Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Kinh tế Việt Nam Cộng hòa”

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
Saruman (thảo luận | đóng góp)
Bảng này có vấn đề gì đâu?
Saruman (thảo luận | đóng góp)
À nhầm, bảng đã bị xóa
Dòng 107: Dòng 107:


== Xuất nhập khẩu ==
== Xuất nhập khẩu ==
[[Tập tin:Thuong mai cua Việt Nam Cộng hòa.png|nhỏ|trái|300px|Kim ngạch xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại (triệu USD).<ref>Dựa theo số liệu trong Bảng III/1, trang 32 của ''Tình hình kinh tế miền Nam Việt Nam 1955-1975'' (dẫn lại từ Đặng Phong (2004), Bảng 9.1, trang 343).</ref>]]


{| class="wikitable" style="float:right; margin:1em; margin-top:0;"
{| class="wikitable" style="float:right; margin:1em; margin-top:0;"

Phiên bản lúc 10:45, ngày 25 tháng 9 năm 2014

Tập tin:10000VNCHD nam 1975.JPEG
Tiền giấy mệnh giá mười ngàn đồng phát hành năm 1975

Nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa cho đến năm 1975 là một nền kinh tế thị trường, đang phát triển, và mở cửa. Mức độ tự do của nền kinh tế khá cao trong những năm 1963 đến 1973. Tuy nhiên, phát triển kinh tế vẫn được triển khai dựa trên các kế hoạch kinh tế 5 năm hoặc kế hoạch bốn năm. Nền kinh tế ổn định trong gần 10 năm đầu tiên, sau đó do tác động của chiến tranh leo thang trở nên mất ổn định với những đặc trưng như tốc độ tăng trưởng kinh tế không đều, tỷ lệ lạm phát cao, thâm hụt ngân sách nhà nướcthâm hụt thương mại. Chính quyền đã phải tiến hành cải cách ruộng đất tới hai lần.

Mỹ đóng vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế của Việt Nam Cộng hòa thông qua viện trợ kinh tế cũng như hỗ trợ kỹ thuật. Một đặc điểm khác là sự lũng đoạn đáng kể của giới thương nhân người Hoa đối với nền kinh tế.[1]

Tính chung giai đoạn 1955-1975, kinh tế Việt Nam Cộng hòa phát triển trung bình 3,9%/năm (bình quân đầu người tăng 0,8% mỗi năm), trong khi kinh tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát triển bình quân 6%/năm (GDP đầu người tăng khoảng 3% mỗi năm). Tính trung bình toàn Việt Nam thì GDP đầu người tăng 1,9%/năm[2]

Các giai đoạn phát triển

Giai đoạn Pháp thuộc tới trước 1955

Kinh tế Việt Nam lúc này chủ yếu là một nền kinh tế thuộc địa để hỗ trợ cho Pháp chứ không có kế hoạch tự túc hoặc phát triển theo khả năng bản xứ. Toàn quyền Pasquier khẳng định: "Lợi nhuận từ Đông Dương phải trao lại cho nước Pháp". Đông Dương là nguồn nguyên liệu và vật liệu bán chế trong khi mẫu quốc Pháp cung ứng những sản phẩm chế biến để bán sang Đông Dương.

Về mặt nông lâm, cơ chế đồn điền nhất là đồn điền cao su để cung cấp cho thị trường Âu Mỹ là một điển hình. Cây cao su Hevea brasiliensis đầu tiên đem từ Mã Lai sang trồng ở Đông Dương là vào năm 1897 ở Sài Gòn. Đến năm 1905 thì cạo mủ thấy sản xuất được nên bắt đầu phát động đem trồng nhiều nơi.[3] Miền Đông Nam Kỳ là một trong những địa phương phản ánh tập trung những yếu tố của đồn điền cao su – ngành đại diện cho hoạt động nông nghiệp thực dân hiện đại.

Sài Gòn là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hoá – xã hội của miền Nam. Năm 1859, người Pháp chiếm thành Gia Định và bắt đầu công cuộc quy hoạch xây dựng Gia Định – Sài Gòn thành một đô thị lớn kiểu phương Tây, là một trung tâm đa chức năng phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Rất nhanh chóng, các công trình quan trọng của thành phố như Dinh Thống đốc, Phủ Toàn quyền... được thực hiện. Sau hai năm xây dựng, bộ mặt Sài Gòn hoàn toàn thay đổi. Sài Gòn sau đó được thực dân Pháp ngợi ca là "hòn ngọc Viễn Đông" để chỉ nơi vui thú xa xỉ nổi tiếng tại các thuộc địa phía Đông của Pháp.[cần dẫn nguồn]

Nguồn lợi xuất khẩu lúa gạo, đã kích thích thực dân Pháp cướp đoạt ruộng đất và lôi cuốn cả giai cấp địa chủ phong kiến Việt Nam vào guồng máy thương nghiệp, hình thành nên tầng lớp thương nhân tư sản mại bản rất sớm và khá đông ở Sài Gòn – Gia Định đầu thế kỷ XX. Pháp ưu đãi tư bản người Hoa: cho lãnh thầu xây cất, thu mua lúa từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, lập nhà máy xay lúa gạo, cho công khai mở các loại cửa hàng độc quyền, công khai mở cả cửa tiệm thuốc phiện, sòng bạcnhà thổ. Tư bản người Hoa dần lũng đoạn kinh tế miền Nam cho tới các giai đoạn sau này.

Theo phân tích của Madison (1995) thì GDP đầu người của Nam Việt Nam cuối thế kỉ 19 vào loại cao nhất châu Á, ngang ngửa với Nhật bản, cao hơn Thái Lan.[cần dẫn nguồn] Tuy nhiên, thứ hạng GDP đầu người của Nam Việt Nam đã dần giảm xuống từ sau năm 1930, tới thập kỷ 1960 đã trở thành một trong những mức thấp nhất Đông Á.[4][5]

Giai đoạn 1955-1965

Nhà máy giấy An Hảo
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam Cộng hòa, qua 20 năm trung bình đạt 3,9%/năm (bình quân đầu người tăng 0,8% mỗi năm)

Đây là giai đoạn mà kinh tế của Việt Nam Cộng hòa tăng trưởng tương đối nhanh, song vẫn giữ được mức độ tăng giá vừa phải. Ngân sách Nhà nước thời gian đầu cân đối thậm chí có thặng dư, song từ năm 1961 trở đi bắt đầu chuyển sang thâm hụt. Mức độ đầu tư lớn, nôngcông nghiệp nói chung đều phát triển mạnh.

Năm 1955, chính quyền Đệ nhất Cộng hòa thời Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Viện Hối đoái, phát hành đơn vị tiền tệ mới thay cho tiền Đông Dương, ấn định tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam Cộng hòa và dollar Mỹ là 35:1.

Năm 1956, Việt Nam Cộng hòa ban hành hiến pháp trong đó có nêu rõ việc thành lập và vai trò của Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Phó Tổng thống sẽ làm chủ tịch hội đồng này. Cũng năm 1956, Việt Nam Cộng hòa gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế.[6]

Tháng 3 năm 1957, Ngô Đình Diệm đọc Tuyên ngôn của Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa trong đó có kêu gọi đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước, cam kết về những quyền lợi họ và những khuyến khích đầu tư (ưu đãi về thuế thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuế lợi tức).

Để khuyến khích phát triển doanh nghiệp, chính phủ đã thành lập Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ để giúp đỡ các doanh nhân khởi nghiệp, giúp đỡ các doanh nghiệp về công nghệtín dụng, hỗ trợ công nghệ và hướng dẫn đầu tư cho doanh nghiệp.

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã tích cực triển khai chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Các hàng rào thuế quan và phi thuế quan được dựng lên để bảo hộ một loạt ngành công nghiệp nhẹ. Kết quả phải kể đến nhà máy giấy đầu tiên ở Việt Nam: nhà máy giấy Cogido An Hảo (1961) ở Biên hòa, thỏa mãn 30-40% nhu cầu tiêu thụ giấy trong nước[7]; hai xưởng dệt Vinatexco và Vimytex với năng suất 13,2 triệu mét vải mỗi năm; nhà máy thủy tinh Khánh Hội năng suất 15.000 tấn/năm; hai nhà máy xi măng, một ở Hà Tiên, một ở Thủ Đức với năng suất 540.000 tấn mỗi năm; và đập thủy điện Đa Nhim, hoàn thành năm 1961[8]. Đồng thời, các loại máy móc, kim loại - những đầu vào cho các ngành được bảo hộ - được ưu tiên nhập khẩu. Trong khi hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu được khuyến khích. Một số mặt hàng xuất khẩu còn được chính quyền trợ cấp. Ngay cả tỷ giá hối đoái cũng được điều chỉnh thuận lợi cho xuất khẩu (thông qua trừ đi một mức phụ đảm). Thời kỳ 1955-1965 là thời kỳ tốt đẹp nhất của xuất khẩu của Việt Nam Cộng hòa.

Vai trò của chính phủ trong phát triển kinh tế còn thể hiện rõ qua việc triển khai kế hoạch kinh tế 5 năm (Việt Nam Cộng hòa gọi là Ngũ niên Kinh tế Kế hoạch do Tổng nha Kế hoạch thiết kế) từ năm 1957 tới 1962 (Kế hoạch Ngũ niên I) và từ năm 1962 tới 1966 (Kế hoạch Ngũ niên II). Chính phủ Việt Nam Cộng hòa còn thành lập khu công nghiệp (hay khu kỹ nghệ theo cách gọi tại Việt Nam Cộng hòa lúc đó) để tạo thuận lợi cho đầu tư vào lĩnh vực chế tạo. Cụ thể, Khu kỹ nghệ Biên Hòa được thành lập vào tháng 5 năm 1963, và Công ty Quốc gia Khuếch trương Khu Kỹ nghệ (SONADEZI - Société nationale du Dévelopment dé zones industrielles) được thành lập vào tháng 12 năm 1963 để quản lý và phát triển các khu công nghiệp, Khu kỹ nghệ Phong Dinh(Cần Thơ ngày nay) được thành lập vào năm 1967, chưa kể đến Khu kỹ nghệ An Hòa - Nông Sơn(Quảng Ngãi) được thành lập từ trước đó.[9] Bên cạnh đó, để khuyến khích đầu tư tư nhân, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có các biện pháp hỗ trợ về tín dụng, chẳng hạn như thành lập Quốc gia Doanh Tế Cuộc vào năm 1955 mà sau đó được thay thế bằng Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ vào năm 1958, để hỗ trợ các doanh nghiệp mới (theo cách gọi ngày nay là ươm tạo doanh nghiệp), hướng dẫn cho các doanh nghiệp về mặt công nghệ và tài chính, cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp.[10]

Ở nông thôn thì Cải cách ruộng đất (lúc đó gọi là "Cải cách điền địa") được triển khai từ năm 1955 và kéo dài tới cuối năm 1960. Những ruộng đất của địa chủ bỏ hoang sẽ bị thu hồi và cấp cho tá điền. Địa chủ không được phép sở hữu quá 100 hecta đất (riêng các đồn điền dù hơn 100 ha vẫn được phép). Số dư ngoài 100 ha sẽ bị buộc phải bán cho chính quyền để bán lại cho tá điền. Tá điền được yêu cầu lập hợp đồng khai thác ruộng đất với địa chủ, gọi là khế ước tá điền trong đó có ghi mức địa tô mà tá điền phải trả cho địa chủ. Thời hạn khế ước là 5 năm, có tái ký. Tá điền có quyền trả đất và phải báo trước chủ đất 6 tháng. Chủ đất muốn lấy đất lại phải báo trước tá điền 3 năm. Do mức hạn điền lớn (100 ha), mặt khác các đại địa chủ lách luật bằng cách cho người nhà đứng tên, đất của các Giáo xứ Công giáo lại được miễn hạn mức, do vậy chỉ có 13 % diện tích đất của miền Nam Việt Nam đã được phân phối lại. Đường lối cải cách ruộng đất này đã để lại 2/3 diện tích đất canh tác của Việt Nam Cộng hòa trong tay tầng lớp địa chủ.[11] Do đó, chính quyền Đệ nhị Cộng hòa với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau này phải làm lại cải cách ruộng đất.

Những chính sách phát triển kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa giai đoạn này có thể coi là tiến bộ, song bất ổn định chính trị (xung đột vũ trang giữa các phe phái, đảo chính, sự nổi dậy của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam) đã hạn chế các chính sách nói trên phát huy hiệu quả.

Giai đoạn 1965 - 1969

Xu hướng phát triển công, nông nghiệp của Việt Nam Cộng hòa

Đây là thời kỳ mà nền kinh tế không chính thức (kinh tế ngầm) phát triển rất mạnh, thâm hụt ngân sách gia tăng, giá cả tăng nhanh ở tốc độ phi mã, tiền đồng Việt Nam Cộng hòa liên tục bị phá giá, kinh tế suy thoái. Chiến tranh ngày càng tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, nhất là Sự kiện Tết Mậu Thân. Suốt 4 năm 1965-1968, kinh tế tăng trưởng âm, đỉnh điểm là năm 1967 bị âm 17%.[12]

Năm 1965, Việt Nam Cộng hòa đang từ xuất khẩu lúa gạo chuyển sang nhập khẩu lúa gạo. Nhập khẩu gạo tiếp tục đến tận năm 1975. Sản lượng giảm sút trong các năm từ 1965 đến 1968 là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng đảo chiều này. Tuy nhiên, sản lượng đã tăng liên tục từ sau đó do diện tích canh tác lúa lẫn năng suất ngày càng tăng. Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam Cộng hòa đạt được nhiều tiến bộ nhờ sử dụng phân bón hóa học, cơ giới hóa, sử dụng giống mới. Vì vậy, nguyên nhân chính của việc Việt Nam Cộng hòa phải nhập khẩu gạo là do nhu cầu gạo từ vùng do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát tăng lên cùng với sự thâm nhập ngày càng nhiều của lực lượng từ miền Bắc Việt Nam.[13]

Từ năm 1965, đường lối sản xuất thay thế nhập khẩu bị gác lại. Một số ngành công nghiệp non trẻ như dệt, sản xuất đường bỗng dưng không được bảo hộ nữa nên gặp khó khăn. Nhưng một số ngành khác lại có cơ hội phát triển. Nhìn chung, công nghiệp vẫn tăng trưởng, trừ năm 1968 và sau đó là năm 1972 bị giảm sút do tác động của chiến tranh.

Nạn lạm phát diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ trung bình trên 30-40%/năm, giá cả mọi hàng hóa đều tăng vọt. Theo thống kê, giá một số thực phẩm vào cuối năm 1965 và cuối năm 1967 như sau: 1 kg thịt gà tăng từ 96 đồng lên 309 đồng (gấp 3,2 lần); 1 kg thịt vịt tăng từ 63 đồng lên 203 đồng (gấp 3,2 lần); 1 kg tôm tươi tăng từ 62 đồng lên 216 đồng (gần 3,5 lần). Trên chợ đen, giá 1 USD lên tới 270 đồng và không ngừng tăng đến 360 đồng (1969), 414 đồng (1971), 640 đồng (1974), 700 đồng (1975).

Một sự kiện kinh tế đáng chú ý trong giai đoạn này là Chiến dịch Bông Lan. Đây là mật danh của chiến dịch cải cách tiền tệ do chính phủ Nguyễn Văn Thiệu thực hiện từ ngày 18 tháng 6 năm 1966. Loạt tiền đồng Việt Nam Cộng hòa mới được phát hành. Loạt này còn được gọi là "giấy bạc Đệ nhị Cộng hòa". Với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban hành pháp Trung ương, Nguyễn Cao Kỳ ký sắc lệnh về những "biện pháp kinh tế để ổn định nền kinh tế" bằng cách phá giá đồng bạc miền Nam, tăng giá hàng lên 100%, tỷ giá chính thức từ 60 đồng đổi 1 đôla tăng lên 117 đồng đổi 1 đôla.

Nguyên nhân của chiến dịch cải cách tiền tệ này là do lạm phát cao sự thâm hụt ngân sách lớn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do quân Mỹ đổ vào miền Nam ngày càng đông, nhưng lính Mỹ không dùng đồng đôla mà dùng tín phiếu, gọi là đồng "đôla đỏ". Trước đây mỗi đôla Mỹ đổi được 60 đồng tiền miền Nam. Nhưng khi đổi từ đôla sang tiền miền Nam thì ngoài 60 đồng theo quy định còn cộng thêm khoản "phụ cấp hối suất" thành 73 đồng rưỡi. Mỗi "đôla đỏ" đổi được 118 đồng miền Nam, thì Việt Nam Cộng hòa phải trả thêm cho lính Mỹ 58 đồng miền Nam một đôla. Theo báo Chính luận (14-2-1966), vào cuối năm 1965, đầu 1966, mỗi tháng lính Mỹ tiêu ở thị trường miền Nam chừng 10 triệu "đôla đỏ", thì Sài Gòn phải trả thêm cho lính Mỹ 580 đến 600 triệu đồng tiền miền Nam, hàng năm phải trả hơn 7 tỷ đồng, tương đương 40% ngân sách. Để bù vào chỗ thâm hụt đó, chính quyền Sài Gòn chỉ còn cách là in ra nhiều giấy bạc. Khối tiền giấy lưu hành ở miền Nam ngày càng tăng lên, cuối năm 1965 là 18 tỷ, đến tháng 7-1966 đã lên đến 57 tỷ. Giấy bạc in ra nhiều tất yếu dẫn đến lạm phát ngày càng nghiêm trọng (báo chí gọi là lạm phát phi mã).[14]

Thập niên 1960 trong những năm đầu tình hình kinh tế Việt Nam Cộng hòa còn khá triển vọng. Năm 1960 miền Nam vẫn còn xuất cảng được gạo với tổng xuất là 340.000 tấn nhưng sau đó do các cuộc tiến công của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nông thôn bắt đầu thiếu an ninh, xuất cảng gạo xuống dần, tới năm 1962 chỉ còn 85.000 tấn. Từ 1965 trở đi thì phải chuyển sang nhập, có năm lên tới 760.000 tấn. So với năm 1939: xuất cảng gạo của riêng Nam Bộ lên tới gần hai triệu tấn. Tới năm 1954 cũng vẫn còn 520.000 tấn [15]

Bộ mặt các đô thị lớn được nâng cao, xuất hiện những cao ốc, đường sá theo thiết kế phương Tây. Nhưng những công trình này được xây dựng chủ yếu bằng vốn viện trợ của Mỹ chứ không phải ở vốn nội tại của nền kinh tế. Nó tương phản với tình trạng lạc hậu ở các khu ổ chuột lớn của di dân từ nông thôn kéo về, cũng như đại đa số các vùng nông thôn và đô thị nhỏ. Bên cạnh số ít người có quan hệ với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa được hưởng lợi từ viện trợ, đại bộ phận nhân dân lao động có cuộc sống khó khăn do lương thấp và lạm phát cao. Họ lập ra Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động, Ủy ban đấu tranh chống sa thải công nhân, Ủy ban cải thiện đời sống công nhân, v.v... để đòi giới chủ phải tăng lương, hạ giá sinh hoạt, chống đuổi thợ dưới bất kỳ hình thức nào.[16] Theo phúc trình của VECCO xuất bản tháng 1-1975 thì: Sài Gòn năm 1974 có 3 triệu dân thì có đến 60 vạn người thất nghiệp. Chênh lêch giàu nghèo rất lớn khi thu nhập của thiểu số "tầng lớp trên" chiếm 43,5% GDP, tầng lớp dưới chỉ đạt 1,8%.

Nhìn chung, theo giáo sư Đặng Phong, sự phồn vinh ở các đô thị chỉ là vẻ bề ngoài mang tính giả tạo, nếu không có viện trợ thì nội tại nền kinh tế miền Nam không thể duy trì nổi sự phồn vinh đó.

Giai đoạn 1969-1975

Kinh tế trở nên khó khăn do tổng cầu giảm sút đột ngột (hậu quả của việc quân đội Mỹ và đồng minh rút dần). Thâm hụt ngân sách thêm gia tăng bất chấp việc thu ngân sách nội địa và viện trợ kinh tế của Mỹ nhiều hơn mà lý do là chính quyền phải tự đảm đương nhiều hoạt động quân sự hơn. Lạm phát tiếp tục ở mức phi mã. Năm 1970, tỷ lệ lạm phát (tính toán dựa trên chỉ số giá tiêu dùng tại Sài Gòn áp dụng cho tầng lớp lao động) lên tới 36,8%. Năm 1973, tỷ lệ lạm phát là 44,5%. Những năm cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, 1973-1975, các chính sách hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước được triển khai. Kim ngạch xuất khẩu gia tăng, nhưng kim ngạch nhập khẩu không giảm, thậm chí còn tăng.

Những năm 1969-1971, sau sự kiện Tết Mậu Thân, du kích bị đẩy lùi nên tình hình an ninh ở nhiều nơi được cải thiện. Ngày 26 tháng Ba, 1970 chương trình "Người cày có ruộng" bắt đầu đã chia gần một triệu mẫu ruộng cho nông dân không phải trả tiền[17]. Chính phủ bán công khố phiếu lấy tiền mua lại ruộng đất của điền chú rồi chia cho nông dân. Người nào có quá 15 mẫu phải bán đất còn lại. Đang từ tá điền, bốn triệu nông dân trở thành gia chủ nhưng việc sở hữu ruộng đất có hai mặt: được hưởng trọn vẹn kết quả mình làm ra nhưng cũng phải chịu rủi ro của mùa màng, thời tiết.

Đến năm 1971 thì lúa thần nông (tức loại lúa giống IR-3 phát xuất ở Phillippines) đã được trồng trên 2,6 triệu mẫu ruộng, bằng 42% diện tích canh tác. Sản lượng thóc lên trên bảy triệu tấn, cao hơn năm 1966 là 63%. Nhập cảng gạo xuống chỉ còn 160.000 tấn.[18] Nhiều quan sát viên quốc tế đã cho chương trình "Người cày Có ruộng" là một trong những chương trình cải cách điền địa thành công nhất[17].

Nhằm khôi phục sản xuất sau Sự kiện Tết Mậu Thân,chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thành lập "Quỹ Tái Thiết Cơ Sở Sản Xuất" vào ngày 19 tháng 4 năm 1968 nhằm cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bị tàn phá.[19] Để khuyến khích nông nghiệp phát triển và "xoa dịu bộ phận dân cư" ở nông thôn, chính quyền đã triển khai lại cải cách ruộng đất dưới cái tên chương trình Người cày có ruộng vào năm 1970 với mục tiêu cấp không 1,5 triệu hecta ruộng lúa cho 80 vạn hộ nông dân, đồng thời cấp giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất cho nông dân. Ba năm sau khi triển khai chương trình này, tổng cộng có 75 vạn hộ gia đình, gồm khoảng 5 triệu người, đã được cấp đất. Chương trình này đã tạo ra một tầng lớp tiểu nông đông đảo, thúc đẩy kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp phát triển. Nông dân hăng hái sản xuất và năng suất lao động trong sản xuất lúa gạo tăng lên nhanh chóng. Đời sống của nông dân được cải thiện.[20] Năm 1972, chính quyền thành lập "Quỹ Phát Triển Kinh tế Quốc gia" nhằm "tài trợ tất cả dự án có tánh cách khuếch trương, canh tân hay tân tạo thuộc các ngành canh nông, kỹ nghệ và dịch vụ".[21] Từ năm 1972, một kế hoạch kinh tế 4 năm được triển khai. Tính đến năm 1972 diện tích canh tác lúa tổng cộng khoảng gần 2,8 triệu hecta, trong đó duyên hải miền Trung chiếm khoảng nửa triệu và miền Nam với 2,3 triệu.[22]

Do cải tiến kỹ thuật và giống lúa mới đã nâng sản xuất nông nghiệp lên tới bảy triệu tấn thóc vào năm 1973, tương đương bằng 4,6 triệu tấn gạo, gần tới mức đủ ăn. Dự tính của Nam Việt Nam là chỉ tới 1976 đã có thể xuất cảng.

Cây công nghiệp được đẩy mạnh để thay thế nhập cảng: sản xuất thuốc lá đã tới trên 18.000 tấn so với 9.000 tấn năm 1971; mía đường lên trên 900.000 tấn, gần gấp ba mức 1970. Dự phóng cho 1975 là sẽ tăng gấp đôi, tức 1,8 triệu tấn. Ngô bắp thì từ 31.000 tấn (1970), tăng lên trên 50.000 tấn (1974). Đồn điền cao su với diện tích hơn 100.000 hecta vào năm 1968 sản xuất chỉ hơn 20.831 tấn năm 1969 nhưng đến năm 1970 đã đạt 24.100 tấn[23] lại có khả năng phục hồi sản xuất trên 70.000 tấn cao su như mức tiền chiến.[24] Xuất cảng tôm và hải sản từ vỏn vẹn 500.000 lên gần 11 triệu đô la. Dự đoán cho 1975 là 30 triệu. Tổng số xuất cảng năm 1973 lên tới 53 triệu, tăng gấp ba lần năm 1972.

Tháng ba 1972, quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công mạnh trên vùng vĩ tuyến. Đà tiến triển kinh tế bỗng khựng lại do trên 200 cầu bị hư hại, đường sá bị phá huỷ, 40% sản xuất cao su bị mất vì rừng cao su đã thành bãi chiến trường. Thêm mấy trăm ngàn người nữa từ miền vĩ tuyến chạy vào phía nam, làm cho số người di cư tăng vọt lên 1,2 triệu. Áp lực nhu cầu tiếp tế lương thực, nước uống, thuốc men, vệ sinh, lều trại cho những người chạy nạn chiến tranh càng thêm nặng. Lại là năm mất mùa vì hạn hán nên nhập cảng gạo nhảy lên 284.000 tấn.

Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm 1972, khi chiến cuộc tạm lắng, tình hình lại trở nên khá hơn, và nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong vài tháng. Nhưng không lâu sau đó, Mỹ cắt giảm một nửa viện trợ, cùng với đó là cuộc Khủng hoảng dầu lửa 1973, kinh tế Việt Nam Cộng hòa vốn phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ nên lại lâm vào suy thoái. Giai đoạn 1974-1975, giá cả tăng vọt, nền kinh tế lâm vào đình đốn với mức tăng trưởng âm 5%, lạm phát vượt mức 200%.[25] Lợi tức bình quân đầu người tại miền Nam vào năm 1971 là 200 USD/năm, vào thời điểm đó là xấp xỉ với Thái Lan, gần gấp rưỡi Ấn Độ và hơn Trung Quốc 25%; nhưng đến năm 1974, thu nhập đã sụt xuống còn 54 USD/năm do tiền Việt Nam Cộng hòa bị mất giá gần 4 lần so với USD (bởi khủng hoảng kinh tế, lạm phát và việc Mỹ cắt giảm viện trợ).[26]

Cơ cấu kinh tế

Trong vòng 20 năm, xét theo giá trị sản lượng tuyệt đối, công nghiệp tăng khoảng 2,5 đến 3 lần, nhưng xét theo tỷ trọng trong GDP thì hầu như không tăng, chỉ từ 8 - 10% GDP[27], thậm chí có những năm giảm nghiêm trọng xuống 6%. Nông-lâm-ngư luôn chiếm tỷ trọng khoảng 30% GDP. Còn tỷ trọng của khu vực dịch vụ đã tăng nhanh chóng từ 45% lên 60%.

Công nghiệp

Tỷ trọng (%) của các phân ngành công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp năm 1973.[28]

Quá trình phát triển của nền công nghiệp Việt Nam Cộng hòa trải qua một số giai đoạn.

  • Giai đoạn 1954-1956: Công nghiệp khá nghèo nàn với số lượng nhà máy ít ỏi có từ thời Pháp thuộc.
  • Giai đoạn 1957-1967: là giai đoạn bùng nổ của công nghiệp nhờ chính sách công nghiệp tích cực của chính quyền và nhờ các biện pháp bảo hộ nền công nghiệp trong nước.
  • Giai đoạn 1967-1972: có sự phân hóa rõ rệt giữa các phân ngành. Những phân ngành như sản xuất đườngdệt không được bảo vệ nữa nên bị hàng ngoại tràn ngập bóp chết. Trong khi đó, những ngành như chế biến thực phẩm phục vụ quân nhu, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng lại phát triển mạnh. Đặc biệt, ngành luyện kim phát triển rất nhanh mặc dù miền Nam Việt Nam không có những mỏ kim loại. Chính phế thải kim loại của chiến tranh mới là nguồn nguyên liệu dồi dào và rẻ cho ngành luyện kim. Trên cơ sở sự phát triển của ngành luyện kim, ngành gia công kim loại cũng phát triển vượt bậc.
  • Giai đoạn sau 1972: là giai đoạn suy thoái của nền công nghiệp nói chung. Nguyên nhân là thị trường tiêu thụ hàng công nghiệp dân dụng bị thu hẹp do quân đội Mỹ và đồng minh rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, các ngành luyện kim và điện vẫn phát triển với nhiều nhà máy mới được xây dựng. Còn các ngành sản xuất vật liệu xây dựng là những ngành suy giảm mạnh. Cơ cấu công nghiệp của Việt Nam Cộng hòa tại thời điểm 1973 cho thấy công nghiệp của Việt Nam Cộng hòa chủ yếu là công nghiệp nhẹ. Công nghiệp nặnghóa chất mới ở trình độ sơ khai. Nguyên liệu cho ngành chế tạo chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Đến năm 1975, nền công nghiệp Việt Nam Cộng hòa phần lớn là các cơ sở công nghiệp nhỏ: 175 ngàn cơ sở với 1,4 triệu lao động và 800 triệu USD giá trị tài sản cố định. Có khoảng 1% cơ sở có quy mô từ 10 công nhân trở lên, còn lại là dưới 10 công nhân. Công nghiệp nhẹ chiếm 90% giá trị sản lượng của toàn ngành, chủ yếu là đồ uống, thực phẩm, thuốc lá, dệt may...[27]

Sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào nước ngoài về trang thiết bị thay thế và nguyên liệu, khoảng 70 - 100% nguyên liệu là nhập khẩu. Từ sau 1970, hàng năm, công nghiệp miền Nam phải nhập 300 triệu USD nguyên liệu và 65 triệu USD thiết bị. Tuy nhiên, có một số nhà máy qui mô lớn, trang thiết bị khá hiện đại và năng suất cao, có xuất xứ của các nước phát triển phương Tây như trong các ngành công nghiệp điện tử và cơ khí chính xác.[27]

Đến cuối năm 1974, người Hoa kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện... và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ và 90% xuất nhập khẩu.[29]

Năm 1973, chính phủ đã tổ chức 2 vòng đấu thầu khai thác dầu lửa ngoài khơi thềm lục địa. Nhiều công ty khai thác dầu lửa nước ngoài đã tham gia, bất chấp là tình hình an ninh chưa ổn định. Chính phủ cấp giấy phép cho sáu tổ hợp công ty dầu lửa được khai thác 13 địa điểm trong một khu vực 82.000 km² mới chỉ là 16% của thềm lục địa. Tới tháng 10, 1974 hãng Mobil khoan mỏ Bạch Hổ, tại lô 04-TLD, tìm được dầu dưới độ sâu trên 2,7 km. Ước tính là vào cuối 1975, sẽ có ít nhất 20 giàn khoan. Sản xuất một lượng dầu khả quan sắp được bắt đầu muộn lắm là vào cuối năm 1977. Các Công ty dầu đề nghị Chính phủ hai điểm: thứ nhất, cho công ty đào ngay mà không phải qua thủ tục đấu thầu, hành chánh; thứ hai, khi khai thác được dầu sẽ chia đôi, một nửa cho công ty, một nửa cho Chính phủ.[17] Sau 1975, các mỏ dầu này do Liên doanh Vietsopetro của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quản lý và khai thác.

Về địa lý công nghiệp, hầu hết các cơ sở công nghiệp của Việt Nam Cộng hòa tập trung ở Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa. Ba địa phương này chiếm khoảng 85% tổng số xí nghiệp, 90% tổng sản lượng khu vực chế tạo.

Nông nghiệp

Nông nghiệp là một khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam Cộng hòa. Các nông sản chính là lúa, cây công nghiệp (đặc biệt là cà phê). Việt Nam Cộng hòa đã có thời gian xuất khẩu cả gạo. Năm 1960 đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam Cộng hoà, với tổng xuất là 340.000 tấn. Từ năm đó, nông thôn bắt đầu thiếu an ninh, xuất cảng gạo xuống dần, và tới năm 1962, còn 85 ngàn tấn. Từ năm 1965, đã có lúc phải nhập cảng gạo. Nhờ những chính sách phát triển nông thôn, từ năm 1970, sản xuất lúa gạo tại miền Nam đã tăng trưởng. Thêm vào đó là nhờ tiến bộ kỹ thuật: loại lúa giống IR-3 phát xuất ở Philippines được đem vào đồng bằng Cửu Long, nhờ phát triển nhanh và tốt, còn được gọi là lúa Thần Nông. Đến năm 1971 thì lúa Thần Nông đã phủ được trên 2,6 triệu mẫu ruộng, bằng 42% diện tích canh tác[17].

Dịch vụ

Xuất nhập khẩu

Số liệu ngư nghiệp[30]
Năm Số tàu cá Trị giá xuất cảng (USD)
1964[31] 39.000
1969 81.956 700.000
1970 88.215
1972 6.000.000
1973 11.000.000
1974 95.000 20.000.000

Các nguồn nhập khẩu quan trọng đối với kinh tế Việt Nam Cộng hòa là Mỹ, PhápNhật Bản. Các mặt hàng nhập khẩu quan trọng trong thời kỳ trước năm 1965 là dầu hỏa, dược phẩm, sắt thép, máy móc, phân bón. Điều này phản ánh thực tế là Việt Nam Cộng hòa đang trong quá trình công nghiệp hóa. Các mặt hàng nhập khẩu quan trọng của thời kỳ sau 1965 là gạo, hàng tiêu dùng, nhiên liệu và vật tư. Sự thay đổi về cơ cấu nhập khẩu trước và sau năm 1965 chính là do tác động của chiến tranh tới sản xuất và nhu cầu trong nước. Sản xuất cầm chừng, nên nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng lên. Trong khi đó quân nhu gia tăng dẫn tới nhập khẩu vật tư, nguyên liệu tăng cao.

Xuất khẩu của Việt Nam Cộng hòa chủ yếu là hàng thủy sản và nông-lâm nghiệp (gạo trước năm 1965, cao su). Trong các ngành thì ngư nghiệp có tiềm năng lớn nhất, dẫn đầu các mặt hàng xuất cảng sau năm 1970. Hàng chế tạo xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn phản ánh quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam Cộng hòa chưa vượt qua giai đoạn thay thế nhập khẩu hàng công nghiệp nhẹ để chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm này.

Suốt 20 năm tồn tại, Việt Nam Cộng hòa luôn nhập siêu. Thâm hụt cán cân thương mại khuếch đại từ năm 1965 vừa do kim ngạch nhập khẩu tăng, vừa do kim ngạch xuất khẩu giảm. Xuất khẩu giảm có thể là do chiến tranh khiến sản xuất nông nghiệp và thủy sản - hai nguồn hàng xuất khẩu chính - giảm đi. Còn nhập khẩu tăng cùng với viện trợ thương mại tăng khi chiến tranh leo thang và do nhu cầu hàng nhập khẩu tăng vọt cùng với sự hiện diện của quân đội Mỹ và đồng mình.

Trước năm 1959, giữa Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có trao đổi thương mại. Từ năm 1959, trao đổi này chấm dứt khi quan hệ chính trị giữa hai bên trở nên căng thẳng hơn.[32]

Tài chính công

Ngân sách của chính quyền Việt Nam Cộng hòa luôn ở trong tình trạng thâm hụt mà nguyên nhân chính là các khoản chi cho quân sự luôn lớn hơn cho chi dân sự và càng ngày càng tăng. Mức thâm hụt đã tăng từ mức trên 50% một chút trong nửa cuối thập niên 1950 lên gần 70% đầu thập niên 1960 và đến 78,9% vào năm 1968.[33] Để bù đắp thâm hụt ngân sách, chính quyền đã nỗ lực cải cách hệ thống thuế nhằm tăng nguồn thu, bán dự trữ ngoại tệ (và kim loại quý) đồng thời phá giá nội tệ nhằm tăng thu từ thuế nhập khẩu và tăng mức thu tính bằng nội tệ từ bán ngoại tệ. Tuy nhiên, các biện pháp khẩn cấp để bù đắp thâm hụt ngân sách đã được áp dụng là vay của Ngân hàng Quốc gia, vay của các ngân hàng thương mại và bán công trái.

Trong cơ cấu chi ngân sách, chi tiêu quân sự luôn chiếm tỷ trọng lớn. Năm thấp nhất, 1959, là 41%. Năm cao nhất, 1968-1969, là 66%. Chi tiêu dân sự có tới 89% là chi trả lương cho đội ngũ công chức và quân nhân.[34]

Thuế khóa

Trong cơ cấu thu ngân sách từ nguồn nội địa, thu từ thuế chiếm một tỷ trọng lớn, từ 70% tới 85%. Nhờ cải cách hệ thống thuế, từ năm 1966, số thu từ thuế tăng nhanh, và đặc biệt nhanh trong các năm 1973-1974. Các sắc thuế cho số thu lớn là thuế thu nhập, thuế sản xuất và thuế rượu-bia, thuế thuốc lá.

Thuế lợi tức cá nhân đặt thành ba ngạch ở thời giá năm 1964:[35]

  1. Thuế 1% với lợi tức dưới 50.000 đồng/năm;
  2. Thuế 2% với lợi tức 50.000 đến 100.000 đồng/năm;
  3. Thuế 5% với lợi tức hơn 100.000 đồng/năm.

Thuế được khấu trừ cho những gia đình với con nhỏ dưới 21 tuổi, cha mẹ già hơn 60 tuổi, hay có người trong nhà bị tàn tật. Mỗi năm đến ngày 1 Tháng 4 thì phải khai nộp các khoản lợi tức từ năm trước.[35]

Thuế thổ cư thì căn cứ vào diện tích mét vuông hay hecta ruộng. Nhà cửa thì tính theo thời giá.[35]

Các nghề nghiệp cũng phải chịu thuế chỉ trừ nghề giáo viên, làm ruộng và khai thác nguyên liệu. Tổng cộng có 768 nghề phải nộp thuế. Ví dụ như nhà nấu rượu thì phải đóng 3 đồng mỗi 100 lít rượu. Thuế sản xuất nói chung đánh đều là 6% giá thành. Cơ sở sản xuất nhỏ (dưới 6 nhân viên, doanh thu dưới 500.000 đồng, hay có tính cách thủ công) thì đều miễn.[35]

Ngoài ra còn có một số thuế gián tiếp như thuế xăng nhà phân phối phải nộp 2,5 đồng mỗi lít; thuế giải trí (vé chiếu bóng, cải lương, xiếc, nhạc hội, đua ngựa, phòng trà v.v.) từ 5% đến 20% tổng thu; thuế xe lưu hành (căn cứ trên phân khối cc của máy xe); thuế xay thóc; thuế quý kim và đồ cổ (hơn 50 năm tuổi); thuế nước đá (100 đồng mỗi một tấn); thuế nhà hàng; thuế con tem thị thực; thuế sang nhượng tài sản; thuế công quản (excise, đánh vào người tiêu thụ bia, rượu, thuốc lá, v.v.).[35]

Nguồn thu khác

Một nguồn thu khác của chính phủ là Xổ số "Kiến thiết Quốc gia". Mọi phần thu được từ thuế khóa và xổ số đều do chính phủ quốc gia điều hành rồi phân bố xuống các tỉnh, quận, và xã.[35]

Chi ngân sách chính phủ của VNCH thời kỳ 1956-1974 (Đơn vị: tỷ đồng).[36]
Thu ngân sách từ nguồn nội địa của VNCH thời kỳ 1956-1974 (Đơn vị: tỷ đồng).[37]

Chính sách tiền tệ

Diễn biến lạm phát (%) ở VNCH căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (áp dụng riêng cho tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động).[38]

Mức giá chung của nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa tương đối ổn định trong thời kỳ trước 1965. Những năm 1957-1958 và 1960, mức giá chung không những không tăng mà còn giảm (hiện tượng giảm phát). Sang thời kỳ chiến tranh leo thang, mức giá chung của nền kinh tế cũng leo thang mà nguyên nhân là chính quyền phải phát hành tiền nhiều hơn để chi tiêu cho chiến tranh và để đổi cho quân đội Mỹ và đồng minh chiến đấu tại Việt Nam Cộng hòa. Trước xu hướng lạm phát tăng tốc, chính quyền đã triển khai một số biện pháp kìm chế, trong đó có biện pháp phá giá tiền tệ đồng thời đẩy mạnh bán ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối nhà nước để có thể thu hồi được nhiều hơn số tiền trong lưu thông về ngân khố quốc gia (biện pháp ngày 17-6-1966), tăng thuế (biện pháp ngày 23-10-1969), tăng lãi suất ngân hàng và áp dụng chế độ tỷ giá song song (biện pháp ngày 5-10-1970).[39]

Do mức giá chung tăng lên, chính quyền cũng đã có những thay đổi trong phát hành tiền. Nếu như trong thời kỳ giá cả ổn định trước năm 1965, tờ tiền giấy có mệnh giá cao nhất là tờ 1.000 đồng, thì năm 1975, các tờ mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng đã được phát hành.

Tiền giấy mệnh giá 1000 đồng phát hành 1955.

Trong suốt hai mươi năm tồn tại, trong nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa luôn tồn tại đồng thời nhiều loại tỷ giá hối đoái giữa nội tệ với ngoại tệ bao gồm một số loại tỷ giá chính thức và một loại tỷ giá không chính thức (tỷ giá chợ đen). Đây là điều thường thấy ở các nền kinh tế đang phát triển. Các loại tỷ giá hối đoái chính thức gồm tỷ giá để tính toán của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Viện Thống kê Quốc gia, tỷ giá áp dụng cho xuất khẩu, tỷ giá áp dụng cho nhập khẩu, tỷ giá áp dụng cho nhập khẩu bằng ngoại tệ từ dự trữ của nhà nước. Hai loại tỷ giá thứ hai và thứ ba bằng tỷ giá thứ nhất cộng hoặc trừ một mức theo quy định của chính quyền. Hệ thống nhiều tỷ giá này cho phép chính quyền linh hoạt trong điều tiết xuất nhập khẩu. Trong những năm 1972-1973, chính quyền đã điều chỉnh tỷ giá chính thức áp dụng cho xuất khẩu lên cao hơn cả tỷ giá thị trường chợ đen nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Cùng lúc đó, tỷ giá áp dụng cho nhập khẩu lại được điều chỉnh xuống thấp hơn cả tỷ giá chính thức để tính toán và thống kê nhằm mục đích hạn chế nhập khẩu. Tháng 1 năm 1955, tỷ giá chính thức loại dùng để thống kê giữa Đồng và Dollar Mỹ là 35:1, trong khi tỷ giá ngoài thị trường là 180:1. Tháng 12 năm 1974, giá trị tương ứng của hai loại tỷ giá đó lần lượt là 685:1 và 721:1.

Vai trò của Hoa Kỳ

Hỗ trợ tài chính

Hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng hòa chính là các khoản viện trợ kinh tế bao gồm viện trợ thương mại (nhằm hỗ trợ nhập khẩu và hỗ trợ ngân sách nhà nước), viện trợ nông phẩm (dưới hình thưc hiện vật là các lương thực và thực phẩm), viện trợ theo dự án (có thể bằng tiền hoặc hiện vật cho từng dự án cụ thể trong các lĩnh vực hành chính, xã hội, kinh tế-văn hóa).

Nếu xét theo tính chất cho vay hoặc cho không, thì phần lớn viện trợ kinh tế của Mỹ cho Việt Nam Cộng hòa là viện trợ cho không (không hoàn lại), viện trợ cho vay trong 20 năm từ 1955 đến 1975 chỉ chưa đến 200 triệu USD. Các khoản cho vay lớn của Mỹ giúp Việt Nam Cộng hòa đóng tiền gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (4 triệu USD năm 1956), đổi mới hệ thống viễn thông (6,8 triệu USD năm 1958-1959), phát triển đội tàu hỏa (9,7 triệu USD năm 1959, 9,7 triệu USD năm 1961), mở rộng hệ thống dẫn nước từ sông Đồng Nai về Sài Gòn (17,5 triệu USD năm 1960), xây dựng một nhà máy nhiệt điệnThủ Đức (12,7 triệu USD năm 1961), hỗ trợ chương trình Người cày có ruộng (5 triệu USD năm 1970).[40][41]

Viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng hòa 1955-1975
Năm
 
Tổng viện trợ
triệu USD
Bình quân đầu người
USD
Bình quân đầu người
Đồng
Năm
 
Tổng viện trợ
triệu USD
Bình quân đầu người
USD
Bình quân đầu người
Đồng
1955 322,4 28,03 981,22 1966 793,9 47,47 4.936,95
1956 210,0 16,33 571,54 1967 666,6 38,85 4.195,33
1957 282,2 21,38 748,43 1968 651,1 36,89 4.352,96
1958 189,0 14,04 491,35 1969 560,5 30,97 3.654,09
1959 207,4 15,01 525,44 1970 655,4 33,63 3.968,45
1960 181,8 12,92 542,17 1971 778,0 38,71 4.567,36
1961 152,0 10,45 365,71 1972 587,7 28,46 10.131,78
1962 156,0 10,45 627,05 1973 531,2 25,06 12.377,96
1963 195,9 12,74 764,39 1974 657,4 30,16 19.088,72
1964 230,6 14,62 876,97 1975 240,9 10,43 --
1965 290,3 17,81 1.068,65        
Ghi chú: Mức viện trợ bình quân đầu người được tính bằng cách lấy tổng viện trợ chia cho dân số Việt Nam Cộng hòa cùng năm. Mức viện trợ tính bằng tiền Đồng tính bằng cách lấy mức viện trợ tính bằng Đô la Mỹ nhân với tỷ giá hối đoái chính thức giữa Đồng Việt Nam Cộng hòa với Dollar.
Nguồn: Số liêu về tổng viện trợ lấy từ Dacy (1986), bảng 10.2, trang 200; Số liệu về dân số Việt Nam Cộng hòa lấy từ Trần Văn Thọ chủ biên (2000), bảng 1.1, trang 238; Số liệu về tỷ giá hối đoái lấy từ Dacy (1986), bảng 9.5, trang 190.

Hỗ trợ kỹ thuật

Hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực kinh tế là các hoạt động tư vấn về thiết kế và thực thi những chính sách, biện pháp quản lý, phát triển kinh tế. Từ 1963, sau khi lật đổ Ngô Đình Diệm và có thể tham gia sâu hơn vào các quyết định của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Mỹ đã chú trọng giúp Việt Nam Cộng hòa phát triển kinh tế, coi đó là một điều kiện quan trọng hậu thuẫn cho thắng lợi về quân sự. Mỹ đã cử nhà kinh tế David Lilienthal tới Việt Nam Cộng hòa giúp thiết kế Kế hoạch kinh tế hậu chiến.

Giai đoạn 1965-1969, nhiều cơ chế, chính sách kinh tế của Việt Nam Cộng hòa là do Phái bộ viện trợ Mỹ (USAID-VM) thiết kế. Thí dụ, chương trình Người cày có ruộng mà chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã tiến hành do đoàn cố vấn Mỹ đấu thầu để xin hỗ trợ tài chính, thiết kế nội dung và lộ trình sau khi trúng thầu.

Nhiều dự án kinh tế với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Mỹ đã có tác dụng rõ rệt trong việc nâng cao năng lực sản xuất nông-lâm-ngư.

Phát triển con người

Gần 20 năm hoạt động, cơ quan Viện Trợ Hoa kỳ USAID đã giúp Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phương tiện và kỹ thuật để phát triển giáo dục và đào tạo. Năm 1973, tỷ lệ biết đọc, biết viết là 70% rất cao so với các nước Á châu láng giềng hồi đó[17].

Xáo trộn kinh tế

Vì sự hiện diện đông đảo của quân nhân Mỹ, cao điểm lên tới hơn nửa triệu quân, kinh tế Việt Nam bị dao động không ít. Tính trung bình thì mỗi quân nhân Mỹ được trả lương 600 Mỹ kim, nếu để chi tiêu tự do sẽ làm rối loạn giá sinh hoạt cho dân thường, gây ra lạm phát. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đề ra cách hạn chế tiền đô la áp đảo bằng cách dùng MPC (thông tục gọi là "đô la đỏ") thay vì Mỹ kim thật (tục gọi là "đô la xanh") để quân nhân mua bán. Dù vậy nạn đô la lan tràn gây vấn nạn khi người Mỹ mua bán MPC với người Việt trong việc giao thương quốc nội. Để đối phó chính phủ Việt Nam đề nghị Quân lực Mỹ thỉnh thoảng đổi hình dạng MPC khiến những ai tích trữ và dùng MPC cũ không thể đem đổi lại sang Mỹ kim.[42]

Khu vực kinh tế không chính thức

Trong vùng chính quyền kiểm soát

Trong khu vực chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát được, kinh tế không chính thức (hay kinh tế ngầm) rất phát triển. Một bộ phận không nhỏ dân chúng ở nông thôn di cư tới thành phố để tránh chiến tranh đã tham gia vào các hoạt động thương nghiệp không đăng ký.

Nhiều quân nhân của Mỹ và lực lượng đồng minh tại Việt Nam, vợ con người Việt của họ, được phép mua hàng tại các cửa hàng dành riêng cho họ (các Post Exchange - PX) với giá rẻ bằng nửa giá ngoài thị trường. Họ mua hàng trong các PX và đem bán lại trên thị trường. Việc mua bán lại này nhiều khi diễn ra ngay bên cạnh các PX. Những quân nhân Mỹ còn tranh thủ các kỳ nghỉ tại Thái Lan, Hong Kong, Philippines để mua vàng, đá quý đem về Việt Nam bán kiếm lời.[43] Nhiều mặt hàng quân dụng như xăng dầu, thuốc lá, quân phục, giày nhà binh, đồng hồ, ống nhòm, thậm chí cả xe Jeep, được binh lính Việt Nam Cộng hòa, Mỹ và đồng minh đem bán cho dân thường.

Báo chí Việt Nam Cộng hòa nhận xét: "Chợ đen chợ đỏ lan tràn. Từ xi măng, sữa đến xe gắn máy, vật gì cũng có thể bán chợ đen được,..."[44]

Trong vùng Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam kiểm soát

Tiền giấy mệnh giá 50 đồng do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam phát hành năm 1963.

Ở vùng do mình kiểm soát, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thành lập một bộ máy quản lý kinh tế riêng tới mức phát hành cả đơn vị tiền tệ riêng. Tuy nhiên, sản xuất ở những vùng này kém phát triển do thiếu lao động, công cụ sản xuất và nhất là do chiến tranh triền miên. Nhiều lương thực, thực phẩm do chính lực lượng vũ trang ở đây tự làm ra và tự tiêu dùng.[45] Lương thực không đủ cung cấp cho quân đội của mình, nên Mặt trận đã phải tiến hành thu mua lúa gạo từ vùng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Không chỉ lương thực, nhiều hàng hóa khác cũng được thu mua về từ các chợ ở vùng giáp ranh.

Đánh giá

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Hưng, tiến sĩ kinh tế, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, hiện là giáo sư tại Đại học Howard.[17], nền kinh tế miền Nam trong thời kỳ trước và sau khi người Mỹ có mặt có sáu đặc tính rõ ràng:

  1. Cơ cấu kinh tế nghiêng hẳn về cung cấp dịch vụ, chiếm 55% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Sản xuất hàng hoá, vật dụng không nhiều.
  2. Do công nghiệp nặng và hóa chất vẫn ở mức sơ khai, nên nguyên vật liệu phải lệ thuộc vào nhập cảng: gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, hàng tiêu thụ, vật liệu sản xuất. Trung bình là phải nhập 750 triệu đô la một năm.
  3. Tiết kiệm xuống số âm: trung bình bằng -5% GDP. Lúc còn hoà bình, có năm đã lên tới +6% GDP (1960). Khi chiến tranh leo thang thì không còn có thể tiết kiệm nội địa, đầu tư cho phát triển phải tuỳ thuộc vào tiền bạc từ bên ngoài.
  4. Gánh nặng kinh tế của nạn nhân chiến tranh: đoàn người di tản từ những vùng có chiến sự lên tới vài triệu. Số đông di tản về thành thị, làm số người ở đây lên tới 40% tổng dân số (năm 1960 chỉ có 22%). Kết quả là thất nghiệp cao ở thành thị (14%), các khu ổ chuột cùng với những tệ nạn xã hội đi kèm trong khi nông thôn lại thiếu người canh tác.
  5. Gánh nặng quốc phòng: nhu cầu quốc phòng quá lớn, cần chi tiêu tới 50% ngân sách (242 tỷ đồng). Tài trợ cho phát triển chỉ còn 9% (66 tỷ đồng). Về vấn đề nhân lực thì rất nhiều thanh niên còn phải tham chiến, chưa kể 310.000 công, tư chức. Ngoài ra còn số người di tản kể trên, tất cả cũng vượt 30% nhân lực lao động.
  6. Tâm lý dựa vào viện trợ: Nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa bé nhỏ, sản xuất căn bản là nông nghiệp. Khi quân đội Mỹ sang thì nhu cầu quốc phòng, tiêu dùng, xây dựng hạ tầng lớn. Sản xuất còn yếu kém, căn bản chỉ là lúa gạo nên chỉ còn cách nhập hàng hoá từ nước ngoài. Tài trợ nhập hàng hoá đang từ 162 triệu đôla năm 1964 tăng lên tới 830 triệu năm 1966, cao hơn năm lần. Sự kiện này làm tăng lên mức độ của tâm lý lệ thuộc của kinh tế Việt Nam Cộng hòa và mang tới nhiều cơ hội tham nhũng cho nhiều quan chức chính phủ.

Nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa có sự cách biệt rất lớn giữa thành thị và nông thôn. Một báo cáo của Mỹ kết luận: Trong khi ở thành thị, những nhóm người phục vụ cho quân Mỹ có đời sống khá giả nhờ chiến phí mà Mỹ bỏ ra thì ở vùng nông thôn, những người nông dân phải chịu đựng sự tàn phá dưới hỏa lực Mỹ, để lại sự nghèo khổ gần như tuyệt đối cho nông thôn miền Nam[46].

Xét riêng về sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam Cộng hòa vào viện trợ Mỹ, Giáo sư Kinh tế Đặng Phong nhận định: "Nền kinh tế miền Nam trước 1975 tuy có vẻ ngoài phồn vinh nhưng giả tạo ở chỗ nó không tự nuôi nổi nó". Lấy ví dụ, tổng thu nội địa của Việt Nam Cộng hòa năm 1974 là khoảng 300 tỉ đồng, với tỉ giá năm 1974 là 685 đồng/1 đô la, tức tương đương với 438 triệu đôla (bình quân 54 USD/người/năm), chỉ bằng một nửa viện trợ của Mỹ, thậm chí chỉ bằng 1/6 chi phí quân sự hàng năm.[25] Như vậy có nghĩa hơn 65% thu nhập quốc dân và hầu hết chi tiêu chính phủ là lấy từ viện trợ kinh tế của Mỹ. Sự phồn vinh không phải ở nội tại nền kinh tế mà là nhờ nguồn viện trợ khổng lồ của Mỹ bằng 4 con đường chính:[47]

  1. Thứ nhất, bình quân mỗi năm Mỹ đổ vào miền Nam VN 1 tỉ USD, chia bình quân cho 8 triệu dân trong vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa, thì lên tới 125 USD/người/năm, tương đương 75% thu nhập bình quân. 1 tỉ USD trút vào nuôi bộ máy Nhà nước, binh lính nên thu nhập của họ rất cao, ví dụ thiếu úy được nhà riêng (gia binh), một tổng trưởng (bộ trưởng) lương trị giá 10 cây vàng/tháng.
  2. Thứ hai, chi phí chiến tranh (nằm ngoài 1 tỉ USD viện trợ - có thời kỳ lên đến 28 tỉ USD/năm, như các năm 1967, 1968). Mỹ quản lý nhưng vẫn rơi vãi ra dân sự. Riêng vỏ đạn cũng đủ tạo ra 7 nhà máy đồng, xác chiến xa và các loại vũ khí... là đầu vào của các nhà máy cán thép, dù miền Nam không có mỏ sắt. Chi phí quân sự đã trở thành kinh tế dân sự.
  3. Thứ ba, cũng nằm ngoài 1 tỉ USD viện trợ - là sức chi tiêu tại chỗ của nửa triệu binh lính Mỹ, bình quân 1 người 800 USD/tháng, một năm là trên 4 tỉ đôla - gấp 10 lần tổng GDP của cả 8 triệu dân do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Khoản tiền khổng lồ này tạo ra vô khối ngành dịch vụ và thu nhập cho người dân. Một chủ tiệm giặt là từng nhận thầu giặt đồ cho lính Mỹ, bảo chỉ nhặt tiền lẻ trong đống quần áo, gom lại trong 1 năm xây được nhà 4 tầng lầu.
  4. Thứ tư, ngoài 1 tỉ USD tiền còn các khoản viện trợ thường xuyên bằng hàng hoá do người Mỹ chỉ định mua từ nước nào, hãng nào, loại hàng gì, theo giá nào... để giải quyết cán cân thương mại giữa Mỹ và các nước đồng minh. Cách làm này tạo ra vô số nhà máy đường, nhà máy dệt... không có vùng nguyên liệu trồng mía, bông – mà nhập nguyên liệu từ Indonesia, Malaysia, Nhật Bản... để sản xuất.

Theo tác giả Nguyễn Tiến Hưng[17], nếu tổng kết toàn bộ thì hình ảnh của nền kinh tế có nhiều triển vọng nếu miền Nam hội đủ điều kiện cần thiết để tiến tới chỗ thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Quan sát tại chỗ, Đại sứ Martin đã phát biểu cho ký giả tuần báo U.S. News and World Report:

"Đôi khi ta thấy trong cùng một quốc gia có sự phối hợp giữa tài nguyên phong phú, một hệ thống hành chính có quyết tâm với những chính sách kinh tế hợp lý một dân tộc thông minh, khéo léo, và hết sức dẻo dai, với một khả năng cố gắng bền vững, một quyết tâm mãnh liệt và tha thiết bảo tồn tự do của mình.
"Khi có một kết hợp như vậy, như hiện đang có ở Việt Nam, thì chỉ cần một nguồn tài chính từ ngoài vào làm vai trò tác động, để nối kết tất cả những yếu tố này lại với nhau thì có thể có những kết quả thật là xuất sắc"[48]

Tài liệu Risks and rewards in Vietnam's markets: business approaches to North and South Vietnam đánh giá GDP đầu người của miền Nam năm 1974 tương đương 54 USD/năm (tương đương với khoảng 150 đôla năm 2010), theo chuẩn hiện nay trên thế giới là rất thấp (phải trên 1000 USD mới thoát danh sách nước kém phát triển), nhưng hồi đó vẫn còn cao hơn các nước Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan; bằng 1/2 so với Trung Quốc và bằng 1/4 so với Thái Lan.[49]

Một đặc điểm khác là sự kiểm soát của giới thương nhân người Hoa đối với nền kinh tế. Trước năm 1975, ở miền Nam, Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối và tín dụng. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường. Năm 1978, chính phủ mới của nước Việt Nam thống nhất đã quốc hữu hóa khoảng 30.000 doanh nghiệp lớn nhỏ của người Hoa để chấm dứt sự kiểm soát của họ, thắt chặt kiểm soát nền kinh tế tập trung của mình.[29]

Ghi chú

  1. ^ Grant Evans, Kelvin Rowley (1984). Red Brotherhood at War - Indochina since the Fall of Saigon, London: Verso.
  2. ^ Biến động kinh tế Đông á và con đường công nghiệp hoá Việt Nam. Trần Văn Thọ - GS Đại học Waseda, Nhật Bản. Nhà xuất bản chính trị quốc gia Hà Nội năm 2005, trang 6
  3. ^ Hoàng Cơ Thụy. Trang 1500.
  4. ^ Economic Prospects of the Republic of Vietnam. Timothy Hallinan. November 1969. Trang 16
  5. ^ Trần Văn Thọ: Economic development in Vietnam during the second half of the 20th century: How to avoid the danger of lagging behind. Chapter 2 in The Vietnamese Economy: Awakening the dorming dragon, edit by Binh Tran Nam and Chi Do Pham, RoutledCurzon, 2003. Bảng biểu 2.1, 2.2 và 2.3
  6. ^ Tư cách thành viên IMF mặc dù không phải là nền kinh tế thị trường của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau này là thừa hưởng của Việt Nam Cộng hòa.
  7. ^ "Nhà Máy Giấy An Hảo", Thế Giới Tự Do, số 3 Tập X, trang 9.
  8. ^ Press and Information Office Embassy of the Republic of Vietnam. News from Vietnam. Vol 10. No 10. Washington, DC: 1961
  9. ^ Nguyễn Huy (1972), trang 35-51.
  10. ^ Nguyễn Văn Ngôn (1972), trang 349-350.
  11. ^ Theo Lâm Quang Huyên (1997), Cách mạng ruộng đất ở miền Nam Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 39.
  12. ^ Trần Văn Thọ chủ biên (2000), Kinh tế Việt Nam 1955 - 2000: Tính toán mới, phân tích mới, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, tháng 12, Bảng 7.13, trang 295.
  13. ^ Theo Đặng Phong (2004) trang 230, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã tiến hành thu mua gạo từ vùng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát.
  14. ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ tập 4: CHƯƠNG 15: ĐÁNH THẮNG CUỘC PHẢN CÔNG CHIẾN LƯỢC LẦN THỨ NHẤT - MÙA KHÔ 1965-1966, MỤC II: ĐỜI SỐNG XÃ HỘI MIỀN NAM KHI QUÂN MỸ VÀO VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ
  15. ^ Nguyễn Tiến Hưng, Economic Development of socialis Vietnam, 1975-1980, trang 3-16 và Haut Commissariat de France Pour L indochine, Annuaire Statistique de l Indochine, 1939-1940. .
  16. ^ Trích Lịch sử Sài Gòn-Gia Định, tr. 150
  17. ^ a b c d e f g Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, Phần 2, chương 5
  18. ^ Tài liệu Bộ kế hoạch Việt Nam Cộng hòa, và USAID
  19. ^ Nguyễn Văn Ngôn (1972), trang 360.
  20. ^ Đặng Phong (2004), trang 263.
  21. ^ Nguyễn Văn Ngôn (1972), trang 364-365.
  22. ^ Nguyen Ngoc Bich. tr 57-59
  23. ^ Nguyen Ngoc Bich. tr 61
  24. ^ Tài liệu Bộ kế hoạch Việt Nam Cộng hòa, và USAID.
  25. ^ a b Andrew A. Wiest, The Vietnam War, 1956-1975, 2002, Osprey Publishing, tr. 80
  26. ^ Wiest, Andrew. America and the Vietnam War. New York: Routledge, 2010. tr 29.
  27. ^ a b c Giai đoạn 1975 - 1985, Xây dựng và phát triển Công nghiệp - Thương mại sau ngày Giải phóng miền Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT)
  28. ^ Dựa theo số liệu của Bộ Kinh tế (dẫn lại từ Đặng Phong (2004), Bảng 6.7, trang 295).
  29. ^ a b Evans và Rowley, tr. 53
  30. ^ Nguyễn Tiến Hưng. Tâm tư Tổng thống Thiệu. Tr 491-2
  31. ^ Choinski, Walter. Tr 111
  32. ^ Đặng Phong (2004), chương 9, mục I, tiểu mục 3, trang 357-359.
  33. ^ Mức thâm hụt tính bằng tỷ lệ phần trăm giữa chênh lệch thu và chi ngân sách với chi ngân sách trong cùng thời điểm.
  34. ^ Theo Nguyễn Văn Hảo (1972), Diễn biến kinh tế tại Việt Nam 1955 - 1970, Tuần san Phòng Thương mại và Công kỹ nghệ Sài Gòn, số 732, ngày 31 tháng 3 (được Đặng Phong (2004) dẫn lại tại trang 371).
  35. ^ a b c d e f Choinski, Water. tr 127-131
  36. ^ Dựa theo số liệu của Dacy (1986), bảng 11.1
  37. ^ Dựa theo số liệu của Dacy (1986), bảng 11.2, trang 215.
  38. ^ Dựa theo số liệu của Viện Thống kê Quốc gia, Niên giám Thống kê Việt Nam Cộng hòa từ 1974 về trước (dẫn lại từ Trần Văn Thọ chủ biên (2000), Bảng 4.9, trang 272.
  39. ^ Nguyễn Văn Ngôn (1972), trang 142-173.
  40. ^ Đặng Phong (2004), trang 187-188.
  41. ^ Khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào tháng 4 năm 1975, Việt Nam Cộng hòa còn nợ Mỹ cả gốc lẫn lãi là 145 triệu USD. Ngày 7/4/1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Robert Rubin ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trả lại khoản nợ này.[1]
  42. ^ Hồi ký Nguyễn Hữu Hanh, cựu thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam
  43. ^ Đặng Phong (2004), trang 202.
  44. ^ trang 7, báo Chấn hưng kinh tế, số 486, ngày 23/6/1966 (Dẫn lại từ Đặng Phong (2004), trang 116)
  45. ^ Theo khái niệm về sản xuất, những hoạt động tự sản, tự tiêu thế này không được coi là sản xuất.
  46. ^ International Socialist Review Issue 33, January–February 2004. From the overthrow of Diem to the Tet Offensive. Vietnam: The war the U.S. lost
  47. ^ Phỏng vấn của báo Người Đô thị. http://vietbao.vn/Kinh-te/Tu-san-hom-qua-huu-san-hom-nay/65131665/176/
  48. ^ J. U.S. News and World Report, 29 tháng 4, 1974. Dẫn tại Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, P2. Ch.5
  49. ^ Risks and rewards in Vietnam's markets: business approaches to North and South Vietnam, Business International Asia/pacific Ltd, 1974, trang 13.

Tài liệu tham khảo

  • Choinski, Walter Frank (1965). Country Study: Republic of Vietnam. Washington, DC: The Military Assistance Institute. Chú thích có tham số trống không rõ: |1= (trợ giúp)
  • Đặng Phong (2004), Kinh tế Miền Nam Việt Nam thời kỳ 1955 - 1975, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tháng 12.
  • Douglas C. Dacy (1986), Foreign aid, war, and economic development: South Vietnam, 1955-1975, Cambridge University Press.
  • Trần Văn Thọ chủ biên (2000), Kinh tế Việt Nam 1955 - 2000: Tính toán mới, phân tích mới, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, tháng 12.
  • Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1974), Kinh tế niên báo, Sài Gòn.
  • Nguyễn Huy (1972), Hiện tình kinh tế Việt Nam, Nhà xuất bản Lửa Thiêng, Sài Gòn.
  • Nguyễn Văn Ngôn (1972), Kinh tế Việt Nam Cộng hòa, Nhà xuất bản Cấp Tiến, Sài Gòn.
  • Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, Nhà xuất bản Hứa Chấn Minh, năm 2005.
  • Nguyễn Tiến Hưng. Tâm tư Tổng thống Thiệu. Westminster, CA: Hứa Chấn Minh, 2010.
  • Grant Evans, Kelvin Rowley (1984). Red Brotherhood at War - Indochina since the Fall of Saigon, London: Verso.

Xem thêm

Liên kết ngoài