Ngũ Tổ Pháp Diễn
Ngũ Tổ Pháp Diễn 五祖法演 | |
---|---|
Tông phái | Lâm Tế Tông |
Cá nhân | |
Sinh | 1024 |
Mất | 1104 |
Chức vụ | |
Chức danh | Thiền sư |
Tiền nhiệm | Bạch Vân Thủ Đoan |
Kế nhiệm | Viên Ngộ Khắc Cần Thanh Viễn Phật Nhãn Huệ Cần Phật Giám Khai Phúc Đạo Ninh |
Hoạt động tôn giáo | |
Sư phụ | Bạch Vân Thủ Đoan |
Đồ đệ | Viên Ngộ Khắc Cần Thanh Viễn Phật Nhãn Huệ Cần Phật Giám Khai Phúc Đạo Ninh |
Ngũ Tổ Pháp Diễn (zh: 五祖法演; ja. Goso Hōen; ~ 1024-1104) là một Thiền sư thuộc Lâm tế Tông đời thứ 10, phái Dương Kỳ. Sư là đệ tử nối pháp của Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan. Dưới sư có nhiều đệ tử nối pháp làm tông môn Lâm Tế về sau được hưng thịnh, nổi bật nhất là các vị thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần (Phật Quả), Thanh Viễn Phật Nhãn, Huệ Cần Phật Giám và Khai Phúc Đạo Ninh (Thiền sư Vô Môn Huệ Khai, tác giả tập Vô môn quan thuộc dòng pháp của vị này).
Cơ duyên[sửa | sửa mã nguồn]
Sư họ Đặng, sinh năm Giáp Tý (1024) tại Ba Tây, Miên Châu (Miên Dương, Tứ Xuyên). Năm 35 tuổi, Sư xuất gia thọ giới Cụ túc, sau đó đến Thành Đô học luận Bách Pháp và Duy thức tông. Nhân một hôm nghe vị pháp sư giảng giáo nghĩa của Pháp tướng tông, sư thắc mắc hỏi pháp sư, vị pháp sư không trả lời được nên chỉ Sư đến phương Nam yết kiến các vị thiền sư.
Sư đến yết kiến Thiền sư Viên Chiếu Tông Bản (Tông Vân Môn) liền có hiểu về chổ nghi ngày trước. Sư xem công án Tăng hỏi Thiền sư Hưng Hóa Tồn Tưởng, liền tự khởi nghi tình, đến hỏi Thiền sư Viên Chiếu. Sư Viên Chiếu chỉ sư tới tham học với các thiền sư Lâm Tế tông.
Kế đến sư tham vấn Thiền sư Phù Sơn Pháp Viễn (Tông Lâm Tế). Đem chổ nghi ngày trước hỏi, Thiền sư Pháp Viễn nói: "Ta có một thí dụ nói tương tợ cho ông. Ông giống như kẻ bán củi trong ba thôn, gánh một gánh đến chữ thập (+) đầu đường đứng hỏi người, ở trong nhà ngày nay thương lượng việc gì?". Sau Thiền sư Pháp Viễn thấy mình đã già, không còn đủ sức dạy chúng nên chỉ Sư qua yết kiến Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan.
Tới pháp hội của Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan, Sư chuyên cần tinh tấn tham Thiền. Một hôm đến tham vấn liền được đại ngộ. Công án như sau:
Một hôm Sư nhắc vị Tăng hỏi Nam Tuyền về châu ma-ni để thưa hỏi. Bạch Vân liền nạt. Sư lãnh ngộ bèn làm kệ:
山 前 一 片 閑 田 地 Sơn tiền nhất phiến nhàn điền địa Trước non một mảnh nhàn điền địa
叉 手 叮 嚀 問 祖 翁 Xoa thủ đinh ninh vấn tổ ông Tay chấp tận tình hỏi Tổ ông
幾 度 賣 來 還 自 買 Kỷ độ mãi lai hoàn tự mại Mấy độ bán ra rồi mua lại
為 憐 松 竹 引 清 風 Vi lân tùng trúc dẫn thanh phong Vì thương tùng trúc dẫn gió lành.
Sư được Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan ấn khả và đảm nhận công việc trồng gai trong chùa. Sau đó, sư tiếp tục tham cứu nghi tình mới được đại ngộ triệt để:
Một hôm, Thiền sư Thủ Đoan đến bảo Sư:
- Có một số Thiền khách từ Lô Sơn đến đều có chỗ ngộ nhập, bảo y nói cũng nói được rõ ràng, cử nhân duyên hỏi y cũng hiểu được, bảo y hạ ngữ cũng hạ được, chỉ là chưa hiện tiền.
Khi ấy Sư khởi nghi, thầm nghĩ: "Đã ngộ rồi nói cũng nói được, rõ cũng rõ được, tại sao chưa hiện tiền?" Sư chuyên tâm tham cứu nhiều ngày, bỗng nhiên khai ngộ, kiến giải trước kia đều dứt sạch, chạy đến yết kiến Bạch Vân. Bạch Vân dùng tay múa chân đạp. Sư chỉ một cái cười mà thôi. Sau Sư thượng đường nói:
- Tôi nhân đây khắp thân xuất mồ hôi, liền rõ được dưới chỗ gió lành.
Đầu tiên sư đến hoằng pháp tại chùa Tứ Diện, sau dời về núi Bạch Vân và cuối cùng trụ trì núi Ngũ Tổ ở Đông Sơn nên người đời gọi Sư là Ngũ Tổ Pháp Diễn.
Niên hiệu Sùng Ninh thứ 3, triều vua Tống Huy Tông nhà Bắc Tống, Giáp Thân (1104), ngày 25 tháng 6, Sư thượng đường từ biệt chúng:"Hòa thượng Triệu Châu có câu rốt sau, các ông làm sao lãnh hội, thử ra nói xem? Nếu lãnh hội được chẳng ngại sống thong dong tự tại, bằng chưa được thế, việc tốt này làm sao nói?" Sư im lặng giây lâu nói: "Nói thì nói rồi, chỉ là các ông chẳng biết. Cần hiểu chăng? Giàu hiềm ngàn miệng ít, nghèo hận một thân nhiều. Trân trọng!" Sư rời pháp tòa về trượng thất tắm gội sạch sẽ, nằm tướng cát tường rồi thị tịch.
Pháp ngữ của sư được đệ tử biên soạn trong cuốn cuốn " Pháp Diễn Thiền Sư Ngữ Lục "
Pháp ngữ[sửa | sửa mã nguồn]
"Hôm qua Sơn tăng vào thành thấy một hàng rào trong là người gỗ, liền lại gần xem, hoặc thấy đẹp đẽ kỳ lạ, hoặc thấy xấu xa vô kể, chuyển động đi ngồi xanh vàng đỏ trắng mỗi mỗi thấy rõ, khi xem kỹ vốn là miếng vải xanh bọc lại ở trong có người. Lão tăng không thể chịu nổi, bèn đến hỏi ông tên gì, kia nói: Hòa thượng già xem là xong, hỏi tên làm gì? Đại chúng! Lão tăng bị kia hỏi một câu khiến cho không lời có thể đáp không lý có thể bày. Lại có người vì Sơn tăng nói được chăng? Hôm qua trong ấy rơi cành, ngày nay trong đây nhổ gốc."
"Chân như phàm thánh đều là lời mộng, Phật và chúng sanh đều là Tăng ngữ. Hoặc có người ra nói: Lão Bàn Sơn ghê! Chỉ nói với y: Chẳng nhân Tử Bá hoa nở sớm, đâu được hoàng oanh đậu liễu tơ. Nếu lại hỏi rằng: Lão Ngũ Tổ ghê! Tự bảo: Vâng! Tỉnh tỉnh lấy."
"Một bề thế ấy đi, lộ vắng người thưa, một bề thế ấy đi, cô phụ thánh trước, bỏ hai lối này Tổ Phật không thể gần, giả sử cùng Bạch Vân đồng sanh đồng tử cũng chưa xứng bình sanh. Sao vậy? Phụng Hoàng chẳng phải phàm phu vật, chẳng được ngô đồng thệ chẳng nương."
Công án[sửa | sửa mã nguồn]
Sư là nhân vật chính trong công án thứ 37: " Con trâu qua cửa " thuộc tập Vô Môn Quan của Thiền Sư Vô Môn Huệ Khai. Trong Thiền Lâm Tế tại Nhật, người ta xếp Công án này vào loại " Nan Thấu Công Án", tức là các công án rất khó lĩnh hội vì những sự đối nghịch ngay trong trường hợp được trình bày.
Trích nguyên bản trong Vô Môn Quan (do tác giả Trần Tuấn Mẫn dịch):
Cử: Ngũ tổ Diễn nói: -Tỷ như con trâu qua cửa, đầu, sừng, 4 chân đều qua, tại sao cái đuôi lại không qua được.
Bình: Nếu các ông mở một con mắt mà hiểu được chỗ này, hạ được một chuyển ngữ thì có thể trên báo tứ ân, dưới độ 3 cõi. Nếu chưa thì phải để ý đến cái đuôi này.
Tụng:
過 去 墮 坑 塹 Quá khứ đọa khanh tiệm Quá bước lọt hố
回 來 卻 被 壞 Hồi lai khước bị hoại Lùi lại hại thân
者 些 尾 巴 子 Giả ta vĩ ba tử Cái đuôi trâu đó
直 是 甚 奇 怪 Trực thị thậm kỳ quái. Có thấy lạ chăng ?
Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]
- Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
- Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
- Dumoulin, Heinrich:
- Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.
- Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986
- Vô Môn Quan, Thiền Sư Vô Môn Huệ Khai, Trần Tuấn Mẫn dịch Việt.