Bước tới nội dung

Giá Rai

Giá Rai
Thị xã
Thị xã Giá Rai
Thánh đường Tắc Sậy ở thị xã Giá Rai
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
TỉnhBạc Liêu
Trụ sở UBNDQuốc lộ 1, khóm 1, phường 1
Phân chia hành chính3 phường, 7 xã
Thành lập15/5/2015[1]
Loại đô thịLoại IV
Năm công nhận2013[2]
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDĐỗ Minh Thắng
Chủ tịch HĐNDNguyễn Chí Thiện
Chủ tịch UBMTTQPhạm Hoàng Anh
Chánh án TANDNguyễn Thị Ngoan
Viện trưởng VKSNDPhan Trường Giang
Bí thư Thị ủyNguyễn Chí Thiện
Địa lý
Tọa độ: 9°16′18″B 105°30′39″Đ / 9,27167°B 105,51083°Đ / 9.27167; 105.51083
MapBản đồ thị xã Giá Rai
Giá Rai trên bản đồ Việt Nam
Giá Rai
Giá Rai
Vị trí thị xã Giá Rai trên bản đồ Việt Nam
Diện tích353,99 km²[3]
Dân số (31/12/2022)
Tổng cộng166.324 người[3]
Mật độ469 người/km²
Dân tộcKinh, Hoa, Khmer
Khác
Mã hành chính959[4]
Mã bưu chính96
Mã điện thoại0291
Biển số xe94-D1/D2
Websitegiarai.baclieu.gov.vn

Giá Rai là một thị xã ở nằm ở phía tây tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Vị trí địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Thị xã Giá Rai nằm ở phía tây của tỉnh Bạc Liêu, nằm cách thành phố Bạc Liêu khoảng 32 km về phía đông, cách thành phố Cà Mau khoảng 35 km về phía tây[5], có vị trí địa lý:

Thị xã Giá Rai nằm trên tuyến Quốc lộ 1 đi qua hơn 30 km, Quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp.

Bên cạnh đó, Giá Rai tiếp giáp giữa hai thành phố lớn thành phố Bạc Liêu, Cà Mau nên thị xã có nhiều lợi thế trong phát triển thương mại, dịch vụ. Đồng thời, thị xã nằm giữa vùng nguyên liệu thủy sản tự nhiên và nuôi công nghiệp nên các ngành công nghiệp chế biến thủy sản có nhiều điều kiện phát triển.[5]

Địa hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Với địa hình tự nhiên khá bằng phẳng, trung bình–thấp, độ cao tuyệt đối trung bình từ 0,3–0,8 m so với mực nước biển, thị xã Giá Rai có nhiều sông ngòi, đặc biệt là Kênh Xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, có hai vùng nước ngọt và mặn. Khu vực ven Quốc lộ 1 cao hơn các vùng khác. Địa hình chia làm 4 nhóm: Địa hình cao chiếm 39% diện tích tự nhiên, địa hình trung bình 27,5%, địa hình thấp 26,5%, địa hình thấp trung bình 7%.[5]

Khí hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Khí hậu của thị xã Giá Rai mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, cận xích đạo. Có nền nhiệt cao quanh năm, nhiệt độ trung bình cao quanh năm 26,5°C, tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là tháng 4 là 27,5°C và thấp nhất là tháng 1 là 24,5°C. Đây là điều kiện khí hậu khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Khí hậu trong năm được chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình/năm của thị xã khoảng 1.800–2.000 mm, trên 80% lượng mưa tập trung vào mùa mưa.

Trên địa bàn thị xã Giá Rai ít có xảy ra lụt bão nhưng chịu ảnh hưởng chế độ gió mùa Tây Nam và gió từ Biển Đông, mùa gió mạnh nhất vào tháng 2–4 có vận tốc trên 82 m/s.[5]

Thủy văn

[sửa | sửa mã nguồn]

Địa bàn thị xã chịu tác động mạnh của chế độ bán nhật chiều Biển Đông và nhật chiều của Biển Tây, thông qua hệ thống các kênh trục lớn như: kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, kênh Láng Trâm, kênh Giá Rai - Phó Sinh, kênh Hộ Phòng - Chủ Chí,... Hiện nay, hệ thống cống dọc theo Quốc lộ 1 và các đập ngăn mặn trên địa bàn thị xã đã hoàn chỉnh, có thể điều tiết nước mặn từ Biển Đông vào một phần diện tích của thị xã thuộc vùng chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp – thủy sản. Do đó, có thể chủ động cung cấp nước mặn cho vùng chuyên nuôi tôm trong mùa khô và vùng lúa - tôm trong mùa mưa.

  • Vùng Bắc Quốc lộ 1 chịu ảnh hưởng của chế độ nhật triều biển Tây qua sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) và chế độ thủy văn sông Hậu. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không rõ, biên độ triều biển Tây nhỏ so với biển Đông, nên khả năng tiêu thoát nước kém.
  • Vùng Nam Quốc lộ 1 chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều biển Đông, chế độ bán nhật triều không đều, biên độ triều lớn, chênh lệch đỉnh triều từ 30–40 cm, trong tháng có 2 lần triều cường.[5]

Tài nguyên đất

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo số liệu thống kê đất đai năm 2020, thị xã Giá Rai có diện tích tự nhiên 35.399,33 ha. Tài nguyên đất trên địa bàn thành phố Bạc Liêu có 4 nhóm chính với 5 loại đất như sau:

1. Nhóm đất mặn: Diện tích 13.427 ha, chiếm 37,93% diện tích tự nhiên, được chia thành 2 loại đất:

  • Đất mặn trung bình (M): Diện tích 13.427 ha, chiếm 37,93% diện tích tự nhiên. Đất bị ảnh hưởng mặn ngầm và mặn trên mặt vào mùa khô, các tầng gần mặt đất có hàm lượng muối cao do nước bốc hơi đưa muối lên. Khả năng sử dụng: Đất hàm lượng dinh dưỡng trong đất khá, bị nhiễm mặn vào mùa khô theo thời gian tùy thuộc vào điều kiện thủy lợi. Đất mặn trung bình được sử dụng gieo trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản, phần lớn hiện diện tích hiện nay là được nuôi tôm, cua.
  • Đất mặn ít (Mi): Diện tích 10.988 ha, chiếm 31,04% diện tích tự nhiên. Khả năng sử dụng: Đất hiếm diện tích lớn trong nhóm đất mặn, hàm lượng dinh dưỡng trong đất khá, bị nhiễm mặn vào mùa khô theo thời gian tùy thuộc vào điều kiện thủy lợi của từng khu vực, trong đó chia ra: khu vực có hệ thống đê bao ngăn mặn, đất có nền cứng và ổn định, mặn tầng đất mặt đã giảm đáng kể, thích hợp cho canh tác các loại cây trồng nông nghiệp ngắn ngày (lúa, màu), nhất là vào mùa mưa; khu vực vừa ảnh hưởng mặn trong mùa khô, vừa ảnh hưởng ngọt trong mùa mưa (vùng chuyển đổi), thích hợp cho mô hình canh tác kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và canh tác nông nghiệp (lúa - tôm, lúa + cá).

2. Nhóm đất phèn: Diện tích 17.092 ha, chiếm 48,28% diện tích tự nhiên, được chia thành 3 loại đất:

  • Đất phèn tiềm tàng (Sp): Diện tích 3.666 ha, chiếm 10,36% diện tích tự nhiên. Khả năng sử dụng: Do các loại đất phèn bị hạn chế bởi các độc tố phèn hoặc chịu đồng thời cả 2 yếu tố phèn và mặn, thường diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và sử dụng đất, do đó trong sử dụng và cải tạo đất cần chú ý để hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi này.
    • Đối với đất phèn tiềm tàng - mặn ở phía Nam Quốc lộ 1: đất có độ phì tiềm tàng khá cao, bị nhiễm mặn không nặng, tính chất vật lý đã tương đối thuần thục, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản và có thể canh tác một số loại cây trồng nông nghiệp ngắn ngày như lúa 1 vụ và rau, màu nhờ nước mưa.
    • Đối với đất phèn tiềm tàng - mặn ở phía Bắc Quốc lộ 1: tầng đất mặt thường giàu hữu cơ, mức độ nhiễm mặn ít, thích hợp cho canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước lợ, nhất là mô hình kết hợp tôm - lúa.
  • Đất phèn hoạt động (Sj): Diện tích 9.143 ha, chiếm 25,83% diện tích tự nhiên. Khả năng sử dụng: Do các loại đất phèn bị hạn chế bởi các độc tố phèn hoặc chịu đồng thời cả 2 yếu tố phèn và mặn, do đó trong sử dụng và cải tạo đất cần chú ý để hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi này.
  • Đất phèn hoạt động bị thủy phân (Srj): Diện tích 4.283 ha, chiếm 12,10% diện tích tự nhiên. Khả năng sử dụng: Đất phèn hoạt động bị thủy phân là một loại đất xấu, do đất có phản ứng rất chua và chứa nhiều muối tan. Đất này có thể sử dụng để cấy lúa hoặc nuôi trồng thủy sản. Cần chủ động nguồn nước ngọt để rửa muối và ém phèn, bón vôi và các loại phân có tính kiềm để cải tạo độ chua của đất.

3. Nhóm đất lập líp: Diện tích 1.691 ha, chiếm 4,78% diện tích tự nhiên, phân bố dọc theo các kênh rạch, các trục lộ giao thông lớn và các khu dân cư tập trung. Đất lập líp là đất chịu ảnh hưởng lớn do tác động của con người, lớp phủ thổ nhưỡng dày hơn 150 cm; riêng loại đất líp sử dụng cho trồng cây ăn trái,... là đất chịu ảnh hưởng tác động của con người trong khoảng 50 – 100 cm lớp đất mặt và có thể thay đổi dạng hình líp để phục vụ cho việc canh tác các loại cây trồng khác nhau.

4. Nhóm đất sông suối, kênh rạch: Diện tích 3.189,33 ha, chiếm 9,01% diện tích tự nhiên.[5]

Tài nguyên nước

[sửa | sửa mã nguồn]

Nước mặt: Bao gồm lượng mưa tại chỗ, nước ngọt từ sông Hậu đưa về và nước mặn từ biển Đông. Chế độ thủy văn của mạng lưới sông, kênh, rạch trên địa bàn thị xã Giá Rai chịu ảnh hưởng mạnh của chế độ bán nhật triều biển Đông, thông qua hệ thống các kênh trục lớn như: kênh Quản Lộ – Giá Rai, kênh Giá Rai – Phó Sinh; kênh Hộ Phòng – Chủ Chí,...

Vùng phía Đông kênh Giá Rai – Phó Sinh, kênh Bạc Liêu – Cà Mau đã cơ bản hoàn thành hệ thống thủy lợi, đảm bảo ngăn mặn và giữ ngọt trong mùa khô, hình thành vùng chuyên canh lúa và lúa - màu. Tuy nhiên, do ở cách xa sông Hậu nên nguồn nước ngọt đưa về theo kênh Quản lộ - Phụng Hiệp trong mùa khô rất hạn chế. Biện pháp trữ nước mưa trên đồng ruộng để thâm canh, tăng vụ là hết sức cần thiết.

Nước ngầm: Theo tài liệu điều tra, đánh giá của Liên đoàn Địa chất thủy văn và Địa chất công trình miền Nam, trên địa bàn thị xã Giá Rai có từ 3 đến 4 tầng nước ngầm ở các độ sâu khác nhau (từ 80 – 500m), nguồn nước ngầm khá dồi dào, chất lượng tốt. Những năm qua, các hộ dân khai thác phổ biến ở độ sâu 100 – 150m.

Hiện nay, do diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp mở rộng nhanh, nhu cầu nước phục vụ nuôi trồng thủy sản rất lớn, việc khai thác quá mức tầng nước ở độ sâu 100 – 150m làm cho mực nước ngầm tụt xuống sâu hàng chục mét. Trong những năm tới, nguồn nước ngầm ở tầng sâu 100 – 150m có thể sẽ không đủ cung cấp cho nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt trong mùa khô. Ngoài ra, nguồn nước ngầm tầng nông (nước ngầm mặn) ở độ sâu 25 – 30m cũng được khai thác phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.[5]

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]
Cổng vào trung tâm thị xã Giá Rai

Thị xã Giá Rai có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 3 phường: 1, Hộ Phòng, Láng Tròn và 7 xã: Phong Tân, Phong Thạnh, Phong Thạnh A, Phong Thạnh Đông, Phong Thạnh Tây, Tân Phong, Tân Thạnh với 17 khóm và 52 ấp.

Bản đồ hành chính thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc thị xã Giá Rai
Tên Diện tích năm 2022 (km²) Dân số năm 2022 (người) Mật độ (người/km²) Hành chính
Phường (3)
Phường 1 11,76 21.264 1.808 5 khóm
Hộ Phòng 12,08 22.317 1.847 5 khóm
Láng Tròn 32,18 20.804 646 7 khóm
Xã (7)
Phong Tân 53,85 15.829 293 10 ấp
Phong Thạnh 46,07 13.638 296 7 ấp
Phong Thạnh A 34,69 11.744 338 6 ấp
Phong Thạnh Đông 20,40 8.420 412 6 ấp
Phong Thạnh Tây 53,04 11.316 213 6 ấp
Tân Phong 62,84 30.172 480 10 ấp
Tân Thạnh 27,08 10.820 399 5 ấp
Toàn thị xã 353,99 166.324 469 69
Đề án số 02/ĐA-UBND về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Bạc Liêu[3]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời Pháp thuộc

[sửa | sửa mã nguồn]
Lễ thắp đuốc khai mạc Đại hội Thể thao Thanh niên Đông Dương tại Gia Rai, 27 tháng 12 năm 1941

Vào thời nhà Nguyễn độc lập, vùng đất Giá Rai và Đông Hải ngày nay thuộc một phần đất đai các tổng Long Thủy và Quảng Long, huyện Long Xuyên, phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên.

Ngày 15 tháng 6 năm 1867, sau khi chiếm xong tỉnh Hà Tiên, thực dân Pháp dần xóa bỏ hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra, trong đó có hạt Thanh tra Kiên Giang.

Ngày 16 tháng 8 năm 1867, hạt Thanh tra Rạch Giá được thành lập do đổi tên từ hạt Thanh tra Kiên Giang trước đó. Hai tổng Long Thủy và Quảng Long lúc này thuộc hạt Thanh tra Rạch Giá. Về sau, lại lập thêm tổng Quảng Xuyên.

Năm 1876, hạt Thanh tra Rạch Giá đổi thành hạt tham biện Rạch Giá.

Năm 1882, Thực dân Pháp thiết lập hạt tham biện Bạc Liêu trên cơ sở tách 3 tổng Quảng Long, Quảng Xuyên và Long Thủy của hạt tham biện Rạch Giá hợp với 2 tổng Thạnh Hòa và Thạnh Hưng tách từ hạt tham biện Sóc Trăng chuyển sang.

Năm 1896, tổng Long Thủy và tổng Quảng Long cùng thuộc hạt tham biện Bạc Liêu có 11 làng:

  • Tổng Long Thủy gồm 5 làng: Thới Bình, Tân Lợi, Tân Lộc, Phong Thạnh, Long Điền.
  • Tổng Quảng Long gồm 6 làng: An Xuyên, An Trạch, Tân Trạch, Hòa Thạnh, Tân Thạnh, Định Thành.

Ngày 20 tháng 12 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Đông Dương điều thống nhất gọi là "tỉnh", trong đó có tỉnh Bạc Liêu. Lúc bấy giờ tỉnh Bạc Liêu chỉ có 2 quận: Vĩnh LợiCà Mau. Quận Cà Mau khi đó gồm 3 tổng: Quảng Long, Quảng Xuyên và Long Thủy vốn trước năm 1882 cùng thuộc địa bàn hạt Rạch Giá.

Ngày 5 tháng 10 năm 1917, Thực dân Pháp thành lập quận Giá Rai thuộc tỉnh Bạc Liêu.

Quận Giá Rai gồm tổng Quảng Long với 4 làng: An Trạch, Định Thành, Hoà Thạnh, Tân Thạnh.

Ngày 24 tháng 9 năm 1938, quận Giá Rai được sáp nhập thêm tổng Long Thủy từ quận Cà Mau với các làng: Phong Thạnh, Phong Thạnh Tây, Long Điền, Vĩnh Mỹ.

Ngày 5 tháng 4 năm 1944, quận lập thêm tổng An Định gồm làng An Trạch và làng Định Thành tách ra từ tổng Quản Long. Quận lỵ Giá Rai đặt tại làng Phong Thạnh thuộc tổng Long Thủy.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, đồng thời bỏ danh xưng quận, gọi thay thế bằng huyện. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến năm 1956 cũng thống nhất dùng danh xưng là xã, tuy nhiên vẫn gọi là quận cho đến năm 1975. Lúc này, Giá Rai vẫn là huyện thuộc tỉnh Bạc Liêu.

Giai đoạn 19561976

[sửa | sửa mã nguồn]

Việt Nam Cộng hòa

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 9 tháng 3 năm 1956, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 32-NV về việc sáp nhập 4 xã: Định Thành, Hoà Thành, Tân Thành, Phong Thạnh Tây thuộc quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu vào địa bàn tỉnh Cà Mau mới được thành lập quản lý.

Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Thời Việt Nam Cộng hòa, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng được hợp nhất thành tỉnh mới là tỉnh Ba Xuyên vào ngày 22 tháng 10 năm 1956. Lúc này, quận Giá Rai thuộc tỉnh Ba Xuyên. Quận Giá Rai chỉ còn một tổng là Long Thủy với 4 xã: Phong Thạnh, Long Điền, An Trạch, Vĩnh Mỹ. Quận lỵ đặt tại xã Phong Thạnh.

Ngày 24 tháng 12 năm 1961, xã Vĩnh Hưng và xã Vĩnh Phú, nguyên thuộc quận Phước Long (lúc này được bàn giao cho tỉnh Chương Thiện mới được thành lập) được sáp nhập vào quận Giá Rai thuộc tỉnh Ba Xuyên.

Ngày 18 tháng 4 năm 1963, xã Vĩnh Phú thuộc quận Giá Rai, tỉnh Ba Xuyên được sáp nhập trở lại vào quận Phước Long, tỉnh Chương Thiện.

Ngày 8 tháng 9 năm 1964, Thủ tướng chính quyền mới của Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh số 254-NV về việc quy định kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1964, tái lập tỉnh Bạc Liêu. Quận Giá Rai trở lại thuộc tỉnh Bạc Liêu cho đến năm 1975. Sau năm 1965, cấp tổng bị giải thể, các xã trực thuộc quận. Năm 1970, quận Giá Rai có 5 xã: Phong Thạnh, Long Điền, An Trạch, Vĩnh Mỹ, Vĩnh Hưng.

Chính quyền cách mạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1957, Liên Tỉnh uỷ miền Tây giải thể tỉnh Bạc Liêu, đồng thời đưa huyện Giá Rai giao về tỉnh Sóc Trăng quản lý. Năm 1962, huyện Giá Rai được chính quyền Cách mạng sáp nhập vào tỉnh Cà Mau. Tháng 11 năm 1973, khi Liên Tỉnh uỷ miền Tây tái lập tỉnh Bạc Liêu thì huyện Giá Rai trở lại thuộc tỉnh Bạc Liêu như trước cho đến năm 1976.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt huyện Giá Rai thuộc tỉnh Bạc Liêu cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa). Huyện lỵ là thị trấn Giá Rai, được thành lập do tách một phần nhỏ đất đai từ các xã Phong Thạnh và Long Điền.

Từ năm 1976 đến nay

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 2 năm 1976, Giá Rai là huyện của tỉnh Minh Hải.

Ngày 11 tháng 7 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 181-CP[6] về việc sáp nhập 3 xã: Định Thành, Hòa Thành, Tân Thành và thị trấn Tắc Vân của huyện Châu Thành vừa giải thể vào huyện Giá Rai.

Ngày 29 tháng 12 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 326-CP[7] về việc:

  • Huyện Giá Rai có 31 xã, 3 thị trấn: Giá Rai (huyện lỵ), Hộ Phòng, Gành Hào.
  • Chuyển 3 xã: Định Thành, Hòa Thành, Tân Thành và thị trấn Tắc Vân thuộc huyện Giá Rai về huyện Cà Mau mới thành lập quản lý.

Huyện Giá Rai còn lại 3 thị trấn: Giá Rai, Hộ Phòng, Gành Hào và 10 xã: An Trạch, Long Điền, Long Điền Đông A, Long Điền Đông B, Long Điền Đông C, Long Điền Đông K, Long Điền Tây, Phong Thạnh, Phong Thạnh Đông, Phong Thạnh Tây.

Ngày 4 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 142-CP[8] về việc:

  • Chia xã Phong Thạnh thành 4 xã: Thạnh Hòa, Thạnh Phú, Thạnh Bình và Phong Thạnh.
  • Chia xã Phong Thạnh Đông thành 5 xã: Phong Nam, Phong Tân, Phong Phú, Phong Quý và Phong Thạnh Đông.
  • Chia xã Phong Thạnh Tây cùng với ấp Khúc Tréo và ấp Nhân Dân của xã An Trạch cắt sang, thành 4 xã: Tân Hòa, Tân Hiệp, Tân Phong và Phong Thạnh Tây.
  • Chia xã Long Điền thành 3 xã: Long Điền Tân, Long Điền Tiến và Long Điền.
  • Chia xã Long Điền Tây thành 3 xã: Điền Hải, Long Hải và Long Điền Tây.
  • Chia xã An Trạch (trừ ấp Khúc Tréo và ấp Nhân Dân cắt sang xã Phong Thạnh Tây) thành 5 xã: An Hòa, An Bình, An Hạnh, An Phúc và An Trạch.
  • Thành lập xã An Định thuộc huyện Giá Rai trên cơ sở tách ấp Chòi Mòi và ấp Cái Keo của xã Định Thành, huyện Cà Mau.
  • Thành lập thị trấn Giá Rai – thị trấn huyện lỵ của huyện Giá Rai.
  • Thành lập thị trấn Hộ Phòng thuộc huyện Giá Rai.
  • Thành lập thị trấn Gành Hào thuộc huyện Giá Rai.

Ngày 30 tháng 8 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 94-HĐBT[9] về việc sáp nhập 3 xã: Định Hòa, Định Thành, Tân Thạnh của huyện Cà Mau vừa giải thể vào huyện Giá Rai.

Ngày 14 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 33B-HĐBT[10] về việc:

  • Sáp nhập xã An Hạnh vào xã An Hòa.
  • Sáp nhập xã An Định vào xã An Phúc.
  • Sáp nhập xã An Bình vào xã An Trạch.
  • Giải thể xã Long Điền Tân để sáp nhập vào xã Long Điền và xã Long Điền Tiến.
  • Giải thể xã Thạnh Hòa để sáp nhập vào xã Phong Thạnh và xã Thạnh Phú; đổi tên xã Thạnh Phú thành xã Thành Hòa.
  • Sáp nhập xã Long Điền Đông K vào xã Long Điền Đông C.

Ngày 13 tháng 4 năm 1991, Ban Tổ chức Chính phủ ban hành Quyết định số 183/QĐ-TCCP[11] về việc:

  • Thành lập xã Long Điền Đông trên cơ sở 3 xã: Long Điền Đông A, Long Điền Đông B, Long Điền Đông C.
  • Sáp nhập xã Long Điền Tiến vào xã Long Điền.
  • Sáp nhập xã Long Điền Hải và xã Điền Hải vào xã Long Điền Tây.
  • Sáp nhập xã An Hòa vào xã An Trạch.
  • Sáp nhập xã Định Hòa vào xã Định Thành.
  • Sáp nhập xã Tân Hiệp và xã Thạnh Bình vào xã Tân Phong.
  • Sáp nhập xã Thạnh Hòa vào xã Phong Thạnh.
  • Sáp nhập xã Phong Nam vào xã Phong Tân.
  • Sáp nhập xã Phong Phú và xã Phong Quý vào xã Phong Thạnh Đông.
  • Sáp nhập xã Tân Hòa vào xã Phong Thạnh Tây.

Huyện Giá Rai có 3 thị trấn: Gành Hào, Giá Rai, Hộ Phòng và 12 xã: An Phúc, An Trạch, Định Thành, Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Tây, Phong Tân, Phong Thạnh, Phong Thạnh Đông, Phong Thạnh Tây, Tân Phong, Tân Thạnh.

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội ban hành Nghị quyết[12] về việc chia tỉnh Minh Hải thành tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Khi đó, huyện Giá Rai trực thuộc tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 25 tháng 8 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/1999/NĐ-CP[13] về việc:

  • Thành lập xã Phong Thạnh Đông A trên cơ sở 2.691,54 ha diện tích tự nhiên và 15.207 nhân khẩu của xã Phong Thạnh Đông.
  • Thành lập xã Long Điền Đông A trên cơ sở 5.947,93 ha diện tích tự nhiên và 15.342 nhân khẩu của xã Long Điền Đông.

Đến năm 2000, huyện Giá Rai có 3 thị trấn: Gành Hào, Giá Rai, Hộ Phòng và 14 xã: An Phúc, An Trạch, Định Thành, Long Điền, Long Điền Đông, Long Điền Đông A, Long Điền Tây, Phong Tân, Phong Thạnh, Phong Thạnh Đông, Phong Thạnh Đông A, Phong Thạnh Tây, Tân Phong, Tân Thạnh.

Ngày 24 tháng 12 năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2001/NĐ-CP[14] về việc thành lập huyện Đông Hải trên cơ sở 52.786,36 ha diện tích tự nhiên và 123.440 nhân khẩu, bao gồm 8 đơn vị hành chính trực thuộc là 7 xã: An Trạch, An Phúc, Định Thành, Long Điền, Long Điền Tây, Long Điền Đông, Long Điền Đông A và thị trấn Gành Hào của huyện Giá Rai.

Huyện Giá Rai sau khi điều chỉnh địa giới hành chính còn lại 33.760,06 ha diện tích tự nhiên và 118.899 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 7 xã: Phong Thạnh, Phong Thạnh Đông, Phong Thạnh Đông A, Phong Thạnh Tây, Tân Thạnh, Tân Phong, Phong Tân và 2 thị trấn: Giá Rai, Hộ Phòng.

Ngày 24 tháng 12 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2003/NĐ-CP[15] về việc thành lập xã Phong Thạnh A trên cơ sở 3.800 ha diện tích tự nhiên và 9.271 nhân khẩu của xã Phong Thạnh.

Huyện Giá Rai có 2 thị trấn: Giá Rai (huyện lỵ), Hộ Phòng và 8 xã: Phong Tân, Phong Thạnh, Phong Thạnh A, Phong Thạnh Đông, Phong Thạnh Đông A, Phong Thạnh Tây, Tân Phong, Tân Thạnh.

Ngày 31 tháng 7 năm 2013, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 717/QĐ-BXD[2] về việc công nhận đô thị Hộ Phòng – Giá Rai là đô thị loại IV.

Ngày 15 tháng 5 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 930/NQ-UBTVQH13[1] về việc:

  • Thành lập thị xã Giá Rai trên cơ sở toàn bộ 35.466,81 ha diện tích tự nhiên và 139.748 người của huyện Giá Rai.[16]
  • Thành lập phường 1 trên cơ sở toàn bộ 1.186,60 ha diện tích tự nhiên và 16.906 người của thị trấn Giá Rai.
  • Thành lập phường Hộ Phòng trên cơ sở toàn bộ 1.195,22 ha diện tích tự nhiên và 19.475 người của thị trấn Hộ Phòng.
  • Thành lập phường Láng Tròn trên cơ sở toàn bộ 3.320,08 ha diện tích tự nhiên và 17.855 người của xã Phong Thạnh Đông A.

Sau khi thành lập, thị xã Giá Rai có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 3 phường: 1, Hộ Phòng, Láng Tròn và 7 xã: Tân Phong, Tân Thạnh, Phong Thạnh Đông, Phong Tân, Phong Thạnh, Phong Thạnh A, Phong Thạnh Tây.

Kinh tế - xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Cơ cấu kinh tế (giá hiện hành) có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, cụ thể: Công nghiệp - xây dựng tăng từ 46,2% năm 2015 lên 49,6% năm 2020; thương mại - dịch vụ tăng từ 30,2% năm 2015 lên 31,4% năm 2020 và nông nghiệp – thủy sản giảm từ 23,6% năm 2015 xuống còn 19% năm 2020.

Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân/người đạt 75 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD. Sản lượng lương thực năm 2020 đạt 169.515 tấn và cả giai đoạn 2016 – 2020 là 730.599 tấn, sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 42.000 tấn và cả giai đoạn 2016 – 2020 là 167.818 tấn. Thu ngân sách trên địa bàn thị xã đạt 444 tỷ 600 triệu đồng. Có 100% số xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom và xử lý đạt 95%, tỷ lệ rác thải nông thôn được thu gom và xử lý đạt 80%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đô thị đạt 76%, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,65%. Có 7 xã đạt chuẩn văn hóa, có 95,05% gia đình đạt chuẩn văn hóa, công nhận 14 tuyến phố văn minh đô thị. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia là 82,92%, có 18 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,1%, đào tạo nghề 19.741 lao động nâng tổng số lao động qua đào tạo đạt 59,77%, giới thiệu và giải quyết việc làm 21.826 lao động. Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 28 giường, trung tâm y tế thị xã đạt hạng 3, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%. Trạm y tế đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế đạt 100%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1%. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt 100%, tiểu học đạt 100%, học sinh hết tiểu học được xét tuyển vào trung học cơ sở đạt 99%.

Nông nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Cây lúa: thị xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân tích cực cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích đất chuyên trồng lúa. Đến nay diện tích đất trồng lúa tăng từ 7.544 ha (năm 2015) lên 7.697 ha (năm 2020), tăng 153 ha. Tổng sản lượng lương thực giai đoạn 2016 – 2020 đạt 730.599 tấn.

Rau màu: tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo vườn tạp, tận dụng bờ liếp vuông tôm trồng một số loại cây ăn trái, rau màu có giá trị kinh tế; trồng hoa kiểng những nơi có điều kiện nhằm cung cấp hoa kiểng trang trí đô thị; từng bước đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, hướng đến nông nghiệp đô thị. Giai đoạn 2016 – 2020 diện tích rau màu đạt 2.930 ha, sản lượng đạt 19.338 tấn.

Thủy sản: tổng sản lượng thủy sản giai đoạn 2016 – 2020 đạt 167.818 tấn, tăng 39.538 tấn so với giai đoạn 2011 - 2015, cụ thể:

  • Nuôi trồng thủy sản: tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã là 22.294 ha (trong đó diện tích nuôi tôm CN-BCN 300 ha, tôm quảng canh kết hợp 21.86 9ha, nuôi cá và thủy sản khác 125ha). Sản lượng nuôi trồng đạt 142.118 tấn.
  • Khai thác thủy sản: trên địa bàn thị xã có tổng cộng 40 tàu thuyền đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, số lượng tàu thuyền hoạt động khai thác thường xuyên chỉ có 20 tàu, công suất từ 90CV trở lên. Nguyên nhân do một số tàu thuyền đã sử dụng quá lâu, máy móc bị hư hỏng, chưa sửa chữa, nâng cấp, bên cạnh đó một số tàu thuyền chuyển sang nghề kinh doanh, buôn bán. Lũy kế sản lượng khai thác giai đoạn 2016 – 2020 đạt 25.700 tấn.

Chăn nuôi: tích cực tuyên truyền bà con mở rộng quy mô, đa đạng hóa các loài nuôi, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiếp tục nhân rộng một số mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm có hiệu quả như: nuôi dê, bò, một số loài gia cầm có giá trị kinh tế cao như gà Đông Tảo, vịt siêu thịt,... kết hợp công tác phòng chống dịch bệnh, tiêu độc sát trùng chuồng trại. Từ đó, ngành chăn nuôi trên địa bàn thị xã thời gian qua không ngừng phát triển ổn định, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho hộ dân. Tuy nhiên, trong năm 2019 tình hình bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi trong nước diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Ngày 08/7/2019 thị xã Giá Rai phát hiện ổ dịch đầu tiên, đến ngày 30/9/2019 đã lây lan khắp 10/10 xã, phường, có 54 khóm, ấp/465 hộ bị ảnh hưởng, buộc tiêu hủy 3.262 con heo, với tổng trọng lượng là 237.078 kg, gây thiệt hại nhiều về kinh tế cũng như tâm lý người chăn nuôi và cả người tiêu dùng.

Công nghiệp – xây dựng

[sửa | sửa mã nguồn]

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 đạt 43.149 tỷ đồng. Từ đó, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân và cho xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Tổng số hộ sử dụng điện trên địa bàn thị xã là 38.725 hộ, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn thị xã đạt 99,65%.

Xây dựng: Công tác quy hoạch, phát triển đô thị thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị và hành lang an toàn đường bộ. Trực tiếp tuyên truyền nhắc nhở các hộ dân mua bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè chấp hành đúng quy định pháp luật.

Thương mại – dịch vụ

[sửa | sửa mã nguồn]

Thường xuyên sắp xếp trật tự mua bán tại các chợ trên địa bàn thị xã; đồng thời, đầu tư nâng cấp vỉa hè các tuyến đường chính, sắp xếp bố trí, sử dụng vỉa hè hợp lý, nhằm đảm bảo trật tự mua bán, an toàn giao thông, văn minh đô thị. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm thương mại – dịch vụ Hộ Phòng, phát triển nhiều loại hình dịch vụ như: dịch vụ vận chuyển hành khách, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm... Khởi công xây dựng khu dân cư thương mại xã Phong Thạnh; hoàn thiện và đưa vào sử dụng khu nhà ở thương mại phường 1; nâng cấp một số chợ như: Chợ Xóm Lung, chợ Khúc Tréo, chợ phường 1,... Tổng mức bán lẻ hàng hóa, thương mại và dịch vụ giai đoạn 2016 – 2020 đạt 44.992 tỷ đồng.[5]

Nguồn lao động

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2020, tổng số lao động trong độ tuổi toàn thị xã 83.145 người (chiếm 57,3% tổng dân số), trong đó đang làm việc trong các ngành kinh tế 80.402 người, chiếm 96,7% lao động trong độ tuổi.

Cơ cấu lao động trong giai đoạn 2015 - 2020 chuyển đổi theo hướng tích cực, cụ thể:

  • Nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 41,17% năm 2015 xuống còn 35,81% năm 2020.
  • Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng từ 35,21% năm 2015 lên 38,46% năm 2020.
  • Thương mai – dịch vụ tăng từ 23,62% năm 2015 lên 25,73% năm 2020.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,77%, giai đoạn 2016 – 2020 đào tạo nghề 19.741 lao động, giới thiệu và giải quyết việc làm 21.826 lao động.[5]

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Toàn thị xã Giá Rai có 43 trường, trong đó:

  • MN-MG: có 13 trường, trong đó có 1 trường mầm non tư thục.
  • Tiểu học: có 16 trường tiểu học.
  • THCS: có 10 trường.
  • TH-THCS: có 3 trường (loại hình trường hai cấp học).

Cơ sở vật chất: Toàn thị xã đã có 957 phòng học, phòng bộ môn và phòng chức năng, cụ thể: phòng học và phòng bộ môn 643 phòng (phòng lầu: 427, phòng cấp 4: 216); phòng chức năng 314 phòng (100 phòng lầu, 214 phòng cấp 4).

Hiện tại quy mô trường lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, mạng lưới trường lớp phân bổ cơ bản phù hợp với địa bàn dân cư và cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân, tạo điều kiện thuận lợi để huy động học sinh ra lớp.[5]

Y tế phát triển theo hướng hiện đại, bệnh viện được xây dựng kiên cố và phủ rộng các nơi trên địa bàn thị xã, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực theo hướng phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, nghiên cứu ứng dụng y học tân tiến, nâng dần trình độ sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại của đội ngũ y, bác sĩ. Từng bước xây dựng và triển khai dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao nhằm mang tới cho người dân dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt với chi phí hợp lý.

Lịch sử phát triển dân số của thị xã Giá Rai qua các năm
NămSố dân±%
2000 242.339—    
2001 118.899−50.9%
2010 137.557+15.7%
2014 141.165+2.6%
2015 141.655+0.3%
2016 142.017+0.3%
2017 142.385+0.3%
NămSố dân±%
2018 142.790+0.3%
1/4/2019 143.613+0.6%
31/12/2019 143.772+0.1%
2020 144.593+0.6%
1/11/2021 145.340+0.5%
2022 145.891+0.4%
31/12/2022 166.324+14.0%
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bạc Liêu

Thị xã Giá Rai có diện tích tự nhiên là 354,49 km², dân số năm 2016 là 142.017 người, trong đó: dân tộc Kinh 132.958 người chiếm 93,62%; dân tộc Hoa 2.518 người chiếm 1,77%; dân tộc Khmer 6.672 người chiếm 4,70%; dân tộc khác 50 người chiếm 0,04%.

Dân số năm 2018 là 142.790 người, mật độ dân số của thị xã là 403 người/km². Trong đó, dân số sống ở thành thị là 56.400 người chiếm tỉ lệ 39,50% và dân số sống ở nông thôn là 86.390 người chiếm tỉ lệ 60,50%.

Theo thống kê năm 2019, thị xã Giá Rai có diện tích 354,49 km², dân số là 143.772 người, mật độ dân số đạt 406 người/km².[17][18]

Năm 2020, dân số toàn thị xã Giá Rai là 144.593 người, trong đó, dân số thành thị là 52.698 người chiếm 36,45%, dân số nông thôn là 91.895 người chiếm 63,55%.[5][19]

Theo thống kê ngày 1 tháng 11 năm 2021, dân số thị xã Giá Rai là 145.340 người, trong đó: dân số thành thị là 52.945 người (36,43%), dân số nông thôn là 92.395 người (63,57%).[20]

Thị xã Giá Rai có diện tích 354,49 km², dân số năm 2022 là 145.891 người, mật độ dân số đạt 412 người/km².[21]

Thị xã Giá Rai có diện tích 353,99 km², dân số quy đổi tính đến ngày 31/12/2022 là 166.324 người,[3] mật độ dân số đạt 469 người/km².

Nhà thờ Tắc Sậy
ở Thị xã Giá Rai

Trên địa bàn thị xã có nhiều địa điểm du lịch tâm linh như: nhà thờ Tắc Sậy, chùa Thiên Trúc; di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, đình thần Phong Thạnh, thất Giồng Bốm; du lịch sinh thái: vườn chim Phong Thạnh. Tuy nhiên, việc khai thác phục vụ phát triển kinh tế đang còn hạn chế. Nhằm từng bước khai thác tốt lĩnh vực du lịch trên địa bàn thị xã, đóng góp vào tốc độ phát triển kinh tế hàng năm, Giá Rai đang kêu gọi các dự án đầu tư nhằm khai thác các tiềm năng và thế mạnh về các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.[5]

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]

Đường bộ

[sửa | sửa mã nguồn]
quản lộ phụng hiệp
Quản lộ Phụng Hiệp đi Cà Mau đoạn qua thị xã Giá Rai

Hệ thống đường Quốc lộ: Hiện thị xã Giá Rai có 2 Quốc lộ đi ngang qua địa bàn gồm và hai Quốc lộ này hiện đang sử dụng và được duy tu theo tiêu chuẩn của quản lý Quốc lộ:

  • Quốc lộ 1 với chiều dài là 30 km thuộc loại đường cấp 3 Đồng bằng (2 làn xe), mặt đường 7 m, lề mỗi bên 1 m;
  • Quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp với chiều dài là 20 km thuộc loại đường cấp 3 đồng bằng (2 làn xe).

Hệ thống tỉnh lộ: thị xã Giá Rai gồm có 5 đường tỉnh lộ kết nối giữa Quốc lộ 1 và Quản Lộ – Phụng Hiệp, khu kinh tế biển Gành Hào bao gồm:

  • Đường tỉnh lộ: Quốc lộ 1 kết nối với xã Vĩnh Phú Tây huyện Phước Long với chiều dài là 15 km: mặt nhựa, đường rộng 3,5m)
  • Hệ thống đường tỉnh lộ Gành Hào – Hộ Phòng – Giá Rai – Cạnh Đền (ĐT.980) với tổng chiều dài 20 km: mặt nhựa, rộng 3,5- 9m.
  • Đường tỉnh lộ Hộ Phòng – Chủ Chí kết nối giữa Quốc lộ 1 và Quản Lộ Phụng Hiệp với chiều dài 13  km: mặt nhựa, rộng 3,5m;
  • Tuyến đường Khúc Tréo – Tân Lộc nối giữa Quốc lộ 1 và Quản Lộ – Phụng Hiệp nối với xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) với khoảng chiều dài 12 km, mặt nhựa, rộng 3,5m.
  • Tuyến đường Tân Thạnh – Ngã Năm (ĐT.982) kết nối giữa Quốc lộ 1 và Quản lộ Phụng Hiệp với chiều 15 km: mặt nhựa, rộng 3,5m.

Đường nội ô (3 phường: Phường 1, phường Hộ Phòng và Phường Láng Tròn) với tổng số là 88 tuyến, trong đó đường nhựa là 40 tuyến, bê tông + bê tông cốt thép là 48 tuyến, mặt đường rộng từ 1,5 – 3,5m, với tổng chiều là 128.202 m.

Đường giao thông nông thôn của 7 xã: Tổng số là 164 tuyến, trong đó tuyến đường nhựa là 19 tuyến, bê tông cốt thép 145 tuyến, mặt đường rộng từ 1,5 – 3,5m, với tổng chiều dài 406.274 m.

Mật độ đường giao thông (tính đến đường có chiều rộng ≥ 7,5m): hiện trạng là 6,2 km/km²; Diện tích đất giao thông tính trên dân số (m²/người) khoảng 12,24 m²/người; Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị là 8,75%. So với yêu cầu thì chưa đáp ứng ở 2 tiêu chuẩn là tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị và mật độ đường giao thông.

Hệ thống bến xe, cầu:

  • Hệ thống bến xe: Hiện thị xã có 1 bến xe liên tỉnh với diện tích khoảng 3.000 m² để phục vụ cho nhu cầu đi lại của nhân dân toàn vùng thị xã Giá Rai đến Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
  • Hệ thống cầu: Trên trục Quốc lộ 1 và Quản Lộ – Phụng Hiệp có tải trọng lớn đáp ứng yêu cầu vận tại nặng của thị xã, các tuyến đường liên tỉnh, tỉnh lộ hệ thống cầu có tải trọng từ 13 – 18 tấn. Riêng hệ thống cầu giao thông nông thôn và nội ô có tải trọng từ 1,5 – 8 tấn.[5]

Các tuyến đường trên địa bàn thị xã:

  • ĐH.11 (Phong Thạnh Tây – Tân Thạnh): Điểm đầu từ điểm giao với đường ĐT.981 tại xã Phong Thạnh Tây; điểm cuối nối vào đường ĐT.982B tại xã Tân Thạnh; chạy qua các xã Phong Thạnh Tây, Tân Thạnh; có chiều dài 10,5 km.
  • ĐH.12 (Phong Thạnh Đông – Phong Thạnh A): điểm đầu từ kênh Vĩnh Phong, tại xã Phong Thạnh Đông; điểm cuối nối vào đường ĐT.981 tại xã Phong Thạnh A; chạy qua các xã Phong Thạnh Đông, Tân Phong; có chiều dài 7,5 km.
  • ĐH.19 (Láng Tròn – Vĩnh Phú Tây): điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại phường Láng Tròn; điểm cuối giáp ranh với huyện Phước Long tại xã Phong Thạnh Đông; chạy qua các phường Láng Tròn; Phong Thạnh Đông, chiều dài 11,4 km.
  • ĐH.21 (phía Đông kênh Giá Rai – Phó Sinh): điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại Phường 1; điểm cuối giáp ranh với huyện Phước Long tại xã Phong Tân; chạy qua phường 1 và xã Phong Tân; có chiều dài 14  km.
  • ĐH.24 (phía Đông kênh Chủ Chí – Hộ Phòng): Điểm đầu từ điểm giao với Quốc lộ 1 tại phường Hộ Phòng; điểm cuối giáp ranh với huyện Phước Long tại xã Phong Thạnh; chạy qua phường Hộ Phòng và các xã Phong Thạnh A, Phong Thạnh, chiều dài 11,2 km.
  • ĐH.25 (phía Tây kênh Khúc Tréo): Điểm đầu giao với Quốc lộ 1 gần khu vực UBND xã Tân Phong; điểm cuối nối vào tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp tại xã Phong Thạnh Tây; chạy qua các xã Tân Phong, Phong Thạnh Tây; có chiều dài 9,6 km.
  • ĐH.26: điểm đầu đầu giao với Quốc lộ 1 điểm cuối Ngã năm Vàm Bướm; chạy trong xã Tân Thạnh; có chiều dài 11 km.
  • ĐH.43: Điểm đầu giáp với huyện Đông Hải tại phường 1 Giá Rai; điểm cuối nối vào đường ĐT.981B tại phường Hộ Phòng; chạy dọc bờ Nam kênh Cà Mau-Bạc Liêu, chạy qua phường 1 và phường Hộ Phòng; có chiều dài 8 km.
  • ĐH.50: Chạy dọc bờ Nam kênh Cà Mau – Bạc Liêu rồi uốn cong để chạy dọc kênh Hộ Phòng – Gành Hào về phía Tây và có chiều dài 2 km.[22]

Giao thông thủy

[sửa | sửa mã nguồn]
Kênh Bạc Liêu – Cà Mau, đoạn chảy qua thị xã Giá Rai

Hệ thống giao thông thủy của thị xã vận chuyển chủ yếu tuyến kênh Cà Mau – Bạc Liêu (tàu thuyền 300 – 400 tấn có thể lưu thông), kênh Giá Rai – Phó Sinh, Hộ Phòng – Chủ Chí,...[5]

Có mật độ kênh rạch dày đặc, phân bố đều khắp trên địa bàn là tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thủy phát triển ở thị xã Giá Rai. Các tuyến giao thông thủy chính gồm:

  • Tuyến kênh Bạc Liêu – Cà Mau: là tuyến giao thông thủy quan trọng nhất của toàn vùng Bán đảo Cà Mau, nối thành phố Cà Mau với thành phố Bạc Liêu dài 67 km, chạy dọc theo Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thị xã dài khoảng 30 km. Tuyến kênh này có thể đảm bảo cho các phương tiện có tải trọng trung bình giao thông suốt tuyến, liên kết giữa các tỉnh, thị xã trong vùng.
  • Tuyến kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp: là tuyến vận tải thủy quốc gia, chạy qua trung tâm vùng Bán đảo Cà Mau, liên kết 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Đoạn qua thị xã dài 12 km, rộng 60 – 70m, đảm bảo cho các phương tiện có tải trọng trung bình lưu thông.
  • Tuyến kênh Hộ Phòng – Gành Hào – Cạnh Đền: tuyến kênh liên thị xã từ thị trấn Gành Hào (trung tâm huyện Đông Hải) đến phường Hộ Phòng và nối vào kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Toàn tuyến có chiều dài khoảng 36 km, đoạn qua thị xã dài khoảng 12 km.
  • Tuyến kênh Giá Rai - Phó Sinh – Vĩnh Thuận: tuyến kênh liên thị xã từ phường 1 Giá Rai cắt ngang kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp tại Phó Sinh, thẳng đến Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang. Toàn tuyến dài khoảng 40 km, đoạn qua thị xã khoảng 15 km, rộng 50 – 60m, sâu khoảng 2m đảm bảo cho các phương tiện thủy loại nhỏ lưu thông giữa Giá Rai – Phước Long – Vĩnh Thuận.
  • Tuyến kênh Hộ Phòng – Chủ Chí từ giáp ranh với huyện Phước Long tại xã Phong Thạnh; chạy qua phường Hộ Phòng và các xã Phong Thạnh A, Phong Thạnh.[22]

Kết nghĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Việt Nam Thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Hình ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Nghị quyết số 930/NQ-UBTVQH13 năm 2015 về việc thành lập thị xã Giá Rai và 03 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
  2. ^ a b “Quyết định số 717/QĐ-BXD năm 2013 về việc công nhận đô thị Hộ Phòng – Giá Rai, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV”. Thư viện Pháp luật. 31 tháng 7 năm 2013.
  3. ^ a b c d N.Kim Yến (20 tháng 8 năm 2024). “Đề án số 02/ĐA-UBND về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Bạc Liêu”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bạc Liêu. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2024.
  4. ^ Tổng cục Thống kê
  5. ^ a b c d e f g h i j k l m n Cổng thông tin điện tử thị xã Giá Rai. “Công bố công khai Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2022.
  6. ^ “Quyết định số 181-CP về việc giải thể huyện Châu Thành tỉnh Minh Hải, sáp nhập các xã thuộc huyện Châu Thành vào huyện khác thuộc tỉnh Minh Hải”. Văn bản pháp luật. 11 tháng 7 năm 1977. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  7. ^ “Quyết định số 326-CP về việc phân vạch địa giới huyện và thị xã thuộc tỉnh Minh Hải”. Thư viện pháp luật. 29 tháng 12 năm 1978.
  8. ^ “Quyết định số 142-CP về việc điều chỉnh địa giới xã, thị trấn thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải”. Thư viện pháp luật. 4 tháng 4 năm 1979.
  9. ^ Quyết định số 94-HĐBT năm 1983 về việc phân vạch địa giới thị xã Cà Mau và các huyện Cà Mau, Giá Rai, Thới Bình, Cái Nước thuộc tỉnh Minh Hải
  10. ^ “Quyết định số 33B-HĐBT năm 1987 về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường, thị trấn của các thị xã Bạc Liêu, Cà Mau và các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân, Thới Bình, Trần Văn Thời thuộc tỉnh Minh Hải”. Thư viện pháp luật. 14 tháng 2 năm 1987.
  11. ^ Quyết định số 183/QĐ-TCCP về việc điều chỉnh địa giới một số xã thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải.
  12. ^ “Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh”. 6 tháng 11 năm 1996. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  13. ^ “Nghị định số 82/1999/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc thị xã Bạc Liêu và các huyện Hồng Dân, Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu”. Thư ký luật. 25 tháng 8 năm 1999. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  14. ^ “Nghị định số 98/2001/NĐ-CP về việc chia huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu thành hai huyện Đông Hải và Giá Rai”. 24 tháng 12 năm 2001. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2021.
  15. ^ “Nghị định số 166/2003/NĐ-CP về việc thành lập xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu”. 24 tháng 12 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  16. ^ “Nghị quyết số 04/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án thành lập thị xã Giá Rai và các phường thuộc nội thị”. HĐND tỉnh Bạc Liêu. 15 tháng 5 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2021.
  17. ^ Cục thống kê tỉnh Bạc Liêu. “Niên giám thống kê tỉnh Bạc Liêu năm 2019” (PDF). Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2020.
  18. ^ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Dân số cấp xã đến 01 tháng 4 năm 2019 - tỉnh Bạc Liêu. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2020.
  19. ^ “Niên giám Thống kê năm 2020 tỉnh Bạc Liêu” (PDF). Cục thống kê tỉnh Bạc Liêu. 30 tháng 6 năm 2021.
  20. ^ “Báo cáo kết quả sơ bộ tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2022 – 2025: Họp với các Sở, ngành có liên quan để nghe báo cáo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo”. Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu. 22 tháng 11 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.
  21. ^ UBND TX. Giá Rai (23 tháng 4 năm 2024). “Thông số số 21/TB-UBND về việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030: Báo cáo thuyết minh tổng hợp Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 thị xã Giá Rai”. Cổng thông tin điện tử thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. tr. 9. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2024.
  22. ^ a b “Công bố công khai Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 thị xã Giá Rai”. Cổng thông tin điện tử thị xã Giá Rai. 10 tháng 2 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2022.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]