Người Indonesia gốc Hoa
Ngôn ngữ | |
---|---|
Tôn giáo | |
Sắc tộc có liên quan | |
Người Hoa Indonesia (tiếng Indonesia: Orang Indonesia keturunan Tionghoa) hoặc (tại Indonesia) chỉ gọi đơn thuần là Trung Hoa (giản thể: 中华; phồn thể: 中華; bính âm: Zhōnghuá; Bạch thoại tự: Tiong-hôa) là sắc tộc có nguồn gốc từ những người nhập cư trực tiếp từ Trung Quốc hoặc gián tiếp từ các quốc gia khác. Dân số người Indonesia gốc Hoa tăng trưởng nhanh chóng trong thời kỳ thuộc địa, khi các lao công ký giao kèo đến từ quê hương của mình tại Hoa Nam. Theo điều tra nhân khẩu Indonesia năm 2010, có trên 2,8 triệu người tự nhận định là người Hoa, chiếm 1,20% dân số toàn quốc.[1] Dưới chính sách phân loại dân tộc của người Hà Lan, người Indonesia gốc Hoa bị cho là "người phương Đông ngoại quốc", do đó họ phải đấu tranh để tham gia đời sống xã hội-chính trị của thuộc địa và quốc gia, song thành công trong các nỗ lực kinh tế. Bằng chứng về phân biệt đối xử chống người Indonesia gốc Hoa tồn tại trong suốt lịch sử đảo quốc, song các chính sách của chính phủ được thi hành từ năm 1998 đã nỗ lực để khắc phục tình trạng này.
Sự phát triển của xã hội và văn hóa người Hoa địa phương dựa trên ba trụ cột: liên kết dòng tộc, truyền thông dân tộc, và trường học Hoa văn.[2][3] Chúng phát triển mạnh trong thời kỳ dân tộc chủ nghĩa vào những năm cuối triều Thanh và trong Chiến tranh Trung-Nhật; tuy nhiên các khác biệt về mục tiêu của tình cảm dân tộc chủ nghĩa khiến cộng đồng bị chia rẽ, một nhóm ủng hộ các cải cách chính trị tại Trung Quốc đại lục, trong khi những người khác hành động nhằm cải thiện thân phận trong chính trị Indonesia. Chính phủ Trật tự Mới (1967–1998) phá hủy các trụ cột của bản sắc Trung Hoa nhằm ủng hộ các chính sách đồng hóa. Những dấu hiệu về đồng hóa và tương tác dân tộc có thể nhận thấy trong văn chương, kiến trúc, và ẩm thực.
Gần một nửa số người Indonesia gốc Hoa cư trú trên đảo Java. Mặc dù người Hoa thường đô thị hóa hơn cư dân bản địa của Indonesia,[4] song tồn tại các cộng đồng nông thôn và nông nghiệp đáng kể trên toàn quốc. Tỷ suất sinh giảm khiến tháp dân số của người Hoa Indonesia hướng lên trên khi độ tuổi trung bình tăng. Tình trạng di cư cũng góp phần khiến dân số người Hoa Indonesia suy giảm, và có nhiều cộng đồng nổi lên tại các quốc gia công nghiệp hóa hơn trong nửa cuối của thế kỷ 20. Một số người tham gia các chương trình hồi hương về Trung Quốc, trong khi những người khác di cư sang các quốc gia phương Tây để thoát khỏi tình cảm bài Hoa. Trong số các cư dân hải ngoại, đặc tính Indonesia của họ đáng kể hơn đặc tính Trung Quốc.[5]
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Người Trung Quốc nhập cư đến Indonesia hầu như đều thuộc các nhóm người Hoa tại Phúc Kiến và Quảng Đông tại Hoa Nam, là các tỉnh vốn nổi tiếng bởi tính đa dạng khu vực.[6]
Người Mân Nam là nhóm người Hoa đầu tiên định cư với số lượng lớn tại Indonesia, họ có nguồn gốc từ miền Nam tỉnh Phúc Kiến và là nhóm di dân chiếm ưu thế cho đến giữa thế kỷ 19. Văn hóa thương thuyền hàng hải bắt nguồn từ các nghề mậu dịch của họ khi cư trú tại Indonesia. Hậu duệ của người Mân Nam là nhóm chiếm ưu thế tại miền Đông Indonesia, Trung Java và Đông Java, và duyên hải phía tây của Sumatra. Người Triều Châu có nguồn gốc từ khu vực lân cận phía nam của Mân Nam, họ cư trú khắp duyên hải phía đông của Sumatra, tại Quần đảo Riau, và miền tây Borneo. Ban đầu, họ có xu hướng làm các lao công đồn điền tại Sumatra, song trở thành thương nhân tại các khu vực mà người Mân Nam ít hiện diện.[7]
Người Khách Gia có nguồn gốc từ các khu vực nội lục đồi núi của Quảng Đông và không có một văn hóa hàng hải.[7] Do địa hình tại quê hương không phù hợp để sản xuất, người Khách Gia di cư vì nguyên nhân kinh tế trong nhiều đợt từ năm 1850 đến 1930 và là nhóm nghèo nhất trong các nhóm di dân người Hoa. Ban đầu, người Khách Gia cư trú tại các trung tâm khai mỏ ở miền tây Borneo và đảo Bangka, song họ bị thu hút trước sự phát triển nhanh chóng của Batavia (Jakarta) và Tây Java vào cuối thế kỷ 19.[8]
Giống như người Khách Gia, người Quảng Đông ban đầu có tiếng về nghề thợ mỏ khắp Đông Nam Á. Di cư trong thế kỷ 19 phần lớn hướng đến các mỏ thiếc tại Bangka ở ngoài khơi Sumatra. Người Quảng Đông theo truyền thống nổi tiếng với kỹ năng thủ công khéo léo, được hưởng lợi ích từ tiếp xúc mật thiết với người châu Âu tại Quảng Đông và Hồng Kông khi được tiếp xúc với máy móc và công nghiệp. Họ di cư đến Java đồng thời kỳ với người Khách Gia song do các nguyên nhân khác biệt. Trong các thành thị của Indonesia, họ trở thành các thợ thủ công, thợ máy, và sở hữu các cơ sở kinh doanh nhỏ như nhà hàng hoặc khách sạn. Người Quảng Đông phân bổ đồng đều trên khắp quần đảo, và số lượng ít hơn nhiều so với người Mân Nam hoặc người Khách Gia. Do đó vai trò của họ chỉ là phụ trong các cộng đồng người Hoa.[8]
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Các tương tác ban đầu
[sửa | sửa mã nguồn]Phong trào người dân từ Trung Quốc tiến đến Đông Nam Á Hàng hải lần đầu tiên theo ghi chép diễn ra khi quân Mông Cổ dưới quyền Hốt Tất Liệt kéo đến, đỉnh điểm là xâm chiếm Java vào năm 1293. Người Nguyên đưa các kỹ thuật của Trung Hoa đến quần đảo, bao gồm đóng tàu và đúc tiền. Can thiệp của người Nguyên đẩy nhanh sự suy sụp của các vương quốc cổ như Singhasari và thúc đẩy sự xuất hiện của đế quốc Majapahit.[9] Một số nguồn tiếng Hoa và Bồ Đào Nha biểu thị rằng các thương nhân người Hoa là những người đầu tiên đến Ternate và Tidore thuộc Quần đảo Maluku để mua đinh hương, nhưng sau đó họ bị người Java đẩy lui khi Majapahit khoách trương.[10]
Các thương nhân người Hồi từ duyên hải miền đông của Trung Quốc đến các đô thị duyên hải của Indonesia và Malaysia vào đầu thế kỷ 15. Họ nằm dưới quyền lãnh đạo của Trịnh Hòa, là người chỉ huy vài hành trình đến khu vực Đông Nam Á từ năm 1405 đến năm 1430. Trong Doanh nhai thắng lãm, dịch giả Mã Hoán của Trịnh Hòa cung cấp tư liệu về các hoạt động của người Hồi trong quần đảo và di sản mà Trịnh Hòa cũng thuộc hạ để lại.[11] Các thương nhân người Hồi định cư dọc duyên hải phía bắc của Java, song không có văn kiện về các khu định cư của họ sau thế kỷ 16. Người Hồi có vẻ như đã bị hấp thu và cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số.[12] Từ năm 1450 đến năm 1520, quan tâm của triều Minh tại khu vực Đông Nam Á xuống mức thấp và mậu dịch cả hợp pháp và phi pháp đều hiếm khi tiếp cận quần đảo.[13] Người Bồ Đào Nha không đề cập đến bất kỳ dân cư thiểu số người Hoa nào khi họ đến Indonesia vào đầu thế kỷ 16.[14] Mậu dịch từ phương bắc được tái lập khi Trung Quốc hợp pháp hóa mậu dịch tư nhân vào năm 1567 thông qua cấp phép cho 50 thuyền mành mỗi năm. Vài năm sau, bạc bắt đầu chảy vào khu vực, từ Nhật Bản, Mexico và châu Âu, và mậu dịch lại một lần nữa hưng thịnh. Các khu vực kiều dân riêng của người Hoa xuất hiện tại hàng trăm cảng trên khắp Đông Nam Á, bao gồm cả cảng hạt tiêu của Banten.[13]
Các thương nhân người Hoa tẩy chay Malacca sau khi lãnh thổ này rơi vào tay người Bồ Đào Nha vào năm 1511.[15] Người Hoa giao dịch kinh doanh với người Mã Lai và người Java thay vì người Bồ Đào Nha.[16] Một số người Hoa tại Java giúp đỡ trong các nỗ lực của người Hồi giáo nhằm tái chiếm thành phố bằng tàu. Sự tham dự của người Java và người Hoa trong việc tái chiếm Malacca được ghi chép trong "Biên niên sử Mã Lai Semarang và Cerbon".[15]
Quan điểm thuộc địa (1600–1900)
[sửa | sửa mã nguồn]Thời điểm người Hà Lan đến vào đầu thế kỷ 17, tồn tại các khu dân cư lớn của người Hoa dọc duyên hải phía bắc của Java. Hầu hết cư dân tại đó là thương nhân, song họ cũng sản xuất nông nghiệp trong các khu vực nội lục. Người Hà Lan ký hợp đồng với nhiều trong số các di dân này với thân phận là những thợ thủ công lành nghề khi xây dựng Batavia (Jakarta) trên duyên hải phía tây bắc của đảo Java.[12] Batavia là một bến cảng mới thiết lập, được chọn làm trụ sở của Công ty Đông Ấn Hà Lan vào năm 1609. Batavia phát triển thành một trung tâm lớn về mậu dịch với Trung Quốc và Ấn Độ, trở thành nơi cư trú của một cộng đồng người Hoa đông đảo tại quần đảo và duy trì điều này sang đến thế kỷ 21.[17] Các toàn quyền ban đầu của Đông Ấn Hà Lan khuyến khích nhập khẩu di dân người Hoa đến các khu dân cư mới vì lợi ích của các địa điểm này và vì mục đích thu thập các gia vị như đinh hương, nhục đậu khấu.[18] Dân số người Hoa tại Batavia tăng từ 300–400 vào năm 1619 lên đến ít nhất 10.000 vào năm 1740.[19] Tuy nhiên, người Hà Lan thi hành một hệ thống phân loại chủng tộc mà theo đó tách cư dân gốc Hoa khỏi các đối tượng khác.[20]
Hầu hết người Hoa định cư tại quần đảo đã đoạn tuyệt các quan hệ của họ với Trung Quốc và hoan nghênh đối đãi thuận lợi và bảo hộ dưới quyền người Hà Lan.[21] Một số trở thành trung gian trong cấu trúc của Công ty Đông Ấn Hà Lan, có nhiệm vụ thu thuế quan xuất nhập khẩu và quản lý thu hoạch tài nguyên thiên nhiên;[22] mặc dù điều này sinh lợi cao độ song nó gây ra tình trạng thù địch của cư dân pribumi đối với người Hoa. Những người khác lao động trong thân phận lao công thuốc phiện.[23] Sau Thảm sát Batavia năm 1740 và chiến tranh tiếp đó, trong đó người Hoa nổi loạn chống người Hà Lan,[24] người Hà Lan nỗ lực đặt một hạn ngạch về số lượng người Hoa có thể đến Đông Ấn. Hạ Môn được xác định là cảng di cư duy nhất đến Đông Ấn, và các tàu bị hạn chế một số lượng cụ thể thủy thủ đoàn và hành khách tùy theo kích cỡ. Hạn ngạch này được điều chỉnh nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu về lao công hải ngoại, như trong tháng 7 năm 1802 khi các nhà máy đường gần Batavia có nhu cầu về lao công.[25]
Khi Công ty Đông Ấn Hà Lan được quốc hữu hóa vào ngày 31 tháng 12 năm 1799, nhiều đặc quyền của người Hoa thời Công ty bị chính phủ Hà Lan loại bỏ. Trong số đó có việc người Hoa được độc quyền buôn bán muối do Công ty Đông Ấn Hà Lan cấp.[26] Một quy định vào năm 1816 đưa ra một yêu cầu cho cư dân bản địa và người Hoa đi lại trong lãnh thổ phải có một giấy phép di chuyển. Những người không mang một giấy phép phải đối diện với việc bị lực lượng an ninh bắt giữ. Toàn quyền cũng đưa ra một nghị quyết vào năm 1825 mà theo đó cấm chỉ "người ngoại quốc châu Á tại Java như người Mã Lai, người Bugis, và người Hoa" cư trú trong cùng khu phố như người bản địa.[27] Sau Chiến tranh Java (1825–1830) đắt giá, người Hà Lan thi hành một hệ thống ruộng đất và canh tác mới, theo đó yêu cầu các nông dân "dành ra một phần ruộng của họ và canh tác các cây trồng phù hợp với thị trường châu Âu". Canh tác cưỡng bách khôi phục kinh tế của thuộc địa, song kết thúc hệ thống các nông trường thu nhập được thiết lập từ thời Công ty Đông Ấn Hà Lan.[28]
Người Hoa bị cho là các cư dân tạm thời và gặp khó khăn trong việc đạt được quyền sở hữu đất. Người châu Âu được dành ưu tiên trong việc lựa chọn các khu vực đồn điền, trong khi các quan chức thuộc địa cho rằng các mảnh đất còn lại cần phải được bảo vệ và bảo tồn cho dân bản địa. Các hợp đồng thuê đất ngắn hạn và được gia hạn với thời hạn khác nhau[a] sau đó được thực hiện như một giải pháp tạm thời, song nhiều người Hoa vẫn giữ các mảnh đất này sau khi mãn hạn cho thuê trong hợp đồng và trở thành những người chiếm đất.[29] Trong nửa sau của thế kỷ 19, chính phủ thuộc địa thử nghiệm ý tưởng một "chính sách dân tộc" nhằm bảo hộ cư dân bản địa, đặt người Hoa thành "kẻ thủ trước tiên của quốc gia". Dưới chính sách mới, chính phủ tăng cường các hạn chế đối với hoạt động kinh tế của người Hoa vì cho rằng hoạt động này bóc lột cư dân bản địa.[30]
Tại miền tây Borneo, người Hoa thiết lập khu dân cư khai mỏ lớn đầu tiên vào năm 1760. Họ trục xuất những người định cư Hà Lan và các quân chủ Mã Lai địa phương, liên hiệp thành một nước cộng hòa mới mang tên Lan Phương. Đến năm 1819, họ tham gia xung đột với chính phủ Hà Lan và bị người Hà Lan nhìn nhận là "không phù hợp" với các mục tiêu của họ.[31] Quần đảo Bangka-Belitung cũng trở thành một hình mẫu về các khu dân cư lớn trong các khu vực nông thôn. Năm 1851, có 28 người Hoa được ghi nhận trên quần đảo và đến năm 1915 thì dân số người Hoa tăng lên gần 40.000 và các ngành ngư nghiệp và thuốc lá được phát triển. Cu li được đưa đến khu vực sau khi kết thúc thế kỷ 19 hầu hết là thuê từ Các thuộc địa Eo biển do tồn tại trở ngại trong tuyển dụng tại Trung Quốc.[32]
Chủ nghĩa dân tộc bị phân ly (1900–1949)
[sửa | sửa mã nguồn]Tôn Dật Tiên đến Đông Nam Á vào năm 1900,[33] và trong năm đó tổ chức xã hội-tôn giáo Trung Hoa hội quán được thành lập. Mục tiêu của họ là khuyến khích người Hoa tại Đông Ấn hỗ trợ phong trào cách mạng tại Trung Quốc. Trong nỗ lực của mình nhằm xây dựng các trường Hoa văn, hội quán lập luận rằng giảng dạy tiếng Anh và tiếng Hoa nên được ưu tiên so với tiếng Hà Lan, nhằm cung cấp cho học sinh lựa chọn "một hành trình hai hoặc ba ngày (Java–Singapore) đến một thế giới rộng hơn nơi họ có thể di chuyển tự do" và thoát khỏi các hạn chế về hoạt động của mình.[34] Một vài năm sau đó, nhà cầm quyền Hà Lan bãi bỏ các chính sách kỳ thị chủng tộc của họ, bãi bỏ các giấy phép đi lại đối với người Hoa, và cho phép họ di chuyển tự do trên toàn thuộc địa. Cách mạng Tân Hợi năm 1911 rồi Trung Hoa Dân Quốc thành lập vào năm 1912 đồng thời với một phong trào dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa đang phát triển tại Đông Ấn Hà Lan.[33]
Mặc dù trong cư dân bản địa không tồn tại phong trào dân tộc chủ nghĩa có thể nhận biết cho đến năm 1908, song nhà cầm quyền Hà Lan lo sợ rằng các tình cảm dân tộc chủ nghĩa sẽ lan truyền với sự phát triển của các hiệp hội hỗn hợp về dân tộc, gọi là kongsi (công ty). Năm 1911, một số thành viên người Java của Công ty Kong Sing tại Surakarta tách ra và xung đột với người Hoa. Sự kiện này dẫn đến việc thành lập Sarekat Islam, phong trào dân tộc chủ nghĩa đại chúng có tổ chức đầu tiên tại Đông Ấn Hà Lan. Các nhóm bản địa nhìn nhận tình cảm dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa là "ngạo mạn", dẫn đến đối kháng lẫn nhau.[35] Tình cảm bài Hoa lan truyền khắp Java vào năm 1918 và dẫn đến bạo lực quy mô lớn do các thành viên Sarekat Islam sắp đặt nhằm vào người Hoa tại Kudus.[36] Sau sự kiện này, nhật báo cánh tả tiếng Hoa Tân báo kêu gọi hai bên cùng hành động để cải thiện các điều kiện sinh hoạt do báo cho rằng hầu hết người Hoa, cũng như hầu hết cư dân bản địa là người bần cùng.[37]
Tân báo được in lần đầu vào năm 1910 và bắt đầu đạt được động lượng là nơi chủ trương hàng đầu về chủ nghĩa dân tộc chính trị Trung Hoa vào năm 1917. Người Hoa theo dòng tư tưởng của báo này từ chối bất kỳ tham dự trong các thế chế địa phương, và sẽ chỉ tham gia đến các hoạt động chính trị liên quan đến Trung Quốc.[39] Một dòng tư tưởng thứ nhì được hình thành từ những người Hoa giàu có, họ tiếp nhận giáo dục từ các trường học do người Hà Lan điều hành. Nhóm thân Hà Lan này mong muốn tăng cường tham dự trong chính trị địa phương, giáo dục tiếng Hà Lan cho người Hoa, và tăng cường hơn nữa vị thế kinh tế của người Hoa trong kinh tế thuộc địa. Phong trào này được đại biểu người Hoa duy nhất trong Volksraad là Giản Phúc Huy (Kan Hok Hoei) bênh vực, giành được động lượng và đạt đỉnh với Trung Hoa hội vào 1928, với Giản Phúc Huy là hội trưởng. Tổng biên tập của tạp chí tin tức Madjallah Panorama chỉ trích Tân báo làm người Hoa lạc lối khi khi thúc bách họ vào một lập trường dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa.[40]
Năm 1932, các phần tử người Hoa thân Indonesia thành lập Partai Tionghoa Indonesia nhằm hỗ trợ hấp thu người Hoa vào cư dân Java và ủng hộ yêu cầu về tự quản cho Indonesia. Thành viên của nhóm này chủ yếu là người Peranakan.[41] Sự phân chia này lại nổi lên khi kết thúc thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng (1942–1945).[42] Trong thời kỳ Thế chiến, các cộng đồng người Hoa bị quân Nhật tấn công, một phần là vì họ bị nghi ngờ có các cảm tình viên của Quốc Dân đảng. Khi người Hà Lan trở lại sau chiến tranh, hỗn loạn bắt nguồn từ quân Hà Lan và những người cách mạng Indonesia cũng chứng kiến các nhóm Hồi giáo cấp tiến tấn công các cộng đồng người Hoa.[36]
Mặc dù các nhà lãnh đạo cách mạng Indonesia đồng cảm với người Hoa, song họ không thể ngăn bạo lực lẻ tẻ. Những người chịu tác động đã tẩu thoát khỏi các khu vực nông thôn để đến các đô thị do người Hà Lan kiểm soát, một động thái mà nhiều người Indonesia nhận định là chứng minh cho tình cảm thân Hà Lan.[43] Tuy nhiên, người Hoa cũng có đại diện và tham dự trong các nỗ lực độc lập, bốn thành viên của Hội điều tra chuẩn bị độc lập (BPUPKI) và một thành viên của Ủy ban chuẩn bị độc lập (PPKI) mang tên của người Hoa.[44]
Lòng trung thành bị nghi ngờ (1950–1966)
[sửa | sửa mã nguồn]Người Hà Lan từ bỏ yêu sách lãnh thổ của họ đối với quần đảo (ngoại trừ Tây Papua) sau Hội nghị bàn tròn 1949, cùng năm với sự kiện Quốc Dân đảng triệt thoái đến Đài Loan, quyền kiểm soát Trung Quốc đại lục chuyển sang Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hầu hết người Hoa Indonesia cho rằng một Trung Quốc cộng sản kém hấp dẫn hơn một Indonesia mới độc lập, song tại quần đảo lòng trung thành của họ bị nghi ngờ. Những Hoa sinh tại Đông Ấn Hà Lan và có cha mẹ định cư dưới sự cai quản của người Hà Lan được xem như công dân của quốc gia mới theo nguyên tắc jus soli, tức quyền nơi sinh.[43] Tuy nhiên, pháp luật Trung Quốc nhìn nhận một cá nhân là công dân Trung Quốc dựa theo nguyên tắc jus sanguinis, tức quyền huyết thống. Điều này có nghĩa là toàn bộ công dân Indonesia gốc Trung Quốc cũng được Trung Quốc tuyên bố là công dân. Sau vài nỗ lực của hai chính phủ nhằm giải quyết vấn đề, Indonesia và Trung Quốc kỳ hết một hiệp định quốc tịch kép bên lề Hội nghị Á-Phi 1955 tại Bandung. Một trong các điều khoản là khả năng từ bỏ quyền công dân Trung Quốc đối với những ai chỉ muốn còn là công dân Indonesia.[45]
Có đến 390.000 người Hoa, tức hai phần ba số người có thỉnh cầu hợp pháp đối với quyền công dân Indonesia, tuyên bố từ bỏ quyền công dân Trung Quốc khi hiệp định có hiệu lực vào năm 1962.[45] Trên phương diện khác, ước tính 60.000 học sinh người Hoa dời đến Trung Quốc trong các thập niên 1950 và đầu thập niên 1960.[46] Đợt học sinh đầu tiên hầu như đều được giáo dục trong các trường Hoa văn, song không thể tìm được cơ hội giáo dục bậc đại học tại Indonesia. Họ tìm kiếm các nghề khoa học có chất lượng, tiến vào Trung Quốc với hy vọng cao về tương lai của mình và của Trung Quốc đại lục.[47] Các đợt di cư tiếp theo diễn ra vào năm 1960 trong khuôn khổ một chương trình hồi hương, vào năm 1965–1966 sau một loạt bạo lực chống cộng cũng thu hút phẫn nộ hướng đến người Hoa. Có đến 80% các sinh viên ban đầu cuối cùng trở thành những người tị nạn tại Hồng Kông.[46] Theo các chương trình Cách mạng Văn hóa (1966–1976), người Hoa hải ngoại hồi người bị nghi ngờ về lòng trung thành của họ do có các liên kết với ngoại quốc.[48] Do hầu hết trưởng thành trong một môi trường đô thị nên họ bị đưa đến nông thôn nhằm chống xuất thân giai cấp, và cuối cùng mất liên lạc với gia đình của họ.[49] Họ bị tấn công vì là "tên đế quốc", "tên tư bản", "tên gián điệp", "tên lai", và "quỷ ngoại quốc".[47]
Năm 1959, sau khi thi hành chế độ độc tài mềm thông qua Dân chủ có hướng dẫn, chính phủ và quân đội Indonesia bắt đầu áp đặt các hạn chế đối với các quyền cư trú và mậu dịch của ngoại kiều. Các hạn chế này đạt đỉnh khi ban hành Điều lệ Tổng thống số 10 vào tháng 11 năm 1959, cấm chỉ các cá nhân phi bản địa hoạt động dịch vụ bán lẻ tại các khu vực nông thôn. Các doanh nhân người Hoa, người Ả Rập và người Hà Lan bị nhắm mục tiêu cụ thể trong khi thi hành để cung cấp một thị trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bản địa.[51] Động thái này gặp phải kháng nghị từ chính phủ Trung Quốc và một số giới trong xã hội Indonesia. Tác gia người Java Pramoedya Ananta Toer chỉ trích chính sách này trong Hoakiau di Indonesia năm 1961 của ông. Một phong trào hội nhập chủng tộc dưới sự lãnh đạo của chính đảng người Hoa Baperki bắt đầu tập trung được sự quan tâm vào năm 1963, bao gồm cả của Tổng thống Sukarno. Tuy nhiên, một loạt vụ tấn công vào cộng đồng người Hoa tại Tây Java trong tháng 5 chứng minh phong trào là đoản mệnh, bất chấp chính phủ lên án bạo lực.[52] Khi Baperki bị quy là một tổ chức cộng sản vào năm 1965, hiệp hội liên lụy đến người Hoa; điều này càng trầm trọng do Trung Quốc theo chế độ cộng sản. Có đến 500.000 người, trong đó có người Hoa,[b] bị sát hại trong thanh trừng chống cộng sau đảo chính thất bại ngày 30 tháng 9 năm 1965 do nghi ngờ rằng cộng sản lãnh đạo đảo chính.[53]
Quản lý "vấn đề người Hoa" (1967–1998)
[sửa | sửa mã nguồn]Khi Chính phủ Trật tự Mới của Suharto lên nắm quyền vào 1966–1967, họ thi hành một hệ thống chính trị chỉ dựa trên tư tưởng Pancasila (năm nguyên tắc). Nhằm ngăn ngừa chiến tranh tư tưởng lại nổi lên như từng xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Sukarno, "dân chủ Pancasila" của Suharto" tìm kiếm một hệ thống phi chính trị hóa mà trong đó các thảo luận về hình thành một bản sắc dân tộc Hoa cố kết không còn được cho phép.[54] Một ủy ban của chính phủ được hình thành vào năm 1967 để khảo sát các khía cạnh khác nhau của "Vấn đề người Hoa" (Masalah Cina) và đồng ý rằng buộc toàn cộng đồng di cư không phải là một giải pháp: "Thách thức là tận dụng lợi ích về năng lực kinh tế của họ trong khi loại trừ địa vị chi phối kinh tế mà họ nhận được."[55] Học viện Xúc tiến Đoàn kết Dân tộc (LPKB), một thể chế bán chính phủ, được thành lập để khuyến nghị cho chính phủ về đồng hóa thuận lợi người Hoa Indonesia. Quá trình này được thực hiện thông qua làm nổi bật khác biệt giữa người Hoa và pribumi bản địa, thay vì tìm kiếm tương đồng. Những biểu hiện của văn hóa Trung Quốc thông qua ngôn ngữ, tôn giáo, và các lễ hội truyền thống bị cấm chỉ và người Hoa bị áp lực phải nhận tên mang âm tiếng Indonesia.[56][57]
Trong các thập niên 1970 và 1980, Suharto và chính phủ của mình đưa các doanh nghiệp của người Hoa Indonesia tham gia các chương trình phát triển kinh tế của Trật tự Mới, trong khi giữ họ ở vị thế dễ bị tổn thương cao độ nhằm tăng cường quyền lực trung ương và hạn chế các quyền tự do chính trị. Quan hệ bảo trợ chủ yếu thông qua trao đổi tiền bạc lấy an ninh, nó trở thành một quy tắc được chấp thuận trong cộng đồng người Hoa, họ duy trì một khế ước xã hội mà qua đó họ có thể tuyên bố một cảm giác thuộc về quốc gia. Một thiểu số tinh hoa kinh tế trong xã hội Indonesia, bao gồm các cá nhân là người Hoa và các dân tộc khác, củng cố quan hệ với các thành viên trong gia đình Suharto và các thành viên trong quân đội để được bảo hộ, trong khi các chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ dựa vào các quan chức thi hành pháp luật tại địa phương.[56] Trong một phỏng vấn vào năm 1989 do học giả Adam Schwarz tiến hành, một người được phỏng vấn nói rằng, "đối với hầu hết người Indonesia, từ 'người Hoa' đồng nghĩa với tham nhũng".[58] Địa vị kinh tế của người Hoa có sự mâu thuẫn do nó không khiến thân phận của họ được chấp thuận trong phạm vi xã hội lớn hơn. Họ yếu kém trên phương diện chính trị và thường phải đối diện với quấy nhiễu xã hội.[59]
Tình cảnh bài Hoa tăng lên trong suốt thập niên 1990. Tổng thống Suharto tập hợp các doanh nhân hùng mạnh nhất—hầu hết là người Hoa Indonesia—trong một cuộc họp toàn quốc được truyền hình vào năm 1990 tại trang trại cá nhân, Suharto kêu gọi họ đóng góp 25% cổ phần của mình cho các hợp tác xã. Các nhà bình luận mô tả hành động này chỉ nhằm tăng cường phẫn uất và ngờ vực với người Hoa trong cư dân bản địa. Các sự kiện đại loạn bùng phát tại Situbondo (tháng 10 năm 1996), Tasikmalaya (tháng 12 năm 1996), và Rengasdengklok (tháng 1 năm 1997).[60]
Khi Suharto bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ 7 sau bầu cử vào ngày 10 tháng 3 năm 1998, các sinh viên Indonesia bắt đầu một loạt các cuộc đại tuần hành nhằm kháng nghị chế độ Trật tự Mới, hoạt động tiếp tục trong nhiều tuần và đạt đỉnh khi lực lượng an ninh bắt chết bốn sinh viên tại Đại học Trisakti trong tháng 5.[61] Sự kiện làm phát sinh tình trạng bạo lực quy mô lớn tại một vài thành phố trong các ngày 12-15 tháng 5. Tài sản và doanh nghiệp do người Hoa Indonesia sở hữu là mục tiêu của các đám đông, và trên 100 nữ giới bị tấn công tình dục; khía cạnh này của các cuộc náo loạn thường được chấp thuận là sự thực,[62] song bị một số nhóm người Indonesia bác bỏ.[63] Trong tình trạng lực lượng an ninh vắng mặt, các nhóm người đông đảo đã tiến hành cướp và thiêu nhiều trung tâm mua sắm tại các thành phố lớn. Tại Jakarta và Surakarta, có trên 1.000 người thiệt mạng trong các trung tâm mua sắm.[62] Hàng chục nghìn người Hoa đào thoát khỏi Indonesia sau các sự kiện này,[64] và các ngân hàng ước tính 20 tỷ USD tư bản đã rời khỏi Indonesia trong giai đoạn 1997–1999 để đến các địa điểm hải ngoại như Singapore, Hồng Kông và Hoa Kỳ.[65]
Các cải cách chính sách xã hội (1999–nay)
[sửa | sửa mã nguồn]Suharto từ nhiệm vào ngày 21 tháng 5 năm 1998 giữa các náo loạn.[66] Chính phủ cải cách do Bacharuddin Jusuf Habibie thành lập bắt đầu một chiến dịch nhằm tái thiết lập lòng tin đối với những người Hoa Indonesia đào thoát khỏi quốc gia, đặc biệt là các doanh nhân. Habibie kêu gọi người Hoa Indonesia đang tìm kiếm tị nạn khắp Đông Á, Úc, và Bắc Mỹ hồi hương và cam đoan an ninh từ các bộ trưởng khác nhau cũng như các nhân vật chính trị khác. Bất chấp các nỗ lực của Habibie, ông gặp phải sự hoài nghi do những nhân xét của ông trong vai trò phó tổng thống và tổng thống, khiến các thông điệp bị cho là không thành thực.[67] Một phái viên đặc biệt mô tả người Hoa Indonesia là chìa khóa để khôi phục tư bản "hết sức cần thiết" và hoạt động kinh tế, ưu tiên thuyết phục các doanh nhân. Những người khác như nhà kinh tế học Quách Kiến Nghĩa (Kwik Kian Gie), nhìn nhận các nỗ lực của chính phủ như là bảo toàn huyền thoại về sự chi phối kinh tế của người Hoa thay vì xác nhận bản sắc Trung Hoa.[68]
Các cải cách tượng trưng về quyền lợi của người Hoa Indonesia dưới chính quyền Habibie được thực hiện thông qua hai chỉ thị tổng thống. Đầu tiên là bãi bỏ sử dụng các thuật ngữ "pribumi" và "phi pribumi" trong các văn kiện chính phủ chính thức và kinh doanh. Thứ nhì là bãi bỏ cấm chỉ học Quan thoại[c] và tái xác nhận một chỉ thị năm 1996 rằng bãi bỏ sử dụng SBKRI để nhận dạng các công dân gốc Hoa. Habibie thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm điều tra về bạo lực tháng 5 năm 1998, song chính phủ của ông sau đó bác bỏ các phát hiện.[69] Indonesia phê chuẩn Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc 1965 vào ngày 25 tháng 5 năm 1999.[70] Năm 2000, Tổng thống Wahid bãi bỏ cấm chỉ biểu lộ văn hóa Trung Hoa tại nơi công cộng và cho phép các phong tục truyền thống Trung Hoa được thi hành tự do mà không cần giấy phép. Hai năm sau, Tổng thống Megawati Sukarnoputri tuyên bố rằng Tết Nguyên đán sẽ được đánh dấu như một ngày nghỉ quốc gia từ năm 2003.[71] Ngoài chỉ thị của Habibie về thuật ngữ "pribumi", cơ quan lập pháp thông qua một luật công dân mới vào năm 2006, theo đó định nghĩa asli ("người bản địa") trong Hiến pháp là một cá nhân sinh tự nhiên, cho phép người Hoa Indonesia có thể tranh cử tổng thống. Luật quy định thêm rằng con của người ngoại quốc sinh tại Indonesia đủ tư cách thỉnh cầu quyền công dân Indonesia.[72]
Nhân khẩu
[sửa | sửa mã nguồn]Điều tra nhân khẩu Indonesia 2000 tường thuật có 2.411.503 công dân (1,20% tổng dân số) thuộc dân tộc Hoa.[d] Ngoài ra, có thêm 93.717 người Hoa cư trú tại Indonesia được tường thuật là công dân ngoại quốc, hầu hết là Trung Quốc và Đài Loan, những người này có thể không có khả năng trả phí để trở thành một công dân Indonesia.[74] Do điều tra nhân khẩu sử dụng phương thức tự xác định, những người từ chối nhận định bản thân thuộc dân tộc Hoa, hoặc nhận dạng là các dân tộc khác, thì không được ghi là người Hoa.[2] Cũng có khả năng một số người không tự xác định bản thân là người Hoa vì lo ngại ảnh hưởng của bạo lực bài Hoa năm 1998.[75] Theo dữ liệu tập hợp từ điều tra nhân khẩu giữa kỳ vào năm 2005, dân số người Hoa Indonesia giảm còn khoảng 2,31 triệu. Sự suy giảm này có phần đóng góp của tỷ suất sinh giảm, người Hoa di cư ra ngoại quốc, và có thể bị đánh giá thấp do dữ liệu được tập hợp như một nghiên cứu thay vì điều tra chính thức.[76]
Các ước tính trước đây về số lượng chính xác người Hoa Indonesia dựa trên một điều tra nhân khẩu Đông Ấn Hà Lan 1930, trong đó thu thập thông tin trực tiếp về dân tộc.[77] Cuộc điều tra này tường thuật có 1,23 triệu người tự xác định thuộc dân tộc Hoa cư trú trong thuộc địa, chiếm 2,03% tổng dân số, và được cho là một tính toán chính xác về dân số của nhóm.[78] Thông tin về dân tộc không được tiếp tục thu thập cho đến điều tra nhân khẩu năm 2000, và do đó được suy ra từ các dữ liệu điều tra khác, như ngôn ngữ nói và liên kết tôn giáo, trong các năm ở giữa.[79] Trong một nghiên cứu về thiểu số người Hoa Indonesia, nhà nhân loại học G. William Skinner ước tính có từ 2,3 triệu (2,4%) đến 2,6 triệu (2,7%) cư trú tại Indonesia vào năm 1961.[80] Cựu ngoại trưởng Adam Malik cung cấp một số liệu 5 triệu trong một tường trình phát hành trên nhật báo Harian Indonesia vào năm 1973.[81] Nhiều nguồn truyền thông và hàn lâm sau đó ước tính từ 4-5% tổng dân số là người Hoa bất kể năm.[79] Các ước tính trong thập niên 2000 đưa ra số liệu từ 6 đến 7 triệu,[82] và Ủy ban Kiều vụ của Đài Loan ước tính dân số người Hoa Indonesia cao đến 7,67 triệu vào năm 2006.[83]
Xấp xỉ một phần năm người Hoa Indonesia cư trú tại thủ đô Jakarta trên đảo Java. Nếu tính toàn bộ các tỉnh trên đảo Java, số lượng người Hoa chiếm gần một nửa (45,92%).[84] Ngoài đảo Java, người Hoa tại các tỉnh Tây Kalimantan, Bắc Sumatra, Riau, Quần đảo Bangka-Belitung, và Nam Sumatra chiếm thêm 45,16%. Quần đảo Bangka–Belitung là tỉnh tập trung người Hoa cao độ nhất (11,75% dân số toàn tỉnh), tiếp đến là Tây Kalimantan (9,62%), Jakarta (5,83%), Riau (4,11%), và Bắc Sumatra (3,07%). Tại mỗi tỉnh còn lại, người Hoa Indonesia chiếm 1% hoặc thấp hơn dân số toàn tỉnh.[85] Hầu hết người Hoa Indonesia tại Bắc Sumatra cư trú tại tỉnh lỵ Medan, song họ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ do dân số trong tỉnh tương đối lớn.[84] Bangka–Belitung, Tây Kalimantan, và Riau tập hợp quanh trung tâm hoạt động kinh tế của người Hoa tại Singapore, và ngoại trừ Bangka–Belitung, các khu dân cư này tồn tại từ lâu trước khi hình thành Singapore vào năm 1819.[86]
Dân số người Hoa Indonesia tăng trưởng 4,3% mỗi năm từ năm 1920 đến 1930. Sau đó, tỷ lệ này chậm lại do tác động của Đại khủng hoảng và nhiều khu vực trải qua di cư thuần. Tốc độ tăng trưởng giảm cũng là do số lượng người Hoa nhập cư giảm đáng kể từ thập niên 1950.[77] Dân số người Hoa Indonesia tương đối lão hóa theo điều tra nhân khẩu 2000, có tỷ lệ nhóm dưới 14 tuổi thấp nhất và có tỷ lệ nhóm trên 65 tuổi cao thứ hai tại Indonesia. Tháp dân số của họ có đáy hẹp với gia tăng nhanh chóng cho đến nhóm 15-19 tuổi, biểu thị một sự suy giảm số lượng tuyệt đối các ca sinh từ năm 1980. Tại Jakarta và Tây Java, dân số đạt đỉnh trong nhóm 20-24 tuổi, biểu thị suy giảm tỷ suất sinh từ năm 1975. Phần trên của tháp biểu thị suy giảm đều khi độ tuổi tăng lên.[87]
Các cộng đồng di cư
[sửa | sửa mã nguồn]Nửa cuối thế kỷ 20, các tân di dân bắt đầu chuyển từ Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á khác đến các khu vực công nghiệp hóa cao hơn trên toàn cầu. Mặc dù những người di cư này sở hữu một di sản Trung Hoa, song họ thường không được xác định như vậy; xu hướng này tiếp tục cho đến nay.[88] Tồn tại vài ước tính độc lập về dân số người Hoa Indonesia cư trú tại các quốc gia khác. The Australian People của James Jupp ước tính rằng một nửa trong số 30.000 người Indonesia cư trú tại Úc vào cuối thập niên 1990 thuộc dân tộc Hoa, và họ hợp nhất với các cộng đồng người Hoa khác.[89] Tại New Zealand, nhiều di dân cư trú tại các khu ngoại ô của Auckland sau khi 1.500 người tìm kiếm tị nạn sau biến động 1998, trong đó hai phần ba được cấp quyền cư trú.[90] Học giả người Úc Charles Coppel cho rằng họ cũng cấu thành một đa số lớn những Hoa kiều hồi hương cư trú tại Hồng Kông. Mặc dù không thể tính chính xác số lượng này, song các nguồn tin tức đưa ra các ước tính dao động từ 100.000 đến 150.000 trong thập niên 1980.[e] Trong số 57.000 người Indonesia cư trú tại Hoa Kỳ vào năm 2000, một phần ba được ước tính thuộc dân tộc Hoa.[91] Có ước tính rằng 60% người Mỹ gốc Indonesia cư trú tại miền Nam California là người gốc Hoa. Các gia đình này thường cư trú tại Indonesia từ vài thế hệ và có thể đã kết hôn với "pribumi".[92] Tại Canada, chỉ một thiểu số trong cộng đồng người Hoa Indonesia nhập cư nói một phương ngôn Trung Hoa. Mặc dù các gia đình quan tâm đến tìm lại truyền thống dân tộc của họ, song các trẻ sinh tại Canada thường không sẵn lòng học tiếng Indonesia hay tiếng Hoa.[93]
Xã hội
[sửa | sửa mã nguồn]Các học giả nghiên cứu về người Hoa Indonesia thường phân biệt các thành viên trong nhóm theo xuất thân chủng tộc và xã hội-văn hóa của họ: "totok" và "peranakan". Hai thuật ngữ ban đầu được sử dụng để phân biệt về phương diện chủng tộc người Hoa thuần chủng và những người có huyết thống hỗn hợp. Một ý nghĩa thứ hai đối với các thuật ngữ nổi lên về sau mà theo đó "totok" được sinh tại Trung Quốc, và bất kỳ ai sinh tại Indonesia được nhìn nhận là "peranakan".[f] Phân khúc trong các cộng đồng "totok" diễn ra quanh phân chia nhóm ngôn ngữ, mô hình này trở nên ít rõ ràng hơn kể từ khi bước vào thế kỷ 20. Trong "peranakan" bản địa hóa, phân khúc diễn ra quanh tầng lớp xã hội, điều này được xếp hạng theo giáo dục và địa vị gia đình thay vì sự thịnh vượng.[95]
Giới tính và họ hàng
[sửa | sửa mã nguồn]Cấu trúc họ hàng trong cộng đồng "totok" tuân theo các truyền thống phụ hệ, phụ cư, và phụ quyền của xã hội Trung Hoa, lệ này mất đi tầm quan trọng trong quan hệ gia đình "peranakan". Thay vào đó, mô hình họ hàng trong các gia đình bản địa hóa kết hợp các yếu tố truyền thống mẫu hệ, mẫu cư, và mẫu quyền có trong xã hội Java. Trong cộng đồng này, con trai và con gái đều có thể kế thừa tài sản gia đình, bao gồm cả thờ cúng tổ tiên.[97] Quyền lực chính trị, xã hội, và kinh tế trong các gia đình "peranakan" được phân bố đồng đều hơn giữa hai giới tính so với trong các gia đình "totok". Quan hệ dòng họ không phân biệt giữa bên ngoại và bên nội, và đa thê rất không được tán thành. Ảnh hưởng của phương Tây trong xã hội "peranakan" được chứng minh bằng tỷ lệ cao các cặp đôi không có con. Những người có con thì số con cũng ít hơn các cặp đôi "totok".[98]
Mặc dù tách khỏi các mô hình họ hàng truyền thống, song các gia đình "peranakan" gần gũi với một số giá trị truyền thống Trung Hoa hơn là "totok". Do các cư dân bản địa hóa mất nhiều liên kết với quê hương tổ tiên của họ tại Trung Quốc, họ ít chịu tác động của các mô hình hiện đại hóa trong thế kỷ 20 làm biến đổi khu vực. "Peranakan" có một quan điểm nghiêm chỉnh hơn đối với ly hôn, mặc dù tỷ lệ ly hôn trong các gia đình tại cả hai phân khúc thường thấp hơn các dân tộc khác. Hôn nhân sắp đặt là phổ biến hơn trong các gia đình "peranakan", vốn có quan hệ mang khuynh hướng quần thể hơn. Sự thế tục trong nhóm "totok" có nghĩa là họ tiến hành thờ cúng tổ tiên ở một mức độc cao hơn, và thanh niên "peranakan" có khuynh hướng tôn giáo hơn. Thông qua giáo dục của các trường Công giáo và Tin Lành chất lượng cao, các thanh niên này có nhiều khả năng cải sang Cơ Đốc giáo.[99]
Trong thế kỷ 21, khác biệt về nhận thức "totok" và "peranakan" dần trở nên lạc hậu do một số gia đình thể hiện hỗn hợp các đặc điểm của cả hai văn hóa.[100] Hôn nhân dị chủng và đồng hóa văn hóa thường ngăn chặn hình thành một định nghĩa chính xác về người Hoa Indonesia phù hợp với bất kỳ tiêu chuẩn chủng tộc đơn giản nào. Sử dụng một họ tiếng Hoa, trong một số hình thức hoặc hoàn cảnh, thường là một dấu hiệu tự xác nhận văn hóa như dân tộc Hoa hoặc liên kết với một hệ thống xã hội người Hoa.[80]
Năng lực kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Các thành viên của cộng đồng "totok" có khuynh hướng cao hơn trong việc trở thành doanh nhân và trung thành với quan hệ xã hội trong kinh doanh.[101] Trong thập niên đầu tiên sau khi Indonesia độc lập, địa vị kinh doanh của họ được củng cố do kết thúc các hạn chế đối với các doanh nghiệp nhỏ từ thời thuộc địa. Đến thập niên 1950, gần như toàn bộ các cửa hàng bán lẻ tại Indonesia thuộc sở hữu của các doanh nhân người Hoa, họ kinh doanh từ bán tạp phẩm đến vật liệu xây dựng. Các thương nhân bản địa nhanh chóng trở nên bất mãn, họ cảm thấy không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp của người Hoa.[102] Dưới áp lực từ các thương nhân bản địa, chính phủ ban hành chương trình Benteng và Điều lệ Tổng thống 10 năm 1959, theo đó áp đặt các hạn chế đối với hãng nhập khẩu và cửa hàng bán lẻ nông thôn của người Hoa. Các doanh nghiệp của người Hoa vẫn tồn tại, họ hợp nhất với các mạng lưới rộng hơn khắp Đông Nam Á, địa vị chi phối của họ tiếp tục bất chấp các nỗ lực tiếp diễn của nhà nước và tư nhân nhằm xúc tiến tăng trưởng tư bản bản địa.[103] Các doanh nghiệp của người Hoa Indonesia là bộ phận của mạng lưới gồm các doanh nghiệp người Hoa hải ngoại hoạt động tại các thị trường Đông Nam Á, họ chia sẻ các liên kết gia đình và văn hóa chung.[104]
Các chính sách của chính phủ thay đổi đột ngột sau năm 1965, trở nên tán thành hơn với khuếch tương kinh tế. Trong một nỗ lực nhằm khôi phục kinh tế, chính phủ quay sang những người sở hữu khả năng đầu tư và phát triển hoạt động doanh nghiệp. Các nhà tư bản người Hoa được quân đội hỗ trợ, quân đội nổi lên thành lực lượng chính trị chiếm ưu thế sau năm 1965.[103] Các doanh nhân bản địa lại một lần nữa yêu cầu hỗ trợ đầu tư lớn hơn từ chính phủ trong thập niên 1970, song các nỗ lực lập pháp thất bại trong việc giảm sự chi phối của người Hoa.[105] Trong một nghiên cứu vào năm 1995 của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, xấp xỉ 73% giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết công khai (không bao gồm công ty ngoại quốc và quốc doanh) thuộc sở hữu của người Hoa Indonesia. Ngoài ra, họ sở hữu 68% trong 300 tập đoàn hàng đầu và chín trong mười tập đoàn tư nhân hàng đầu vào cuối năm 1993.[106] Số liệu này truyền đi niềm tin chung rằng người Hoa—đương thời ước tính chiếm 3% dân số—kiểm soát 70% kinh tế.[107][108][109] Mặc dù tính chính xác của niềm tin này bị tranh chấp, song hiển nhiên một cách biệt về của cải tồn tại theo ranh giới dân tộc. Hình ảnh về cộng đồng người Hoa hùng mạnh về kinh tế được chính phủ bồi dưỡng hơn nữa do người Hoa bất lực trong việc tách bản thân khỏi các hệ thống bảo trợ.[110] Nhóm Phúc Châu chiếm ưu thế trong môi trường kinh doanh của người Hoa dưới thời chính phủ Suharto, song các nhóm khác nổi lên sau năm 1998.[50]
Năm tập đoàn hàng đầu tại Indonesia trước khủng hoảng tài chính châu Á 1997 đều do người Hoa sở hữu, với tổng doanh thu thường niên là 112 nghìn tỷ rupiah (47 tỷ USD).[111] Khi khủng hoảng tác động đến Indonesia, đồng rupiah lao dốc đã tàn phá nghiêm trọng hoạt động của các tập đoàn. Nhiều tập đoàn mất phần lớn tài sản của mình và sụp đổ. Trong vài năm sau đó, các tập đoàn phải nỗ lực để hoàn trả các khoản nợ quốc tế và nội địa.[112] Các cải cách thi hành sau năm 1998 có mục đích đưa kinh tế thoát khỏi các dàn xếp đầu sỏ dưới Trật tự Mới;[113] tuy nhiên các kế hoạch cải cách tỏ ra quá lạc quan. Khi Tổng thống B. J. Habibie tuyên bố trong một phỏng vấn ngày 19 tháng 7 năm 1998 với The Washington Post rằng Indonesia không phụ thuộc vào các doanh nhân người Hoa, giá trị của rupiah giảm 5%.[g] Phản ứng bất ngờ này khuyến khích các thay đổi tức thì trong chính sách, và Habibie nhanh chóng khởi đầu việc lôi kéo các tập đoàn để giành ủng hộ của họ trong các kế hoạch cải cách.[114] Hầu hết ban đầu lo ngại về dân chủ hóa, song quá trình biên duyên hóa xã hội có nghĩa người Hoa lần đầu tiên được nhìn nhận là các thành viên bình đẳng trong xã hội trong lịch sử quốc gia.[115][116] Gia tăng tự chủ khu vực cho phép các tập đoàn còn tồn tại phát triển các cơ hội mới tại ngoại tỉnh, và các cải cách kinh tế thiết lập một thị trường tự do hơn.[117]
Hoạt động chính trị
[sửa | sửa mã nguồn]Từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, các cộng đồng người Hoa bị chi phối bởi sự hiện diện của "peranakan".[118] Tiếp theo giai đoạn này là sự phát triển của xã hội "totok". Nằm trong nỗ lực tái Hán hóa của cộng đồng người Hoa bản địa hóa, một trong trào liên kết nổi lên với mục tiêu về một đặc tính chính trị người Hoa thống nhất. Phong trào sau đó bị phân ly trong thập niên 1920 khi tầng lớp tinh hoa "peranakan" kháng cự sự lãnh đạo của "totok" trong phong trào dân tộc chủ nghĩa, và hai nhóm phát triển các mục tiêu riêng của mình.[119] Các lãnh tụ "peranakan" sau đó lựa chọn liên kết cộng đồng của họ với người Hà Lan, là thế lực bãi bỏ các chính sách kỳ thị chủng tộc vào năm 1908. Hai cộng đồng lại tìm được tiếng nói chung trong phản đối quân Nhật khi lực lượng chiếm đóng đối đãi xúc phạm với tất cả các nhóm người Hoa.[120]
Sau khi độc lập, vấn đề quốc tịch bị chính trị hóa và dẫn đến hình thành Baperki vào năm 1954, là chính đảng hoặc tổ chức quần chúng đầu tiên và lớn nhất của người Hoa Indonesia. Baperki và các thành viên đa số là "peranakan" lãnh đạo hoạt động phản đối chống một dự thảo luật mà sẽ hạn chế số lượng người Hoa có thể đạt được quyền công dân Indonesia. Phong trào phải đương đầu với Đảng Masyumi Hồi giáo vào năm 1956 khi đảng này kêu gọi thi hành hành động quả quyết đối với các doanh nghiệp bản địa.[45] Trong bầu cử lập pháp năm 1955, Baperki nhận được 178.887 phiếu và giành một ghế trong Hội đồng đại biểu Nhân dân (DPR). Cũng trong năm đó, hai đại biểu của Baperki cũng được bầu vào Hội đồng Lập pháp.[121]
Các chính đảng dựa trên dân tộc bị cấm chỉ dưới chính phủ của Tổng thống Suharto, chỉ để lại ba đảng do người bản địa chi phối là Golkar, Đảng Phát triển Liên hiệp (PPP), và Đảng Dân chủ Indonesia (PDI). Phi chính trị hóa xã hội Indonesia hạn chế các hoạt động của người Hoa chỉ giới hạn trong kinh tế. Những người Hoa Indonesia chỉ trích chế độ hầu hết là "peranakan" và nhận định bản thân là người Indonesia, để lại cộng đồng người Hoa không có thủ lĩnh ràng.[121] Trước bầu cử lập pháp 1999, sau khi Suharto từ nhiệm, tạp chí tin tức Tempo tiến hành một khảo sát với các cử tri có lẽ là người Hoa Indonesia về chính đảng mà họ lựa chọn, 70% ủng hộ PDI–P- một chính đảng dân tộc chủ nghĩa được cho là có thiện chí với người Hoa. Đảng này cũng hưởng lợi từ sự hiện diện của nhà kinh tế học Quách Kiến Nghĩa (Kwik Kian Gie), người được kính trọng cao từ các cử tri người Hoa và các cử tri khác.[122]
Các chính đảng dân tộc mới hình thành như PARTI và PBI thất bại trong việc thu thập nhiều ủng hộ trong bầu cử năm 1999. Bất chấp kết quả này, số lượng các ứng cử viên người Hoa Indonesia trong bầu cử quốc gia tăng từ ít hơn 50 vào năm 1999 lên đến gần 150 vào năm 2004.[123] Trong số 58 ứng cử viên gốc Hoa chạy đua chức vụ đại biểu từ Jakarta trong bầu cử lập pháp 2009, có hai người đắc cử.[124]
Văn hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Ngôn ngữ
[sửa | sửa mã nguồn]Bốn phương ngôn chính của tiếng Hoa hiện diện tại Indonesia: Chương-Tuyền, Quan thoại, Khách Gia, và Quảng Đông. Ngoài ra, người Triều Châu nói một phương ngôn hiểu lẫn nhau với tiếng Chương-Tuyền. Tuy nhiên, phân biệt giữa hai nhóm được nhấn mạnh ngoài khu vực họ xuất thân.[7] Ước tính có 2 triệu người bản ngữ các phương ngôn tiếng Hoa tại Indonesia vào năm 1982: 700.000 người nói các ngôn ngữ Mân Nam (gồm Chương-Tuyền và Triều Châu); 640.000 nói tiếng Khách Gia; 460.000 nói Quan thoại; 180.000 nói tiếng Quảng Đông; và 20.000 người nói các ngôn ngữ Mân Đông. Ngoài ra, một ước tính cho biết 20.000 người bản ngữ các dạng của tiếng Indonesia.[125]
Nhiều người Indonesia, bao gồm người Hoa, tin vào sự hiện diện của một phương ngữ Mã Lai, Mã Lai Trung Hoa. Sự phát triển của văn học "peranakan" trong nửa sau của thế kỷ 19 dẫn đến một biến thể như vậy, được phổ biến qua các câu chuyện silat (võ thuật) dịch từ Trung văn hoặc viết bằng tiếng Mã Lai và Indonesia. Tuy nhiên, các học giả lập luận rằng nó khác biệt do pha trộn ngôn ngữ nói Java và Mã Lai.[h]
Ngoại trừ vài từ mượn từ tiếng Hoa, không cái gì về 'tiếng Mã Lai Trung Hoa' là độc nhất của người Hoa. Ngôn ngữ chỉ là thứ tiếng Mã Lai kém, chợ búa, thứ tiếng chung của các đường phố và chợ tại Java, đặc biệt là trong các thành phố tại đó, được nói bởi toàn bộ các dân tộc tại đô thị và môi trường đa dân tộc. Do người Hoa là một thành phần chiếm ưu thế trong các thành phố và chợ, ngôn ngữ có liên kết với họ, song các quan chức chính phủ, người Âu-Á, thương nhân di cư, hoặc người từ các khu vực ngôn ngữ khác biệt, đều dùng đến dạng tiếng Mã Lai này để giao thiệp.
— Mary Somers Heidhues, The Encyclopedia of the Chinese Overseas[126]
Tài liệu học thuật thảo luận về tiếng Mã Lai Trung Hoa thường ghi chú rằng người Hoa không nói cùng một phương ngữ Mã Lai trên toàn quần đảo.[127] Hơn nữa, mặt dù chính phủ thực dân Hà Lan lần đầu giới thiệu chính tả Mã Lai vào năm 1901, các báo người Hoa không theo tiêu chuẩn này cho đến hậu độc lập.[128] Do các yếu tố này, người Hoa đóng một "vai trò quan trọng" trong phát triển tiếng Indonesia hiện đại khi là nhóm lớn nhất trong giai đoạn thuộc địa giao thiệp bằng nhiều phương ngôn Mã Lai.[129]
Truyền thông
[sửa | sửa mã nguồn]Toàn bộ các xuất bản phẩm tiếng Hoa đều bị cấm chỉ dưới chính sách đồng hóa trong thời kỳ Suharto, với ngoại lệ là nhật báo Harian Indonesia do chính phủ kiểm soát.[130] Việc bãi bỏ cấm chỉ tiếng Hoa sau năm 1998 thúc giục các thế hệ người Hoa Indonesia cao tuổi xúc tiến sử dụng tiếng Hoa trong thế hệ trẻ; theo nhà nghiên cứu về người Hoa hải ngoại Vân Xương Diệu (Chang-Yau Hoon), người Hoa Indonesia cao tuổi nghĩ rằng họ tất nhiên "chịu ảnh hưởng từ các đức tính của văn hóa Trung Hoa và các giá trị Nho giáo".[131] Một tranh luận diễn ra trên truyền thông vào năm 2003, thảo luận về "mẫu ngữ" tiếng Hoa và "quốc ngữ" tiếng Indonesia.[131] Nhớ quê hương là một đề tài phổ biến trên truyền thông Hoa ngữ trong giai đoạn ngay sau chính phủ Suharto. Địa vị chính trị và kinh tế của Trung Quốc được gia tăng khi bước sang thế kỷ 21 trở thành một động lực cho nỗ lực của họ nhằm thu hút các độc giả trẻ tìm lại nguồn gốc văn hóa của mình.[132]
Trong ba thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, người Hoa sở hữu hầu hết, nếu không phải là toàn bộ, các rạp chiếu phim trong các đô thị trên toàn Đông Ấn Hà Lan, Các phim từ Trung Quốc được nhập khẩu trong khoảng thập niên 1920, và một ngành công nghiệp điện ảnh bắt đầu nổi lên vào năm 1928 khi ba anh em nhà họ Hoàng (Wong) đến từ Thượng Hải —phim của họ chiếm ưu thế trên thị trường trong suốt thập niên 1930.[133] Những phim sơ khởi này hầu như chỉ tập trung vào cộng đồng người Hoa, song một vài quan hệ liên dân tộc được thẩm tra là một chủ đề chính.[134] Lệnh cấm sau này về việc sử dụng tiếng Hoa tại nơi công cộng đồng nghĩa với việc phim và chương trình truyền hình nhập khẩu được yêu cầu lồng tiếng Anh với phụ đề tiếng Indonesia. Khi các loạt chương trình võ thuật bắt đầu xuất hiện trên truyền hình quốc gia vào năm 1988, chúng được lồng tiếng Indonesia. Một ngoại lệ là chiếu phim Hồng Kông bằng tiếng Hoa—bị giới hạn trong các khu vực người Hoa và lân cận—do một thỏa thuận giữa các nhà nhập khẩu và cơ quan kiểm duyệt phim.[135]
Tôn giáo
[sửa | sửa mã nguồn]Có ít tác phẩm học thuật về sinh hoạt tôn giáo của người Hoa Indonesia. Sách tiếng Pháp Les Chinois de Jakarta: Temples et V́ie Collective 1977 là nghiên cứu lớn duy nhất về đánh giá sinh hoạt tôn giáo người Hoa tại Indonesia.[137] Bộ Công tác tôn giáo cấp địa vị chính thức cho sáu tôn giáo: Hồi giáo, Công giáo La Mã, Tin Lành, Ấn Độ giáo, Phật giáo, và Nho giáo. Một luật đăng ký dân sự năm 2006 không cho phép người Indonesia xác định bản thân là một thành viên của bất kỳ tôn giáo nào khác trên thẻ căn cước của họ.[138]
Theo điều tra nhân khẩu năm 2000, gần 90% người Hoa Indonesia là tín đồ Phật giáo hoặc Cơ Đốc giáo (Công giáo và Tin Lành).[136] Chuyển đổi từ tín ngưỡng truyền thống sang Cơ Đốc giáo thường diễn ra trong các thế hệ trẻ, và không phải là hiếm để thấy người con Cơ Đốc giáo có cha mẹ trung thành với tín ngưỡng truyền thống.[139] Làn sóng cải đạo đầu tiên diễn ra trong các thập niên 1950 và 1960, phản ứng trước sự bất khoan dung chống văn hóa Trung Hoa, và số lượng tín đồ Công giáo là người Hoa trong giai đoạn này tăng bốn lần. Làn sóng thứ hai là sau khi chính phủ rút Nho giáo khỏi danh sách tôn giáo được công nhận trong thập niên 1970. Roderick Brazier thuộc tổ chức Asia Foundation, tường thuật vào năm 2006 rằng 70% cư dân người Hoa là tín đồ Cơ Đốc giáo, và rằng tồn tại nhập đạo tích cực từ các giáo hội quốc tế.[140] Nhà nhân khẩu học Aris Ananta tường trình vào năm 2008 rằng "bằng chứng có tính giai thoại cho thấy rằng có nhiều Phật tử người Hoa trở thành tín hữu Cơ Đốc giáo khi tiêu chuẩn giáo dục của họ gia tăng".[141]
Người Hoa theo Hồi giáo tạo thành một thiểu số nhỏ trong dân số người Hoa, theo điều tra năm 2000 thì 5,41% người Hoa Indonesia theo Hồi giáo.[136] Các hiệp hội như Tổ chức người Hoa Hồi giáo Indonesia (PITI) từng tồn tại vào cuối thế kỷ 19. PITI được tái lập vào năm 1963 như một tổ chức hiện đại, song không hoạt động trong nhiều giai đoạn.[142] Nho giáo được đưa vào danh mục tôn giáo chính thức vào năm 2000 và theo tường trình có 3,91% người Hoa Indonesia theo tôn giáo này.[136] Hội đồng Tối cao Nho giáo Indonesia (MATAKIN) ước tính rằng 95% số tín đồ Nho giáo là người Hoa; hầu hết 5% còn lại là những người Java cải đạo.[138] Mặc dù chính phủ khôi phục tình trạng là một tôn giáo được công nhận của Nho giáo, song nhiều chính quyền địa phương không tuân theo và từ chối cho phép người Hoa đăng ký nó trên thẻ căn cước của họ.[143] Các quan chức địa phương phần lớn vẫn không biết rằng luật đăng ký dân sự cho phép về pháp lý các công dân để trống mục tôn giáo trên thẻ căn cước của họ.[138]
Kiến trúc
[sửa | sửa mã nguồn]Các hình thức khác nhau của kiến trúc Trung Hoa tồn tại khắp Indonesia, với khác biệt rõ rệt giữa các khu vực đô thị và nông thôn và giữa các đảo khác nhau.[144] Phát triển kiến trúc của người Hoa tại Đông Nam Á khác biệt với tại Trung Quốc. Bằng cách pha trộn các mô hình thiết kế bản địa và châu Âu (Hà Lan), xuất hiện nhiều biến thể về các phong cách hỗn hợp.[145] Kiến trúc Trung Hoa tại Indonesia được biểu thị qua ba dạng: đền chùa tôn giáo, nhà học tập, và nhà ở.[144] Các thành phố trong thời kỳ thuộc địa được phân thành ba khu vực chủng tộc: người châu Âu, người Đông phương (Ả, Rập, Hoa..), và người bản địa. Thông thường không có ranh giới vật chất giữa các khu vực, ngoại trừ sông, tường hoặc đường trong một số trường hợp. Ranh giới pháp lý như vậy thúc đẩy tăng trưởng cao độ về mật độ đô thị trong mỗi khu vực, đặc biệt là trong khu người Hoa, thường dẫn đến điều kiện môi trường nghèo nàn.[146]
Những người định cư ban đầu không trung thành với kiến trúc truyền thống khi xây dựng nhà, thay vào đó là thích nghi với các điều kiện sinh hoạt tại Indonesia. Mặc dù các nhà sơ khởi không tồn tại lâu, song chúng có vẻ được xây từ gỗ hoặc tre với mái tranh, giống như nhà của người bản địa khắp Sumatra, Borneo, và Java. Nhiều hoạt động xây dựng vĩnh cửu hơn thay thế các khu dân cư này trong thế kỷ 19.[147] Các chính sách kỳ thị chủng tộc thời thực dân Hà Lan ngăn cấm các dân tộc phi châu Âu sử dụng phong cách kiến trúc châu Âu. Người Hoa cùng các nhóm ngoại kiều khác và bản địa sống theo văn hóa riêng của họ. Nhà của người Hoa dọc theo duyên hải phía bắc của Java được cải tạo để đưa vào trang trí Trung Hoa.[148] Khi kỳ thị chủng tộc được nới lỏng lúc bước sang thế kỷ 20, những người Hoa bị mất bản sắc của mình đã tiếp thu văn hóa châu Âu và bắt đầu loại bỏ các trang trí dân tộc khỏi các công trình kiến trúc của họ. Các chính sách mà chính phủ Trật tự Mới thi hành có nội dung cấm chỉ biểu thị công khai văn hóa Trung Hoa, chúng cũng làm tăng tốc chuyển biến hướng đến kiến trúc bản địa và phương Tây.[149]
Ẩm thực
[sửa | sửa mã nguồn]Ẩm thực người Hoa đặc biệt rõ rệt trong ẩm thực Indonesia thông qua các từ mượn tiếng Chương-Tuyền, Khách Gia, và Quảng Đông được sử dụng cho các món ăn khác nhau.[150] Những từ bắt đầu bằng bak (肉, nhục) nghĩa là có thịt, như bakpau ("bánh bao thịt"); từ kết thúc bằng cai (菜, thái) biểu thị là món rau, như pecai ("cải thìa") và cap cai.[151] Các từ mi hoặc mie (麵, miến) biểu thị món mì như trong mi goreng.
Hầu hết các từ mượn cho các món ăn và nguyên liệu của chúng có gốc Chương-Tuyền, và được sử dụng trong tiếng Indonesia và tiếng địa phương của các thành phố lớn. Do chúng trở thành một bộ phận không thể thiếu của ngôn ngữ địa phương, nhiều người Indonesia kể cả người Hoa không công nhận nguồn gốc Chương-Tuyền của chúng. Một số món ăn Indonesia phổ biến như nasi goreng, lumpia, và bakpia có thể truy nguyên đến ảnh hưởng Trung Hoa. Một số thực phẩm và nguyên liệu là bộ phận bữa ăn hàng ngày của các cư dân bản địa và người Hoa trong vai trò là món ăn kèm với cơm- thực phẩm thiết yếu trên toàn đảo quốc.[152] Trong các gia đình người Hoa, cả peranakan và totok, thịt lợn thường được ưa thích trong các loại thịt;[153] điều này tương phản với ẩm thực Indonesia truyền thống vốn tránh ăn thịt lợn. Tuy nhiên, tiêu thụ thịt lợn suy giảm trong những năm gần đây do nó được công nhận là góp phần vào các nguy cơ về sức khỏe như mức cholesterol cao và đau tim.[152]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Theo Heidhues (2001, tr. 179), thời gian cho thuê tùy thuộc vào địa điểm. Bangka cho thuê 25 năm, trong khi một vài khu vực cho thuê 50 năm.
- ^ Purdey (2006, tr. 14) viết rằng do người Hoa chiếm 2% dân số Indonesia vào đương thời, một số lượng tương tự người Hoa Indonesia có thể bị sát hại trong thanh trừng. Tuy nhiên, bà dè dặt về điều này khi ghi chú rằng hầu hết các vụ sát hại là tại các khu vực nông thôn, trong khi người Hoa tập trung tại các đô thị.
- ^ Chính phủ Suharto cấm chỉ các trường Quan thoại vào tháng 7 năm 1966 (Tan 2008, tr. 10). Truyền thông và tác phẩm bằng Quan thoại bị hạn chế nghiêm ngặt vào năm đó. (Setiono 2003, tr. 1091) Theo Tan (2008, tr. 11), nhiều gia đình dạy Quan thoại cho con của mình trong bí mật.
- ^ Suryadinata, Arifin & Ananta (2003, tr. 77) sử dụng 31 quyển dữ liệu về điều tra nhân khẩu 2000 được phát hành và tường thuật 1.738.936 công dân thuộc dân tộc Hoa, song số liệu này không bao gồm dân số của họ trong 19 tỉnh. Các hạn chế không gian trong xuất bản phẩm điều tra nhân khẩu khiến chỉ tám dân tộc đông nhất được liệt kê cho mỗi tỉnh. Ananta, Arifin & Bakhtiar (2008, tr. 23).
- ^ Ước tính 100.000 được phát hành trên Asiaweek vào ngày 3 tháng 6 năm 1983, trong khi ước tính 150.000 được phát hành trên Hong Kong Standard vào ngày 21 tháng 12 năm 1984. (Coppel 2002, tr. 356).
- ^ Dawis (2009, tr. 77) trích dẫn một phát biểu của Charles Coppel tại Hội nghị Quốc tế các nhà Đông phương học lần thứ 29 thông tin về sử dụng ban đầu của hai thuật ngữ. Skinner (1963, tr. 105–106) còn ghi chú rằng totok là một thuật ngữ tiếng Indonesia chỉ riêng người nhập cư sinh tại ngoại quốc song được mở rộng để bao gồm các hậu duệ hướng về quốc gia gốc của họ. Peranakan trên phương diện khác, có nghĩa là "đứa con của Đông Ấn".
- ^ Habibie nói trong phỏng vấn, "Nếu cộng đồng người Hoa không trở lại vì họ không tin tưởng vào quốc gia và xã hội của họ, Tôi không thể ép buộc [họ], không ai có thể ép buộc họ. [...] Bạn thực sự nghĩ rằng chúng tôi sẽ chết sau đó? Địa vị của họ sẽ do những người khác tiếp quản." (Suryadinata 1999, tr. 9).
- ^ Học giả Indonesia Dede Oetomo cho rằng "thuật ngữ 'tiếng Mã Lai Trung Hoa' thực ra là dùng sai tên. Có thể có một sự liên tục giữa "tiếng Mã Lai Trung Hoa" và tiếng Indonesia hiện đại, đặc biệt là do tiếng Mã Lai Trung Hoa cũng được sử dụng trong các nghị luận thành văn của các thành viên dân tộc khác ngoài dân tộc Hoa trong thời kỳ thuộc địa cũng như hậu độc lập" (Kahin 1991, tr. 54).
- ^ Kewarganegaraan, Suku Bangsa, Agama dan Bahasa Sehari-hari Penduduk Indonesia Hasil Sensus Penduduk 2010. Badan Pusat Statistik. 2011. ISBN 9789790644175.
- ^ a b Suryadinata, Arifin & Ananta 2003, tr. 74.
- ^ Hoon 2006, tr. 96.
- ^ Heidhues 2001, tr. 164–165.
- ^ Cunningham 2008, tr. 104.
- ^ Skinner 1963, tr. 101.
- ^ a b c Skinner 1963, tr. 102.
- ^ a b Skinner 1963, tr. 103.
- ^ Reid 2001, tr. 17.
- ^ Reid 2001, tr. 20–21.
- ^ Ma 2005, tr. 115.
- ^ a b Tan 2005, tr. 796.
- ^ a b Reid 1999, tr. 52.
- ^ Reid 2001, tr. 33.
- ^ a b Guillot, Lombard & Ptak 1998, tr. 179.
- ^ Borschberg 2004, tr. 12.
- ^ Heidhues 1999, tr. 152.
- ^ Phoa 1992, tr. 9.
- ^ Phoa 1992, tr. 7.
- ^ Chang 2010, tr. 2.
- ^ Phoa 1992, tr. 8.
- ^ Phoa 1992, tr. 10.
- ^ Reid 2007, tr. 44–47.
- ^ Setiono 2003, tr. 125–137.
- ^ Hellwig & Tagliacozzo 2009, tr. 168.
- ^ Phoa 1992, tr. 11.
- ^ Phoa 1992, tr. 12.
- ^ Phoa 1992, tr. 13.
- ^ Heidhues 2001, tr. 179.
- ^ Phoa 1992, tr. 14.
- ^ Phoa 1992, tr. 16.
- ^ Phoa 1992, tr. 17–18.
- ^ a b Purdey 2006, tr. 5.
- ^ Suryadinata 1997, tr. 3, 10.
- ^ Purdey 2006, tr. 6.
- ^ a b Purdey 2006, tr. 7.
- ^ Suryadinata 1997, tr. 10–11.
- ^ Setiono 2003, tr. 449–450.
- ^ Suryadinata 1997, tr. xv.
- ^ Suryadinata 1997, tr. 33.
- ^ Suryadinata 1997, tr. 50.
- ^ Suryadinata 1997, tr. 70.
- ^ a b Purdey 2006, tr. 8.
- ^ Tan 2008, tr. 6.
- ^ a b c Purdey 2006, tr. 9.
- ^ a b Coppel 2002, tr. 336.
- ^ a b Coppel 2002, tr. 337.
- ^ Coppel 2002, tr. 357.
- ^ Coppel 2002, tr. 350.
- ^ a b Suryadinata 2008, tr. 11.
- ^ Purdey 2006, tr. 11.
- ^ Purdey 2006, tr. 13.
- ^ Purdey 2006, tr. 14.
- ^ Purdey 2006, tr. 15.
- ^ Purdey 2006, tr. 20.
- ^ a b Purdey 2006, tr. 21.
- ^ Tan 2008, tr. 27.
- ^ Purdey 2006, tr. 22.
- ^ Robison 1986, tr. 271.
- ^ Purdey 2006, tr. 23–24.
- ^ Purdey 2006, tr. 106–107.
- ^ a b Purdey 2006, tr. 108.
- ^ Hermawan, Ary (23 tháng 6 năm 1998). “Films tell the lost history of May riots”. The Jakarta Post. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2012.
- ^ “Ethnic Chinese tell of mass rapes”. BBC News. 23 tháng 6 năm 1998. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2010.
- ^ Napier, Catherine (9 tháng 11 năm 1999). “Wahid Aims to Bring Back the Billions”. BBC News. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2009.
- ^ Purdey 2006, tr. 106.
- ^ Purdey 2006, tr. 175.
- ^ Purdey 2006, tr. 176.
- ^ Purdey 2006, tr. 179.
- ^ Purdey 2006, tr. 180.
- ^ Setiono 2003, tr. 1099.
- ^ Suryadinata 2008, tr. 12.
- ^ Suryadinata, Arifin & Ananta 2003, tr. 83.
- ^ Suryadinata, Arifin & Ananta 2003, tr. 76.
- ^ Suryadinata, Arifin & Ananta 2003, tr. 75.
- ^ Ananta, Arifin & Bakhtiar 2008, tr. 24.
- ^ a b Heidhues 1999, tr. 151.
- ^ Ananta, Arifin & Bakhtiar 2008, tr. 20.
- ^ a b Suryadinata, Arifin & Ananta 2003, tr. 73.
- ^ a b Skinner 1963, tr. 97.
- ^ “阿丹・馬立克外長談稱 還沒有迫切性去匆匆與中共恢復正常關係” [Foreign Minister Adam Malik: No Urgency to Normalize Relations with Communist China]. Harian Indonesia (bằng tiếng Trung). Antara. 26 tháng 4 năm 1973. tr. 1.
- ^ Johnston, Tim (3 tháng 3 năm 2005). “Chinese diaspora: Indonesia”. BBC News. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2010.
- ^ 印尼2006年華人人口統計推估 [2006 Chinese in Indonesia Estimate] (pdf) (bằng tiếng Trung). Overseas Compatriot Affairs Commission. tháng 5 năm 2007. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2010.
- ^ a b Ananta, Arifin & Bakhtiar 2008, tr. 26.
- ^ Ananta, Arifin & Bakhtiar 2008, tr. 27.
- ^ Heidhues 1999, tr. 160.
- ^ Suryadinata, Arifin & Ananta 2003, tr. 80.
- ^ McKeown 2005, tr. 73.
- ^ Penny & Gunawan 2001, tr. 440.
- ^ Walrond 2009.
- ^ Cunningham 2008, tr. 106.
- ^ Cunningham 2008, tr. 95.
- ^ Nagata 1999, tr. 725.
- ^ Suryadinata 1984, tr. 96.
- ^ Skinner 1963, tr. 110.
- ^ Dawis 2009, tr. 113.
- ^ Dawis 2009, tr. 77.
- ^ Skinner 1963, tr. 107.
- ^ Skinner 1963, tr. 108.
- ^ Dawis 2009, tr. 80.
- ^ Dawis 2009, tr. 78.
- ^ “Peraturan yang Menggusur Tionghoa” [Regulations displace the ethnic Chinese]. Tempo (bằng tiếng Indonesia). 36 (25): 94–95. 13–19 August 2007. ISSN 0126-4273. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 23 tháng 2 năm 2010.
- ^ a b Robison 1986, tr. 272.
- ^ Murray L Weidenbaum (1 tháng 1 năm 1996). The Bamboo Network: How Expatriate Chinese Entrepreneurs are Creating a New Economic Superpower in Asia. Martin Kessler Books, Free Press. tr. 4–8. ISBN 978-0-684-82289-1.
- ^ Robison 1986, tr. 275.
- ^ East Asia Analytical Unit 1995, tr. 41.
- ^ Tenorio, Alfred S. (8 tháng 1 năm 1999). “Correcting the Myth About the Dominance of Ethnic Chinese in Indonesian Business”. BusinessWorld: 25. ISSN 0116-3930.
- ^ Mead, Walter Russell (28 tháng 6 năm 1998). “The Capitalist; Bottom-Fishing Time?”. The New York Times Magazine. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2010.
- ^ Schmetzer, Uli (18 tháng 3 năm 1998). 18 tháng 3 năm 1998/news/9803180202_1_singapore-and-malaysia-president-suharto-asian-nations “Asia Neighbors Fear Spread Of Indonesia's Economic Ills” Kiểm tra giá trị
|url=
(trợ giúp). Chicago Tribune. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2010.[liên kết hỏng] Lỗi chú thích: Thẻ<ref>
không hợp lệ: tên “Schmetzer 18 March 1998” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ Chua 2008, tr. 43.
- ^ Chua 2008, tr. 147.
- ^ Chua 2008, tr. 72–73.
- ^ Chua 2008, tr. 75.
- ^ Chua 2008, tr. 88.
- ^ Chua 2008, tr. 114.
- ^ Chua 2008, tr. 116.
- ^ Chua 2008, tr. 142.
- ^ Skinner 1963, tr. 105.
- ^ Dawis 2009, tr. 79.
- ^ Skinner 1963, tr. 109.
- ^ a b Suryadinata 2002, tr. 133.
- ^ Suryadinata 2002, tr. 127–128.
- ^ Tjhin, Christine Susanna (21 tháng 12 năm 2008). “A new political animal?”. Inside Indonesia. 95. ISSN 0814-1185. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2011. Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
không hợp lệ: tên “Tjhin 21 December 2008” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ “Chinese-Indonesians to quiz vice presidential candidates”. The Jakarta Post. 12 tháng 6 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2009.
- ^ Lewis 2005, tr. 391.
- ^ Heidhues 1999, tr. 154.
- ^ Kahin 1991, tr. 55.
- ^ Kahin 1991, tr. 61.
- ^ Kahin 1991, tr. 65.
- ^ Dawis 2009, tr. 3.
- ^ a b Hoon 2006, tr. 113.
- ^ Hoon 2006, tr. 114.
- ^ Sen 2006, tr. 121.
- ^ Sen 2006, tr. 123.
- ^ Dawis 2009, tr. 14.
- ^ a b c d Ananta, Arifin & Bakhtiar 2008, tr. 30.
- ^ Coppel 2002, tr. 256.
- ^ a b c Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor (2009). “Indonesia”. 2009 Annual Report to Congress on International Religious Freedom. United States Department of State. Truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2010.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
- ^ Kahin 1991, tr. 122.
- ^ Brazier, Roderick (27 tháng 4 năm 2006). “In Indonesia, the Chinese go to church”. International Herald Tribune. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2010.
- ^ “In Indonesia, Lunar New Year an old practice for young Christians”. Agence France-Presse. 7 tháng 2 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2011. Đã định rõ hơn một tham số trong
|archiveurl=
và|archive-url=
(trợ giúp) Lỗi chú thích: Thẻ<ref>
không hợp lệ: tên “AFP 7 February 2008” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ Ma 2005, tr. 120.
- ^ Suryadinata 2008, tr. 10.
- ^ a b Pratiwo 2007, tr. 74.
- ^ Widodo 2007, tr. 69.
- ^ Widodo 2007, tr. 60.
- ^ Pratiwo 2007, tr. 75.
- ^ Pratiwo 2007, tr. 76.
- ^ Pratiwo 2007, tr. 77.
- ^ Tan 2002, tr. 154.
- ^ Tan 2002, tr. 155–156.
- ^ a b Tan 2002, tr. 158.
- ^ Tan 2002, tr. 157.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Nguồn tam cấp
- Heidhues, Mary Somers (1999), “Indonesia”, trong Pan, Lynn (biên tập), The Encyclopedia of the Chinese Overseas, Cambridge, M.A.: Harvard University Press, tr. 151–168, ISBN 978-0-674-25210-3.
- Ma, Rosey Wang (2005), “Hui Diaspora”, trong Ember, Melvin; Ember, Carol R.; Skoggard, Ian (biên tập), Encyclopedia of Diasporas: Immigrant and Refugee Cultures Around the World, New York, N.Y.: Springer Science+Business Media, tr. 113–124, ISBN 978-0-387-29904-4.
- McKeown, Adam (2005), “Chinese Diaspora”, trong Ember, Melvin; Ember, Carol R.; Skoggard, Ian (biên tập), Encyclopedia of Diasporas: Immigrant and Refugee Cultures Around the World, New York, N.Y.: Springer Science+Business Media, tr. 65–76, ISBN 978-0-387-29904-4.
- Nagata, Judith (1999), “Indonesians”, trong Magocsi, Paul R. (biên tập), Encyclopedia of Canada's Peoples, Toronto, ON: University of Toronto Press, tr. 723–726, ISBN 978-0-8020-2938-6.
- Penny, Janet; Gunawan, Tuti (2001), “Indonesians”, trong Jupp, James (biên tập), The Australian People: An Encyclopedia of the Nation, Its People and Their Origins (ấn bản thứ 2), Cambridge, M.A.: Cambridge University Press, tr. 439–441, ISBN 978-0-521-80789-0.
- Reid, Anthony (1999), “Chinese and Southeast Asian interactions”, trong Pan, Lynn (biên tập), The Encyclopedia of the Chinese Overseas, Cambridge, M.A.: Harvard University Press, tr. 51–53, ISBN 978-0-674-25210-3.
- Reid, Anthony (2007), “Entrepreneurial Minorities, Nationalism, and the State”, trong Chirot, Daniel; Reid, Anthony (biên tập), Essential Outsiders: Chinese and Jews in the Modern Transformation of Southeast Asia and Central Europe, Seattle: University of Washington Press, tr. 33–73, ISBN 978-0-295-97613-6.
- Tan, Mely G. (2005), “Ethnic Chinese in Indonesia”, trong Ember, Melvin; Ember, Carol R.; Skoggard, Ian (biên tập), Encyclopedia of Diasporas: Immigrant and Refugee Cultures Around the World, New York, N.Y.: Springer Science+Business Media, tr. 795–807, ISBN 978-0-387-29904-4.
- Walrond, Carl (4 tháng 3 năm 2009), Indonesians, Auckland: Te Ara Encyclopedia of New Zealand.
- Nguồn thứ cấp
- Ananta, Aris; Arifin, Evi Nurvidya; Bakhtiar (2008), “Chinese Indonesians in Indonesia and the Province of Riau Archipelago: A Demographic Analysis”, trong Suryadinata, Leo (biên tập), Ethnic Chinese in Contemporary Indonesia, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, tr. 17–47, ISBN 978-981-230-834-4.
- Borschberg, Peter biên tập (2004), Iberians in the Singapore-Melaka area and adjacent regions (16th to 18th century), 14 , Wiesbaden, Germany: Otto Harrassowitz Verlag, ISBN 3-447-05107-8, truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2011
- Chang, Yau Hoon (16 tháng 10 năm 2010), “Mapping 'Chinese' Christian Schools in Indonesia: Ethnicity, Class and Religion”, Asia Pacific Education Review, Seoul, Korea: Springer, 12 (3), doi:10.1007/s12564-010-9144-7, truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2012.
- Chua, Christian (2008), Chinese Big Business in Indonesia: The State of Capital, Routledge Contemporary Southeast Asia Series, London: Routledge, ISBN 978-0-415-45074-4.
- Coppel, Charles A. (2002), Studying Ethnic Chinese in Indonesia, Asian Studies Monograph Series, Singapore: Singapore Society of Asian Studies, ISBN 978-9971-9904-0-4.
- Cunningham, Clark E. (2008), “Unity and Diversity among Indonesian Migrants to the United States”, trong Ling, Huping (biên tập), Emerging Voices: Experiences of Underrepresented Asian Americans, Piscataway, N.J.: Rutgers University Press, tr. 90–108, ISBN 978-0-8135-4341-3.
- Dawis, Aimee (2009), The Chinese of Indonesia and Their Search for Identity: The Relationship Between Collective Memory and the Media, Amherst, N.Y.: Cambria Press, ISBN 978-1-60497-606-9.
- East Asia Analytical Unit (1995), Overseas Chinese Business Networks in Asia, Canberra: Department of Foreign Affairs and Trade, ISBN 978-0-642-22960-1.
- Gernet, Jacques (1996), A History of Chinese Civilization (ấn bản thứ 2), Cambridge, M.A.: Cambridge University Press, ISBN 978-0-521-49781-7.
- Guillot, C.; Lombard, Denys; Ptak, Roderich biên tập (1998), From the Mediterranean to the China Sea: miscellaneous notes, Wiesbaden, Germany: Otto Harrassowitz Verlag, ISBN 3-447-04098-X, truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2011.
- Heidhues, Mary Somers (2001), “Chinese Settlements in Rural Southeast Asia: Unwritten Histories”, trong Reid, Anthony (biên tập), Sojourners and Settlers: Histories of Southeast Asia and the Chinese, Honolulu, H.I.: University of Hawaii Press, tr. 164–182, ISBN 978-0-8248-2446-4.
- Hoon, Chang-Yau (2006), “'A Hundred Flowers Bloom': The Re-emergence of the Chinese Press in Post-Suharto Indonesia”, trong Sun, Wanning (biên tập), Media and the Chinese Diaspora: Community, Communications and Commerce, London: Routledge, tr. 91–118, ISBN 978-0-415-35204-8.
- Kahin, Audrey biên tập (1991), Indonesia: The Role of the Indonesian Chinese in Shaping Modern Indonesian Life, Ithaca, N.Y.: Cornell Southeast Asia Program, ISBN 978-99936-0-446-4.
- Lewis, M. Paul biên tập (2005), “Indonesia”, Ethnologue: Languages of the World (ấn bản thứ 15), Dallas, T.X.: SIL International, ISBN 978-1-55671-159-6, truy cập ngày 26 tháng 1 năm 2010.
- Phoa, Liong Gie (1992), “The Changing Economic Position of the Chinese in Netherlands India”, trong Fernando, M. R.; Bulbeck, David (biên tập), Chinese Economic Activity in Netherlands India: Selected Translations from the Dutch, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, tr. 5–18, ISBN 978-981-3016-21-7.
- Pratiwo (2007), “Seeking the Spirit of the Age: Chinese Architecture in Indonesia Today”, trong Nas, Peter J. M. (biên tập), The Past in the Present: Architecture in Indonesia, Leiden: Royal Netherlands Institute of Southeast Asian and Caribbean Studies, tr. 73–83, ISBN 978-90-6718-296-6.
- Purdey, Jemma (2006), Anti-Chinese Violence in Indonesia, 1996–1999, Honolulu, H.I.: University of Hawaii Press, ISBN 978-0-8248-3057-1.
- Reid, Anthony (2001), “Flows and Seepages in the Long-term Chinese Interaction with Southeast Asia”, Sojourners and Settlers: Histories of Southeast Asia and the Chinese, Honolulu, H.I.: University of Hawaii Press, tr. 15–50, ISBN 978-0-8248-2446-4.
- Robison, Richard (1986), “The Emergence of a Capitalist Class: Chinese-Owned Capital”, Indonesia: The Rise of Capital, Sydney: Allen & Unwin, tr. 271–322, ISBN 978-0-04-909024-8.
- Sen, Krishna (2006), “'Chinese' Indonesians in National Cinema”, trong Sun, Wanning (biên tập), Media and the Chinese Diaspora: Community, Communications and Commerce, London: Routledge, tr. 119–136, ISBN 978-0-415-35204-8.
- Setiono, Benny G. (2003), Tionghoa dalam Pusaran Politik [Indonesia's Chinese Community under Political Turmoil] (bằng tiếng Indonesia), Jakarta: Elkasa, ISBN 978-979-96887-4-3.
- Skinner, G. William (1963), “The Chinese Minority”, trong McVey, Ruth (biên tập), Indonesia, Survey of World Cultures, New Haven, C.T.: Yale University Southeast Asia Studies, tr. 97–117, OCLC 411723.
- Suryadinata, Leo (1999), “The Ethnic Chinese Issue and National Integration in Indonesia” (PDF), Trends in Southeast Asia, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, ISSN 0219-3213, Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 14 tháng 6 năm 2011, truy cập ngày 16 tháng 3 năm 2015.
- Suryadinata, Leo (2002), “Democracy and Ethnic Chinese Politics”, Election and Politics in Indonesia, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, tr. 126–138, ISBN 978-981-230-121-5.
- Suryadinata, Leo (2008), “Chinese Indonesians in an Era of Globalization: Some Major Characteristics”, trong Suryadinata, Leo (biên tập), Ethnic Chinese in Contemporary Indonesia, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, tr. 1–16, ISBN 978-981-230-834-4.
- Suryadinata, Leo biên tập (2004), Chinese Indonesians: State Policy, Monoculture, and Multiculture, Singapore: Marshall Cavendish, ISBN 978-981-210-298-0.
- Suryadinata, Leo (1984), Dilema Minoritas Tionghoa [Dillema of the Chinese Minority] (bằng tiếng Indonesia), Jakarta: Grafiti Pers, OCLC 11882266.
- Suryadinata, Leo; Arifin, Evi Nurvidya; Ananta, Aris (2003), “The Ethnic Chinese: A Declining Percentage”, Indonesia's Population: Ethnicity and Religion in a Changing Political Landscape, Indonesia's Population Series, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, tr. 73–102, ISBN 978-981-230-218-2.
- Tan, Mely G. (2002), “Chinese Dietary Culture in Indonesian Urban Society”, trong Wu, David Y. H.; Cheung, Sidney C. H. (biên tập), The Globalization of Chinese Food, Honolulu, H.I.: University of Hawaii Press, tr. 152–169, ISBN 978-0-8248-2582-9.
- Tan, Mely G. (2008), Etnis Tionghoa di Indonesia: Kumpulan Tulisan [Ethnic Chinese in Indonesia: Collected Writings] (bằng tiếng Anh và Indonesia), Jakarta: Yayasan Obor Indonesia, ISBN 978-979-461-689-5.
- Widodo, Johannes (2007), “The Chinese Diaspora's Urban Morphology and Architecture in Indonesia”, trong Nas, Peter J. M. (biên tập), The Past in the Present: Architecture in Indonesia, Leiden: Royal Netherlands Institute of Southeast Asian and Caribbean Studies, tr. 67–72, ISBN 978-90-6718-296-6.
- Nguồn chính
- Hellwig, Tineke; Tagliacozzo, Eric biên tập (2009), The Indonesia Reader: History, Culture, Politics, Durham, N.C.: Duke University Press, ISBN 978-0-8223-4424-7.
- Suryadinata, Leo biên tập (1997), Political Thinking of the Indonesian Chinese, 1900–1995: A Sourcebook (ấn bản thứ 2), Singapore: Singapore University Press, ISBN 978-9971-69-201-8.
Đọc thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- T'ien Ju-k'ang. The Chinese of Sarawak, L. S. E. Monographs on Social Anthropology, No. 12, London (London School of Economics, Department of Anthropology), 1953.
- Willmott, Donald Earl. The Chinese of Semarang: A Changing Minority in Indonesia, Ithaca (Cornell University Press), 1960.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Anti Discrimination Movement Lưu trữ 2015-04-02 tại Wayback Machine (Gerakan Perjuangan Anti Diskriminasi, GANDI)
- Chinese Indonesian Association Lưu trữ 2009-01-26 tại Wayback Machine (Perhimpunan Indonesia Tionghoa, INTI)
- Indonesian Chinese Social Association Lưu trữ 2013-06-15 tại Archive.today (Paguyuban Sosial Marga Tionghoa Indonesia, PSMTI)