thân chúng. Những công trình của ông tìm cách phát lộ những hành động như vậy và vén màn sự thật mà chúng che khuất.[192] Chomsky tin rằng mạng lưới giả dối đó có thể bị phá vỡ bởi "lẽ thường", tư duy phản biện và hiểu biết về vai trò của tư lợi-tự lừa dối,[193] và rằng giới trí thức từ bỏ đạo đức bổn phận nói sự thật về chính trị thế giới do lo sợ mất uy tín và nguồn tài trợ.[194] Chomsky cho rằng với tư cách là một trí thức, bổn phẩn của ông là sử dụng đặc lợi xã hội, nguồn lực và thành quả đào tạo của mình để hỗ trợ các phong trào dân chủ được lòng dân.[195]

Tuy đã nhiều lần tham gia vào các hành động bất tuân trực tiếp — biểu tình, chống đối cảnh sát, lập hội nhóm phản kháng — Chomsky chủ yếu chú tâm vào sứ mệnh lan truyền giáo dục, thường xuyên thuyết giảng trước công chúng.[196] Ngoài ra, Chomsky còn là thành viên lâu năm của Hội Công nhân Công nghiệp Thế giới,[197] nối gót người cha đi trước của ông.[198]

Chính sách đối ngoại của Mỹ

Chomsky phát biểu tại Diễn đàn Xã hội Thế giới, một diễn đàn về vấn đề toàn cầu hóa chống bá quyền, tại Porto Alegre vào năm 2003

Chomsky là nhà phê phán chủ nghĩa đế quốc Mỹ nổi bật.[199] Ông từng nhận xét rằng, kể từ lúc ông sống đến giờ, chiến tranh Thế giới thứ hai là cuộc chiến chính nghĩa duy nhất mà Mỹ từng tham gia.[38] Ông tin rằng nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ là thành lập "các xã hội mở" bị kiểm soát về kinh tế-chính trị bởi Mỹ và đóng vai trò là những nơi tiềm năng để mở cửa cho các doanh nghiệp thịnh vượng có trụ sở đặt tại Mỹ.[200] Ông lập luận rằng Mỹ tìm cách trấn áp bất kỳ phong trào nào ở một số quốc gia ví dụ mà không tuân theo lợi ích của họ và sắp đặt các chính quyền thân Mỹ lên nắm quyền.[194] Khi thảo luận về các sự kiện hiện tại, ông luôn nhấn mạnh vị trí của chúng trong một sử quan rộng lớn hơn.[201] Ông lên án gay gắt các ghi chép lịch sử về các chiến dịch hải ngoại của Mỹ và Anh, cho rằng chúng liên tục che mắt công chúng và thay thế sự thật bằng những lời lẽ tuyên truyền kiểu như "lan tỏa dân chủ" hay "lan tỏa Kitô giáo".[202] Những ví dụ nổi bật cho luận điểm đó mà ông thường xuyên trích dẫn là những hành động xâm phạm của Đế quốc Anh ở Ấn Độ-Châu Phi và hành động xâm phạm của Mỹ ở Việt Nam, Philippines, Mỹ Latinh và Trung Đông.[202]

Công trình chính trị của Chomsky tập trung chỉ trích các hành động của Mỹ.[201] Sở dĩ Chomsky nhắm chủ yếu vào Mỹ là bởi đất nước này đã thống trị thế giới về mặt quân sự và kinh tế trong suốt cuộc đời ông, và bởi vì hệ thống bầu cử dân chủ tự do của đất nước này cho phép công dân ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ.[203] Chomsky hy vọng rằng, bằng cách tuyên truyền nhận thức về tác động đối với cư dân của các nước khác trên thế giới bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của Mỹ, ông có thể thuyết phục nhân dân Mỹ cùng nhân dân các quốc gia khác phản đối các chính sách ấy.[202] Ông kêu gọi tất cả mọi cá nhân phải phê phán các động cơ, các quyết định và các hành động của phía chính phủ mình, phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành động của bản thân, và phải áp dụng các tiêu chuẩn ấy cho người khác như thể đó là cho bản thân mình.[204]

Chomsky chỉ trích sự can thiệp của Mỹ trong xung đột Israel–Palestine, vì ông cho rằng Mỹ liên tục ngăn cản hai nước tiến đến một giải pháp hòa bình.[194] Ngoài ra, Chomsky cũng chỉ trích mối quan hệ thân thiết của Mỹ với Ả Rập Xê Útsự can thiệp của Mỹ trong chiến dịch quân sự tại Yemen do Ả Rập Xê Út dẫn dắt. Ông nhấn mạnh rằng chính phủ Ả Rập Xê Út có "một trong những hồ sơ nhân quyền kệch cỡm nhất trên thế giới".[205]

Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội

Từ lúc còn trẻ, Chomsky đã không có thiện cảm đối với chủ nghĩa tư bản và sự theo đuổi của cải vật chất.[206] Đồng thời, ông coi thường chủ nghĩa xã hội chuyên chế, chẳng hạn như các chính sách Mác-Lênin của Liên Xô.[207] Thay vì chấp nhận quan điểm của các nhà kinh tế Mỹ rằng tồn tại một phổ giữa tổng sở hữu nhà nước đối với nền kinh tế và tổng sở hữu tư nhân, Chomsky đề xuất phổ đó nên dựa trên sự kiểm soát dân chủ hoàn toàn đối với nền kinh tế và sự kiểm soát chuyên quyền hoàn toàn (bất kể là nhà nước hay tư nhân).[208] Ông cho rằng các nước tư bản phương Tây không thực sự dân chủ,[209] bởi vì, theo ông, xã hội thực sự dân chủ là xã hội mà trong đó tất cả công dân đều có tiếng nói trong chính sách kinh tế quốc doanh.[210] Ông tuyên bố phản đối giới tinh hoa cầm quyền, trong đó bao gồm các thiết chế như IMF, Ngân hàng Thế giớiGATT (tiền thân của WTO).[211]

Chomsky nhấn mạnh rằng, kể từ những năm 1970, Mỹ đang ngày càng trở nên bất bình đẳng kinh tế do việc bãi bỏ nhiều quy phạm tài chính và sự vô hiệu của thỏa thuận kiểm soát tài chính Bretton Woods.[212] Ông cho rằng Hoa Kỳ là một quốc gia độc đảng de facto (trên thực tế), theo đó Đảng Cộng hòaĐảng Dân chủ thực chất là hai mặt của một đồng xu mang tên "Đảng Kinh doanh", bởi lẽ cả hai phe phái này đều bị chi phối bởi lợi ích doanh nghiệp và tài chính.[213] Chomsky nhấn mạnh thêm, ở những nền dân chủ tự do tư bản phương Tây, ít nhất 80% dân số vẫn không có quyền tham gia vào các quyết định kinh tế, tức là họ nằm gọn trong tay của tầng lớp quản lý vốn bị kiểm soát bởi tầng lớp giàu có thiểu số.[214]

Để ý đến sự bảo thủ của một hệ thống kinh tế như vậy, Chomsky tin tưởng rằng sự thay đổi vẫn có thể thực thi thông qua sự hợp tác có tổ chức của một lượng lớn cá nhân am hiểu vấn đề và tái cơ cấu nền kinh tế theo cách công bình hơn.[214] Chomsky hiểu rõ rằng sự thống trị của doanh nghiệp đối với truyền thông lẫn chính phủ sẽ ngăn cản bất kỳ sự biến chuyển đáng kể nào đối với hệ thống này, song ông vẫn thấy lạc quan khi nhìn lại các dấu mốc lịch sử điển hình cho những biến chuyển lớn lao như vậy, ví dụ: sự khước từ của xã hội đối với chế độ nô lệ như là hành động trái đạo đức, những tiến bộ trong lĩnh vực quyền phụ nữ và sự bắt buộc phải biện giải lý do phát động xâm lược của các chính phủ ngày nay.[212] Ông coi cách mạng bạo lực nhằm lật đổ chính phủ là phương kế cuối cùng nên tránh nếu có thể, dẫn chứng về việc phúc lợi của người dân bị giảm thiểu trầm trọng do biến động xã hội sau các cuộc cách mạng trong lịch sử.[214]

Xung đột Israel – Palestine

Israel sử dụng những phi cơ phản lực chiến đấu và các tàu thủy chiến tinh vi để oanh tạc các trại tị nạn, các ngôi trường, các căn hộ, các thánh đường Hồi giáo, và các khu ổ chuột đông đúc người ở, để tấn công một cộng đồng [dân Palestine] không có không quân, không có vũ khí phòng không, không có hải quân, không có vũ khí hạng nặng, không có pháo binh, không có thiết giáp cơ giới hóa, không có bộ chỉ huy tác chiến, không có quân đội… rồi gán cho nó cái mác chiến tranh. Đây đâu phải chiến tranh, đây là tàn sát.

Chomsky lên tiếng chỉ trích Israel, 2012[215]

Chomsky viết rất nhiều về cuộc xung đột giữa Israel-Palestine, với mong muốn nâng cao nhận thức của người dân về cuộc xung đột này.[216] Từ lâu ông đã tán thành phương án tả khuynh hai dân tộc ở Israel và Palestine, theo đó ủng hộ việc tạo lập một nhà nước dân chủ ở Levant thuộc về cả người Do Thái lẫn người Ả Rập.[217] Ông từng nhận xét việc Liên Hiệp Quốc thông qua Kế hoạch phân vùng Palestine vào năm 1947 là "một quyết định quá tồi tệ."[38] Tuy nhiên, trước thực tế chính trị, ông cũng đã xét đến giải pháp hai nhà nước với điều kiện hai quốc gia-dân tộc phải chung sống một cách bình đẳng.[218] Chomsky bị từ chối nhập cảnh Bờ Tây vào năm 2010 vì những lời chỉ trích của ông đối với Israel. Ông đã được mời thuyết giảng tại Đại học Bir Zeit, đồng thời gặp gỡ Thủ tướng Palestine bấy giờ là Salam Fayyad.[219][220][221][222] Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Israel sau đó phân trần rằng Chomsky bị từ chối nhập cảnh do nhầm lẫn.[223]

Truyền thông tin tức và bộ máy tuyên truyền

Các ấn phẩm chính trị của Chomsky tập trung chủ yếu vào các chủ đề như hệ tư tưởng, quyền lực chính trị, quyền lực xã hội, truyền thông đại chúng, và chính sách nhà nước.[224] Một trong những trước tác nổi danh nhất của ông, cuốn Sản xuất sự đồng thuận (Manufacturing Consent), phân tích vai trò của truyền thông đại chúng trong việc củng cố và khiến người ta mặc nhận các chính sách nhà nước bất kể vị trí trên phổ chính trị của họ và đồng thời cũng loại trừ các quan điểm trái ngược lại với chính sách ấy. Chomsky khẳng định rằng sự kiểm duyệt theo kiểu này, bởi các lực lượng của "thị trường tự do" dẫn dắt bởi nhà nước, xảo quyệt hơn và khó bị đạp đổ hơn hệ thống kiểm duyệt của Liên Xô năm xưa.[225] Theo ông, truyền thông chính lưu thuộc quyền sở hữu của các tập đoàn tư bản và vì vậy nó phản ánh các ưu tiên và các mối quan tâm của các tập đoàn nhất định.[226] Hiểu thấu giới nhà báo Mỹ là những người tâm huyết với nghề và có ý tốt, ông cho rằng các lựa chọn về chủ đề và vấn đề của truyền thông đại chúng, tức những tiền đề không bị ngờ vực mà những hình thức đưa tin về chúng dựa trên, và phạm vi ý kiến được biểu đạt đều bị hạn định ở một mức độ nào đó để củng cố hệ tư tưởng của nhà nước:[227] mặc dù truyền thông đại chúng có thể cả gan chỉ trích một số chính khách và đảng phái chính trị, nó sẽ không tài nào làm lung lay mối nối khăng khít giữa nhà nước và tập đoàn được, mối nối mà chính nó cũng thuộc về.[228] Chẳng hạn, ông nhấn mạnh rằng truyền thông đại chúng ở Mỹ không tuyển dụng các nhà báo theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoặc các bình luận viên chính trị.[229] Ông cũng chỉ ra một số vấn đề nổi cộm mà truyền thông chính lưu Mỹ phớt lờ với lý do đưa tin về chúng sẽ khiến danh tiếng quốc gia bị bôi bẩn, bao gồm vụ hạ sát Fred Hampton của Đảng Black Panther với sự tham gia khả dĩ của FBI, vụ thảm sát tại Nicaragua tiến hành bởi nhóm Contras hậu thuẫn bởi Mỹ, và việc cố tình đưa tin nhấn mạnh thương vong bên phía Israel song lại chẳng mảy may mấy tới số thương vong lớn hơn nhiều bên phía Palestine.[230] Để giải quyết vấn đề nan giải này, Chomsky kêu gọi một sự kiểm soát và can thiệp vào truyền thông theo kiểu dân chủ cơ sở (grassroots democracy).[231]

Triết học

Chomsky cũng có nhiều hoạt động đáng chú ý trong một số lĩnh vực triết học như triết học tâm trí, triết học ngôn ngữ, và triết học khoa học.[232] Ông được mệnh danh là người châm ngòi cho cuộc "cách mạng nhận thức" (cognitive revolution),[232] một biến chuyển mẫu hình (paradigm shift) đáng kể trong khuôn khổ triết học, theo đó phản đối trào lưu thực chứng logic và góp phần tái định hình lối tư duy của các nhà triết học về ngôn ngữ và tinh thần.[183] Ông cho rằng cuộc cách mạng nhận thức vốn bắt nguồn từ chủ nghĩa duy lý hồi thế kỷ 17.[233] Lập trường của Chomsky — ý tưởng cho rằng tinh thần bao hàm các cấu trúc cố hữu giúp ta thấu hiểu ngôn ngữ, tri giác, và tư duy — có nhiều điểm chung với chủ nghĩa duy lý (Thời kỳ Khai sáng và Tư tưởng Decartes) hơn là chủ nghĩa hành vi.[234] Chomsky coi cuốn Cartesian Linguistics: A Chapter in the History of Rationalist Thought (1966) là trước tác quan trọng nhất của ông.[233] Tuy nhiên, một số nhà triết học và sử học không đồng tình với cách diễn giải thư tịch cổ điển cũng như cách dùng thuật ngữ triết học của Chomsky trong tác phẩm.[h] Trong triết học ngôn ngữ, Chomsky nổi danh với các chỉ trích nhắm vào khái niệm tham chiếu và ý nghĩa của ngôn ngữ con người, cũng như các quan niệm về bản chất và chức năng của biểu tượng tinh thần.[235]

Tác phẩm tuyển chọn

Chú thích

Chú giải

  1. ^ Tiếng Anh: /nm ˈɒmski/ NOHM CHOM-skee, tiếng Hebrew: [ˈnoʔam ˈχomski].
  2. ^ "Khi xem xét về ảnh hưởng của các tác phẩm của Chomsky, chúng ta phải tập trung vào việc tiếp nhận những tác phẩm đó và nhận thức về Chomsky với tư cách là một người Do Thái, một nhà ngôn ngữ học, một triết gia, một nhà sử học, một nhà bất đồng chính kiến, một biểu tượng và một người theo chủ nghĩa vô chính phủ." (Barsky 2007:107)
  3. ^ "Since his Cartesian linguistics (1966) it has been clear that Chomsky is a superb intellectual historian—a historian of philosophy in the case of his 1966 book, his earliest incursion into the field; later writings (e.g., Year 501) extended the coverage to world history. The lectures just mentioned and other writings take on highly significant and sometimes not properly appreciated, and often misunderstood, developments in the history of science." (Otero 2003:416)
  4. ^
    • Fox 1998: "Mr. Chomsky ... is the father of modern linguistics and remains the field's most influential practitioner."
    • Tymoczko & Henle 2004, tr. 101: "As the founder of modern linguistics, Noam Chomsky, observed, each of the following sequences of words is nonsense ..."
    • Tanenhaus 2016: "At 87, Noam Chomsky, the founder of modern linguistics, remains a vital presence in American intellectual life."
  5. ^
    • Smith 2004, tr. 107 "Chomsky's early work was renowned for its mathematical rigor and he made some contribution to the nascent discipline of mathematical linguistics, in particular the analysis of (formal) languages in terms of what is now known as the Chomsky hierarchy."
    • Koerner 1983, tr. 159: "Characteristically, Harris proposes a transfer of sentences from English to Modern Hebrew ... Chomsky's approach to syntax in Syntactic Structures and several years thereafter was not much different from Harris's approach, since the concept of 'deep' or 'underlying structure' had not yet been introduced. The main difference between Harris (1954) and Chomsky (1957) appears to be that the latter is dealing with transfers within one single language only"
  6. ^
    • Koerner 1978, tr. 41f: "it is worth noting that Chomsky cites Hjelmslev's Prolegomena, which had been translated into English in 1953, since the authors' theoretical argument, derived largely from logic and mathematics, exhibits noticeable similarities."
    • Seuren 1998, tr. 166: "Both Hjelmslev and Harris were inspired by the mathematical notion of an algorithm as a purely formal production system for a set of strings of symbols. ... it is probably accurate to say that Hjelmslev was the first to try and apply it to the generation of strings of symbols in natural language"
    • Hjelmslev 1969 Prolegomena to a Theory of Language. Danish original 1943; first English translation 1954.
  7. ^
    • Macintyre 2010
    • Burris 2013: "Noam Chomsky has built his entire reputation as a political dissident on his command of the facts."
    • McNeill 2014: "[Chomsky is] often dubbed one of the world's most important intellectuals and its leading public dissident ..."
  8. ^
    • Hamans & Seuren 2010, tr. 377: "Having achieved a unique position of supremacy in the theory of syntax and having exploited that position far beyond the narrow circles of professional syntacticians, he felt the need to shore up his theory with the authority of history. It is shown that this attempt, resulting mainly in his Cartesian Linguistics of 1966, was widely, and rightly, judged to be a radical failure"
      [Sau khi đạt được vị thế tuyệt đối độc nhất trong ngành lý thuyết cú pháp và rồi lợi dụng lợi thế đó để mở rộng tầm ảnh hưởng ra khỏi khuôn khổ hẹp hòi của các nhà cú pháp chuyên nghiệp, ông giờ đây cảm thấy phải củng cố lý thuyết của mình nhờ vào thẩm quyền của lĩnh vực sử học. Nỗ lực này, với hệ quả chủ yếu là cuốn Cartesian Linguistics năm 1966, đã được chứng minh và phán xét một cách rộng rãi và chính đáng, là một thất bại triệt để]
Lỗi chú thích: Thẻ <ref> có tên “important” được định nghĩa trong <references> không được đoạn văn bản trên sử dụng.

Trích dẫn

  1. ^ Partee 2015, tr. 328.
  2. ^ a b Chomsky 1991, tr. 50.
  3. ^ Sperlich 2006, tr. 44–45.
  4. ^ Slife 1993, tr. 115.
  5. ^ Barsky 1997, tr. 58.
  6. ^ Antony & Hornstein 2003, tr. 295.
  7. ^ Chomsky 2016.
  8. ^ Harbord 1994, tr. 487.
  9. ^ a b c d e Barsky 2007, tr. 107.
  10. ^ Smith 2004, tr. 185.
  11. ^ Kanan Makiya, Fouad Moughrabi, Adel Safty, Rex Brynen, "Letters to the Editor" trong Journal of Palestine Studies, Journal of Palestine Studies thông qua JSTOR (Ch. 23, Số 4, Mùa hè, 1994, tr. 196–200), truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2007. Trích đoạn liên quan: "On page 146 of my book, I clearly adopt the propaganda model developed by Noam Chomsky and Edward Herman..."
  12. ^ a b Amid the Philosophers.
  13. ^ Persson & LaFollette 2013.
  14. ^ Prickett 2002, tr. 234.
  15. ^ Searle 1972.
  16. ^ a b c d e Adams 2003.
  17. ^ Gould 1981.
  18. ^ “Kyle Kulinski Speaks, the Bernie Bros Listen”. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2022.
  19. ^ Keller 2007.
  20. ^ Swartz 2006.
  21. ^ Babe 2015, tr. xvii.
  22. ^ Lyons 1978, tr. xv; Barsky 1997, tr. 9; McGilvray 2014, tr. 3.
  23. ^ a b Barsky 1997, tr. 9–10; Sperlich 2006, tr. 11.
  24. ^ Barsky 1997, tr. 9.
  25. ^ Barsky 1997, tr. 11.
  26. ^ Russ, Valerie (12 tháng 7 năm 2021). “Dr. David Chomsky, a cardiologist who made house calls, dies at 86”. Philadelphia Inquirer. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2021.
  27. ^ Feinberg 1999, tr. 3.
  28. ^ a b Barsky 1997, tr. 11–13; Sperlich 2006, tr. 11.
  29. ^ Barsky 1997, tr. 11–13.
  30. ^ Barsky 1997, tr. 15.
  31. ^ Lyons 1978, tr. xv; Barsky 1997, tr. 15–17; Sperlich 2006, tr. 12; McGilvray 2014, tr. 3.
  32. ^ Lyons 1978, tr. xv; Barsky 1997, tr. 21–22; Sperlich 2006, tr. 14; McGilvray 2014, tr. 4.
  33. ^ a b Lyons 1978, tr. xv; Barsky 1997, tr. 15–17.
  34. ^ Barsky 1997, tr. 14; Sperlich 2006, tr. 11, 14–15.
  35. ^ Barsky 1997, tr. 23; Sperlich 2006, tr. 12, 14–15, 67; McGilvray 2014, tr. 4.
  36. ^ Barsky 1997, tr. 23.
  37. ^ Lyons 1978, tr. xv; Barsky 1997, tr. 15–17; Sperlich 2006, tr. 13; McGilvray 2014, tr. 3.
  38. ^ a b c “Interview with Noam Chomsky”. Interviews with Max Raskin (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2022.
  39. ^ Barsky 1997, tr. 17–19.
  40. ^ Barsky 1997, tr. 17–19; Sperlich 2006, tr. 16, 18.
  41. ^ Barsky 1997, tr. 47; Sperlich 2006, tr. 16.
  42. ^ Barsky 1997, tr. 47.
  43. ^ Sperlich 2006, tr. 17.
  44. ^ Barsky 1997, tr. 48–51; Sperlich 2006, tr. 18–19, 31.
  45. ^ Barsky 1997, tr. 51–52; Sperlich 2006, tr. 32.
  46. ^ Barsky 1997, tr. 51–52; Sperlich 2006, tr. 33.
  47. ^ Sperlich 2006, tr. 33.
  48. ^ Lyons 1978, tr. xv; Barsky 1997, tr. 79; Sperlich 2006, tr. 20.
  49. ^ Sperlich 2006, tr. 33–34.
  50. ^ Sperlich 2006, tr. 34.
  51. ^ Barsky 1997, tr. 81.
  52. ^ Barsky 1997, tr. 83–85; Sperlich 2006, tr. 36; McGilvray 2014, tr. 4–5.
  53. ^ Sperlich 2006, tr. 38.
  54. ^ Sperlich 2006, tr. 36.
  55. ^ Barsky 1997, tr. 13, 48, 51–52; Sperlich 2006, tr. 18–19.
  56. ^ Sperlich 2006, tr. 20.
  57. ^ Sperlich 2006, tr. 20–21.
  58. ^ Barsky 1997, tr. 82; Sperlich 2006, tr. 20–21.
  59. ^ Barsky 1997, tr. 24; Sperlich 2006, tr. 13.
  60. ^ Barsky 1997, tr. 24–25.
  61. ^ Barsky 1997, tr. 26.
  62. ^ Barsky 1997, tr. 34–35.
  63. ^ Barsky 1997, tr. 36.
  64. ^ “Chomsky and the Marlenites”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2010.
  65. ^ “Personal influences, by Noam Chomsky (Excerpted from The Chomsky Reader)”. Chomsky.info. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2018.
  66. ^ Lyons 1978, tr. xv; Barsky 1997, tr. 86–87; Sperlich 2006, tr. 38–40.
  67. ^ Barsky 1997, tr. 87.
  68. ^ Lyons 1978, tr. xvi; Barsky 1997, tr. 91.
  69. ^ Barsky 1997, tr. 91; Sperlich 2006, tr. 22.
  70. ^ Barsky 1997, tr. 88–91; Sperlich 2006, tr. 40; McGilvray 2014, tr. 5.
  71. ^ Barsky 1997, tr. 88–91.
  72. ^ Lyons 1978, tr. 1.
  73. ^ Lyons 1978, tr. xvi; Barsky 1997, tr. 84.
  74. ^ Lyons 1978, tr. 6; Barsky 1997, tr. 96–99; Sperlich 2006, tr. 41; McGilvray 2014, tr. 5.
  75. ^ MacCorquodale 1970, tr. 83–99.
  76. ^ Barsky 1997, tr. 119.
  77. ^ Barsky 1997, tr. 101–102, 119; Sperlich 2006, tr. 23.
  78. ^ Barsky 1997, tr. 102.
  79. ^ Knight 2018a.
  80. ^ Barsky 1997, tr. 103.
  81. ^ Barsky 1997, tr. 104.
  82. ^ Lyons 1978, tr. xvi; Barsky 1997, tr. 120.
  83. ^ Barsky 1997, tr. 122.
  84. ^ Sperlich 2006, tr. 60–61.
  85. ^ Allott, Knight & Smith 2019, tr. 62.
  86. ^ Hutton 2020, tr. 32; Harris 2021, tr. 399-400, 426, 454.
  87. ^ Chomsky và đồng nghiệp 2017.
  88. ^ Golumbia và đồng nghiệp 2018.
  89. ^ Barsky 1997, tr. 114.
  90. ^ Sperlich 2006, tr. 78.
  91. ^ Barsky 1997, tr. 120, 122; Sperlich 2006, tr. 83.
  92. ^ Lyons 1978, tr. xvii; Barsky 1997, tr. 123; Sperlich 2006, tr. 83.
  93. ^ Chomsky, Noam (1970). At war with Asia (ấn bản 1). New York: Pantheon Books. ISBN 978-0394462103.
  94. ^ Lyons 1978, tr. xvi–xvii; Barsky 1997, tr. 163; Sperlich 2006, tr. 87.
  95. ^ Lyons 1978, tr. 5; Barsky 1997, tr. 123.
  96. ^ Barsky 1997, tr. 134–135.
  97. ^ Barsky 1997, tr. 162–163.
  98. ^ Lyons 1978, tr. 5; Barsky 1997, tr. 127–129.
  99. ^ Lyons 1978, tr. 5; Barsky 1997, tr. 127–129; Sperlich 2006, tr. 80–81.
  100. ^ Barsky 1997, tr. 121–122, 131.
  101. ^ Barsky 1997, tr. 121; Sperlich 2006, tr. 78.
  102. ^ Barsky 1997, tr. 121–122, 140-141; Albert 2006, tr. 98; Knight 2016, tr. 34.
  103. ^ Barsky 1997, tr. 153; Sperlich 2006, tr. 24–25, 84–85.
  104. ^ Barsky 1997, tr. 124; Sperlich 2006, tr. 80.
  105. ^ Barsky 1997, tr. 123–124; Sperlich 2006, tr. 22.
  106. ^ a b Barsky 1997, tr. 143.
  107. ^ Lyons 1978, tr. xv–xvi; Barsky 1997, tr. 120, 143.
  108. ^ a b Barsky 1997, tr. 156.
  109. ^ Greif 2015, tr. 312–313.
  110. ^ a b Sperlich 2006, tr. 51.
  111. ^ Barsky 1997, tr. 175.
  112. ^ Barsky 1997, tr. 167, 170.
  113. ^ Barsky 1997, tr. 157.
  114. ^ Barsky 1997, tr. 160–162; Sperlich 2006, tr. 86.
  115. ^ Sperlich 2006, tr. 85.
  116. ^ Barsky 1997, tr. 187; Sperlich 2006, tr. 86.
  117. ^ Barsky 1997, tr. 187.
  118. ^ Sperlich 2006, tr. 103.
  119. ^ Lukes 1980.
  120. ^ Barsky 1997, tr. 187–189.
  121. ^ a b Barsky 1997, tr. 190.
  122. ^ Barsky 1997, tr. 179–180; Sperlich 2006, tr. 61.
  123. ^ Barsky 1997, tr. 185; Sperlich 2006, tr. 61.
  124. ^ Barsky 1997, tr. 184.
  125. ^ Barsky 1997, tr. 78.
  126. ^ Barsky 1997, tr. 185.
  127. ^ Birnbaum 2010; Aeschimann 2010.
  128. ^ Sperlich 2006, tr. 91, 92.
  129. ^ Sperlich 2006, tr. 91.
  130. ^ Sperlich 2006, tr. 99; McGilvray 2014, tr. 13.
  131. ^ Sperlich 2006, tr. 98.
  132. ^ Barsky 1997, tr. 160, 202; Sperlich 2006, tr. 127–134.
  133. ^ Sperlich 2006, tr. 136.
  134. ^ Sperlich 2006, tr. 138–139.
  135. ^ Sperlich 2006, tr. 53.
  136. ^ a b c Sperlich 2006, tr. 104.
  137. ^ Sperlich 2006, tr. 107.
  138. ^ Sperlich 2006, tr. 109–110.
  139. ^ Sperlich 2006, tr. 110–111.
  140. ^ Sperlich 2006, tr. 143.
  141. ^ The Hindu 2001.
  142. ^ a b Sperlich 2006, tr. 120.
  143. ^ Sperlich 2006, tr. 114–118.
  144. ^ Weidenfeld 2017.
  145. ^ Sperlich 2006, tr. 10.
  146. ^ a b Sperlich 2006, tr. 25.
  147. ^ Sperlich 2006, tr. 112–113, 120.
  148. ^ Younge & Hogue 2012.
  149. ^ NAPF 2014.
  150. ^ Ferguson.
  151. ^ Gold 2016.
  152. ^ Harwood 2016.
  153. ^ Ortiz 2017.
  154. ^ Mace.
  155. ^ Vučić 2018.
  156. ^ Bobanović 2018.
  157. ^ “Noam Chomsky and Jeremy Scahill on the Russia-Ukraine War, the Media, Propaganda, and Accountability”. The Intercept. 14 tháng 4 năm 2022.
  158. ^ a b c Baughman et al. 2006.
  159. ^ Lyons 1978, tr. 4; McGilvray 2014, tr. 2–3.
  160. ^ Lyons 1978, tr. 7.
  161. ^ Lyons 1978, tr. 6; McGilvray 2014, tr. 2–3.
  162. ^ a b c Brain From Top To Bottom.
  163. ^ McGilvray 2014, tr. 11.
  164. ^ Dovey 2015.
  165. ^ Chomsky.
  166. ^ Thornbury 2006, tr. 234.
  167. ^ O'Grady 2015.
  168. ^ Christiansen & Chater 2010, tr. 489; Ruiter & Levinson 2010, tr. 518.
  169. ^ Evans & Levinson 2009, tr. 429; Tomasello 2009, tr. 470.
  170. ^ Tomasello 2003, tr. 284.
  171. ^ Tomasello 1995, tr. 131.
  172. ^ Fernald & Marchman 2006, tr. 1027–1071.
  173. ^ de Bot 2015, tr. 57–61.
  174. ^ Pullum & Scholz 2002, tr. 9—50.
  175. ^ a b c d Harlow 2010, tr. 752.
  176. ^ Harlow 2010, tr. 752–753.
  177. ^ Harlow 2010, tr. 753.
  178. ^ Morris 2013, tr. 189.
  179. ^ Butterfield, Ngondi & Kerr 2016.
  180. ^ Knuth 2002.
  181. ^ Davis, Weyuker & Sigal 1994, tr. 327.
  182. ^ a b Hornstein 2003.
  183. ^ a b Szabó 2010.
  184. ^ Fox 1998.
  185. ^ McGilvray 2014, tr. 12.
  186. ^ Barsky 1997, tr. 95; McGilvray 2014, tr. 4.
  187. ^ Sperlich 2006, tr. 77.
  188. ^ Sperlich 2006, tr. 14; McGilvray 2014, tr. 17, 158.
  189. ^ McGilvray 2014, tr. 17.
  190. ^ Sperlich 2006, tr. 74; McGilvray 2014, tr. 16.
  191. ^ McGilvray 2014, tr. 222.
  192. ^ Sperlich 2006, tr. 8; McGilvray 2014, tr. 158.
  193. ^ Sperlich 2006, tr. 74; McGilvray 2014, tr. 12–13.
  194. ^ a b c McGilvray 2014, tr. 159.
  195. ^ McGilvray 2014, tr. 161.
  196. ^ Sperlich 2006, tr. 71.
  197. ^ Edgley, Alison (2016). Noam Chomsky (bằng tiếng Anh). Springer. tr. 42. ISBN 978-1-137-32021-6. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2023.
  198. ^ Goldman, Jan biên tập (2014). “Chomsky, Noam”. The War on Terror Encyclopedia: From the Rise of Al-Qaeda to 9/11 and Beyond (bằng tiếng Anh). ABC-CLIO. tr. 87. ISBN 978-1-61069-511-4. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2023.
  199. ^ Milne 2009.
  200. ^ Sperlich 2006, tr. 92.
  201. ^ a b McGilvray 2014, tr. 160.
  202. ^ a b c McGilvray 2014, tr. 13.
  203. ^ McGilvray 2014, tr. 14, 160.
  204. ^ McGilvray 2014, tr. 18.
  205. ^ Democracy Now! 2016.
  206. ^ Sperlich 2006, tr. 15.
  207. ^ Barsky 1997, tr. 168; Sperlich 2006, tr. 16.
  208. ^ McGilvray 2014, tr. 164–165.
  209. ^ McGilvray 2014, tr. 169.
  210. ^ McGilvray 2014, tr. 170.
  211. ^ Barsky 1997, tr. 211.
  212. ^ a b McGilvray 2014, tr. 14.
  213. ^ McGilvray 2014, tr. 14–15.
  214. ^ a b c McGilvray 2014, tr. 15.
  215. ^ Glaser 2012.
  216. ^ Gendzier 2017, tr. 314.
  217. ^ Barsky 1997, tr. 170; Sperlich 2006, tr. 76–77; McGilvray 2014, tr. 159.
  218. ^ Sperlich 2006, tr. 97; McGilvray 2014, tr. 159.
  219. ^ Pilkington 2010.
  220. ^ Bronner 2010.
  221. ^ Al Jazeera 2010.
  222. ^ Democracy Now! 2010.
  223. ^ Kalman 2014.
  224. ^ Rai 1995, tr. 20.
  225. ^ Rai 1995, tr. 37–38.
  226. ^ McGilvray 2014, tr. 179.
  227. ^ McGilvray 2014, tr. 178.
  228. ^ McGilvray 2014, tr. 189.
  229. ^ McGilvray 2014, tr. 177.
  230. ^ McGilvray 2014, tr. 179–182.
  231. ^ McGilvray 2014, tr. 184.
  232. ^ a b McGilvray 2014, tr. 19.
  233. ^ a b Friesen 2017, tr. 46.
  234. ^ Greif 2015, tr. 313.
  235. ^ Cipriani 2016, tr. 44–60.

Tham khảo

Đọc thêm

Liên kết ngoài