Phượng hoàng (phương Tây)
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Phượng hoàng (tiếng Latinh: phoenīx; tiếng Hy Lạp: φοῖνῐξ phoînix) là một dạng chim lửa thần thánh và linh thiêng trong một số thần thoại phương Tây như thần thoại Hy Lạp, thần thoại Ai Cập và các thần thoại khác có liên quan hay chịu ảnh hưởng. Trong ngôn ngữ của các nước Đông Á, loài chim này được gọi là Bất tử điểu (tiếng Trung: 不死鳥) nhằm phân biệt với loài phượng hoàng của phương Đông.
Người ta nói rằng phượng hoàng có thể sống tới 500 hay 1.400 năm, một số nơi cho rằng nó bất tử(phụ thuộc vào nguồn), nó là loại chim với bộ lông màu vàng và đỏ rất đẹp. Khi chuẩn bị từ giã cõi đời, phượng hoàng xây cho nó một cái tổ từ những cọng quế và sau đó tự bốc cháy; cả tổ và chim đều cháy dữ dội để sau đó chỉ còn một nắm tro tàn, từ đó một con chim phượng hoàng mới ra đời. Con chim phượng hoàng mới cũng sống lâu như con phượng hoàng cũ. Tuy nhiên, trong một số truyền thuyết thì điều này lại không phải như vậy. Con phượng hoàng mới ướp tro của con phượng hoàng cũ trong quả trứng làm từ nhựa thơm và đem nó tới thành phố Heliopolis ("thành phố Mặt Trời" trong tiếng Hy Lạp) cổ đại của Ai Cập. Phượng hoàng cũng được cho là sẽ hồi sinh sau khi bị thương, vì thế nó gần như là bất tử và không thể bị đánh bại; phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn là một hình ảnh ấn tượng trong văn hóa phương Tây. Người ta cũng nói rằng những giọt nước mắt của phượng hoàng có thể chữa lành vết thương.
Mặc dù các miêu tả và tuổi thọ của nó là khác nhau, nhưng phượng hoàng đã trở thành phổ biến trong nghệ thuật, văn học Kitô giáo thời kỳ đầu cũng như là của chủ nghĩa tượng trưng Kitô giáo, giống như biểu tượng của chúa Giê-su, và ngoài ra, nó còn tượng trưng cho sự chết, phục sinh và bất tử của Giê-su.
Nguyên thủy thì phượng hoàng được người Ai Cập xác định là một loại chim giống như cò hay diệc, gọi là bennu, được biết đến từ Sách về người chết và các văn bản Ai Cập cổ đại khác như là một trong các biểu tượng thần thánh để thờ phụng tại Heliopolis, gắn liền với sự mọc lên của Mặt Trời cũng như với thần Mặt Trời trong thần thoại Ai Cập là thần Ra.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Người Hy Lạp có thể đã phỏng theo phượng hoàng của người Ai Cập (bennu) (cũng lấy cả nghĩa khác trong tiếng Ai Cập của nó, có nghĩa là cây chà là) và đồng nhất hóa nó với phượng hoàng của chính họ là φοινιξ (phoenix), có nghĩa là màu đỏ tía hay đỏ sẫm. Họ và sau đó là những người La Mã đã mô tả con chim này giống như công hay đại bàng hơn. Theo thần thoại Hy Lạp thì phượng hoàng sống tại Ả Rập bên cạnh một cái giếng. Khi bình minh, nó tắm bằng nước giếng này và thần Mặt Trời là Apollo đã dừng cỗ xe ngựa (tức là Mặt Trời) của mình để nghe tiếng hát của nó.
Một nguồn cảm hứng khác được cho là nguồn gốc của phượng hoàng của người Ai Cập chính là chim hồng hạc ở Đông Phi. Loài chim này làm tổ trên các bãi cát nhiều muối, nơi quá nóng để trứng của nó hay chim non có thể sống sót; nó xây các gò cao chừng vài chục cm và đủ lớn để nuôi nấng trứng của nó, và sau đó đẻ trứng vào rìa của khu vực mát mẻ hơn này. Các luồng không khí đối lưu xung quanh các gò nhỏ này tương tự như sự nhiễu loạn của ngọn lửa.
Hiện tượng nhật thực toàn phần cũng được coi là một nguồn cảm hứng để dựng lên hình ảnh về chim phượng hoàng thần thoại cũng như của một loạt các chim thần thoại khác mà chúng luôn gắn liền với Mặt Trời. Trong một số nhật thực toàn phần thì nhật quang lại có dạng giống như một con chim, gần như đã tạo cảm hứng cho các biểu tượng mặt trời có cánh của người Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại.
Văn hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Trong văn hóa dân gian Do Thái, người ta nói rằng phượng hoàng là con vật duy nhất không đi theo Adam khi ông bị trục xuất ra khỏi vườn Eden.
Phượng hoàng cũng xuất hiện như là một nhân vật trong tiểu thuyết The Princess of Babylon của Voltaire.
Phượng hoàng cũng là đặc trưng trên các lá cờ của Alexander Ypsilantis và của nhiều sĩ quan khác trong thời kỳ cách mạng Hy Lạp (1821-1831), biểu tượng cho sự hồi sinh của Hy Lạp và đã được John Capodistria chọn làm huy hiệu đầu tiên của nhà nước Hy Lạp (1828-1832). Ngoài ra, đồng tiền hiện đại đầu tiên của người Hy Lạp cũng mang tên gọi là phượng hoàng.Mặc dù sau đó đã bị thay thế bằng huy hiệu hoàng gia, nhưng nó vẫn là một biểu tượng phổ biến và một lần nữa được Cộng hòa Hy Lạp đệ nhị (1924-1935) sử dụng trong thập niên 1930. Tuy nhiên, việc hội đồng quân sự 1967-1974 sử dụng nó đã làm cho nó trở nên không được ngưỡng mộ nữa và nó gần như đã không còn được sử dụng kể từ sau năm 1974, với ngoại lệ duy nhất đáng chú ý là Huân chương Phượng hoàng.
Phượng hoàng cũng là biểu tượng nổi bật trên cờ và con dấu của thành phố và hạt San Francisco, tượng trưng cho việc thành phố này di lên từ tro tàn sau khi bị phá hủy do trận động đất năm 1906.
Khác
[sửa | sửa mã nguồn]Trong văn hóa dân gian Nga, phượng hoàng xuất hiện dưới dạng con chim thần thoại zhar ptitsa (Жар-Птица), hay một con chim lửa, và nó là chủ đề trong vở ba lê nổi tiếng năm 1910 của Igor Fyodorovich Stravinsky.
Trong văn hóa dân gian ở Trung Quốc và một số nước Á Đông lân cận, loài chim này được gọi là Bất tử điểu (tiếng Trung: 不死鳥), còn phượng hoàng (凤凰) dùng để chỉ sinh vật thần thoại được kính trọng hàng thứ hai sau rồng, chủ yếu được sử dụng để tượng trưng cho hoàng hậu. Nó cũng là bá chủ của các loài chim.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Phượng hoàng, một loại chim thần thoại của người Á Đông.
- Chu tước, chim thần thoại mang tính lửa.
- Bennu, loài chim thần thoại của người Ai Cập.
- Huma, Simurgh, Roc: Các dạng phượng hoàng của người Ba Tư.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Mục từ Phượng hoàng tại Aberdeen Bes
- Lịch sử chim phượng hoàng thần thoại Lưu trữ 2008-06-18 tại Wayback Machine
- Miêu tả chung, với các nguồn tham khảo cổ đại
- Sinh vật thần thoại: Phượng hoàng tại helium.com Lưu trữ 2008-02-22 tại Wayback Machine