Thành viên:Nghi Mặc Huyền Khế/Lâm Tế tông

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lâm Tế tông (zh. línjì-zōng/lin-chi tsung 臨濟宗, ja. rinzai-shū) là một dòng thiền được liệt vào Ngũ gia thất tông—tức là Thiền chính phái—được Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền sáng lập. Tông này ngày nay là một trong hai tông của Thiền vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản song song với tông Tào Động (ja. sōtō-shū). Khoảng vài mươi năm đến bây giờ, tông Lâm Tế được truyền bá rộng rãi đến phương Tây[cần dẫn nguồn].

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Lâm Tế Viện, nơi phát tích Tông Lâm Tế

Đời Đường, Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền tham học với Thiền sư Hoàng bá Hi vận rồi ngộ đạo và được ngài ấn chứng. Vào năm Đại trung thứ 8 (854) đời vua Tuyên tông sư đến trụ trì ở viện Lâm tế tại Trấn châu, đặt ra các cơ phong Thiền lý như Tam huyền tam yếu, Tứ liệu giản,... để tiếp dẫn đồ chúng, tông phong hưng thịnh và đến từ thời Trung Đường về sau đã phát triển thành 1 tông phái lớn, gọi là tông Lâm tế.

Trong số môn đệ của Lâm Tế Nghĩa Huyền thì các vị nổi bật nhất là Thiền sư Tam Thánh Huệ Nhiên, Hưng Hóa Tồn Tưởng. Thiền sư Hưng Hóa Tồn Tưởng là người biên soạn và viết lời tựa cho bản Lâm tế lục, tác phẩm ngữ lục quan trọng nhất về pháp ngữ và cơ phong của Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền và cũng là những nét giáo lý Thiền riêng của Tông Lâm Tế. Tông Lâm Tế được hình thành và phát triển cho đến nay là nhờ dòng truyền thừa của Thiền sư Hưng Hóa Tồn Tưởng, phía dòng truyền của trưởng tử Tam Thánh Huệ Nhiên về sau bị thất truyền.

Sau Hưng Hóa Tồn Tưởng, Tông Lâm tế được truyền đến Thiền sư Nam Viện Huệ Ngung, Huệ Ngung truyền cho Thiền sư Phong Huyệt Diên Chiểu. Phong Huyệt truyền pháp cho Thủ Sơn Tỉnh Niệm, đến đời của Thủ Sơn, tông phong Lâm Tế rất hưng thịnh, lan ra khắp cả Trung Quốc. Thiền sư Thủ Sơn có nhiều môn đệ nối pháp xuất sắc như Diệp Huyện Quy Tỉnh- nổi danh với cơ phong độ chúng rất vô tình và khốc liệt và Phần Dương Thiện Chiêu là người nối tiếp mạch pháp chính của Thủ Sơn, Phần Dương thường sử dụng các cơ phong như Tam cú Tứ cú, Tam yếu, Thập bát xướng để tiép dẫn người học, được xưng là thiên hạ đệ nhất.

Dưới Phần Dương Thiện Chiêu có nhiều vị đệ tử nổi trội như Lang Da Huệ Giác, Thạch sương Sở Viên, Đại Ngu Thủ Chi. Trong đó Lang Da Huệ GiácTuyết Đậu Trùng Hiển của Tông Vân Môn được tôn xưng là Nhị vị cam lồ môn của Phật pháp. Thiền sư Thạch sương Sở Viên kế tiếp cơ phong của vị tổ Lâm Tế, và thông qua quá trình tham học với các vị Thiền sư danh tiếng ở các tông phái Thiền khác, đã hấp thụ thêm tinh hoa của các tông phái khác như Động Sơn Ngũ Vị của Tông Tào Động, khiến cho Tông Lâm Tế càng nổi trội và đa dạng hơn. Thiền sư Sở Viên dùng pháp lệnh nghiêm túc, cơ pháp hiểm hóc siêu tuyệt rất nổi tiếng.

Dưới Thiền sư Sở Viên, có 2 môn đệ xuất sắc nhất là Hoàng Long Huệ Nam, hình thành nên phái Hoàng Long- trụ sở chính tại núi Hoàng Long, và Dương Kỳ Phương Hội với Dương Kỳ phái, là hai dòng phái chính của Tông Lâm tế. Và về sau được xếp vào Ngũ Gia Thất Tông.

Đến thế kỷ 12, Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo- vị Thiền sư xuất sắc nhất thời kỳ này, đã hình thành và phát triển lối tu tập Thiền công án, thoại đầu để hướng dẫn các đệ tử tu học để đạt đến Giác Ngộ (Kiến Tính), đệ tử tham học của Thiền sư Đại Huệ có cả giới sĩ phu Nho học, khiến cho hình thức tu học này lan ra khắp xã hội. Đại Huệ được tôn xưng là Bậc đại thành về thiền công án (công án thiền đại thành giả). Từ đó đến nay, Thiền công án thoại đầu là phương pháp thực hành Thiền Tông chủ yếu để đạt đến giác ngộ và được duy trì, kế thừa đến ngày nay. Thời kỳ nhà Tống cũng xuất hiện sự ra đời của tập công án nổi danh Vô Môn Quan do Vô Môn Huệ Khai sáng tác, cũng như tập Bích Nham Lục của Viên Ngộ Khắc Cần và Bức Thập Mục Ngưu Đồ của Khuếch Am sư Viễn, qua đó đã thể hiện rất rõ khuynh hướng văn học Thiền trong Thiền Tông.

Thời Nguyên, tông này vẫn tiếp tục lan rộng ảnh hưởng và được sự ủng hộ của nhiều giới quan lại, quý tộc. Thiền sư Trung Phong Minh Bản là người nổi bật nhất thời kỳ này, với những hoạt động hoằng pháp và truyền bá truyền thống tu tập Thoại Đầu cũng như hệ thống thanh quy trong các Thiền viện Thiền tông.

Đến thời Minh, tông này dần bị suy thoái theo thời cuộc. Thiền sư Mật Vân Viên Ngộ là người đã khôi phục lại tông này qua việc biên soạn các tác phẩm liên quan đến cách thức tiếp dẫn người học và tư tưởng Thiền tông Lâm Tế cũng như việc sử dụng các phương tiện đánh hét của vị khai tổ lâm Tế Nghĩa Huyền và khá thành công. Ngoài ra cũng có chủ trương Niệm Phật công án của Thiền sư Vân Thê Châu Hoằng( cũng là tổ thứ 8 Tông Tịnh Độ)- người được biết với tư cách tăng sĩ Tịnh Độ hơn là một Thiền sư, sư cho rằng việc dùng vô tâm niệm danh hiệu phật A Di Đà và khởi nghi tình Niệm phật là ai? cũng có thể trở thành một công án Thiền để thực hành và có thể đưa đến giác ngộ.

Đến thời Thanh, Tông Lâm Tế vẫn có phần ảnh hưởng trong xã hội Phật Giáo. Các đời vua nhà Thanh như Thuận Trị, Ung Chính, Khang Hy, Càng Long đều quý mến Phật Pháp, Thiền Tông thường mời các vị Thiền sư vào cung thuyết pháp, học Thiền và phong tặng danh hiệu cho các bậc cao đức Thiền Tông, điển hình như Quốc sư Ngọc Lâm Thông Tú. Vua Ung Chính được giới học giả Phật Giáo và các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đánh giá là vị vua duy nhất trong lịch sử Trung Quốc là người thật tu, thật ngộ (minh tâm kiến tính). Giữa cuối nhà Thanh, Phật Giáo nói chung và Thiền Tông Trung Quốc nói riêng bị suy vi mạnh mẽ do bối cảnh chiến tranh, bạo loạn, bất ổn xã hội.

Thời cận đại, Thiền sư Hư Vân là vị thiền sư nổi tiếng nhất của Phật Giáo Trung Quốc, với vai trò khôi phục, xây dựng lại các ngôi Thiền viện tổ đình và tinh thần Thiền tông, cũng như các quy chế tu tập Thiền đường như Thiền Thoại Đầu, Thiền Thất, Bão Hương.... và sinh hoạt nông thiền- đề cao sự lao động và tự túc trong sinh hoạt Thiền viện. Ngoài ra cũng có Thiền sư Lai Quả (1880-1953) nổi tiếng với việc đào tạo các môn đệ theo đường lối Thiền Thoại Đầu rất quy củ và nghiêm khắc. Thiền Lâm Tế hiện đại được Hòa thượng Tuyên Hóa, Thiền sư Thánh Nghiêm giới thiệu đến Hoa Kỳ. Một số ngôi thiền tự tham thoại đầu nổi tiếng ở Trung Quốc đến nay vẫn còn được duy trì là: Cao Mân Thiền Tự(Dương Châu, Giang Tô), Thiên Đồng Cảnh Đức Thiền Tự( Ninh Ba, Chiết Giang), Chân Như Thiền Tự( núi Vân Cư, Giang Tây)... và cùng nhiều Thiền Tự khác.

Ảnh hưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Nhật Bản[sửa | sửa mã nguồn]

Cổng sơn môn của Nam Thiền Tự (Nanzenji)- một trong các ngôi Tổ Đình chính của Tông Lâm Tế Nhật Bản.

Hiện nay, Tông Lâm Tế Nhật Bản có khoảng 14 phái, dòng pháp khác nhau, các phái này cùng với Tông Tào ĐộngTông Hoàng Bá trở thành nền tảng của Thiền tông Nhật Bản. Một số ngôi tổ đình chính của các hệ phái này như: Diệu Tâm Tự (Myōshin-ji), Đại Đức Tự(Daitoku-ji), Viên Giác Tự(Enkaku-ji), Kiến Nhân Tự(Kennin-ji)...

Thiền Lâm Tế được truyền đến Nhật Bản vào đời nhà Tống- giữa lúc Thiền Tông đang còn hưng thịnh tại Trung Quốc và tính chất dĩ tâm truyền tâm vẫn còn thuần túy và nguyên thủy, chưa bị pha tạp với giáo lý các tông phái khác. Kế thừa điều này, Thiền Lâm Tế tại Nhật Bản cũng giữ được tính chất nguyên thủy của Thiền Tông cho đến nay, mà tại Trung Quốc vốn đã bị pha tạp và dần biến mất từ sau thời nhà Nguyên.

Thiền sư nổi tiếng Mộng Song Sơ Thạch thuộc Tông Lâm Tế Nhật Bản.

Thời kỳ nhà Tống là đỉnh cao của phong trào du học của các vị tăng tại Nhật Bản đến Trung Quốc tầm sư học đạo rất hưng thịnh, và cũng có nhiều hoạt động truyền pháp của nhiều vị Thiền sư Trung Quốc sang Nhật Bản. Thiền Lâm Tế được truyền vào Nhật Bản đầu tiên qua Thiền sư Duệ Sơn Giác A- môn đệ người Nhật đắc pháp của Huệ Viễn Hạt Đường(đệ tử nối pháp Viên Ngộ Khắc Cần, phái Dương Kì). Sau đó, phái Hoàng Long được Thiền sư Minh Am Vĩnh Tây sau hai lần đến Trung Quốc và đắc pháp nơi Hư Am Hoài sưởng đã đem về truyền bá tại Nhật Bản. Đến nay dòng pháp của Minh Am vẫn còn tồn tại ở 2 chùa là Thọ Phúc Tự(Jufuku-ji) và Kiến Nhân Tự(Kennin-ji). Ngoài ra còn được truyền bá bởi vị tăng Nhật là Đại Nhật Năng Nhẫn, vốn tu học tại Núi Tỉ Duệ về giáo lý Tông Thiên Thai và sau đó nhân đọc ngữ lục của Thiền Tông rồi tự tu hành và được kiến tính. Tự xưng là Nhật Bản Đạt Ma Tông và mở rộng hoằng pháp, nhưng ông bị chê là không thầy ngộ một mình. Sau đó ông đem kiến giải của mình viết trong thư và nhờ thị giả đem sang Trung Quốc và được Thiền sư Chuyết Am Đức Quang- một trong các đại đệ tử của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo ấn khả chứng minh và truyền pháp dòng phái Đại Huệ, sau này dòng pháp Đạt Ma Tông thất truyền và được các môn đệ của Đạo Nguyên Hi Huyền tông Tào Động hấp thụ.

Ngoài ra cũng có nhiều vị tăng Nhật đến Trung Quốc cầu pháp như Viên Nhĩ Biện Viên(nối pháp Vô Chuẩn sư Phạm), Tâm Địa Giác Tâm(nối pháp Vô Môn Huệ Khai), Nam Phổ Thiện Minh, Thiên Hựu Tư Thuận... hay các hoạt động truyền pháp của nhiều vị Thiền sư Trung Quốc đến Nhật như Lan Khuê Đạo Long, Ngột Am Phổ Ninh, Vô Học Tổ Nguyên.

Đến thời nhà Nguyên vẫn tiếp tục diễn ra các hoạt động truyền pháp và sang Trung Quốc tham học cầu pháp. Nổi bật là các môn đệ người Nhật của Trung Phong Minh Bản với lối tu Thiền tông kết hợp với việc niệm Phât, phong cách sống ẩn dật trong am, cốc nơi rừng núi.

Thời nhà Minh cũng diễn ra nhiều hoạt động truyền giáo của các vị Thiền sư Trung Quốc sang Nhật như Ấn Nguyên Long Kỳ, Đạo Khả Nguyên Siêu( Bàng Khuê Vĩnh Trác từng đến tham học và được ấn chứng). Đặc biệt là tông Hoàng Bá do Ấn Nguyên Long Kỳ sáng lập- với chủ trương Thiền Niệm Phật( còn gọi là Thiền nhà Minh) và phương thức tu hành khá khác biệt với lối tu mật tham của Thiền Lâm Tế Nhật Bản nên đã bị các Thiền sư bản địa chỉ trích gay gắt. Đến năm 1876, phái này tách ra độc lập với Tông Lâm Tế và được gọi là Tông Hoàng Bá.

Vườn Thiền tại Long An Tự( Ryoan-ji)

Thế kỷ 17, 18 là thời kỳ hưng thịnh trở lại của Thiền Lâm Tế. Các hoạt động hoằng pháp và khôi phục cải cách tông phong của Thiền sư Bàng Khuê Vĩnh Trác, Bạch Ấn Huệ Hạc đã tạo ra những bước tiến và có tác động rất lớn đến sự suy tàn của Thiền lúc bấy giờ.

Tông Lâm Tế tại Nhật có sức hút và được sự hưởng ứng ủng hộ của nhiều tầng lớp Nhật bấy giờ, từ thiên hoàng cho đến các mạc phủ, tướng quân, võ sĩ đạo(samurai) hay những tầng lớp dân lao động bình thường. Các nghệ thuật Thiền như Thư Đạo, Nhu Đạo trong võ thuật, vườn Thiền, Thiền họa, trà đạo, Thiền thi đều được các vị Thiền sư tông này sáng tạo để thể nghiệm tinh thần Thiền tông và đã tạo cảmhứng nghệ thuật đến nhiều người đi theo, sáng tác. Từ đó hình thành nên nền văn hóa Nhật Bản.

Thiền Lâm Tế Nhật Bản nhấn mạnh đến việc Kiến Tính và coi đây là cửa ngõ cho việc tu tập Phật Pháp đích thực. Phương pháp tu chính trong tông Lâm Tế Nhật Bản là pháp môn Thiền công án, chú trọng đến việc tham cứu công án Thiền, tọa Thiền cũng như việc tu tập trong khi chấp tác, làm việc sinh hoạt hàng ngày. Thông thường, trước khi một thiền sinh trở thành một vị thiền sư chính thức và có khả năng dạy dỗ các môn đệ tu Thiền thì thiền sinh đó phải trải qua ít nhất 10 năm tham Thiền và được vị Lão sư của mình là Thiền sư đã kiến tính trắc nghiệm công phu và ấn chứng mình đã khai ngộ. Sau đó, vị thiền sinh này cũng phải đi hành cước khắp nơi và trải qua các cuộc pháp chiến với các Thiền sư khác nhằm trao dồi kinh nghiệm chứng ngộ của mình và ứng dụng kinh nghiệm đó ngay trong thực tiễn cuộc sống. Phương thức tiếp dẫn người học tại các chùa bản sơn Thiền phái Lâm Tế khá táo bạo và rất khắc nghiệt, theo quyển From Novince to Master của Thiền sư Soko Morigana- Thiền sư Lâm Tế Tông Nhật Bản hiện đại kể lại về hành trình tu tập ngộ đạo của mình, khi một tăng sinh đến cầu được nhập chúng tham học tại một thiền viện tông Lâm Tế nào đó, vị này sẽ bị lấy cớ để đuổi đi, nếu không đi sẽ bị đánh và mắng chửi thật thậm tệ và phải chịu nhịn ăn, nhịn uống. Trải qua vài ngày như vậy nếu vị tăng vẫn nhẫn nhục chịu đựng và kiên trì cầu pháp với quyết tâm cao độ thì mới được chấp nhận cho vào chùa ở và tu học. Tại các Thiền đường thường diễn ra các thời khóa tọa Thiền bắt đầu từ 3h sáng và kết thúc vào lúc 9h tối. Hàng ngày, mỗi vị tăng phải vào am thất của vị Thiền sư hướng dẫn tu tập của mình để trình kiến giải tu tập (còn gọi là Độc Tham), và khi vị thiền sinh không trả lời được công án Thiền mà vị thầy đưa ra thì những tiếng hét, cú đánh từ vị thầy là những âm thanh quen thuộc mà vị thiền sinh nào cũng phải trải qua. Cũng nhờ sự nghiêm khắc và tỉ mỉ trong việc tu Thiền như thế nên Thiền phái lâm tế Nhật Bản đã đào tạo ra nhiều vị Thiền sư vĩ đại, duy trì được cốt tủy của Thiền Tông và sự truyền thừa qua lại không gián đoạn theo đúng tính chất Dĩ Tâm Truyền Tâm.

Thời kỳ hiện đại, Tông Lâm Tế được truyền qua Phương tây đầu tiên bởi Thiền sư Hồng Nhạc Tông Diễn( ja: Shaku Soyen) tại Mỹ vào năm 1905 cùng với đệ tử là học giả Thiền Suzuki Daisetsu Teitarō. Bộ Thiền Luận của Suzuki đã có ảnh hưởng rất lớn đến phương Tây đối với cái nhìn về tư tưởng Thiền và đã tạo động lực cho nhiều người phương Tây tìm hiểu tu tập Thiền và đến Nhật tầm sư học đạo...

Triều Tiên (Hàn Quốc)[sửa | sửa mã nguồn]

Tùng Quảng Tự (Songgwangsa)- một trong ba tổ đình chính của Thiền phái Tào Khê Hàn Quốc.

Tông Lâm Tế tại Hàn Quốc được gọi với tên gọi chính là Thiền Tào Khê(Jogye Order), đây là tông phái Phật giáo lớn nhất tại Hàn Quốc với 1725 ngôi chùa, 10,056 tăng ni và hơn 9 triệu tín đồ khắp Hàn Quốc (thống kê năm 1994).

Thiền sư Trí Nột là người Hàn Quốc đầu tiên ảnh hưởng từ tư tưởng Thiền công án, thoại đầu của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo. Qua sự giáo hóa và tư tưởng của Trí Nột, Thiền công án dần được ứng dụng trong các Thiền viện Hàn Quốc.

Đến thế kỷ 14, pháp mạch truyền thừa chính thống của Tông Lâm Tế được truyền vào Hàn Quốc qua 3 vị Thiền sư là Thái Cổ Phổ Ngu(Taego Bou; 1301-1382), Lãn Ông Huệ Cần (Naong Hyegeun; 1320–1376) và Bạch Vân Cảnh Nhàn (Baegun Gyeonghan;1298-1374). Cả ba từng du phương đến Trung Quốc dưới thời nhà Nguyên để tham học và được đại ngộ. Trong ba vị này, vai trò và ảnh hưởng của Thiền sư Thái Cổ Phổ Ngu được biết đến nhiều nhất, sư là người đã kiên quyết thành lập hệ thống tu tập thiền công án tại Hàn Quốc và cho đến nay dòng truyền thừa của sư vẫn tồn tại phát triển, trong khi dòng pháp của 2 vị thiền sư còn lại đã bị thất truyền từ lâu. Từ đó, Thiền Lâm Tế- Tào Khê dần phát triển và trở thành dòng Thiền chính tại Hàn Quốc và có sự hợp nhất đối với Cửu Sơn Thiền- chín trường phái Thiền bản địa Hàn Quốc trước đó.

Từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20, thuộc thời kỳ Khổng Giáo Triều Tiên(Nhà Triều Tiên), Khổng Giáo trở thành quốc giáo, Phật Giáo bị hạn chế phạm vi hoạt động ở rừng núi. Tông Tào Khê được duy trì truyền thống tu tập Thiền công án, thoại đầu ở các Thiền viện ở trên núi và có nhiều vị thiền sư cao tăng tham thiền đại ngộ và được truyền pháp qua nhiều thế hệ thiền sư đắc đạo, trong đó ba ngôi chùa chính(tam bảo tự) đại diện cho tam bảo là Quảng Tòng Tự (Tăng Bảo), Thông Độ Tự(Phật Bảo) và Hải Ấn tự(Pháp Bảo). Tông Tào Khê cũng đóng góp rất nhiều đến các hoạt động nhân sinh, xã hội, ví dụ như vào thế kỷ 16, Thiền sư Tây Sơn cùng môn đồ đã kêu gọi các tăng sĩ đứng lên chiến đấu bảo vệ tổ quốc, chống lại thế lực xâm lược Nhật Bản và là đại diện ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai nước Triều Tiên- Nhật Bản

Nét đặc sắc của Thiền Lâm Tế tại Hàn Quốc là lối dung hợp giữa các nghi lễ Phật giáo của Tịnh Độ Tông như tụng kinh, niệm phật, lễ lạy để đáp ứng với nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đại đa số người dân sùng bái đạo phật, nhưng vẫn giữ được tinh thần tu tập đốn ngộ của Thiền Tông chứ không bị đồng hóa và đánh mất bản chất. Hàng năm tại các Thiền đường thuộc tông Tào Khê thường tổ chức các kỳ thiền thấtt (kr: Kyol Che) trong 90 ngày vào mùa Hạ và mùa Đông cho các tăng ni, cư sĩ tu tập pháp môn Thiền công án, thoại đầu, liều chết tu hành quyết liễu ngộ Phật tính.

Thiền sư Cảnh Hư - người phục hưng Thiền phái Tào Khê thời cận đại.

Trong truyền thống Thiền Tông Hàn Quốc, khác với sự truyền thừa tâm ấn giữa thầy và trò không gián đoạn như Tông Lâm Tế Nhật Bản. Tại Hàn Quốc, có khá nhiều vị thiền sư không thầy tự tu Thiền đại ngộ(Vô sư độc ngộ). Thiền sư Trí Nột là vị Thiền sư không thầy tự ngộ có ảnh hưởng nhất tại Hàn Quốc. Cận đại, những vị thiền sư vĩ đại như Thiền sư Cảnh Hư, Tính Triệt, Long Thành đều tự mình tham Thiền khai ngộ và không có thầy, những hoạt động hoằng pháp và khôi phục truyền bá Thiền Tông của họ có tác động rât lớn đến sự phát trển của Thiền tông Hàn Quốc. Theo Thiền sư Hán Nham Trùng Viễn nhận xét, thì không quan trọng việc người nào được truyền pháp hay không, mà việc quan trong nhất của người tu Thiền Tông là khai ngộ Phật tính, liễu thoát sinh tử, nếu làm được như vậy thì đều có thể nối pháp của Phật Thích Ca, Tổ Đạt Ma, đối với tâm chư Phật, tổ đồng không khác, và có đủ trí huệ, kinh nghiệm giác ngộ để có thể hướng dẫn người khác tu tập và không làm mê tâm họ. Việc truyền thừa có thể gây hại rất lớn đến nhiều người vì nó có thể gây ra sự lầm nhận rằng một người đã ngộ đạo dù họ chưa ngộ, và sẽ tạo nên sự truyền thừa giả dối, huyễn danh.

Thời cận đại, Thiền sư Cảnh Hư(Gyeongheo; 1846-1912) là người vực dậy và khôi phục lại tinh thần của Thiền Lâm Tế- Tào Khê, sản sinh ra nhiều vị Thiền sư pháp tử, pháp tôn đã kiến tính được nối pháp như Huệ Nguyệt Huệ Minh(Hyewol Hyemyeong;1862-1937), Hán Nham Trùng viễn(Hanam Jungwon;1876–1951), Mãn Không(Mangoong; 1871-1946), Long Thành(Yongseong; 1964-1940), Hiểu Phong Học Nột(Hyobong Haknul; 1888-1966)... và những vị này sau này đều có vai trò rất lớn đối với Phật giáo Hàn Quốc. Thiền sư Tính Triệt(Seongcheol; 1912-1993) được coi là vị Phật sống thời hiện đại của Hàn Quốc.

Thiền Tào Khê được truyền sang Mỹ, Hồng Kông, Phương tây bởi Thiền sư Sùng Sơn(Seungsahn; 1927-2004) và các môn đệ người nước ngoài với tên gọi là Thiền Quán Âm(Kwang Um zen).

Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Tư tưởng của Tông Lâm tế đầu tiên được truyền vào thời nhà Trần, một số bộ ngữ lục quan trọng của Tông Lâm Tế như Lâm Tế Lục, Đại Huệ Ngữ Lục đã được đem sang Việt Nam từ một số vị thiền sư Trung Quốc như Thiên Phong. Nhiều vị vương tôn, tăng sĩ triều Trần tiếp nhận và chịu ảnh hưởng tư tưởng của Tông Lâm Tế như Vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Quốc sư Đại Đăng, Trần Nhân Tông. Vua Trần Thái Tông từng tham công án và sử dụng các giáo lý của Tông Lâm Tế như Tam Huyền, Tam Yếu và bình giảng, làm kệ tụng về một số công án Thiền. Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng ảnh hưởng nhiều từ bộ Đại Huệ Ngữ lục của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo và từng nhiều lần giảng bộ ngữ lục này cho tăng chúng.

Đến thế kỷ 17. Tông Lâm Tế được truyền vào Bắc Việt bởi Thiền sư Trung Quốc là Viên Văn Chuyết Chuyết và môn đệ là Thiền sư Minh Hành Tại Tại. Dòng phái này có Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng là người phục dựng lại các tác phẩm Thiền và các di tích, chùa chiền của Thiền phái Trúc Lâm. Ở miền Trung và Miền Nam, tông Lâm Tế được truyền vào Việt Nam thông qua các vị tăng từ các thuyền buôn và theo yêu cầu thỉnh các tăng sĩ sang Việt Nam truyền giới đàn của các chúa Nguyễn như Nguyên Thiều Siêu Bạch, Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo,.... Nhưng tư tưởng chính mà những vị sư như Viên Văn Chuyết Chuyết , Minh Hải Pháp Bảo, Nguyên Thiều Siêu Bạch.. truyền dạy cho các đệ tử chỉ mang tính chất là Phật giáo cơ bản như: dung hợp tư tưởng ThiềnTịnh Độ, tổ chức các giới đàn truyền giới, lấy pháp niệm phật để tu hành cầu sinh Tịnh Độ. Những tu tưởng mà họ truyền bá không còn thuần túy về Thiền Tông và Lâm Tế Tông nữa, pháp tham công án, thoại đầu là truyền thống tu hành chính trong Tông Lâm Tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng không thấy các vị này nhắc đến và tổ chức tu hành trong giới đệ tử.

Duy có Thiền sư Liễu Quán Thiệt Diệu là người được Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung trực tiếp chỉ dạy pháp thiền khán thoại đầu, sư khai ngộ Thiền và được Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung ấn khả. Sau Thiền sư Liễu Quán thì cũng không thấy trong lịch sử ghi lại có vị sư nào ngộ Thiền. Ở các dòng phái Lâm Tế Việt Nam từ lúc bắt đầu cho đến thời hiện đại chỉ là hình thức mỗi đời thầy trao kệ nối Thiền phái cho đệ tử và đặt pháp danh, pháp hiệu cho đệ tử theo thứ tự các chữ trong bài kệ truyền pháp, Thiền Lâm Tế ở Việt Nam bị thế tục hóa thành các thế hệ gia đình chứ không còn đúng truyền thống thưc tu thực ngộ, truyền tâm ấn tâm[1] nữa. Tức là trước kia trong Thiền Tông chỉ người đã ngộ Thiền và được thầy ấn khả công nhận sự giác ngộ mới được nối pháp của thầy và truyền bá Thiền Tông, nhưng đến khi Thiền Tông bị tàn lụi ở Trung Quốc từ cuối thời nhà Minh thì có những người tu Thiền chưa ngộ, hoặc không tu thiền, chỉ xuất gia và thọ giới với một vị thầy thuộc thiền phái, nhưng cũng được nối pháp thầy, kế tiếp tổ vị, được coi là thiền sư đời thứ mấy trong phổ hệ truyền thừa, và tông Lâm Tế được truyền vào Việt Nam vào thời Thanh nên cũng chịu ảnh hưởng theo tệ đoan này. Hiện nay, từ Bắc đến Nam có rất nhiều chùa tự xưng là thuộc thiền phái Lâm Tế hay mỗi khi có một vị sư nào nó đó viên tịch thì trong hành trạng, tiểu sử, trên bia tháp đều ghi là nối dòng Lâm Tế đời thứ mấy, nhưng thực chất họ chỉ là tu theo Mật Tông, Tịnh Độ, Giáo Môn,... chứ không tu theo hay biết gì về Thiền Tông cả.

Vào giữa cuối thế kỷ 20, có Thiền sư Thích Duy Lực[liên kết hỏng] là cao tăng gốc Hoa ở Sài Gòn chuyên hoằng pháp và đào tạo tăng ni, cư sĩ theo đúng đường lối Thiền Thoại Đầu của Tông Lâm Tế và đã thu hút được hàng ngàn người tu tập với nhiều Thiền đường khắp các vùng Đông Nam Bộ và vẫn được các môn đệ của sư truyền bá và tiếp nối cho đến nay. Những băng giảng về đường lối thực hành Tham Tổ sư Thiền hay các tác phẩm dịch Pháp ngữ được đăng tải lên mạng rất nhiều và là nguồn tài liệu quý báu cho những ai nghiêm túc muốn tu pháp này.

Thiền lý[sửa | sửa mã nguồn]

Cơ phong của tông này rất bén nhạy và mạnh mẽ, nổi bật nhất trong Ngũ Gia Thất Tông. Thiền sư Lâm tế Nghĩa huyền kế thừa tiếng hét của Mã Tổ, dùng cơ phong đánh hét để tiếp dẫn hậu học rất xuất sắc. Trong Nhân Thiên Nhãn Mục, gọi tông này với tên ngành nghề là Lâm Tế tướng quân ,ý nói tông này mãnh liệt, táo bạo giống như người tướng quân chỉ huy quân đội nơi sa trường, không một phút nghỉ ngơi, tập trung toàn bộ tinh thần nơi việc của mình.

Đến đời pháp thứ 12 là Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo, đề xướng phương thức khán thoại đầu (tức tham cứu công án), đều dùng thủ đoạn thần tốc, mãnh liệt, hoặc những lời nói sắc bén, khiến người học ngay đó tỉnh ngộ. Nhờ có cơ phong thần tốc, mãnh liệt, cộng với phong cách tự do, nên Thiền pháp của tông Lâm tế rất được giới vũ sĩ, tướng quân và chính khách ưa thích.

Bức họa thiền sư Nam Phổ Thiện Minh, trên tay cầm trúc bề

Thủ thuật đánh, hét[sửa | sửa mã nguồn]

Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền thường sử dụng hai thủ thuật là đánh và hét để giáo hóa người học, mà hét nổi tiếng hơn đánh. Cái hét của ngài làm chấn động khắp các tùng lâm đương thời khiến cho trong pháp hội của ngài ai cũng tranh nhau hét. sư ứng cơ thường hay dùng hét, người xưa gọi là vào cửa liền hét. Bởi trong một tiếng hét sẵn đủ tam huyền tam yếu và tác dụng chủ khách. Cơ phong hét của Lâm Tế cao vút, không có chổ cho người bám, thường uyển chuyển lanh lợi như đá nhoáng điện chớp, hễ qua rồi thì mất. Trong Lâm Tế lục có ghi lại công án như sau:

Có một vị tăng hỏi: "Thế nào là đại ý phật pháp?". sư liền hét. Tăng lễ bái. sư nói: "Ông hãy nói tiếng hét ấy tốt hay xấu?". Tăng nói: "Giặc cỏ đại bại". sư hỏi: "Lỗi tại chổ nào?" Tăng nói: "Lại còn tái phạm chẳng thể dung tha". sư liền hét.

Theo Thiền sư Tổ Nguyên Siêu Minh- tác giả của bộ Vạn Pháp Quy Tâm Lục thì có 4 loại hét(tứ hát):

Hỏi: Thế bài là bốn loại hét? (tứ hát). Đáp: Một hét như bảo kiếm vua Kim Cang, một hét như sư tử ngồi. Một hét như sào dò bóng cỏ. Một hét không có công dụng của hét

Bên cạnh những tiếng hét vang vọng của Lâm Tế còn có đánh, nhưng đánh là phần phụ thôi. Tuy nhiên, đánh và hét của Lâm Tế đều có ý nghĩa rành mạch.

sư thượng đường, có một vị tăng ra hỏi: "Thế nào là đại ý Phật Pháp?". sư giơ cây phất tử lên. Vị tăng liền hét, sư cũng hét. Vị tăng suy nghĩ, sư liền đánh

sư nói: "Này đại chúng! Phàm là người vì pháp thì không trốn tránh sự tan thân mất mạng. Ta năm hai mươi tuổi ở trong hội ngài Hoàng Bá, ba lần hỏi đại ý Phật Pháp, ba lần được ngài Hoàng Bá cho ăn gậy, giống như cây chổi quét vậy. Hôm nay các ông cũng được thưởng gậy, vây ai là người có sở đắc nơi ta?".

Lúc đó có một vỊ tăng ra nói:" Con được". sư nắm gậy đưa cho vị tăng, tăng định lấy, sư liền đánh.

Những buổi tham vấn đánh hét này khá phổ biến trong pháp hội của Thiền sư Lâm Tế thời bấy giờ và còn được ứng dụng đến thời cận hiện đại trong các thiền viện Lâm Tế Nhật Bản trong các buổi tham vấn (độc tham). Theo thiền sư Vô Học Tổ Nguyên thì có 8 loại gậy(bổng) là: gậy thưởng, gậy phạt, gậy tung, gậy đoạt, gậy ngu si, gậy hàng ma, gậy tảo tích, gậy vô tình.

Tam huyền, tam yếu[sửa | sửa mã nguồn]

Tam huyền, tam yếu (三玄三要) là một trong những giáo lý chính của Tông này, giúp cho người tu hành vượt qua mọi sự phân biệt đối đãi chấp trước, kích thích hành giả phát khởi nghi tình. Đầu tiên là tam huyền:

  1. Thể trung huyền: Chỉ cho câu nói hoàn toàn không trau chuốt văn hoa, chỉ y cứ vào chân tướng là đạo lí của mọi sự vật mà biểu hiện.
  2. Cú trung huyền: Chỉ cho lời nói chân thực, không hề liên quan đến tình thức phân biệt, tức không câu nê vào ngôn ngữ mà chỉ nhằm tỏ ngộ ý nghĩa sâu kín của lời nói.
  3. Huyền trung huyền (cũng gọi Dụng trung huyền): Chỉ cho câu nói sâu xa mầu nhiệm, xa lìa tất cả lí luận tương đãi và sự trói buộc của ngữ cú..

Trong mỗi huyền môn lại có ba yếu tố quan trọng gọi là tam yếu. Theo Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu thì tam yếu bao gồm:

  1. Yếu thứ nhất: Trong lời nói không có phân biệt tạo tác.
  2. Yếu thứ hai: Nghìn Thánh vào thẳng nghĩa sâu xa mầu nhiệm.
  3. Yếu thứ ba: Dứt bặt nói năng.

Trong Lâm Tế lục có ghi lại đoạn Lâm Tế giảng nghĩa Tam Huyền, Tam Yếu như sau:

Thiền sư Lâm Tế thượng đường nói: "Phàm người diễn xướng tông thừa trong một câu phải đủ ba huyền môn, mỗi huyền môn phải đủ tam yếu. Có quyền có thật, có chiếu có dụng". Và nói: " Nếu trong câu thứ nhất(đệ nhất cú) tiến được, kham cùng Phật, Tổ làm thầy. Nếu trong câu thứ hai(đệ nhị cú) tiến được, kham làm thầy trời người. Nếu trong câu thứ ba(đệ tam cú) tiến được, tự cứu chẳng xong".

Tăng hỏi: Thế nào là câu thứ nhất?

sư đáp: Tam yếu ấn khai điểm son hẹp, chưa cho nghĩ nghị chủ khách phân( Tam yếu ấn khai chu điểm trách, vị dung nghĩ nghị chủ tâm phân).

Tăng hỏi: Thế nào là câu thứ hai?

sư đáp: Diệu giải đâu cho không đến hỏi, bọt tan nào dễ chặn dòng sông ( Diệu giải khởi dung vô trước vấn, âu hòa tranh phụ tiệt lưu cơ).

Tăng hỏi: Thế nào là câu thứ ba?

sư đáp: Chỉ xem tượng gỗ đùa trên gác, lôi kéo toàn nhờ người ẩn trong.

Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu giải thích tam huyền, tam yếu như sau:

Phàm một câu nói phải đủ ba huyền môn, một huyền môn phải đủ ba yếu. Cái gì là ba huyền ba yếu? Khéo hội là tốt, mỗi người tự suy nghĩ, lại được ổn đáng hay chưa? Cổ đức xưa đi hành cước nghe một nhân duyên mà chưa liễu ngộ, thì ăn uống không biết ngon, nằm ngủ chẳng yên, gấp rút giải quyết chớ cho là việc nhỏ. Vì vậy mà Đại Giác Lão Nhân vì một nhân duyên xuất hiện ra đời. Xét ra các ngài từ trước nay đi hành cước, chẳng phải vì du sơn ngoạn thủy, xem những vẻ đẹp của châu phủ, thọ dụng manh áo chén cơm, đều vì tâm Thánh chưa thông. Do đó mà rong ruổi việc hành cước, quyết trạch chổ sâu kín truyền bá phô trương, rộng hỏi các bậc tiên tri( người đã liễu ngộ), gần giũ các vị cao đức. Bởi vì muốn tiếp nối ngọn đèn Phật tâm, kế thừa chư Tổ làm rạng rỡ hạt giống thánh để tiếp dẫn kẻ hậu lai, tự lợi và lợi tha vậy.

Tứ liệu giản[sửa | sửa mã nguồn]

Về giáo lý của tông này thì một "công thức" được xem là quan trọng nhất, đó là Tứ liệu giản (zh. 四料簡, ja. shiryōken)—có thể dịch là "bốn phân biệt và chọn lựa". Chính sư Lâm Tế là người trình bày lý thuyết này trước đại chúng. sư dạy:

有時奪人不奪境
有時奪境不奪人
有時人境俱奪
有時人境俱不奪

Hữu thời đoạt nhân bất đoạt cảnh
Hữu thời đoạt cảnh bất đoạt nhân
Hữu thời nhân cảnh câu đoạt
Hữu thời nhân cảnh câu bất đoạt

Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh
Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân
Có khi nhân cảnh đều đoạt
Có khi nhân cảnh đều không đoạt.

Tứ liệu giản trình bày từng cấp bậc nhận thức nhìn theo chủ thể và khách thể, tương đối giống hình thái của Tứ cú phân biệt (sa. catuṣkoṭikā). Về phần nội dung thì công thức này tương ứng với thuyết Tứ pháp giới của tông Hoa Nghiêm. Trong hai cấp đầu tiên thì Ảo ảnh, Vô minh được vượt qua bằng hai phương cách: một là dựa vào chủ thể (subject)—ở đây được gọi là "nhân" và hai là nương theo khách thể (object), là "cảnh" là thế giới hiện hữu. Cấp thứ ba phủ nhận cả hai, cả chủ lẫn khách nhưng đặc biệt là sự khác biệt của hai vẫn còn tồn tại. Trạng thái phủ định này tương ưng với một tâm trạng tập trung tuyệt đối. Chỉ ở cấp thứ tư—khi tâm thức đã vượt qua thế giới nhị nguyên, chủ thể và khách thể không còn tồn tại—thì Chân như mới được nhận diện một cách tột cùng. Trong Lâm Tế lục, Lâm Tế giảng về Tứ liệu giản như sau (Như Hạnh dịch)[cần dẫn nguồn]:

Tăng hỏi: "Thế nào là 'Đoạt nhân không đoạt cảnh?'" sư đáp:

煦日發生鋪地錦
嬰孩垂髮白如絲

Hú nhật phát sinh phô địa cẩm
Anh hài thuỳ phát bạch như ti

Mặt trời ấm hiện phô gấm vóc
Trẻ thơ rũ tóc trắng như tơ.

Tăng hỏi: "Thế nào là 'Đoạt cảnh không đoạt nhân?'" sư đáp:

王令已行遍天下
將軍塞外絕煙塵

Vương lệnh dĩ hành biến thiên hạ
Tướng quân tái ngoại tuyệt yên trần

Lệnh vua đã hành khắp thiên hạ
Tướng quân ngoài ải dứt khói bụi.

Tăng hỏi: "Thế nào là 'Nhân cảnh đều đoạt?'" sư đáp:

並汾絕信。獨處一方

Tịnh Phần tuyệt tín, độc xử nhất phương

Tịnh Phần bặt tin tức, một mình ở một nơi.

Tịnh Phần là tên của hai miền đất nằm xa nhau.

Tăng hỏi: "Thế nào là 'Nhân cảnh đều không đoạt?'" sư đáp:

王登寶殿。野老謳歌

Vương đăng bảo điện, dã lão âu ca

Vua bước lên ngai, lão quê ca hát.

Thiền công án, thoại đầu[sửa | sửa mã nguồn]

Xem tại: Công án , Thiền công án, thoại đầu

Truyền thừa[sửa | sửa mã nguồn]

1/ Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền

2/ Thiền sư Tam Thánh Huệ Nhiên

2/ Thiền sư Ngụy Phủ Đại Giác

2/ Thiền sư Hưng Hóa Tồn Tưởng

3/ Thiền sư Nam Viện Huệ Ngung

4/ Thiền sư Phong Huyệt Diêu Chiểu

5/ Thiền sư Thủ Sơn Tỉnh Niệm

6/ Thiền sư Diệp Huyện Quy Tỉnh

7/ Thiền sư Phù Sơn Pháp Viễn

6/ Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu

7/ Thiền sư Lang Da Huệ Giác

7/ Thiền sư Thạch sương Sở Viên

8/ Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam - Tổ sáng lập Hoàng Long Phái

9/ Thiền sư Chân Tịnh Khắc Văn
10/ Thiền sư Giác Phạm Huệ Hồng
10/ Thiền sư Đâu Suất Tùng Duyệt
9/ Thiền sư Hối Đường Tổ Tâm
10/ Thiền sư Tử Tâm Ngộ Tân
10/ Thiền sư Linh Nguyên Duy Thanh
15/ Thiền sư Hư Am Hoài sưởng
16/ Thiền sư Minh Am Vinh Tây -> Truyền Lâm Tế Tông - Hoàng Long Phái vào Nhật Bản

8/ Thiền sư Dương Kỳ Phương Hội - Tổ sáng lập Dương Kỳ Phái

9/ Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan

10/ Thiền sư Ngũ Tổ Pháp Diễn

11/ Thiền sư Khai Phúc Đạo Ninh

14/ Thiền sư Nguyệt Lâm sư Quán
15/ Thiền sư Vô Môn Huệ Khai
16/ Thiền sư Tâm Địa Giác Tâm -> Truyền Lâm Tế Tông vào Nhật Bản

11/ Thiền sư Thanh Viễn Phật Nhãn

11/ Thiền sư Huệ Cần Phật Giám

11/ Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần

12/ Thiền sư Huệ Viễn Hạt Đường

13/ Thiền sư Duệ Sơn Giác A -> Người đầu tiên truyền Lâm Tế Tông vào Nhật Bản
13/ Thiền sư Tế Điên Đạo Tế

12/ Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (Đại Huệ Phái)

13/ Thiền sư Chuyết Am Đức Quang (Phật Chiếu)
14/ Thiền sư Vô Tế Liễu Phái
14/ Thiền sư Chiết Ông Như Diễm
14/ Thiền sư Đại Xuyên Phổ Tế
14/ Thiền sư Hối Nham Trí Chiêu
14/ Thiền sư Yển Khê Quảng Văn
15/ Thiền sư Vân Phong Diệu Cao
15/ Thiền sư Khô Nhai Viên Ngộ
14/ Thiền sư Bắc Giản Cư Giản
15/Thiền sư Vật Sơ Đại Quan
16/ Thiền sư Hối Cơ Nguyên Hi
17/ Thiền sư Đông Dương Đức Huy
18/ Thiền sư Trung Nham Viên Nguyệt (Chuugan Engetsu) -> Truyền Lâm Tế Tông vào Nhật Bản
17/ Thiền sư Tiếu Ẩn Đại Hân
18/ Thiền sư Quý Đàm Tông Lặc
18/ Thiền sư Đông Truyền Chính Tổ (Tôden Seiso) -> Truyền Lâm Tế Tông vào Nhật Bản
18/ Thiền sư Giác Nguyên Huệ Đàm
19/ Thiền sư Bảo Nham Tịnh Giới
14/ Thiền sư Tàng Tẩu Thiện Trân
15/ Thiền sư Nguyên Tẩu Hành Đoan
16/ Thiền sư Sở Thạch Phạm Kỳ
16/ Thiền sư Mộng Đường Đàm Ngạc
17/ Thiền sư Đại Tông Tâm Thái
16/ Thiền sư Ngu Am Trí Cập
17/ Thiền sư Độc Am Hành Diễn

12/ Thiền sư Hổ Khâu Thiện Long (Hổ Khâu Phái)

13/ Thiền sư Ứng Am Đàm Hoa

14/ Thiền sư Hòa Sơn Tâm Giám

14/ Thiền sư Mật Am Hàm Kiệt

15/ Thiền sư Tùng Nguyên Sùng Nhạc (Phái Tùng Nguyên)

16/ Thiền sư Vô Minh Huệ Tính
17/ Thiền sư Lan Khê Đạo Long - Truyền Tông Lâm Tế vào Nhật Bản
16/ Thiền sư Vân Am Phổ Nham
17/ Thiền sư Hư Đường Trí Ngu
18/ Thiền sư Nam Phố Thiệu Minh - Truyền Tông Lâm Tế vào Nhật Bản, đây là dòng truyền thừa Lâm Tế lớn nhất tại Nhật Bản hiện nay.

15/ Thiền sư Tào Nguyên Đạo Sinh (Phái Tào Nguyên)

16/ Thiền sư Si Tuyệt Đạo Trùng
17/ Thiền sư Ngoan Cực Hành Di
18/ Thiền sư Nhất Sơn Nhất Ninh - Truyền Tông Lâm Tế sang Nhật

15/ Thiền sư Phá Am Tổ Tiên (Phái Phá Am)

16/ Thiền sư Vô Chuẩn Sư Phạm

17/ Thiền sư Đoạn Kiều Diệu Luân

18/ Thiền sư Phương Sơn Tuệ Bảo
19/ Thiền sư Vô Kiến Tiến Đổ
20/ Thiền sư Bạch Vân Không Độ
21/ Thiền sư Cổ Chuyết Nguyên Hậu
22/ Thiền sư Vô Tế Minh Ngộ
23/ Thiền sư Nguyệt Khê Diệu Trừng
24/ Thiền sư Di Phong Kính Ninh
25/ Thiền sư Đột Không Trí Bản -> Trí Bản phái
26/ Thiền sư Tuệ Hải Vô Tẫn
30/ Thiền sư Đức Thiền Nhân Hội - Đại sư Tăng Đà Đà
31/ Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết -> Truyền Lâm Tế Tông vào Miền Bắc Việt Nam
26/ Thiền sư Tuệ Hiếu Dã Ông
53/ Thiền sư Thiện Từ Thường Khai
54/ Thiền sư Đức Thanh Diễn Triệt (Hòa Thượng Hư Vân)
23/ Thiền sư Bảo Nguyệt Đàm
24/ Thiền sư Mặc Đường Tuyên
25/ Thiền sư Cát Am Tộ
26/ Thiền sư Thiên Ninh Đạo Tế
27/ Thiền sư Vân Cốc Pháp Hội
28/ Thiền sư Hám Sơn Đức Thanh (Hám Sơn Đại sư)

17/ Thiền sư Vô Học Tổ Nguyên - Truyền Tông Lâm Tế sang Nhật

17/ Thiền sư Ngột Am Phổ Ninh - Truyền Tông Lâm Tế sang Nhật

17/ Thiền sư Hoàn Khê Duy Nhất - Truyền Tông Lâm Tế sang Nhật

17/ Thiền sư Tuyết Nham Tổ Khâm

18/ Thiền sư Cập Am Tông Tín

19/ Thiền sư Thạch Ốc Thanh Củng
20/ Thiền sư Thái Cổ Phổ Ngu -> Truyền Lâm Tế Tông vào Triều Tiên
20/ Thiền sư Bạch Vân Cảnh Nhàn -> Truyền Lâm Tế Tông vào Triều Tiên
19/ Thiền sư Bình Sơn Sử Lâm
20/ Thiền sư Lãn Ông Huệ Cần -> Truyền Lâm Tế Tông vào Triều Tiên

18/ Thiền sư Cao Phong Nguyên Diệu

19/ Thiền sư Trung Phong Minh Bản

20/ Thiền sư Thiên Như Duy Tắc

20/ Thiền sư Thiên Nham Nguyên Trường

21/ Thiền sư Vạn Phong Thời Ủy

22/ Thiền sư Bảo Tạng Phổ Trì

23/ Thiền sư Đông Minh Huệ Sâm

24/ Thiền sư Hải Chu Phổ Từ

25/ Thiền sư Bảo Phong Minh Tuyên

26/ Thiền sư Thiên Kỳ Bản Thụy

27/ Thiền sư Vô Văn Minh Thông

28/ Thiền sư Tiếu Nham Đức Bảo

29/ Thiền sư Vân Thê Châu Hoằng (cũng là tổ thứ 8 của Tịnh Độ Tông Trung Quốc)

29/ Thiền sư Huyễn Hữu Chính Truyền

30/ Thiền sư Thiên Ẩn Viên Tu (Phái Khánh Sơm)

31/ Quốc sư Ngọc Lâm Thông Tú (Phái Sư Tử)
32/ Thiền sư Ngưỡng Khê Hành Sâm
31/ Thiền sư Nhược Am Thông Vấn
32/ Thiền sư Thiên Trúc Hành Trân
33/ Thiền sư Vô Am Siêu Cách
34/ Thiền sư Già Lăng Tính Âm

30/ Thiền sư Ngữ Phong Viên Tín

31/ Thiền sư Dụng Chu Thủy Nguyệt

30/ Thiền sư Mật vân Viên Ngộ (Phái Thiên Đồng)

31/ Thiền sư Lâm Dã Thông Kỳ
32/ Thiền sư Duy Tĩnh Đạo An
33/ Thiền sư Tế Luân Siêu Vĩnh
31/ Thiền sư Phí Ẩn Thông Dung
32/ Thiền sư Ẩn Nguyên Long Kỳ -> Tổ sáng lập Hoàng Bá Tông tại Nhật Bản
31/ Thiền sư Mộc Trân Đạo Mân
32/ Thiền sư Tuyết Hữu Chân Phác
33/ Thiền sư Đại Xa Như Trường
34/ Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung -> Truyền Tông Lâm Tế vào miền Trung Việt Nam
35/ Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán - Tổ sáng lập dòng Thiền Liễu Quán

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Tức là người đệ tử tu học Thiền đạt được sự khai ngộ, người thầy xác nhận sự ngộ ấy là đúng.
  • Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
  • Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
  • Dumoulin, Heinrich:
Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.
Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán