Nhật Bản 2–2 Iraq (Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 1994)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nhật Bản 2–2 Iraq (1993)
Bi kịch ở Doha (ドーハの悲劇)
Phép màu ở Doha (도하의 기적)
Sự kiệnVòng loại FIFA World Cup 1994 khu vực châu Á
Lượt trận thứ 5
Nhật Bản và Iraq không thể giành quyền tham dự World Cup 1994, Hàn Quốc chính thức vượt qua vòng loại.
Ngày28 tháng 10 năm 1993; 30 năm trước (1993-10-28)
Địa điểmSân vận động Al-Ahly, Doha
Trọng tàiSerge Muhmenthaler (Thụy Sĩ)
Khán giả4,000

Trận đấu giữa hai đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật BảnIraq, nằm trong khuôn khổ lượt trận cuối cùng của vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 1994 khu vực châu Á, đã diễn ra vào ngày 28 tháng 10 năm 1993 trên sân vận động Al-Ahly ở thủ đô Doha, Qatar. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 2–2 cho cả hai đội.

Trước trận đấu, Nhật Bản đang dẫn đầu trong số 6 đội tuyển tham dự và nắm nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua giành vé tới World Cup. Một chiến thắng ở lượt trận cuối cùng sẽ giúp cho Nhật Bản giành quyền tham dự giải đấu lần đầu tiên trong lịch sử, và họ đã ở rất gần với mục tiêu đó khi dẫn trước đối thủ 2–1 cho đến phút thứ 90 của trận đấu. Tuy nhiên, bàn thắng ngay phút bù giờ đầu tiên của Iraq đã làm tiêu tan mọi hy vọng của các Chiến binh Samurai Xanh, khiến họ bị đẩy xuống vị trí thứ ba trong bảng đấu và để mất vé tham dự World Cup vào tay đối thủ truyền kiếp Hàn Quốc.

Việc không thể vượt qua vòng loại World Cup cùng với những diễn biến kịch tính trên sân đã gây ra sự thất vọng lớn cho người hâm mộ Nhật Bản. Kể từ khi bóng đá Nhật Bản bắt đầu có những thay đổi vượt bậc, nhất là từ sau chức vô địch Asian Cup 1992 trên sân nhà, đội tuyển quốc gia nước này chưa bao giờ tiến gần đến World Cup như tại thời điểm ấy. Mặc dù sau đó Nhật Bản đã lọt vào đến bảy vòng chung kết World Cup liên tiếp (trong đó có một lần đồng đăng cai), trận đấu ở Doha vẫn còn được nhắc đến như một ký ức cay đắng không thể quên trong lịch sử bóng đá Nhật Bản.[1] Trong khi người Nhật gọi trận đấu này là "Bi kịch ở Doha" (tiếng Nhật: ドーハの悲劇, chuyển tự Dōha no higeki, tiếng Anh: The Agony of Doha) thì đối với Hàn Quốc, vì đội tuyển của họ chỉ có thể vượt qua vòng loại vào phút cuối, đây được coi là một "Phép màu ở Doha" (tiếng Triều Tiên: 도하의 기적, chuyển tự Doha-ui gijeok_, tiếng Anh: The Miracle of Doha). Cho đến nay, đây là lần cuối cùng Nhật Bản không vượt qua vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới.

Trước trận đấu[sửa | sửa mã nguồn]

Sáu đội tuyển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Iraq, IranCHDCND Triều Tiên) tranh tài ở vòng loại cuối cùng của khu vực châu Á để tranh hai suất tham dự World Cup 1994 tại Hoa Kỳ. Các đội thi đấu với nhau theo thể thức vòng tròn một lượt tại Doha (Qatar) trong các ngày từ 15 đến 28 tháng 10 năm 1993. Vào thời điểm đó, mỗi trận thắng chỉ được tính 2 điểm, trận hòa tính 1 điểm và trận thua không có điểm. Sau bốn lượt đấu, bảng xếp hạng tạm thời như sau:

Đội Pts Pld W D L GF GA GD
 Nhật Bản 5 4 2 1 1 5 2 3
 Ả Rập Xê Út 5 4 1 3 0 4 3 1
 Hàn Quốc 4 4 1 2 1 6 4 2
 Iraq 4 4 1 2 1 7 7 0
 Iran 4 4 2 0 2 5 7 –2
 CHDCND Triều Tiên 2 4 1 0 3 5 9 –4

Nhật Bản khởi đầu chiến dịch không thực sự tốt khi hòa trận đầu tiên không bàn thắng trước Ả Rập Xê Út và thua trận thứ hai 1–2 trước Iran, rơi xuống nhóm cuối bảng vào thời điểm này. Sau đó, các nhà đương kim vô địch châu Á đã có chiến thắng đầu tiên trước Triều Tiên với tỷ số 3–0. Đến lượt trận thứ tư, Nhật Bản đã giành chiến thắng tối thiểu trước Hàn Quốc nhờ bàn thắng duy nhất của Kazuyoshi Miura để vượt mặt chính đối thủ và giành ngôi đầu bảng.

Ở chiều ngược lại, Iraq đã để thua ngược Triều Tiên 2–3 trong trận mở màn, với việc một cầu thủ của họ bị đuổi khỏi sân; sau trận đấu, Hiệp hội bóng đá Iraq đã thay huấn luyện viên. Trong trận đấu thứ hai với Hàn Quốc, dưới sự dẫn dắt của Ammo Baba, họ đã dẫn trước ở phút 86 và hòa 2–2. Đội tiếp tục thắng Iran 2–1 ở trận thứ ba và hòa 1–1 trước Ả Rập Xê Út ở trận thứ tư.

Dù khoảng cách giữa vị trí thứ 1 và thứ 5 chỉ là 1 điểm và chỉ có Triều Tiên đã chắc chắn bị loại, nhưng Nhật Bản vẫn có thể giành quyền vào vòng chung kết nếu giành chiến thắng mà không cần quan tâm các kết quả khác. Trên lý thuyết, Nhật Bản vẫn sẽ vượt qua vòng loại nếu như kết thúc với một trận hòa trong khi Hàn Quốc hoặc Ả Rập Xê Út không thể thắng ở trận đấu cuối và Iran không đánh bại Ả Rập Xê Út với cách biệt quá 4 bàn.

Trận đấu[sửa | sửa mã nguồn]

Tóm tắt[sửa | sửa mã nguồn]

Trận đấu được tổ chức vào ngày 28 tháng 10 năm 1993, cùng thời điểm diễn ra hai trận đấu còn lại của lượt trận thứ năm tại các địa điểm khác ở Doha (Hàn Quốc gặp Triều Tiên và Ả Rập Xê Út gặp Iran).

Nhật Bản mở tỷ số nhờ bàn thắng của Kazuyoshi Miura, nhưng Radhi Shenaishil của Iraq đã ghi bàn gỡ hòa ngay trước khi hiệp một kết thúc. Nhật Bản sau đó lại vươn lên dẫn trước do công của Masashi Nakayama. Tỷ số 2–1 được giữ nguyên khi trận đấu bước sang phút thứ 90.

Các trận đấu khác đã kết thúc sớm vào trước đó, với việc Hàn Quốc đánh bại Triều Tiên 3–0 và Ả Rập Xê Út đánh bại Iran 4–3. Điều này có nghĩa là Nhật Bản sẽ phải giữ vững tỷ số nếu muốn được tham dự World Cup, trong khi các kết quả tổng hợp sẽ loại đội tuyển Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngay khi trận đấu mới bước vào thời gian bù giờ, Jaffar Omran đã ghi bàn từ một quả phạt góc, ấn định tỷ số 2–2. Trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu ngay sau đó, loại cả hai đội.

Chi tiết[sửa | sửa mã nguồn]

Nhật Bản 2–2 Iraq
Miura  5'
Nakayama  69'
(FIFA Report) Radhi  55'
Omran  90+1'
Nhật Bản
Iraq
Nhật Bản:
GK 1 Shigetatsu Matsunaga Thẻ vàng 84'
DF 3 Toshinobu Katsuya Thẻ vàng 10'
DF 4 Takumi Horiike
DF 5 Tetsuji Hashiratani (c)
DF 7 Masami Ihara
MF 10 Ruy Ramos
MF 15 Mitsunori Yoshida
MF 17 Hajime Moriyasu
FW 11 Kazuyoshi Miura
FW 12 Kenta Hasegawa Thay ra sau 59 phút 59'
FW 16 Masashi Nakayama Thay ra sau 81 phút 81'
Thay người:
MF 8 Masahiro Fukuda Vào sân sau 59 phút 59'
FW 9 Nobuhiro Takeda Vào sân sau 81 phút 81'
Huấn luyện viên:
Hà Lan Hans Ooft
Iraq:
GK 21 Ibrahim Salim Saad
DF 2 Samir Kadhim
DF 3 Saad Abdul-Hameed Thẻ vàng 80'
DF 4 Radhi Shenaishil Thẻ vàng 23'
DF 14 Salim Hussein
MF 12 Mohamed Jassim Mahdi Thay ra sau 46 phút 46'
MF 17 Laith Hussein
MF 18 Munthir Khalaf
MF 22 Bassam Raouf Thay ra sau 71 phút 71'
FW 8 Ahmed Radhi (c)
FW 9 Alaa Kadhim
Thay người:
FW 16 Jaffar Omran Vào sân sau 46 phút 46'
DF 5 Jabbar Hashim Vào sân sau 71 phút 71'
Huấn luyện viên:
Iraq Ammo Baba

Kết quả[sửa | sửa mã nguồn]

Sau lượt trận cuối cùng, xếp hạng chung cuộc của các đội như sau:

Đội Pts Pld W D L GF GA GD
 Ả Rập Xê Út 7 5 2 3 0 8 6 2
 Hàn Quốc 6 5 2 2 1 9 4 5
 Nhật Bản 6 5 2 2 1 7 4 3
 Iraq 5 5 1 3 1 9 9 0
 Iran 4 5 2 0 3 8 11 –3
 CHDCND Triều Tiên 2 5 1 0 4 5 12 –7

Ả Rập Xê Út giành vị trí dẫn đầu với chiến thắng 4–3 trước Iran. Nhật Bản và Hàn Quốc đồng điểm, nhưng với hiệu số bàn thắng bại tốt hơn sau chiến thắng 3 bàn trước Triều Tiên, Hàn Quốc đã xếp trên.

Hàn Quốc đã hòa trong các trận đấu trước đó với Iraq (2–2) và Ả Rập Xê Út (1–1) và thua một trận trước chính đối thủ cạnh tranh trực tiếp Nhật Bản (0–1). Nếu Nhật Bản thắng trận này trước Iraq, Hàn Quốc sẽ bị loại ngay cả khi đã giành chiến thắng trước Triều Tiên. Nhưng với việc Nhật Bản và Iraq hòa nhau ở phút cuối, Hàn Quốc đã vượt qua vòng loại và trận đấu được truyền thông Hàn Quốc gọi là một "phép màu".

Huấn luyện viên người Hà Lan Hans Ooft đã bị sa thải vài tuần sau trận đấu. việc bị loại khỏi giải đấu đã chấm dứt khát vọng vô địch World Cup của phần lớn đội bóng, trong đó có những cái tên nổi bật như tiền vệ Ruy Ramos và tiền đạo Kazuyoshi Miura (vua phá lưới vòng loại FIFA World Cup 1994). Chỉ có hai cầu thủ Nhật Bản xuất hiện trong trận đấu, Nakayama và Masami Ihara, tiếp tục góp mặt trong đội hình tham dự World Cup 1998.

Sau trận đấu[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi bỏ lỡ giải đấu năm 1994, Nhật Bản cuối cùng đã có thể vượt qua vòng loại của World Cup 1998, trước khi đăng cai World Cup 2002 cùng với Hàn Quốc. Hàn Quốc đã đánh bại Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha một cách ngoạn mục và kết thúc ở vị trí thứ 4 chung cuộc trong khi Nhật Bản bị loại ở vòng 16 đội. Đây là lần đầu tiên cả hai đội lọt vào vòng loại trực tiếp.

Họ cũng đủ điều kiện tham dự mọi kỳ FIFA World Cup kể từ đó, lọt vào vòng 16 đội trong ba kỳ: năm 2010, 20182022 . Trong những lần đó, Nhật Bản đều bị loại một cách đầy kịch tính. Họ thua Paraguay vào năm 2010 trong loạt sút luân lưu, và sau đó thua Bỉ với tỷ số 3–2 vào năm 2018 khi để thủng lưới ở phút bù giờ thứ tư dù dẫn trước 2–0 cho đến phút 69. Năm 2022, Nhật Bản lại bị loại ở vòng 16 đội, lần này dẫn trước đối thủ Croatia nhưng lại rơi vào loạt sút luân lưu sau khi hòa 1–1. [2] [3] [4]

Đối với Iraq, thất bại này chỉ là một phần của cơn khát World Cup lớn hơn nhiều. So với thành công ngày càng tăng bên phía Nhật Bản, Iraq đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội giành quyền tham dự World Cup; họ mới chỉ có một lần vượt qua vòng loại năm 1986 . Ngoài ra, xung đột đảng phái và bất ổn nội bộ đã ngăn Iraq đạt được vị thế cao hơn trong nền bóng đá châu Á. Cũng kể từ trận đấu đó, Iraq chưa bao giờ đánh bại Nhật Bản trong một trận đấu dù là giao hữu hay các giải đấu lớn kể từ năm 1982, lần cuối cùng họ giành chiến thắng. Iraq cũng trải qua chuỗi trận thua Nhật Bản sau trận đấu này, bắt đầu bằng thất bại 1–4 ở Cúp bóng đá châu Á 2000 (là trận thắng đầu tiên của Nhật Bản trước Iraq), và chấm dứt khi Iraq cầm hòa Nhật Bản 1-1 năm 2017. [5]

Nhật Bản ở vòng loại tại địa điểm trung lập[sửa | sửa mã nguồn]

Bắt đầu từ vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 1998, AFC sử dụng thể thức thi đấu vòng tròn tính điểm sân nhà và sân khách cho vòng loại cuối cùng, thay cho thể thức một địa điểm vào năm 1993. Tuy nhiên, trong hai chiến dịch vòng loại World Cup kế tiếp, Nhật Bản đã quyết định số phận của mình trong các trận đấu tại sân trung lập.

Năm 1997, Nhật Bản và Iran đứng thứ hai trong các bảng đấu vòng loại của World Cup 1998 và gặp nhau trong trận tranh hạng ba vào ngày 16 tháng 11 năm 1997 tại Johor Bahru, Malaysia. Trận đấu sẽ quyết định suất dự World Cup thứ ba và cuối cùng cho các đội châu Á và đội thua sẽ gặp đại diện của châu Đại DươngAustralia trong hai lượt trận play-off. Không giống như trận đấu bốn năm trước, Nhật Bản tụt lại phía sau trong hiệp hai, nhưng ghi bàn gỡ hòa muộn và cuối cùng giành chiến thắng 3–2 bằng bàn thắng vàng trong hiệp phụ, qua đó giành được tấm vé đến Pháp. Trận đấu này đã được biết đến với cái tên "Niềm vui ở Johor Baru" (ジョホール・バルの歓喜 Johōru Baru no kanki?) trong mối liên kết với Bi kịch ở Doha.

Vào ngày 8 tháng 6 năm 2005, Nhật Bản đánh bại Triều Tiên 2–0 để giành quyền tham dự World Cup 2006 tại Đức. Mặc dù trận đấu này được tính là trận đấu trên sân nhà của Triều Tiên nhưng nó đã được chuyển đến Băng Cốc, Thái Lan và được tổ chức trên sân không khán giả như một hình phạt cho hành vi bạo lực của cổ động viên trong một trận đấu trước đó được tổ chức ở Bình Nhưỡng.[6]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]


Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “ドーハの悲劇 - イラクが日本の手元にあった栄光を奪い去ったとき” [Bi kịch Doha - khi Iraq cướp đi vinh quang thuộc về Nhật Bản]. FIFA (bằng tiếng jp). 28 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2023.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  2. ^ “FIFA”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 6 năm 2018.
  3. ^ “Croatia beat Japan on penalties to reach World Cup quarter-finals”. Reuters. 5 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2022.
  4. ^ Hafez, Shamoon (5 tháng 12 năm 2022). “World Cup 2022: Japan 1-1 Croatia (1-3 on pens): Dominik Livakovic saves three penalties”. BBC Sport. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2022.
  5. ^ “Iraq national football team: Record v Japan”.
  6. ^ “Japan qualifies for World Cup”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2006.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]